Rõ ràng thầy chả hứa hẹn gì cả, cũng chả có câu từ nào mùi mẫn nhưng má em cứ nóng ran lên. Đoạn chat thì ngắn tí mà em đọc đi đọc lại, hâm không chịu được. Bà em chỉ gọi điện khoe mới bán được mấy buồng cau cho đám cưới cuối xóm thôi mà em cứ cười khúc kha khúc khích.
- Bé Na! Có chuyện gì vui hả?
- Đâu có! Con mừng vì bà bán được cau đấy!
- Thôi chị đừng có chối! Chị phải lòng anh nào rồi, đúng không? Cấm cãi! Biết thế, bà chả thèm bán cau nữa, nhỡ đâu cuối năm cần dùng thì sao nhể?
Nghe giọng bà vui vậy, chắc chắn bà chưa biết vụ lùm xùm trên mạng liên quan tới cháu gái rồi. Nhà ở vùng sâu, vùng xa cũng có cái tốt các chị ạ, không khí trong lành, mọi người có khúc mắc gì thì chạy sang nhà nhau góp ý hoặc chửi thẳng vào mặt nhau, xấu tính hơn một tí thì túm năm tụm ba nói xấu nhau chứ chẳng đến mức cả một ngàn người đánh hội đồng một người như trên mạng xã hội.
- Bà Nương xinh gái! Năm nay, bé Na được mấy cái học bổng cơ, tiền thưởng khoảng hơn ba chục triệu. Nhưng Na muốn giữ lại mười triệu, tại Na nghĩ đi thực tập thì chắc sẽ cần, được không bà?
Em nói dối đấy ạ. So với mặt bằng chung thì công ty của ông ngoại cô Hà trả lương cho thực tập sinh rất cao. Em muốn giữ tiền để sau này còn lo cho các con. Em cũng muốn uống thêm thuốc bổ để tụi nó được phát triển tốt từ trong bụng mẹ.
- Cha bố nhà chị! Giữ tất đi!
- Thôi, Na thích bà Nương có nhiều tiền cơ, tiêu pha cho nó sướng đời!
- Hâm! Rau đầy ngoài vườn, ngan ngỗng đầy chuồng, có gì cần tiêu đâu? Tiền chị gửi về từ hồi năm nhất vẫn còn nguyên kia kìa! Tôi giàu lắm rồi, chị giữ đi cho chị bớt nghèo!
Em kệ bà, em vẫn cứ gửi tiền cho bà. Cơ mà bà em bị hâm hâm, bà chuyển tiền lại trả em, còn gửi thêm cho em mười triệu nữa. Em cáu điên, gọi điện mắng bà:
- Chị Nương khùng hả? Chị gửi cho em nhiều tiền thế thì chị sống bằng niềm tin à?
- Chị Na cứ kệ em đi! Niềm tin của em chính là niềm hạnh phúc của chị đấy! Chị đi thực tập đừng tiết kiệm quá, cứ ăn chơi cho sướng, sắp hết thời sinh viên rồi còn đâu. Thôi, khỏi chuyển tiền nữa nhá, chuyển đi chuyển lại mất công. Chị không nhây bằng em đâu.
Bà giả giọng con nít hại em cười sặc. Ngày đi thực tập, em dậy từ năm giờ sáng. Con Su chuẩn bị cho em một đống đồ ăn vặt, nó hối hận bảo:
- Na! Tao xin lỗi mày nha! Xin lỗi thật lòng ý! Tao không ngờ mọi việc lại đi xa đến vậy! Tao biết sai rồi!
- Ừ, không sao, mày đã bớt đau khổ vì thương nhớ thằng Tú chưa?
- Chưa bớt thương, chưa bớt nhớ, nhưng bớt đau rồi.
- Đêm qua, tao nghe con Mía kể mới biết mày bảo lưu một học kỳ. Sao vậy? Sắp tốt nghiệp đến nơi rồi mà!
- À! Tao áp lực quá nên muốn đi du lịch cho khuây khoả.
- Ừ, rồi tranh thủ giảm cân đi. Cái bụng mày chềnh ễnh lên rồi kìa! Eo chắc phải một trăm!
- Mày cứ nói quá! Chị mày chỉ hơi đẫy đà chút xíu thui mà!
- Thế mày có về Tây Bắc thăm mẹ không? Tao thuê cái phòng trọ ngay sát nhà mày, tiện thể đi cùng tao luôn cho vui cũng được.
- Thôi. Tao đặt vé đi Đà Nẵng rồi. Chiều tao bay.
Con Su được thằng Tú trợ cấp có khác, nó tiêu tiền chẳng cần nghĩ luôn. Em xếp đồ xong, vừa hay ra khỏi phòng thì trông thấy thầy Tâm đang đứng dưới khu B6. Tim em đập rộn ràng, nhưng em sợ có đứa ác ôn nào chụp được hình em và thầy đi cùng nhau, chúng sẽ thêu dệt lên đủ thứ chuyện bậy bạ nên em gọi điện cho thầy bảo là em đang ở trên xe buýt rồi. Nhìn bóng thầy khuất dần, em não cả lòng. Em trầm tư tựa lưng vào tường, đợi thêm một lát nữa mới xuống dưới. Lúc đi ngang qua khu C, em không kiềm được, vô thức ngước mắt nhìn lên, bắt gặp thầy đang đứng trên ban công, em sợ bắn tim. Thầy mà phát hiện ra em nói dối thì em toi luôn. Trong cơn hoảng hốt, em đã nhắn cho thầy một tin rất ngu:
"Thầy có trông thấy em không ạ?"
Ối dồi ôi! Có khác nào em lạy thầy em ở bụi này đâu cơ chứ! May mà thầy không vạch trần em, thầy chỉ nhắn:
"Tôi không thấy gì cả."
Em xấu hổ phân trần:
"Thực ra, hiện tại... có chút nhạy cảm."
"Tôi hiểu."
"Đợi em ra trường, có lẽ sẽ thoải mái hơn."
"Ừ."
"Đến lúc đó, em có thể gặp riêng thầy không? Không phải trên cương vị học trò... cũng không phải vì em có vấn đề cần thầy giải đáp... em chỉ là... muốn gặp thầy thôi."
"Được em ạ."
"Thầy đợi em nhé, sẽ nhanh thôi."
"Ừ. Tôi sẽ đợi em."
Em xúc động rơi nước mắt. Khoảng thời gian ở trên Tây Bắc đúng là siêu gian nan. Em nghén quá trời, nhiều khi em đuối quá, chỉ muốn bỏ cuộc thôi. Nhưng mà bỏ cuộc bây giờ thì bao giờ em mới ra được trường? Bao giờ em mới kiếm được công việc tốt? Vì tương lai của các con, em lại tự động viên mình cố lên. Em lê lết mãi mới đi qua được kỳ thực tập, cứ tưởng như vậy là ngon rồi, ai ngờ em lại chuyển dạ sớm mới khổ chứ. Hồi xưa, đọc bài đăng của một số chị trong hội mẹ bỉm kể về việc đẻ rơi, em còn tưởng các chị nói giỡn. Em cứ chắc mẩm đau đẻ phải cả ngày mới sinh cơ. Nào ngờ, nó nhanh đến mức em không thể tin được. Em đau vật vã, đầu óc em mụ mị, em không nhớ nổi điện thoại em để đâu, em đành cố gào lên:
- Cô Sâm ơi! Cứu con! Cô Sâm ơi!
- Đợi cô xíu Na ơi! Cô đang tắm!
Không biết do em đẻ quá nhanh hay do cô tắm quá lâu mà lúc cô sang đến nơi thì em đã đẻ xong rồi. Thực sự đó là một trải nghiệm kinh hoàng, em kiệt sức xỉu luôn. Lúc em tỉnh lại thì đã thấy mình đang nằm trên giường cùng hai thiên thần nhỏ xinh đẹp xuất sắc. Em nghẹn ngào hỏi cô Sâm:
- Hai bé nhà con đây hả cô?
- Ơ hay? Không con mẹ Na thì con ai? Con mẹ Sâm hử?
Em mếu máo kể lể:
- Tại lúc đẻ xong... con không nghe thấy tụi nó khóc... con cứ sợ... có chuyện chẳng lành...
- Chắc do con mệt nên không tỉnh táo, cô nghe thấy tụi nhỏ khóc to lắm mà.
Em thở phào nhẹ nhõm, chắc do em bị ảo giác. Nói thật với các chị là người em tã lắm rồi, đầu óc thì quên trước quên sau. Cái lúc đẻ đau như chết đi sống lại, đâu là thật, đâu là mơ, em chịu không phân biệt nổi. Con trai em tên Tâm Bình, con gái em tên Tâm Yên, em mong cuộc đời của hai bé luôn được bình yên. Em không có sữa nên hai bé phải ăn sữa ngoài, nhưng trộm vía tụi nó lớn nhanh, yêu lắm ạ. Con Su đi du lịch về, gặp thằng Bình nhà em cứ phải gọi là mê tít thò lò. Nó đòi làm mẹ nuôi của thằng Bình, em đồng ý liền. Trong thời gian ở cữ, em được cô Sâm và con Su giúp đỡ rất nhiều. Cô Sâm ngày nào cũng nấu cơm canh thịnh soạn để tẩm bổ cho em. Con Su hồi ở ký túc xá lười chảy thây ra mà từ ngày em có con, chẳng hiểu sao nó chăm dữ tợn. Có đêm em ngủ quên, lúc tỉnh giấc thì nó đã cho hai đứa ăn xong rồi. Em nhìn chỗ sữa còn thừa trong bình, thấy màu hơi lạ liền thắc mắc:
- Ơ? Sao sữa hôm nay nhìn màu khác mọi khi vậy?
Con Su cáu ầm lên:
- Khác đâu mà khác? Mày mới ngủ dậy nên bị hoa mắt à?
Nó giận đùng đùng đem bình sữa đi rửa. Nó hay cáu vô lý lắm. Em pha sữa cho con em ăn mà nó cũng chỉ trích em:
- Tao đã dặn mày bao nhiêu lần rồi, mày chỉ pha sữa cho con Yên thôi. Còn thằng Bình, mày phải lấy bình sữa tao để sẵn trong tủ lạnh rồi đem đi ngâm nước ấm trước khi cho nó ăn.
- Mày bị khùng hả Su? Có phải sữa mẹ đâu mà vắt ra xong trữ trong tủ lạnh? Mà sao con Yên và thằng Bình phải ăn sữa theo hai cách khác nhau?
- Tao bảo gì thì mày cứ làm thế đi! Khỏi thắc mắc!
Em thề chứ không vì con Su quá tốt với em thì chắc em táng cho nó vỡ mặt rồi, tối ngày cứ sồn sồn lên như con điên ý. Nó còn quát cả cô Sâm cơ mà.
- Mẹ! Sao mẹ lại mặc cho thằng Bình cái áo của con Yên?
Cô Sâm thở dài phân trần:
- Thì hai cái áo màu na ná nhau nên mẹ nhầm, con Yên cũng mặc áo của thằng Bình mà, có sao đâu?
Con Su lườm cô Sâm rồi đổi áo cho hai đứa nhỏ. Nó ngọt giọng nịnh thằng Bình:
- Bà Sâm chả biết cái quái gì, em nhỉ? Giống là giống thế nào? Một bên là áo hiệu sang chảnh, một bên áo chợ phèn ủa ra. Em đẹp trai ngút ngàn như này, tội quái gì em phải mặc hàng chợ?
#29
Em nóng máu nhắc nhở con Su:
- Đừng tiêm nhiễm vào đầu thằng nhỏ mấy thứ đấy, cẩn thận không tương lai lại có một thằng Tú thứ hai đấy! Tao ghét nhất là cái thói trịch thượng!
- Những đứa vừa giàu vừa đẹp trai như thằng Tú, trịch thượng tí thì có sao? Gái vẫn theo đầy!
- Cứ giữ cái quan điểm đấy thì mày ứ xứng đáng làm mẹ nuôi của con tao đâu. Có khi tao phải về thành phố gấp, tao sợ mày làm hỏng thằng Bình lắm.
- Thôi, tao xin. Tao sai rồi. Từ giờ trở đi, tao sẽ rút kinh nghiệm. Mày đừng về thành phố vội, đợi tụi nhỏ cứng cáp đã.
Em nghe lời con Su, đợi hai đứa đầy tháng mới đem con về thành phố. Ngày em rời Tây Bắc, con Su khóc lóc thảm thiết. Nó mua cho thằng Bình quần áo đủ mặc đến năm ba tuổi, toàn đồ hiệu siêu đắt tiền. Em ngại quá đi mất, em chẳng dám nhận đâu. Em khuyên nó đem trả đồ nhưng nó không chịu, nó bảo em không thích thì vứt đi. Em ứ cãi nhau được với nó nên đành phải bỏ hết đống quần áo mới vào túi.
- Này! Đây! Tao cho thằng Bình mười triệu.
- Thôi mày ơi! Tao xin mày đấy! Tao nhận của mày quá nhiều đồ rồi, còn lấy thêm tiền nữa thì da mặt tao lại dày quá!
- Hâm! Bạn bè với nhau, dày mỏng gì ở đây? Với cả tao có cho mày đâu? Tao cho thằng Bình mà Na. Tao là mẹ nuôi của thằng Bình mà tao không được góp công góp của nuôi nấng nó à?
- Thì có... nhưng mà tao ngại lắm Su ơi! Cứ như tao lợi dụng mày ý!
- Ơ hay cái con này? Con là con chung, lợi dụng ở chỗ nào? Mày nhận tiền cho tao vui đi mà Na. Rồi sau này, thằng Bình lớn, nó báo hiếu mày nhiều nhiều thì cũng sẽ tốt với tao chút chút.
- Thôi được rồi, vậy tao thay mặt thằng Bình cảm ơn mày nha! Sắp tới, mày tính như nào?
- Tao á? Tao phải cố học nốt để lấy được cái bằng đại học chứ sao? Tao cũng đang tìm hiểu một vài trường bên Anh rồi, tao muốn sang đó học Thạc sĩ.
- Vẫn chưa buông bỏ được thằng Tú hả?
- Chưa mày ạ. Chẳng giấu gì mày, từ hôm thằng Tú bay tới giờ, tao cứ như bị mất một nửa linh hồn ý. Chẳng biết nó sang bên đó ăn uống như nào, ngủ nghê ra sao? Cứ nghĩ đến nó là tao buốt hết cả ruột. Tao biết rõ nó mê mày rồi mà chả hiểu sao tao vẫn không thể ngừng thương nó. Tao thảm hại quá, Na nhỉ?
- Cảm xúc mà mày, khống chế sao được? Nhưng mà chỗ bạn bè với nhau tao nói thật, thằng Tú nghe lời mẹ lắm, không có chính kiến riêng. Cho dù hai đứa mày thành đôi thì mày cũng khổ với mẹ con nhà nó thôi.
- Im đi! Chẳng qua mày chướng nên mới bị người ta ghét! Nếu là tao thì mọi chuyện đã khác rồi, chỉ cần khôn khéo một chút thì không bao giờ sợ mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu.
- OK chị Su! Chị khôn! Em dại! Còn chị, còn em, để rồi xem! Thôi nào! Bình! Con chào mẹ Su đi! Yên! Con chào dì Su đi! Mình về thành phố!
Em cứ nói đại vậy thôi chứ tụi nó bé xíu, có biết cái gì đâu mà chào. Con Su nắm tay thằng Bình, bịn rịn mãi mới buông được. Nó mếu máo bảo em:
- Na! Tao còn cả một tương lai rạng ngời ở phía trước nên tao chỉ giúp mày được tới đây thôi. Tao xin lỗi mày nhiều nha! Sau này, tao sẽ bù đắp cho mày!
- Dẩm à? Mày giúp tao vậy là quá nhiều rồi! Mày có nợ tao cái gì đâu mà phải bù đắp? Tao mới là người nợ ơn chăm sóc của mày và cô Sâm.
- À... thì đổi lại tao được là mẹ nuôi của thằng Bình đấy thôi. Mang tiếng nhận con mà không thể đến thăm nó thường xuyên, tao áy náy lắm. Lúc nào nó biết nói, mày nhớ phải dạy nó gọi mẹ Su nhé!
- Nhất trí! Mày cố lên. Tao cũng sẽ cố gắng! Chúng ta cùng đi tới tương lai để gặp phiên bản tốt hơn của chính mình nhé!
