Mục lục
[Dịch] Ở Rể (Chuế Tế)
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:



Mây trên trời kéo từng dải mềm mại trắng xốp như bông, tựa những vảy cá nho nhỏ, ánh mặt trời buổi chiều từ phía chân trời vẫn xuyên tầng mây nhuộm đẫm sắc vàng, bầy chim nhỏ bay qua bầu trời trên mặt hồ. Tây Hồ sóng nước lặng im, Tiểu Doanh Châu nằm giữa, đây là khu lâm viên trên mặt nước đẹp nhất, cây cối xanh um phủ dọc những triền đê xung quanh, có lương đình nằm trên khúc kiều, bốn phía đê đoàn người tụ tập, sen dưới hồ nở rộ, từng đóa xòe ra những cánh màu hồng phấn xinh tươi.

Chính giữa Tiểu Doanh Châu là chùa Bảo Ninh, cũng có đôi người còn dư chút thời gian, vào dâng hương lễ Phật.

Lề lối này đời sau chẳng còn thấy nữa.

Từng chiếc thuyền lầu thuyền hoa vây quanh một bên Tiểu Doanh Châu như một vầng trăng lưỡi liềm, chiếc thuyền lớn nhất ở ngay chính giữa lúc này đã có không ít người tụ tập. Dựa theo thủ tục như mấy lần trước, khoảng chừng giờ Thân, mọi người bắt đầu kiếm chỗ ổn định trên thuyền, sau đó Tri phủ đại nhân trò chuyện dăm câu, mấy ông lão cũng nói vài lời, tiếp theo mọi người giao lưu đàm luận, dưới ánh tà dương rực rỡ, các đầu bếp từ Phúc Khánh lâu dâng lên những món ăn đẹp đẽ tinh tế, ăn no uống say, ngâm thơ làm phú, buổi tối thì thưởng thức cảnh đêm, thả hoa đăng xuống hồ, quy trình cơ bản chính là như vậy.

Lúc này vẫn còn chút thời gian nhàn rỗi trước lúc mọi người phải lên thuyền, trên thực tế, giờ Thân là tính từ ba giờ đến năm giờ chiều theo cách tính giờ hiện đại, mà thời điểm mọi người chính thức vào chỗ, tri phủ và các quan khách xuất hiện thường là khoảng giờ Thân bốn khắc, tức là tầm bốn giờ chiều (1). Trước lúc đó, những nhân vật như Tri phủ Hàng Châu Lục Thôi Chi, đại nho Tiền Hi Văn, Mục Bá Trường, Thang Tu Huyền sẽ tiếp đón lẫn nhau, hoặc là âm thầm quan sát vài người, xem thử lợi ích qua lại thế nào, nặng nhẹ nông sâu, chỉ không nói với người ngoài mà thôi.

Hội thơ Lập Thu ở thành Hàng Châu này bắt nguồn từ trận đại hạn năm Cảnh Hàn thứ ba triều Vũ, một dịp quyết định rất nhiều chuyện cả công khai lẫn âm thầm. Đương nhiên, đối với những người mới đến Hàng Châu năm nay, những người tham dự kiểu như vợ chồng Ninh Nghị, cho dù có năng khiếu cao cỡ nào cũng khó có thể biết được nội dung trong đó, sau này cũng không có cơ hội hiểu được những nội dung này là vì sao.

Hội thơ vào năm Cảnh Hàn thứ chín này cũng không phải là lần cuối cùng được tổ chức.

Sau đó, trong thời gian diễn ra hội thơ lần này đột nhiên phát sinh chuyện kia, khiến cho mọi người không kịp trở tay thay quần áo, chấn động toàn bộ vùng đông nam. Đương nhiên, trong thời gian trước mắt thì tất cả mọi người vẫn làm những chuyện như ngày thường họ vẫn làm, chờ đợi đón nhận những chuyện đương nhiên sẽ xảy đến. Dưới bóng cây trên triền đê, thiếu nữ đánh đàn lướt tay dạo phím, dịu dàng cất tiếng hát, để tiếng gió mang theo giọng hát ngọt ngào của nàng bay khắp hòn đảo nhỏ xinh đẹp này.

