C 117: Trấn Nam Bàn biến loạn (20)
Dương Quốc Lộ bố trí quân lính cẩn thận xong, mới đi ra ngoài xem xét những người đang tới. Quả đúng như lời của tên Cam nói, có một đội quân khoảng 200- 300 người đang tiến lại chỗ họ. Một vài người lính trinh sát tinh mắt báo rằng đó đều là quân Nam Bàn.
- Rất có thể đây là vụ phục kích!
- Hãy ra lệnh chuẩn bị chiến đấu ngay!
Các bách quân trưởng lo lắng không thôi, Dương Quốc Lộ cũng chảy mồ hôi. Vừa lúc đó, một chiếc xe ngựa bắt đầu tiến lại. Do nó tiến lên đơn độc, mọi người đỡ hoảng và chờ nó tới, chứ không cho một trận tên vào. Xe ngựa dừng lại ở trước cửa doanh trại, tất cả nhìn rõ những người trên xe là người trước đây theo hầu Dương Ánh Hồng, cũng hơi an tâm. Và khi cửa xe mở, Dương Ánh Hồng từ trên xe nhảy xuống, trái tim của Dương Quốc Lộ mới dịu đi.
- Con gái!
- Cha!
- Chuyện này là sao? Sao con lại tới đây!- Dương Quốc Lộ tới chỗ con gái, cầm tay mà mắt rưng rưng.
- Con tới đón cha, với cả để đảm bảo hai bên không có xung đột không đáng có. Dù sao, người Thượng và người xuôi đang đánh nhau ghê, con sợ lính của cha hiểu lầm. Người mình cả mà lại giết lẫn nhau.
- Hiểu lầm cái gì? Sao con có thể nói đám người man đó là người mình? Con nói thật xem nào, bọn chúng sao lại tới đây với con. Hay bọn nó ép con đi lừa ta chứ?
- Cha, con còn có ai để mà bị uy hiếp hả? Họ là lính của Hoàng Anh Minh. Lát nữa cậu ta sẽ tới gặp cha. Mà cha đừng nói từ man, gọi họ là dân Thượng hoặc dân Nam Bàn.
- Lính của Hoàng Anh Minh ư? Tên nhãi đó kiếm đâu ra đống lính người man- người Thượng vậy?
- Là tá điền mua về, rồi chuyển thành lính. Vụ đó là vụ làm chồng con nổi khùng…
- Hừ!
- Nói tới chồng của con, anh ấy đâu ạ?
- Nó bị bắt rồi!
- Cái gì cơ? Cha, cha nói bị bắt là sao?
Dương Quốc Lộ kể lại chuyện xảy ra ở doanh trại bấy lâu. Nghe rằng chồng vẫn còn sống, Dương Ánh Hồng liên tục cảm ơn trời phật phù hộ, còn việc chồng cô đi chiêu hàng cha hay làm mất cờ quạt để người Thượng nhân đó đánh lén các doanh trại, Dương Ánh Hồng chả để ý gì.
- Sao cha không tiện tay chuộc chồng con về luôn?
- Con gái của ta ơi, cha con làm gì có tiền mà chuộc người. Còn như dám lấy hàng hóa kia để chuộc ông con rể quý hóa đó về thì đám người kia băm cha con ra đầu tiên mất.
- Hừ! Cha...
Dương Ánh Hồng còn định đôi co với cha mình, thì tiếng tù và do những người lính ở xa thổi vang lên. Dương Quốc Lộ không hiểu, tưởng mệnh lệnh tấn công của họ, liền nhìn sang con gái.
- Là Hoàng Anh Minh tới!- Dương Ánh Hồng vội trấn an
Quả nhiên, tiếng tù và vừa dứt, có mấy người cưỡi ngựa bắt đầu tiến về doanh trại. Người cưỡi ngựa khi thấy doanh trại có sự biến động, thì hãm tốc độ, chuyển sang phi nước kiệu, để không kích động binh sĩ phía Dương Quốc Lộ.
- Hoàng Anh Minh xin cầu kiến!- Đám người cưỡi ngựa còn cách đoàn lính 50 bước chân thì đồng loạt dừng ngựa, Minh hô to. Tiếng hô của một mình Minh thôi, nhưng rất vang, lượng người nghe được khá nhiều.
- Mời vào!- Dương Quốc Lộ ra lệnh, nhưng giọng không vang được bằng, lính phải truyền lệnh
Đoàn người ngựa chậm rãi tiến vào, rồi người trên ngựa nhanh chóng nhảy xuống. Người nhảy xuống đầu tiên, cũng là người tiến lên đầu tiến, đối mặt với Dương Quốc Lộ, giơ tay ra, một tay nắm thành nắm đấm, tay kia ôm nắm đấm, chào hỏi
- Dương tướng quân, Thái Học Sinh Hoàng Anh Minh xin chào ngài!
- Mi là Hoàng Anh Minh! Thật không ngờ ngươi lại khá quá.- Dương Quốc Lộ suýt thì phải dụi mắt. Ông ta từng thấy tên nhãi này cách đây không quá lâu, cái hồi mà hắn cùng con gái ông lo liệu việc trồng mía, nấu rượu ở trên này. Nhưng lúc đó, Hoàng Anh Minh vẫn còn trắng trẻo thư sinh, còn giờ đã đen xạm đi, khuôn mặt phong trần hơn, nhưng đáng chú ý nhất là khí thế. Khí thế của Hoàng Anh Minh giờ phút này như là một vị tướng thực thụ, không khác ông ta bao nhiêu.
- Tướng quân quá khen rồi!- Minh nói vài lời khách sáo
- Thế tới đây là có việc gì?
- Minh tới đây, trước tiên là để gặp gỡ tướng quân để hướng dẫn ngài và binh lính. Hiện tại Học Phủ hơi khác trước, tướng quân e rằng có chỗ chưa biết, dễ gây hiểu lầm các bên.
- Cái này hả, con gái ta tới là đủ rồi!
- Vậy cô chưa nói gì hả?- Minh quay sang chỗ Hồng hỏi
- Xin lỗi, có chút việc cá nhân.- Hồng xin lỗi, cô đã quên việc được giao khi nghe tin chồng bị bắt
- Có việc gì sao?
- Cha, để con nói!- Hồng vội nói những thông tin quan trọng liên quan tới tình hình hiện tại ở khu vực Học Phủ. Dương Ánh Hồng tới làm hòa với Hoàng Anh Minh và làng Hồng Bàng, đã dùng thân phận của mình, ép các trưởng buôn người Thượng ở vùng xung quanh phải nghe lệnh của Minh và Học phủ. Lúc đó, Dương Ánh Hồng với cái thân phận là con gái của Nhị Thiên Nhân Tướng Dương Quốc Lộ là thứ gì đó khiến người Thượng không thể không nghe.
Hoàng Anh Minh nghĩ xa hơn, không nhân đó mà chèn ép người Thượng, cố gắng hợp tác. Minh đề nghị hợp tác, các làng sẽ cho vay lương thực dư thừa của họ, đổi lại cậu ta sẽ trả giá bằng cách cung cấp kỹ thuật từ nông nghiệp tới nghề mộc, nghề rèn,… Ba vị đầu lĩnh của thương đoàn Hồng Bàng đứng ra bảo chứng lời Minh nói. Có đấm có xoa, mấy trưởng buôn đành nhận cuộc buôn bán này. Chỉ mấy ngày mà kho lương Học Phủ đã đầy ắp. Nguy cơ trước mắt đã tạm giải trừ.
Dương Ánh Hồng thấy vậy thì toan rời đi, nhưng đúng lúc đó, hầu hết các thế lực lớn của Trấn Nam Bàn nổi loạn, tấn công doanh trại quân đội, tấn công người miền xuôi. Học Phủ cũng gặp một đợt tấn công. Có điều do đánh giá thấp sức mạnh của Học Phủ khi nghĩ nó chỉ là một chỗ toàn bọn thư sinh yếu nhớt, lại không thấy tài nguyên gì nhiều, những kẻ tấn công vừa không phải tinh nhuệ, số lượng cũng không áp đảo.
Đội quân người Thượng này vừa tới, chỉ mới kịp đốt phá mấy căn nhà ở vùng biên Học Phủ, Hoàng Anh Minh đã dẫn người ta phản công, bắt gọn tất cả. Tra hỏi một hồi, họ thu được tin tức về cuộc nổi loạn chống lại người xuôi của toàn Trấn Nam Bàn. Vậy là phải tính toán lại sách lược.
- Hãy rút ngay về miền xuôi đi!- Các Thái Học Sinh nhất loạt đề nghị
- Đường đi từ đây về xuôi thường phải qua các chốt trạm quân sự, và như ta nghe qua đám tù binh nói, thì những nơi đó đều đang bị đánh chiếm. Đi tới đó là chui đầu vào rọ.- Vi Công Tín thay Minh nhắc nhở đám Thái Học Sinh- Lâm nguy phải bình tĩnh, mấy đứa quên người quân tử phải ra sao ư? Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất.
- Thế liệu có các đường nhỏ không?- Bị thầy mắng cho một trận, chê trách không bản lĩnh, đám Thái Học Sinh thẹn thùng. Sau một hồi trấn tĩnh, vài người nghĩ ra con đường khác, Nguyễn Văn Quí phát biểu ý kiến đi đường vòng, những con đường mòn nhỏ. Vốn từng đi cầu viện Vương Vĩnh trong lúc Học Phủ bị vây, hai người Quí và Ngọ lúc đó cũng từng cưỡi lừa chạy đường này.
- Đi đường nhỏ sẽ xa hơn, đi khổ hơn, thời gian đi phải dài hơn. Mà đã đi đường nhỏ thì xe, ngựa, lừa đều khó đi, tức là không thể mang theo lương thực. Thế là chịu chết rồi.- Trần Văn Lập lắc đầu, thương đoàn Hồng Bàng đi nhiều, địa hình có phần thông thuộc hơn đám ngồi đây.
- Lúc đó bọn tôi đi chỉ mất vài ngày là tới được doanh trại của Dương tướng quân.- Trịnh Ngọ vẫn cố gắng bàn về những con đường mòn.
- Lúc đó mấy người chỉ có hai người, có thể chỉ cần mang lương khô, nước uống đi là đủ, nhưng tất cả từng này Thái Học Sinh cùng đi, không thể như thế được!- Dương Ánh Hồng phản bác lại Quí, Ngọ- Quan trọng nhất, là điểm đến. Đi kiểu hai người đã có đích tới, giả như đói bụng hôm nay, biết mai tới thì có thể nhịn qua. Nhưng lúc này toàn Trấn Nam Bàn đã loạn lên, chỗ nào an toàn, chỗ nào nguy hiểm không ai biết, tức là đường đi xa hay gần không rõ. Vậy lương thực mang đi phải càng nhiều càng tốt.
- Kế này không được, kế kia không xong, chẳng lẽ án binh bất động.
- Điên à, toàn bộ người Thượng đang nổi loạn. Sống trong vòng vây của chúng sợ bỏ mẹ.
- Ê ê, đừng vơ đũa cả nắm thế chứ.- Một học sinh người Thượng lên tiếng
- Không có đạo quân người Thượng chúng tôi, Học Phủ giờ này còn sao?- Một vài học sinh khác, rồi cả những chỉ huy tầm trung trung, xuất thân từ đội tá điền đứng phắt lên, hét to. Họ giờ đang là chỉ huy đội tự vệ của Minh lập ra, trận vừa rồi cũng tự thân xông trận.
- Mọi người chớ có ầm ĩ, lựa lời một chút. Chúng ta giờ này đã cùng một con thuyền. Đừng quên rằng những người họ cũng từng bị chính đồng bào nô dịch đến nỗi phải trốn tới đây!
Minh nói vậy, đám Thái Học Sinh mấy kẻ bĩu môi, nhưng cũng có những người nhìn Minh tán thưởng- đó là cha con Vi Công Tín, Dương Ánh Hồng cùng 3 đầu lĩnh thương đoàn Hồng Bàng. Câu mà cậu nói, không phải để đám Thái Học Sinh nghe mà là cho các chỉ huy quân đội người Thượng nghe. Cậu ta đang nhắc những con người đó rằng, cùng là dân Nam Bàn, nhưng họ cũng đừng hy vọng gì ở những người đồng bào kia, phải giữ vững cái lập trường trung thành với Minh.
- Việc chuẩn bị đường lui thì tôi đồng ý với Quí và Ngọ, ta cần đi đường nhỏ! Xủ Lu, cậu cùng những mật thám đã có thời gian tìm hiểu, biết đường đi, phải không?
- Đúng vậy, bọn tôi có biết những tuyến đường đi vòng vèo, nhưng sẽ an toàn.
- Tổng hợp từ ý kiến mọi người, tôi đề nghị ta nhanh chóng kiểm tra lại lương thực, chế biến lương khô nhiều hết mức có thể để mang đi gọn nhẹ. Việc này thì Liên, em cùng với những người phụ nữ lo liệu, được không? - Minh tiếp tục
- Được, cứ yên tâm ở em.- Liên gật đầu
- Đi đường nhỏ để tránh địch, đồ đạc mang theo không thể nhiều và nặng, mọi người hãy nhanh chóng kiểm kê đồ đạc, xem thứ nào có thể mang đi được. Đồ mang đi phải cần thiết, nhẹ, gọn. Hàng hóa nếu quá mức cồng kềnh, bán luôn mua đồ dễ mang, dễ trao đổi, thậm chí bán lỗ 10%- 20% cũng phải chịu.
- Tập trung mua lương thực chứ?- Đào Văn Khắc nêu ý kiến
- Giờ có mua sợ rằng người ta cũng không bán, còn thuận thế ép giá. Hãy mua những thứ dễ trao đổi, hàng hóa nhẹ nhàng.
- Được!
- Lực lượng quân sự lập tức tăng cường thao luyện ngay. Trấn Nam Bàn giờ phút này đâu đâu cũng có thể là kẻ thù, sợ rằng sẽ có nhiều kẻ nhắm vào chúng ta, phải luôn sẵn sàng phản công.
- Rõ!- Các chi huy đồng thanh
- Xủ Lu, ngoài việc hướng dẫn bản đồ, các cậu cũng giúp cảnh giới, xem liệu có buôn làng nào định gây bất lợi cho chúng ta không?
- Vâng!
Hoàng Anh Minh phân công công việc cẩn thận, bản thân cậu ta tự thân đốc thúc việc luyện quân, đảm bảo cần là có thể đánh trận ngay. Sự cẩn thận của Minh không thừa, mấy buôn làng xung quanh Học Phủ biết tới tin Trấn Nam Bàn nổi dậy, cũng rục rịch nhắm vào nơi này. Có tin tình báo từ nhóm Xủ Lu, từ thương đoàn Hồng Bàng khi mua bán khắp nơi, Minh chọn ra một buôn Laimi, một buôn làng lớn vừa vừa, có thái độ khá kiên quyết tấn công Học Phủ. Trưởng buôn này còn mới ba buôn khác cùng tham gia với lời hứa chia đều số tiền, lương mà Học Phủ thu gom thời gian qua.
Để tăng sức răn đe, khiến những buôn làng khác không dám manh động với Học Phủ cho tới khi bên mình chuẩn bị xong việc rút lui, Minh quyết định đánh vỗ mặt toàn bộ đối thủ.
- Điên rồ, quân ta mới chỉ tập luyện được có mấy chục ngày! Địch và ta số lương tương đương nhau...- Lương Văn Vâm nhảy lên phản đối
- Tôi biết, nhưng thế nên trận này càng phải đánh ban ngày. Quân Hồng Bàng xưa nay thắng được là bởi quân kỷ nghiêm minh, hiệu lệnh rõ ràng. Quân dưới trướng tôi quân kỷ chưa rèn cẩn thận, khi đánh đêm một khi có chuyện bất ngờ, khó mà chỉ đạo được. Họ cũng không phải hạng không biết đánh trận, chỉ huy thích đáng, ta có thể thắng được.
- Nếu thế, tôi nghĩ ta cần thêm đồng minh.- Trần Văn Lập đề nghị- Tên K’Bek đó được ta trợ giúp kha khá, giờ cũng phải trả ơn.
- Để tôi đi bàn chuyện!- Đào Văn Khắc xung phong
- Đừng dùng giọng thương lượng với hắn, hãy dùng cái giọng chỉ huy. Bảo với hắn rằng ta sẽ thả Xô Ban ra trước trận đánh, nếu ta thua, lão già kia thừa sức tập hợp bộ hạ ở buôn Manư, hắn nghĩ cha con hắn, mất đi chống lưng từ mọi người, có đấu lại lão Xô Ban không?- Dương Ánh Hồng hiến kế
- Hiểm độc thật sự luôn!- Liên nhăn mặt nghe bạn nói chuyện
- Nè, vì mục tiêu chung thôi.
- Xủ Lu, cậu gọi lão Xô Ban lên đây luôn.- Minh nghe Dương ánh Hồng nói chuyện, cũng nảy ra một ý. Cậu muốn dùng lão Xô Ban báo tin giả, ép đám người Thượng đang chuẩn bị đánh Học Phủ ra tay sớm, lực lượng không tập hợp nhiều.
- Tại sao ta phải làm vậy?- Lão Xô Ban không chối hay đồng ý, mà hỏi ngược lại
- Bởi vì điều này sẽ có lợi cho buôn làng của ông. Bọn ta đã ép K’Bek phải tham chiến, cha con K’Bek coi Học Phủ là viện trợ, nhất định không thể chối từ. Nếu ta thua, buôn làng của ông sẽ diệt vong.
- Cái buôn làng đó đâu còn ai trung với ta nữa. Hủy diệt thì đã sao chứ?
- Không còn buôn làng nữa, ông cam tâm sao? Buôn làng là căn cơ gốc rễ của dòng họ ông. Khi ông chưa mất buôn làng, cuộc sống ra sao, bị ta chiếm mất buôn làng, cuộc sống lại thế nào?
- Nếu ta giúp mi lừa đám người kia khởi binh đánh tới, mi sẽ trả lại buôn làng cho ta sao?
- Không, buôn Manư đã thuộc về K’Bek rồi. Nhưng ta có thể bồi thường cho ông. Thắng trận chiến này, ta sẽ cho ông cơ hội lập buôn làng mới.
- Nói thật mạnh miệng!
- Hoàng Anh Minh ta xưa nay nói được làm được! Nói cho ông biết, tình hình Nam Bàn thế này, bọn ta đã có ý muốn dời đi, vùng đất Học Phủ này, coi như cho ông. Đánh bại những kẻ muốn đánh Học Phủ, có tù binh, bọn ta sẽ giúp ông đổi nhân khẩu, lập buôn làng.
Hoàng Anh Minh dùng lợi ích thuyết phục Xô Ban. Xô Ban còn đang suy nghĩ, đám con lão mắt đã sáng lên, liên tục thì thầm to nhỏ. Thú thực, từ khi mất đi căn cơ- buôn Manư, mấy đứa con của lão Xô Ban chịu đủ các kiểu đối xử không tốt, cực kỳ mong nhớ ngày tháng cũ huy hoàng, nay cơ hội tới rồi, nhất định không bỏ. Lời hứa của Hoàng Anh Minh, chúng rất tin, những điều bọn nó thấy ở cậu là một người làm việc có uy tín, Minh hứa cứu những người dân Thượng lưu lạc là cứu tới cùng: bảo vệ họ trước Vương Vĩnh, chia sẻ lương thực, cùng ăn cùng ở… Xô Ban thấy các con mình như vậy, cũng không còn cách nào khác, đành đồng ý.
Lão cùng các con thống nhất kế sách, sau đó để lại mấy người trẻ người non dạ làm con tin, kẻ đủ tài trí cũng lão giả vờ bỏ trốn, còn tự gây vài vết thương- nhìn nghiêm trọng nhưng không nguy hiểm. Lão cùng mấy đứa con tới gặp tên thủ lĩnh buôn Laimi, nói rằng bản thân căm hận Hoàng Anh Minh cùng cha con K’Bek, nên liều mạng báo tin. Lão bảo rằng Học Phủ biết việc họ sắp đánh Học Phủ, nên đang chuẩn bị quân tới đánh lén, giống như cái cách mà Học Phủ hạ lão.
Đám người của thủ lĩnh buôn Laimi bán tín bán nghi, cho người dò xét, thì thấy quân Học Phủ di chuyển tới một khu vực gần chỗ họ song không đi vào địa phận của họ. Lão Xô Ban bảo rằng, mấy ngày đám thương nhân Hồng Bàng đã tới đây mua lương đã dò đường trước, đám người Hồng Bàng giờ phút này đã nắm rõ đường vào trong buôn, rất có thể tới tối chúng sẽ tổ chức tấn công. Lão Xô Bản bảo ông ta nhĩn kỹ sẽ thấy, những kẻ tới toàn là những kẻ có sức chiến đấu hết.
Thà tin rằng có hơn tin là không, thủ lĩnh buôn Laimi vội tăng cường cảnh giới, đồng thời cho người gọi chi viện. Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày trôi qua, quân của Học Phủ ở đó dựng trại nấu cơm, làm tinh thần của buôn Laimi căng thẳng tột độ. Tới ngày thứ tư, Đào Văn Khắc xưng là đại sứ của Học Phủ, tới xin gặp trưởng buôn Laimi để đòi người, đòi lão Xô Ban về trừng trị tội bỏ trốn.
Sợ quân Học Phủ sẽ lấy cớ này tấn công, người Laimi vội trả người. Lão Xô Ban bị trả lại, liên tục nói rằng hành vi hèn nhát này của trưởng buôn Laimi sẽ làn Học Phủ thấy họ yếu đuối, sẽ tấn công. Nghe vậy, trưởng buôn Laimi cùng các thuộc hạ đều có phần sợ hãi, nhưng không dám không trả người. Chỉ là khi quân Học Phủ nhận người, từ từ rút lui, chúng mới dám thả lỏng. Vừa lúc này, các lực lượng tiếp viện đã tới. Trưởng buôn Laimi lúc này ngẫm những điều mà lão Xô Ban nói, sợ rằng khi quân Học Phủ quay về, thấy hắn yếu đuối, sẽ tổ chức tấn công lần nữa, mà viện quân đâu thể ở lại mãi, bèn quyết định tấn công đoàn quân Học Phủ đang đi về. Thậm chí, còn quyết đánh sớm luôn, lấy cớ quân Học Phủ tới đe dọa buôn Laimi.
- Đúng là một thằng miệng cọp gan thỏ!- Lão Xô Ban chê cười trưởng buôn Laimi khi thấy hắn kéo quân mình và đồng minh đuổi đánh quân Học Phủ.
Quân Học Phủ vốn chỉ chờ quân Laimi và đồng minh tấn công là có cớ đánh trả, nên đã bố trí sẵn sàng. Đội quân đang đi về Học Phủ lập tức dừng lại, bày trận nghênh địch. Hai bên giáp mặt nhau, đánh giáp lá cà hết sức quyết liệt. Quân Laimi có tiếp viện, ưu thế về quân số, có điều quân của buôn Laimi đuổi gấp mà quân Học Phủ đã chờ sẵn, nên thể lực quân Laimi không sánh được, đã thế bên buôn Laimi vẫn dùng đấu pháp của Trấn Nam Bàn, là xông bừa vào, chả cần chỉ đạo gì, trong khi quân Học Phủ đã được cải cách, các chỉ huy tổ chức phòng thủ cẩn mật, hai bên ở thế giằng co. Thấy bên mình chưa thể chiếm ưu thế, trưởng buôn Laimi nhìn một hồi, thấy cờ chỉ huy của địch, dốc thêm quân đánh vào đó. Y cho những tráng sĩ giỏi nhất xông vào, quyết hạ viên chỉ huy của đoàn quân để sớm giành thắng lợi. Đây là kiểu đánh thường thấy của TRấn Nam Bàn. Xui cho y, kẻ y muốn hạ là Lương Văn Vâm, người không hề ngu tới mức lao ra đánh tay đôi, mà cử vệ sĩ mới được bổ sung là võ tăng Bất Thắng. Bất Thắng vung côn một hồi, bao anh tráng sĩ nhảy tới là bấy nhiêu anh ngã ra.
Đánh lâu chưa thắng, mà nơi này lại ở giữa đường đi giữa buôn Laimi và Học Phủ, sợ tiếp viện tới, bên quân Laimi đánh càng gấp. Một tiếng tù và nổi lên, từ hai cánh trái phải, hai đạo bộ binh xông tới. Chỉ huy cánh quân phải là P’Lư, gã người Thượng từng lập chiến công trong lần tấn công buôn Manư, còn cánh quân bên trái là quân buôn Manư với sự dẫn đầu của K’Bek. Hai cánh quân này đã ém ở đó không xa, chỉ chờ thời cơ thích hợp. Sau tiếng tù và ra hiệu, hai cánh này xuất chiến.
Quá mải mê tấn công đội hình quân Học Phủ, quân buôn Laimi đã xé nhỏ đội hình, không còn kịp tái tổ chức. Hai cánh quân trái, phải của P’Lư và K’Bek với toàn cảnh thì là hai gọng kìm, với những đạo quân nhỏ lẻ của buôn Laimi gặp phải họ thì như một trận lũ, xé toạc hết thảy. Hai cánh bị xé toạc, nhiều người sợ hãi bỏ chạy, áp lực với người còn đánh trận của quân Laimi càng lớn.
Và đòn kết liễu xuất hiện, Hoàng Anh Minh cùng Xủ Lu và đội ngựa chiến, tuy chỉ có tầm 40 người đổ lại, xuất hiện, đánh thẳng vào trung lộ, nơi mà trưởng buôn Laimi đang ở. Tốc độ, cơ động và sức chiến đấu vượt trội của đội quân này, họ xuyên thủng mọi sự ngăn trở, trưởng buôn Laimi liều lĩnh xông lên, bị chém chết tại trận. Toàn quân Laimi gần đó thấy thế liền tan rã. Phía sau bỏ chạy, những người còn ở phía trước hoảng loạn đầu hàng.
Minh không cho lạm sát, lệnh bắt giữ, tước vũ khí tất cả những kẻ đầu hàng. Sau đó, bắt tù binh phải xây trại tù giam chính mình. Tù binh đã bị bắt giữ, Minh cho lão Xô Ban cùng Trần Văn Lập đi làm sứ giả, báo với buôn Laimi và những buôn làng tham chiến là phải chịu trừng phạt. Trả thêm lương thực, cung cấp thêm nô lệ, phải mua lại hàng hóa của họ với giá cao hơn, bán cho Học Phủ những thứ Học Phủ cần,… Nếu không chịu trừng phạt này, thì tù binh phải chết. Tù binh đều là chiến sĩ, nếu chết thì buôn làng sẽ nguy to, mọi yêu cầu đưa ra cũng không quá đáng, nên các buôn làng đều nhận hết.
Sau trận này, Học Phủ chẳng những trấn áp được nguy cơ bị tấn công không ngừng, còn có được sự chuẩn bị đầy đủ cho việc đi khỏi Trấn Nam Bàn. Vì thế, uy vọng của Minh trong khu vực này, cực kỳ lớn lao.
- ----------------------------------------
- Đúng là bậc anh tài, thiên hạ anh hùng xuất thiếu niên!- Đan Quốc Hùng không ngừng lắc đầu lè lưỡi thán phục sau một câu chuyện dài mà hay như sử thi.
- Hừ!- Dương Quốc Lộ cũng than thở không thôi.
- Ngộ biến tòng quyền mà thôi!- Minh khiêm tốn
- Giữ được một chỗ như này an toàn, công mi lớn lắm, khiêm tốn quá hóa giả tạo!- Dương Quốc Lộ tặc lưỡi.
- Việc này ai ở đây cũng có công. Cả ngài Dương Quốc Lộ. Cách đây ít lâu, ngài đã tung tin muốn tới Học Phủ cứu con gái, dọa sợ một nhóm lớn, thành ra cứu Học Phủ thoát một vụ tấn công.
- Đó là việc tư của ta.
- Tư hợp với công, cũng nên cảm ơn.
- Thôi, không khách sáo nữa, bọn ta là khách, lại có ơn, vậy cũng nên được ăn uống chút, để còn nghỉ ngơi nữa. Mấy ngày hành quân gấp, mệt quá rồi!
- Cái đó thì hiển nhiên!- Minh cho người sắp xếp từ sớm, chỉ là do tình hình ở Học Phủ, quân là người Thượng, nên phải ra báo trước mấy câu.
Đi vào khu vực của Học Phủ, được giải giáp, được chăm lo, quân của Dương Quốc Lộ bớt căng thẳng, từ chỉ huy tới lính lác, ai cũng cười toe toét. Thoải mái nhất là các thương nhân, họ giờ không phải nơm nớp lo sợ bị bắt, bị cướp nữa rồi.