Thái Nguyên Cống viện.
Mỗi một châu phủ Đại Tống đều có Cống viện. Cống viện là nơi tập trung cống phẩm địa phương dâng lên trên. Trước kia, các Cống viện đều khá nhỏ bé, nhưng từ khi đương kim Hoàng đế Triệu Cát đăng cơ, ham thích sưu tầm bảo vật thiên hạ, Cống viện các nơi rất được chú trọng. Thậm chí không thèm qua quản hạt của địa phương, trực thuộc hẳn ty Kim Minh.
Ty Kim Minh thuộc về Nội Thị tỉnh, do hoạn quan nắm giữ. Nói đến ty Kim Minh, cỏ thể kể đến đương triều Kinh Quốc công Đồng Quán. Thời gian phụ trách ty Kim Minh, Đồng Quán mới quen biết lão Thái sư Sái Kinh, từ đó từng bước leo cao thành nhân vật số một trong triều hiện tại.
Hơn thế, nắm bắt yêu thích của Triệu Cát, Đồng Quán còn nhanh nhạy lập Ứng Phụng cục, cùng ty Kim Minh chuyên lo thỏa mãn "hiếu kỳ" của Hoàng đế. Năm trước, chính vì Đồng Quán ra lệnh tìm kiếm đồ hiếm trong dân gian quá tay, huy động hàng vạn dân phu làm việc khổ sở, khiến Hà Bắc sinh biến, góp phần giúp Yên Vương tạo phản.
Tiếng xấu của ty Kim Minh do đó rất lớn. Thành ra lần này chuyển cống vật đi sứ Đại Kim, tuy liên quan đến quốc thể, trong mắt dân chúng lại là chuyện trăm hại không lợi. Chẳng thế Triều Lam vừa hô "cướp" một tiếng, giang hồ miền bắc liền giơ tay giơ chân ủng hộ.
Lần này, sứ đoàn hai bên Tống - Kim hẹn gặp tại Thái Nguyên, cống vật còn đang trên đường vận chuyển, dự kiến hai hôm nữa mới đến Cống viện.
Lúc này, trước sảnh Cống viện có một nhóm quan viên đứng sẵn, tư thế đang chờ ai đó.
- Cao Đại nhân Phiền Đại nhân đến ...
- Bái kiến Đại nhân ...
Chỉ thấy bên trái có một đám người đi ra, vây quanh một quan viên khoảng 40 tuổi.
Người này khuôn mặt nhỏ, đôi mắt hơi xếch, chính là Điện tiền Đô Thái úy kiêm Thái tử Thái bảo Cao Cầu. Ngay cạnh Cao Cầu là một quan viên chừng 40 tuổi, dáng người mập mạp, là Lễ bộ Thị lang kiêm Hồng Lô tự Thiếu Khanh Phiền Kiên.
Cao Cầu không thích đi lại dông dài, bèn giao cả việc hộ tống cống phẩm cho Lâm Xung Khương Tuấn, còn lão phi thẳng đến Thái Nguyên. Phiền Kiên không dám để Cao Đại nhân lạc lõng, cũng lục đục theo sau.
Lại nói, giao tiếp với người Kim lần này, chính sứ cũng không phải Cao Cầu mà là Phiền Kiên. Cao Cầu lần này đi sứ đúng nghĩa "cưỡi ngựa xem hoa", mọi trách nhiệm sắp xếp Phiền Kiên lo, công lao Cao đại nhân ăn cả. Cao đại nhân chỉ chờ gặp người Kim xong, về kinh liền chính thức thăng Thái úy, lo việc coi quản ba quân, quyền lực không nói cũng biết.
Chẳng qua, hiện tại Cao đại nhân là Điện tiền Đô Thái úy, bỏ ba chữ đầu cũng vẫn là "Thái úy"? Chúng quan Thái Nguyên cũng rất biết ý, đón tiếp đều "vô tình" bỏ ba chữ đầu, Cao Đại nhân vì thế phi thường vui vẻ, còn nói Thái Nguyên như quê hương thứ hai của mình.
Chỉ có Phiền Đại nhân là buồn bực. Thân là Chính sứ, lại thọc ra một vị địa vị cao hơn hẳn ngồi sau, Phiền Đại nhân làm gì cũng thấy phiền.
Phiền Kiên là Lễ Bộ Thị lang, quan hàm Tứ phẩm. Lễ Bộ có hai vị Thị lang, cả hai đều bằng mặt không bằng lòng, cũng đều nhăm nhe vị trí Thượng thư. Chuyến đi sứ này, với Phiền Kiên là nhất cọc công lao, có nó cái ghế Thượng thư không thể thoát khỏi tay. Chỉ là Cao Cầu tính khí khó lường, Phiền Kiên cũng chỉ biết lẽo đẽo theo sau, cầu mong đừng phát sinh chuyện gì phật ý Cao Thái úy là được.
Cao Cầu hôm nay đến Cống viện, tâm ý kiểm tra qua loa rồi thôi, đang định nói vài câu xong chuyện đã có người nói :
- Thái úy, mạt tướng có chuyện gấp muốn bẩm báo ...
Hơn mười quan viên lớn nhỏ đều dùng ánh mắt khác thường nhìn người nọ, đang yên đang lành lại có chuyện gấp gì?
Phiền Kiên nhìn sắc mặt Cao Cầu, bước ra ra trước hỏi :
- Vị này là ...?
- Mạt tướng Lưu Đức, tham lĩnh phủ Đô đốc.
Lưu Đức, võ tướng, nghe nói từng thuộc biên chế Thần Vũ quân.
Yên Vương kéo quân xuống phương nam, Thần Vũ quân là đại doanh phòng thủ phía đông Trường An, vài lần đụng độ quân Yên, may mắn chặn đứng được quân địch, nhờ vậy tiếng tăm đang lúc lên cao.
Chỉ tiếc Lưu Đức lại không có phúc hưởng chỗ công danh này. Nửa năm trước không rõ chuyện gì mà bị "thuyên chuyển", hiện tại Lưu Đức chỉ làm một danh tham lĩnh nhỏ ở Thái Nguyên. Gã hận đời số đen, chán ngán vị trí hiện tại, không lúc nào không nghĩ cách lập công mong ngày trở lại Thần Vũ quân.
- Lưu Tướng quân có chuyện gì?
Lưu Đức chắp tay, nắn nót từng chữ :
- Cống phẩm trên đường chỉ e sẽ có chuyện ...
Cao Cầu cũng không tỏ ra kinh cụ gì, giọng nhạt nhẽo :
- Nói rõ ra.
- Mạt tướng nhận được tin, thổ phỉ Hà Đông Hà Bắc liên hợp, muốn cướp cống phẩm ...
- Hừ, chỉ một đám thổ phỉ, tính cái gì "có chuyện"? - Cao Cầu lạnh giọng, quay lưng đi luôn vào trong.
Trong mắt Cao Cầu, liền Yên Vương tạo phản còn chả khiến lão bận tâm, "giang hồ thảo khấu" chả tính cái gì.
Cao Cầu thờ ơ bỏ đi, Lưu Đức chưng hửng. Lưu Đức còn tưởng báo chuyện này lên, Cao Cầu quan tâm cử người đi dẹp phỉ, Lưu Đức hắn ít nhất cũng phải có một chân.
Đám quan viên liếc nhìn nhau, chuyện này bọn họ cũng biết một hai.
Thấy vẻ mặt Lưu Đức cùng phản ứng của quan viên, Phiền Kiên đâm ra lo lắng, liền kéo Lưu Đức ra một chỗ hỏi :
- Lưu tham lĩnh, chuyện nhỏ như vậy, sao lại lỗ mãng báo với Thái úy?
Những việc trị an kiểu này, thông thường đều do bộ khoái sai nha quản lý, cùng lắm thì xin hỗ trợ từ phủ Đô Đốc. Cao Cầu dù là Điện tiền Đô Thái úy, nhưng về đến Thái Nguyên, tính về quyền hạn lão không điều động được ai. Chẳng qua, quyền không hẳn chỉ dựa vào chức.
Lưu Đức vẻ mặt cau lại, nói :
- Chuyện nhỏ ư? Phiền Đại nhân, ngài là văn quan, lại từ kinh thành tới đây chỉ e không biết. Thổ phỉ ở Hà Đông này, cũng không phải thông thường ...
- Ý tứ tham lĩnh là ...?
Lưu Đức làm bộ lão luyện, phân tích nói :
- Ngài còn nhớ chuyện dân biến Hà Bắc năm trước ...?
Phiền Kiên bắt đầu toát mồ hôi.
- ... Yên Vương tạo phản, binh lính ở đâu ra? Ngài đừng nghĩ đó là dân chúng tầm thường, kia nòng cốt quá nửa đều từ giang hồ phỉ tặc. Hà Đông cũng không khác Hà Bắc là bao, bang phái giang hồ đông như kiến, chỉ cần có người kích động một cái, chỉ e ...
Phiền Kiên cũng như các quan viên khác, hầu hết đều chả để tâm mấy bang phái giang hồ.
Lần này đi sứ, trong đoàn có một nhóm đạo sĩ Toàn Chân đi cùng, Phiền Kiên cũng chỉ biết bọn họ được sự cho phép của Đạo Quân Triệu Cát mà đi theo, còn nhiệm vụ gì thì lão không để ý. Dù sao hai bên nước sông nước giếng không phạm nhau, Phiền Kiên cũng không rảnh đi quản.
- Tin tức này xác thực?
Lưu Đức vẻ mặt nghiêm túc hẳn, nói :
- Tin này do Triển Bộ đầu báo lên. Ban đầu Lưu mỗ cũng xem nhẹ, chẳng qua ...
- Chẳng qua cái gì? - Lưu Đức cứ nói chuyện ngập ngừng, Phiền Kiên càng thêm nóng ruột.
- ... mấy ngày gần đây, lại phát hiện một nhóm phản quân có mặt ở Hà Đông.
- Quân Yên?
Phiền Kiên trầm ngâm hẳn. Thảo nào Lưu Đức lại muốn bẩm báo với Cao Cầu.
Là hồng nhân trong mắt Hoàng đế, đến Thái Nguyên Cao Cầu như thể "Khâm sai", coi như kiêm một lúc Kinh lược sử - Tuần sát sứ - Phòng ngự sứ Hà Đông, thay thế luôn Tam Ty. Ai cũng tự hiểu, giờ này Cao Cầu có toàn quyền quyết định ở Hà Đông, kể cả việc điều động quân đội. Lưu Đức bẩm báo lên Cao Cầu cũng không tính sai người, chỉ là sai "lộ tuyến".
Phiền Kiên tuy vậy kiên nhẫn nhắc :
- Lưu Tham lĩnh, ngươi làm quan không phải không biết. Chuyện này phải theo đúng trình tự của nó, đầu tiên ...
Lưu Đức cắt lời :
- Phiền Đại nhân, mạt tướng dĩ nhiên biết rõ. Chẳng qua tình hình cấp bách, nếu cứ lòng vòng như vậy chỉ e thổ phỉ cướp sạch chúng ta mới điều động được người a ...
Phiền Kiên tâm lý lo sợ ăn vào máu, đành nói :
- Quanh Thái Nguyên hiện tại có những chi quân đội nào?
Nhà Tống lập quốc từ thời Ngũ Đại Thập Quốc, biết rõ mầm họa từ nạn phiên trấn cát cứ. Ngay từ thời Tống Thái Tổ đã thi hành chính sách thu hồi binh quyền về trung ương, quân tinh nhuệ cả nước dồn cả về hai nha Bắc Nam. Riêng Bắc Nha Ngũ Quân đã chiếm mất gần một nửa quân đội cả nước, lại tập trung bốn phía quanh kinh thành. Quân địa phương, đặc biệt là vùng biên cương rất mỏng.
Mãi sau chiến tranh Tống - Liêu và Tống - Ngụy bại nhiều thắng ít, triều đình buộc phải thay đổi sách lược.
Hà Đông Hà Bắc là trọng điểm phòng ngự, yêu cầu về binh lính rất nhiều. Chỉ là nuôi lính thiếu tiền, triều đình cũng không ngoại lệ. Nhà Tống đành phải đặc chuẩn các địa phương này, ngoài phủ binh cho phép mộ binh.
Phủ binh là binh lính thuộc quân phủ, do Đô Chỉ huy sứ ty quản lý. Trong khi Mộ binh do các tướng lĩnh địa phương bỏ tiền tuyển mộ. Để ngăn mộ binh phát triển cát cứ, triều định thực thi chính sách hạn chế quân quyền, luân phiên điều động, thậm chí mua chuộc chia rẽ. Các nhánh quân địa phương thông thường đều rất không ưa nhau. Chẳng may có vị nào "ưa thích" nhau một chút, ngay lập tức sẽ có bồ câu đưa thư về Mật Thám tự Trường An, chưa đến hai ngày liền có công văn "thuyên chuyển công tác".
Riêng Hà Đông Hà Bắc quân địa phương rất nhiều, triều đình lại phải cử Vương gia tọa trấn. Vương gia trên danh nghĩa như một Tiết Độ sứ "ảo", dù không có thực quyền về hành chính, lúc cần thiết có thể thay mặt điều động quân đội.
Chẳng qua, nếu vị Vương gia kia có thể biến "ảo" thành "thật", thống nhất quan quân địa phương dưới tay, bóp chết luôn Mật Thám tự, vậy thì tạo phản trong tầm tay, Yên Vương là một ví dụ.
Lưu Đức nói sơ qua, nghĩ nghĩ một lát mới bổ sung :
- ... Thái Nguyên hiện chỉ còn quân Thiên Ba và quân Bình Định không phải phòng ngự phản quân. Chỉ là, Thiên Ba là tư quân của họ Dương, trừ phi Đạo Quân Hoàng đế có mật chỉ may ra ...
- Nói vậy, chỉ còn quân Bình Định?
Phiền Kiên liếc mắt vào trong, thở dài nói :
- Bản quan sẽ hỏi ý Cao Đại nhân xem sao, Lưu tham lĩnh đi trước một chuyến quân Bình Định ...
Lưu Đức nhăn nhó hẳn, liền ngay cả cái giấy ủy quyền cũng không có, bắt hắn đi biết nói cái gì, nói :
- Phiền Đại nhân, như vậy chẳng phải làm khó mạt tướng ...
- Ài, được rồi. Trước mắt cứ để bộ khoái ra mặt dọn dẹp đi. Chuyện điều động, nếu Cao Đại nhân không muốn nhúng tay, có lẽ phải nhờ Tấn Vương ...
Ở Thái Nguyên lúc này, ngang với Cao Cầu chỉ còn Tấn Vương Triệu Chân Đán. Kể ra, Tấn Vương làm Vương gia rất thành thực. Ai đánh ai cướp cũng mặc, Vương gia còn phải tán gái, liền Cao Cầu đến cũng chỉ chào hỏi rồi thôi.
Lưu Đức nghĩ gì đó, nán lại nói :
- Bộ khoái làm tiên phong? Bộ khoái Thái Nguyên lực lượng mỏng manh, làm vậy chỉ e bứt dây động rừng, làm hỏng chuyện lớn a.
Phiền Kiên làm bộ thâm sâu, vuốt cằm cười nói :
- Haha, chiếu theo lời Lưu tham lĩnh, thổ phỉ Hà Đông đều không tầm thường. Nói vậy nếu chúng ta không hành động gì, đó mới chân chính hỏng chuyện ...
Lưu Đức gật gù khen phải, nhanh chóng rời đi.
Phiền Kiên nụ cười nhanh chóng tắt ngúm. Lão nhìn vào viện thở dài, ở đó có Cao Đại nhân đang "sống chết mặc bây". Lại nhìn ra cửa lớn thở dài, ngoài kia có Tấn Vương đang "nhàn tản tán gái". Cứ nghĩ chuyến này chóng chóng rồi về thăng chức, chẳng ngờ ...
Thật không biết đám phỉ tặc chết dẫm nào, cướp lúc nào không cướp, nhằm ngay lúc Phiền Đại nhân làm chính sứ đi cướp, thù này "bất cộng đái thiên" ...