Trên thuyền của Tiền gia, Tiền Hi Văn vừa mới gặp gỡ con cháu của Thường gia, lúc này đang nói chuyện với quản gia của mình, hỏi dò một đôi câu về chuyện liên quan tới vợ chồng Ninh Nghị, lão gửi thiếp mời cho Ninh Nghị, lúc trước cũng có hỏi dò Lâu Cận Lâm dăm ba câu về chuyện liên quan tới tiểu thư Tô gia và Ninh Nghị. Nếu như bây giờ Ninh Nghị tới bái phỏng thì lão sẽ cho gặp ngay, nhưng nghe người ta nói là vợ chồng Ninh Nghị đến lâu rồi, vậy mà chưa thấy lên thuyền cầu kiến, đúng là có khiến lão phải cân nhắc trong lòng, lập tức mỉm cười, để Tiền Dũ ra ngoài gọi thêm mấy người khác vào trong ngồi trò chuyện.

Thực ra lão nổi tiếng nhất là về học vấn, ngày thường đi dạy học khắp nơi, trên lợi ích gia tộc, chỉ cầu đại thế đại đạo trung dung, người bên ngoài nếu cấp bách quá thì lão cũng có thể thông cảm nhưng trong lòng không hẳn là thích thú gì.

Mặt khác, vừa từ chỗ Tiền gia đi ra, gia chủ của họ Thường cũng bắt đầu qua bái phỏng mấy người Mục Bá Trường, Thang Tu Huyền, trên đường gặp rất nhiều người kéo lại chào hỏi, hàn huyên, y cũng lịch sự xã giao với từng người, khiến cho khu vực này trở thành trung tâm của đám đông, con đê này như bị tắc nghẽn ở cái đập nước này.

Những gia tộc lớn chân chính ở Hàng Châu, gia chủ đều là người có học vấn tinh thâm, dù sao thời điểm này chính thiên hạ của văn nhân, nếu không có truyền thống thơ văn của gia đình thì cũng khó có thể đạt được thành tựu thực sự. Đầu năm nay Thương Dư An của Thường gia qua đời, nhưng nhờ con cháu trong nhà xử lý khéo, cho nên lúc này Thường gia ở Hàng Châu không hề suy yếu. Bởi vì gia chủ hiện tại của Thường gia là con trai của Thường Dư An, mấy ông lão phải đối đãi với y như con cháu, hội thơ lần này, chỉ cần có quen biết, các trưởng bối đều ân cần hỏi han y, nếu là vãn bối ngang hàng thì ai cũng tưởng nhớ lại công lao của Thường công thuở trước, rồi thổn thức không thôi, sau đó trên yến tiệc, Tri phủ đại nhân tất cũng sẽ khó tránh nhắc lại chủ đề này, chỉ cần biết nắm bắt thời cơ, Thường gia đương nhiên sẽ trở thành nhân vật chính trong tiệc rượu lần này.

Trong mắt người ta, mấy thể loại hàn huyên trò chuyện này đại khái đều là kiểu nịnh nọt bợ đỡ cả, dưới bóng cây bên kia, trong làn gió ấm áp, cũng đã có vài thư sinh học trò áo mũ bảnh bao, phe phẩy quạt giấy, vừa nghe mấy cô nương lướt phím dạo đàn, vừa nhìn quanh ứng cảnh làm thơ, thỉnh thoảng có một bài, liền truyền ra xung quanh rất nhanh.

Bỏ neo giữa đông đúc thuyền hoa, trên chiếc thuyền của Lâu gia, Lâu Cận Lâm đang đi bái phỏng một ông lão, mặt mày cười tươi như hoa, nhưng trong lòng lại đang suy tư một vài chuyện vừa gặp. Lúc nãy ở trên hồ, thuyền của Tiền gia chủ động nhích lại gần, Tiền Hi Văn ra vẻ thân thiết mời lão qua nói chuyện, điều này khiến cho tâm tình của lão đến giờ vẫn còn hoài nghi.

Tiền gia với Lâu gia trước giờ không lui tới nhiều, đối phương là nhà có truyền thống thi thư, là đại địa chủ trấn giữ một phương, còn Lâu gia nhiều lắm là nhờ vào quan hệ ở trên quan trường, nên mới có thể đứng vào hàng ngũ những gia tộc lớn. Trong mắt nhiều người, địa vị hai nhà chỉ kém nhau có một lằn ranh, nhưng lão biết rằng khoảng cách một lằn ranh ấy, nếu như không có vận may cùng với sự nỗ lực không ngừng của vài ba thế hệ thì e là không thể vượt qua nổi. Tiền Hi Văn không lớn hơn lão nhiều lắm, nhưng nếu như gặp gỡ thì Lâu Cận Lâm vẫn phải gọi đối phương một tiếng Tiền công.

Vốn giữa hai nhà không có quá nhiều quan hệ, đối phương bỗng nhiên tiếp cận lại đây, tán gẫu đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, tuy lão cũng là người từng trải, kinh nghiệm nhiều năm, nhưng nhất thời cũng khó có thể hiểu rõ ý định đối phương là thế nào, rốt cuộc có ám chỉ thân cận gì đó hay không. Hay là bởi vì Thường Dư An qua đời, nên mấy ông già kia nhân vài chuyện gì đó mà chuẩn bị động thủ với Thường gia chăng? Giả như đến một thời điểm nào đó, những người kia thực sự nổi giận thì Lâu gia cũng phải nhìn hướng gió mà xoay, kiểu ám chỉ mập mờ lấp lửng này cũng có thể. Nhưng cho dù nghĩ thế nào thì vẫn cứ cảm thấy không khả thi cho lắm.

Trong lúc tán gẫu chuyện phiếm, Tiền Hi Văn cũng có nhắc tới chuyện của đôi vợ chồng Ninh Nghị và Tô Đàn Nhi, chỉ là trong lòng Lâu Cận Lâm dĩ nhiên sẽ không cho rằng đây là lý do Tiền Hi Văn nói chuyện với mình. Mối quan hệ của Lâu gia với Tô gia thực ra cũng chẳng khác gì tình hình của Lâu gia với Tiền gia, năm xưa quả có ý định hỏi cưới Tô Đàn Nhi cho Lâu Thư Hằng, cũng chỉ là thuần túy cảm thấy Tô Đàn Nhi có thể trở thành người nội trợ hiền thảo cho cậu con trai thứ của mình. Mặc dù như thế, nhưng lúc đó cũng đành phải mang tâm tình chịu thiệt, sau đó song phương cười ha hả coi như thôi, cũng là chuyện thường.

Lần này Tô Đàn Nhi với Ninh Nghị đến đây, cũng từng nhiệt tình chiêu đãi một lần, nhưng thực ra cũng chẳng có tâm tình gì đặc biệt, nhắc đến hôn ước lúc trước cũng chỉ đùa giỡn cho vui. Về phía Lâu Cận Lâm, không cảm thấy đôi vợ chồng này có điều gì kỳ lạ, đương nhiên Tô Đàn Nhi khá có năng lực, nhưng con gái mình cũng có vậy, hai đứa là bạn thân, cũng là chuyện riêng của chúng nó. Ninh Nghị xưng là đệ nhất tài tử Giang Ninh gì gì đó, nhưng giả sử con rể mình Tống Tri Khiêm đến Giang Ninh, tự xưng là đệ nhất tài tử Hàng Châu, có ai mà biết chứ, huống hồ với địa vị của lão, tài tử cũng chẳng phải là thân phận gì ghê gớm lắm.

Dùng danh nghĩa đệ nhất tài tử để tiếp cận đại nho như Tiền Hi Văn thì cũng không phải vấn đề gì to tát, nhưng cho dù cậu ta có là đệ nhất tài tử thật, thì cũng chẳng thể khiến Tiền Hi Văn phải nhọc công tự thân đến đây hỏi thăm về quan hệ của hai người được, bởi vậy, Lâu Cận Lâm cũng không để tâm đến vấn đề này.

Mà lúc này trong phòng khách của thuyền chính làm hội trường, một đám quan viên, học trò đang tụ tập trò chuyện, người cầm đầu dĩ nhiên là tri phủ Hàng Châu Lục Thôi Chi. Lục tri phủ này tính tình hiền hòa, chí ít thì ông ta cũng thích những người có vẻ ngoài không chịu gò bó, hiện tại không phải là nơi tập trung chính thức, mỗi người góp một câu nói chuyện rôm rả đến là vui vẻ. Một đám đàn ông tụ tập một chỗ, nếu không bàn về bóng đá thì cũng nói chuyện chính trị.

"...Chiến tranh phía bắc nổ ra, ta muốn xếp bút nghiên theo việc binh đao, tòng quân lên phía bắc, theo đoàn quân của thiên tử (2) đuổi Thát Đát, thu lại đất Yên Vân (3)..."

"...Lương huynh thật là có tấm lòng cao thượng, chỉ là bây giờ Kim Liêu đã khai chiến khá lâu rồi, nhưng chưa thấy tin tức về việc dùng binh từ kinh thành đến, có lẽ nào..."

"Tử Nhiên lo xa quá rồi, thực ra những ngày gần đây ở phía bắc đã chỉnh đốn lục quân (4), bây giờ lại có tin Tần tướng được phục chức về triều, đủ thấy năm xưa hoàng đế của chúng ta mưu tính sâu xa đến thế nào, vì việc này mà đã chuẩn bị tám năm trời ròng rã, tuyệt không đến mức đầu voi đuôi chuột đâu. Theo ta thấy, chỉ cần hơn tháng nữa thôi là có thể thấy rõ tình hình rồi..."

"...Xem ra triều đình chúng ta xuất binh, hẳn là cố ý chọn trước mùa thu hoạch, sau khi ra quân liền có lương thực mới, khỏi lo lương thực dự trữ không đủ ăn..."

"...Đất Tô Hàng chúng ta trước giờ là chốn màu mỡ phì nhiêu, nói vậy trách nhiệm phải nhập kho, vận chuyển cũng rất nặng, Tri phủ đại nhân phải vất vả rồi."

"...Chỉ tiếc vùng tây nam vẫn còn nạn thổ phỉ hoành hành, hơn nữa dạo này xem chừng có dấu hiệu càng nghiêm trọng hơn..."

"...Ài! Lời ấy của Trần huynh sai rồi, giặc Phương Tịch chỉ là cái họa nhỏ, theo như tại hạ thấy..."

Chỗ thì ồn ào sôi nổi, chỗ thì suy ngẫm trầm tư, những chuyện này chỉ là phần nhỏ xen vào cho náo nhiệt, trước hội thơ, những câu chuyện nho nhỏ bình thường ấy góp lại tạo thành cảnh đông vui trên Tiểu Doanh Châu.

Cùng thời điểm đó, Lâu Thư Hằng đang đứng trên bình đài nơi mép thuyền nhìn xuống, bình đài trên lầu hai của chiếc thuyền hoa này tương đối cao, từ trên này nhìn xuống, khắp vùng Tiểu Doanh Châu đều là cây cối um tùm tươi tốt, có thể nhìn thấy chùa Bảo Ninh thấp thoáng xa xa ở phía bên kia, vầng thái dương giữa trời đổ xuống những sợi vàng rực rỡ, chạm vào người gã, hơi nóng. Cũng bởi vì lý do này nên phần lớn đoàn người đều cùng nhau kéo về phía con đường mát mẻ bên dưới.

Lâu Thư Hằng mới thoát ra khỏi một đám người ca ngợi xưng tụng, lúc này bên cạnh không có ai, bỗng nhiên trong lòng lại dâng lên một cảm giác lưu luyến đặc biệt, cảm thấy những chuyện trước mắt thật tẻ nhạt.

Thực ra gã cũng thường hay có cảm giác như vậy... mà hầu như người nào cũng sẽ có giác như vậy, có điều gã có cảm giác này chủ yếu là bởi vì lúc nãy gã vừa mới gặp Tô Đàn Nhi.

Câu chuyện diễn ra như thế này.

Gã cùng mấy bằng hữu từ bên kia lại đây, gặp gỡ mọi người trong hội thơ, lúc đó thi hứng bộc phát bèn làm ngay một bài tại chỗ, phong cách làm thơ phóng khoáng tự do, sau khi nghĩ ra đọc liền một mạch. Phong cách của gã trước giờ vẫn được người ta tán thưởng là giống với phong cách thời Đường còn lưu lại, viết bao nhiêu năm nay, bài thơ này cũng có thể coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu. Chủ yếu không phải thơ từ mà là thần thái lúc làm thơ, tâm tình cùng với tài hoa phong lưu, làm thơ thì làm liền một mạch không phải dừng lại suy nghĩ, sau lúc đắc ý, gã cũng để ý thấy, lúc nãy khi mình làm thơ, Tô Đàn Nhi và một người con gái khác cũng ở bên cạnh đứng xem, cô gái kia hẳn là Văn Hải Oanh thê tử La Điền. Hai người rõ ràng là rất khâm phục gã.

Sau khi chào hỏi, đối phương liền bỏ đi.

Đây cũng là thái độ bình thường, mà với Lâu Thư Hằng, làm thơ xong có người ngưỡng mộ cũng là chuyện hết sức bình thường, không có gì lạ, lúc đó trong lòng gã cũng chẳng nghĩ gì hết, có điều sau khi đi lên đây uống nước, bên cạnh không có ai, trong lòng lại đột nhiên dâng lên cảm giác ấy.

Chủ yếu là liên quan đến dung mạo, nụ cười, năng lực trên thương trường của Tô Đàn Nhi, cả chuyện những ngày qua nàng chạy ngược chạy xuôi nữa. Thực ra gã cũng chẳng phải động tâm gì mấy với Tô Đàn Nhi, dù sao bắt bướm hái hoa bao nhiêu năm như vậy, cho dù Tô Đàn Nhi là mỹ nhân, nhưng so ra thì cũng chẳng phải thứ mà Lâu Thư Hằng chưa được thấy bao giờ, có điều những người con gái kia không độc lập giống như nàng, không có khí chất của nàng. Mà điểm trọng yếu nhất là, hơn tháng trước phụ thân đùa giỡn, bảo:

"Lúc trước Tô cô nương suýt chút nữa thành thê tử của con rồi..."

Thế là trong lòng gã lại nảy sinh tình cảm.

Chinh phục một người con gái như vậy dĩ nhiên cảm giác hoàn toàn khác với cảm giác chinh phục Dư cô nương, lúc này chỉ cần ngẫm lại, trong lòng liền không tránh được cảm giác rung động. Chẳng hạn lúc trước em gái gã có lấy đó làm chuyện cười, gã cũng chẳng coi hôn ước lúc xưa là chuyện gì to tát, nhưng những tâm tình này vẫn không tránh được.

Hiện tại nàng thấy mình làm thơ, trong lòng sẽ nghĩ thế nào đây nhỉ, ánh mắt lúc nãy chừng như rất thật lòng, mình cũng đã nhìn thấy, khẳng định là nàng có ngưỡng mộ. Chỉ đáng tiếc, đã lập gia đình rồi, còn là một gã đệ nhất tài tử gì gì đó đi ở rể nữa, cho dù là có chút tài hoa đi nữa, nhưng khí chất khí thế của hai người hoàn toàn khác nhau, làm sao mà so sánh được.

Trong lòng xao động bởi những tâm tình ấy, đột nhiên cảm thấy không muốn đi theo đám người kia mà ồn ào nữa, vừa nãy mới thể hiện xong, lúc này thấy trong lòng rất cô tịch, có cảm giác giống như "Lòng như hổ dữ, ngửi đóa tường vi, yến tiệc qua đi, lệ rơi đầy mặt" (5). Sau đó, gã lững thững đi xuống.

Gã đứng trong đám người, nhất thời đám bằng hữu kia cũng chưa bước lại đây, nếu có người chào hỏi, gã cũng chỉ tùy ý mỉm cười gật đầu mà thôi, lúc này không muốn nói lắm. Lúc bước đến ngã ba trước mặt, gã nhìn thấy phía trước có một cô gái đang đàn hát, bên cạnh có hai cô gái khác đang cười nói trò chuyện với nàng, một đám người vây quanh, đúng là gã có quen biết mấy cô gái này, sớm đã từng gặp gỡ, tuy vẫn là người bán nghệ không bán thân, nhưng lúc này trong lòng gã không có ý định tới khiêu khích hay nảy sinh dục vọng tới lấy lòng gì cả, cảm thấy không hay ho gì.

Đầu nhìn một bên khác, cũng đều là người đi đi lại lại, thực sự rất tẻ nhạt... Nhưng sau đó, gã nhìn thấy hai bóng người bên hồ hoa sen.

Hai người ấy cũng đang nghe đàn, bởi vì bên này đông đúc chen chúc lộn xộn quá, nên bọn họ bèn đứng phía bên kia hồ sen, dưới tán cây chênh chếch nhìn sang, một người trong đó là Ninh Lập Hằng, còn người kia là một nha hoàn ngoan ngoãn bên người Tô Đàn Nhi, gã cũng chẳng biết tên gì.

Lúc này có thể bước qua chào hỏi, có điều gã ở đây nhìn một lúc, thoáng cau mày, thấy chủ tớ hai người bên kia đang nói chuyện, tiểu nha hoàn có lúc vui cười, có khi ủ rũ, có lúc nổi giận, có lúc ngây ngô, có lúc còn đứng dậy nhảy múa, nhìn về phía cô gái đánh đàn bên kia hồ, còn Ninh Lập Hằng cũng cười suốt, không hề giống cái vẻ giữ lễ lẫn nhau như khi hắn ở cùng Tô Đàn Nhi, sau đó Lâu Thư Hằng phát hiện, cái gã Ninh Lập Hằng kia lúc nào cũng nắm chặt tay tiểu nha hoàn.

Thực sự rất thân thiết...

Gã phe phẩy cây quạt trong tay, đứng ở chỗ này cười cợt, sau đó quay đầu nhìn xung quanh, thầm nghĩ nếu như Tô Đàn Nhi thấy cảnh này thì sẽ thế nào đây. Gã coi thường mấy trò rình mò chỉ điểm, nhưng Tô Đàn Nhi lại chưa thấy xuất hiện trong tầm nhìn lần nào. Tâm tư phức tạp, gã bước về phía bên ấy, dự định dọa hai người kia một trận, hẳn là vui lắm đây.

Nha hoàn lén lút qua lại với người ở trể, quả thực chẳng khác gì chuyện trước kia trong nhà có gã chăn ngựa làm to bụng ả nha hoàn cả...

Gã nghĩ như thế, mà càng đến gần, trong lòng lại nghĩ thêm được vài thứ, cũng đột nhiên thấy mặt đất hiện ra, rồi trong nháy mắt mở rộng.

gã luôn là người phong lưu không chịu gò bó, nghĩ đến đó, cũng thuận tiện thực hiện...

Bên này bóng lưng của Ninh Nghị và Tiểu Thiền vốn chỉ là một điểm nhỏ trong sân khấu lớn của ngày hôm nay, nhưng rất nhanh thôi sẽ trở thành một vị trí rất được chú ý.

Lâu Thư Hằng đến gần sau lưng hai người, vỗ vai Ninh Nghị.

"Ninh Lập Hằng!"

Trong khoảnh khắc Ninh Nghị quay đầu lại, một quyền của gã lập tức vung tới...

---------

Chú thích:

(1) Nguyên văn là giờ Thân hai khắc, nhưng một khắc bằng 15 phút, giờ Thân hai khắc mới có ba giờ rưỡi chiều thôi, chắc lão Chuối viết nhầm, mình đổi lại cho khớp. Nội dung cũng không ảnh hưởng gì.

(2) Nguyên văn là vương sư: đây là một từ cổ, chỉ quân đội thời cổ đại của Trung Quốc, có thể hiểu là quân đội của thiên tử, quân đội của quốc gia.

(3) Nhắc lại một chút, mười sáu châu Yên Vân là phần đất bị cắt dâng cho người Liêu, các triều vua Tống (trong truyện là Vũ) đều luôn tìm cách thu hồi lại vùng đất này.

(4) Lục quân: từ Hán cổ, chỉ cấm quân, quân đội do Thiên tử thống lĩnh, đôi khi cũng được dùng để chỉ quân đội nói chung, bao gồm Tả Long Vũ, Hữu Long Vũ, Tả Thần Võ, Hữu Thần Võ, Tả Thần Sách, Hữu Thần Sách, tổng cộng sáu quân, gọi là lục quân.

(5) Câu "Tim tôi là chú hổ, đang ngửi đóa tường vi" là câu thơ bất hủ của nhà thơ người Anh Siegfried Sassoon, nguyên gốc tiếng Anh là "In me the tiger sniffs the rose", ý nói rằng nhân tính luôn có hai mặt, hai tính cách đối lập mà thống nhất. Ở sâu trong nội tâm mỗi người đều có một con mãnh hổ, chỉ là ở ngoài hang hổ lại có đóa tường vi (hoa hồng) đang nở rộ. Con hổ cũng có lúc ngửi hương hoa tường vi, hùng tâm tráng chí rộng lớn cũng sẽ có lúc bị sự dịu dàng và đẹp đẽ khuất phục, phải dừng bước lại, yên tĩnh thưởng thức vẻ đẹp mà tự nhiên ban tặng. Mãnh hổ quyết đoán cũng có thể hòa cùng một thể với tường mi mong manh bé nhỏ, người mang trái tim cứng rắn như đá hoặc đầy hào khí thì trong lồng ngực vẫn có một phần tinh tế, một phần bình yên lặng lẽ ẩn sâu trong đó, vẫn sẽ có một đóa hoa yếu ớt mà xinh đẹp nở trong đó. Lòng người cũng giống như mãnh hổ và tường vi vậy. Sau này có một người nào đó đã thêm vào câu "Yến tiệc qua đi, lệ rơi đầy mặt", không phải thiếu gấm chắp vải thô, mà tự nhiên hòa hợp. Lòng như hổ dữ, ngửi đóa tường vi, yến tiệc qua đi, lệ rơi đầy mặt. Hai câu sau có thể hiểu là sau khi cảm nhận cuộc sống huy hoàng mà sinh ra cảm động và cảm ngộ, là một loại đối lập, một loại mâu thuẫn, một sự thống nhất, một thứ suy nghĩ sinh ra khi lòng ta xao động, cảm giác này khiến người ta yên tĩnh, lại thấy tự nhiên. Mình cũng không cảm nhận được nhiều, đành tìm một bài bình luận của tác giả TQ về cho các bạn tham khảo vậy.

Chương trình ủng hộ thương hiệu Việt của Tàng Thư Viện:

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK