Chương 93: Hưng khởi công nghiệp
- Thêm một cốc nước chanh đường đi!- Một người hét to.
- Một cốc hả? Có ngay đây!
Tiếng hét to của một người nông dân đang canh tác ở trên những mảnh ruộng phía sau làng Hồng Bàng làm dân Đá Vách giật mình. Khác biệt ngôn ngữ làm họ không hiểu gì cả, chỉ sợ có kẻ tới phạt như hồi ở tù. Nhưng K’Lừng đã tới trấn an, và đồng thời cũng gọi một cốc nước chanh đường cho mỗi người. Hôm nay là ngày đầu tiên nhận lương của K’Lừng, nên cậu ta vui vẻ đãi mấy người kia, chứ trước làm gì có tiền mà đãi. Uống cốc nước chanh, tất cả những người Đá Vách đều không nhịn được mà kêu lên sung sướng. Từ trước tới nay, họ đâu có được ăn uống thứ gì như thế này.
- Đây là thứ gì vậy anh K’Lừng?
- Nó là nước chanh đường. Là thứ nước uống giải khát ngon lành mà dân ở đây dùng khi tạm giải lao đó.
- Sao mà dân ở đây ăn ngon thế nhỉ?
- Vì họ giỏi, biết làm việc, kiếm được tiền nên được ăn đồ ngon.
- K’Lừng, mày đừng hòng mua chuộc bọn tao với thứ này, bọn tao có thể làm ở đây, chứ nhất định không kéo dân làng theo đâu.
- Ông chú N’Chưn, ông chú cổ hủ quá đấy, ở đây ăn ngon uống ngon, có quần áo mặc, trẻ con người già đều sống tốt, sao chú cứ chống đối mãi thế.
- Ngày xưa dân ta bị bọn nó lừa, ban đầu cũng đối tốt, về sau thì sao hả?
- Ông chú nói rất đúng!- Những người khác ồ ạt ủng hộ. K’Lừng thấy vậy không nói nữa. Cái nhau với đám đông bảo thủ này là ngu xuẩn, đối tượng của cậu ta chỉ có một thôi- Xủ Lu.
Hiện tại, làng Hồng Bàng đang ngày càng đẩy nhanh việc công nghiệp hóa, việc nhiều mà nhân lực có trình độ có hạn. Vì thế, sắp tới sẽ rất thiếu nhân lực. Để từng bước làm hòa hoãn vấn đề này, một mặt họ đang tìm thêm người làm thuê từ trên huyện thị- cách này dễ có gián điệp thương mại, gián điệp công nghiệp. Mặt khác, là luân chuyển các vị trí trong thôn, ví dụ như những người làm nông nghiệp ra làm công nghiệp. Nhưng vậy thì sẽ có khủng hoảng lương thực. Để tránh điều này, họ cần một lực lượng lao động nông nghiệp mới, và dân Đá Vách là một mục tiêu đang được nhắm tới.
K’Lừng cũng biết chuyện này, và được phép nói thẳng vấn đề này ra cho đám người này nghe, nhưng họ từ chối hiểu, họ vẫn còn bị ám ảnh với vụ tàn sát dân họ 20 năm trước của Bùi Đắc. Chỉ riêng Xủ Lu, sinh sau đẻ muộn là đỡ hơn. Lúc này, Xủ Lu vẫn đang uống nốt cốc chanh đường, và liếm mép cảm nhận vị ngọt của đường.
Đường, thời kỳ này là một thứ cực kỳ khó làm, do công nghệ không được chia sẻ. Làng hồng Bàng cũng mất một thời gian mới làm chủ được công nghệ này, rồi cải tiến nó. Và cũng đi đôi với sự tiến bộ của nhiều người trong làng.
Khởi sự ban đầu là ở Kiệt khi cậu ta thèm uống nước chanh đường, cậu biết sơ sơ về nó, có một ruộng mía lớn được trồng và quỹ thời gian tiền bạc dư dả để làm. Và cậu ta làm được, chủ yếu là mật mía. Quy trình thì đơn giản, chặt cây mía, ép lấy nước rồi nấu luôn để đảm bảo chất lượng đường. Bã mía ép xong để đó, làm phân ủ hoặc chất đốt cho về sau. Nước mía nấu cần phải lọc một chút, bỏ cặn từ bã mía sót. Khi nấu, đầu tiên cứ nấu sôi bình thường, rồi hạ lửa và khuấy đều nhiều giờ. Cái này trước dùng tay, về sau chuyển sang dùng máy khuấy chạy sức nước, khuấy đủ 6 giờ là đẹp. Sau đó tắt bếp và đợi mật mía chuyển màu. Có thể đun lại 2- 3 lần cho mật đặc và đậm. Và lúc này chỉ được mật mía, không có đường. Muốn có đường thì phải cho vôi vào lúc đun. Đây là một bí mật mà gần như Kiệt không phát hiện ra, vì cậu đâu chuyên tâm làm mía đường đâu.
Việc phát hiện ra vụ này, chính là do Nguyễn Quảng. Ban đầu khi đun đường mía, chỉ được mật mía không thôi. Và thế là ai cũng thấy thất vọng. Mật mía ai cũng có, đường thì không ai chế được. Không may lúc đó Kiệt cũng đang bận bịu, nên không thể toàn tâm vụ này, nên mọi người hơi thoái ý. Nguyễn Quảng là người duy nhất còn kiên trì và tới tìm Kiệt để hỏi ý kiến. Kiệt chỉ nói cậu ta không chắc, nhưng hãy thử cho thêm vài loại nguyên liệu gì đó xem. Đường mía làm từ xa xưa, chắc chắn phải có thứ hóa chất dễ kiếm chứ. Và Quảng đã thử nhiều thứ, và tìm ra cái cần phải có: vôi. Chỉ khi cho vôi vào, thì đường mới kết tinh.
- Cậu rất kiên trì đó Quảng.
- Tôi không muốn tụt lại!- Quảng thẳng thắn.- Và tôi nhìn thấy cậu, thời mới lập làng, ông cố cậu và ông cố tôi là chiến hữu, hai nhà về sau suy sụp, nhà cậu suy chậm hơn. Nhưng từ khi có cậu, nhà họ Hoàng vươn lên mạnh mẽ. Cậu là tấm gương của tôi, và nhiều đứa khác nữa.
- Vậy thì Quảng, cậu muốn làm gì đây.
- Cậu có thể cho tớ một nhiệm vụ, như Nhung, như Linh, tớ muốn thành công.
- Thành công có rất nhiều nghĩa, và nhiệm vụ cũng có rất nhiều. Nhưng hiện này, có một nhiệm vụ tôi thấy khá thích hợp đó.
- Vâng?
- Công nghiệp thực phẩm. Thứ sản phẩm nông nghiệp ta làm chủ hầu hết là bán dạng thô, sơ chế, ta phải tìm cách tinh chế nó: như biến mía thành đường. Cậu có dám nhận nhiệm vụ này không.
- Được!
- Tập hợp một đội ngũ mà cậu cho rằng cần thiết, và làm ra những sản phẩm tốt. Tôi sẽ cấp cho cậu một số tiền. Ngoài ra, làng sẽ trích 5% tổng lợi nhuận từ bán đường để trả cho cậu.
- Cảm ơn cậu, Kiệt!- Quảng cúi gập người, nhưng Kiệt lôi cậu dậy.
- Tôi không ban nó, cậu dành được, chỉ sự nỗ lực không ngừng mới đem tới thành quả, cố lên.
- Được!
- Nhân tiện, để tránh đường vòng, tôi có vài thứ cần cậu nghiên cứu trước: miến dong riềng, đậu phộng da cá cốt dừa, mì ăn liền,...- Kiệt liệt kê ra vài món mà cậu nhớ và có thể làm được với công nghệ hiện tại, chỉ thiếu người dám làm và có kỹ thuật thôi.
Được lệnh Kiệt viết tay, Quảng tập hợp một đội ngũ tiến hành nghiên cứu gấp theo những gì cậu nói, đội ngũ này gồm có Quảng, Đào Văn Bắc, Vũ Văn Đặng, La Bảo- nhóm bạn ngày trước của Kiệt. Chúng nó hiện tại đứa nào cũng rảnh với cả khát khao sự nghiệp, nên họp lại rất nhanh.
- Điên thật đấy, không ngờ mày lại là thằng đầu tiên thăng tiến trong số chúng ta!- Bắc suýt xoa, ngày trước trong nhóm nó là thằng luôn được xếp thứ hai, sau Kiệt, vì sự sôi nổi, thường là đứa hưởng ứng Kiệt đầu tiên.
- Không, tao vẫn xếp sau cái Linh!- Quảng thản nhiên nói, Linh đang là quản lý khu vực đồn điền của làng, chức vụ này tuy do bố cô ta cho, nhưng quả thực Linh làm không tồi. Con ông cháu cha chỉ đáng bị phê bình khi họ làm không tốt mà vẫn được giữ vị trí đó, chứ nếu họ làm tốt thì còn gì bằng: có kinh nghiệm cha ông truyền lại, có quan hệ, có tài, vậy thì tốt càng thêm tốt.
- Chúng ta đi sau một bước, giờ phải mau chóng bứt phá.
- Mày không rủ được thằng Tâm tham gia hả, bố nó hiện đang có một xưởng mộc lớn thế, có sự chi viện ấy cũng đỡ.
- Thằng Tâm hiện đang bận làm chân điếu đóm cho Kiệt. Cái gì mà thư ký, nói chung nó không tham dự vụ này. Nhưng Đặng, bố mày là thợ rèn tốt nhất làng ta, hiện là lúc mày trổ tài đó, kéo thêm người từ chỗ bố mày tới giúp. Còn xưởng mộc, tao có tờ chỉ lệnh này mà.
- Được thôi!
- Thế còn thằng Khang, nó đi biển hoài thế.
- Anh ấy bảo đường biển là đường giao thông giữa làng ta với nơi khác, anh đi theo người ta học trước, sau này nhất định có đất dụng võ.- La Bảo phân trần.
- Hừ, nhóm mình thật sự ít người quá.
- Thôi đi Bắc, đừng nói lời thối chí. Hoàng Anh Kiệt có thể dùng sức mình nó mà vực cho làng Hồng Bàng trỗi dậy, giờ mình có bao nhiêu thằng, tiền tao cũng sắp rủng rỉnh mà không làm được gì thì mới tệ.
- Nhưng mà công nhận vụ mía đường mày làm tốt, được Kiệt nó chỉ điểm cho có thế mà tìm ra được.
- Không tán phét nữa, bọn mình cần bắt tay ngay vào việc. Bắt tay vào chuyện công việc đi.
Cả đám bắt tay vào việc. Dựa theo những gì Kiệt giới thiệu và đề nghị làm trước, bọn nó thấy mì ăn liền là dễ làm nhất. Vì bọn nó từng đi ăn mì, biết mì là gì, chứ còn miến với đậu phộng cốt dừa thì xem Kiệt mô tả qua chứ chưa ăn thì biết làm sao được.
- Mì ăn liền, theo mô ta là mì, chiên dầu hoặc hấp chín, làm khô rồi bỏ vào túi, mì đã chín, có thể ăn ngay khi khô hoặc bỏ vào nước để mềm ra.- La Bảo đọc lại một lần nữa
- Vậy sẽ có 3 việc chính, đúng không?- Bắc bẻ ngón tay- Làm mì, chiên hoặc hấp, và hong khô mì.
- Vớ vẩn, phải là làm ra sản phẩm và làm ra máy để làm sản phẩm. Người làm mì thì dễ thôi, nhưng máy làm mới khó thực sự. Nếu để người làm, thì cần bọn mình làm gì chứ.
- Vậy thì làm sao bây giờ.
- Mày đi tìm một người làm mì, mình phải làm thử bằng tay đã. Nếu tính chuẩn các số liệu, thì về sau ta mới có cơ sở để làm bằng máy chứ, đúng không?
- Đúng ha.
Vậy là bọn nó đi mời ông đầu bếp về để ổng làm mì cho bọn nó xem, rồi chiên- hấp mì, hong khô nó. Sau đó ăn thử. Bọn nó vừa làm vừa ghi số liệu, xem chiên bao lâu thì ăn tốt, hấp bao nhiêu thì không quá nhão, hong khô bằng cách nào… Cuối cùng, khi đã có số liệu đầy đủ, việc chế máy mới bắt đầu.
Công tác đầu tiên là trộn bột, cái này làm một cái mày có tay quay tự động nhờ sức nước, cho bột, muối vào theo đúng khối lượng tính toán, rồi để máy trộn đều. Máy trộn xong thì sẽ ra cục bột lớn. Lúc này, dựa vào ý tưởng của máy làm dây thừng, bọn nó chế cái máy ép bột thành những tấm phẳng, sau đó cắt thành sợi nhỏ. Ban đầu, sợi mì quá thô, ăn không ngon, chúng cứ giảm dần, ép sợi mì sao cho vừa đủ nhỏ, nhưng cũng phải đủ bền, không nát giữa chừng. Sau đó, đem mì ra chiên hoặc hấp, cho vào lò sấy khô lên. Mì ăn liền đầu tiên ở thế giới này ra đời như vậy đó.
Khi biết tin rằng đám bạn của mình lại tiếp tục cho ra lò một loại sản phẩm mới, mà chỉ dựa vào ý tưởng của mình, không cần thêm nhiều chỉ dẫn, Kiệt thực sự vui mừng. Làng Hồng Bàng đang dần thoát ly khỏi việc cần cậu chỉ dẫn để tự làm nhiều thứ, cứ dần dần vậy là đủ rồi.
Cùng lúc đó, K’Lừng thông tin cho Kiệt biết, Xủ Lu đã quy thuận. Cậu ta muốn giúp dân mình bằng cách hợp tác. Kiệt hôm đó đã dành một buổi tiếp xúc với Xủ Lu, thành thật mọi chuyện để khiến cậu ta có thể an tâm làm việc. Đồng thời, sẵn tiện có mì ăn liền vừa ra lò, Kiệt cho cậu ta một mớ, để cậu ta mang lên trên vùng Đá Vách làm quà.