Mục lục
Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite - Tác giả:PTQDung
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Hoàng Văn Định cùng vợ đi lên Học Phủ Trấn Nam Bàn để thăm Minh. Đã hơn một năm rồi vợ ông chưa gặp thằng con lớn, thư từ cũng hạn chế, Văn Nguyệt Nga ngày đêm lo cho đứa con này. Bà không biết được trên đó lam sơn chướng khí, xa xôi cách trở liệu người con này có đau ốm gì không. Hoàng Văn Định là người đàn ông tốt, coi Minh như con đẻ, nên quyết định giúp vợ. Ông giả vờ chán cảnh trong nhà, muốn tổ chức chuyến đi chơi xa, đồng thời tìm kiếm thử một thị trường mới.

Với gia cảnh hiện giờ của họ Hoàng, việc này không khó, nên chẳng ai hỏi thêm. Mục tiêu của chuyến đi chỉ được Hoàng Văn Định tiết lộ với riêng hai người vợ. Văn Nguyệt Nga cảm động suýt khóc, trong khi Trịnh Thị Ngọc lại thấy vui ngầm. Hoàng Văn Định có thể quan tâm tới con riêng của vợ như vậy, đứa con này của cô, sau này ít nhiều cũng có chút vốn liếng. Trịnh Thị Ngọc ngỏ ý muốn đi cùng, nhưng Hoàng Văn Định lại không đồng ý, ông nói đường lên trên Trấn Nam Bàn xa xôi, con mới 3 tuổi, bỏ con không được, mà đưa nó đi nó bệnh mất. Thế nên bà ấy ở lại làng Hồng Bàng, hoặc không lên tới quận trị An Lạc thôi. Trịnh Thị Ngọc nghe vậy liền đồng ý luôn, dù gì, bà cũng là mẹ, cũng quý con mình.

Sắp xếp hành lý sẵn sàng, Hoàng Văn Định cẩn thận chuẩn bị những món quà riêng, lần này thì đi người không cùng đội vệ sĩ, lên xem xem chỗ đó thiếu gì, rồi tính tiếp, tốt nhất là chuẩn bị cử người lên giúp. Ông học tập cách Kiệt thường dùng để giúp Hoàng Anh Minh: cung cấp nhân tài hỗ trợ, cho cần câu hơn cho con cá. Đoàn người trang bị gọn nhẹ tiến lên trên Trấn Nam Bàn. Dùng thân phận thăm thân, cộng thêm hàng hóa không có nhiều, họ tránh được nạn hạch sách của lính canh, thuận lợi tiến lên Trấn Nam Bàn.

Đường đi lên thực sự xấu quá thể, lại phải mang phụ nữ và thiếu niên: Văn Nguyệt Nga quyết mang thằng Tài theo, để nó thấy được hoàn cảnh sống của Minh, từ đó chịu cố gắng làm việc hơn. Kiệt giờ phải đi ra biển khơi muôn trùng, Minh sống ở nơi rừng thiêng nước độc, thằng Tài mà cứ sống sướng mãi không ổn. Cũng bởi thế, Văn Nguyệt Nga bắt người con nhỏ tuổi này đôi lúc phải nhảy xuống đi bộ cho khỏe chân và cảm nhận sự khổ sở với thời tiết trên này.

- Mẹ!- Khi thấy mẹ tới thăm mình, còn có cả em trai và bố Định, Minh không tin nổi. Cậu chạy ra, ôm cả 3 người, hỏi han cẩn thận, đồng thời trách mẹ không cẩn thận gì hết, thời tiết trên này không thuận lợi, thuốc men thiếu, bắt thằng Tài đi kiểu đó, nó mà bệnh ra đó thì sao?


- Đấy thấy chưa, anh Minh nói thế rồi đấy nhé.

- Ý anh là mẹ làm thế là kiểu thấy con làm sai trước mặt khách thì mắng xối xả, chứ còn bình thường không uốn nắn gì!- Minh đính chính- Nếu mày không có việc ở làng Hồng Bàng thì lên đây, anh uốn nắn hàng ngày hàng giờ.

- Lên đây sợ hoàn cảnh không có tốt! Con chả bao khí hậu không thuận, thuốc men thiếu thốn đó thôi!

- Chỉ cần khỏe mạnh là không sợ bệnh, cần gì thuốc men!- Minh giải thích ý tưởng. Cậu muốn rèn rũa lại thằng em út này.

- Đừng mẹ ơi!- Nghe tới đây, Tài nhảy dựng lên. Đang sống yên ổn ở làng Hồng Bàng, giờ phải lên đây chịu khổ, sao nó chịu được.

- Hừ, con trai ăn to nói lớn, cũng phải thân như sắt thép. Hai anh mày đều làm được, mày sao không làm được!- Hoàng Văn Định vỗ vào đầu thằng con một phát, thằng Tài ôm đầu không dám nói. Gần đây ông có luyện võ, từ ngày ăn trận bùa ngải kia, biết con mình vì luyện võ, khỏe quá con ma không vật nổi, ông chăm luyện lắm, vì biết đâu có ngày dính phải có cơ sống sót. Ông mong các con mình cũng phải tập võ, phải khỏe, chứ đừng như ông ta dạo trước, không đủ khỏe nên suýt chết.

Cảnh gia đình Minh đoàn tụ tại Học Phủ khiến mọi người ghen tị lắm. Những người lên Học Phủ Trấn Nam Bàn đều không phải nhà đại phú đại quý gì, người nhà khó đủ tiền đi xa xôi, cộng thêm việc họ giờ đây phải ở cái chốn này làm việc, tương lai đâu còn gì, ai rảnh mà quan tâm chứ. Thế nên, trong lòng những người này, việc Minh được gia đình tới thăm thật là quá hạnh phúc, quá đáng ghen tị.

- Con chào hai bác!- Vi Thúy Liên biết cha mẹ của Minh lên thăm con trai, mặt đỏ bừng bừng ra chào hỏi. Cô thích Minh, giờ thì cha cô cũng không quá ghét cậu ấy nữa, thậm chí việc Minh làm còn khiến Học Phủ thu nạp được nhiều học trò mới, khiến ông hài lòng. Cứ đà này, cha mẹ của Minh là cha mẹ chồng rồi còn gì nữa.

- Ái chà! Cô gái nào đây hả Minh?

- Con là con gái Học Phủ Trưởng Vi Công Tín, con tên Thúy Liên.

- Ái chà, tên đẹp đó.- Văn Nguyệt Nga khen không tiếc lời. Nhìn Minh và cô gái này là bà hiểu chuyện gì rồi, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu. Với con dâu tương lai, bà ngại gì mà không đem quà ra.

Là một chuỗi vòng thủy tinh nhiều màu sắc. Thứ này là Kiệt làm ra chơi chơi, với sự hỗ trợ đắc lực của Triệu Bỉnh. Thủy tinh được thêm các chất, tạo đủ loại màu sắc: xanh lam, xanh lục, đỏ, vàng,... rồi tạo hình, tạo lỗ ngay khi còn nóng- thời này chưa thể khoan xuyên thủy tinh vì vật liệu không có, kỹ thuật không có. Bởi lẽ đó, chiếc vòng ngọc này giá trị rất cao, dù giá nguyên vật liệu chả có nhiêu.

- Con cảm ơn bác nhưng thứ này thực quý quá, con không dám nhận đâu!

- Con đừng ngại, cái này là thủy tinh thôi, không phải ngọc đâu, con bác tặng bác chơi chơi ấy mà.

Nghe chỉ là thủy tinh, Thúy Liên mới dám cầm. Mà cũng cầm cẩn thận lắm, sờ kĩ, thấy không giống ngọc, phỉ thúy, đá quý,... mới yên tâm thu vào. Văn Nguyệt Nga thấy cảnh này, âm thầm hài lòng. Không tham lam, có gia giáo.

- À quên, em trai con, thằng Kiệt lấy vợ rồi!- Hoàng Văn Định đột nhiên nhớ ra chuyện, ông lôi một chai rượu nhẹ ra, bảo rằng lát uống thay rượu mừng.

- Kiệt lấy vợ rồi hả, lấy ai? Sao nó không báo thằng anh này một tiếng?

- Không chỉ lấy vợ, còn lấy tận hai cô một lúc.

- Đào Thùy Linh, Trần Phương Nhung?

- Chuẩn!- Hoàng Văn Định giơ ngón tay cái lên.

- Em con làm vậy vì có nỗi khó.- Văn Nguyệt Nga kể lại lý do mà Kiệt phải lấy vợ gấp như vậy. Nghe việc Kiệt ra khơi, Minh thở dài, em trai cậu là vậy, luôn muốn đi trước thời đại, vượt lên mọi người.

- Thưa hai bác, các bác có muốn xem qua nơi này không ạ?- Thấy không khí trầm quá, Thúy Liên vội tìm cách giải tỏa bớt.

- Được!- Hai vợ chồng Hoàng Văn Định cùng nhóc Tài lập tức đồng ý ngay. Nói mấy chuyện nặng nề quá cũng không nên. Hơn nữa lâu nay Văn Nguyệt Nga vẫn lo cho con sợ con thiếu thốn, giờ đi xem qua chỗ này, xem thiếu thốn gì tìm cách giúp.

Đi một vòng quanh Học Phủ rồi, ba người đều thấy quen thuộc lạ thường. Ngẫm một lúc liền hiểu ngay, Học Phủ bị bỏ hoang bao lâu, dựng lại hiển nhiên là theo sự hướng dẫn của Minh, tất sẽ có chỗ na ná làng Hồng Bàng. Chỉ có điều kiến thức Minh có phần nào đó đã lạc hậu rồi. Văn Nguyệt Nga nháy chồng, hỏi xem liệu có thể cho thợ lên đây giúp không? Hoàng Văn Định bảo rẳng cứ xem thêm đã, thợ làng Hồng Bàng bây giờ làm gì phải ra tiền mới được.

Hoàng Văn Định nhắc vợ nhớ lại rằng, hiện tại Kiệt không ở làng Hồng Bàng, hai người con dâu và người cháu trai kia dù thế nào cũng chỉ đủ sức giữ thăng bằng quyền lợi các bên, chứ không làm gì nổi thêm, mọi chuyện đều phải giải quyết theo phép công. Nếu không có lợi nhuận đủ lớn, đừng hòng huy động nhân lực trong làng lên đây. Điều tốt nhất họ có thể làm chính là xem nơi này có điều gì đó có thể sinh lời cho làng Hồng Bàng để mà về thuyết phục việc đầu tư lên đây. Biết chồng mình nói đúng, Văn Nguyệt Nga không biết làm gì hơn nữa, đành làm theo.

- Cha à, hôm nay cha mẹ Hoàng Anh Minh tới thăm cậu ấy, hay là cha cùng họ ăn bữa cơm.

- Hừ, sao ta lại phải ăn cơm với người ta chứ? Cứ làm như bình thường là được, ta ăn cơm ở phòng ăn, họ cũng tới đó ăn.- Vi Công Tín làm mặt lạnh, thực ra ông hiểu con gái định làm gì, nhưng mà bản thân ông lại muốn làm giá một chút cho con. Nhà Minh là con buôn còn nhà ông dù gì cũng là nhà quan, vồn vã quá con ông sẽ mất giá, sau này về nhà e bị mẹ chồng làm khó. Món đồ dễ có thì khó trân trọng.

- Cái này…- Thúy Liên mặt đỏ bừng, cha cô sao lại không hiểu nhân tình gì hết cả vậy chứ. Chẳng lẽ cứ phải nói toạc móng heo ra là cuộc gặp mặt đầu giữa hai gia đình. May sao, ngẫm nghĩ một hồi, cô cũng có cách nói khác- Cha à, chẳng phải là Minh đã giúp Học Phủ có được thêm học trò mới sao, công lao này cha luôn nhớ, giờ nếu gặp mặt cha mẹ cậu ấy, rồi có vài lời khen ngợi, cũng coi như thể hiện được tấm lòng và khích lệ Minh.


- Được rồi!- Vi Công Tín thấy con gái đã phải biến báo đủ kiểu thế này, biết là không ăn bữa cơm này là không xong, đành chấp nhận. Con gái lớn muốn lấy chồng, cản không nổi rồi.


Thấy Thúy Liên mời trưa tới dùng cơm, hai vợ chồng Hoàng Văn Định cảm thấy cô gái này quả thực thích Minh lắm rồi, nịnh bố mẹ chồng ngay ngày gặp đầu. Văn Nguyệt Nga vốn con nhà thư hương, lại trải đời nhiều, quyết định nâng giá giùm cô gái này, nên không bảo rằng bà cũng muốn vào bếp làm chút đồ ăn cho con trai, thực tế là vào cùng con dâu tương lai làm bếp. Trong khi đó, Hoàng Văn Định cùng hai người con tới chỗ ông thông gia tương lai để trò chuyện. Ông lôi theo hai người con là để chúng giúp ông điều hòa câu chuyện, chứ ông vốn kiến thức khá hẹp, nói khó hợp với Vi Công Tín. Mà đúng như ông tính, nói được mấy câu hỏi thăm về gia đình hai bên, gần như hết đề tài.


Đang ngắc ngứ không biết nói gì thêm, Vi Công Tín đã mở lời trước, ông ta thấy hai người này cũng là người hiểu chuyện, Minh là quân tử, sau này con ông về làm con dâu người ta, làm vợ Minh, giờ mình không nên làm khó. Vi Công Tín khen ngợi việc Minh làm trên này, từng việc từng việc một, từ xưởng rèn đồ cũ, cách làm ruộng kiểu mới,… đều là để phục vụ việc thu hút học trò người dân tộc, như thế là cách làm sáng tạo, lại không mất cái gốc căn bản của người quân tử.


Hoàng Văn Định thấy người ta đã chịu mở thiện chí, cũng nghĩ ra nên dùng thằng con này làm đề tài, vì dù sao người ta cũng là ông thông gia cơ mà. Hoàng Văn Định không tiếc lời kể lại những chuyện của Minh, từ việc học hành chăm chỉ, cuộc đối đáp trên trường huyện Sơn Hải,... Vi Công Tín nghe mấy câu chuyện này, cũng hơi hồ nghi, vì Minh tính ra hiện tại rất thực dụng, đâu có sách vở như vậy. Hoàng Văn Định liền nói chắc như đinh đóng cột, lại bắt Minh nói lại cho rõ. Bị ép, Minh cũng không thể không khoe ra mọi việc, chứng tỏ tài năng. Nói chuyện không sợ tranh luận, sợ nhất là không có gì để tranh luận, vì tranh luận thì hai bên nhất định phải tăng cường giao lưu. Có đề tài để nói, cuộc trò chuyện hóa thành sôi nổi. Thậm chí, dù cơm đã chuẩn bị xong sớm do mẹ chồng hỗ trợ, Thúy Liên phải tìm cách giả làm lâu như mọi khi để không gián đoạn cuộc trò chuyện. Cha cô quen ăn cơm trong im lặng, giờ mà ăn cơm là mất hết sự sôi nổi này.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK