Nói xong, tôi xông lên đánh. Hai người kia thấy thế lập tức đề phòng. Tôi nhảy lên, giơ chân đá. Hai người họ không hề né tránh, cứ thế chịu trận. Sau đó tóm lấy cổ chân tôi, tôi chúi đầu xuống, hai tay chống xuống đất. Hai chân bị bọn họ kéo về phía sau, đợi tới khi đến gần cửa, tôi đập tay xuống đất, mượn lực rồi bật người lên, đứng thẳng. Hai tay tóm lấy hai cái đầu họ choang vào nhau.
Hai người choáng váng, lực trên tay họ thả lỏng không ít. Tôi lại chúi đầu xuống một lần nữa, dùng chân đạp vào ngực hai người nọ đổ rầm xuống đất. Bọn họ lập tức lao vào đá tôi, tôi cuộn người lăn qua, tránh được cú đá. Hai tay chống xuống đất, chân quét qua, hai người họ lập tức nhảy lên. Phút chốc, tôi bật người lên, giơ tay đấm trúng mặt hai người nọ. Bọn họ loạng choạng lùi ra sau. Tôi nhân cơ hội đánh giáp lá cà, đánh tan tác mỗi người một nơi rồi mở cửa ra.
Đập vào mắt tôi là vẻ mặt khác nhau của ba người khiến tôi rất sốc. Ba người này lại là ba người vô cùng quen mặt.
Một người là Mạt Tang, lúc này mặt cô ta nặng nề, nhíu mày nhìn tôi. Một người là Tiểu Thái. Cậu ấy chậm chạp đứng lên như một đứa trẻ làm sai chuyện, hoang mang gọi: “Anh Danh”. Người còn lại là người tôi không ngờ tới.
Tôi sững sờ nhìn bà ấy. Gương mặt xinh đẹp nhã nhặn, phóng khoáng không kém gì Tống Giai Âm, đang nở một nụ cười, nhưng đôi mắt lại ngấn lệ.
Bà ấy ngồi đó, giống như lần trước tôi gặp bà.
Người đằng sau đi tới định lôi tôi ra ngoài, bà ấy chậm rãi nói: “Tất cả ra ngoài hết đi.”
Giọng của bà ấy vẫn hay như thế. Tôi cảm giác trái tim đang rỉ máu, nói: “Tôi bảo mà, sao mà giọng của người phụ nữ gọi điện thoại cho tôi lại quen thế. Tuy rằng đã cố che giấu giọng thật nhưng tôi vẫn cảm giác như đã từng nghe ở đâu rồi. Thì ra là bà… tiến sĩ Vệ!”
Đúng vậy, người phụ nữ đoan trang kia chính là tiến sĩ Vệ, cũng tức là mẹ “trên danh nghĩa” của tôi. Ông Nhĩ nói bà ấy bị giam lỏng ở thủ đô. Tôi còn tưởng phải còn lâu lắm tôi mới có thể gặp bà ấy. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại có thể gặp bà ấy ở Nam Kinh.
“Trần Danh.” Tiến sĩ Vệ chậm chạp đứng lên, áy náy nói với tôi: “Tôi xin lỗi, tôi…”
“Thứ tôi cần không phải là lời xin lỗi.” Tôi đứng cách bà ấy khoảng cách một bước chân, ngắt lời: “Điều tôi cần là một câu trả lời. Chỉ cần bà nói cho tôi biết, bà… có phải mẹ tôi không?”
Bà ấy sững người lại, sau đó gật mạnh đầu nói: “Phải. Mẹ là mẹ của con.”
Tuy tôi đã biết từ lâu nhưng nghe chính miệng bà ấy thừa nhận, tôi vẫn cảm thấy sững sờ, sợ hãi một hồi lâu, lòng rối bời, tôi hỏi: “Bà đã biết tôi từ lâu đúng không? Lần trước tôi tới Giang Nam, bà đã biết rồi phải không?”
Mẹ tôi gật đầu.
Tôi tiếp tục hỏi: “Nặc Ngôn và Tiểu Thái đều là người do bà phái tới để giúp tôi. Đúng không?”
Mẹ tôi nói: “Đúng vậy.”
“Hãy cho tôi một lý do để bà không nhận tôi. Ở thủ đô, có người luôn theo dõi, bà không dám nhận thì tôi có thể hiểu. Nhưng ở Nam Kinh, bà đã có thể xuất hiện ở đây, vì sao lúc tôi tới, bà lại âm thầm gọi tôi tới, muốn gặp tôi xem mặt mũi thế nào ư? Bà có biết bao nhiêu năm nay tôi sống thế nào không? Trong mắt bà, rốt cuộc tôi là cái gì? Là con trai bà hay là một cục nợ? Tôi muốn biết, có phải nếu tôi vẫn tầm thường, nhu nhược, yếu đuối như trước kia thì cả đời này tôi sẽ không có cơ hội gặp bà, không có cơ hội biết được thì ra mình còn mẹ!”
Nhớ tới tôi đã từng cách bà ấy rất gần nhưng bà ấy lại giả vờ không quen tôi. Dù chỉ nhìn thôi cũng như đang nhìn tôi để nhớ về một người khác. Ai cũng nói tình mẹ bao la. Thế nhưng hai mươi mấy năm, bà ấy mặc kệ tôi tự sinh tự diệt, coi tôi không tồn tại. Tôi muốn biết, trong mắt bà ấy rốt cuộc tôi là cái gì?
Mẹ tôi nói với Mạt Tang và Tiểu Thái: “Hai người ra ngoài đi.”
Hai người họ lặng lẽ đi ra. Đợi bọn họ ra hết, tôi đi tới ngồi xuống trước mặt mẹ tôi. Bà ấy nhìn tôi, áy náy nói: “Tiểu Danh, có lẽ con không tin. Nhưng hai mươi mấy năm nay mẹ luôn dõi theo con từng ngày. Mẹ nhớ ngày mẹ nuôi con qua đời, con không hề rơi một giọt nước mắt. Con chỉ lo an ủi Trần Vi, đợi đến tối khi Trần Vi đã ngủ, một mình con ngồi trước cửa lặng lẽ khóc cả đêm. Lần đầu tiên con tới Nam Kinh, bởi vì không dám ở khách sạn mà ngủ trên ghế đá công viên mấy đêm liền. Công việc đầu tiên khi con tới Nam Kinh làm là phục vụ ở nhà hàng. Nhưng ngày đầu tiên đã bị người ta đẩy, làm đổ cả đĩa thịt thăn sốt cà chua, phải đền tiền. Con thấy tiếc nên đã nhặt thịt lên ăn. Cũng vì thế mà bị người ta chế giễu. Ngày con nhận lương, từ khi đến Nam Kinh con chưa hề tiêu một đồng nhưng lại mua cho em gái một cái kẹp tóc và một cái váy rất đẹp, còn mình thì vẫn đi đôi giày thể thao cũ mèm đế bung gần hết…”
Mẹ kể hết tất cả những chuyện tôi trải qua từ bé đến lớn. Những chuyện tôi đáng thương, nhục nhã hoặc vui vẻ, tự hào, bà ấy đều nhớ rõ từng chi tiết.
Bỗng nhiên mắt tôi ngấn lệ, ngước lên nhìn tôi mới nhận ra bà ấy đã nước mắt nhạt nhòa, bà nhìn tôi nói: “Mỗi lần biết được con phải chịu khổ, mẹ sẽ trốn đi âm thầm khóc. Biết được con vui, mẹ cũng trốn đi khóc thầm. Vui cũng khóc, buồn cũng khóc. Có một đợt mắt mẹ nhìn không rõ, không nhìn thấy gì cả. Bác sĩ phụ trách khám cho mẹ cũng chính là bạn thân của mẹ mới hỏi mẹ một câu: “Cô còn muốn nhìn thấy con không? Nếu muốn thì phải giữ gìn đôi mắt của mình.”
“Vì thế từ đó trở đi, bà không dám khóc nữa. Đúng không?” Tôi nghẹn ngào hỏi. Khoảnh khắc ấy, chút oán hận cuối cùng của tôi đối với bà ấy cũng tan biến. Tôi không thể tưởng tượng được, một người mẹ yêu thương con mình như vậy rốt cuộc đã phải chịu đựng bao nhiêu đau khổ để không gặp mặt con.
Mẹ tôi gật đầu nói: “Mẹ biết, mẹ nợ con cả đời này cũng không bù đắp được. Nhưng nếu những kẻ đang nhìn con chằm chằm như hổ rình mồi kia mà biết được thân phận của con, nhất định sẽ ra tay. Thế nên, mẹ chỉ có thể trơ mắt nhìn con sống ở một nơi rất xa, nhìn con chịu khổ, nhìn con cười, con khóc. Trong mắt mẹ, khổ mấy mẹ cũng chẳng sợ, mẹ chỉ sợ con bị người ta hại, gặp nguy hiểm. Điều mẹ muốn vô cùng đơn giản. Đó là con sống. Con trai, cho dù con có tầm thường cả một đời, chỉ cần con sống là được.”
“Mẹ…”, tôi nghẹn ngào cất tiếng gọi.
Mẹ nhìn tôi cười, lau nước mắt, nhưng nước mắt vẫn cứ tuôn trào. Mẹ nói: “Hai mươi mấy năm nay, mẹ luôn luôn cầu nguyện, phòng bị, chỉ e có người tiết lộ thân phận của con. Nhưng, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Khi mẹ nghe được tin bố nuôi con mang Sơn Bào từ thủ đô về quê thì mẹ đã biết chắc chắn thân phận của con đã bị lộ. Quả nhiên, không lâu sau, hắn đã hành động, sau đó quốc gia cũng biết sự tồn tại của con. Từ đó về sau, ngày nào mẹ cũng sống trong lo lắng bất an. Nhưng bởi vì thân phận đặc biệt, cấp trên theo dõi gắt gao, mẹ không thể làm gì khác, chỉ có thể trơ mắt nhìn con gặp nguy hiểm.”
“Thấy con ở Nam Kinh phải trải qua bao khó khăn. Mẹ từng mong con sẽ nhượng bộ để đổi lấy bình yên, hi vọng những kẻ nhằm vào con sẽ buông tha cho con. Nhưng những kẻ đó như quỷ hút máu, chúng chưa từng có ý nghĩ sẽ dừng lại. Vì vậy, mẹ quyết định mạo hiểm, phái người của mẹ đi bảo vệ con. Nặc Ngôn và Tiểu Thái đều là con trai nuôi của mẹ, bảo vệ con ngoài sáng. Còn Mạt Tang không thể ra tay. Bởi vì khi đó đã có người nghi ngờ mẹ có liên quan tới Giang Nam. Tiểu Danh, Giang Nam này là năm con đến Nam Kinh, mẹ mượn cớ ra nước ngoài công tác, âm thầm tới đây, nhờ quan hệ của ông ngoại con, lặng lẽ mở dưới danh nghĩa của Mạt Tang, không chỉ vậy, mẹ đã gây dựng rất nhiều sản nghiệp ở Nam Kinh, chỉ vì một ngày nào đó khi con cần đến, thì có thể giúp con cả về tài lực lẫn thế lực.”
“Nhưng không ngờ, khó khăn lắm Giang Nam mới có thể đứng vững ở Nam Kinh thì cũng là lúc cấp trên đột nhiên giám sát mẹ gắt gao hơn. Mẹ biết, bọn họ sợ mẹ giúp đỡ con. Bọn họ cũng giống như đám người xấu xa kia, luôn tìm cách để con đến bên bờ vực cái chết hết lần này đến lần khác để xác định một việc, liệu bố con có còn sống không và thế lực tàn dư của bố con đang ở đâu.”
Nghe xong, tôi hơi ngạc nhiên hỏi: “Ý của mẹ là, đại ca ở thủ đô và cả trung tướng, bọn họ đều vẫn chưa xác định được bố con còn sống hay đã chết? Vậy ông ấy… ”
Liệu ông ấy còn sống không?
Mắt mẹ tối lại, mẹ khẽ nói: “Thực ra mẹ cũng không biết rốt cuộc vì sao bọn họ lại nghi ngờ như thế. Bố con đúng là rất mạnh, mạnh đến mức khiến người khác sợ hãi. Nhưng ông ấy cũng chỉ là con người bình thường, lấy đâu ra ba đầu sáu tay. Ông ấy đã chết rồi tức là đã chết thật. Nếu không bao nhiêu năm nay ông ấy không thể mặc kệ con bị người ta theo dõi, bó buộc, bị người ta hãm hại, bắt nạt như thế được. Bởi vì có lẽ ông ấy là người chồng, người cha tốt nhất trên đời này.”
Nhắc tới bố, nước mắt mẹ rơi càng nhiều. Thậm chí có đoạn mẹ nấc nghẹn, nói không ra tiếng. Tôi từ từ ngồi xuống cạnh mẹ, đặt tay lên vai bà, nhẹ nhàng an ủi: “Mẹ, bố đi rồi nhưng vẫn còn con. Ngày con trở về Nam Kinh con đã quyết định sẽ đứng lên vị trí cao nhất. Mục đích là để không phải chịu cản trở của quốc gia. Sau đó đàm phán với họ, đòi mẹ về. Để mẹ sống tự do thoải mái bên cạnh con, để con hiếu kính với mẹ.”
Mẹ tôi hơi ngạc nhiên nhìn tôi rồi tiếng nức nở càng to hơn. Bà nói: “Ngốc quá, mẹ biết ngay con cũng lương thiện như bố con mà…”
Tôi lau nước mắt cho mẹ, nói: “Mẹ đừng khóc nữa. Hôm nay là ngày mẹ con ta nhận nhau, mẹ nên vui mới phải. Đúng không?”
Mẹ tôi gật đầu, nắm chặt tay tôi nói: “Cả đời này mẹ chưa từng mơ mộng rằng con sẽ gọi mẹ một tiếng “mẹ”. Bây giờ, con ngồi cạnh mẹ, gọi mẹ là “Mẹ” thì mẹ có chết cũng mãn nguyện rồi.”
Mẹ nói vậy khiến tôi càng xót xa. Tôi nói với mẹ: “Mẹ không được nói linh tinh. Con trai còn chưa đón mẹ về một cách đường đường chính chính. Còn phải điều tra chuyện năm đó của bố nữa. Phải rồi, mẹ, mẹ kể con nghe rốt cuộc năm đó đã xảy ra chuyện gì được không?”
Mẹ im lặng một lát, giống như đã hạ quyết tâm rồi gật đầu nói: “Được. Mẹ sẽ kể cho con nghe mọi chuyện.”
Mẹ vừa định nói thì điện thoại của tôi lại reo. Lấy ra nhìn thì lại là Bào Văn gọi tới. Ngày thứ hai lấy được điện thoại, tôi bảo Tiểu Thái hack số điện thoại hiện tại của Bào Văn, sau đó gọi điện cho cô ấy. Vì thế cô ấy biết số của tôi.
Tôi bảo mẹ chờ rồi nhấn nút nghe, đầu dây bên kia, giọng Bào Văn vui mừng nói: “Trần Danh, tới sân bay Nam Kinh đón tôi.”