Trường An.
- Đã biết gì chưa, Yên Vương làm phản rồi.
- Hừ, tin tức kém cỏi, ta còn biết quân Yên đánh đến tận Lạc Dương rồi kia.
- Không biết thì đừng bốc phét, Khai Phong còn chưa chiếm được, đánh thế quái nào được Lạc Dương. Nghe nói Địch tướng quân sẽ đem Long Vũ quân lên phương Bắc ...
- Tào lao hết, tiểu tử Địch Cao Vĩ tuổi gì? Tin chuẩn xác đây, quân Thiên Ba của Dương gia sẽ ra trận diệt Yên.
- Lão Ngưu, nhà gạo sắp hết rồi không lo, ở đây cái gì Dương gia với Âm gia hả?
- Aaa, được rồi, được rồi, thả tai ta ra, ta tự về là được mà ...
Tin Yên Vương nổi loạn đã tràn ngập kinh thành. Tuy vậy, cuộc sống vẫn trôi qua bình thản, dân chúng bàn luận tuy sôi nổi nhưng lại không mấy lo lắng.
Chuyện chiến tranh không phải mới lạ đối với người Tống, bao năm người Liêu người Ngụy gây hấn thường xuyên có tin nóng hổi. Chẳng qua Trường An ở sâu trung tâm, hầu như chả bao giờ có chiến loạn, bởi vậy dân chúng vẫn xem như không có gì xảy ra.
Triều đình có hệ thống đưa tin riêng, phàm tin tức nào cần đưa ra đại chúng, quan ở Lí Phiên viện sẽ đem dán ở những chỗ dân hay tập trung, hầu hết đều là tin tức đã qua triều đình thẩm định. Thành ra, tin tức lan truyền trong dân chúng sẽ khá hỗn loạn, tin giả tin thật, tin gốc tin đã bị sửa, lẫn lộn cả vào nhau.
So ra, tin tức của các thương đoàn hoặc tiêu cục kiểu Phong Vân đoàn còn chính xác hơn hẳn.
Công Tôn Dao biết tin Hà Bắc nổi loạn từ Công Tôn Tán, Lăng Phong lại bặt vô âm tín, nàng lo lắng không thôi. Nàng thậm chí muốn tự mình đi Hà Bắc tìm Lăng Phong, hiềm một nỗi Lâm Nghi Anh vẫn nằm bất động trên giường, khiến Công Tôn Dao không thể cứ thế bỏ đi.
Mặc lão tuy lo lắng không kém Công Tôn Dao, nhưng là quân nhân kinh nghiệm đầy mình, lại trải qua gió sương, lão thâm trầm hơn hẳn, chỉ gửi vài đứa nhanh nhẹn đi ngược lên phương bắc dò la tin tức nhóm Lăng Phong. Lão tin tưởng, toàn bộ tinh anh của Hắc kỳ đi cùng Lăng Phong, khó xảy ra chuyện gì tệ hại.
Phong Vân đoàn không còn đơn giản mấy chục đứa trẻ như xưa, có hơi hướng thành một "tập đoàn", tên tuổi ngay cả quan phủ cũng phải để mắt đến. Lăng Phong rời đi chưa lâu, Phong Vân đoàn quy mô đã phình to hẳn, nhân sự tài lực cũng bước qua trang mới.
Mặc lão gần như thay Lăng Phong thành tổng đầu lĩnh, thậm chí đám mới gia nhập còn chả biết Lăng Phong là thần thánh phương nào.
Bạch kỳ dưới tay Long Bác Khôn không còn một đội đào vàng nhỏ, nhân số đã lên đến 200 người, giang hồ quanh Trường An thậm chí xưng thành Bạch bang. Hiện tại, phàm đụng đến khai khoáng quanh Trường An, không được Bạch bang cho phép, không ai dám làm riêng. Diêm bang của tên Cẩu có lần đem quân tới quấy rối, bị Long Bác Khôn đem quân đánh tơi bời, nghe nói việc buôn muối của cũng phải chia bớt cho Bạch bang nắm.
Công Tôn Tán lập hẳn một kỳ mới, gọi Lục kỳ, lo việc vận tiêu hộ tống phía đông Trường An, thanh thiếu niên Bão Độc trại đều kéo tới xin vào. Tuyến đường thậm chí xuyên Hà Nam đến tận Sơn Nam Giang Nam, nghe nói sắp tới lập tiêu điếm tại cả Tô Châu Hàng Châu. Ngay cả Uy Viễn tiêu cục nổi danh Lạc Dương cũng bị Lục kỳ nuốt dần nuốt mòn.
Phương Hùng nhường hẳn phía đông cho Công Tôn Tán, chuyển Hoàng kỳ sang phía tây, quản tuyến đường từ Trường An lên Tần Phượng tây bắc, tuyến Kiếm Nam phía tây và cả tuyến Kinh Hồ phía nam. Phương Hùng nhường mặt đông cho Công Tôn Tán một phần vì hắn không muốn đụng độ quan phủ. So với phía đông Lạc Dương Giang Nam, mặt tây vào đất Thục triều đình lỏng lẻo hơn hẳn. Phương Hùng nhân đó đẩy Hoàng kỳ lên mấy trăm người, hành sự đôi lúc không khác sơn tặc thổ phỉ là mấy, kẻ nào không phục đều bị hắn đem người tới xử đẹp. Phương Hùng thế lực càng mạnh, lại càng như tách ra hoạt động riêng, Mặc lão cũng thấy lo lắng.
Chỉ có Gia Cát Vinh nắm tiền trang lại khá phập phù. Gia Cát Vinh có học thức, có âm mưu, nhưng không thích việc buôn bán, thành ra tiền trang Phong Vân chỉ hoạt động qua ngày.
Nhân sự trong đoàn ngày càng nhiều, trong đó nổi bật có một người họ Lục, tên Chính Kỳ, khoảng trên dưới 30, nghe nói Mặc lão gọi từ phương nam đến. Người này khá giống Gia Cát Vinh, có đầu óc, đảm nhiệm vị trí quân sư. Cũng nhờ kẻ này quản lý nhân sự mới khiến đoàn tuy phình to nhưng vẫn cân bằng thu về một mối, rất có phong thái Gia Cát Lượng.
Chỉ buồn cười một điều, kẻ đáng ra là tổng đầu lĩnh lại bơ vơ tận đẩu tận đâu, gần như chả biết gì.
...
Hoàng thành Trường An, phố Đông.
Phố Đông và thành Đông khác nhau. Tuy cùng là Trường An, nhưng khu Hoàng thành lại có chút tách biệt với bên ngoài. Chỗ này chủ yếu dinh thự phủ đệ quan viên, chùa chiền đạo quán cao cấp. Nó khá giống "khu đô thị cao cấp" sau này.
Lý phủ, phủ đệ của Lý Thiên Tường, quan Tư nghiệp Quốc Tử Giám, tương đương chức Thứ trưởng.
Lý Minh Nguyệt mấy ngày nay buồn chán trong khuê phòng, tri kỷ Lăng Vân đã đi Hà Bắc, nàng không còn chỗ tâm sự vui vẻ.
Một vị phu nhân áo quần hoa quý đi vào, tay cầm một khay gì đó.
- Nguyệt Nhi, con đưa bát canh này ra, nói là con tự làm cho cha.
- Mẫu thân làm, con mặt dày nhận làm gì a? - Lý Minh Nguyệt vẫn nằm dài trên bàn đáp.
- Ài, cái đứa nhỏ này. - Lý phu nhân thở dài.
- Mẫu thân, con gái cũng không phải xấu xí gì, ngài việc gì phải ... - Lý Minh Nguyệt làm nũng.
- Hừ, ta nếu không lo, ngươi cứ nằm ườn ra đó, không sớm thì muộn cũng ...
Lúc này ở thư phòng, ngoài Lý Thiên Tường còn có một vị khách khác.
- Đại nhân, sắp tới có kỳ thi lên Thượng xá, hạ quan thấy hay đề thi để chút liên quan đến Yên nghịch, như vậy cũng tiện bề đánh giá.
- Điều này ... rất dễ gây sóng gió. - Lý Thiên Tường chỉ nhâm nhi ly trà đáp.
- Hạ quan nghĩ đây là cơ hội để sĩ tử tỏ lòng trung quân ái quốc, nếu ngay cả điểm này cũng không có, làm sao thành trụ cột quốc gia?
"..." Lý Thiên Tường im lặng.
Người đối diện là Dư Minh Sinh, tài tử lần nọ bên cạnh Nhị hoàng tử, kẻ chưa kịp thể hiện tài hoa đã bị Lăng Phong nói loạn giành mất Tô Đóa Nhi.
Thanh danh Dư tài tử rất lớn trong giới văn sĩ, lúc tuổi trẻ còn xưng đệ nhất kinh thành. Hiện tại Dư Minh Sinh làm quan học chính tại Quốc Tử Giám, đại loại ra trường được giữ lại làm giảng viên, tài hoa tuy vậy không hề thuyên giảm.
Điểm đặc biệt, tuy không ít nhà danh giá hỏi đến, nhưng Dư Minh Sinh vẫn chưa lập gia đình. Bằng hữu kinh thành vẫn đồn thổi do Lý Minh Nguyệt cả, nói họ Dư chấp nhận ở lại Quốc Tử Giám chẳng qua để ở cạnh Lý Thiên Tường, tiện bề lấy lòng nhạc phụ tương lai mà thôi.
Lý phu nhân cũng khá ưng ý kẻ này. Dù sao trong mắt cha mẹ, con rể như Dư Minh Sinh luôn là lựa chọn hàng đầu. Hôm nay "con rể" lại tới chơi, bà tự tay làm ít điểm tâm kêu Lý Minh Nguyệt bưng ra, tiện thể tiếp xúc này nọ. Nói chung nữ tử thời cổ có cha mẹ thoáng như này đã là phước đức lắm. Chỉ tiếc Lý đại tiểu thư không hể để ý, vẫn thờ ơ chán chường.
Trong mắt Lý Minh Nguyệt, Dư Minh Sinh coi như nam nhân tài hoa nhất mà nàng gặp. Dư Minh Sinh hiện tại còn có một bộ thư pháp riêng, ngay cả Lý Thiên Tường cũng thi thoảng khen ngợi. Dư Minh Sinh làm người khá tốt, phong phạm tài tử, có điểm tự cao lánh đời một chút, âu cũng là bệnh chung của người có tài. Tài tử rõ ràng rất dễ được lòng giai nhân, có điều không phải lúc nào cũng đánh đâu thắng đó, đặc biệt đối với nữ nhân cũng có tài không kém như Lý Minh Nguyệt.
Dư Minh Sinh đang thể hiện "trung quân ái quốc", cố ý lấy lòng nhạc phụ. Chẳng qua, Lý Thiên Tường không phải kẻ ngu trung, thậm chí còn cáo già. Lão tuy làm quan trong Quốc Tử Giám, tư tưởng Nho gia thấm nhuần, nhưng lại không cứng nhắc bảo thủ.
Yên Vương tạo phản, triều đình dĩ nhiên chia phe phái, chủ chiến chủ hòa đều có. Nhưng người như Lý Thiên Tường lại nhiều hơn cả, đều cố gắng hạ thấp mình, không tỏ thái độ nghiêng về bên nào. Yên Vương thực lực không hề nhỏ, kể cả hoàng tộc quân đội cũng không ít kẻ ngầm đi theo. Lỡ may Yên Vương thành công, lão ta lên ngôi cũng không thể giết sạch triều đình xây dựng từ đầu, có điều kẻ nào lỗ mãng lúc này chắc chắn sẽ chết.
Lý Thiên Tường làm quan đã lâu, có ánh mắt và kinh nghiệm nhất định. Bản thân lão chỉ là Tư nghiệp, quan cư tứ phẩm, tại Quốc Tử Giám vẫn xếp dưới Tế tửu Phương Thế Khanh. Ngay cả lão Phương cũng nằm im chờ biến, lão Lý cũng chả dại gì đứng ra ý kiến ý cò.
Dư Minh Sinh lại khác, gã tuy tài hoa có thừa, chẳng qua tính tình khá cô độc tự cao, tuổi trẻ "ngựa non háu đá", thích thể hiện mình, gặp chuyện gì cũng muốn bình luận đưa ra ý kiến. Thể loại này về sau tương tự các "anh hùng bàn phím" thích bình luận chính trị. Lý Thiên Tường cũng vì nhìn ra điểm yếu này của Dư tài tử, nên chuyện của cô con gái Minh Nguyệt lão tạm thời chưa ủng hộ.
Lúc này, Lý phu nhân cười cười bưng bát canh đi ra nói :
- Lão gia, ngài xem đi, Minh Nguyệt làm chút điểm tâm, lại xấu hổ không dám ra, làm ta phải đem ra hộ nó.
- Phu nhân, phiền ngài quá. - Dư Minh Sinh nhanh chóng đứng lên nói.
Lý Thiên Tường chỉ cười khẩy, đứa con gái kia của lão lão quá rõ, chưa nổ tung cái bếp là may, nói gì đến nấu canh.
- Minh Nguyệt ở Quốc Tử giám, lại phiền Dư học chính để ý giúp. - Lý phu nhân xởi lởi nói cười.
- Dĩ nhiên, tiểu chất nhất định để ý. - Dư Minh Sinh chắp tay, cố gắng bảo trì phong độ.
"Có ta làm Tư nghiệp, còn cần hắn đi để ý sao, thật là ..." Lý Thiên Tường vừa nghĩ vừa cắt ngang :
- Bà vào trong đi, chúng ta còn bàn việc lớn.
Nhìn qua Dư Minh Sinh, Lý Thiên Tường cũng thật ngao ngán. Cái tên thanh niên họ Dư này, tài thì tài thật, nhưng tán gái thì quá kém, so với lão Lý thời "phong vân" kém đến mười vạn tám ngàn dặm.
"Nếu ngươi chịu nói, ta ngay lập tức sẽ kêu nó ra cho mà tiếp chuyện, để bản quan còn vào ngủ. Chả lẽ còn bắt bản quan không không tự khênh con gái ra cho ngươi? Đến thua." Lý Thiên Tường chỉ biết lắc đầu.
Cũng khó trách Dư tài tử, gã điển hình thanh niên gương mẫu thời cổ, tuy thèm đến chết vẫn ra vẻ ta đây đạo mạo, muốn thể hiện trước, để nữ nhân tự tìm tới. Cách này quả thật với các tiểu thư nhạt thếch khác "bách phát bách trúng" thật, chỉ tiếc đụng phải Lý Minh Nguyệt, ngay cả Dư Minh Sinh cũng nản dần đều, tự hỏi tại sao người đẹp không chịu đổ, hay đã đổ rồi mà đang e ngại.