Hôm nay đánh cược thua là đã mất mặt rồi, vậy thì còn có thể mất mặt tới đâu được nữa?
Huống chi, ai giỏi hơn thì người đó là thầy, mỗi kỹ năng đều cần phải học tuần tự trước sau, Khổng Tử còn có thể chắp tay nhận một đứa trẻ là thầy thì sao Bạch Kính Đình lại không thể nhận một thanh niên trẻ làm thầy chứ?
Hiện tại, Lý Dục Thần nói không cần trả năm tỷ, không cần tặng cờ thưởng, chỉ cần một phần mười cổ phần của y quán Bách Thảo Đường, còn tặng thêm một bộ châm pháp. Há có thể có kết quả nào tốt hơn thế này được chăng?
Điều duy nhất khiến Bạch Kính Đình băn khoăn là thân phận của Lý Dục Thần – con cháu nhà họ Lý.
Tiếng bố ông ta, Bạch Cảnh Thiên, kêu lên trước khi chết đến nay vẫn còn vang vọng trong đầu Bạch Kính Đình. Đôi mắt chết không nhắm mắt ấy vẫn thường hiện lên trước mắt ông ta.
Mặc dù ông ta không thể chứng minh bố mình bị nhà họ Lý hại chết nhưng chắc chắn là nhà họ Lý không thể thoát khỏi có liên quan.
Nhưng bố ông ta đã mất, nhà họ Lý cũng bị diệt, e là không còn ai biết được chân tướng nữa.
Bạch Kính Đình do dự một lúc lâu, dường như đã hạ quyết tâm, nhìn Lý Dục Thần, nói: “Châm pháp của cậu đúng là rất thần kỳ, tôi thua tâm phục khẩu phục. Có điều, nếu cậu muốn mượn việc dạy châm cho tôi mà mưu toan lấy danh nghĩa là thầy để uy hiếp nhà họ Bạch tôi thì đừng mơ. Bạch Kính Đình tôi có chết cũng không chịu nhục”.
Lý Dục Thần hơi sững sờ, nói: “Tôi không hề có ý định làm thầy của ông. Hơn nữa, tôi chỉ truyền cho ông một châm, dù có là thầy thì cũng chỉ là thầy nhất thời, không phải thầy cả đời. Cho nên ông không cần phải lo lắng”.
Bạch Kính Đình do dự một chút, hỏi: “Cậu thật sự muốn lấy cổ phần của Bách Thảo Đường à?”
Lý Dục Thần gật đầu nói: “Đương nhiên là thật, ông nghĩ tôi là trẻ con nói đùa hay sao?”
“Được, tôi có thể đồng ý với cậu”, Bạch Kính Đình nói: “Có điều đây là chuyện lớn, tôi phải tổ chức hội nghị cổ đông, trưng cầu ý kiến của các cổ đông khác”.
“Đương nhiên là được”.
Lý Dục Thần biết, tuy Bạch Kính Đình là gia chủ nhưng nhà họ Bạch to như vậy không thể chuyện gì cũng do ông ta quyết định được. Cái gọi là hội nghị cổ đông thực chất là cuộc họp gia đình.
Đúng lúc này, một tiếng quát to pha lẫn tức giận vang lên:
“Khoan đã!”
Một người mặc thường phục nhưng búi tóc trên đầu như thể một đạo sĩ đi ra từ trong Bách Thảo Đường.
Lý Dục Thần nhìn thấy cách ăn mặc của đối phương, không cần đoán cũng biết, người này chính là giám viện đương nhiệm của Bạch Vân Quan, Bạch Phương Hưng.
Bạch Quân Đường thấy ông ta tới lập tức mừng rỡ: “Anh ba, cuối cùng anh cũng ra rồi, Kính Đình nó...”
Bạch Phương Hưng ngắt lời ông ta: “Anh đã nghe thấy cả rồi, muốn có cổ phần của Bách Thảo Đường à, tuyệt đối không thể!”
“Chú ba...”, Bạch Kính Đình cung kính chào một tiếng.
Bạch Phương Hưng trừng mắt, cả giận nói: “Hừ, cháu còn biết gọi chú là chú ba à?”
“Sao chú ba lại nói vậy ạ?”
“Bạch Kính Đình! Lẽ nào cháu đã quên bố cháu chết như thế nào rồi ư? Cổ phần của Bách Thảo Đường có thể bán cho người khác nhưng không thể bán cho người nhà họ Lý! Nếu cháu dám tặng cổ phần Bách Thảo Đường cho cậu ta thì đó chính là bất hiếu! Là quên cội nguồn!”
Lời này quá nghiêm khắc. Đối với một gia đình thế gia kế thừa nghề y nhiều đời như nhà họ Bạch thì chữ hiếu là quan trọng nhất.
Sắc mặt Bạch Kính Đình hơi khó coi, ông ta muốn giải thích vài câu, nhưng từ trước đến nay ông ta luôn đôn hậu, không giỏi tự biện bạch cho mình, nhất là ở trước mặt chú ba.
Bạch Phương Hưng là em ruột của Bạch Cảnh Thiên, vì thích đạo thuật nên từ thuở nhỏ, ông ta đã xuất gia ở Bạch Vân Quan. Mặc dù đã xuất gia nhưng ông ta chưa từng cắt đứt liên lạc với nhà họ Bạch. Ông ta song tu cả y và đạo, bất kể là y thuật hay đạo thuật, ông ta đều có thành tựu không nhỏ, địa vị ở nhà họ Bạch gần bằng Bạch Cảnh Thiên.
Sau khi Bạch Cảnh Thiên mất, đương nhiên ông ta trở thành người có địa vị cao nhất trong nhà họ Bạch, là người có tiếng nói có trọng lượng nhất. Nếu không phải ông ta là người của Toàn Chân Môn thì vị trí gia chủ không tới lượt Bạch Kính Đình.
Mỗi khi nhà họ Bạch có chuyện lớn gì là mọi người lại mời Bạch Phương Hưng trở về, nghe thử ý kiến của ông ta. Mỗi khi có chứng bệnh khó chữa, Bạch Kính Đình đều khiêm tốn xin chú ba chỉ dạy.