• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Mẹ Tú tiếp tục chất vấn em:

- Chị là con cái nhà nào? Cho tôi số điện thoại của ba mẹ chị để tôi nói chuyện cho ra nhẽ!

- Ba mẹ bỏ con lâu rồi cô. Từ nhỏ, con chỉ sống với bà ngoại thôi.

Ba mẹ em đi bước nữa từ đời tám hoánh nào rồi mà mỗi lần nhắc đến em đều thấy buốt tim. Hồi còn ở quê, em mà thấy đứa nào được ba mẹ đưa đi học là em ghen tị ghê lắm. Lên đại học, em vẫn chưa hết buồn mỗi lần ba mẹ bọn cùng phòng ghé qua ký túc xá thăm tụi nó. Ngay cả lúc này, chứng kiến thằng Tú có mẹ bảo vệ, em cũng không thể kiềm được nước mắt. Mẹ nó đang lo lắng cho nó đấy các chị ạ. Còn mẹ em? Mẹ em lấy chồng mới rồi, nhà chồng mới của mẹ chỉ ở cách nhà bà ngoại có một tiếng đi bộ, nhưng mẹ chưa bao giờ về thăm em cả. Hồi em lên cấp hai, có nhiều lần em nhớ mẹ, em mò tới nhà mẹ. Em cứ đứng trước cổng gọi to thật to:

- Mẹ ơi! Mẹ! Bé Na nè! Bé Na nè mẹ ơi!

Mẹ rõ ràng có trông thấy em, nhưng mẹ dắt ba đứa con riêng vào trong bếp rồi ngó lơ em luôn. Em đành lủi thủi đi bộ về nhà bà ngoại. Bà nom em tội tội liền sốt ruột hỏi han:

- Bé Na! Sao mắt con sưng húp lên thế?

- Bà ơi! Mẹ quên con rồi! Mẹ quên bé Na rồi bà ơi! Mẹ không thương bé Na nữa!

Em khóc tức tưởi. Em hiểu tường tận cái cảm giác bị bỏ rơi nó đau tới nhường nào nên sau này, cho dù thằng Tú năn nỉ em phá thai, em cũng nhất định không chịu. Em không thể bỏ rơi máu mủ của mình giống như cái cách mẹ em đã từng đối xử với em. Có con rồi cực lắm các chị ạ. Em đi làm công ty cũng bận nên mỗi ngày em chỉ tranh thủ được một lúc buổi tối khi hai bé đã ngủ để viết bài tâm sự. Bài của em đôi khi có ngắn thì các chị thông cảm cho em, chị nào thích đọc dài thì cuối tuần đọc một thể giúp em nha. Về vấn đề liệu em có được yêu cậu của thằng Tú mà hôm trước em lo lắng xong em hỏi các chị ý, thì run rủi thế nào chị gái sếp lại đọc được bài đăng của em. Chị cả chửi em bị khùng nên mới lo mấy chuyện không đâu. Em nhớ lúc đó là ba giờ sáng bên Mỹ mà chị cũng vùng dậy gọi điện kể chuyện:

- Bé Na ơi! Không phải lo nha bé Na! Thương em quá! Thằng Tú khờ có biết cái gì đâu, em tin lời nó làm gì? Cái An, mẹ thằng Tú có phải là em gái chị đâu mà em lo? Hồi đó, mẹ chị đúng là có mang bầu bé ba nhưng không giữ được, xong mẹ chị bị suy sụp tinh thần em ạ. Rồi cái cô bạn thân của mẹ nhân lúc mẹ đang yếu lòng, ngày nào cũng dắt con gái tới nhà chị chơi, còn ép con mình phải kêu mẹ chị là mẹ nữa. Có lần chị đang chơi trốn tìm với bé hai, tình cờ nghe được cô xúi cái An ngoan ngoãn lấy lòng ba mẹ chị để được nhận làm con nuôi, sau này còn được chia tài sản. Bọn chị chạy vào nhà mách ba mẹ luôn. Ba chị nổi điên đuổi cô và cái An về, mẹ chị thì vẫn còn bênh bạn lắm. Mãi đến khi cô bỏ cái An trước cổng nhà chị để sang Úc lấy chồng, mẹ chị mới "hốt cả hền".

- Thật hả chị? Cô An và sếp Tâm không phải chị em ruột ạ?

- Thật! Đời nào bà nội chị cho mẹ chị đặt tên cháu gái giống tên con trai bà. Con trai bà lúc nào cũng phải là nhất, em ạ. Hồi xưa, ba chị đi học mà bà cho diện đồ không ngày nào trùng ngày nào luôn đó em.

- Dạ, nhưng ba cô An đâu mà mẹ cô An lại để cô ý trước cổng nhà chị vậy ạ?

- Mẹ cái An trước khi lấy chồng cũng là mẹ đơn thân đó em, ba nó là ai thì chị chịu, cũng không có nhu cầu tìm hiểu. Ba chị ghét mẹ nó lắm, nên mặc kệ mẹ chị năn nỉ, ba chị vẫn nhất quyết không cho nó sống cùng nhà. Cái An ở với bà ngoại giống em đó. Mẹ chị thường xuyên gửi tiền trợ cấp cho hai bà cháu. Rồi những đợt giỗ chạp mà ba nó bận đi công tác, mẹ tội nghiệp nó thiếu thốn tình cảm nên toàn đón nó về nhà chơi thôi. Cái An sống ảo quá trời, đi đâu nó cũng khoe nó là chị ba của cậu Tâm. Riết rồi thằng con nó cũng tưởng thật gọi cậu út luôn. Đùa chứ nhiều người ngây thơ dã man, cái An học dốt như bò, lại còn trịch thượng khinh người nữa, thế mà họ cũng tin nó chung dòng máu với tụi chị. Sợ lắm luôn!

- Ôi! Em cũng là một đứa ngây thơ đây chị cả ơi! Chị có biết em bao nhiêu đêm ăn không ngon, ngủ không yên, khóc lóc khổ đau vì hiểu nhầm không? Sao chị không nói sớm chứ?

- Thì em có hỏi đâu mà chị nói?

- Nhưng em cũng có biết đâu mà hỏi huhu!

- Mà em cũng hâm, em độc thân, cậu út độc thân, kể cả Tú có là cháu của Tâm thật đi chăng nữa thì chị cũng thấy có sao đâu?

- Chị thấy không sao vì chị ở xa, ai dị nghị gì chị cũng không biết. Chứ em thì...

- Thì bịt tai lại, cuộc đời vô thường, lo cho cái hạnh phúc của mình trước đi em, đừng để tâm nhiều tới miệng lưỡi thiên hạ.

- Vâng. Chị đừng nói gì với sếp em nhé, tại em xấu hổ ý. Còn chưa là gì của nhau đã đăng bài như vậy, sợ sếp cười em thối mũi.

- Ôi dào! Sớm muộn rồi cũng là gì của nhau thôi. Cậu út vừa nhắn tin nhờ chị đặt mua nhẫn kim cương ở bên này mà, cỡ bự luôn nha. Em cẩn thận không lại bị cậu chơi cho cú sốc tim.

Em nghe chị cả tiết lộ mà hai má cứ nóng bừng lên ý, em thẹn thùng bảo chị:

- Chắc gì đã đến lượt em chị ơi, chị đừng quăng thính để em lại mất công cắn hụt! Tội nghiệp em lắm!

- Đến hay không thì sau này khắc rõ!

Nhân đây, em cũng xin được nhận lỗi luôn với mấy chị, tại em EQ thấp, không tinh ý khiến các chị lo lắng cho em. Em xin quay lại với câu chuyện bị mẹ Tú sỉ nhục trong vườn đào Tâm Tình ạ.

- Ối dồi ôi! Sống sao mà để ngay cả ba mẹ mình cũng không cần mình vậy hả? Vừa nhìn chị một cái, tôi đã biết là con nhà vô giáo dục rồi, ai ngờ trúng phóc!

Thằng Tú hùa vào cùng mẹ:

- Mẹ giỏi ghê! Con này siêu mất dạy luôn ý! Mẹ giúp con dạy lại nó thật ngoan đi mẹ! Chứ con thương nó nhiều mà nó cứ phũ con hoài, bực hết cả mình!

- Con trai mẹ cứ yên tâm, đâu khắc có đó.

Cô dỗ nó rồi quay sang hỏi em:

- Cho tôi số điện thoại của bà ngoại chị.

- Bà ngoại con già rồi, bà nghe mấy chuyện không vui như này bà tủi, bà khóc cả đêm mất. Cô thương con, cô tha cho con với cô ơi!

Em nài nỉ mà cô không chịu cho qua.

- Tôi không thể tha cho một đứa mất nết như chị được. Tôi mà không dạy chị thì rồi chị sẽ lại chơi đùa với con trai của những bà mẹ khác. Hôm nay, tôi coi như làm phước cho thiên hạ vậy! Chị có đưa số của bà ngoại chị ra đây không thì bảo?

- Thôi, cô ơi... cô tha cho con đi mà cô. Con biết sai rồi! Lần sau, con không dám trễ hẹn nữa đâu cô ơi.

- Đã bảo không tha là không tha mà. Chị đừng có nhì nhèo. Tôi nhìn đồng phục của chị là tôi biết chị học trường nào rồi đấy. Bây giờ, chị có để tôi nói chuyện với bà chị không hay là chị muốn tôi phải đích thân tới trường chị, tìm gặp giảng viên hướng dẫn của chị nhỉ?

Ở Tâm An, bọn em bắt buộc phải chọn giảng viên hướng dẫn ngay từ kỳ học đầu tiên. Mình thích chọn nhiều hơn một giảng viên hướng dẫn cũng được, nhưng các thầy có đồng ý hướng dẫn mình không mới là quan trọng. Hồi đó, trong số tất cả những sinh viên chọn thầy Tâm, có lẽ em là đứa ngu ngơ nhất. Ai đời gửi email cho giảng viên đề nghị một chuyện hết sức quan trọng mà em viết rõ chán đời:

"Thầy ưi! Thầy làm giảng viên hướng dẫn của em được khum?"

Email em viết không có tiêu đề, phần đầu không có kính gửi, phần cuối cũng không có trân trọng hay cảm ơn gì cả, cách dùng từ thì bỗ bã không chuyên nghiệp. Thầy Tâm viết email từ chối em lịch sự lắm luôn. Ngoại trừ sự chỉn chu chung mà tất cả những chiếc email về công việc đều nên có thì thầy đưa ra ba ý chính. Đầu tiên, thầy cảm ơn em đã đưa ra lời đề nghị. Sau đó, thầy thẳng thắn bảo rằng thầy không thể trở thành giảng viên hướng dẫn của em vì thầy muốn được đồng hành cùng những sinh viên có kỹ năng mềm tốt. Cuối cùng, thầy mong em thông cảm cho thầy và chúc em một tương lai rộng mở. Khi ấy, em mới chân ướt chân ráo lên thành phố nên còn con nít lắm, em không những giận thầy mà còn mách chị Thảo nữa. Cơ mà ứ được chị Thảo bênh.

- Thầy Tâm còn tốt chán, phải chị có mà chị tống luôn cái email của mày vào sọt rác rồi.

- Chị cứ làm quá! Em thấy nói thế nào viết như vậy cho nó thân thiết, khách sáo quá làm gì?

- Chị lạy mày! Mày lại ối dồi ôi hơn chị tưởng đấy em ạ. Lên mạng học lại kỹ năng viết email ngay lập tức. Đừng để tới lúc ra trường rải CV trăm chỗ không nơi nào nhận mới thấy nhục dần đều.

Em đã vâng lời chị Thảo lên mạng tìm hiểu và em đã nhận ra thiếu sót của mình. Em đã rất nỗ lực trong công cuộc phát triển bản thân. Tuy nhiên, buổi đầu tiên học thầy Tâm, em đã áp dụng hơi thái quá. Thầy chỉ hỏi em có hiểu bài không mà em đứng dậy lễ phép đáp:

- Kính thưa thầy Hoàng Bách Tâm, đối với câu hỏi của thầy, em xin được phép trả lời rằng em có hiểu bài ạ. Lý do em cũng xin phép được đưa ra ở đây luôn. Lý do thứ nhất là thầy giảng bài rất dễ hiểu, cách thầy dẫn dắt khiến em dễ dàng nhận ra vấn đề. Lý do thứ hai là giáo trình thầy viết rất rành mạch, em đọc chữ nào thấm chữ ấy. Lý do thứ ba là em chăm chỉ, tối qua em đã xem bài trước khi đi ngủ. Em xin hết. Trân trọng. Kiều Niên Ý!

Bọn lớp em cười sặc tiết luôn các chị ơi. Con Kẹo tuy cũng không nhịn được cười nhưng vẫn nói đỡ cho em:

- Thầy và các bạn thông cảm, bé Na ở trên núi từ nhỏ, mới được xuống thành phố nên hơi ngơ.

Chả biết có phải do thương em bị ngơ không mà cuối giờ thầy gọi em lại rồi hỏi em có muốn nhận thầy làm giảng viên hướng dẫn nữa không? Em phấn khởi nói:

- Kính thưa thầy Hoàng Bách Tâm, đối với câu hỏi của thầy, em xin được phép trả lời rằng em có muốn nhận thầy làm giảng viên hướng dẫn ạ. Lý do em cũng xin phép được đưa ra ở đây luôn. Lý do thứ nhất là vì em vẫn chưa có giảng viên hướng dẫn. Lý do thứ hai là qua buổi học đầu tiên, em thấy thầy là người có năng lực. Lý do thứ ba thì hiện tại em chưa nghĩ ra. Em rất lấy làm tiếc vì sự chậm trễ này. Em mong thầy hết sức thông cảm cho em. Em xin hết. Trân trọng. Kiều Niên Ý!

Thầy Tâm không cười cợt em như bọn bạn, nhưng hình như khoé môi thầy hơi cong lên. Rồi thầy bảo em nói chuyện thì không cần quá kiểu cách. Em thở phào nhẹ nhõm, tại em cũng thấy nói như vậy rất mệt người. Thầy Tâm hiếm khi nổi nóng nên hay bị học trò trêu lắm. Thi thoảng, em cũng thích trêu thầy, nhưng thế không có nghĩa là em không sợ thầy. Em cực kỳ sợ làm thầy thất vọng đó mấy chị. Em thề là mẹ Tú có chửi em thế hay chửi em nữa thì cũng không thể khiến em hoảng hốt bằng một cái nhíu mày tỏ vẻ không hài lòng của thầy Tâm đâu ạ. Cô mà tìm đến trường thì thôi đời em tàn. Rồi trong mắt thầy Tâm, em sẽ trở thành loại con gái như nào chứ? Là cái loại vừa không có ý chí học tập, vừa không có chữ tín ạ? Ôi sao mà em khổ thế? Ôi sao mà em tưởng như em đang đứng giữa hai cái hố sâu, nhảy xuống cái nào cũng toi đời luôn vậy? Đúng cái lúc em đang rối hết cả trí thì có bóng dáng quen thuộc lướt qua. Thầy em đấy các chị ạ. Đèn trong vườn đào có mờ thế hay mờ nữa thì em cũng nhận ra thầy thôi, tại làm gì có ai đạp xe mà trông thong dong, tự do, tự tại thế kia? Mẹ Tú gào ầm lên:

- Cậu út! Cậu út! Dừng lại! Chị ba nè cậu út! Cậu út ơi!

Em tưởng có cái loa đang phát bên tai mình ý chứ. Em mong lắm thầy cứ thế mà đi thẳng. Nhưng không, thầy em quay xe rồi các chị ơi. Thôi! Đời em... xong rồi.

- May quá cậu út đây rồi! Cho chị ba hỏi tí việc!

Trái với cái vẻ sồn sồn của cô An, thầy Tâm đủng đỉnh dựng xe rồi mới từ tốn hỏi:

- Có chuyện gì vậy chị?

- Chị đang điên quá là điên đây này! Cái con bé này nó dám quên hẹn, hại thằng cháu cưng của cậu phải đợi mấy tiếng đồng hồ.

Thầy Tâm chau mày hỏi:

- Chị vẫn chưa nói cho Tú biết sự thật à?

Cô An nói thầm vào tai thầy Tâm cái gì đó. Thầy thở dài gật đầu. Đoạn này em cũng không tinh ý nha mấy chị, lẽ ra em phải nghi ngờ về thân thế của thằng Tú rồi. Nhục ghê, mấy chị chửi em thì em cũng xin chịu. Cô An tiếp tục mách thầy:

- Cậu nom thằng bé kìa! Người không ra người, ngợm không ra ngợm! Chị xin số điện thoại của bà ngoại của con bé này mà nó nhất định không chịu đưa. Cậu giúp chị điều tra xem giảng viên hướng dẫn của nó là ai nhé!

- Chị cần tìm giảng viên hướng dẫn của em ấy làm gì?

- Để trao đổi nhờ người ta dạy dỗ lại nó chứ còn để làm gì nữa?

- Vâng, em đây. Có gì chị trao đổi đi ạ.

- Cậu á? Cậu đùa chị hả? Chị nghe nói hiện tại cậu chỉ làm giảng viên hướng dẫn cho năm sinh viên thuộc hệ Tài Năng thôi mà.

- Vâng, không sai.

Cô An há hốc hỏi thầy Tâm:

- Con này á? Cái loại rẻ rách này mà cũng đòi học hệ Tài Năng hả?

#11

- Vâng.

- Cậu có nhầm không thế?

- Em không nhầm thưa chị.

- Nó có giải Quốc gia à?

- Dạ, không. Sinh viên của em đỗ Á khoa Đại học Tâm An với số điểm 29.25. Sau đó, trong vòng thi tuyển vào hệ Tài Năng, em ấy đạt điểm tuyệt đối nên được chọn.

Em không ngờ thầy Tâm nắm được những thông tin đó luôn. Cô An bớt khinh em hơn hẳn, cô chẹp miệng ca thán:

- Học hành cũng đâu đến nỗi mà cái nết chướng thế!

Thầy Tâm nhẹ nhàng phân tích:

- Về vấn đề trễ hẹn thì đúng là sinh viên của em sai thưa chị. Nhưng việc ngồi đợi bạn là lựa chọn của Tú, không thể đổ hết lỗi cho người khác được.

- Thì thằng cháu cậu giữ chữ tín nên nó mới đợi chứ. Mấy ai tốt được như nó? Là tại con bé này không biết điều thôi.

- Như vậy là dại chứ không phải tốt thưa chị. Giả dụ hôm nay sinh viên của em không tới thì sao ạ?

- Thì con sẽ đợi bé Na cả đời luôn đó cậu út, dẫu có thành cái xác khô con cũng phải đợi nó cho bằng được.

Thằng Tú gào lên. Cô An chợt nhận ra vấn đề, cô nẫu nề ca thán:

- Cậu nói không sai mà, con dại cái mang thế này có tội nghiệp chị không cơ chứ? Chị khổ quá cậu ơi! Sao chị lại đẻ ra thằng con khờ khạo hết phần thiên hạ vậy hả?

- Thì đâu ai hoàn hảo đâu chị, tuy Tú khờ nhưng được cái đẹp giống chị mà.

- Cậu chỉ được cái nói chuẩn, thế nên chị mới thương cậu vô cùng luôn đấy!

Eo! Thầy Tâm giỏi thao túng tâm lý dã man luôn đó mấy chị. Cô mới đó đã hết sầu khổ, vui vẻ đề nghị:

- Cậu về chưa? Để xe đạp vào cốp, chị chở cậu về nhà!

- Em tưởng chị muốn em dạy dỗ lại sinh viên?

- Ờ đấy! Tí thì chị quên! Thôi, cậu út bớt chút thời gian giáo huấn lại con nhỏ này giùm chị nha. Phải dạy dỗ nó cẩn thận để tương lai nó không hại đời con trai nhà lành. Coi như làm phúc cho thiên hạ, cậu ạ.

- Vâng.

Thầy vâng đại vậy thôi à, cô và Tú về rồi thầy cũng chả dạy dỗ gì em cả. Em sốt ruột đề nghị:

- Thầy! Em sai rồi. Có gì thầy cứ chỉ dạy, em xin tiếp thu. Thầy đừng ghét em là được.

Thầy nhẹ nhàng bảo:

- Trải qua tình huống vừa rồi, tôi tin rằng em đã có bài học của riêng mình, không cần nhắc lại chuyện đã qua nữa.

- Dạ. Hình như thằng Tú bao trọn vườn đào rồi đó thầy! Bác bảo vệ biết thầy là cậu của nó hay sao mà bác cho thầy vào?

Ngày ấy, em không biết chủ của vườn đào Tâm Tình là ai nên em hỏi hơi ngu. Thế mà thầy cũng gật đầu mới sợ chứ. Em vui vẻ bảo thầy:

- Nếu không còn chuyện gì nữa thì thôi em xin phép thầy, em đi ngắm vườn đào tí, đằng nào cũng tới đây rồi.

Hoa đào buổi tối không được rực rỡ như lúc tắm mình trong nắng ấm, nhưng được đi thơ thẩn trong vườn đào, lòng em bình yên lạ kỳ. Em đang hạnh phúc thì thầy Tâm đạp xe đi ngang qua, đủng đỉnh tâm tình:

- Vườn đào này hơi nhiều âm hồn, nếu em có duyên được gặp gỡ các bạn ấy thì giúp tôi gửi lời chào nhé!

Ủa? Gì vậy? Chào bạn nào vậy thầy? Bạn ma á? Chao ôi! Em mà gặp bạn ma thật chắc em xỉu ngay và luôn chứ còn chào hỏi gì nữa. Em sợ xoắn cả quẩy. Thầy thì vẫn thản nhiên đạp xe đi phía trước. Em chạy như một con điên đuổi theo thầy, hoảng loạn gọi toáng lên:

- Thầy! Thầy! Đợi em với thầy ơi!

- Thầy ơi! Em hẵng còn trẻ! Thầy thương em tí thầy ơi!

- Thầy! Cho em đi nhờ với! Có gặp ma thì gặp cùng nhau đi thầy! Diễm phúc lớn như vậy, một mình em không hưởng hết được đâu thầy ơi!

- Thầy ơi! Kiếp này cho em đi nhờ xe, kiếp sau em làm thân trâu ngựa báo đáp!

- Thầy ơi! Bước chân em mỏi mệt rồi! Dừng lại đi thầy! Làm người ai làm thế hả thầy?

Thầy không hề đạp xe nhanh, rõ ràng em và thầy luôn ở khoảng cách rất gần nhau. Vậy mà em gào khản cổ, thầy mới dừng lại. Em mừng huýnh nhảy lên xe thầy. May quá! Có thầy đi cùng, đỡ sợ! Em giữ ý bám tay vào yên sau, vô tư tám chuyện:

- Em thấy Tú lái siêu xe rõ ăn chơi mà thầy lại giản dị.

- À, tại tôi cũng không giàu lắm, lương ba cọc ba đồng ấy mà.

EQ của em thấp, em có nhận ra thầy đang khiêm tốn đâu. Em áy náy quá chừng, em cứ sợ em mồm nhanh hơn não làm thầy buồn nên em động viên:

- Vâng, nhiều khi không phải người thân của mình giàu thì mình cũng giàu. Tiền do ai kiếm ra là của người đó, mình không ăn bám ai là được, thầy nhỉ?

- Ừ.

- Nhưng mà sao thi thoảng thầy tiêu hoang thế? Lần nào đến quán cơm Tâm An, thầy cũng ngồi phòng VIP thôi à.

- À, tại tôi có mã khuyến mại.

- Thảo nào. Em cũng hay săn mã khuyến mại lắm. Kinh tế hạn hẹp thì phải tìm cách khắc phục thôi chứ biết làm sao? Giống như thầy đó, thầy không có siêu xe thì thầy đạp xe coi như tập thể dục cũng được mà.

- Ừ.

- Ơ nhưng mà bây giờ thầy còn độc thân thì mọi chuyện nó đơn giản á... chứ mai này có gia đình rồi, nhỡ mà vợ thầy đẻ hai con thì một cái xe đạp không chở hết được cả nhà bốn người đâu ạ.

- Vậy phải mua xe máy hả em?

- Xe máy rất tốt, nhưng phải hôm trời mưa thì cũng cực. Cơ mà lương thầy ba cọc ba đồng thế thì cũng chẳng mua được xe bốn bánh. Tại đâu phải mua về là xong đâu, còn tiền xăng xe, chi phí lúc hỏng hóc nữa chứ. Ôi dào! Đủ thứ để lo! Thôi, thầy cứ phấn đấu mua cái xe máy thôi cho đỡ áp lực, hôm nào mưa thì thầy đưa vợ con lên xe buýt. Thầy thấy em tính vậy đã hợp lý chưa ạ?

- Hợp lý rồi em.

- Ơ... từ đã.. em lại nghĩ ra một sáng kiến nữa rất hay nhé! Hồi đầu năm, cựu sinh viên về trường, em để ý thấy có mấy chị thành đạt mê thầy lắm, liếc trộm thầy suốt thôi à. Thầy chỉ cần gật đầu cái có mà mấy chị ấy lao vào hốt thầy luôn ý chứ. Như vậy thì sẽ không phải lo về kinh tế nữa thầy ạ. Thầy chỉ cần làm chỗ dựa tinh thần cho bà xã mình thôi.

- Chỉ đơn giản vậy thôi hả em?

- Dạ. Thầy là người có nhan sắc mà, thầy phải biết tận dụng ưu thế chứ!

- Vậy giả như sau này em cũng thành đạt như mấy chị ấy, liệu rằng trong mắt em, nhan sắc của tôi có trở thành ưu thế?

Chỉ là một tình huống giả tưởng thôi mà má em nóng bừng luôn mấy chị ạ. Em cứ ấp úng ngập ngừng mãi không sao trả lời được. Thầy nhẹ nhàng bảo em:

- Cái gì khó quá thì tạm bỏ qua đi em.

- Dạ.

Thầy không hỏi gì thì em tưởng em phải bớt ngại, ai dè em ở trong khoảng lặng cùng thầy lại càng bối rối hơn. Em kiếm chuyện nói đại:

- Câu hỏi kia em không biết đáp án nhưng em dám chắc sau này chị nào được thầy yêu thì chị ấy sẽ không bao giờ phải lo bị tủi thân. Tại thầy có tấm lưng rất vững chãi, có thể cho chị ấy dựa vào bất cứ lúc nào.

Nhiều năm sau, khi mà em đã trở thành nhân viên của thầy, trong một lần đi gặp đối tác về, sếp áy náy bảo em:

- Xe tôi hỏng rồi.

Em như con ngơ thắc mắc:

- Rolls-Royce mà cũng bị hỏng á sếp?

- Nó cũng chỉ là một chiếc xe thôi mà.

- À vâng, em quên khuấy mất.

- Em có ngại đi xe đạp không?

Em rất muốn bày tỏ rằng chỉ cần được đi cùng sếp thì dẫu phải trèo đèo lội suối em cũng ứ ngán. Ngặt nỗi, em thẹn thùng nên em chỉ ỏn ẻn bảo:

- Dạ. Em rất là không ngại ạ.

- Vậy tôi đèo em về.

- Dạ. Em cảm ơn sếp ạ.

Vâng, rồi chả hiểu sao đường về nhà em thì thẳng tắp mà sếp lại phải đi vòng qua vườn đào Tâm Tình các chị ạ. Em kiểu nhân viên ngoan mà, sếp đi đường nào thì nó là đường đúng thôi, cấm ý kiến. Em và sếp tám chuyện một hồi, tự dưng sếp hỏi:

- Năm xưa, em nói tôi có tấm lưng vững chãi, em còn nhớ không?

Em ngượng ngùng đáp:

- Dạ... em... nhớ ạ.

- Bây giờ, em còn thấy thế nữa không?

- Dạ? Gì cơ ạ?

Sếp không nhắc lại câu hỏi, chắc sếp không muốn làm em khó xử. Nhưng mà không phải em thấy khó xử, em chỉ bị xấu hổ thôi. Em lí nhí cho sếp biết đáp án:

- Dạ... em... còn thấy thế ạ.

- Thấy gì vậy em?

- Ơ... thì sếp vừa mới hỏi đó...

- Tôi quên rồi.

Ủa? Vừa mới đó đã quên rồi á? Thật không ạ? Lúc làm việc em thấy sếp minh mẫn thế cơ mà? Sao bây giờ sếp đãng trí vậy? Thôi, kệ đi! Cãi sếp làm gì cho thiệt thân. Em ngượng nghịu bày tỏ:

- Dạ... hiện tại... em vẫn thấy sếp có tấm lưng vững chãi ạ...

Sếp đủng đỉnh hỏi em:

- Nếu đã là như vậy, tại sao em không dựa vào?

Em thề với mấy chị là em muốn đấm cho sếp một trận lắm ý. Đùa chứ yêu đơn phương đã khổ bỏ xừ rồi, tối ngày còn cứ phải trả lời mấy câu hỏi mang tính sát thương cao "dư thế lày" thì ai mà chịu cho nổi? Sếp khôn hồn thì sếp im ngay đi không em lại rồ lên xong em khoá môi sếp bây giờ!

#12

Hiển nhiên là em chỉ có gan nghĩ láo chứ em đâu dám nói láo trước mặt sếp. Mất việc như chơi chứ đùa à. Tính em cũng yếu mềm lắm cơ, đi làm lo phật lòng sếp, hồi sinh viên thì sợ thầy có cái nhìn không tốt về mình. Thầy vừa đèo em ra khỏi vườn đào, em đã tỏ vẻ tế nhị đề nghị:

- Thầy! Thầy thả em ở bến xe buýt là được rồi ạ.

Rõ ràng thầy làm theo ý em nhưng em lại thấy không vui. Em quên béng luôn lời bà dặn con gái phải giữ ý, em nhanh nhảu bảo:

- Còn tận ba phút nữa xe buýt mới tới cơ thầy ạ. Đợi lâu quá em sợ về muộn, ký túc xá đóng cửa thì toi.

Nói xong em mới nhận ra mình bị ngơ nặng, đợi ba phút rồi đi xe buýt thì vẫn nhanh hơn đi xe đạp chứ. Thế nào mà thầy cũng không bắt bẻ gì cả, thầy chỉ bảo:

- Tận ba phút thì có hơi lâu thật.

Ơ hay? Thầy cũng bị ngơ theo em rồi à? Kiểu gần mực thì đen luôn rồi á mấy chị, chắc nói chuyện với em một lúc xong não bộ của thầy cũng chậm luôn rồi đấy. Em kệ luôn, em chớp thời cơ nhảy lên xe. Thầy chẳng hề mắng em tự nhiên như ruồi, chỉ hiền hiền đưa em về. Chả biết chỗ các chị thế nào chứ xung quanh ký túc xá trường em có ti tỉ xe bán đồ ăn dạo. Năm ngoái còn có mấy xe bán sách giả nữa cơ ạ, em bị lừa mua hơn chục quyển mới cay chứ. Em rủ con Kẹo đi gõ cửa hết tất cả các phòng trong ký túc xá để cảnh báo mọi người. Được cái sinh viên trường em có ý thức rất cao, mấy xe sách giả bị ế xong mất hút luôn. Bây giờ chỉ còn mấy xe bán sách thật thôi ạ, làm ăn tử tế thì mới tồn tại được lâu chứ. Em mê sách lắm, em mê cái mùi thơm của giấy, mê cảm giác chạm vào từng trang sách, mê cả những điều tuyệt diệu mà sách đem lại cho em.

Anh Linh khuyên em nên chịu khó đọc sách trong thời gian rảnh thay vì bỏ phí hàng giờ đồng hồ mỗi ngày để lang thang trong các hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội. Mấy năm sinh viên tưởng dài nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại nhanh lắm, đừng để khi người khác đã đạt được tất cả những thứ họ muốn rồi, mình vẫn chỉ là một kẻ vô danh ôm trong tim nỗi ẩn ức của sự thất bại. Chị Thảo dặn em rằng nếu có kẻ nào chơi bẩn em thì em càng phải nỗ lực để giỏi hơn, thành công hơn và rực rỡ hơn nó. Bởi vì đối với những viên đá xấu xí chuyên đi cản đường người khác, thành công của em chính là nỗi đau vạn kiếp của chúng. Em vui vẻ kể cho thầy Tâm nghe lời răn dạy của anh chị. Thầy lo em nói nhiều khát nước hay sao mà mua cho em một cốc trà sữa. Đồ uống ở khu sinh viên so với mặt bằng chung thì không đắt, nhưng em vẫn ngại ngùng đề nghị:

- Thầy cho em gửi tiền ạ.

- Không cần, tôi mời em.

- Thôi, lương thầy có ba cọc ba đồng, thầy tiết kiệm đi để sau này còn lấy vợ ạ.

Em khuyên nhủ. Thầy chau mày hỏi:

- Phải có tiền mới lấy được vợ hả em?

- Vâng thầy, tiền sính lễ, tiền cỗ cưới, tiền thuê váy cưới, tiền trang điểm... ôi trăm thứ bà giằn thầy ơi!

- Sao em bảo tôi có thể tận dụng nhan sắc của mình để lấy vợ giàu?

- Thì là thế! Nhưng không lẽ có mỗi cái sính lễ thầy cũng để vợ lo à? Rồi hàng xóm láng giềng người ta cười cho thối mũi.

- Vậy hả em? Sợ thật đấy!

Thầy kêu sợ mà giọng thầy cứ bình thản như kiểu trêu em ý. Em nhét tiền tờ hai mươi nghìn vào túi áo thầy rồi nghiêm túc phân tích:

- Chị em phụ nữ thì rõ ràng có nhiều chuyện thiệt thòi, nhưng đàn ông cũng có những áp lực riêng của các anh. Nói chung đã là con người sống trên đời thì ai cũng cần cố gắng thầy ạ. Thôi, em xin phép thầy em lên phòng, thầy về cẩn thận nha.

Em về đến phòng mới phát hiện ra trong túi áo mình có tờ hai mươi nghìn. Ghét thầy ghê, thầy trả lại lúc nào mà nhanh thế?

- Ối dồi ôi! "Tà tữa"! "Tà tữa" chúng mày ơi!

- Eo ui! Cái mồm kêu ghét anh Tú mà vẫn cái mồm đấy hút trà sữa của anh cứ chùn chụt chùn chụt ra ý.

- Bé Na giờ đã không còn là bé Na của ngày xưa nữa rồi. Người ta cũng biết học nấu cơm nè, biết đi hẹn hò nè, rồi có khi người ta còn biết "chống lầy" nữa cơ.

Cái bọn phòng em chỉ giỏi suy diễn linh tinh. Em tức mình đính chính:

- Các chị không biết thì các chị ngậm mồm lại cho nó sang đi! Trà sữa nào của thằng Tú? Vớ vẩn.

Con Kẹo vặn vẹo:

- Thôi. Im ngay! Khỏi làm màu! Bà mày chả biết thừa rồi! Rõ ràng đi hẹn hò với thằng Tú, trà sữa không nó mua thì ma mua cho mày hả? Khai mau! Mê nó rồi chứ gì?

Con Mía cảm thán:

- Gớm! Bé Na cứ chê ỏng chê eo anh Tú cho lắm vào, rồi cũng ngả nghiêng nghiêng ngả vào lòng anh thôi. Tình hình này có khi tuần sau tao phải kiếm việc làm thêm gấp chứ đi ăn cưới nhà đại gia mà bỏ phong bì có hai cành lại sợ hơi phèn!

- Thôi con lạy mấy mẹ! Chả biết cái cóc khô gì mà làm như nhà thông thái không bằng. Bà mày mà phải bước chân vào nhà thằng Tú thì chắc kiếp trước tao cũng gây nghiệp lắm ý chứ chẳng vừa. Bố khỉ cái loại "mama boy" chính hiệu, chả có cái vẹo gì cũng mách mẹ.

Em vừa dứt lời thì con Su lồng lên như một con sư tử bị nhốt vạn năm mới xổng chuồng. Nó chửi em như hắt nước vào mặt:

- Mách mẹ thì đã làm sao? Mày không được mẹ thương nên mày ghen với thằng Tú hả? Cái loại hẹn người ta xong tỉ năm sau mới vác mặt đến như mày chưa bị đấm cho sưng mỏ là may rồi, không biết hối lỗi thì thôi, còn đi nói xấu nạn nhân, rõ tởm!

Em bực mình gào lên:

- Gì mà mày căng thế? Thằng Tú lại nhắn tin tỉ tê gì với mày rồi hả? À! Bây giờ thì tao đã hiểu! Nó không chỉ có mẹ An, nó còn có mẹ Su nữa nha! Được hai mẹ bênh thế này thì nhất anh Tú!

Con Su điên người nắm tóc em doạ nạt:

- Mày có tin tao ném mày xuống tầng một không hả?

- Tao lại sợ mày quá cơ! Mày giỏi mày ném hộ chị cái! Chả biết đứa nào rơi xuống trước đâu em ạ!

Con Kẹo nhảy vào can ngăn:

- Thôi! Tao lạy hai đứa mày! Muốn quản lý lên rồi viết bản kiểm điểm cả lũ à? Con Na ngậm mồm lại cho sang. Cả con Su nữa, con Na chỉ tám chuyện vui thôi mà sao mày nhạy cảm quá vậy?

- Mày thân với nó thì chả bênh. Nó chê thằng Tú mách mẹ, thế có chuyện gì nó không mách mày hả? Đúng là chó chê mèo lắm lông. Cái ngữ mất dạy như con Na phải bị trai cho leo cây cả ngày mới sáng mắt ra.

Con Su chỉ trích em xong nó lại lăn ra khóc rưng rức hại em hoang mang dễ sợ. Phòng em có bốn đứa, Kẹo, Mía, Su và em. Khu B6 toàn nữ, tuy người ngoài không được phép ở lại qua đêm nhưng người trong cùng khu thi thoảng qua phòng của nhau xem phim xong ngủ lại cũng chẳng ai cấm. Con Su giận em, nó ôm chăn gối sang phòng 210 ngủ rồi. Đổi lại, con Giấy qua phòng em, nhưng nó chê giường con Su như cái ổ chuột nên nằm ôm con Mía tám chuyện rôm rả. Tuần này là tuần lễ húp cháo chửi hay sao ý, khách đến quán ăn cơm thôi mà cũng ngứa mắt với em. Khổ, em có làm gì đâu cơ chứ, em chỉ nhẹ nhàng nhắc con Lu Lu không được livestream trong quán thui mừ nó cũng quát ầm lên:

- Mày im đi! Quản lý quán cơm còn chưa lên tiếng thì con nhân viên quèn như mày không có cửa ý kiến, nghe chửa?

Em sôi máu đôi co:

- Ừ, bà mày chỉ là con nhân viên quèn thôi đấy, thì sao? Ít ra tao cũng không bẩn đến mức tự giật tóc mình bỏ vào đĩa đậu sốt cà chua rồi vu vạ cho quán cơm nhà người ta để câu tương tác.

Con Lu Lu ăn vạ luôn trên live:

- Đấy! Các cậu xem! Đồ ăn thì dở, nhân viên thì đổ điêu vu vạ cho khách, sợ ghê ý! Lu Lu chưa bao giờ có trải nghiệm tệ như vậy luôn. Tháng trước, Lu Lu kêu gọi mọi người tẩy chay quán cơm Tâm An, nhiều bạn mắng Lu Lu ác, giờ các bạn xin lỗi Lu Lu vẫn còn kịp đấy ạ.

- Gớm thôi! Mày có thực sự hiểu khái niệm tẩy chay là gì không đấy? Tối ngày đi khắp cõi mạng rải bài kêu gọi tẩy chay mà ngày nào cũng vác cái mặt đến quán xong ăn đẫy cả mồm ra thế hả?

- Ơ cái con nhân viên này nói hay nhỉ mọi người nhỉ? Lu Lu không tới quán thường xuyên thì làm sao biết thức ăn dở mà chê?

- Tao ạ mày. Tư duy "lạ lùng" ghê. Dở mà có cái bát canh cua cũng húp không sót giọt nào thế hả? Đã nghiện lại còn ngại. Sĩ vừa thôi! Có chê thế chê nữa thì cũng không làm cái mồm mày sang lên được đâu.

Trong thực tế, em không dùng từ "lạ lùng" đâu ạ, em chỉ tỏ vẻ ngoan ngoãn trước mặt các chị thôi. Anh Linh quát ầm lên:

- Na! Mau xin lỗi khách!

- Anh đã biết đầu đuôi câu chuyện chưa mà đã bắt em xin lỗi như đúng rồi thế?

- Anh không cần biết. Anh đã nhắc nhở mày từ vụ của thằng Tú rồi, sao mày mãi không khôn ra được thế? Khách hàng là Thượng đế. Mày đôi co với khách là mày sai. Mau xin lỗi cho nó thơm thảo cái đã, rồi có gì hai bên từ từ nói chuyện.

- Ứ thích.

- Ơ kìa! Anh không bảo được mày hả? Ứ thích xin lỗi thì thích bị đuổi việc à?

Doạ em cơ đấy, em sợ chắc? Em tháo tạp dề vứt lên bàn, hắng giọng gọi:

- Phục vụ! Đem cho chị Na món đắt nhất của quán lên đây!

- Con điên kia! Mày giỡn mặt với anh đấy hả?

Anh Linh cáu điên. Em tỉnh bơ bảo:

- Ơ kìa? Chú Linh! Chú quên bây giờ chị là khách hả? Chú cũng quên luôn khách hàng là Thượng đế rồi sao? Chú ăn nói với Thượng đế như thế là không có được đâu nha!

Thầy Tâm mà không xuất hiện chắc anh Linh đấm vỡ mỏ em mất. Em hồ hởi gọi thầy:

- Thầy! Thầy! Bữa nay, thầy lại săn được mã khuyến mại ạ?

Thầy bình thản gật đầu. Em tò mò hỏi:

- Thầy được khuyến mại bao nhiêu phần trăm?

- 100%.

Khiếp người! Em liếc qua cái phiếu giảm giá của mình, hổ thẹn trình bày:

- Bách Tâm công tử! Tại hạ lúc săn được chiếc mã giảm 70%, cứ ngỡ mình đã thuộc hàng cao thủ, ai ngờ so với công tử vẫn chỉ là hạng tép riu. Có thể nói, xét về bộ môn săn mã khuyến mại thì e rằng người trong thiên hạ không ai qua mặt được công tử.

Thầy nhìn em như thể muốn hỏi con khùng này chui từ đâu ra vậy? Em cười hì hì đổi cách xưng hô:

- Giờ cơm đã tới, thôi thì em mời thầy lên lầu, chúng ta cạn chén nước lọc, bàn chuyện tứ phương.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK