Mục lục
[Dịch] Ở Rể (Chuế Tế)
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:



Mùa hạ, bầu trời xanh thăm thẳm điểm xuyết dăm vầng mây trắng, nhiệt độ ở Giang Ninh rất dễ chịu, trong thành ngoài thành đều nhàn nhã thong dong. Trong ánh nắng lung linh của một ngày mùa hè, những con đường ngang dọc, những đình viện nấp dưới bóng cây, bầy chim nhỏ chao nghiêng trên mảnh thuyền hoa bé nhỏ giữa dòng sông, trong ngôi thành cổ kính kẻ lại người qua, trà quán tửu lâu vang lên tiếng kể chuyện của những nghệ nhân, âm điệu đàn ca, mùi nước chè xanh thanh khiết ngọt ngào len lỏi quyện hòa vào trong tiếng chuyện trò vui vẻ của bạn bè ngày tương tụ, tô điểm bức tranh mùa hạ cho thêm phần sinh động.

Bây giờ đương là buổi chiều, đình viện bên thành thoang thoảng hương trà vừa mới nấu, bóng cây ngô đồng lặng lẽ phủ màu loang lổ lên những quân cờ đen trắng trên bàn cờ, cũng trong đình viện ấy, có tiếng thiếu niên vang lên.

"Mạnh tử có nói, giữ dân trong bờ cõi, không thể lấy ranh giới biên cương, giữ nước bền chắc, không thể dùng khe sâu núi hiểm, giữ uy với thiên hạ, không thể lấy binh khí sắc bén. Giữ được đạo thì nhiều người theo giúp, đánh mất đạo thì ít người hỗ trợ. Lời của thánh nhân ắt là có lý, nhưng từ cổ đến nay, chắc gì kẻ được nhiều người theo đã là người giữ được đạo, kẻ lỗi đạo, ít người giúp, cũng thường thường tự cho mình là người giữ được đạo, đến tột cùng thế nào mới gọi là đại đạo... Khổng tử cũng nói, kẻ đạo đức giả chính là kẻ thù của đạo đức vậy, cứ câu này là biết..."

Thiếu niên vóc người không cao, khuôn mặt vẫn chưa hết vẻ trẻ con, tuổi chừng mười một mười hai, mặc một bộ trường sam màu trắng, trên đầu chít khăn ra chiều tiêu sái, đúng là một người lớn nhỏ thành thục. Trên thực tế, trẻ con nhà bình thường mười một mười hai tuổi lúc bấy giờ cũng chẳng thấy nhiều kiểu cách cho lắm, đại khái cũng là kiểu trẻ con đầu hai túm tóc, búi hai bên đầu, trông như cái sừng, mà cổ gọi là "tóc trái đào", trong Kinh Thi cũng có câu "Thuở trái đào ấu thơ đùa nghịch, đã cùng nhau khúc khích nói cười".

Nhưng lứa tuổi này cũng có dăm bảy đường khác nhau, trẻ con thời này thường làm lễ đội mũ trong khoảng từ năm mười lăm đến năm hai mươi tuổi, coi là lễ trưởng thành. Nhưng nếu là con nhà nông thì nhiều người từ lúc mười ba mười bốn tuổi đã lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái rồi, rất nhiều người phải gánh vác trọng trách gia đình khi chưa đến mười lăm tuổi. Nếu là trẻ con nội thành, sau khi học vỡ lòng, hiểu thêm được vài thứ, thường tự cho mình là văn sĩ, lúc này xã hội rất chuộng văn chương, vài thiếu niên có thể viết dăm bài thơ lập tức mặc áo nho sinh đầu chít khăn học làm người lớn, cũng ra chiều hào hứng phấn chấn lắm, chỉ cần trang phục đừng màu mè khó coi quá thì cũng chẳng ai bắt bẻ gì. Chẳng hạn như đám thiếu niên mười lăm mười sáu tuổi miệng đầy thơ văn, nói chuyện giang sơn thiên hạ, cùng nhau chơi gái, ấy cũng chẳng phải chuyện gì lạ lùng cả.

Thiếu niên đang nói chuyện trong đình viện lúc này là một trong những đệ tử của Ninh Nghị, Chu Quân Võ, trước kia cậu bé vẫn mang vẻ hoạt bát của một đứa trẻ, nhưng một năm lại đây hình như trưởng thành hơn rất nhiều. Đương nhiên, một đứa trẻ mười một mười hai tuổi thì cũng chẳng trưởng thành được bao nhiêu, nhưng chủ yếu là trong lòng đã bắt đầu biết suy nghĩ, không đi phá phách nghịch ngợm như ngày xưa nữa, cũng thấy mình "cao lớn" hơn, hình dáng của cậu bé vốn thanh tú, bây giờ khoác lên mình dáng dấp tiểu thư sinh, trông cũng có mấy phần anh khí.

Lúc này cậu bé đang đứng ở kia nói chuyện, vừa nói vừa nghĩ, sắp xếp câu từ, đương nhiên là để trả lời câu hỏi của trưởng bối trong đình viện. Dưới bóng câu, Tần Tự Nguyên và Khang Hiền vừa mới hạ xong một ván cờ, thuận miệng hỏi vài câu, cậu bé bèn nhắm vào chủ đề "luận về đại đạo" mà biện luận một phen. Ở trong viện còn có một thiếu nữ ngồi trên ghế thấp nhìn cảnh ấy, thiếu nữ này tuổi chưa lớn, trên đầu búi hai búi tóc nhỏ, mặc quần áo mùa hè màu hồng phấn, lộ ra vòng eo thon nhỏ đẹp đẽ cùng đôi chân xỏ hài trắng thêu viền vàng xinh xắn, thiếu nữ hai tay chống cằm, khe khẽ mỉm cười quan sát cảnh ấy, trên tay còn có một chiếc quạt tròn, bởi vì trời không nóng lắm nên thỉnh thoảng nàng lại quạt cho lò lửa nhỏ đang đun một hồ trà bên cạnh. Đây hiển nhiên là tiểu quận chúa Chu Bội.

Ninh Nghị rời Giang Ninh đã được mấy hôm. Chuyện này đối với đôi tỷ đệ này dường như chẳng khác lúc trước là mấy, bởi vì tuy hai người vẫn mang danh nghĩa là học trò thư viện Dự Sơn, nhưng trên căn bản là tách rời việc học bên kia, chuyện học hành vẫn do Khang Hiền quản lý, kiểu gì cũng có những vị phu tử khác trong vương phủ hoặc phủ Phò mã đến dạy thay. Chu Bội còn chưa cập kê (1), nhưng dù sao tuổi cũng "lớn" rồi, tiến độ học tập của cô bé hoàn toàn theo sở thích của mình, không có yêu cầu gì nghiêm ngặt, riêng Quân Võ còn nhỏ thì vẫn có yêu thích hợp.

Đương nhiên, tuy rằng thường ngày hay bị bà chị hung dữ bắt nạt nhưng trí tuệ của Chu Quân Võ cũng thuộc hàng thông minh, chuyện học hành tuy không quá xuất sắc nhưng cũng vào hàng khá, không đến mức quá kém.

"Luận về đại đạo" là một đề mục khá linh động, muốn diễn giải thế nào cũng được, đề mục này không phải do Tần Tự Nguyên hay Khang Hiền ra mà do thiếu niên này căn cứ vào lời của Khang Hiền rồi khéo léo chuyển sang đề tài này, sau đó biện giải một tràng, hai ông lão nghe xong bèn nhìn nhau nở nụ cười.

"Màu mè lòe loẹt." Một người nói.

"Nói thì hay mà chẳng có ý nghĩa gì." Người còn lại đánh giá một câu như vậy.

Đánh giá không khả quan lắm nhưng chỉ là một đề mục để thử thách năng lực suy nghĩ một mình của thiếu niên, nên cuối cùng cũng coi như qua ải, tiểu Quân Võ cũng biết tính cách của hai vị gia gia, tự vuốt lỗ tai cười hì hì. Thực ra sau khi sư phụ đi Tô Hàng, Tần gia gia cũng sắp sửa khởi hành lên kinh, hôm nay lại đây chơi, thấy có nhiều thứ đã được đóng gói xong xuôi. Mấy ngày nay Phò mã gia gia sang đây chơi cờ, đại khái là cũng muốn tiễn biệt rồi.

"Sau khi sư phụ của cháu rời đi, chuyển sang học mấy vị phu tử khác, sợ là không giống tiến độ học tập ở thư viện Dự Sơn. Có theo kịp bài vở không, nghe thầy giảng có hiểu không?" Tần Tự Nguyên cười hỏi.

"Hiểu ạ." Chu Quân Võ thi lễ đáp, cũng bật cười. "Thực ra Trương phu tử đã khảo nghiệm trình độ của học sinh rồi, sau khi bắt đầu giảng chương trình mới thì có nhắc lại chương trình cũ một lần rồi. Chỉ có điều lúc nghe các phu tử giảng bài, học sinh cảm thấy những chuyện đó mình đều biết cả rồi. Trước kia sư phụ giảng bài đều nói lung tung đủ thứ chuyện chẳng liên quan gì, nhiều lúc đang dạy tự dưng nhớ ra thì nói, còn thường thì sư phụ hay nói trước giờ dạy, cũng giảng cả mặt sau của câu chuyện, vì lẽ đó cho nên mặc dù có nhiều thứ chưa được học, nhưng khi nghe các phu tử giảng thì lại thấy rất quen, cũng rất dễ hiểu, chỉ là... hì hì, hơi khô khan chút ạ."

Nghe Chu Quân Võ nói thế, hai ông lão cùng nhìn nhau nở nụ cười, sau đó lại làm mặt nghiêm. Khang Hiền nói:

"Không được tự mãn, các vị phu tử đây đều là đại nho đương thời, học thức kiến giải rất rộng. Phương pháp giảng dạy của mỗi người không giống nhau, tuy cháu cảm thấy mình hiểu hết những điều đó, nhưng chưa chắc đã lĩnh hội được hết chân lý học vấn của Trương phu tử. Thấy các phu tử giảng gì mình nghe đều hiểu thì càng phải suy ngẫm cẩn thận hơn nữa."

Quân Võ kính cẩn gật đầu, đáp:

"Vâng ạ, lúc đi sư phụ cũng từng dạy như vậy, người nói, mỗi thầy giáo đều có bản lĩnh riêng, làm học sinh thì phải học cách suy xét, cái gì tốt cái gì hay cũng nên học cả, còn cái gì tốt thì phải từ từ dựa vào thực tiễn mà kiểm nghiệm. Phát triển ý kiến thế nào cũng được, nhưng không được ngạo mạn."

"Một người thầy như Lập Hằng quả thực cũng khó kiếm ra..."

Tần Tự Nguyên bật cười, Khang Hiền thì tức giận lắc đầu, Chu Quân Võ có vẻ rất tự hào về người sư phụ này của mình, tiểu Quận chúa một bên nâng cằm mỉm cười, mắt híp lại như đường tơ, tựa hồ đang suy nghĩ gì đó. Sau đó Tần Tự Nguyên tiếp tục khảo nghiệm hiểu biết về Tứ Thư của Chu Quân Võ, lại hàn huyên với Khang Hiền thêm một lúc, hãm một ấm trà, lúc chuẩn bị bày ván cờ mới còn nói về chuyện Ninh Nghị.

"Trước khi Lập Hằng rời Giang Ninh, tôi có nói chuyện kinh thành với cậu ta, chỉ là hình như trong lòng Lập Hằng còn đắn đo suy nghĩ. Suy nghĩ trong lòng cậu ta quả thực luôn khiến người ta khó có thể nắm bắt, lúc trước cậu ta làm việc chưa bao giờ nói đến chuyện giúp nước cứu dân, theo như tôi thấy thì chắc vì trong lòng cậu ta còn nghi ngại về cái đại đạo ấy, cho nên rất mực thận trọng."

Khang Hiền gật đầu tán đồng:

"Cậu ta làm việc rất có phương pháp. Chỉ là trước kia cũng thấy có vẻ như cậu ta không đồng ý lắm với quan trường thế tục. Nếu như cậu ta có thể nghĩ thông suốt mà đi ra giúp ông thì ông làm việc ở kinh thành cũng bớt đi được nhiều trở ngại."

Tần Tự Nguyên khẽ lắc đầu, đáp:

"Lập Hằng làm việc luôn vững vàng bình tĩnh, nhưng mục tiêu thường cấp tiến triệt để, mà trong lòng cậu ta cũng hiểu rõ năng lực của chính mình. Lúc đi cậu ta từng nói với tôi rằng, nếu thật sự muốn đi ra làm việc, ngay cả cậu ta cũng không biết là chuyện tốt hay chuyện xấu. Giống như chuyện gần đây tôi nghĩ, hợp tác với Kim để chống Liêu, kết quả cuối cùng chưa biết thế nào, tôi cũng chẳng biết đến khi nước Kim lớn mạnh rồi, liệu có trở thành một nước Liêu khác hay không nữa, có đôi khi có lòng tốt chưa chắc đã làm được việc tốt."

"Ít nhất cũng có cơ hội mà, đến lúc hai nước Kim Liêu đánh nhau, chúng ta chỉ cần nắm lấy cơ hội, đánh thắng vài trận là có thể thu lại non sông, nhưng nếu đã có cơ hội như vậy rồi mà còn đánh không thắng thì đó cũng không phải là chuyện của một mình ông."

"Nếu là như vậy thì... đành chịu mất nước sao..."

Tần Tự Nguyên cau mày, nhớ tới câu nói này. Thực ra nếu là dân đen bình thường mà dám nói câu này thì quả có đại nghịch bất đạo, nhưng ở đây thì không sao, Khang Hiền cũng nhíu mày. Tần Tự Nguyên thấp giọng nói:

"Thực ra ấy à, tôi thấy đây chính là điều mà Lập Hằng lo lắng."

"Sao cơ?"

"Suy nghĩ trong lòng Lập Hằng cũng hệt như phong cách làm việc của cậu ta vậy, rất đơn giản. Hôm đó tôi nghe cậu ta nói câu này, nhìn thì như chuyện đùa, nhưng thực tế thì không phải. Có lẽ dưới cái nhìn của cậu ấy, triều đình ta suy yếu lâu ngày, nếu thực sự có một ngày quân Kim xâm lấn bờ cõi, cơ hội như thế này mà còn không nắm bắt được, đất nước như vậy... cũng nên mất đi..."

"Há có thể như vậy..."

"Cơ hội thì có rồi, lần này lên Biện Kinh, đương nhiên là tôi sẽ phối hợp với Lý tướng, chỉnh đốn quân vụ, nhưng nếu làm không tốt, e là khó khăn càng thêm chồng chất. Ài, chuyện thiên hạ từ cổ chí kim, cho dù là một cuộc cải cách nho nhỏ thì cũng đều có vô số khó khăn, người muốn làm cải cách lớn, tám chín phần mười là khó có đường quay về rồi. Cậu ta bảo 'Lão nhân gia ngài tiền đồ còn mờ mịt, ai dám đi chung.' Ha ha, tuy là nói giỡn, nhưng những chuyện này chắc Lập Hằng cũng hiểu rõ, cậu ta có kiến giải này, hẳn là cũng từng nghĩ đến cách làm sao thực hiện, làm sao nắm lấy cơ hội này lẫn những khó khăn trong đó, chắc thấy khó quá, trong lòng có thành kiến nên mới chùn bước. Tôi nghĩ rằng, đây mới chính là lý do cậu ta từ chối hoài."

"Khó cũng có người làm chứ."

"Chuyện càng quyết liệt, thay đổi càng nhiều, càng khó biết được kết quả sau cùng, chắc là Lập Hằng ngại phong cách làm việc của mình quá quyết liệt, dù sao thì cậu ta cũng chưa bao giờ bước lên vũ đài chính trị, chỉ mới tưởng tượng mà thôi, sợ ngày sau mình quá cố chấp, cho nên mới sinh lòng muốn ẩn cư. Mấy ngày nay tôi nghĩ miết, cũng chỉ đoán được lý do này."

"Ơ, chưa bao giờ làm mà đã cho rằng mình hiểu rõ, như vậy có phải là tự đại quá rồi không?" Khang Hiền cười nói.

"Nếu là người khác thì tôi cũng sẽ bảo thế đấy, mới có hai mươi, đã tính làm kẻ tự cao tự đại, đoán trước tương lai, cũng tự cho mình có thể làm Tri huyện Tri phủ. Nhưng Lập Hằng thì khó nói được, chỉ là mấy chuyện ở Giang Ninh này, cậu ta làm việc già dặn ngoan độc, trong đám thanh niên đương thời tôi chưa gặp ai như thế, cậu ấy có tài thiên bẩm nhìn thấy được suy nghĩ lòng người, đồng thời có thể điều khiền trong tay mình để đạt tới mục đích. Người này nếu ở thời loạn lạc tất sẽ là bậc kiêu hùng, nhưng điều khiến tôi thích nhất chính là cậu ta không chỉ hiểu rõ năng lực của bản thân mà còn biết tiết chế chúng nữa. Như vậy thì trong lòng cậu ta không thực sự bài bác việc tôi rủ lên kinh, chỉ là hiểu rõ về khó khăn tương lai, lại hiểu rõ phương thức làm việc của bản thân, sợ làm thành chuyện xấu nên mới kiềm chế lại, tôi không cho đấy là rụt rè sợ hãi mà chỉ càng thích cậu ta hơn thôi."

Ông lão lại cười, nói:

"Có điều, thực ra tôi chẳng lo chuyện cậu ta có xuất đầu lộ diện hay không, có năng lực như vậy, sớm muộn gì cũng sẽ bước ra thôi, bây giờ cứ để cậu ta suy nghĩ cho rõ ràng cái đã."

----------

Chú thích:

(1) Cập kê: cài trâm. Ngày xưa con trai làm lễ đội mão (quan lễ) thì được tính là trưởng thành, có thể lấy vợ; con gái làm lễ cài trâm (cập kê) thì được tính là thiếu nữ trưởng thành, có thể gả chồng được.


Chương trình ủng hộ thương hiệu Việt của Tàng Thư Viện:

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK