“Nếu các vị còn đang suy nghĩ thì không phiền để tôi thể hiện chút tài mọn”.
Lúc này một công tử tuấn tú đứng dậy. Hắn ta phe phẩy quạt thủy mặc, nhàn nhã dạo bước, đứng ở bục ngâm thơ.
Hắn ta vừa bước lên, một cô gái thanh tú phụ trách chép thơ cầm bút lông, chuẩn bị ghi chép câu thơ tiếp theo.
Lúc này, trong đám đông bàn tán xôn xao: “Là hắn”.
“Ai?”.
“Người này là tài tử nổi danh nhất Giang Nam, Đào Văn Liễu!”.
“Hóa ra là hắn!”.
Bọn họ kinh ngạc không thôi, tài thơ phú của Đào Văn Liễu nổi danh khắp Đại Ngụy.
Hắn ta xuất thân thư hương môn đệ, trong nhà nhiều đời đều là người đọc sách. Giang Nam lại là thánh địa văn hóa, Đào Văn Liễu được hun đúc từ nhỏ, tài hoa xuất chúng, hơn xa những người cùng trang lứa.
Đào Văn Liễu rất xứng danh tài tử trẻ tuổi nổi tiếng nhất Giang Nam.
Nhìn phản ứng của các cô gái ở đây là biết độ nổi tiếng của hắn ta. Thiếu nữ vốn đang e dè ai nấy nhìn chằm chằm hắn ta, đôi mắt long lanh.
Đào Văn Liễu chắp tay sau lưng, hơi ngước đầu lên nhìn bầu trời, bày ra động tác phải có khi ngâm thơ của cổ nhân, cứ như không đứng như vậy thì không ngâm ra được. Hắn ta nhướng mày, cất tiếng.
“Ngôn chí thi – Dương Kế Thịnh
Độc luật khán thư thập tứ niên,
Ô sa đầu thượng hữu thanh thiên.
Nam nhi dục họa Lăng Yên Các,
Đệ nhất công danh bất ái tiền.”
*Mũ ô sa: mũ cánh chuồn của quan lại thời xưa.
Lăng Yên Các: nơi vẽ chân dung các công thần ghi lại công trạng.
(Dịch nghĩa:
Vất vả đọc sách bốn mươi năm,
Đội mũ ô sa một bước lên mây.
Hi vọng được khắc họa ở Lăng Yên Các,
Công danh bậc nhất, không tham tiền. )
Bài thơ này ý nói, ý nghĩa khi “ta” đọc sách là để làm một thanh quan, hi vọng sau này có thể một bước lên mây, thực hiện hoài bão, “ta” chỉ yêu công danh, không yêu tiền tài.
Tiêu Lâm lắc đầu, quả nhiên khoác lác từ xưa đã có.
Bài thơ kết thúc, hiện trường im ắng, vô số tài tử để lộ vẻ mặt khâm phục, người lúc nãy còn nghi ngờ Đào Văn Liễu đều gật gù tán thưởng chí hướng của hắn ta.
Ngay cả Ngụy Thanh ở bên cạnh Tiêu Lâm cũng vì dòng nước trong này mà vỗ tay khen hay.
Hắn ta vỗ tay, mọi người cũng hùa theo vỗ tay khen hay. Đặc biệt là những cô gái dễ bị lừa kia hai mắt sáng lấp lánh, nhỏ giọng bàn tán với người đi cùng mình, hai má đỏ lên.
“Không tệ, vừa có tài hoa vừa có chí hướng cao xa!”, Ngụy Thanh liên tục gật gù, từ lâu đã nghe nói Đào Văn Liễu có khí chất, hôm nay gặp được quả nhiên là vậy.
Hắn ta thấy Tiêu Lâm không biểu hiện gì, nghi hoặc hỏi: “Tiêu Lâm huynh cảm thấy thế nào? Cũng được chứ?”.
“Bình thường, cũng chỉ đến thế”.
Tiêu Lâm buồn cười, thế mà là chí hướng cao xa?
Không phải hắn xem thường thơ của Đào Văn Liễu. Hoa Hạ cổ đại nhiều người đọc sách viết ra những câu thơ khiến người khác sôi sục nhiệt huyết. Những câu thơ ấy giống như viên ngọc sáng trong dòng sông lịch sử, cho dù đã qua nghìn năm vẫn tỏa ra ánh sáng chói mắt, dẫn đường cho người đời sau tiến về phía trước, không ngừng tự cường.
Bài thơ này lại cực kỳ bình thường.
Ngụy Thanh ngạc nhiên, giữa hai hàng lông mày toát ra vẻ không vui.
Hắn ta cho rằng bài thơ này không tệ, Tiêu Lâm lại nói bình thường. Hắn ta biết Tiêu Lâm tuổi trẻ hiếu thắng, nhưng hắn ta không thích kẻ nói suông, thổi phồng bản thân.
Bây giờ Đào Văn Liễu đã là tài tử nổi tiếng, còn Tiêu Lâm không có danh tiếng gì. Tuy Tiêu Lâm biết nhiều hiểu rộng, nhưng so với Đào Văn Liễu vẫn còn khoảng cách rất lớn.
Nhưng Ngụy Thanh là người khôn ngoan, không biểu hiện ra mặt mà nói: “Xem ra Tiêu Lâm huynh đã có chuẩn bị, huynh không ngại thử xem, để những cô nương kia reo hò hoan hô huynh một lần”.
“Lên thì đương nhiên sẽ lên, đợi người đó lên xong rồi hãy nói”.
Người đó mà Tiêu Lâm nhắc tới là quý công tử bên cạnh Tần Phượng Uyển.
Người này trò chuyện vui vẻ với Tần Phượng Uyển, nói luyên thuyên gì đó khiến Tần Phượng Uyển ngày thường kiêu ngạo lạnh lùng che miệng cười không ngừng.
Khi quý công tử đó đi ra, Tiêu Lâm phát hiện Đào Văn Liễu vừa rồi còn tràn đầy phấn khởi bỗng biến sắc.
Người đó tiến lên, bình thản hành lễ: “Đào huynh, hân hạnh được gặp”.
“Chào Chu Hành huynh”, Đào Văn Liễu đáp lễ nhưng hơi lạnh nhạt, động tác có vẻ khinh thường.
Người khác thấy vẻ mặt Đào Văn Liễu khác thường thì cũng hơi kinh ngạc. Đào Văn Liễu luôn nho nhã lịch sự, sao nhìn thấy Chu Hành lại đổi nét mặt?
Trong đám đông, người từng nghe qua tên của Chu Hành cũng biến sắc.
Chu Hành là thiên tài nổi tiếng ở kinh thành, đệ nhất tài tử nổi tiếng ở kinh thành Đại Ngụy. Hắn ta làm thơ không nhiều bằng Đào Văn Liễu, nhưng độ lưu truyền lại không thua kém gì Đào Văn Liễu.
Chu Hành họ Chu, vừa nghe đã biết hắn ta có họ hàng với Vương phi Chu thị của Ngụy Giám Quốc.
Chu thị là thân thích của Ngụy Giám Quốc, ở triều đình phong quang vô hạn. Năm nay Chu Hành cũng tham dự thi Hương, sau này cũng sẽ vào triều đường, thế nên thân phận của Chu Hành càng quý trọng.
Chẳng trách Tần Phượng Uyển mạo hiểm việc bị người ta chỉ trích cũng ra ngoài du ngoạn với Chu Hành. Hắn ta là tài tử, lại có thân phận hiển hách, thiếu nữ vô tri thích nhất là loại hình này.