Mục lục
[Dịch] Ở Rể (Chuế Tế)
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:



Tuy rằng thường ngày qua lại với nhau bằng thái độ ôn hòa, nhưng thật sự mà nói thì Tần lão là người làm chuyện lớn, người làm chuyện lớn nên có khí phách lớn. Tuy rằng lão cũng khá trọng tình cảm, không đến nỗi coi bằng hữu như tay chân thê tử như áo quần nhưng thái độ của lão nhân gia đối với phụ nữ vẫn mang tính chất giống như những nam nhân thời đại này. Lão không nông cạn đến độ cho rằng nữ nhân không có tính cách riêng của mình, nhưng nếu nói nghiêm túc thì cũng chỉ là hai người phụ nữ mà thôi, chẳng cần phải nghĩ nhiều cho phí sức.

Lão vốn dĩ không phản đối cái tính này của Ninh Nghị, đương nhiên, đó rốt cuộc cũng chỉ là một phần trong bộ tính cách cổ quái của đối phương mà thôi.

Lần này mời tiệc cá nhân, một mặt lão để Vân Nương mời Vân Trúc, không cho Ninh Nghị biết, mặt khác mời Ninh Nghị mà không cho Vân Trúc hay. Lý do mời tiệc của lão cũng rất hợp lý, hôm ấy ở Trúc Ký, Ninh Nghị cứu mạng lão, Vân Trúc và Cẩm Nhi cũng có góp sức, gần gũi như vậy mà lại không liên quan gì. Trên thực tế, lão dựa vào chuyện này mà nhét hai bên vào cùng một chỗ.

Vân Trúc vừa thấy Ninh Nghị đã nháy mắt, hiển nhiên là hiểu được, người nàng thương sắp bị làm khó dễ, nàng cũng cười tươi tắn, nhưng sau đó lại chưa từng biểu hiện vẻ gì đặc biệt, vẻ mặt thanh nhã, không muốn khiến người ta thêm phiền phức. Tần lão cũng chỉ cười cợt lúc đầu, sau đó cũng không can thiệp nữa.

Sau đó một lúc thì bắt đầu phân nam ra nam nữ ra nữ, nghe nói Nguyên Cẩm Nhi rất hoạt bát bàn chuyện buôn bán làm ăn với Tô Đàn Nhi, nàng muốn trở thành một nữ cường nhân nên đi học hỏi kinh nghiệm từ nữ cường nhân chân chính, Đàn Nhi hỏi nàng chi tiết tình huống mở cửa tiệm, sau đó cho nàng vài ý kiến, hai người nói chuyện rất vui.

Ở bên này Ninh Nghị nói chuyện về quân doanh với Tần Thiệu Khiêm, rồi lại hỏi chuyện hội đạp thanh hai ngày sau, nhắc tới Lý Sư Sư và Phàn lâu, hắn cười lớn, nói:

"Phàn lâu tôi quen lắm luôn đấy nhé, cô nàng Lý Sư Sư kia tôi cũng gặp mấy lần rồi, đến lúc đó chúng ta cùng đi gặp nàng."

Tần Thiệu Hòa bắt đầu nghi ngờ.

"Đúng là đệ đến Phàn lâu rất nhiều, nhưng Lý Sư Sư mới xuất hiện có mấy năm thôi, làm sao đệ quen được..."

"Khà khà, năm trước lúc lên Biện Kinh, tìm mấy thằng bạn cũ gặp nhau hội hè tí, tụi nó bảo Lý Sư Sư cô nương này là nổi tiếng nhất, cho nên cả bọn kéo tới Phàn lâu, người chưa thấy đâu đã thấy thằng bé con Cao Cầu ỷ thế ức hiếp người, muốn táy máy tay chân với cô bé bán trái cây. Bố mày... À nhầm, đệ, đệ ghét nhất mấy chuyện như thế, bèn mở miệng can ngăn, sau đó mọi người trên Phàn lâu xông ra đánh nhau, nếu không phải bên cạnh nó có con chó săn Lục Khiêm võ công không tệ thì đệ nhất định phải cho nó hai quyền rồi.

Lúc này trên bàn ngoài ba cha con Tần gia còn có Ninh Nghị và Tư Tiểu Hổ bên cạnh, Tần Tự Nguyên nghe đứa con nhỏ của mình kể chuyện như vậy, bèn buông đũa xuống, đưa bát cho người hầu bên cạnh bới thêm cơm, cau mày mắng:

"Làm càn!"

Tuy vậy, lời nói của lão không có vẻ gì là trách cứ. Hiện nay gã Cao Cầu kia đã yên vị với chức Thái úy ở Đông Kinh, có điều y nhờ a dua nịnh hót mà leo lên vị trí này, mặc dù rất lộng quyền, nhưng cũng chưa đáng đặt ở trong mắt những vị quan văn tướng võ cấp cao. Mặc dù Tần Tự Nguyên mắng con nhưng xem ra vẫn chưa thấy Cao Cầu có gì đáng sợ.

Tần Thiệu Khiêm dĩ nhiên cũng hiểu rõ tính tình phụ thân, xua xua tay nói:

"Có làm càn gì đâu cha, không gây hậu quả gì là được mà, trước kia bọn con ở Biện Kinh gây lộn bao nhiêu lần cũng chỉ đánh nhau với bọn lưu manh ác bá bắt nạt dân chúng, gặp chuyện bất bình thì ra tay thôi mà. Cha, lâu rồi cha không lên Biện Kinh, không biết chỗ đó bị bọn thiếu gia công tử làm cho ô uế bẩn thỉu cỡ nào đâu, năm ngoái con lên kinh chẳng được mấy tháng mà đã nghe chuyện tên Cao nha nội (1) kia khép tội một giáo đầu họ Lâm trong cấm quân, sau đó..."

Hắn hơi ngừng một chút rồi tiếp:

"Hà, sau đó thê tử của Lâm giáo đầu chết trong phòng Cao nha nội, Lâm giáo đầu bị lưu đày, năm ngoái nghe nói làm phản, lên Lương Sơn rồi. Mẹ nó... Trên đường phố Biện Kinh, túm mười người hỏi thì có tám người biết là có chuyện gì xảy ra rồi, chỉ tiếc lần ấy chưa nghe nói y làm nhiều chuyện ác, bằng không cho dù có cả tên Lục Khiêm lẫn Cảnh thúc thúc can ngăn, con cũng phải băm vằm y đem vứt cho chó ăn..."

Tần Tự Nguyên ngẩng đầu lên liếc nhìn con trai, hỏi:

"Hi Đạo cũng có ở đó à?"

Cảnh Hi Đạo chính là Cảnh Nam Trọng.

Tần Thiệu Khiêm gật đầu, đáp:

"Dạ, Cảnh thế thúc nhờ con vấn an cha. Ông ấy đứng ra làm người hòa giải, bọn con đành phải nể mặt ông ấy, Lý má má của Phàn lâu dẫn theo Sư Sư cô nương ra khuyên can, sau đó mọi người vào phòng khách ngồi, bọn con một bên, đám người họ Cao kia một bên, Sư Sư cô nương kia ngồi giữa đàn hát, xì, chả có ý nghĩa gì cả... Cụt hứng về luôn."

Hắn nói xong, nhún vai một cái rồi vùi cái mặt đầy râu ria vào trong bát cơm và chí tử, mấy người còn lại nhìn nhau tủm tỉm cười, Tần Tự Nguyên gật gù:

"Hi Đạo làm người hòa giải rất giỏi."

Sau đó mọi người nói vài chuyện linh tinh, đợi đến lúc nói về Tư Tiểu Hổ mới biết chàng trai trẻ này cũng là cao thủ võ lâm chân chính, từng luyện võ công nội gia thượng thừa. Tần Thiệu Khiêm thì chưa luyện bao giờ, đánh nhau trước nay cũng chỉ dựa vào sự dũng mãnh của mình mà thôi. Tần Tự Nguyên cười, kể lại tình cảnh ngóng trông vào võ công của Ninh Nghị trước đây, sau đó Ninh Nghị đương nhiên không tránh khỏi màn giới thiệu với Tư Tiểu Hổ, đại khái là kiểu "Cửu ngưỡng, cửu ngưỡng (2), tại hạ được người ta gọi là Huyết Thủ Nhân Đồ" các thể loại.

Theo như Tần Thiệu Khiêm nói, võ công của Tư Tiểu Hổ này theo đường cương mãnh, giỏi nhất là Ba Tử Quyền, Bạch Viên Thông Tí, nhưng tính cách lại cực kỳ thành thật chất phác, thậm chí còn có cảm giác hơi thẹn thùng nữa. Ninh Nghị luyện công phu lâu như vậy, vừa đúng lúc có rất nhiều nghi vấn về võ công, bèn đem ra hỏi, Tư Tiểu Hổ cũng biết gì nói nấy, có điều sau đó cũng nói gần giống như Lục Hồng Đề đã nói, võ thuật chung quy là đánh ra được, luyện động tác cho nhiều, không đến trình độ đầu chưa nghĩ mà thân đã động cũng chả sao, quan trọng nhất vẫn là phải hình thành phản xạ có điều kiện mới được.

Ăn xong bữa cơm này, cả chủ và khách đều vui vẻ.

Qua một hôm nữa là đến ngày tổ chức hội đạp thanh. Đó vẫn là hai ngày trước Thanh minh, tục gọi là Hàn thực, được tổ chức để tưởng nhớ Giới Tử Thôi thời Xuân Thu (3). Trước thời Tam Quốc, trong vòng một tháng Hàn thực, mọi người đều ăn món nguội chứ không đốt lửa, sau đó vì kỳ hạn một tháng này khiến cho những người già và trẻ em không không nổi nên Ngụy Võ đế Tào Tháo mới bỏ tập tục ăn món nguội này, về sau này, tiết Hàn thực đạp thanh tế tổ đều đặt vào hai ngày trước Thanh minh.

Hôm ấy khí trời rất đẹp, buổi sáng có sương mù nhưng khi mặt trời mọc thì tan. Trước tiểu lâu bên sông Tần Hoài, Vân Trúc và Cẩm Nhi giả trang nam, mỗi người cầm một cây quạt phe phẩy, đang chuẩn bị ra ngoài.

Lúc này gió xuân đã ấm, trên trời mây trắng lững lờ trôi như bạch long bay múa, bên sông Tần Hoài tơ liễu xanh um, chính là thời tiết đẹp nhất để dạo hội đạp thanh. Dân trong thành Giang Ninh thuộc loại giàu có, những hoạt động kiểu này cũng nhiều hơn so với những vùng nghèo. Mấy ngày nay, trên đường về ngoại ô lúc nào cũng thấy nhiều nhóm gia đình mặc quần là áo lượt, dáng vẻ rong chơi vui vẻ, những em bé nắm tay người lớn bước đi xiêu vẹo, trông rất hứng chí.

Hôm nay người du ngoạn có vẻ nhiều hơn so với trước, trên sông Tần Hoài thỉnh thoảng lại có một đôi chiếc thuyền hoa đang trôi về ngoại thành, tơ liễu tung bay phủ xuống lối đi, những thư sinh đổ về cửa thành cũng khá nhiều. Hôm nay Trần Lạc Nguyên tổ chức hội đạp thanh, quả thực rất biết cách chọn địa điểm, ở ngay Bạch Lộ châu gần đó.

Những năm trước Vân Trúc chưa từng ra ngoài đạp thanh như vậy, hồi đó ở Kim Phong lâu quả có cơ hội ra ngoài đạp thanh thật, nhưng chẳng phải là vì bản thân mình. Hai năm đầu mới chuộc thân nàng dành để hưởng thụ cảm giác tự do, rất ít khi ra ngoài, quả thực năm đó rất sợ gặp những công tử tiểu thư nhà người ta, sau đó thì bắt đầu bán trứng muối, chỉ là việc làm ăn bắt buộc phải thế, nếu không thì nàng vẫn thích ở nhà hơn, từ trong xương tủy nàng vẫn mang tính tình bảo thủ kiểu truyền thống, con gái muốn ra ngoài chơi thì phải có người nhà đi cùng mới đúng, lúc còn bé thì theo cha mẹ, sau đó thì có thể là phu quân, bây giờ được Ninh Nghị dẫn ra ngoài chơi, trong lòng nàng rất vui vẻ, giả trang nam rồi, trong lòng vẫn không ngăn được sự hồi hộp.

"Tỷ hồi hộp quá!"

Khẽ kéo góc áo, trên đường đi, nàng nghiêng đầu nói với Cẩm Nhi như vậy. Cẩm Nhi vừa đi vừa phe phẩy quạt cho mình, nghe vậy thì nhún vai nói:

"Có gì đâu mà hồi hộp, lại đây, Vân Trúc tỷ, cầm tay muội mà đi."

Vân Trúc phì cười, bảo:

"Bây giờ tỷ cũng là công tử như muội, nắm tay ai coi cho được."

Hai người đã hẹn với Ninh Nghị gặp nhau ở gần Bạch Lộ châu, nãy giờ đùa giỡn qua lại đã tới gần cửa thành, vừa đáp xe đi thẳng về hướng thành Thạch Đầu (4).

Ninh Nghị chỉ xem hội đạp thanh hôm nay là một buổi biểu diễn cho nên không vội, ra khỏi thành trước hết là tới thư viện Dự Sơn bố trí bài tập đã, nên khi đến điểm hẹn, Bạch Lộ châu bên bờ sông đã có rất nhiều người đạp thanh.

Ở thời đại này, Bạch Lộ châu không cùng một vị trí với công viên Bạch Lộ châu ở Nam Kinh đời sau, bây giờ Bạch Lộ châu chính là Bạch Lộ châu trong câu thơ "Ba ngọn thanh sơn, trời khuất nửa. Một vùng Bạch Lộ nước chia đôi" (5) của Lý Bạch, đó là một dải đất bồi trên sông Trường Giang, nằm ở ngoại thành Thạch Đầu, chia sông Trường Giang làm đôi, trên đó có nhiều cỏ lau nên cò trắng (chữ bạch lộ có nghĩa là cò trắng) thường tụ tập, sau đó bùn cát Trường Giang bồi đắp nên Bạch Lộ châu nối liền với bờ nam sông Trường Giang, về sau không còn nữa.

Lúc này phong cảnh quanh Bạch Lộ châu rất đẹp, nhưng đạp thanh không phải là dẫm lên cỏ một cách thô thiển, chẳng cần phải đi đạp mấy bụi lau sậy trên cồn đất, mọi người đi dạo quanh vùng triền núi mép sông ở hai bờ Bạch Lộ châu. Những hoạt động đạp thanh ngày xuân rất phong phú, một nhà ba người đến thả diều dã ngoại cũng là đạp thanh, một đám người đi dạo lung tung cũng là đạp thanh, chính thức hơn một chút thì sẽ là hình thức hội thơ văn, một đám thư sinh trẻ tuổi sẽ được rất nhiều văn đàn nổi tiếng hoặc mời quan lớn trong khoa khảo, các đại lão trong núi sẽ ra đề mục, lấy văn thơ kết bạn hoặc tìm kiếm tài năng, như vậy cũng gọi là đạp thanh, như hội Lan Đình của mấy người Vương Hi Chi, Tạ An cũng nổi danh trong lịch sử, bọn họ gọi là tu hễ (6), mơ hồ quy thành hội đạp thanh cũng chẳng có vấn đề gì.

Lần này trẩy hội đạp thanh cũng không quá nghiêm ngặt, người tham dự nhiều nhất vẫn là văn nhân, còn thương nhân, quan chức cũng có nhưng dĩ nhiên là đều thông hiểu văn chương. Đại nho Trần Lạc Nguyên là người tổ chức, cũng có một lâm viên của riêng mình ở đây, địa điểm tổ chức hiển nhiên là phải ở đó để tránh việc những người không liên quan tới góp mặt. Nhưng vẫn phải nói thật rằng, những người tụ tập quanh đây khá nhiều là các văn nhân không được mời, bọn họ đương nhiên sẽ không nói rằng mình đến đây vì hội đạp thanh của Trần Lạc Nguyên, chỉ là không ngại xem thử mình có thể trà trộn vào hay không, hoặc có thể là chuẩn bị tổ chức một cuộc họp mặt văn đàn với quy mô lớn hơn ở đây, hòng đè bẹp danh tiếng của cả Trần Lạc Nguyên lẫn Lý Sư Sư.

Cứ như vậy, lúc Ninh Nghị đến thì bên bờ sông đã có rất đông những người không liên quan, có mấy chiếc thuyền hoa dừng ở bên kia, đại khái là những cô gái bên trong cũng được mời tham dự. Ninh Nghị hẹn với Vân Trúc, Cẩm Nhi không rõ ràng nên phải tìm một lúc mới ra hai nàng, hai nha đầu mặc trang phục của nam giới, còn trang điểm công phu kỹ lưỡng nên Ninh Nghị không nhận ra các nàng ngay. Kỳ thực hắn bị tình cảnh đối lập bên kia thu hút, có mấy người đứng dưới gốc cây, xem chừng bầu không khí rất tệ, một bên dĩ nhiên là Vân Trúc và Cẩm Nhi, một bên khác là ba gã thư sinh cùng một người xem chừng là nữ tử thanh lâu đi theo, trong số đó Ninh Nghị cũng biết một người, đó là đại tài tử Liễu Thanh Địch ngày xưa rất ngưỡng mộ Cẩm Nhi, thấy nàng tỏ ra thân mật với Ninh Nghị liền phát điên phát dại.

Có điều bây giờ nhìn lại, sắc mặt Liễu Thanh Địch có vẻ kiêu ngạo, còn vẻ mặt Cẩm Nhi hình như không vui, đại khái là sau khi Liễu Thanh Địch phát hiện ra mình không thể hái đóa hoa này về tay, bèn nảy sinh tâm lý phản ngược, quyết định không bao giờ thân thiện dễ dãi với cô ả lẳng lơ đàng điếm kia nữa, cho nên hai bên to tiếng với nhau...

Khục khục, tán gái thất bại lại trở mặt như thế, thật là quá khó coi, thái độ của Nguyên Cẩm Nhi trong trường hợp bị Vân Trúc từ chối còn tốt hơn gã rất nhiều...

Ninh Nghị nén tiếng thở dài trong lòng, đang chuẩn bị đi qua bên đó thì đột nhiên có một bàn tay từ phía sau vươn tới, chộp lấy vai hắn.

"Ninh huynh! Huynh cũng tới à?"

Giọng nói khá là ngạc nhiên vui mừng.

Ninh Nghị quay đầu nhìn lại, chỉ thấy người mang vẻ mặt kinh hỉ ấy quả thực đã từng gặp, ngày nọ lúc gặp cô gái họ Vương kia, đây là tùy tùng theo bên cạnh nàng, tên gì quên mất rồi...

Ninh Nghị suy nghĩ một chút.

À, đúng rồi!

Vu Hòa Trung.

--------

Chú thích:

(1) Nha nội: cách gọi chức vụ cảnh vệ trong cung ở thời Đường, thời Ngũ Đại và Tống Sơ thường do con em quan đại thần đảm nhiệm, về sau dùng để ám chỉ bọn con cháu quan lớn, chuyên hà hiếp dân chúng.

(2) Cửu ngưỡng: ngưỡng mộ đã lâu.

(3) Về tết Hàn thực: đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cám kích vô cùng. Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công trong khi tòng vong, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chớ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 Âm lịch hàng năm).

(Nguồn: wikipedia)

(4) Thành Thạch Đầu: ở phía nam núi Thạch Đầu, thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay.

(5) Hai câu thơ trong bài Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài của thi tiên Lý Bạch.

(6) Tu hễ nguyên gốc là nghi thức giải hạn cầu phúc theo phong tục cổ xưa, sau đó biến tướng thành nghi thức tụ họp mẫu mực của thi nhân cổ đại TQ, trong đó nổi tiếng nhất là hội Lan Đình thành Sơn Âm quận Hội Kê và hội Khúc Giang của thành Trường An.

Chương trình ủng hộ thương hiệu Việt của Tàng Thư Viện:

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK