Mục lục
[Dịch] Anh Hùng Chí - Sưu tầm
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Đông đi xuân tới, Lư Vân mỗi ngày đốn củi nấu nước, lại thêm được ăn uống đầy đủ nên thân thể ngày càng cường tráng. Thân hình hắn vốn đã cao, lúc này càng trở nên khôi ngô. Mỗi tháng hắn đều gom góp tiền công, dự định đủ chi phí thì liền nghĩ cách trở lại Sơn Đông.

Ngày hôm đó hắn đang gánh nước, chợt thấy quản gia vội vàng chạy tới, kêu lên:

- Này! Ngươi tới đây!

Lư Vân để thùng nước xuống, lau mồ hôi rồi hỏi:

- Có chuyện gì sao?

Quản gia ngoắc tay nói:

- Hỏi nhiều như vậy làm gì!

Lư Vân thấy đối phương có vẻ vội vàng, nhất định là có chuyện, liền lập tức đi theo.

Chỉ thấy quản gia một đường đi thẳng mang hắn tới khu nhà của gia chủ. Lư Vân là một đầy tớ hạ tiện, chưa bao giờ được đến chỗ này. Chỉ thấy bên trong vàng son lộng lẫy, đồ dùng trong nhà được bài trí hết sức tinh tế.

Không biết vì sao quản gia lại dẫn hắn đến đây.

Một lúc sau, hai người đến một thư phòng, bên trong vô số tàng thư, trên tường treo đầy thư họa, vừa nhìn liền biết chủ nhân rất coi trọng nơi đây. Quản gia kia nói:

- Được rồi! Về sau ngươi không cần chẻ củi gánh nước nữa, mỗi ngày tới đây trông giữ quét dọn, biết chưa?

Lư Vân vừa mừng vừa sợ, vội hỏi thăm tình hình cụ thể, mới biết lão tiên sinh trông giữ thư phòng trước kia đã về quê. Đám gia đinh trong nhà lại không có đọc qua sách vở, không thể quản lý thư phòng. Đang còn muốn tìm một người đọc sách đến trông coi, Quản gia liền nghĩ tới Lư Vân. Lúc này mới giao cho hắn cái công việc nhẹ nhàng này.

Quản gia nói:

- Tiểu tử! tiền công của ngươi vẫn như cũ, vẫn ở kho củi kia. Mấy ngày nữa nếu như có phòng trống, ta sẽ chuyển cho ngươi vào.

Lư Vân vui vẻ nói:

- Không quan trọng, chỉ cần có thể tới nơi này đọc sách, ngươi để cho ta ngủ chuồng heo cũng được.

Quản gia kia gắt một cái, mắng:

- Mọt sách!

Tiếp theo lại phân phó:

- Mấy ngày nay lão gia không ở trong phủ, ngươi phải trông coi nơi này thật tốt, không có việc gì thì quét dọn lau chùi, có biết chưa?

Sau khi quản gia rời đi, chỉ còn một mình Lư Vân trong thư phòng, hắn nhìn thư phòng thật lớn này, bên trong cất giữ hàng ngàn hàng vạn quyển kinh thư, có một cửa sổ rất lớn mở ra, ngoài cửa sổ hoa cỏ xanh tươi, chim hót véo von, trong lòng vui mừng như thắng bạc, nhất thời hắn nhảy nhót khắp nơi sờ sờ Tứ Thư Ngũ kinh, giống như kẻ tha hương lâu ngày trở về gặp thân nhân.

Cố lão gia là Cố Tự Nguyên, là quan công bộ thị lang, bởi mẫu thân qua đời nên mới ở nhà chịu tang ba năm. Năm nay đã là năm thứ hai, tính ra tới mùa xuân năm sau có thể hồi kinh phục chức. Mấy ngày nay Cố lão gia rời Dương Châu lên Hoàng Sơn ngắm cảnh, Lư Vân mỗi ngày đến thư phòng, ngoại trừ quét dọn thì không có việc gì làm, tính hắn trời sinh vốn đam mê đọc sách, nơi này có nhiều sách để đọc thì mừng rỡ vô cùng. Mỗi này hắn đều đọc điển tịch Nho gia, có phần khâm phục phong thái người xưa.

Một ngày Lư Vân đi đến giá sách đặt đạo thư, tiện tay chọn lấy một quyển. Hắn từng nghiên cứu qua Dịch lý, hơn nữa rất có tâm đắc. Chẳng qua mấy quyển sách này phần lớn là thuật dưỡng sinh của Đạo gia, Lư Vân ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng Nho gia, không tin những thứ huyền học trường sanh bất lão này.

Đang muốn trả lại nhưng lại nghĩ: "Chư tử bách gia, ai ai cũng có sở trường riêng, về sau có lẽ ta không thể cầu được công danh, cần gì phải câu nệ theo đạo Khổng Mạnh?"

Lập tức liền mở sách đạo thuật tinh tế nghiên cứu.

Qua mấy ngày, Lư Vân đã đọc hơn mười bản dưỡng sinh tu đạo, trong đó có rất nhiều y lý có hình vẽ huyệt đạo, tuy không hiểu rõ lắm nhưng dần dần cũng có phần hứng thú.

Ngày hôm đó, Lư Vân xem đến một quyển sách có tên là "Luyện Khí Luận Khí", đọc qua nội dung thì rất khác lạ so với những sách đã xem trước đây. Lại nhìn lời tựa chỉ có ngắn ngủn vài câu:

- Bần đạo thấy Cố Thị Lang rất am hiểu đạo học, đặc biệt là đạo dưỡng sinh. Bần đạo từ trong võ học, ngộ ra được sự biến hóa kỳ diệu của thiên nhân, tìm được phương pháp bồi bổ tăng tuổi thọ, đặc biệt tặng cho phương giá, luyện tập kiểm chứng. Chưởng môn Võ Đang Nguyên Thanh."

Lư Vân biết rõ tên tuổi Võ Đang Sơn, năm đó Trương Tam Phong chân nhân từng sống trong núi này, nghe đồn thọ đến hơn hai trăm tuổi, về sau vũ hóa thành tiên.

Lư Vân thầm nghĩ: "Sách này đã có chút lai lịch, lại có thể bảo dưỡng thân thể, sao ta không luyện tập một chút, về sau nếu có thể bớt cảm mạo ho khan chẳng phải sẽ tốt sao?"

Nghĩ đến đây liền bắt đầu đọc kinh thư. Hắn xem một hồi, chỉ cảm thấy câu chữ trong này khá thú vị, nhất thời hào hứng, lập tức liền học theo phép đả tọa trong này.

Lư Vân chậm rãi hít thở, chiếu theo phương pháp thổ nạp ba dài một ngắn trên sách, giữ đầu lưỡi ở giữa hai hàm răng, tưởng tượng như có một luồng khí đang di chuyển từ huyệt Ngọc Chẩm ở sau ót sang các huyệt khác như Thiên Đột, Trung Cực, Kiên Tỉnh. Chỉ là mới tưởng tượng một đường mà đầu choáng mắt hoa, không thấy có chút tiến triển. Lư Vân thầm nghĩ:

- Xem ra ta luyện không đúng pháp môn, mấy ngày nay nên luyện tập nhiều hơn nữa xem sao.

Dù sao cũng rảnh rỗi, Lư Vân một mực bám riết lấy bản "Luyện Khí Luận Khí". Chỉ là luyện tới luyện lui, thủy chung trên người cũng không có biến hóa gì. Ngược lại là cái mông thường xuyên ngồi nên đau mỏi không chịu nổi, một ngày lúc đi “thải” cảm thấy trên mông đau nhức. Lư Vân thầm nghĩ: "Xem ra những thứ Đạo gia huyền học này tất cả đều là gạt người, ta không cần lãng phí thời gian vì nó nữa".

Từ đó về sau, liền lại trở về nghiên cứu sách sử, đem kinh thư của chưởng môn Võ Đang ném ở một bên.

Ngày hôm đó thời tiết nóng bức, Lư Vân đang đọc sử ký thì cảm thấy buồn ngủ, hai mắt chậm rãi nhắm nghiền đi vào giấc ngủ.

Trước đó vài ngày, mỗi ngày đúng giờ hắn đều tập luyện phương pháp thổ nạp, dần thành thói quen, vì vậy trong lúc đang nửa mê nửa tỉnh này hắn cũng bắt đầu tập luyện thổ nạp.

Sau nửa canh giờ, Lư Vân dần chìm sâu vào giấc ngủ, bỗng nhiên có một dòng nhiệt khí khẽ động nơi đan điền, một luồng nhiệt lưu dọc theo sau lưng xoay vòng rồi từ trên xuống dưới, chậm rãi chảy vào Nê Hoàn lại theo Ngọc Chẩm mà xuống, một đường chạy qua các huyệt đạo Thiên Đột, Trung Cực, Kiên Tỉnh, Đản Trung, cuối cùng trở về đan điền. (1) Lúc này Lư Vân đang ngủ say, chỉ cảm thấy luồng nhiệt lưu kia liên tục chảy qua lại không dứt, toàn thân có một cảm giác thư sướng khó nói nên lời.

Giửa lúc mơ mơ màng màng, thể xác và tinh thần trở nên thoải mái như đang phiêu bồng trên mây, đột nhiên có người quát to một tiếng:

- Ngươi đang làm gì đó!

Lư Vân bị chấn động tỉnh lại, đã thấy A Phúc đang lạnh lùng nhìn hắn, nói:

- Trong lúc làm việc, ngươi trộm ngủ cũng đừng cho quản gia thấy được.

Lư Vân cảm thấy hoảng hốt, đang muốn ngồi dậy thì bỗng toàn thân run lên té ngã trên đất. A Phúc cũng lắp bắp kinh hãi, đỡ hắn dậy hỏi:

- Làm sao vậy? Ngủ bị tê chân chăng?

Lư Vân muốn đáp lời, nhưng ngay cả thanh âm cũng không thể phát ra, khóe miệng co quắp giống như trúng tà vậy.

A Phúc vừa kinh vừa sợ, đỡ hắn ngồi xuống, nói:

- Ngươi nghỉ một lát, ta đi trước.

Hắn sợ rước họa vào thân liền vội rời đi, để lại một mình Lư Vân trong phòng.

Suốt một canh giờ, Lư Vân không thể nhúc nhích như bị bệnh nặng vậy. Hắn nào biết rằng, người luyện công tối kỵ nhất là bỗng nhiên kinh hãi giống như vừa rồi. Phàm là người luyện võ, lúc luyện công nhất định phải yên tĩnh, may mà công lực của Lư Vân vô cùng nông cạn. Nếu không bị người quấy nhiễu như vậy, nhẹ thì tê liệt, nặng thì thất khiếu chảy máu mà chết, kết cục rất bi thảm.

Bất quá đại nạn lần này không chết, Lư Vân đã phát giác ra một pháp môn luyện công. Chỉ cần ý niệm như có như không, liền có thể dẫn xuất một đạo khí lưu ấm áp. Hắn nhìn đống sách, biết dòng nước ấm này một khi thành tựu được gọi là nội tức, người luyện võ liền xưng là nội lực.

Lần này thu được niềm vui bất ngờ, Lư Vân lại càng chuyên cần luyện tập, mỗi lần nội tức lưu chuyển thì thấy trong người nóng lên, cảm giác thoải mái hồi lâu. Tuy chưa rõ luồng nội tức này có tác dụng gì nhưng nửa tháng sau cảm thấy thần thanh khí sảng, khí lực cũng lớn hơn nhiều, ắt hẳn do diệu dụng của luồng nội tức nọ mang lại.

Ngày hôm đó hắn đang tu luyện nội công, tự nhủ: "Nếu muốn đem chân khí dẫn vào đan điền, nên bắt đầu từ kinh mạch nào thì thỏa đáng? Nếu ta muốn đả thông kỳ kinh bát mạch phải vận chuyển nội tức như thế nào?"

Hắn tập luyện nội lực đã mấy ngày, liền bắt đầu nghĩ đến làm sao mới có thể tự do vận dụng. Xem trong sách lại không thấy chỉ dẫn nào, đành phải tự tìm tòi.

Đang ngẩm nghĩ, chợt nghe ngoài cửa có tiếng người mắng:

- Đồ đại đầu quỷ ngươi! Tiểu tử, lão gia trở về rồi, ngươi còn không nhanh ra nghênh đón!

Chính là quản gia đã đến. Lư Vân hoảng sợ, không kịp sửa sang trang phục, vội vàng theo ra ngoài.

Chỉ thấy một người mặt trắng râu đen, thần thái thanh thản đang chậm rãi đi tới thư phòng, xem ra chính là lão gia.

Quản gia khom người nói:

- Tham kiến lão gia.

Quả nhiên người nọ chính là Cố Tự Nguyên. Lão liếc nhìn Lư Vân, tựa hồ có điểm kỳ lạ hỏi:

- Tên tiểu tử này là ai?

Quản gia nói:

- Kỳ tiên sinh lúc trước tuổi đã cao nên hồi hương, hắn là đến thay Kỳ tiên sinh.

Cố Tự Nguyên khẽ gật đầu, tự đi vào thư phòng.

Quản gia vội đẩy Lư Vân một cái la lên:

- Còn không đi vào?

Lư Vân theo lời, đi vào đóng cửa lại, đứng hầu một bên.

Cố Tự Nguyên vào trong phòng thì dò xét một hồi, đột nhiên nói:

- Sao lại có người động vào sách của ta?

Chỉ thấy trên bàn có vài cuốn sách, đều là những quyển Lư Vân lấy đọc.

Lư Vân thầm nghĩ : "Nguy rồi! Lão gia trở về quá gấp, ta không kịp dọn dẹp đống sách".

Cố Tự Nguyên cầm vài cuốn sách lên, đều là kinh điển Đạo gia, "Y" một tiếng nói:

- Ngươi có hứng thú nghiên cứu đối với kinh điển Đạo gia?

Lư Vân nói:

- Tiểu nhân chỉ là tiện tay xem qua.

Cố Tự Nguyên khẽ gật đầu, nói:

- Người tuổi trẻ đọc kinh sử tử luận nhiều chút, không nên quá mê luyến vào mấy thứ học thuật trống rỗng này.

Lư Vân đổ mồ hôi lạnh, vội vàng đáp:

- Vâng. Tiểu nhân đã biết.

Cố Tự Nguyên lại hỏi lai lịch tính danh của Lư Vân. Hắn liền nói sơ lược. Cố Tự Nguyên không ý kiến gì, ngồi xuống nói:

- Mài mực.

Bản thân Lư Vân là một tay viết chữ tốt, đối với hắn thì mài mực dễ như trở bàn tay. Hắn lấy ra một thỏi Tùng Yên Bảo Mặc, thấy bên trên có khắc hình rồng tinh tế. Chỉ mài mấy cái, đã nghe bay lên mùi mực thơm mùi Tùng hương, khí như Chi lan (2), quả là cực phẩm. Lư Vân trước kia trong nhà nghèo khổ, nhiều lúc phải tập viết trên cát. Nếu có tiền mua mực cũng là loại mười văn tiền một thỏi dùng tạm, đã khi nào thấy qua loại cực phẩm này? Nhất thời nhắm hai mắt lại hít lấy mùi hương vào mũi, giống như đang ở Thiên đường.

Cố Tự Nguyên thấy bộ dáng kỳ quái của hắn, ho một tiếng nói:

- Ngươi đang làm cái gì?

Lư Vân vôi định thần, cười bồi nói:

- Không có gì, không có gì.

Cố Tự Nguyên lắc đầu, từ trên giá xuống một cây bút lông, chính là một cây “Cống Phẩm Tử Mao Lang Hào (3)”. Lư Vân thấy thì nước miếng chảy ròng, trong lòng vô cùng hâm mộ, chỉ ước đem bút lông thỏ này nắm trong tay vũ động một phen.

Cố Tự Nguyên hỏi:

- Giấy đâu?

Lư Vân vội đi về giá sách, lấy ra Tuyên Hòa tang giấy (4), trải lên bàn.

Cố Tự Nguyên cau mày nói:

- Ta muốn viết chính là tấu chương, ngươi sao cầm tang giấy ra đây?

Nói xong đặt bút xuống đến giá sách, cầm một xếp giấy có bốn chữ “ Cống Phẩm Giấy Tuyên Thành, nói :

- Ta viết tấu chương, phải dùng loại giấy thượng đẳng Tuyên Thành này, ngươi hãy nhớ kỹ!

Lư Vân không ngớt đáp lời:

- Vâng, vâng!

Chỉ thấy Cố Tự Nguyên hạ bút như bay. Lư Vân thấy lão hành văn phiêu dật, thư pháp thanh tú, không hổ đã từng đỗ trạng nguyên, quả là phong thái của bậc trọng thần qua hai triều. Hắn không khỏi lộ vẻ tán thưởng.

Cố Tự Nguyên ngẩng đầu, thấy Lư Vân nhìn văn của lão thì liên tục gật đầu, có điểm hưng phấn, trong lòng hiếu kỳ nghĩ: "Thư đồng này có thể hiểu văn chương của ta sao?"

Nhưng chỉ nghĩ vậy, lại chuyên tâm viết tấu chương.

---------

Chú thích:

(1) * Nê Hoàn là một thuật ngữ với bốn ý nghĩa khác nhau:

• Nê Hoàn là tên thần não.

• Nê Hoàn tượng trưng cho não bộ, như trong Tu Chân Thập Thư viết: "Nê Hoàn là hình tượng của não" (Nê Hoàn não chi tượng). Tiên Học Từ Điển của Đái Nguyên Trường cho từ nguyên của Nê Hoàn là: "Trong đầu nơi đỉnh là não hải, não giống như bùn mà có hình tròn, tròn [gọi] là hoàn." (Tại đầu đỉnh đương trung não hải thị dã, dĩ não như nê nhi hình viên, viên giả hoàn dã).

• Nê Hoàn là cung thứ ba trong Cửu Cung, Nội Cảnh giải: Từ giữa hai chân mày đi vào ba thốn là Đan Điền Cung, cũng gọi Nê Hoàn Cung.

• Trong Phật giáo, Nê Hoàn được dùng để phiên âm từ Nirvana trong tiếng Phạn.

• Nê hoàn là chỉ giai đoạn luyện công của một số môn phái, chuyển tiếp sau giai đoạn vận đan điền

* Xương chẩm có tên là Ngọc Chẩm. Huyệt ở ngang với xương chẩm vì vậy gọi là Ngọc Chẩm (Trung Y Cương Mục).
* Huyệt Thiên Đột: Thiên = vùng bên trên; Đột = ống khói. Huyệt có tác dụng làm thông phế khí (qua ống khói), vì vậy gọi là Thiên Đột. Tên Khác: Ngọc Hộ, Thiên Cù.

* Huyệt Trung Cực: Huyệt ở giữa (trung) rốn và xương mu, được coi như là 2 cực, vì vậy gọi là Trung Cực. Tên Khác: Khí Nguyên, Ngọc Tuyền, Trung Trụ
* Huyệt Kiên Tỉnh: Huyệt ở chỗ lõm (giống cái giếng = tỉnh) vùng trên vai (kiên), vì vậy gọi là Kiên Tỉnh. Tên Khác: Bác Tỉnh.

* Huyệt Đản Trung: Đản = chất trắng đục, ở đây ví như màng bảo vệ tim. Trung = giữa. Huyệt ở giữa 2 vú, gần vùng tim, vì vậy, gọi là Đản Trung (Trung Y Cương Mục). Tên Khác: Chiên Trung, Đàn Trung, Hung Đường, Nguyên Kiến, Nguyên Nhi, Thượng Khí Hải.

* Đan điền là thuật ngữ trong y học, võ thuật, dưỡng sinh dùng để chỉ một vài trung tâm khí lực hay là các huyệt đạo trên cơ thể người. Đan điền, từ Hán Việt có nghĩa là "ruộng trồng đan dược", là nơi khí lực dễ tập trung hay có thể tập trung khí lực nhiều nhất, mạnh nhất. Vì vậy tùy theo môn phái và tùy theo mục đích sử dụng mà có các dị biệt về huyệt đạo.

(2): Cỏ chi cỏ lan thời xưa chỉ sự cao thượng và tài đức.

(3) Cán Bút Lông Thỏ Mang Tên Tử Hào

Tử Hào, tử là màu tím. Chỉ chọn lông màu tím trên lưng một loại thỏ rừng ở một địa phương nào đó, một quãng thời gian nào đó.

Nói kỹ, để cùng nhận thấy cái giá trị, cái hiếm hoi, quí giá của một cây bút Tử Hào: Tử Hào là thứ lông tím mọc lơ thơ trên lưng giống thỏ, làm bút viết rất tốt nên giá tiền rất đắt, không phải ai mua cũng được. Chế được một cây bút Tử Hào rất công phu. Trước hết phải tìm bắt những con thỏ rừng về lột da lấy lông, mỗi con chỉ có mươi sợi ở ngay trên sống lưng là mang màu tím, vừa cứng vừa nhọn, đủ sức chịu đựng. Lại còn phải đợi vào dịp trung thu, lông mới đúng độ. Đầu thu trời còn nóng, còn chịu ảnh hưởng của mặt trời mùa hạ. Cuối thu trời bắt đầu chuyển lạnh, lông rụng bớt để thay lứa lông mới cho đủ ấm thân thỏ.

Nhà thơ Bạch Cư Dị đã ca tụng cây bút Tử Hào: Tiêm như truy, hề lợi như đao.
Nghĩa là: nhọn như cái chùy, sắc bén như lưỡi dao. Chương trình ủng hộ thương hiệu Việt của Tàng Thư Viện:

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK