Quyển IV: Chiêm- Giao đại chiến
C 44: Ám chiến (2)
– Đối phương đã chuẩn bị hơn hẳn những gì ta có thể dự trù, giờ phải mưu hoạch thật nhanh. Nếu không, ta cầm chắc thất bại.- Lý Vĩnh Khuê nói rất nhẹ nhàng, mà khiến không khí trong phòng trầm xuống
– Việc thủy quân địch có thể tấn công từ biển lớn vào bất kỳ địa điểm nào là một vấn đề nghiêm trọng, thủy quân của ta phải bảo vệ cảng Thị Lị Bị Nại và thành Đại Định, phân tán ra sẽ thành mồi cho bọn chúng. Nói gì nói, chúng cũng là liên quân 4 nước đó.- Đặng Toán phát biểu trước tiên
– Đúng vậy!- Lữ Liêm cũng tán đồng ngay, an nguy của thành Đại Định và cảng Thị Lị Bị Nại quan trọng hơn, vì lão đang ở đây.
– Nhưng nếu bỏ mặc các nơi khác để địch chiếm, Đại Định trở thành cô thành, cũng không ổn. Người dân Hoài Nhân với ta không phải đồng lòng nhất trí, địch có thể dùng họ mà chống ta. Đừng quên, dân Hoài Nhân hiện vẫn còn theo Hiên Giáo, nếu chúng dựng lại Hiên Giáo, kích động cựu thù, thì cũng khó đó.- Đặng Toán tiếp tục nói nốt ý của mình
– Vậy là sao chứ? Chia quân không được, không chia ra cũng không được.
– Ý của tướng quân là tăng binh!- Lý Vĩnh Khuê tiếp lời Đặng Toán
– Đúng, phải tăng binh.
– Không được!- Lữ Liêm phản đối- Hiện tại mà tăng binh, thì lấy đâu ra người nữa. Họ đều có công việc cả, nếu giờ biến họ thành lính, thì Hoài Nhân sẽ thiếu thốn đủ thứ. Chiến tranh sắp tới cũng hao tài tốn của lắm chứ bộ.
Lữ Liêm tất nhiên không chịu, kinh tế Hoài Nhân giờ là một chỗ để lão hút máu, sao lão dám để nó bị ảnh hưởng.
– Thưa các vị đại nhân!- Hoàng Anh Tài chợt lên tiếng- Tiểu nhân xin có một ý kiến, có thể giải cuộc tranh luận.
– Hử?
Tất cả thấy Tài xung phong nêu ý kiến, cũng ra hiệu cho cậu ta nói.
– Tăng binh thì phải tăng rồi, nếu binh lực quá mỏng, tất nhiên không thủ được. Nhưng nếu ép dân làm lính, tất sản xuất đình trệ, cũng là không ổn. Vậy theo tiểu nhân, ta nên xin viện trợ.
– Xin viện trợ.
– Vâng, Hoài Nhân tiếp giáp các nước Chiêm Thành, chính là phên dậu bảo hộ Tân Bình, Thuận Hóa. Nếu mất Hoài Nhân, Tân Bình, Thuận Hóa sẽ đối mặt nguy cơ thế nào. Môi hở tất răng phải lạnh. Vì thế, cuộc chiến này, Tân Bình, Thuận Hóa cũng không thể đứng ngoài. Ta dùng một người có tài ngoại giao, bảo họ đi thuyết phục hai Phủ đó hỗ trợ Hoài Nhân nhân lực vật lực, để ta đối chọi với quân Chiêm.
– Ý tưởng rất hay!- Lữ Liêm lập tức vỗ đùi, vụ này nếu làm khéo, có khi đớp được một ít cũng nên.
– Tài lanh quá đầy Tài. Dựa người không bằng dựa vào mình, chi viện dù có tới, cũng không thể như quân ta, chiến đấu hết lòng bảo hộ Hoài Nhân! Nếu gặp bất lợi, chỉ e họ cũng sẽ bỏ mà rút về, mưu tính thế khác, mà Hoài Nhân tưởng có thể dựa vào họ, không tự lực sẵn sàng, khi ấy có thể trụ nổi sao>- Đặng Toán e hèm một cái, nhắc nhở Hoàng Anh Tài
– Đại nhân nói phải, tiểu nhân suy xét chưa chu đáo rồi!- Hoàng Anh Tài lập tức nhận lỗi ngay, Toán là thượng cấp, thượng cấp luôn có ý đúng khi nói ra.
– Thực ra dùng viện binh cũng không phải không được. Cơ bản là dùng như thế nào thôi!- Ebisu có ý kiến đồng ý xin viện binh. Hắn biết tài dùng quân của Hoàng Anh Kiệt, Hoàng Anh Minh qua những trận thua khi xưa, lại từng được thấy hỏa mai Kiệt chế, thứ mà giờ thủy quân Hoài Nhân vẫn dùng. Nếu xin quân từ Tân Bình thì có khi có quân của Kiệt. Một đội quân quá mức tinh nhuệ như thế, hoàn toàn có thể tin cậy.
– Mi có cách dùng sao?
– Trọng thưởng là có dũng phu, phàm bao nhiêu chiến lợi phẩm có được từ quân Chiêm, hễ do họ đánh được, ta giao hết cho họ. Lý tướng quân, đám ngư dân được ngài làm thế, giờ có dũng khí đòi giết người Chiêm rồi, còn quân nhân chuyên nghiệp thì sẽ thế nào chứ.
Lý Vĩnh Khuê cười không nói gì. Hai bên là đối thủ cạnh tranh, đối phương hiểu điều mình định làm để học theo hoặc phản kích là quá bình thường.
– Như cha tôi vừa nói rồi, cầu người không bằng cầu mình, vẫn phải dựa vào quân ta. Nếu có thể đem phần thưởng cho quân bạn, sao không tự thưởng cho quân mình được.- Đặng Lượng lên tiếng ủng hộ ý tưởng của cha mình,
– Trực, ý của ngươi thì sao?- Lữ Liêm đánh mắt qua Phạm Thời Trực
Phạm Thời Trực chỉ biết nuốt nước bọt không dám phát biểu. Tên này nghe kế hoạch của quân Chiêm xong là đầu óc chỉ nghĩ chuyện chạy trốn luôn rồi. Tháy Phạm Thời Trực gần như là kẻ vô dụng, Lữ Liêm thật muốn nhảy dựng lên mà chửi.
Vì ý tưởng mượn viện binh và tự huấn luyện cơ bản là ngang nhau, hai bên cũng dần thỏa hiệp. Sẽ mộ thêm tân binh, đóng thêm thuyền, chuẩn bị khí giới, nhưng số lượng phải kiểm soát, còn viện binh tiếp tục mời luôn và ngay. Số lượng không cần nhiều, xong phải tinh nhuệ, thiện chiến. Dùng những lực lượng đó làm nòng cốt để tổ chức phản kích khi địch tập kích từ biển vào.
……………………………………………………………………..
Hai người Triều Trường Khanh và Trần Hựu Nhân đang nghỉ ngơi sau một cuộc rèn luyện sức bèn. Lần này, Triều Trường Khanh dẫn đội đi, Trần Hựu Nhân làm nhiệm vụ đưa người tìm cách đánh lén. Với sự trợ giúp của Triệu Duy Đức, Trần Hựu Nhân bày binh khiển tướng khéo léo, không như khi xưa, chỉ nhất nhất bám theo kinh nghiệm học được từ những gì Triều Trường Khanh đã làm. Vì thế, hai bên ngang tài ngang sức, cuộc chiến dần dần vào thế bế tắc, không chỉ so tài năng, càng so sức chịu đựng của binh sĩ. Vì thế, huấn luyện kết thúc là toàn quân rã rời, kẻ cả những người dẫn quân như Khanh, Nhân và Đức.
– Báo, có đoàn người tiếp cận doanh trại.- Một binh sĩ nhận nhiệm vụ cảnh giới hô to báo động, lập tức lục tục có người trong trại tiến lên cảnh giới. Bất chấp Tây Bình hoàn toàn bình thường, Triều Trường Khanh vẫn yêu cầu binh sĩ phải cảnh giác.
Rất nhanh, đoàn người tiếp cận đã tới đủ gần để nhìn ra họ là ai. Đó là những quan viên Tây Bình. Triều Trường Khanh nén cơn mệt mỏi đi ra chào hỏi. Các viên quan cũng nghe về việc đoàn người này tập luyện, nên không thắc mắc trước sự mệt mỏi của đối phương. Nhưng người đi cùng nhìn bọn Khanh, Nhân có vẻ ái ngại, trông đám này cứ như vừa tửu sắc quá độ vậy, mệt mỏi, uể oải,…
– Khanh, hiện nay có việc cần chú mày đây! Ở Trấn Hoài Nhân hiện đang cần viện quân. Họ có gửi thư qua nói chuyện với Tri Phủ đại nhân, Tri Phủ đại nhân thấy cần chi viện cho họ, và qua bàn bạc, đội quân của mấy người là thích hợp nhất. Vì thế, hãy mau chóng chuẩn bị, tiến về Hoài Nhân để giúp đỡ họ.
Viên quan thông báo rất nhan. Triều Trường Khanh vội vâng dạ liên hồi, lại mời họ ở lại, sai người mang rượu thịt ra thết đãi để hỏi thêm thông tin. Đây cũng là dụng ý của quan truyền tin khi chỉ thông báo khá ngắn gọn như vậy.
Bước vào bàn tiệc, Khanh được biết người đi cùng viên quan truyền lệnh chính là Trương Văn So. Trương Văn So tới phủ Tân Bình, dùng hết tài biện luận, cuối cùng cũng khiến bên Tân Bình nhận trước khoản bồi thường nhỏ nhoi dành riêng cho những người lính thiệt mạng. Về phần khí giới, thuyền bè, Trương Văn So cố biện bạch gãy cả lưỡi, bên Tân Bình vẫn ép họ phải trả.
Sau cùng, Trương Văn So vượt quyền, xin chuyển cách trả nợ. Bên Hoài Nhân từ giờ khi ra khơi đánh cá, sẽ chia nhiều cá hơn cho bên Tân Bình. Đồng thời hàng hóa mà Hoài Nhân sản xuất sẽ đưa lên Tân Bình để bán, chịu thuế, lại giúp Tân Bình chèo kéo thêm một lượng khách tới nữa. Tính qua, thấy sau 1 tới 2 năm là cũng có thể thu hồi phần nào vốn liếng, và ép quá thì đối phương cũng cùn mất, Nguyễn Công Thì- Tri Phủ Tân Bình chấp nhận phương án bồi thường này.
Hai bên chủ khách đã hòa thuận, từ Hoài Nhân, một phong thư truyền tới. Lữ Liêm thông báo tình hình mới, lại cho thân tín nói kỹ cho Trương Văn So những gì đang diễn ra, để ông ta liệu. Trương Văn So không muốn Hoài Nhân quá mạnh, cũng không muốn chiến thắng quá nhanh cho quân Chiêm. Vì nếu chúng đẩy mạnh qua Hoài Nhân, Tân Bình, áp sát Thuận Hóa, thì có thể dùng đó làm cơ sở đàm phán, lui dần cũng không sao. Phải để Tân Bình, Hoài Nhân thành chiến trường, hai bên cùng lao vào đập nhau tơi bời mới được.
Lão lập tức tới gặp Phạm Công Thì, trình bày câu chuyện, xin Tân Bình trợ giúp. Cái thế môi răng của Hoài Nhân, Tân Bình khiến Phạm Công Thì không thể không giúp. Khi trước Nam Bàn có loạn, Tân Bình cũng ăn đủ, giờ Hoài Nhân mà mất, Tân Bình cũng khó an. Phạm Công Thì đem việc này ra bán, ai cũng đồng ý việc phải trợ giúp. Ý kiến của bên Hoài Nhân là dùng tinh binh, số lượng ít, nhưng cơ động cũng hoàn toàn hợp lý, bên Tân Bình đồng ý ngay.
– Có nên dùng lực lượng của Hà Văn Huy không?- Một viên quan nêu ý kiến. Trong cuộc chiến bảo vệ Bắc Bình, Hà Văn Huy thể hiện bản thân là viên tướng có tài năng, cũng luyện được đạo quân không tồi.
– Không được, Bắc Bình là nơi quan trọng, có mỏ vàng, có ruộng đồng, có nhà xưởng, nếu quân Chiêm đánh tới, chúng sẽ nhằm thẳng vào nơi đó. Hà Văn Huy không thể đi nơi khác được.
– Nam Bình, quận trị An Lạc chẳng lẽ không quan trọng sao. Có cần Hà Văn Huy tới đâu!- Một viên quan khác phản bác ngay
Viên quan nói trước cứng họng, nhưng cũng phản đối việc dùng Hà Văn Huy, bởi viên quan ấy cùng nhiều đồng liêu có quan hệ lợi ích mất thiết với Bắc Bình, sao để mỏ vàng của bản thân bị tổn thương cho được. Các viên quan không có lợi ích ở Bắc Bình tự nhiên kém miếng khó chịu, càng quyết tâm dúi Hà Văn Huy đi cho bõ ghét.
Phạm Công Thì thấy cuộc tranh cãi gay gắt quá, đành tạm tan họp. Y bảo mọi người tạm lui, xong Lưu Kiệm nấn ná lại cuối cùng. Lưu Kiệm giờ đã là một người thân tín của Phạm Công Thì, ông ta liền vẫy hắn lại
– Lưu Kiệm, con có ý tưởng gì sao?
– Chỉ là ngu ý của con, chuyện là lần trước dẹp loạn ở Nam Bàn, con từng thấy một đạo quân rất mạnh. Cầm đầu là Triều Trường Khanh và Trần Hựu Nhân. Đội quân ấy hiện vẫn ở Tây Bình đóng quân. Đại nhân nghĩ xem, trong 4 nơi, Nam Bình, An Lạc, Bắc Bình, Tây Bình, nếu quân Chiêm gây sự, thì Tây Bình có chuyện sau cùng, điều quân tinh nhuệ nơi ấy đi, ai có thể nói điều gì?
– Không sai, không sai!- Phạm Công Thì nghe vậy liền vỗ đùi.- Không có con nhắc nhở, lão phu phạm sai lầm lớn rồi.
– Đại nhân bận trăm công ngàn việc, còn con nhàn rỗi, cũng lại tiếp xúc qua họ nên nhớ thôi.- Lưu Kiệm khiêm tốn.
Khi cuộc họp bắt đầu lại, Phạm Công Thì phím cho quân mình đưa ra ý kiến đội quân của Khanh. Không ai phản bác được ý tưởng này, bên Bắc Bình càng ủng hộ nhiệt liệt, Tây Bình càng không có cớ phản đối, rất nhanh được thông qua.