Em vẫn nhớ mãi cái khoảnh khắc một mình em địu hai đứa nhỏ, một đứa đằng trước, một đứa đằng sau bước lên xe buýt. Cảm giác nó cứ nheo nhóc, tủi thân kiểu gì ý các chị ạ. Em biết em phải chịu trách nhiệm cho những lỗi lầm của mình, nhưng mà cứ nghĩ lại cảnh đấy, em lại phát khóc vì thương con. Cũng may cuộc đời không quá khắc nghiệt với em, ở trên xe thì có chị ngồi cạnh bế hộ thằng Bình, xe vừa vào tới bến, em đã trông thấy con Kẹo và con Đậu. Hai đứa gọi hẳn taxi đón ba mẹ con. Con Đậu hào hứng khoe khoang:
- Na! Tao thuê được cho mày cái chung cư mini ở khu Tâm Gia rồi nhé, giá siêu bèo luôn!
- Ơ? Tao tưởng phải là nhân viên của Tập đoàn Tâm An thì mới được thuê nhà ở khu Tâm Gia chứ nhỉ?
- Tao có ông chú làm việc cho Tâm An. Tao nhờ chú thuê nhà hộ mày.
- Ôi! Quý hoá quá! Cho tao gửi lời cảm ơn chú mày nhé! Với cả tiền taxi chuyến này, hai đứa mày cũng cho tao gửi luôn nha. Bọn mày giúp tao như vậy đã là đáng quý rồi.
- Rồi, rồi, biết rồi. Tụi tao cũng đi chơi mà, tiền chia ba, được chưa mẹ Na?
- Ừ. Sòng phẳng cho dễ chơi.
Anh lái xe đưa bọn em đến khu Tâm Gia. Em biết hai đứa bạn còn bận đủ thứ việc nên tầm sáu giờ tối, em đuổi chúng nó về. Hai con ăn xong, nằm chơi một tí rồi lại ngủ khì khì nên em có thời gian dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, tắm gội rồi làm đồ án tốt nghiệp. Chị nào nuôi con nhỏ thì biết rồi đấy ạ, quanh đi quẩn lại là hết ngày, bận tối mắt tối mũi. Em may mắn có giảng viên hướng dẫn cực kỳ tốt, thầy biết hoàn cảnh của em nên không bắt em phải đến trường gặp mặt. Có lần, vừa trao đổi với thầy xong, em nhọc quá thiếp đi luôn, quên cả tắt cuộc gọi. Mãi đến lúc nghe thấy tiếng con khóc, em mới giật mình tỉnh giấc, vội vàng đi pha sữa cho tụi nó ăn rồi vô tư chọc ghẹo:
- Úi trụi ui! Ai đẻ ra tụi em mà đứa đẹp trai, đứa xinh gái thế nhỉ? Úi trụi ui! Yêu ghê! Trụi ui! Mẹ mê tụi em quá trời quá đất luôn nè! Cho mẹ ngửi xíu được khum? Cho khum nhỉ? Có nhỉ? Úi trụi ui! Thơm ghê á! Mẹ bế tụi em mà mẹ thấy dễ chịu y như lúc mẹ ở bên thầy Tâm của mẹ nha!
- Ối dồi ôi! Anh Bình này! Anh chỉ được cái miệng chúm chím dễ thương thui chứ anh xấu tính quá đi à! Tã anh ướt sũng mà anh cứ im ỉm im ỉm nha. Cả chị Yên cũng thế! Anh chị làm mẹ Na chóng mặt quá à nha! Ngoan! Đừng quậy! Mẹ thay tã mới cho thơm nha!
- Tại anh Bình, tại chị Yên mà mẹ phải làm việc ở nhà đấy! Mẹ nhớ thầy Tâm của mẹ dã man luôn nè! Rồi anh chị có đền cho mẹ khum? Anh chị thương mẹ thì anh chị phải ăn ngon, ngủ ngoan nha!
Hai cái đứa này ghét ghê á, hóng chuyện có một xíu thôi rồi lại lim dim vào giấc luôn à. Em đứng dậy vươn vai cho đỡ nhức mỏi, rồi tự dưng đập vào mắt cái màn hình laptop vẫn đang hiển thị cuộc gọi, em tá hoả. Hôm nay, do có nhiều câu hỏi nên em chỉ chia sẻ màn hình để hai thầy trò cùng xem tài liệu và thảo luận thôi chứ không bật camera. Cơ mà, em vẫn ngượng muốn độn thổ. Em lí nhí hỏi:
- Thầy! Ban nãy, thầy có nghe thấy em nói gì không?
Thầy nhẹ nhàng đáp:
- Không em ạ.
Em nhẹ cả người. Em thật thà bảo:
- Em xin lỗi thầy, em quên không tắt cuộc gọi.
- Không sao. Tôi cũng quên mà.
- Vâng, hai giờ sáng rồi, sao thầy còn chưa ngủ? Thằng Tú từng kể với em rằng thầy sinh hoạt chuẩn mực lắm chứ không thức khuya rồi ngủ nướng như sinh viên tụi em.
- À, thi thoảng cảm xúc bấp bênh thì tôi cũng bị bật ra khỏi cái chuẩn mực của mình.
- Cảm xúc của thầy làm sao mà nó lại bấp bênh?
- Không rõ nữa, phải chăng là do tôi biết có người đang nhớ mình?
Ôi! Em điếng cả người luôn đấy thầy ạ! Đừng đùa em thế chứ! Rõ ràng ban nãy thầy bảo thầy không nghe thấy gì cơ mà? Sao thầy có thể nói dối điêu luyện như vậy nhỉ? Nói dối mà chả ngượng ngùng gì cả, cứ thản nhiên như không ý, hại em tin thầy sái cổ. Em xấu hổ chữa thẹn:
- Lâu ngày không đến trường nên em cũng rất là nhớ thầy cô và bạn bè. Em nhớ tất cả mọi người luôn thầy ơi!
- À, thì ra là thế. Vậy chắc là ở bên tất cả mọi người, em đều thấy dễ chịu nhỉ?
#30
Ôi bà Nương ơi! Ôi làng nước ơi! Em phải làm sao đây? Trời ơi! Em ngu quá! Não em hiện tại cứ như chứa cả triệu tấn bã đậu ý, em bị đơ nặng, em chịu không biết đối đáp ra sao. Thầy cũng chẳng nói gì, nhưng cả em và thầy đều không tắt máy. Em từng nhiều lần ngồi bần thần trong màn đêm tĩnh mịch rồi cảm thấy mệt mỏi, chán chường và tủi thân vô cùng. Em luôn động viên mình phải thật kiên cường, nhưng đàn bà con gái ai chả có những lúc yếu lòng, những lúc mà nhìn vào tương lai chỉ thấy một màu u ám. Em định khi nào lấy được bằng tốt nghiệp thì sẽ đưa hai bé về quê gặp bà ngoại. Dẫu phải quỳ xuống xin bà tha thứ, em cũng cam lòng. Em không sợ bị bà chửi mắng, em chỉ sợ bà bị hàng xóm láng giềng dị nghị. Em vẫn luôn là niềm tự hào của bà, đi đâu bà cũng khoe về em. Bà rất thích tiết kiệm tiền để dành làm của hồi môn cho em. Bà mong em được gả cho người chồng tốt, hai vợ chồng nương tựa vào nhau, tu chí làm ăn, sống một cuộc đời an ổn. Biết em ra nông nỗi này, chắc bà đau lòng lắm. Sai lầm của em không chỉ làm khổ bà mà còn liên luỵ tới các con. Em sợ sau này tụi nhỏ đi học sẽ bị kỳ thị vì không có cha. Một mình em nuôi dạy hai đứa nhỏ, em phải đóng vai hiền hay vai ác? Rồi nhỡ những lúc em ốm đau, bà em già yếu thì ai chăm sóc hai đứa giúp em? Đầu óc em cứ mụ mị vì tỉ nỗi lo âu.
Có một người thức khuya cùng em thật tốt, khỏi phải lẻ loi rồi tủi thân nghĩ nọ nghĩ kia. Lòng em nhẹ nhõm hẳn. Góc học tập của em treo rất nhiều dây đèn nhấp nháy rủ xuống bàn, có một dây dài được uốn thành chữ "Tâm", hai dây nhỏ hơn uốn thành hai chữ "Bình Yên" xinh xắn xếp bên dưới. Em ngồi thu lu trên chiếc ghế đẩu, thong thả nhấp một ngụm nước ấm. Ánh sáng dịu dàng của những chiếc đèn nhỏ li ti xoa dịu trái tim đầy vết xước của em. Gửi mấy chị đang muộn phiền về những bài kiểm tra không được điểm cao như mong muốn, đã nỗ lực hết mình rồi thì thôi đừng hờn giận bản thân nữa. Hồi xưa, chỉ một con B cũng đủ khiến em cáu kỉnh. Bây giờ, làm mẹ rồi em mới nhận ra chuyện về con B ấy chỉ giống như hạt cát giữa sa mạc bao la. Cát bụi nhỏ bé rồi cũng sẽ bị gió cuốn đi, những gánh nặng đang đè trên đôi vai của người lữ khách mới là thứ khiến bước chân họ chậm lại. Cuộc sống của sinh viên áp lực một thì cuộc sống của mẹ bỉm áp lực mười. Có gì khiến lòng mẹ sốt sắng hơn là lúc con mình bị đau ốm? Tâm hồn mẹ bỉm nào mấy khi được thư thái? Bởi vậy, em rất trân trọng giây phút an lạc ít ỏi trong hiện tại. Em thầm cảm ơn thầy, người đã đủ kiên nhẫn để đợi em, đủ tinh tế để tạo cho em những khoảng lặng, và đủ vững vàng để trở thành chỗ dựa tinh thần cho em. Em bình tĩnh thừa nhận:
- Không phải ở bên ai em cũng thấy dễ chịu.
Thêm một khoảng lặng nữa, rồi thầy mới nhẹ nhàng bảo:
- Ừ.
- Đã muộn lắm rồi, thầy không mệt sao?
- Không, tôi thấy dễ chịu.
- Cũng có người tạo cho thầy cảm giác đó ư?
- Ừ, có.
- Bây giờ không phải là thời điểm thích hợp để em biết thêm về người ấy, phải không thầy?
- Ừ, có lẽ vậy.
- Có một vài chuyện, đợi ra trường rồi biết thì sẽ tốt hơn, thầy nhỉ?
- Đúng rồi em.
- Còn hai tháng nữa thôi ạ.
- Ừ, chỉ còn hai tháng nữa thôi, cố gắng lên em.
- Nếu như em cố gắng mà kết quả vẫn làm thầy thất vọng thì sao?
- Tôi nhìn vào sự nỗ lực, không nhìn vào kết quả.
Em nở nụ cười hạnh phúc. Ước gì thầy có thể thấy em ngay lúc này, ước gì thầy biết được thầy có sức ảnh hưởng đối với em đến nhường nào. Cơ mà em chỉ ước vậy thôi chứ em đâu đủ dũng khí để bật camera. Hôm đi nộp luận văn, mặc dù em biết thầy đang thảo luận cùng các bạn trong nhóm, nhưng em không ghé qua phòng tự học, tại em sợ tụi nhỏ làm ồn, phiền mọi người. Mẹ đơn thân mà chưa có kinh tế để thuê người giúp việc, cũng không nhờ vả được ai thì vất vả lắm luôn ạ, đi đâu cũng phải vác hai đứa con theo. Ngày bảo vệ đồ án tốt nghiệp, em cũng phải đưa con tới trường. Em và con Yên mặc áo dài đôi thêu hoa đào, thằng Bình mặc áo phông và cái quần yếm bò nom rõ bảnh. Em ôm hai con ngồi chơi ở cái ghế đá cạnh gốc cây bàng. Em định đợi con Đậu và con Kẹo bảo vệ xong thì nhờ tụi nó trông con giúp. Ai ngờ, thầy Hiệu trưởng thương tình bảo:
- Na! Để thầy trông cho! Em vào xem các bạn bảo vệ đi, sẽ học hỏi được nhiều đấy!
Cô Hiệu phó cũng nhiệt tình đề nghị giúp đỡ:
- Có cả cô ở đây nữa, cô cũng từng chăm con mọn rồi nên Na cứ yên tâm nhé!
Em rơm rớm nước mắt nói:
- Vậy em cảm ơn thầy cô nhiều. Sữa, tã và đồ dự phòng của hai bé, em để hết trong chiếc túi hồng này nha. Có vấn đề gì thầy cô cứ vào ới em một câu là em chạy ra liền ạ.
Thầy cô xua tay ý bảo em mau đi đi. Em chạy vù lên giảng đường. Con Đậu vẫn đang thuyết trình. Thầy Tâm là giảng viên hướng dẫn của nó nên thầy tất nhiên không nằm trong Hội đồng giám khảo. Thầy ngồi ở hàng ghế thứ hai, chăm chú theo dõi học trò. Con Đậu đúng là con quái vật, giám khảo hỏi hóc búa cỡ nào nó cũng cân được tất. Nó được 9.75, nghiễm nhiên hất chị Lan K50 ra khỏi vị trí người đạt điểm đồ án tốt nghiệp cao nhất trong hệ Tài Năng. Con Kẹo không quá coi trọng điểm số, nó chỉ cần điểm đừng quá thấp để ba mẹ đỡ cằn nhằn nên nó cười toe toét khi biết mình được 8.5. Thằng Kiên và thằng Đạt cùng được 8.75. Đến lượt em, mặc dù đã tập thuyết trình trước gương cả trăm lần rồi nhưng em vẫn run kinh khủng. Trán em vã mồ hôi như tấm, giọng em lạc đi. Em lo lắng nhìn về phía thầy Tâm. Thầy trìu mến nhìn thẳng vào mắt em, như thể muốn trấn an em rằng không sao đâu, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Phong thái ung dung đĩnh đạc của thầy giúp em lấy lại bình tĩnh. Ở phần vấn đáp, mỗi lần trả lời xong một câu hỏi của giám khảo, em đều phải nhìn thầy, thấy thầy gật đầu, em mới tự tin.
Khoảnh khắc nghe cô Huệ thông báo điểm đồ án tốt nghiệp, em sướng phát điên. Ối dồi ôi! 9.25 luôn mới xịn chứ! Bằng xuất sắc em cầm chắc trong tay rồi, trên cả tuyệt vời mấy chị ơi! Thầy cô và bạn bè nô nức lao lên bục giảng chúc mừng em, chỉ duy nhất thầy Tâm là vẫn ngồi im ở vị trí cũ. Trước đó, thầy tặng cho Đậu, Đạt, Kẹo, Kiên mỗi đứa một bó hoa hướng dương luôn đấy ạ, mỗi em là không có hoa của thầy thôi. Chắc em ứ phải học trò cưng, chắc em chẳng làm thầy tự hào rồi, tủi thân ghê. Ôi dào! Có mỗi bó hoa thôi mà, người ta không tặng thì thôi, em cần quái gì phải để tâm? Mấy bông hoa hướng dương thì cũng có mài ra mà ăn được đâu nhỉ? Thôi! Chả thèm! Em tiu nghỉu ôm hoa và quà các bạn tặng về chỗ ngồi. Thầy bình thản đi xuống chỗ em khen ngợi:
- Rất tốt.
Giọng em phải gọi là chua như dấm:
- Vâng, hẳn là tốt nên mới ứ có bông hoa nào.
Thầy cẩn thận đặt chiếc hộp nhỏ hình vuông, màu đen vào trong ba lô của em. Em đợi mọi người tập trung nghe con Dung thuyết trình mới dám mở hộp, trông thấy chiếc lắc tay hoa đào, em sốc kinh khủng, suýt nữa thì reo lên rồi. Nó xinh dã man, siêu mảnh, và chỉ có duy nhất một bông hoa đào làm điểm nhấn thôi nên sang chảnh cực kỳ. Nhiều năm sau, trong một lần tới gia trang Tâm An cùng sếp, tình cờ xem được bản vẽ thiết kế chiếc lắc tay, em mới biết nó là hàng thủ công được làm từ vàng trắng, những viên đá đính vào cánh hoa đào chính là kim cương hồng. Em tò mò thắc mắc:
- Năm xưa, sếp tặng chiếc lắc tay hoa đào xa xỉ cho học trò, chẳng phải là quá lãng phí hay sao?
Sếp lắc đầu rồi từ tốn bảo:
- Vật chất vô tri, tâm ý xa xỉ. Năm xưa, em dựa theo khả năng của em, nỗ lực phấn đấu để tôi tự hào. Tôi dựa theo khả năng của tôi, nỗ lực chuẩn bị phần thưởng để tán dương em.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK