Mục lục
[Dịch] Thiên Hạ Kiêu Hùng
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Khu vực Quan Trung là do ba quận hợp thành, phía tây là quận Phù Phong, chính giữa là phủ Kinh Triệu, phía đông là quận Phùng Dực. Trong đó quân đội quận Phù Phong là thế lực của Lý Thế Dân, được gọi là quân Quan Tây, còn quân đội quận Phùng Dực thì được gọi là quân Quan Đông, đương nhiên là thế lực của Lý Kiến Thành.
Quân đội quận Phùng Dực đóng quân chủ yếu ở ba nơi, một là Vĩnh Thông Thương, có mười ngàn quân do Đại tướng Thịnh Ngạn Sư suất lĩnh, thứ hai là đóng ở Bồ Tân Quan cũng có mười ngàn quân do Đại tướng Thường Hà suất lĩnh, cuối cùng là Đồng Quan, có mười ngàn quân, do Đại tướng La Nghệ suất lĩnh.
Sau khi La Nghệ trở về triều Đường, gặp phải sự lạnh nhạt của triều đình nhà Đường, Lý Uyên cho ông ta một chức quan nhàn hạ, vương tước cũng không có, nhưng Thái tử Lý Kiến Thành lại nhiều lần tiến cử ông ta, cuối cùng cũng thuyết phục được Lý Uyên.
Thái tử đề nghị sắc phong ông ta làm chủ tướng Đồng Quan, La Nghệ cũng báo đáp lại, chủ động quy thuận phe Lý Kiến Thành, trở thành thủ hạ đắc lực của Lý Kiến Thành.
Vậy là Thịnh Ngạn Sư, Hà Thường cùng với La Nghệ tạo thành thế lực kiềng ba chân dốc sức báo đáp khiến cho Lý Kiến Thành có được đội quân chính thống của chính mình.
Lại thêm ba mươi ngàn tân quân của tứ đệ Nguyên Cát và ba mươi ngàn quân Quan Nội của thúc phụ Lý Thần Thông, Lý Kiến Thành có gần một trăm ngàn quân, còn có các quan lại trong triều ủng hộ, khiến cho thế lực của anh ta mạnh hơn nhị đệ Lý Thế Dân.
Nhưng lúc này Lý Kiến Thành lại lo lắng hơn. Bỗng nhiên anh ta phát hiện Tần Vương lại lợi dụng cơ hội đại chiến Trung Nguyên, bắt đầu tiến hành chiếm đoạt thế lực quân đội của anh ta, khiến anh ta cực kỳ bất mãn. Lý Kiến Thành cũng không còn tâm trí để tiếp tục thị sát vụ gieo hạt mùa hè nữa, ngay trong ngày liền quay trở về Trường An.
Lý Kiến Thành về thẳng đến hoàng cung. Lúc này đã là buổi chiều, thời tiết vô cùng nóng bức, Lý Kiến Thành đứng chờ ở trước điện Võ Đức mà trán đầy mồ hôi. Lúc này, một lão thái giám hấp tấp chạy tới:
- Thái tử Điện hạ!
Lão thái giám chạy tới gần thở hồng hộc, rồi thi lễ:
- Đã để Điện hạ chờ lâu, Thánh Thượng mời Điện hạ yết kiến.
Lý Kiến Thành lau mồ hôi trên trán, đi nhanh về phía ngự thư phòng. Anh ta dường như nghĩ đến chuyện gì, bước chân chậm lại, chờ lão thái giám đi lên trước, nhỏ giọng hỏi:
- Về việc tăng binh, Thánh thượng đã quyết định chưa?
Lão thái giám hạ giọng nói:
- Hình như là chưa ạ.
Lý Kiến Thành trong lòng hiểu rõ, chuyện này phụ hoàng còn muốn nghe ý kiến của anh ta, anh ta liền bước nhanh hơn.
Hoàng đế triều Đường và triều Tùy không giống với Hoàng đế triều Thanh. Hoàng đế hai triều Tùy Đường không thể độc đoán, mà y đều phải nghe ý kiến của trọng thần phía dưới, thậm chí còn phải vất vả thuyết phục các Tướng quốc ủng hộ mình, nếu nếu không thì sẽ Nội sử tỉnh và Môn hạ tỉnh sẽ không đóng dấu, ngay cả thánh chỉ của Hoàng đế cũng không thể truyền ra được.
Tất nhiên, Hoàng đế cũng có quyền lực của mình. Nếu Tướng quốc thực sự không chịu thỏa hiệp, thì ông ta sẽ bỏ Tướng quốc cũ thay Tướng quốc mới, đổi thành một vị Tướng quốc nghe lời hơn. Ví dụ Lý Lâm Phủ và Dương Quốc Trung thời Trung Đường vậy.
Đến cuối triều đại nhà Đường, Hoàng đế vì muốn khuếch trương vương quyền, không ngần ngại dùng đến thái giám để tạo quyền lực giả, kết quả chính mình ngược lại trở thành bù nhìn trong tay thái giám. Chuyện này nói tiếp thì quá dài, hãy nói về Lý Uyên trước.
Lúc này Lý Uyên cũng đang chờ Thái tử quay về. Sở dĩ ông ta không lập tức đồng ý việc tăng binh với Vũ Văn Sĩ Cập chính là vì ông ta biết, nếu muốn tăng binh thì phải nhận được sự ủng hộ của của Thái tử nhưng ông ta biết rõ các phe phái bè cánh trong quân đội.
Là Hoàng đế, Lý Uyên cũng không phản cảm với kiểu phe phái thế lực này. Hơn nữa ông còn rất ủng hộ sự tồn tại của loại phe phái này, đây là cốt lõi của nghệ thuật làm vua, phân hóa hạ thần. Như thế các thần chỉ có sự đấu đá lẫn nhau chứ không có tâm trí tiến lên. Từ xưa đến nay, những người lãnh đạo đều am hiểu nghệ thuật này.
Dĩ nhiên, Lý Uyên cũng phải tuân thủ quy tắc. Đã là thế lực của Lý Kiến Thành, ông ta sẽ phải được sự đồng ý của Lý Kiến Thành mới có thể suy xét đến việc tăng binh. Hơn nữa ý tứ đó cũng không thể nói một cách rõ ràng mà chỉ có thể nói quanh co bóng gió, nói ra một số lý do chính. Cái này chính là chính trị. Những điều nói ra trên đài luôn luôn chỉ là một cái cớ, chỉ có thể thông qua kết quả cuối cùng mới có thể biết được chân tướng sự việc.
Lý Kiến Thành đi vào ngự thư phòng, cúi mình thi lễ:
- Nhi thần tham kiến phụ hoàng!
Lý Uyên thấy anh ta bắt nắng, da dẻ có phần ngăm đen, liền mỉm cười hỏi:
- Đi Hàm Dương thị sát thế nào?
- Khởi bẩm phụ hoàng, hiện tại là thời điểm bận rộn, nhi thần cũng cùng các nông dân xuống ruộng cấy lúa, có thể biết được nỗi khổ của việc nhà nông, rất có nhiều thu hoạch.
Lý Uyên nghe con trai lại cùng nông dân xuống ruộng cấy lúa, cảm thấy an ủi, liền gật đầu cười nói:
- Hoàng nhi có thể đi sâu vào dân gian như vậy, nhận biết được nỗi khó khăn của người dân, trẫm rất vui mừng. Trẫm hi vọng con cháu Lý Thị cũng có thể giống như hoàng nhi, có thể thăm thú dân gian, không nên chỉ biết ngồi trên cao mà xa rời quần chúng. Mấy hôm nữa trẫm sẽ phải nói với bọn chúng về chuyện này.
- Phụ hoàng có lòng như vậy chính là phúc đức của bá tánh Đại Đường.
Hai người trao đổi mấy câu, Lý Uyên liền chuyển sang đề tài chiến dịch Trung Nguyên, ông ta thở dài nói:
- Hiện tại đại chiến Trung Nguyên đang gặp bất lợi, hậu cần trọng địa huyện Trường Uyên bị quân Tùy đánh lén, chủ tướng Sử Đại Nại bị bắt làm tù binh, bên kia huyện Thị Úy Hiếu Cung lại thất bại thảm hại. Tuy rằng cả hai không làm tổn hại đến đại cuộc nhưng lại ảnh hưởng đến sĩ khí của binh lính. Ngay cả trẫm cũng cảm thấy rất mệt mỏi, càng không cần phải nói đến các tướng sĩ trong quân. Tình hình rất bất lợi cho chúng ta!
- Vậy phụ hoàng tính thế nào, quyết định rút quân về, hay là tiếp tục đánh?
Lý Kiến Thành thận trọng hỏi.
Lý Uyên trầm ngâm một lát:
- Nhị đệ của con Hiếu Cung cũng muốn rút quân nhưng trẫm không muốn từ bỏ như vậy. Nếu như không đánh một trận, trẫm cũng khó có thể ăn nói với người dân cả nước, thế nhưng lại không nắm chắc phần thắng. Ý của nhị đệ con là, hy vọng chúng ta có thể gửi thêm quân một cách thỏa đáng, có thể là hai mươi ba mươi ngàn quân, hoàng nhi thấy có được hay không? Trẫm muốn nghe ý kiến của con.
Dọc đường Lý Kiến Thành đã suy nghĩ, trong lòng cũng sớm đã có dự tính. Anh ta không thể nói không tăng binh, bằng không nếu như Tần Vương thất bại thì sẽ vì thế mà đẩy mọi trách nhiệm lên anh ta.
Nhưng anh ta cũng không thể dễ dàng đáp ứng được. Như thế thì thế lực của anh ta cũng do đó mà suy yếu. Biện pháp tốt nhất chính là rút quân về, nhưng rõ ràng phụ hoàng không chịu rút quân, như vậy anh ta cũng chỉ còn một phương pháp linh hoạt.
- Phụ hoàng, kỳ thực việc nhi thần lo lắng nhất chính là Dương Nguyên Khánh làm cho quân chủ lực của chúng ta đều kéo hết ra ngoài chiến trường Trung Nguyên, sau đó hắn dùng mấy chục ngàn tinh binh từ Quan Nội tiến thẳng tới Trường An. Lúc đó Trường An hoàn toàn trống rỗng, làm thế nào chúng ta có thể chống lại?
- Việc này…
Lý Uyên cũng hơi do dự. Điều này quả thực là một vấn đề cần lưu ý. Quân Tùy đã phá hủy hiệp nghị đình chiến trước, như vậy việc bọn họ đánh lén Trường An cũng có thể xảy ra.
Lý Kiến Thành lại nói:
- Cho dù là quân Tùy binh ít, không tấn công được Trường An nhưng chỉ cần bọn họ tiến vào Quan Trung thì điều này đối với quân Đường ở Trung Nguyên mà nói, sẽ là đả kích rất lớn. Khi đó sĩ khí quân Đường đã loạn, quân chiếm giữ hoảng sợ rút lui, ngược lại bị quân Tùy truy kích, tất sẽ thảm bại, nếu quân chủ lực của quân Tùy dọc đường đuổi theo vào Quan Trung, tình thế sẽ vô cùng nguy hiểm.

Hồi lâu sau, trên mặt Lý Uyên lộ ra vẻ thất vọng, miễn cưỡng hỏi:
- Ý của hoàng nhi nói là, ủng hộ cho bọn họ rút quân?
Lý Kiến Thành lắc đầu:
- Nhi thần không phải có ý này, là nhi thần muốn nói, để chi viện quân cho Đồng Quan cũng không nhất định phải tham chiến, chủ yếu là lấy khí thế áp bức quân Tùy, đồng thời tăng sĩ khí quân Đường, đóng quân ở huyện Văn Hương hoặc Hàm Cốc quan. Một khi Quan Trung nguy cấp, có thể lập tức rút quân, không biết phụ hoàng nghĩ như thế nào?
Lý Uyên hiểu ý của Lý Kiến Thành, anh ta là sợ thế lực của bản thân bị Tần Vương chiếm lấy. Lúc này, ông ta đột nhiên nảy sinh ra một ý nghĩ trong đầu. Lẽ nào Tần Vương yêu cầu tăng binh chính là có chủ ý này sao?
Nghĩ thông suốt được điểm này, trong lòng Lý Uyên có chút tức giận. Bây giờ đã là lúc nào rồi, chuyện liên quan đến sự an nguy trong tương lai của Đại Đường, hai huynh đệ bọn chúng còn đang hục hặc với nhau, mà hoàn toàn không để ý đến đại cục.
Huynh đệ Lý Thị bất hòa, kỳ thực ở một mức độ nào đó có liên quan rất lớn đến Lý Uyên vì chính ông ta đã cố ý gây hiềm khích giữa bọn họ. Nhưng đến thời khắc quan trọng, Lý Uyên lại hy vọng huynh đệ bọn họ có thể vứt bỏ những hiềm khích trước đây, đồng tâm hiệp lực. Cái này gọi là đạo lý vừa hy vọng ngựa chạy nhanh hơn lại vừa hy vọng ngựa không ăn cỏ.
Giận thì giận, nhưng Lý Uyên cũng đành chịu. Ông ta biết Kiến Thành đã nhượng bộ. Nếu như mình còn không đồng ý thì e rằng các quan văn võ trong triều sẽ đến gây áp lực, yêu cầu rút quân.
- Được rồi! Hoàng nhi nói cũng có lý, cứ làm theo lời con đi.
Lý Kiến Thành lập tức nói:
- Nhi thần xin đề xuất Nguyên Cát dẫn ba mươi ngàn tân quân đến Đồng Quan trợ giúp quân Đường ở Hoằng Nông.
Lý Kiến Thành suy nghĩ thận trọng, anh ta biết nếu như để La Nghệ dẫn quân đi, với người ác độc quả quyết như nhị đệ, có nhiều khả năng sẽ giết người đoạt binh quyền, còn để cho tứ đệ đi, sẽ không gặp phải kết cục này.
Lý Uyên suy nghĩ một lúc lâu, ông không đồng ý với đề xuất của Lý Kiến Thành:
- Để Nguyên Cát đi không thích hợp, hay là đổi một viên chủ tướng khác.
Mặc dù viện quân chỉ là để phô trương thanh thế, kiềm chế quân Tùy, nhưng chỉ sợ vào lúc tình thế nguy cấp, khi cần hỗ trợ, nếu như Nguyên Cát làm chủ tướng, có khả năng sẽ bỏ mặc Tần Vương, cuối cùng dẫn đến thất bại.Điểm này Lý Uyên không hề hồ đồ, trong lòng ông ta hiểu rất rõ.
Phụ thân phản đối khiến cho Lý Kiến Thành hơi thất vọng. Anh ta suy nghĩ một chút:
- Vậy nhi thần xin đề nghị để Hà Thường làm chủ tướng.
……
Sau một phen mặc cả chuyện tăng viện binh tại nội bộ triều Đường, cuối cùng cũng đã đạt được thỏa hiệp. Lý Uyên lập tức bổ nhiệm Hà Thường làm Tả Vệ Đại tướng quân, đóng ở Bồ Tân Quan, dẫn ba mươi ngàn quân đến Đồng Quan trợ giúp quân Đường ở Hoằng Nông, khiến cho cuộc chiến Trung Nguyên tăng thêm vài biến số.
Cùng lúc đó, việc Đậu Kiến Đức khống chế Thanh Châu cũng làm nảy sinh một số vấn đề. Tại huyện Lịch Thành, một bài hát thiếu nhi được truyền đi khắp các xóm làng và tửu quán “U Châu có yêu đạo, nói rằng phục ma thần, cưỡi mây ra Bạch Hải, xuống trần làm Thanh Đế.”
Bài hát thiếu nhi này có chút kỳ lạ, giống như là một lời tiên tri. Sau mấy ngày lưu truyền trên phố, cuối cùng cũng đã truyền tới tai Đậu Kiến Đức.
Đại chiến Trung Nguyên bùng nổ, là một người ngoài cuộc, Đậu Kiến Đức luôn theo dõi chặt chẽ tình hình phát triển của cuộc chiến, kỳ vọng lớn nhất của ông ta là quân Tùy bị đánh bại, tàn binh lui về Hà Đông, lúc này Hà Bắc trống rỗng, ông ta lại có thể một lần nữa quay về Hà Bắc, khôi phục đế nghiệp.
Đậu Kiến Đức đã bị Dương Nguyên Khánh làm cho mất hết can đảm. Cho dù lúc này binh lực Hà Bắc thực sự trống rỗng, chỉ có Đại tướng Tần Quỳnh dẫn hai mươi ngàn quân chiếm đóng tại phía quận Đông, nhưng ông ta vẫn không dám đi qua sông Hoàng Hà, trừ khi Dương Nguyên Khánh bị quân Đường đánh bại, khi đó ông ta mới có thể nảy sinh dũng khí.
Trong phòng, Đậu Kiến Đức đứng trước sa bàn thận trọng phán đoán các kết quả có thể xảy ra của cuộc đại chiến Trung Nguyên nhưng kết quả phán đoán quả thực làm cho ông ta có phần chán nản. Ông ta cũng phát hiện quân Đường đang ở tình thế bất lợi, quân Tùy đã nắm được thế chủ động.
Lúc này, ngoài cửa có thân binh bẩm báo:
- Vương gia, Khổng tiên sinh đã tới.
Đậu Kiến Đức gạt bỏ suy nghĩ qua một bên, Khổng Đức Thiệu đến tìm ông ta là có một chuyện quan trọng khác. Ông ta liền gật đầu:
- Mời tiên sinh vào.
Cửa mở ra, Khổng Đức Thiệu đi đến trước mặt Đậu Kiến Đức, khom người thi lễ nói:
- Ty chức tham kiến Vương gia!
- Tiên sinh không cần đa lễ, mời ngồi!
Đậu Kiến Đức mời Khổng Đức Thiệu ngồi xuống, rồi sai người mang trà lên. Lúc này ông ta mới lấy từ trên bàn ra một bản báo cáo, đưa cho Khổng Đức Thiệu:
- Gần đây trong huyện Lịch Thành xuất hiện một lời tiên tri, có chút kỳ lạ. Ta không thể nào lý giải được, xin tiên sinh có thể giải thích cho ta được không.
Khổng Đức Thiệu nhận lấy báo cáo, chỉ thấy trên đó viết: “U Châu có yêu đạo, nói rằng phục ma thần, cưỡi mây ra Bạch Hải, xuống trần làm Thanh Đế.” Chương trình ủng hộ thương hiệu Việt của Tàng Thư Viện:

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK