C 63: Mưu hoạch (2)
- Cậu Kiệt, có Trần Thanh Toàn xin gặp!- Mai đi vào thông báo
Nghe vậy, Amira cũng hơi ngạc nhiên, giờ này còn có người tới gặp Kiệt sao. Đêm đã khuya, phần Kiệt và cô ta phải đàm đạo thì còn dễ hiểu, chứ ai lại tới lúc này. Kiệt nghe cái tên Trần Thanh Toàn, hơi nhíu mày một chút, lại nhìn sang Amira, hình như đã quyết định gì đó. Kiệt hỏi Amira có rảnh không, muốn giới thiệu cho cô một người. Amira nghĩ thân phận mình hơi tế nhị, nhưng rồi thấy nếu Kiệt đã mời, vậy hẳn không vấn đề, đồng ý gặp.
Kiệt, Amira cùng tới gặp Trần Thanh Toàn. Hắn đang ngồi ở phòng chờ, thấy Kiệt tới liền kính cẩn chào hỏi, xong lại thấy cả Amira thì hơi nhíu mày một chút.
- Có việc gì sao?
- Cậu Kiệt, việc vốn không quá quan trọng, nhưng vì có chút gấp rút, nên mạo muội tới khuya. Là việc vợ chồng họ Tô đã đồng ý nhượg quyền các cửa hàng của họ, vì số lượng khá lớn, họ cũng bức thiết lấy được món tiền để yên tâm. Làm ăn mà, cùng thắng mới vui.
Trần Thanh Toàn nói xong, Amira trầm ngâm, cô đoán rằng hắn đang nói mật mã gì đó, chứ khuya vậy mà tới gặp Kiệt bàn mấy việc này là sao. Kiệt nhìn Trần Thanh Toàn, gật đầu mấy cái tỏ ý khen ngợi. Toàn xử lý mọi thứ khéo léo trước tình huống bất ngờ. Nếu Kiệt do lý do gì đó, không tiện và phải dẫn Amira theo, Toàn không hề tiết lộ cái gì, Kiệt có thể dựa theo lời Toàn nói mà bịa chuyện. Còn như Amira đáng tin, Kiệt tự nhiên tiết lộ hết.
- Đây là Trần Thanh Toàn, một thành viên cộm cán của băng phỉ Động Hổ Vằn!- Kiệt chỉ Toàn, nghe tới đây Amira liền ồ lên. Trận chiến diệt phỉ khi đó, Amira cũng đi theo, tên Trần Thanh Toàn này cũng được nói tới trong những ghi chép liên quan. Có điều thời gian qua lâu rồi, Amira bận việc của Hiên Giáo và trong tiềm thức của cô ta, Trần Thanh Toàn hẳn phải hận Kiệt thấu xương, sao giờ lại ngoan ngoãn vậy được.
- Toàn, đây là Amira, một nhân vật thuộc Hiên Giáo!- Kiệt cũng giới thiệu Amira cho Trần Thanh Toàn, Toàn là quân thổ phỉ, giờ đã hàng Kiệt, khó phản, nên tiết lộ chút để tỏ lòng tin cậy. Hơn nữa, Toàn cũng có đầu danh trạng cho Kiệt.
Đây là một câu chuyện không dài, không ngắn. Sau khi Động Hổ Vằn bị truy quét, một phần thổ phỉ đã chạy trốn kịp, phải nương náu trong rừng thiêng nước độc. Lý do chúng không bị quét sạch, là nhờ chiến tranh trên Nam Bàn đã kéo hết quân của Kiệt lên đó, quân Thanh Sơn thì cũng tầm thường, không đủ năng lực truy quét. Nguyễn Vĩnh- Cóc Điên cùng đám đàn em còn sống sót nhanh chóng quay lại đất cũ, cố gắng thu mình một chút, để người ta không chú ý.
Hành động khôn ngoan này cộng thêm việc có chút tích lũy gửi ở bên ngoài, nơi vợ chồng Tô Quán, Liễu Thị quản lý, băng cướp tạm sống qua ngày. Nhưng ngày vui chưa tới đã tàn, trong khi đi khai mỏ sắt với Kha Lương, Kiệt nghe về việc bọn phỉ Động Hổ Vằn bắt đầu hoạt động trở lại, sẵn đang cần phu, Kiệt nhắm vào bọn này. Bằng uy tín cá nhân của bản thân và ông anh trai, một đạo quân nhỏ được điều tới để diệt gọn Động Hổ Vằn một lần. Đảm nhiệm công việc lần này ngoài trừ người của Kiệt, còn một nhân vật đặc biệt, Ngụy Quốc Công.
Trong trận chiến với quân Nam Bàn và quân Chiêm, hắn có lập chút công lao nhỏ, Kiệt nhân đó tẩy được quá khứ của hắn, xin hộ hắn quân tịch, giờ hắn thuộc quyền của Dương Quốc Lộ, cha vợ Anh Minh, làm một viên chỉ huy cấp thấp. Với Ngụy Quốc Công, thế cũng là tốt, sau này lấy vợ sinh con, con cái có thể ngẩng mặt với đời. Dẫu vyậ, Ngụy Quốc Công cũng là trang hào kiệt, ân đền oán trả, ngày xưa cũng chịu ơn bọn phỉ, nên Khi Kiệt tìm cách đánh diệt Động Hổ Vằn, Công liền tới gặp, xin được đi chiêu hàng.
- Những kẻ đó cần làm việc 10 năm trong hầm mỏ để trả nợ, chúng đã là thổ phỉ, đã giết người, không thể ung dung sống được!- Lời không hay nói trước, Kiệt đặt giới hạn cho Công biết.
- Làm việc 10 năm trong hầm mỏ, chỉ e không khác gì án tử.- Ngụy Quốc Công lắc đầu, ai chẳng biết rằng làm việc khai mỏ khổ sở thế nào, không khí để thở còn thiếu nữa là, sống dưới đây một năm, có lẽ mất tới 2 năm tuổi thọ.
- Cái hầm mỏ này không giống các hầm mỏ khác, tôi sẽ không dùng tính mạng nhân công để khai mỏ, trái lại, sẽ dùng sức mạnh của khoa học. Họ Hoàng có thể nổi lên là nhờ kỹ thuật, việc khai mỏ cũng như vậy, sẽ dùng kỹ thuật làm trọng điểm.- Kiệt nói sơ qua như vậy, tất nhiên với điều kiện thời này, khổ nhọc vẫn là có, nhưng biết làm sao giờ.
Ngụy Quốc Công mang những thông tin đó, đi thẳng vào hang ổ Động Hổ Vằn, chuyển lời của Kiệt cho đám cướp. Vốn Ngụy Quốc Công cũng như những tên cướp Động Hổ Vằn, chiến đấu thua mà bị bắt, coi như về sau hàng, cũng không ai có thể làm gì, nhưng đi tới chiêu hàng thì lại khác.
- Công, chúng ta dù gì cũng từng là anh em, chú mày tới chiêu hàng, vậy mà điều kiện lại là thế, tức là sao đây?
- Anh Vĩnh, tôi không phải không cố sức, nhưng Công tôi chỉ là hàng tướng, lập tí khổ lao, có tiếng nói gì với người ta chứ, điều kiện là người ta quyết, tôi không can dự nổi.- Ngụy Quốc Công ăn ngay nói thật
- Nếu như quả thực chú không thể bàn điều kiện khác, bọn anh cũng chỉ có thể chó cùng dứt dậu mà thôi. Không dưng làm thợ mỏ 10 năm, anh em không theo nổi.
Nguyễn Vĩnh kiên quyết lắc đầu. Thực tế, nếu Ngụy Quốc Công âm thầm liên lạc, lại đem điều kiện bàn bạc trước, sao cho Nguyễn Vĩnh cùng đám tay chân được bảo đảm điều kiện quyền lợi, rồi chỉ bàn kín với, thì Vĩnh sẵn sàng cho phân nửa người của động phỉ này đi làm thợ mỏ thật rồi. Khi giao người quân của Kiệt cứ việc ào vào bắt người, ai chống được. Thổ phỉ mà, làm gì có tín nghĩa đáng nói chứ.
Trần Thanh Toàn tài trí hơn người, tự nhiên cũng hiểu Nguyễn Vĩnh muốn gì, liền đứng ra:
- Hoàng Anh Kiệt chắc còn nghĩ tới lần bại trận khi trước của quân ta, tự cho là đánh ta không khác gì bẻ cành khô nên chẳng có chút thành ý nào đâu. Anh em ta nên cho hắn thấy, không có chút thành ý nào, ta sẽ không hàng. Muốn ta hàng, ít nhất cũng phải để ta được về làm lương dân, coi như làm thuê vài năm, rồi tự có ruộng đất.
Trần Thanh Toàn lời lẽ kích động, đám thổ phỉ cấp dưới cùng hùa theo. Dù sao cuộc sống có ruộng vườn, chồng cày vợ cấy cũng là cuộc sống đáng mơ ước, cống chút nông sản thì chấp nhận được. Ngụy Quốc Công mang điều kiện của đám thổ phí về nói với Kiệt, đổi lại một cái khịt mũi coi thường.
- Nằm mơ giữa ban ngày!- Nói xong câu đó, Kiệt cho quân mình tổng tấn công. Đã có kinh nghiệm từ lần trước, cộng thêm việc đánh với quân Chiêm và quân Nam Bàn, kinh nghiệm tác chiến vượt trội, quân của Kiệt tổ chức tấn công bài bản. Do chiến tranh trên Nam Bàn chấm dứt, một lượng lớn vũ khí được dôi dư ra, Kiệt nhân tiện xin luôn để dùng, từ cung tên cho tới vũ khí cận chiến, đội quân của Kiệt được trang bị cứ gọi là tới tận răng.
Kiệt cũng không đánh theo kiểu đánh nhanh thắng nhanh, ngược lại, đánh rất từ tốn, đánh đâu chắc đó, lại chừa thời gian để địch rút lui, tổ chức phản công, nhưng mọi hành vi đó đều vô hiệu trước một đạo quân quá tinh nhuệ, trang bị lại đầy đủ. Đó là cách Kiệt dùng để thể hiện sự cách biệt giữ hai bên, cũng qua đó làm giảm thương vong bên cậu. Trận chiến này là việc tư, mọi thứ do Kiệt chi trả, người chết và người bị thương tốn lắm.
Đánh tời ngày thứ 10, quân phỉ đã hoàn toàn rệu rã về mặt tinh thần, gần như chỉ đợi bên Kiệt tấn công lượt cuối là hàng. NGuyễn Vĩnh giờ như con thú bị dồn vào đường cùng, lúc thì thất thểu đi lại, lúc vung đao chém loạn, lúc uống rượu giải sầu, rồi hễ ai nói chuyện hàng thì hắn nổi xung lên đánh đám túi bụi người đó, kể cả đám anh em thân tín.
- Đại ca!
- Toàn hả? Có việc gì sao?
- Em thấy cứ thế này không ổn, ta bị quân địch ép sát quá rồi!
- Ồ, chú mày có cách gì sao?- Nguyễn Vĩnh người nồng nặc hơi rượu, nhướng mày nhìn Trần Thanh Toàn, các anh em khác thì nín thở, sợ Toàn nói xin hàng và Vĩnh nổi xung ra tay, khi đó nội chiến chắc.
- Có câu xạ nhân tiên xạ mã, cầm tặc tiên cầm vương, quân ta tới bước đường cùng, không thể không chơi bài liều!- Trái với sự tưởng tượng của mọi người, Trần Thanh Toàn đề ra kỳ kế. Hắn kể lại chuyện Tào Mạt.
Tào Mạt là người nước Lỗ thời Xuân Thủ. Vua Lỗ Trang Công (693 - 662 TCN) rất yêu Tào Mạt, nên cử làm tướng đánh nước Tề. Nhưng cả ba lần Mạt dẫn quân đều bị thua, mất nhiều đất đai về tay nước Tề. Lỗ Trang Công sợ thế nước Tề mạnh, bèn hiến đất Toại ấp để cầu hoà. Vì yêu mến Tào Mạt, Trang Công không trị tội thua trận mà vẫn để Tào Mạt làm tướng như cũ.
Tề Hoàn Công lúc ấy đang xây dựng nghiệp bá chủ, muốn các chư hầu phải thần phục mình. Tuy nhiên, vua Tề biết không thể dùng sức mạnh quân sự dàn trải để khuất phục tất cả các nước, nên đã theo ý theo ý Quản Trọng mở Hội chư hầu.
Khi Tề Hoàn Công hội chư hầu, Lỗ Trang Công căm nước Tề không đến dự. Vua Tề muốn đánh, nhưng theo lời Quản Trọng, bèn quyết định dùng lễ trước, nên đánh diệt nước Toại nhỏ bé bên cạnh nước Lỗ để doạ Lỗ, rồi viết thư sang Lỗ, hẹn Lỗ Trang Công ở ấp Kha để ăn thề.
Vua Lỗ lo lắng, biết không thể từ chối, bèn đi dự hội, hỏi ai có thể theo đi, Tào Mạt xin theo hầu. Trang Công hỏi Tào Mạt về việc để 3 lần thua trận, ông nói: “Chỉ vì bị thua nước Tề ba lần nên tôi mới xin theo chúa công để rửa những điều nhục nhã đó”.
Ban đầu Lỗ Trang Công sợ Tào Mạt làm mất thể diện, nhưng sau đó thấy Tào Mạt khẩn khoản, Trang Công bằng lòng.
Đến ấp Kha, Hoàn Công và Trang Công đã thề ở trên đàn. Tào Mạt cầm chuỳ thủ đi theo hộ vệ vua Lỗ. Hai vua vừa làm lễ xong, Tào Mạt cầm chùy thủ bước sấn đến chỗ Tề Hoàn Công, nắm lấy tay áo đe doạ. Các quan hầu cận của Hoàn Công không ai dám động.
Hoàn Công hỏi: “Nhà ngươi muốn gì?” Tào Mạt nói: “Tề mạnh, Lỗ yếu, nước lớn xâm phạm nước Lỗ đã quá lắm. Nay thành nước Lỗ nếu sụp đổ thì đè cả đất Tề, nhà vua liệu đấy!”. Quản Trọng thấy vậy vội đứng ra khuyên vua Tề nhận lời.
Tề Hoàn Công bèn hứa trả tất cả đất đai đã chiếm đoạt trước cho Lỗ. Hoàn Công vừa dứt lời, Tào Mạt ném chùy thủ xuống đàn, ngoảnh mặt về hướng Bắc trở lại bên cạnh Lỗ Trang Công, sắc mặt không thay đổi, nói năng vẫn ôn hoà như thường.
Tề Hoàn Công tức giận, muốn bỏ điều hứa. Quản Trọng nói: “Không nên, nếu tham cái lợi nhỏ để cho thỏa thích mình, bỏ tín nghĩa đối với chư hầu, thì mất sự giúp đỡ của thiên hạ. Chi bằng cứ cho là hơn”. Hoàn Công bèn trả lại những vùng đất của Lỗ đã bị Tề xâm chiếm, các đất đai đã mất sau ba lần Tào Mạt đánh thua đều được trao lại cho nước Lỗ.
Tào Mạt tuy không vung đao, xuống kiếm hay làm vua Tề bị thương nhưng ông vẫn được xem là thích khách bậc nhất lịch sử. Lòng dũng cảm của Tào Mạt được đời sau truyền tụng. Binh Pháp Tôn Tử bình về chuyện “thích khách nhưng không giết” của Tào Mạt như là cảnh giới cao nhất của nghệ thuật dụng binh: giành thắng lợi mà không phải đổ máu!
Nghe Toàn nói chuyện này, Nguyễn Vĩnh khen hay, nhưng chưa hiểu hết, Toàn phải xoa trán, nói xổ toẹt. Chúng sẽ giả vờ đầu hàng, rồi nhân cơ hội tóm Kiệt làm con tin, sau đó quay qua đặt điều kiện.