C 29: Giao thủ
Thủy chiến Bạch Đằng thắng là nhớ ba yếu tố, thứ nhất là một thứ vũ khí bí mật, đóng được cọc nhọn ở sông mà địch không hay biết, thứ hai là thời cơ, trước tiên là khéo dụ địch hăng hái đuổi theo vào bẫy khi nước lên và đánh bật được giặc khi nước đang rút, nên cọc nhọn lộ ra, nhưng cái thứ ba là quan trọng nhất, thực lực. Nếu thủy quân của Tiền Ngô Vương không thể đánh cho thuyền Nam Hán lui, thì bãi cọc có nhô lên cũng thế, quân Nam Hán đại phá được quân Tĩnh Hải quân, cứ thế đi thẳng vào nội địa.
Ở đây, họ có vũ khí bí mật, đó là hỏa khí và máy bắn đá. Hai thứ này quân Thượng chưa từng đối mặt, họ cũng giấu kí chúng khỏi mọi sự chú ý, để dành tới lúc chiến đấu. Thế nhưng, thời cơ và thực lực là hai thứ họ chưa có. Địch đông gấp đôi họ, và có thể tăng lên nữa nếu trưng thêm binh từ các làng bản, với đạo quân một vạn người mới lên, chúng có thể uy hiếp toàn bộ Nam Bàn phải nộp tráng đinh, lúc ấy một đạo quân lớn hơn nữa là chắc chắn. Còn về thời cơ, thì dụ địch tới khi nào mới có thể phản công cũng là một việc. Nếu cứ bị ép mãi, tinh thần của dân vùng đất họ mới chiếm sẽ lung lay, thậm chí vì lấy công chuộc tội sẽ trở giáo đánh bên họ, càng thêm tệ, nhưng nếu đánh ra quá sớm, cũng chỉ dọa lui đối phương, hiệu quả không cao.
- Ngoài ra cũng phải làm sao để đối phương đi vào mà không nghi ngờ. Chúng nó tới từ Chiêm Thành, đánh với bên ta và Đại Hoa nhiều, cũng cáo lắm.- Đan Quốc Hùng nói thêm.
- Vậy thì ta có thể làm tê liệt sự chú ý của địch. Như hồi đánh bọn phỉ, ngày nào cũng đánh theo kiểu quy ước sẵn, tới lúc phá trại giặc là một đòn bất ngờ.- Lý Tuấn nhớ lại.
- Thế thì có thể tương kế tựu kế giặc. Chúng đánh vào đất của ta, ta ra chiến đấu, rồi dần dần rút đi. Như thế quân ta trong mắt dân Nam Bàn đã hàng là thua trận không thua người!- Triều Trường Khanh đề xuất.
- Tiến thêm một bước đi!- Kiệt lên tiếng- Sao không nhân lúc chiến đấu này mà luyện quân luôn. Quân Thượng mới hàng, có học mà chưa hành, ta nhân lúc này rèn quân một phen.
- Đúng!- Đan Quốc Hùng tiếp lời liền- Chưa kể, để chúng đánh với đám Dơ Chăm Duân, sau này hai bên nợ máu, chúng cũng không dám nghĩ việc phản phục vô thường.
Mỗi người lại góp thêm một ý, kể cả Dương Quốc Lộ cũng góp một ý kiến hay ho, chính là việc tung tin thất thiệt về việc sẽ có viện binh từ miền xuôi lên đây. Họ không cần tung hô quá mức, có thể nói riêng với những tay trưởng làng trưởng bản, bề ngoài tỏ ra làm thế để trấn trụ chúng, thực tế, là dụ địch. Quân địch biết bên họ có viện binh, tất nhiên sẽ phải tốc chiến tốc quyết, tránh cho phải đối mặt thêm viện quân.
Cái ý này thì còn nhiều sơ hở, chả hạn như việc địch biết rõ Tây Bình, Nam Bình giờ cũng lo lắng việc bị quân Thượng dưới Bắc Bình đánh tới, khó cử viện binh lên, hoặc là chúng có thể thay vì quyết chiến, lại gia cố hệ thống phòng ngự.
- Lợi thế chiếm hai phần ba rồi, nên thử.- Minh thì lại cho rằng nên thử. Nếu thực thi theo kế của Dương Quốc Lộ, sẽ có 3 khả năng, đầu tiên là đối phương cường công, thứ hai đối phương nghĩ rằng họ đang tung tin đồn để dọa mình, thực lực yếu thì liền lơ là hơn và cuối cùng mới là gia cố hệ thống phòng ngự. Hai trong ba khả năng là có lời, vậy sao không chọn.
Dương Quốc Lộ thấy bản thân được Minh ủng hộ, liền tự đắc vuốt râu. Có Minh ủng hộ thì coi như mọi thứ xong xuôi. Mấy hôm sau, Đan Quốc Hùng, Vi Công Tín chủ trì một bữa tiệc nhỏ, mời các trường làng đang thần phục bọn họ tới để nói chuyện. Rất nhiều trưởng làng tới mà lo lắng, sợ họ giữ làm con tin để ép bên mình phải theo tới cùng, nhưng hoàn toàn không, đó quả thực chỉ là một bữa tiệc. Vi Công Tín cùng những học trò người Thượng ở Học Phủ gặp gỡ các trưởng làng, thảo luận về những vấn đề tương lai như mậu dịch hay công nghiệp, nông nghiệp. Họ mời ba người Bùi Khả Ái, Mã Văn Phong và Chử Bành tới luôn.
- Giới thiệu với các vị, đây là cô Bùi Khả Ái, ông Mã Văn Phong, cậu Chử Bành, họ đều đến từ những thương hội lớn, chắc các vị không biết, họ đã quyên góp lên cho chúng tôi 200 vạn cân lương thảo- tương đương 100 tấn lương thực thời này, gồm gạo, muối, cá, thịt.- Vi Công Tín tuyên bố
- Oa!
Đám đông đồng loạt rên thành tiếng, số lượng này nếu chia ra cũng có lẽ chỉ giúp được họ vài tháng, nhưng gộp chung lại, cũng là con số quá đáng nể. Vi Công Tín tiếp tục giải thích việc quy hoạch kinh doanh sắp tới, đảm bảo rằng nếu bọn họ ngoan ngoãn hợp tác, sẽ có cơ hội ấm no hạnh phúc. Những cách trao đổi hàng hóa giữa hai bên, tất nhiên là cò kè mặc cả một phen, để thấy rằng đây là làm ăn thật sự.
Bên thương nhân nói chuyện, ngỏ ý muốn người Thượng tập trung việc khai thác gỗ. Nông nghiệp thì tốn thời gian, trong khi khai thác gỗ có thể ăn ngay. Kiệt có chế tạo được máy xẻ gỗ sức nước, trên đây có nhiều thác ghềnh, quá hợp để làm việc này. Gỗ bán xuống miền xuôi có thể làm thuyền, đóng đồ, làm tượng,... nhất là đóng thuyền.
Trong khi tất cả còn đang ồn ào nói chuyện làm ăn, thì một vài người đánh liều mà hỏi rằng hiện tại có cả vạn quân Chiêm đang tụ tập, họ lo sợ rằng không biết có nguy hiểm không nếu lúc này lại tấp nập chuẩn bị việc làm ăn.
- Mọi người cứ yên tâm, binh đến tướng chặn, nước đến đắp đất. Tại sao cứ lo chuyện không đâu, trong khi cái việc thiết thân ở đây lại không lo nhỉ?- Vi Công Tín bày trò nói vui- Đánh nhau thì chúng tôi phải lo, chứ mấy vị lo cái gì?
- Ông Vi Công Tín chưa biết rồi, bọn họ đang bắt, đánh phá các làng có liên hệ với miền xuôi đó. Nếu như họ tấn công vào đây, chỉ sợ...
- Các người thật sự nghĩ Nam Bàn đấu lại Nam Giao sao?- Đan Quốc Hùng liền đập bàn, cao giọng, nhiều người cười gượng gạo.
Vi Công Tín liền nói át đi, dùng lời lẽ một phen để xoa dịu. Đan Quốc Hùng sau đó dường như không nhịn nổi, liền thốt lên việc họ chuẩn bị xin quân tăng viện, đánh cho người Thượng phản loạn và quân Chiêm tan tác... lời lẽ hơi có xúc phạm người Thượng, Vi Công Tín phải sai người lôi đi. Nhưng không khí bữa tiệc dần thành gượng gạo, cuối cùng thì tan tiệc sớm.
Một vài trưởng làng cảm thấy ghét cái thái độ của Đan Quốc Hùng, rồi cũng muốn hai cửa cùng đặt, đem những gì xảy ra trong bữa tiệc tiết lộ cho liên quân Chiêm -Thượng. Nghe tin đối phương dọa nạt việc gọi quân tiếp viện, vài người cảm thấy lo lắng nhưng viên tướng người Chiêm là Mala Shila liền trấn an họ. Thứ nhất, đất Bắc Bình bị đánh phá, Tây Bình, An Lạc đều không thể không phòng bị nghiêm ngặt, Nam Bàn thành hậu bị, như thế lấy đâu ra quân nữa. Thứ hai, nếu thực sự có quân đội lên để đánh bại họ, thì phải giấu kín như bưng, nói lộ ra thế này, chắc chắn là dọa dẫm.
- Các người không thấy rằng chúng mở tiệc rồi nói hớ ra như thế, thực chất thì bữa tiệc là để che mắt, chúng muốn công bố tin tức có viện quân mà thôi.- Mala Shila nói chắc như đinh đóng cột, nhiều người ngẫm một hồi, cũng phải gật gù là phải.
- Vậy tướng quân, theo ngài ta nên làm gì?
- Rất đơn giản, đánh cho chúng một trận, xem lời nói dối đó duy trì được tới bao giờ?- Mala cười gằn
Quân Chiêm mở những cuộc hành quân vào các làng đã hàng quân miền xuôi, bức hàng và trừng phạt. Nhận định là bên Minh chỉ nói vống lên cho oai, nên Mala cho quân đánh quy mô lớn, phân tán quân ra. Dù vậy, ưu thế quân lực và trang bị vẫn áp đảo những làng bản này. Có những ngôi làng nhác thấy bóng quân Chiêm- Thượng lập tức chịu nhận tội ngay, đều luôn miệng kêu bị ép, xin tha,... hứa đóng góp quân lương và nhân lực.
Dễ dàng thu hồi một lúc mười mấy ngôi làng, Mala cho người rêu rao, thách thức quân của Minh phản công, lại công bố mục tiêu sẽ đánh tiếp theo. Hắn lệnh cho quân mình phải đề phòng việc đối thủ thực sự đánh lại vài đòn để gỡ gạc danh dự, lại cắt đặt một toán du binh sẵn sàng để có thể tới trợ trận nếu quân của Minh tới chiến đấu. Khi đó, quân tại chỗ quấn lấy địch, quân tiếp viện bọc sau, đánh kẹp đối phương vào giữa.
Mala từng nghe chuyện đám Minh tung ra để chiêu hàng các làng bản: viên tỳ tướng tên Hoàng Anh Kiệt dẫn quân đi, bị quân Thượng phục kích, lại có thể kiên cường bám trụ đợi viện binh, diệt gọn toán lính lớn, từ đó chấn nhiếp người Thượng vùng này. Nay Mala tương kế tựu kế, cho chúng nó tức chết. Các chốt mai phục đã sẵn sàng, chỉ đợi địch tới. Đúng theo ý của Mala, ở một vài ngôi làng mà hắn chuẩn bị tấn công tiếp theo, có bóng dáng quân miền xuôi. Mala lệnh tấn công một ngôi làng, và quân miền xuôi phản công liền. Dẫn dầu toán binh sĩ lần này là P'Lư.
Cậu ta hiện tại được bổ nhiệm cầm toán quân mới lập hơn 300 người. Theo sách lược được giao, P'Lư chỉ huy quân của mình tiến lên đánh giáp lá cà với địch. Thấy đối phương có ý quấn lấy mình, P'Lư dứt khoát ra lệnh lui ngay. Không phải tháo lui, mà đi vào trong làng mà địch đang đánh phá.
Toán quân của Liên quân Chiêm- Thượng làm sao mà nghĩ được kẻ địch lại làm thế, không kịp tổ chức canh gác gì, tạo công sự để chặn quân miền xuôi lui vào. Trong sự ngỡ ngàng của người Thượng, những ngươi lính bắt đầu xây dựng công sự tại ngôi làng nọ.
Đội du binh mà Mala chuẩn bị tới, cũng là lúc công sự đã sẵn sàng. Quân Chiêm- Thượng cũng thử tấn công, nhưng do có công sự, cộng thêm bên trong có ý tử thủ, nên bên tấn công không thành, mà cũng chịu thương vong không nhỏ. Cường công không được, họ chuyển sang bao vây. Xem xem đối phương dám trụ lại đây không.