Hình như con chó cũng nhận ra anh nhìn nó, nó mở mắt ra nhìn một cái rồi nhanh chóng nhắm mắt lại, chẳng buồn nhìn tiếp.
Vào khoảnh khắc nó mở mắt ra, trong thần thức của Lý Dục Thần lóe lên một chùm sáng bảy sắc cầu vồng.
Nó không phải là một con chó bình thường.
Hay phải nói là, nó không phải là một con chó.
Nó là một con dị thú.
Loài vật này xuất hiện ở chốn hồng trần náo nhiệt đúng là chuyện hi hữu, đồng thời cũng hết sức nguy hiểm.
Nhất là khi nó còn xấu xí như vậy, chịu đựng nhiều sự ghẻ lạnh ở nhân gian, ngoài chủ nhân A Đông của nó ra, e rằng thứ nó cảm nhận được chỉ toàn là ác ý.
Nếu có ngày huyết mạch của nó thức tỉnh, hoặc là A Đông mất, không còn ai có thể khống chế được nó nữa thì nó sẽ là một tai họa khổng lồ với thế giới này.
Nếu là người tu hành khác thì có khi đã coi nó là yêu, xiên một nhát, giết chết nó.
Nhưng Lý Dục Thần thì không.
Trong nhà anh còn nuôi tận hai con yêu quái, huống hồ con này không phải là yêu.
Cuối cùng A Đông cũng nấu xong món nóng, một đĩa đậu phụ xào thập cẩm, một đĩa cá lăng phi lê tỉa hoa chiên giòn xốt chua ngọt, một đĩa gà rang thái hạt lựu và một bát canh rau nhút, ba món xào một món canh, hội tụ các món ăn nổi tiếng của những vùng miền khác nhau.
Lý Dục Thần nếm thử, quả nhiên hương vị không tồi, mặc dù vẫn thua sư phụ Vinh nhưng vẫn xứng đáng được đánh giá là ngon cho dù được bán ở bất kỳ tiệm cơm nào.
“A Đông, cậu là người ở đâu?”, Lý Dục Thần hỏi.
“Không biết”, A Đông nói.
“Sao lại không biết?”
“Tôi đi ăn xin lang thang từ nhỏ, không có chỗ ở cố định”.
Lý Dục Thần chỉ vào con chó gác cửa, hỏi: “Nó là chó cậu nuôi à?”
A Đông gật đầu.
“Ở đâu ra vậy?”
“Nhặt được”.
“Nhặt được ở đâu?”
“Không nhớ”, A Đông nói: “Tôi nhặt được nó từ hồi còn rất nhỏ, khi đó không phải chỉ có một con mà là cả một đàn chó cùng với một đám bạn, chúng tôi cùng đi lang thang xin cơm với nhau”.
“Sau đó thì sao?”
“Có mấy con chó bị người ta đánh chết, có mấy con thì bị lực lượng trật tự đô thị bắt, cuối cùng chỉ còn lại A Tây. Sau đó, tôi bị người ta đánh suýt chết, chính A Tây đã lôi tôi ra khỏi đống thi thể, nhờ vậy mà tôi mới sống sót”.
“Tại sao cậu lại bị người ta đánh?”
“Bọn họ nói tôi chiếm địa bàn của bọn họ”.
“Địa bàn ăn xin à?”
A Đông gật đầu: “Đúng vậy”.
Lý Dục Thần chợt nhớ tới buổi tối anh đi chữa trị cho Đoàn Phù Dung cũng đã được nghe Ân Oanh kể một câu chuyện tương tự.
“Cậu có biết một cô bé ăn mày tên là Ân Oanh không?”
A Đông sửng sốt, mắt dường như sáng lên nhưng rồi lại nhanh chóng mông lung trở lại, anh ta lắc đầu: “Tôi không nhớ, nhiều chuyện xảy ra trước khi bị đánh tôi đều không nhớ nổi”.
Lý Dục Thần gật đầu, đột nhiên hỏi: “Nếu như có người muốn mua A Tây thì ra giá bao nhiêu thì cậu chịu bán?”
A Đông lắc đầu: “Không bán”.
“Bao nhiêu tiền cũng không bán?”
“Không bán”.
A Đông chỉ nói hai chữ này, ngắn gọn, đanh thép, không chừa cơ hội thương lượng.
“Nếu như người mua là tôi thì sao?”, Lý Dục Thần hỏi.
Chị Mai kinh ngạc nhìn Lý Dục Thần, không hiểu anh có ý gì. Bỗng nhiên nghĩ tới một chuyện, bà ta ngạc nhiên nhìn A Tây ngoài cửa.
A Tây vẫn nằm co quắp ở đó.
Người đi đường đi ngang qua trông thấy nó bao giờ cũng chỉ trỏ hoặc là né qua, vì nó quá xấu xí.
“Không bán”, A Đông vẫn khăng khăng hai chữ này.
“Tôi là ông chủ của cậu”, Lý Dục Thần nói: “Vừa rồi cậu còn gọi tôi là đại ca đấy!”
A Đông nổi máu bướng bỉnh, cứng cổ nói: “Anh có là bố tôi thì tôi cũng không bán!”
Lý Dục Thần cười, không nói tiếp chủ đề này nữa.
Dù sao hiện tại anh cũng không có thời gian, chờ đi Nam Dương về rồi nói sau.
Nhắc tới chuyện đi Nam Dương, chị Mai hỏi Lý Dục Thần: “Cậu có cần tôi đi với cậu không?”
Lý Dục Thần nói: “Không cần, tôi dẫn anh Mã Sơn theo là đủ rồi”.