• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Mặc dù giọng văn của thằng Tú rất cợt nhả đáng ghét, nhưng xã hội bớt đi một kẻ ăn bám, thêm một người chăm chỉ cũng là chuyện đáng mừng. Em bật cười. Con Dung chả biết cái gì cũng la toáng lên:

- Ối dồi ôi! Chị Na! Chị Na chỉ mang xác đi dã ngoại thôi tụi bay ơi, hồn chị lạc trong tim anh Tú mất rồi.

Tụi lớp em như lũ kền kền khát tin, ngay lập tức chớp thời cơ lao vào xâu xé em:

- Ơ thế là chị Na đổ rồi hả?

- Chị của chúng mày chả đổ rầm rầm từ thuở tám hoánh nào rồi ý chứ! Tao vừa liếc thấy anh chị chíu chíu nhắn tin cho nhau, bàn về tương lai của tiểu Tú Tú và tiểu Na Na hẳn hoi!

- Ối dồi ôi! Ối dồi ôi! Anh chị cứ đánh nhanh thắng nhanh thế này thì tụi em theo sao nổi?

- Chị Na ơi! Em hỏi khí không phải chứ đi ăn cưới có trả góp phong bì được không nhể? Em vừa mua sách xong, dạo này nó cứ bị nghèo á!

- Ôi dào! Chị Na đây lấy thiếu gia, chị thèm vào cái phong bì trả góp của mày. Quan trọng là cái tình người chứ, chị nhờ? Tiền nong nó cũng chỉ là con số thôi à! Ở đây em còn ba nghìn nè chị Na, hai nghìn chị cầm mua giúp em cái phong bì "sang choảnh", em mừng chị trước một nghìn coi như lấy lộc nha!

- Ủa? Mày mừng chị Na một nghìn rồi mấy bữa nữa mày vẫn vác mặt tới đám cưới của chị ăn cỗ được hả?

- Được. Nhà nó bán kem chống nhục mà. Chị Na cho nó tới chụp bô ảnh sống ảo chị ạ, xong cho nó hít khí trời, xỉa cái răng rồi đi về thôi.

- Mày buồn cười! Tăm nhà đại gia có khi cũng phải năm nghìn một chiếc, mày tính như vậy làm chị Na của tao lỗ bốn nghìn rồi, cẩn thận chị cào mặt mày ra.

- Ấy chít! Sơ suất! Sơ suất quá! Thôi, có khi chị Na giao cái đám cưới cho lớp mình đi, để bọn em viết kịch bản ngôn tình truyền thông cho chị. Bọn em đảm bảo rải bài khắp cõi mạng. Sau đám cưới mà còn đứa nào không biết cái bản mặt của chị Na đây thì bọn em xin làm cún luôn. Có tên tuổi rồi nhận quảng cáo cũng dễ chị ạ, tiền đó coi như bù lỗ cho phần cỗ cưới của bọn em.

Một cái mồm của em không cãi được mười chín cái mồm đang bắn liên thanh kia. Em càng cố giải thích giữa em và thằng Tú không có gì thì chúng càng bảo em có tật giật mình. Em bất đắc dĩ phải năn nỉ thầy Tâm:

- Thầy! Thầy bảo các bạn đừng trêu em nữa đi thầy!

Thầy từ tốn trả lời:

- Tụi em là sinh viên rồi, vạn sự tuỳ tâm. Việc ai đó đặt tên cho con hay việc mọi người vui vẻ chúc mừng, tôi đều không thể can thiệp.

Em giận thầy Tâm luôn, thầy thấy em đứng đầu ngọn sóng mà không che chở cho em miếng nào, lại còn ra vẻ thờ ơ để tụi lớp em càng quậy tợn. Lên đến Ba Vì, chúng vẫn không tha cho em, cứ kêu sắp lấy chồng giàu rồi còn thi chạy làm gì mới tức chứ. Đã là sinh viên của hệ Tài Năng thì ai chả trông chờ vào cuộc thi này. Tụi em sẽ chạy một vòng quanh rừng rồi quay về điểm xuất phát. Giải Nhất được thưởng mười triệu ạ, nghe đã thấy thòm thèm. Ngặt nỗi, chỉ tính riêng trong lớp, em đã không có cửa so với con Đậu rồi, đòi xếp thứ nhất trên tổng số một trăm sinh viên của hệ Tài Năng thì em lại ối dồi ôi quá! Em chỉ đặt mục tiêu vào top mười để được điểm A môn thể dục thôi ạ.

Thế nào mà số em nhọ, chắc đêm qua em ngủ muộn nên người nhọc. Thầy Huy vừa hô xuất phát em đã thấy chóng mặt, em chạy vào nhà vệ sinh nôn khan liên tục. Em phải nghỉ gần nửa tiếng mới đỡ. Chúng nó chắc chắn đã chạy đến một nơi xa tít mù tắp nào đó rồi, em có thi cũng chỉ xếp bét thôi. Em ấm ức khóc lóc tức tưởi. Thầy Tâm đưa cho em chai nước đã mở nắp sẵn. Em nhấp một ngụm rồi mếu máo nói:

- Em thua rồi thầy ơi!

Thầy bình thản hỏi:

- Em thua ai?

- Em thua tất cả các bạn.

- Thì có sao đâu?

- Thua mà cũng không sao ạ? Thầy không sợ thua à?

- Không. Tôi không sợ thua người khác.

Thầy đáp. Em tò mò hỏi:

- Thầy... chỉ sợ thua chính bản thân mình thôi sao?

Thầy gật đầu. Như được tiếp thêm sức mạnh, em quả quyết bảo:

- Em vẫn chưa hề thi đấu với chính bản thân mình. Em vẫn chưa thua.

- Đúng vậy. Em chỉ cần hoàn thành tốt đoạn đường của mình. Đừng áp lực bởi thành tích của người khác.

- Em hiểu rồi ạ. Em chạy đây thầy. Em chắc chắn sẽ vượt qua thành tích của chính mình trong năm ngoái.

- Cố lên!

Chỉ một lời động viên của thầy thôi mà có thể khơi dậy ý chí chiến đấu quật cường của em. Em chạy hết tốc lực. Lần đầu tiên, em chạy mà không quan tâm tới thứ hạng, không phải nhìn trước ngó sau xem bạn bè của mình đang ở đâu rồi. Nhờ vậy, em có thể thưởng thức vẻ đẹp của núi rừng. Em đã trải qua những giây phút thật tuyệt, tâm hồn em như được thanh lọc bởi sắc xanh của đất trời. Cùng một quãng đường nhưng em đã chạy nhanh hơn năm ngoái mười phút. Khi em về tới nơi thì dưới đất đã phủ toàn vụn pháo giấy, chắc ban tổ chức đã trao giải xong rồi. Bọn bạn em chắc cũng tới khu cắm trại chuẩn bị bữa trưa rồi. Chả có đứa nào đợi em cả, nhưng em không tủi thân, vì em trông thấy thầy Tâm vẫn đang đứng dưới gốc cây sồi. Em vui vẻ chạy đến bên thầy.

- Thầy! Thầy có tâm sự à?

Thầy lắc đầu. Em tò mò thắc mắc:

- Vậy tại sao thầy đứng đây một mình?

- Tôi muốn cổ vũ em.

Khoé mắt em rưng rưng. Thầy đưa cho em một bông hoa đào gấp từ giấy Origami siêu đẹp rồi quay người đi trước. Trên cánh hoa có dòng chữ:

"Giải thưởng dành cho sự nỗ lực."

Sống mũi em cay xè. Cuộc đời em từ khi bị ba mẹ bỏ rơi tới giờ, chưa có giây phút nào dám ngừng nỗ lực, nhưng suốt ngần ấy năm trôi qua, cũng chưa từng có ai trao cho em giải thưởng nỗ lực. Giả bộ như mình đang ở sân khấu lớn, em gào toáng lên:

- Kính thưa Tiến sĩ Hoàng Bách Tâm, trưởng Ban giám khảo cuộc thi "Ai là người nỗ lực nhất?", kính thưa các vị khách quý trong tà váy trắng mộng mơ đang bay lượn ở đâu đây mà em không nhìn thấy, em rất lấy làm vinh dự khi nhận được giải thưởng đầy cao quý này. Đầu tiên, em xin cảm ơn bà ngoại vì đã cho em một mái nhà. Tiếp theo, em xin cảm ơn thầy Tâm vì đã luôn ở phía sau khích lệ em. Cuối cùng, em xin cảm ơn chính bản thân mình vì đã không bỏ cuộc. Vâng, nhà em quả thực ở sâu trong núi. Em nói năng chưa được khôn khéo, ứng xử đôi lúc còn ngây ngô. Em ôm trong mình hàng vạn khuyết điểm, nhưng em chưa từng nhụt chí, bởi vì em biết có một người vô cùng tài giỏi vẫn luôn tin tưởng vào em. Sau này, em có thể không phải là sinh viên đầu tiên đem lại vẻ vang cho trường Đại học Tâm An, nhưng em nhất định sẽ không để các thầy cô phải thất vọng về mình.

Em không nhìn thấy nét mặt của thầy Tâm, nhưng em tin rằng khoé môi thầy đang cong cong. Em khùng quá mà, chính em cũng không kìm được mà cười ngoác cả miệng. Em tung tăng chạy về khu cắm trại, bọn bạn thấy lạ liền buông lời trêu ghẹo:

- Ối dồi ôi! Có phải chị Na hiếu thắng đến mức cứ thua là khóc đấy không? Em hỏi khí không phải chứ sức mạnh siêu nhiên nào đã khiến chị dẫu về bét mà vẫn cười tươi như hoa hướng dương vậy?

- Sức mạnh của tình yêu chứ còn sức mạnh gì nữa? Tao đã bảo rồi, chị giờ sắp làm dâu nhà đại gia, chị thèm gì mấy cái giải chạy cỏn con?

- Công nhận. Chị vợt được anh Tú coi như trúng giải độc đắc rồi còn gì nữa?

Đùa chứ, đã không biết gì còn to còi, rõ ghét. Em ứ thèm tranh luận với tụi nó. Em thái cà tím thành lát mỏng, phết sốt hành, cuộc tròn lại rồi xiên vào que, đem đi nướng. Em để ý thấy thầy Huy toàn ăn mấy xiên thịt mà sinh viên nướng cho thầy Tâm thôi. Lúc em đặt chiếc đĩa có năm xiên cà tím nướng lên mâm của giảng viên, thầy Huy cũng theo thói quen định ăn chực, nhưng thầy Tâm lẳng lặng kéo chiếc đĩa về phía mình. Thầy Huy biết ý, thôi không chõ chẹ nữa. Thầy Tâm bình thản ăn đồ em nướng, em vui ghê lắm, trống ngực đập rộn ràng luôn.

- Bé Na! Bọn tao dựng sân khấu đâu ra đấy rồi đó, mày lên quẩy đi! Sáng chói lên đi cho lớp mình được mát mặt.

- OK, chị Đậu!

Gì chứ mấy khoản văn nghệ, em chưa bao giờ ngán cả. Em cướp mic của con Đậu, hứng khởi nói:

- Dạ, em xin chào quý thầy cô cùng toàn thể các bạn sinh viên của hệ Tài Năng ạ. Hôm nay, nhân ngày mây trắng, nắng vàng, cỏ xanh ngút ngàn, em xin phép đóng góp vài tiết mục văn nghệ để bữa trưa của thầy cô và các bạn thêm phần ngon miệng ạ.

Em hát tổng cộng năm bài. Trước khi trình bày bài hát cuối cùng, em có lời nhắn gửi riêng:

- Riêng bài hát "Ở bên em, cổ vũ em" viết bởi Na Xinh, em xin đặc biệt gửi tặng một người đã luôn âm thầm đứng phía sau cổ vũ cho em. Nhờ vào sự khích lệ của người đó, em có thể vượt qua mọi bão giông. Nhờ vào sự dìu dắt của người đó, em trở nên tuyệt vời hơn cả cô sinh viên Niên Ý trong tưởng tượng của em nhiều năm về trước...

"Mỗi khi bước chân em chững lại,

em mỏi mệt,

em tuyệt vọng,

em muốn bỏ cuộc,

anh lại âm thầm bước đến bên em.

Không sao đâu,

không sao đâu,

sẽ không sao cả,

đó luôn là điều anh thủ thỉ với em.

Em đã khóc, em đã chơi vơi,

nhưng không sao cả,

bởi vì vẫn luôn có anh đứng phía sau em.

Bởi vì có anh cổ vũ,

em mạnh mẽ hơn cả bão giông.

Bởi vì có anh dìu dắt,

em rực rỡ hơn cả nắng mai."

Kết thúc bài hát, tất cả mọi người cùng vỗ tay nhiệt tình, tươi cười khen em là sơn ca của núi rừng. Chỉ riêng thầy Tâm không nói gì cả, sống mũi thầy hơi đỏ. Nước mắt của em vô thức trào ra. Em nghĩ thầy đủ tinh ý để biết em hát tặng thầy. Thật hạnh phúc vì trên đoạn đường đầy chông gai, em có thầy dẫn lối. Đôi lúc em tự hỏi nếu như thầy có thể đồng hành cùng em xuyên suốt những năm tháng sinh viên, liệu em có vấp ngã? Rồi em lại cảm thấy em không đủ tư cách để đặt ra câu hỏi như vậy, bởi vì em cần phải chịu trách nhiệm cho sự ngu dốt của mình, em nên dành thời gian để chăm sóc hai con thật tốt thay vì hoài niệm về một quá khứ đẹp như mơ.

Cuối tháng Sáu, em kết thúc năm hai với điểm tổng kết chỉ thua con Đậu. Em và nó vinh dự được đại diện trường Tâm An tham dự cuộc thi "The Best Content Creator". Thầy Tâm, thầy Huy, cô Huệ, cô Quỳnh cũng vào Đà Nẵng để hỗ trợ tụi em. Đó là lần đầu tiên em được đi máy bay nên em hào hứng ghê lắm. Mặc dù em chỉ được giải Nhì, so với con Đậu giành giải Nhất thì có chút thua kém, nhưng chuyến đi đó cực kỳ nhiều kỷ niệm đẹp, có thể nói là chuyến đi đáng nhớ nhất trong thời sinh viên của em. Hôm về Hà Nội, em và con Đậu mời bạn bè ra quán chè khao giải, thằng Đạt sồn sồn hỏi chuyện:

- Chúng mày nhận được email của thầy Tâm chưa?

Con Đậu thở dài đáp:

- Rồi. Tối qua, đọc email của thầy xong, tao khóc quá trời. Tự dưng thầy lại đi Mỹ làm gì không biết? Chán ghê!

Con Kẹo an ủi:

- Thầy có công việc bên đấy mà, mày phải thông cảm cho thầy tí chứ. Thầy đã trao đổi với thầy Huy rồi, thầy Huy đồng ý làm giảng viên hướng dẫn của nhóm mình đó. Bọn mày thấy sao?

Thằng Kiên thêm nếm:

- Còn thấy sao nữa? Tốt quá chứ sao? Bình thường, lẽ ra tụi mình phải tự liên hệ tìm thêm giảng viên hướng dẫn, nhưng đằng này thầy Tâm lại lo chu đáo hết rồi. Với cả thầy Tâm cũng có bỏ rơi nhóm mình đâu, thầy bảo sau này nếu có vấn đề gì cứ thoải mái viết email trao đổi với thầy. Có hai giảng viên hướng dẫn cũng hay mà, tụi mày nghĩ tích cực lên.

- Nhưng tao muốn thầy Tâm làm giảng viên hướng dẫn chính cơ.

Con Đậu gào lên. Con Kẹo động viên:

- Cố lên mày. Thầy Tâm bảo nếu công việc thuận lợi, thầy sẽ chỉ qua Mỹ một năm thôi. Chương trình của tụi mình có bốn năm, tính ra tụi mình chỉ không được đi cùng thầy năm ba, còn năm cuối thì có khi vẫn được làm đồ án tốt nghiệp với thầy đó. Na thấy tao nói đúng không?

- Đúng.

Em sợ chúng nó phát hiện ra thầy không hề gửi email cho em thì em bị quê nên em đáp đại cho xong chuyện. Em cứ ngỡ thầy cũng quý em, ai ngờ nhóm có năm đứa, thầy gửi email thông báo đi Mỹ cho bốn đứa, chỉ mình em bị ngó lơ. Em buồn lắm mấy chị ạ, buồn mà buốt cả tim luôn ý.

#17

Nghỉ hè sướng nhất là được về quê với bà các chị ạ, nhưng em phải đi làm thêm nên chỉ về được một tuần thôi. Hai bà cháu lội suối bắt mấy con cá, một nửa để chiên giòn, một nửa nấu canh măng là đã đủ tốn cơm rồi. Chỗ em hay mất điện lắm, có đêm bà vừa phe phẩy chiếc quạt nan vừa hỏi han em:

- Bé Na! Con đang thích một ai đó phải không?

- Không ạ. Con lo học còn chưa xong, thích gì chứ?

Em chối bay chối biến. Bà trầm tư bảo:

- Tại bà thấy bé Na hơi khang khác.

- Khác là khác như nào vậy bà?

- Vẫn là bé Na của bà, nhưng dường như đã thêm một chút sâu lắng, một chút trầm tư và một chút trưởng thành.

- Con xuống thành phố học hai năm rồi mà bà, cũng phải có chút trưởng thành chứ không lẽ cứ con nít mãi?

- Ừ, thì ai rồi cũng phải lớn, nhưng mà, người lớn thường ôm nhiều nỗi buồn lắm con ạ.

- Con nít cũng hay khóc nhè mà bà.

- Tụi con nít khờ khạo, khóc một trận xong rồi thôi, chuyện to đến mấy cũng đôi ba ngày là qua. Người lớn thì khác, người lớn đôi khi tinh tế quá, chuyện gì cũng để ý, rồi nhiều khi chẳng có chuyện gì cũng tổn thương.

Bà ngoại nói không sai. Em đúng là đang bị tổn thương bởi một chuyện vốn chẳng có gì. Có lẽ thầy Tâm chỉ quên gửi email cho em thôi. Em có thể viết email hoặc nhắn tin nhắc thầy, nhưng em sĩ diện, em không chịu xuống nước, và rồi em ôm nỗi buồn suốt cả mùa hè. Ngày hai mươi tháng Tám, em mang đồ ăn vào phòng VIP27 với tâm trạng trĩu nặng. Kể từ chuyến đi Đà Nẵng, đây là lần đầu tiên em gặp lại thầy. Em cẩn thận bày lên bàn ba chiếc niêu đựng cơm, đậu phụ tẩm hành, măng kho nước tương và một bát canh nấm hạt sen rồi lễ phép bảo:

- Em xin phép ra ngoài để thầy dùng bữa cho thoải mái.

Dứt lời, em không thèm đợi thầy cho phép, cứ thế quay người. Thầy níu ống tay áo của em, từ tốn hỏi:

- Các bạn nói cho em biết rồi à?

Em cộc cằn đáp:

- Em chả biết gì sất.

- Vậy em có thể ngồi xuống một lát được không? Tôi có chuyện muốn nói.

- Không. Em bận rồi.

- Chỉ tốn của em năm phút thôi.

- Năm phút cũng không được.

Em từ chối. Thầy nhẹ nhàng gọi tên em:

- Niên Ý!

Sống mũi em cay xè. Em thực lòng cũng không muốn cứ như vậy mà chia tay thầy nên đành ngồi xuống, cố tỏ vẻ xa cách bảo:

- Có gì thầy nói nhanh đi. Em bận lắm.

Thầy chậm rãi trình bày:

- Ngày mai, tôi bay qua Mỹ.

- Vâng. Có liên quan gì tới em đâu mà thầy phải thông báo?

- Vậy sao? Vậy mà tôi lại tưởng có liên quan.

- Thế thì thầy lại tưởng bở rồi.

- Ừ, là tôi tưởng bở. Xin lỗi em.

Thầy đã nhận lỗi rồi mà em vẫn giận điên người. Em gào ầm lên:

- Viết một chiếc email tạm biệt, khó đến vậy sao thầy?

Thầy mở điện thoại cho em xem một chiếc email để trống phần nội dung trong hòm thư nháp. Người nhận email là em, tiêu đề còn chưa viết xong, thật chẳng giống với phong cách chỉn chu của thầy. Thầy chậm rãi bảo:

- Không khó, chỉ là... cứ hễ bắt đầu viết... trong lòng lại thấy trĩu nặng... mãi vẫn chẳng thể hoàn thiện.

Em khóc quá trời khóc, em cứ nức nở rồi nấc lên từng hồi như đứa con nít. Thầy lặng lẽ ngồi bên cạnh em, đợi em nguôi ngoai rồi mới xới cơm cho em. Nhưng em không có tâm trạng, em bỏ xuống tầng dưới. Một lát sau, thầy rời quán cơm, em đi lên dọn bàn thì thấy đồ ăn vẫn còn nguyên. Thầy hình như cũng không đụng đũa. Em ăn bát cơm thầy xới mà thấy cổ họng nghẹn đắng. Buổi tối, thằng Đạt nhắn tin rủ rê cả nhóm:

"Ê! Chiều mai ra sân bay tiễn thầy không?"

Ba đứa kia thả tim nhất trí, một mình em còn giận nên mạnh miệng bảo con Kẹo rằng em ứ thèm đi đâu. Sáng hôm sau, em như người mất hồn. Hai giờ chiều, em quyết định bắt xe buýt ra sân bay. Sân bay rộng lắm mấy chị ạ, bao nhiêu chuyến sang Mỹ, thật chẳng biết tìm thầy ở đâu. Em nhắn tin cho thầy:

"Em đang ở sân bay. Thầy đã lên máy bay chưa?"

Thầy nhắn lại:

"Em mau về trường đi. Khi nào tới Boston, tôi sẽ nhắn tin báo bình an."

Em khóc như một con dở. Em về ký túc xá được một tiếng thì con Kẹo cũng về. Nó hào hứng khoe:

- Tao, con Đậu, thằng Kiên, thằng Đạt vừa ra sân bay tiễn thầy Tâm xong, còn chụp ảnh kỷ niệm nữa nè.

Em buồn kinh khủng. Em tới quán cơm làm việc mà hồn treo đi đâu ấy, toàn phục vụ sai đồ ăn, bị khách mắng xơi xơi. Thằng Tú liên tục thay em xin lỗi khách. Chỉ có một thời gian ngắn mà nó thay đổi nhiều ghê lắm. Đã lâu rồi em không trông thấy mái tóc màu xám khói đầy chất chơi của nó, thay vào đó là màu nâu hạt dẻ nom rất dịu mắt. Nó vẫn điệu, nhưng chỉ làm xoăn tí ở phần tóc mái thôi. Nó vẫn đeo khuyên tai, nhưng đã đổi sang đôi có màu trầm hơn. Nó vẫn mặc đồ hiệu, nhưng toàn chọn những thiết kế nam tính, thanh lịch. Nó vẫn thoáng tính, nhưng không phung phí. Và đặc biệt, nó vẫn quan tâm tới em, nhưng tinh tế hơn rất nhiều. Nó không hề bám riết và làm phiền em như trước kia nữa. Nó tôn trọng những khoảng lặng của em. Nó chỉ đến bên em mỗi khi em buồn, lặng lẽ đặt xuống trước mặt em một cốc trà đào. Nếu như năm ba của em trôi qua khá nhạt nhẽo thì ở thằng Tú lại có sự bùng nổ mạnh mẽ. Nó đem về cho trường Đại học Kiến Tâm ba giải Nhất về kiến trúc và hai giải Nhì về hội hoạ. Được giải gì nó cũng scan giấy khen gửi cho em kèm theo dòng tin nhắn:

"Em vẫn luôn nghĩ anh là kẻ bất tài. Nhưng em có điều không biết... nếu đối phương không phải là em, anh cảm thấy mình không cần phải nỗ lực."

Em có chút cảm động, tìm trên đời một người vì mình mà phấn đấu quả thực khó như mò kim dưới đáy biển. Tiếc rằng, em không hề có chút rung động nào với thằng Tú cả. Thằng Tú cũng không yêu cầu gì quá đáng, nó chỉ bảo:

- Chỉ cần bé Na thương anh Tú như thương một người bạn là anh đã hạnh phúc lắm rồi.

- Cũng được, nhưng còn khướt tao mới gọi mày là anh.

- Thì mày tao chí tớ, có sao đâu? Miễn sao bé Na thấy thoải mái.

Chơi với con Kẹo, em hay phải nịnh nó lắm. Chơi với thằng Tú, em thấy thoải mái hơn nhiều. Nó luôn để ý tới cảm xúc của em, chỉ cần em khẽ nhíu mày, nó đã biết em không vui rồi. Nó cưng em lắm luôn. Em cũng rất quý nó. Bọn em chia sẻ với nhau mọi chuyện trong cuộc sống. Em xích mích gì với bọn cùng phòng, thằng Tú đều biết. Nhà thằng Tú có bao nhiêu con mèo, em cũng thuộc tên hết. Thời điểm em học năm cuối, con Kẹo từng hỏi:

- Na! Nếu tao và thằng Tú cùng rơi xuống hồ Ưu Tư thì mày cứu đứa nào?

Em không trả lời được. Em thấy tội lỗi kinh khủng. Em luôn muốn con Kẹo thương em nhất mà giờ trong lòng em, thằng Tú lại có vị trí ngang hàng với nó. Con Kẹo lạnh lùng tuyên bố:

- Từ nay trở về sau, tao có đi chơi khuya với con Đậu, mày cũng ứ có quyền nhì nhèo.

- Ừ. Tao biết rồi.

Con Đậu và con Kẹo vẫn giữ liên lạc với thầy Tâm. Tụi nó bảo thầy bận việc cá nhân nên chắc cuối tháng Mười hai mới về nước. Cuối tháng Mười một, tụi em biết điểm thi của kỳ bảy. Em bị dính một con B nên nếu muốn được bằng xuất sắc thì kỳ tám, tức kỳ cuối cùng, đồ án tốt nghiệp của em phải được 9 điểm. Đó là một thách thức vô cùng lớn bởi vì năm ngoái, cả hệ Tài Năng chỉ có duy nhất một anh được 9 điểm đồ án tốt nghiệp. Khoảng thời gian đó, em cực kỳ áp lực. May mà có thằng Tú ở bên động viên em, nếu không chắc em bệnh mất. Đầu tháng Mười hai, nó báo cho em tin sốc:

"Na! Đêm qua, mẹ tao khóc ướt gối mày ạ! Tại mẹ tao lướt mạng xã hội, phát hiện ra cậu Tâm đã có vợ con ở bên Mỹ. Mẹ tao sợ Tết này cậu dắt vợ con về, bà ngoại mải quan tâm tới con trai cậu rồi ngó lơ mẹ con tao."

#18

Thầy Tâm hơn em mười tuổi, bây giờ thầy mới lấy vợ, so với các thầy cô trong khoa cũng chẳng phải là sớm. Lẽ ra em nên mừng cho thầy, nhưng không, tâm trạng em tuột dốc không phanh. Em nhắn tin dò hỏi thằng Tú:

"Thầy chơi mạng xã hội rồi à?"

"Không mày ạ. Mợ tao chơi."

"Ghê! Thế mày đã nói chuyện với mợ mày chưa?"

"Chưa. Cậu đã giới thiệu đâu mà tao inbox, sợ quê ý."

"Ê! Gửi tao trang cá nhân của mợ mày coi!"

Em dụ, thằng Tú dễ mà, nó gửi em liền. Vợ thầy Tâm tên Ngọc Ý, cô từng làm Tiến sĩ ở Úc, sau đó mới chuyển sang Mỹ sinh sống hai năm gần đây. Có vẻ cô cũng là người kín tiếng nên trang cá nhân chỉ để công khai ba bức ảnh, một bức ảnh thầy cô chụp chung với các bạn từ thuở cấp ba, một bức ảnh em bé sơ sinh và một bức thầy cô chụp cùng nhau, cô mặc áo dài, bế trên tay cậu con trai rất kháu khỉnh, thầy mặc vest lịch lãm, kèm theo caption:

"Ba mẹ yêu Cos."

Con của hai bậc anh tài có khác, đặt tên cũng đặc biệt. Em mà có con chắc em chỉ đặt Cam, Quýt, Mít, Dừa thôi chớ Sin, Cos, Tan, Cot, em xin lạy luôn. Em buồn thối ruột. Em bắt xe về quê, định ở với bà ngoại vài hôm cho thư thả đầu óc. Ai ngờ, em vừa về đến đầu ngõ đã thấy chiếc xe đạp của người từng bỏ rơi mình dựng ngoài cổng. Em sợ bà trông thấy em sẽ mất tự nhiên rồi giấu em chuyện nọ chuyện kia nên chui qua bờ rào, trốn sau đống rơm hóng chuyện. Mẹ em lớn ngần ấy tuổi đầu, không báo hiếu được bà ngoại em miếng nào thì thôi, còn mặt dày xin xỏ:

- Mẹ! Mẹ cho con mười triệu được không? Con muốn mua cho thằng Chôm Chôm cái laptop.

Em nghe mà uất điên. Bà ngoại em khó chịu bảo:

- Hồi xưa, con Na làm gì có laptop, nó vẫn đỗ được đại học đấy thôi. Chị cứ vẽ chuyện.

- Xưa khác, nay khác mẹ ơi. Giờ trên mạng nhiều kiến thức bổ ích, xem bài trên cái màn hình điện thoại bé tí hại mắt lắm mẹ ơi.

- Hại mắt kệ con chị.

- Ơ kìa! Thằng Chôm Chôm không phải cháu mẹ à?

- Tôi chỉ có một đứa cháu là con Na thôi. Tôi phải để dành tiền làm của hồi môn cho nó.

- Ôi dào! Con Na kiểu gì chả lấy được trai phố. Sau này, mẹ nhờ nhà thông gia lo luôn của hồi môn cho, người giàu họ không tiếc con lợn con đâu mẹ.

- Ai giàu kệ họ, tôi không thể vì họ giàu hơn tôi mà tôi sống nhục rồi tôi để cháu tôi thiệt được. Cháu nhà người ta lấy chồng được bên ngoại cho cái gì thì tôi cũng sẽ lo cho cháu tôi y như thế. Chị đừng hòng bòn rút của tôi dù chỉ một đồng.

- Thôi mà mẹ. Sao mẹ thiên vị thế? Con Na có của hồi môn mà thằng Chôm Chôm, con Vải, con Nhãn chả có gì thì lại thiệt thòi cho tụi nó quá!

- Có gì mà thiệt? Tiền con Na kiếm được, nó chắt chiu dành dụm gửi về cho tôi thì tôi giữ hộ nó. Thằng Chôm Chôm, con Vải, con Nhãn có đưa tôi đồng nào đâu mà đòi chõ chẹ?

- Thì tụi nó đã đi làm thêm đâu mà có tiền hả mẹ? Dù gì tụi nó cũng là máu mủ ruột thịt với con Na, tiền của chị, các em tiêu hộ thì có sao đâu, mẹ nhỉ?

- Nhỉ nhỉ cái con khỉ! Cút!

Bà em đuổi. Mẹ em nhanh nhẹn thó trộm mấy trăm nghìn bà để trong rổ rau rồi hí hửng bảo:

- Tiền nào chưa cất là tiền của chung nha mẹ Nương!

Bà em uất điên, bà chửi ầm ĩ:

- Tao bố thí cho mày luôn đấy! Đẻ ra đứa con gái như mày đúng là buốt cả cái ruột tao mà!

- Đẻ thì cũng đẻ rồi mà mẹ. Cho con xin cân tỏi với hai mớ rau khoai lang về xào nha.

- Hai mớ rau khoai lang mà mày xào với hẳn một cân tỏi cơ à? Mày lại ăn sang quá cơ!

- Khiếp! Mẹ cứ làm như con ngu lắm. Con lấy tỏi về ngâm giấm tỏi ớt nữa mà. Ấy chít! Nhắc mới nhớ, con xin nửa cân ớt nha. Dạo này, cả nhà con cứ ăn uống tắm rửa xong là bận coi phim, chả có thời gian để ý vườn tược gì cả, rau cỏ héo khô hết à. Mẹ cũng ích kỷ ghê cơ, đi xuống chợ thị trấn bán rau mà không bao giờ mang cho nhà con vài mớ. Con sợ những người chỉ biết tới lợi ích cá nhân của mình như mẹ dã man!

Mẹ em vừa về, bà em đã ngồi thụp xuống đất khóc tức tưởi. Ông hàng xóm chạy sang động viên. Bà cẩn thận dặn ông:

- Đừng có hớt lẻo với con Na đấy!

- Biết rồi!

Em mà chạy vào trong nhà bây giờ chắc chắn lộ, kể cả có đợi đến tối thì kiểu gì bà cũng sẽ phát hiện ra điểm khác thường thôi, bà tinh lắm. Em bắt xe xuống thành phố, rủ thằng Tú qua ký túc xá làm vài chầu nước đậu cho vơi đi nỗi sầu. Nó bảo em buồn thì phải đi bar quẩy mới đã. Em đang chán đời nên đồng ý liền. Tụi em cụng ly liên tục, khi cả hai đã say bí tỉ, thằng Tú rủ rê:

- Đi khách sạn đi bé Na!

Em lè nhè thắc mắc:

- Tự dưng đi khách sạn làm chi?

- Người mày nồng nặc mùi rượu, về ký túc xá không sợ mấy bác quản lý hỏi chuyện à?

- Ừ, công nhận cũng ngại thật. Nhưng một nam, một nữ vào khách sạn với nhau kỳ lắm!

- Kỳ gì mà kỳ? Chỉ vào ngủ thôi, không làm gì đâu.

Vâng, em đã ngây thơ tin lời nó. Em đã không biết rằng khi bọn con trai bảo chỉ vào khách sạn để ngủ thì nghĩa là bọn nó đang xạo cún. Sự thật là tụi nó sẽ dẫn dụ mình từng bước một. Hiển nhiên, nếu em ngoan ngoãn thì đâu ai dụ được. Em cũng hư nên mới say bét nhè rồi không kiểm soát được bản thân.

Ba giờ sáng, em tỉnh táo trở lại, phát hiện ra mình đang nằm trong lòng thằng bạn thân, còn nó thì ôm siết lấy em, tay chạm vào nơi không nên chạm, em vô cùng hoảng loạn. Cả người em đau rã rời, em khốn khổ nhặt váy áo rơi la liệt dưới đất, đi vào nhà tắm xả nước thật mạnh. Em khóc nấc. Em không biết phải làm gì bây giờ. Trước đêm hôm qua, em còn chưa từng chủ động nắm tay bạn nam nào. Em muốn để dành nụ hôn đầu đời cho chàng trai khiến em rung động. Em cũng muốn trao thứ quý giá nhất cho người em thương.... nhưng tất cả những dự định của em... đã vỡ tan như bong bóng xà phòng. Em kinh tởm cơ thể nhơ nhớp của mình, dẫu có xả bao nhiêu nước cũng không thể ngay lập tức xoá bỏ những dấu hôn. Em không thể trách ai, không thể đổ tại, không có quyền được ấm ức, bởi vì không ai đẩy em vào ngõ cụt cả. Tất cả đều là sự lựa chọn của em, là do em ngu, em đâm đầu xuống vực thẳm. Em hận chính bản thân mình. Em cảm thấy bế tắc, cùng cực. Em đau lắm. Nỗi đau tan xương nát thịt, đau tưởng như vừa bị ngàn lưỡi dao nhọn đâm qua tim.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK