Chương 98: Sức mạnh của dư luận
Những gì mà đám chủ quán Hồng Bàng rêu rao nhanh chóng lan ra khắp huyện Thanh Sơn, nơi nơi đều bàn tán. Rốt cục, dân chúng cũng đang hoang mang lo lắng vì thông tin này. Thứ nhất, nó rất có sức thuyết phục khi mà nhìn lại lịch sử chỉ có 20 năm là thấy rõ giữa 10 năm có nô lệ và 10 năm không dùng nô lệ, thì mọi thứ đã khác thế nào.
Cùng lúc này, hàng loạt những ý kiến về tệ nạn mà dân huyện Thanh Sơn sẽ phải chịu nếu chế độ nô lệ quay trở lại, tất nhiên, cũng do bên Hồng Bàng tung ra. Họ rêu rao những tin như:
- Nếu có nô lệ, các chủ mỏ sẽ bắt thợ mỏ làm thêm, không làm thêm họ để nô lệ làm, rồi trừ tiền.
- Có nô lệ rồi, chủ mỏ tăng giờ làm, giảm lương, không theo ý họ thì họ đuổi việc. Chủ mỏ có tiền tích lũy, rồi dùng nô lệ làm cầm chừng còn được mấy năm, thợ mỏ thì may ra chỉ một năm là đói mốc mép, lúc đó họ bảo gì phải nghe nấy thôi.
- Nếu có nô lệ, họ sẽ để nô lệ sinh con đẻ cái, tạo nên một lượng nô lệ lớn để sau này dùng, thế là tương lai thợ mỏ khả năng thất nghiệp hết với nhau.
- Nếu thợ mỏ thất nghiệp, buôn bán sẽ đình trệ, cuối cùng huyện Thanh Sơn rơi xuống huyện nghèo.
- .......................
Những thông tin này, nghe thì quá mức vô lý, đơn giản là vì dân Đá Vách đâu có còn nhiều, may ra thì được khoảng 1000, trong đó có người già, có trẻ nhỏ. Nhưng mà dân chúng đâu có biết thế, với cả trình độ dân trí của họ cũng chả đủ sức mà phản biện hay miễn dịch lại những lời đồn liên quan mật thiết tới mình thế này. Thế là lời đồn lan càng lúc càng nhanh, dân chúng vừa bàn tán vừa phẫn nộ, kèm theo sợ hãi. Nếu quả thực chế độ nô lệ quay lại, tất cả dân Thanh Sơn sẽ khốn đốn rồi. Lác đác, đã có những lời kêu gọi phải ngăn chặn việc này.
Những tên chủ mỏ đã phát hiện ra mối nguy cơ, nhưng lại bất lực trong việc ngăn chặn. Những tên khốn làng Hồng Bàng là kẻ tung tin, và đáng lẽ chỉ cần chặn miệng chúng lại thì mọi âm thanh sẽ biến mất, tuy nhiên, lũ chủ mỏ không làm được, vì không có tay để bịt những cái mồm đó. Những cái tay của chúng- lũ côn đồ ở huyện Thanh Sơn này, giờ đều co vòi hết lại. Trong vụ đập phá các quán xá Hồng Bàng khi trước, rất nhiều tên đã bị bắt, và khiến dân Hồng Bàng phải rụt cổ lại. Hóa ra, đó là một cái bẫy hoàn hảo.
Số lượng tù nhân lớn quá mức, khiến nhà tù huyện quá tải, vừa không thể thả chúng ra, lại không có cơm nuôi, thật khó xử và khi làng Hồng Bàng đề nghị chia sẻ với các quan bằng cách thuê đám tù này đi làm việc, điều ấy đã được thông qua nhanh chóng. Đám tù này, kẻ nào chỉ là lũ nhãi nhép thì còn được đi làm mấy việc nặng nhọc thường thường, còn kẻ nào có máu mặt, thì sẽ cho đi làm việc vừa nặng nề vừa bẩn thỉu để răn đe. Người thiếu chứ việc không thiếu, thành ra bao nhiêu tù nhân nữa cũng đủ. Từ lúc đó, quan lại huyện Thanh Sơn thoải mái đi bắt bớ, vì bắt một tên là được trả thêm tiền từ làng Hồng Bàng theo hợp đồng thuê nhân công, nên quan quân ngày đêm chăm chăm nhìn xem có thằng nào phạm lỗi mà bắt bớ. Đám côn đồ từ nay phải giữ mình hết sức, không dám làm chuyện gì phạm pháp nữa cả.
- Không lẽ phải chịu thua sao?
- Hừ, vậy chứ còn thế nào được nữa. Các anh cũng ngẫm kỹ xem, hiện nay số Mọi Đá Vách được có bao nhiêu, tôi đồ nhiều nhất là trên 1000 tên, chia nhau chả bõ, mà nếu cứ cố gây chuyện, mất nhiều hơn được.
- Hừ, đám Hồng Bàng khốn nạn đó, tính toán cũng hay quá ta.
Đám chủ mỏ bàn tính hồi lâu, rồi cũng phải chấp nhận là mình đấu không lại, không dám tơ hào gì tới những người dân ở khu Đá Vách nữa.
Cùng lúc dân huyện Thanh Sơn bị vây khốn trong tin đồn, đám chủ thì bất lực chấp nhận sự thật là không thể động vào vụ nô lệ, thì Xủ Lu, K’Lừng cùng những người dân Đá Vách vốn đang làm việc cho làng Hồng Bàng tiến hành một cuộc vận động, tạo dư luận khác.
Dưới kế sách của làng Hồng Bàng và tình hình hiện tại, tất cả họ đã có thể đường hoàng quay lại vùng Đá Vách để vận động dân mình về làng Hồng Bàng mà làm việc. Gọi là đàng hoàng quay lại, bởi hai điều chính. Cái đàng hoàng đầu tiên, là đàng hoàng đi giữa dân Thanh Sơn. Ngày trước, dân Đá Vách bị bắt làm nô lệ rồi mà muốn qua huyện Thanh Sơn, phải ngồi trong xe ngựa kín đáo, không để dân Thanh Sơn thấy được, nếu không họ sẽ đánh, ném đá,… Vì quả thực trong mắt dân Thanh Sơn, những kẻ này là lũ mọi thường hay cướp bóc, giờ bị bắt làm nô lệ chưa hết tội. Nhưng giờ họ đang mải lo việc buôn chuyện về những gì sẽ xảy ra với mình nếu các chủ mỏ chiếm được nô lệ, hơi đâu mà đuổi đánh dân Đá Vách, nhất là khi thấy họ còn ngồi trên xe ngựa làng Hồng Bàng.
Cái đàng hoàng thứ hai, ấy là việc giờ đây họ quay lại núi để nói về chủ đề đưa dân mình xuống núi cũng dễ hơn. Việc người dân Đá Vách đến làng Hồng Bàng làm việc, rồi mang lương thực quay lại cho người thân, thậm chí được tự mình quay lại, kể lại những việc tự trải qua, khiến dân Đá Vách bớt nghi kị hơn trước. Kể cả những người có tuổi, trải qua nạn Bùi Đắc, cũng không còn nặng nề nữa, vì lợi đạt được là thật. Trong núi thời gian qua là mùa mưa, không thể hái lượm, thường xuyên đối mặt với lũ lụt, nếu không nhờ đồ tiếp tế, sẽ có nhiều người phải chết đói.
Trước sự biến chuyển này, Xủ Lu bắt đầu thuyết phục mọi người cùng cậu ta hay tới làng Hồng Bàng làm việc. Trước tiên, cậu nói với người nhà những người đi làng Hồng Bàng rồi quay lại, họ đã thấy được những tấm gương này. Sau đó, cậu tới tìm những người trẻ khác, đây là những người dễ tiếp cận hoặc đã nhận thấy được lợi ích từ việc đi làm ở làng Hồng Bàng. Những người này nghe xuôi xuôi rồi, đi làm thử. Khi tới làng Hồng Bàng, với việc có Xủ Lu và K’Lừng cùng những người đi trước hướng dẫn và kể cho biết trước mọi việc, những người này rất nhanh có thể làm việc ngay, không giống như những người nhóm Xủ Lu hoặc vài nhóm đầu gặp bỡ ngỡ. Làm sớm nghỉ sớm, họ nhanh chóng nhận được thù lao, và quay lại khu Đá Vách để tiếp tế cho người thân. Cứ như thế, một cuộc tuyên truyền và khống chế dư luận được bắt đầu tại khu Đá Vách. Người nọ rỉ tai người kia, nhân chứng vật chứng đủ cả, số người muốn đi ra khu Đá Vách tới làng Hồng Bàng làm việc kiếm sống ngày một nhiều, có lượt cả trăm người muốn đi.
Lúc này, những người lớn tuổi bắt đầu đe nẹt, họ nhắc lại sự việc lần trước với Bùi Đắc. Ban đầu lợi ích họ nhận được từ những việc làm của Bùi Đắc cũng rất thật, nhưng khi họ đã buông lỏng cảnh giác, để người của Bùi Đắc tự tiện tiếp cận, thì đại họa đã xảy ra, nếu như lần này cũng thế thì sao. Đi tới làng Hồng Bàng, chúng hét lên một tiếng, quan quân vây chặt, vậy thì làm thế nào bây giờ.
- Nếu như thế, vậy còn cách thế này!- K’Lừng đứng lên trình bày một cách tương đối ổn thỏa về sách lược cậu ta đã được bày cho- Hãy để một phần phụ nữ và trẻ em tới làng Hồng Bàng. Ở nơi đó, phụ nữ và trẻ em cũng có thể làm việc kiếm sống, cuộc sống cũng tốt hơn nơi đây, cứ khoảng hai tháng lại đổi người đi. Nếu mất lứa đầu, vẫn còn lứa sau, dân Đá Vách chưa tới nỗi tuyệt diệt và K’Lừng tôi xin ở lại làm tin, lứa đầu không về đúng hạn thì xin chém đầu tôi cho hả giận.
- Cả đầu của Xủ Lu này nữa. – Xủ Lu cũng đứng lên
Thấy hai tên này kiên quyết, sau cùng, toàn bộ dân Đá Vách họp lại, bàn về việc này. Tuy sợ hãi, nhưng so với cái đói cái khổ dai dẳng, liều một chuyến để được có cơm mang về cho người nhà thì sao không làm.Lần lượt, những người dân Đá Vách đi đến làng Hồng Bàng làm việc.
Dân Đá Vách quen chịu khổ, phụ nữ trẻ em đều có thể làm việc, năng suất ngang với người dân làng Thụi, nên đến bao nhiêu là được giao việc đủ bấy nhiêu. Đã thế, làng Hồng Bàng cho ăn đầy đủ, làm việc có máy móc, sức không tốn nhiều như nơi khác, chỉ cần thời gian đào tạo qua là đủ sức đảm bảo nhân công cho nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực.
Để khiến những người này thêm quyến luyến, dần dần trở thành một phần làng Hồng Bàng, khiến họ càng hăng say lao động hơn, nhiều người còn rất mạnh dạn có đề nghị để trẻ em Đá Vách được học tập, để sau này chúng sẽ trở thành dân Hồng Bàng.
Ý kiến này vừa đưa ra, Kiệt thầm bật cười. Đây khác gì chính sách đồng hóa chứ. Nhưng cậu ta không phản đối, so với thuê nhân công nơi khác, những người miền sơn cước thật thà này đáng tin tưởng hơn. Ngày xưa, cách mạng chẳng phải cũng lấy những nơi như Việt Bắc, Tây Nguyên làm chỗ căn cứ hoạt động, vận động đồng bào dân tộc thiểu số ra giúp đỡ đó sao.
Kiệt chủ trương, tự nguyện để họ tới hơn là dùng lừa gạt hoặc ép buộc, vì chỉ khi có sự tự nguyện, thì mọi việc mới dài lâu. Kiệt đem việc này nói cho K’Lừng cùng Xủ Lu, hai người đều thấy là nên làm thế. Vùng Đá Vách gian khổ, tài nguyên không có, trồng cấy khó khăn, sống ở đó thực sự không dễ dàng, bao năm qua dân Đá Vách vì trốn tránh dân Thanh Sơn mới chịu rúc vào đó, nay có cơ hội ra ngoài mà sống, họ nhất định không quay lại đâu. Đã vậy, so với những nơi khác coi thường họ, dân Hồng Bàng với người đứng đầu là Kiệt tỏ ra tương đối tốt, ít kỳ thị, nên họ cũng hoàn toàn muốn được thành người dân Hồng Bàng.
- Có điều các bậc trưởng lão, trung niên vẫn rất úy kỵ, nỗi sợ hãi bị phản bội năm xưa ắt khiến họ không chịu được việc giao toàn bộ tương lai của Đá Vách vào tay ngài đâu!- Xu Lu phân trần.- Họ đều sợ một khi dân Đá Vách tới đây, ngài ra tay bắt hết thì khốn nạn.
- Nếu ta cho họ khả năng để uy hiếp ta không dám làm thế thì sao?
- Dạ?- Cả K’Lừng lẫn Xủ Lu đều vô cùng ngạc nhiên.
- Ta sẽ trang bị cho họ vũ khí, họ có vũ khí tốt, cho người huấn luyện tốt, nếu ta dám bắt người già, phụ nữ, trẻ em làm nô lệ, hãy mang vũ khí đó tới mà cứu người và trả thù.- Kiệt cười nói với hai người- Hãy đem điều này về nói cho dân các cậu biết đi nhé.