Ngô Bình vừa tiếp đất đã phát hiện gần đó có hai đôi mắt hệt như dã thú đang nhìn chằm chằm vào mình. Ngay sau đó là hai con dao sắc bén đâm về phía anh không một tiếng động.
Đôi mắt của Ngô Bình có thể nhìn trong đêm. Anh lạnh lùng hừ giọng, vươn tay túm chặt một trong hai lưỡi dao, đồng thời vung chân đá bay người còn lại.
Người bị đá gào lên thảm thiết rồi văng ra mấy mét, rơi xuống đất rồi ngất đi. Còn người đang bị anh giữ dao thì kinh ngạc, cố gắng giật lại con dao nhưng bất thành.
Tim đánh “thịch” một cái, anh ta dứt khoát buông tay rồi nhanh chóng lùi lại.
Nhưng không kịp nữa. Ngô Bình vứt dao đuổi theo, bóp cổ đối phương. Anh ta lập tức mềm nhũn, hét to: “Anh hùng, xin tha mạng!”
Ngô Bình ném mạnh người này xuống đất. Đá sỏi sắc nhỏ dưới đất đâm vào da khiến anh ta không ngừng đau đớn thét lên.
“Vì sao lại giết tôi?”, anh lạnh lùng hỏi.
Người này vội vàng đáp: “Anh hùng, chúng tôi đã không có gì vào bụng nhiều ngày lắm rồi, chỉ muốn bắt một con ‘cừu hai chân’ về ăn thôi, nào ngờ lại gặp phải anh. Xin anh hùng tha mạng!”
Ngô Bình lập tức hiểu ra, giận dữ nói: “Các người ăn thịt người?”
Anh ta trả lời: “Anh hùng à, ở đây là địa ngục, người có năng lực yếu kém chẳng có gì để ăn cả. Chúng tôi cùng đường rồi mới dùng đến hạ sách này”.
Ngô Bình đưa mắt nhìn quanh mới phát hiện cách đó không xa có một đống xương trắng, là xương của những người bị ăn thịt!
Anh lạnh mặt hỏi: “Anh tên gì?”
“Tôi là Lưu Trường Hưng”, đối phương vội vàng đáp.
Ngô Bình hỏi tiếp: “Anh đến nhà giam dưới lòng đất này bao lâu rồi?”
“Tôi ở đây hơn một năm rồi”, anh ta nói.
Ngô Bình bảo: “Anh đã ở đây hơn một năm, chắc hẳn rất thông thuộc nơi này. Dẫn đường đi!”
Lưu Trường Hưng ngoan ngoãn đi trước dẫn đường. Anh ta sống trong bóng tối đã lâu, tuy nhìn không rõ lắm nhưng biết nên đi theo hướng nào.
Đi được một đoạn, con đường trở nên bằng phẳng hơn. Mặt đất trải đầy gạch đá dày cộm, trên gạch đá còn khắc hoa văn kỳ lạ. Ngoài ra còn có ánh sáng yếu ớt chiếu xuống từ trên đỉnh.
Ngô Bình nhận ra nơi này là một quảng trường rộng lớn, ít nhất phải mấy mươi nghìn mét vuông, có hàng trăm cột đá lớn được dựng lên. Nhìn lên đỉnh là một mái vòm khổng lồ với những bức bích hoạ cổ xưa.
Anh ngắm nghía bích hoạ, nhận thấy phong cách không giống thời Tiên quốc, có lẽ còn xưa hơn, thuộc thời kỳ trước Tiên quốc.
Đi thêm mấy chục mét về phía trước, anh thấy mười ba cổng vòm bằng đá, đen kìn kịt. Sau mỗi cánh cổng là một lối đi rất dài, không biết thông đến nơi nào.
Ngô Bình dừng lại, hỏi tiếp: “Lưu Trường Hưng, mười ba cánh cổng này dẫn đến những đâu?”
Lưu Trường Hưng vội vàng đáp: “Bảy cổng đầu tiên đã từng được khám phá, tuy có nguy hiểm, nhưng người ta đã có hiểu biết đại khái về tình hình bên trong. Sáu cổng còn lại cũng từng có người đi vào nhưng chưa có ai sống sót trở ra, được xem là cấm địa, không ai dám vào”.
Ngô Bình hỏi: “Toàn bộ người bị giam ở đây đều sống ở bảy cổng đầu tiên?”
Lưu Trường Hưng trả lời: “Thưa anh, trong bảy cánh cổng đầu tiên, có cổng đã được khám phá hết, có cổng chỉ mới khám phá một phần, có cổng vừa được khám phá thôi. Bây giờ phần lớn đều sống ở sau cổng thứ nhất đến cổng thứ năm”.