Hiện tại dân số nội bộ Long Kinh đã sớm vượt quá ba trăm triệu người, mà con số ấy còn đang tăng rất nhanh. Trong ba trăm triệu người này, phần lớn đều có tu vi cao.
Lý Mai đi cùng Ngô Bình nên không bị cản trở gì, dù sao trong tay anh cũng có thẻ bài của thủ lĩnh cấm quân.
Cả hai đến một trong những khu vực sầm uất nhất Long Kinh. Đất ở đây vô cùng đắt đỏ, một căn nhà đã có giá cả trăm triệu tiền báu.
Tìm kiếm một hồi, Lý Mai nhìn thấy một cửa hàng đang được bán lại, cô ấy lập tức bảo Ngô Bình đến đó xem thử.
Đi đến trước cửa hàng, chủ cửa hàng đang ngồi bên trong hướng dẫn tạp dịch kiểm kê hàng. Nhác thấy Ngô Bình, ông ta hỏi: “Xem cửa hàng hay mua lọ đan?”
Hoá ra đây là cửa hàng chuyên bán lọ đựng đan dược. Đan dược luyện chế phải được bảo quản trong lọ chuyên dụng mới có thể kéo dài công hiệu. Nếu không, đan dược rất dễ thất bại, gây ra tổn thất.
Ngô Bình hỏi: “Ông chủ muốn bán cửa hàng à? Giá bao nhiêu vậy?”
Ông chủ đáp: “Nếu anh muốn mua thì cả cửa hàng và hàng hoá ở đây có giá tổng cộng là ba phẩy bảy tỷ tiền báu”.
Ngô Bình hỏi: “Cửa hàng có giá bao nhiêu, lọ đan có giá bao nhiêu?”
Ông chủ nói: “Cửa hàng là một phẩy tám tỷ, lọ đan khoảng hai tỷ”.
Ngô Bình lấy một chiếc lọ lên xem. Anh là thầy luyện đan nên rất quen thuộc với lọ đan: “Loại lọ này chỉ có hạn sử dụng khoảng mười năm, không đáng ngần ấy tiền”.
Ông chủ bảo: “”Đừng xem nó nữa, trong này có lọ đã bảo quản đan dược một trăm, một nghìn năm rồi đấy”.
Ngô Bình nói: “Thế tôi không xem nữa. Tôi có thể chấp nhận giá này của ông, nhưng có một điều kiện, ấy là ông phải giao cho tôi kênh nhập hàng của số lọ đan này”.
Ông chủ cười bảo: “Có gì khó đâu? Hàng của tôi đều nhập từ nước Ngọc Bình. Anh chỉ cần đi là biết nơi đó chuyên sản xuất lọ đan ngay”.
Ngô Bình hỏi: “Có phải quốc gia nào cũng sản xuất loại lọ này không?”
Ông chủ gật đầu: “Sản xuất lọ đan là một ngành công nghiệp khổng lồ, sử dụng hơn một trăm loại vật liệu quý, kỹ thuật sản xuất cũng rất phức tạp, còn dùng cả phù văn, khắc chữ, vân vân”.
Thật ra Ngô Bình rất cần loại lọ đan này. Bình thường anh đều mua lọ trên mạng Tiên, bèn hỏi: “So với hàng trên mạng Tiên, lọ đan của nước Ngọc Bình có sức cạnh tranh không?”
Ông chủ đáp: “Dĩ nhiên là có. So về phẩm chất và giá cả, hàng của nước Ngọc Bình luôn hơn một bậc. Mà hàng trên mạng Tiên có ba mươi phần trăm là hàng do thương nhân nhập từ nước Ngọc Bình đấy”.
Ngô Bình gật gù: “Vậy thì tốt”.
Hai bên rất thẳng thắn, Ngô Bình trả ba phẩy bảy tỷ, đối phương giao cửa hàng cho anh.
Trong lúc trao đổi, Ngô Bình mới biết ông chủ này không hề muốn bán cửa hàng, với thân phận hiện giờ của ông ấy, đã không còn quyền vận hành cửa hàng ở đây nữa.
Hoá ra, nước Long vừa ban hành chế độ phân loại cấp bậc công dân. Ở nước Long, cấp thấp nhất là tiện dân. Tiện dân gần như không có quyền lợi gì, giết chết tiện dân cũng không phạm pháp, chỉ cần bồi thường một chút tiền cho người nhà là được. Tiện dân chỉ có thể làm những ngành nghề thấp kém nhất, chẳng hạn như vận chuyển phân, đào cống rãnh, đốt than, xuống giếng mỏ, khuân vác, vân vân.
Lai lịch của tiện dân thường là con cháu của những người dân bản địa đã phản kháng của các vùng đất bị chinh phục. Một người đã trở thành tiện dân thì sẽ không bao giờ trở mình được.
Xếp trên tiện dân là thường dân. Thường dân có quyền lợi, nhưng vẫn thuộc tầng lớp ở đáy xã hội. Thường dân có thể kinh doanh nhỏ và tham gia vào các công việc nặng nhọc, nguy hiểm, chẳng hạn như thợ xây, nhân viên giặt là, tạp dịch cấp thấp, đánh xe ngựa, bồi bàn, thợ rèn, vân vân.
Trên thường dân chính là quý tộc. Trong quý tộc, quý tộc hạng nhất là cao quý nhất, đa số là vương công đại thần. Ví dụ như Ngô Bình là chức thủ lĩnh cấm quân, thân phận của anh chính là quý tộc hạng nhất.
Xếp trên quý tộc có vương tộc, thường là Vương được phân phong ở các nơi và các quyền thần của nước Long. Quyền thần của nước Long hầu như đều có Vương tước.