Em như đứa con nít nhũng nhiễu:
- Ứ thích ngoan! Thích ra sân bay cơ! Lòng đã nặng như bị đá đè rồi, nặng thêm tí nữa cũng chả sao sất!
- Đừng bướng nữa mà.
- Vâng, em bướng, còn thầy thì keo kiệt. Đằng nào cũng tiện xe mà ứ chịu cho người ta đi nhờ. Ghét!
- Ừ... thì ghét.
- Ghét thật á, giọng nói rất rõ ràng rành mạch, không hề có tí ỏn ẻn nào luôn.
- Ừ.
- Ừ với chả ầm, lần sau đang đi công tác mà dám bay về Hà Nội thì liệu thần hồn với em. Em ứ thèm gặp đâu, cho thầy mất công di chuyển mà chẳng được cái cóc khô gì cả.
- Em không sốt ruột nữa à?
- Ai dại thì người ấy tự chịu, có gì đâu mà em phải sốt ruột?
- Ừ. Tôi dại. Tôi chịu.
- Vâng. Lớn rồi, phải học cách đưa ra những quyết định ít rủi ro, thầy ạ.
- Dạ vâng, thưa em.
Em mua cho thầy một gói xôi ngô ở gánh hàng rong ven đường rồi như con yêu quái gầm gừ:
- Không biết điều ăn xôi cho ấm bụng thì sẽ được ăn đòn!
- Em nỡ đánh tôi à?
- Sao mà không nỡ?
- Tôi sẽ đau đấy!
Cái thầy này nữa, rõ ràng là nói đùa nhưng mặt cứ nghiêm túc, nom cứ tội tội, hại em ứ thể nào mà vênh váo được.
- Đau thì thôi... ứ thèm đánh nữa.
Em thẹn thùng chạy vụt lên nhà. Bình và Yên vẫn đang say giấc nồng. Bà Nương đứng tập thể dụng trên ban công dường như đã nắm được toàn bộ thế sự diễn ra ở bên dưới. Bà ca thán vu vơ:
- Khiếp thôi! Tự dưng thèm ăn xôi ngô thế nhờ!
Em biết điều chạy đi mua thêm một gói xôi ngô nữa mà bà vẫn chưa hài lòng.
- Gớm! Đưa xôi cho ai kia thì tinh tế dịu dàng mà đưa xôi cho mình thì cứ như quẳng vào mặt.
Em điên người phản bác:
- Này nhá! Chị đừng có cậy già mà ăn không nói có nhá! Em như con tiện tì, hai tay cầm nắm xôi dâng lên cho chị, kính cẩn lễ phép thế rồi chị còn muốn gì nữa?
- Khiếp! Quát cơ đấy! Quát to thế! Sợ ghê! Xôi dâng bằng tay chứ có phải dâng bằng tim đâu mà tinh tướng.
Tức ghê cơ. Bảy giờ sáng, ông Tựa vừa đem mấy tải rau lên, em liền chớp cơ hội phản đòn:
- Ôi chao ôi! Có khi em chả đi du học nữa đâu.
Bà Nương giãy nảy:
- Chị uống lộn thuốc hả? Lơ mơ tôi lại vả cho toè miệng bây giờ! Mất bao nhiêu công chuẩn bị hồ sơ, giờ gạo sắp nấu thành cơm rồi lại ngúng nguẩy như con rồ thế?
- Vâng, em xin phép được nói thật với chị rằng thì mà là... cứ nghĩ đến cảnh chị một thân một mình ở nhà chăm chắt, em lại rồ lên. Em lo ghê ý.
- Ôi dào! Lo vớ lo vẩn! Ngày xưa nuôi chị thì không một mình hử?
- Ngày xưa khác, ngày xưa còn trẻ. Ngày nay... cũng hơi già rồi.
- Gớm thôi! Vừa hôm trước khen bà yêu từ ngày lên thành phố, da dẻ hồng hào, sung sức dẻo dai như gái đôi mươi mà hôm nay đã chê già. Vô liêm sỉ nó vừa chứ! Chị muốn gì thì chị nói thẳng toẹt ra đi! Đừng vòng vo nữa, mắc mệt!
- Vâng. Vậy thì để chị đỡ mệt, em xin phép được trình bày mong muốn của mình luôn. Chị Nương lấy chồng đi ạ!
- Ơ kìa? Chị đã lấy được bằng Thạc sĩ đâu mà đòi tôi lấy chồng?
- Kiểu gì em cũng lấy được bằng thôi. Chị cứ lấy chồng đi cho em yên tâm học tập.
- Vớ vẩn! Con nít ranh! Đừng hòng ra điều kiện với tôi.
- Ơ cái chị này hay nhở? Trước sau rồi cũng phải cưới, cứ ỡm ờ làm gì cho nó mất thì giờ? Õng ẹo chán, anh Tựa lại có mối mới thì ngồi đấy mà khóc!
- Gớm! Chị lại chỉ được cái giỏi hạ thấp tôi. Con Nương này chưa bao giờ khóc vì giai đâu!
Em giả bộ cầm điện thoại bấm số rồi nghiêm túc trình bày:
- Alo! Chú là Tổng Giám đốc Tập đoàn Tâm An phải không ạ? Vâng. Con chào chú! Con là Kiều Niên Ý đây! Tình hình là bà Nương không chịu lấy chồng nên con không thể an tâm ra nước ngoài. Do vậy, con muốn gọi điện cho chú để từ chối suất học bổng...
Bà Nương muốn giật điện thoại của em lắm nhưng không được vì bà bị ông Tựa giữ chặt rồi. Chắc do hoảng loạn nên bà gào rõ to:
- Không đâu! Cháu nhà tôi không từ chối gì sất. Nó nhầm thôi! Tôi sẽ lấy chồng! Chú yên tâm công tác đi nha chú!
Em tủm tỉm nói:
- Dạ vâng, thế thôi chú ơi, con lại xin chú trao học bổng cho con nhá! Vâng, phiền chú quá cơ! Chú cho con gửi lời hỏi thăm cô nha! Vâng, cô ở nhà chăm sóc năm em chắc cực lắm. Vâng, chú nhớ thương vợ nhiều nhiều nha! Đừng ong bướm bên ngoài chú nha! Con chào chú ạ.
Em diễn như thật ý, bà em tin sái cổ. Bà sợ em bỏ học bổng nên ông Tựa đòi cưới luôn trong tháng, bà cũng đồng ý liền. Ông sướng rơn đề nghị:
- Vậy để tôi ra ngân hàng rút tiền, phải làm trăm mâm cho nó oách!
- Thần kinh à? Già rồi còn lố! Mỗi nhà ba mâm thôi!
- Ơ hay? Ba mâm thì ai ăn ai đừng?
Hai ông bà cãi nhau qua lại chán chê, cuối cùng thống nhất mỗi nhà làm mười mâm. Nhà trai làm cỗ ở quê, nhà gái thì em thuê dịch vụ trọn gói của Tâm Gia. Họ sẽ chuẩn bị cho mình từ chân tơ tới kẽ tóc, đến giờ lành mình chỉ cần vác cô dâu tới hội trường thôi. Kể ra tự nấu được cỗ thì sẽ ý nghĩa hơn, cơ mà em đoảng quá, em sợ em đứng ra chỉ đạo nấu nướng rồi khách chưa kịp chúc phúc cho cô dâu chú rể đã bị tào tháo đuổi thì chít. Em thuê Công ty Cổ phần Hoa Giấy Hạnh Phúc làm thiệp mời loại đắt nhất, lúc thanh toán còn tip thêm 10% để ủng hộ con Giấy. Bà Nương thẹn ứ chịu mặc váy cưới nên em đành phải mua cho bà một bộ áo dài thật duyên dáng. Cách ngày vui một tuần, em gọi điện xin ý kiến thầy Tâm:
- Đám cưới của bà ngoại em đó thầy, mấy chị hàng xóm cứ bảo nhà gái chỉ có một mình em đón khách thì hơi lẻ loi, kiểu nếu mà có một bạn nam đứng bên cạnh em thì nom nó sẽ sang xịn mịn hơn hẳn. Em đang phân vân giữa Đạt và Kiên. Thầy từng là giảng viên hướng dẫn của tụi em, thầy nói xem đứa nào hợp với em hơn?
Thầy chậm rãi bảo:
- Đều không hợp em ạ. Đạt và Kiên còn trẻ quá.
- Thầy nói cũng có lý. Vậy em phải tìm người hơn tuổi ạ? Thầy nói xem hơn tầm bao nhiêu tuổi là ổn?
- Chắc tầm mười tuổi.
- Vâng. Em có quen mấy anh phụ hồ ở dưới quê. Mấy anh đó ăn to nói lớn lắm, chắc chắn sẽ khuấy động được không khí đám cưới. Để em gọi điện nhờ vả xem có ai đồng ý không.
- Theo quan điểm của tôi thì với những sự kiện trang trọng, em nên mời người tao nhã thì hơn.
- Đấy! Thầy nhắc em mới nhớ! Suýt chút nữa thì em quên khuấy mất người lấy chồng là bà em chứ không phải mấy đứa thanh niên loi choi tuổi đôi mươi. Nhưng ngày lành sắp tới rồi, em chịu không tìm đâu ra người tao nhã giống thầy, hay thầy giúp em được không?
- Tôi ư? Tôi đủ tiêu chuẩn để được em chọn sao?
- Ôi dào! Thầy chả quá thừa tiêu chuẩn ý chứ!
- Em đã tin tưởng như vậy, tôi mà từ chối thì không phải phép lắm, em nhỉ?
- Không sao đâu thầy. Chỗ thầy trò với nhau, thầy đừng câu nệ. Nếu thầy cảm thấy không thoải mái thì thầy giới thiệu cho em một vài anh bạn của thầy cũng được. Em chỉ cần người tao nhã bằng một phần mười thầy thôi, méo mó có hơn không thầy ạ.
- Tiếc ghê, bạn tôi ai cũng có nơi có chốn hết rồi.
- Vậy thì thôi thầy ạ, em sợ bị đánh ghen lắm. Nhưng sao cái duyên cái số của thầy nó lận đận ghê nhỉ? Bạn bè có nơi có chốn hết rồi mà thầy mãi vẫn cô đơn lẻ bóng, đêm nằm một mình ngẫm có thấy tủi thân không thầy?
- Không em ạ.
- Sao thầy lạc quan dữ vậy?
- À, thì tại tôi có nơi để thương nhớ rồi mà, chỉ chưa tìm được chốn để trở về thôi.
#38
- Khiếp! Thế cơ ạ? Em hỏi khí không phải chứ cái nơi đó là nơi nào vậy?
Giọng em chua như uống cả can dấm. Thầy chỉ bình thản hỏi:
- Tôi cũng hỏi khí không phải chứ một người học trò như em lấy quyền gì để tra khảo chuyện đó vậy?
- Uầy! Thầy lại để bụng ạ?
- Tôi nào dám.
- Vậy không lẽ... ý thầy vẫn là... những chuyện đau lòng thường khiến người ta nhớ lâu ạ?
- Tôi dẫu sao cũng chỉ là một người thầy không còn dạy em nữa thôi mà, em hỏi dò ý tôi làm gì?
- Vâng, thầy đã bắt bẻ thế thì em nào dám dò với chả hỏi gì nữa. Thầy thương ai, nhớ ai cũng có liên quan gì đến em đâu mà. Chắc em bị nốc cả đống dưa bở nên em mới tưởng là tình thầy trò thắm thiết lắm. Gọi điện nhờ vả một người KHÔNG THÂN như đúng rồi, kể ra em cũng vô duyên gớm! Thôi, người không được thương nhớ là em đây xin phép cúp máy ạ!
Em giận điên người. Em cứ tưởng thầy cũng giận em. Ai ngờ, thầy vẫn tới dự đám cưới của bà Nương. Trong khi thằng Kiên diện bộ com lê đỏ lòm và thằng Đạt nổi bần bật như cây chuối non thì thầy Tâm chỉ mặc bộ com lê màu ghi nhạt. Cách xử lý tình huống của thầy nó lại ở cái tầm rồi, không chê vào đâu được. À, nhưng thầy vẫn có một cái tội ạ, đó là phong độ quá mức cho phép, hại các chị em cứ phải gọi là một phen náo loạn. Thầy chỉ đứng bên chiếc cổng hoa đón khách với em thôi chứ có thả thính ai đâu mà cứ bị liếc hoài. Em cáu kỉnh lên tiếng:
- Gớm thôi! Em xin mấy chị! Sắp lác hết rồi! Ăn cỗ không muốn, lại muốn tí về nhà chồng cho ăn cháo chửi hử?
Có thế thôi mà một đám nhảy vào trêu hội đồng em:
- Khiếp người em Na! Có anh người yêu đẹp trai như tài tử điện ảnh, không muốn bị nhòm ngó thì phải giấu kín chứ!
- Nom em Na cứ ngơ ngơ mà cua được anh trai ra gì và này nọ phết nhỉ?
- Mày buồn cười! Em ngơ mặt này nhưng biết đâu em lại thuần thục mặt khác? Có những thứ tế nhị, đàn bà khôn quá chưa chắc đã làm đàn ông vui lòng.
Các chị toàn nói mấy chuyện đầu giường cuối giường thôi, hại em đỏ bừng cả mặt. Em huých tay thầy hỏi nhỏ:
- Sao thầy không đính chính?
Thầy tỉnh bơ thắc mắc:
- Đính chính chuyện gì cơ?
- Thì chuyện các chị ấy hiểu lầm em và thầy là một đôi đó.
- Có sự hiểu lầm đấy hả?
- Mồm mấy chị oang oang như loa phát thanh thế mà thầy không nắm được tình hình à?
- Nói vậy chứng tỏ em nắm được tình hình rồi. Sao em không đính chính?
- À... thì... em... nói... sợ không ai tin... nên... em để thầy lên tiếng phủ nhận cho nó chất lượng.
- Bây giờ tôi lên tiếng phủ nhận, nhỡ sau này chuyện người ta hiểu lầm trở thành sự thật thì sao?
- Sao... sao... mà thành... sự thật... được hả thầy?
- Biết đâu sẽ có người tỏ tình, rồi có người đồng ý... vậy là thành sự thật.
- Vâng, chuyện tương lai thì cũng không ai biết trước được. Bây giờ đính chính rồi sau này nhỡ mà thành một đôi thật, người ta lại hiểu lầm thầy trò mình lươn lẹo thì chít. Em vẫn là không suy nghĩ thấu đáo bằng thầy rồi.
- Không sao. Em còn trẻ, có những chuyện còn chưa nhìn ra.
- Vậy có những chuyện, thầy nhìn ra rồi à?
- Chưa em ạ. Tôi có nhìn thấy gì đâu.
- Thế sao thầy lại nói như thể em còn trẻ nên chưa trải đời vậy?
- Thì tôi cũng còn trẻ mà, tôi cũng đã trải đời lắm đâu.
Bà Nương nói bâng quơ:
- Vâng. Ở đây chỉ có mỗi tôi trải đời thôi. Thế nên tôi mới lấy được chồng, còn mấy đứa trẻ người non dạ thì cứ xác định ế dài nha!
Cô dâu có khác, duyên quá cơ! Duyên từ sáng sớm tinh mơ bên đằng nhà gái, tới lúc được chú rể rước về quê vẫn chưa hết duyên. Phát biểu câu nào là đi vào lòng người câu đấy.
- Kính thưa các nền anh, kính thưa các nền chị. Đầu tiên, cho phép em được gửi lời chào và lời chúc sức khoẻ trân trọng nhất đến các nền anh nền chị. Em xin cảm ơn các nền anh nền chị đã bớt chút thời gian quý báu đến chung vui cùng tụi em. Tiếp theo, em xin lỗi các nền anh nền chị vì giọng em bữa nay hơi khản. Có nằm mơ em cũng không ngờ được bé Na lại trao cho em một cây vàng làm của hồi môn. Nó làm như nó là mẹ em không bằng, trao với chả gửi, ghét ghê! Con nhỏ màu mè hại em cầm vàng trên tay mà không cầm được nước mắt. Đêm qua, em đã chuẩn bị sẵn bài phát biểu rồi đấy chứ, em sợ bị các nền anh nền chị đánh giá nên em định giả trân bảo rằng em bị bé Na ép buộc nên mới bất đắc dĩ phải lấy chồng chứ già như em thì thèm gì đi bước nữa. Cơ mà, ngay tại khoảnh khắc này đây, em lại ứ sợ gì sất. Có thể do em đã ở trên thành phố một thời gian nên tư tưởng em thoáng ra rồi. Em xin thật thà thừa nhận rằng em lấy chồng vì em thích ạ. Sau nhiều năm giường đơn gối chiếc, tự dưng năm nay kiếm được ông bạn đồng hành, em vui đáo để. Phụ nữ cho dù bao nhiêu tuổi thì vẫn cần có một bờ vai để dựa vào. Em biết sẽ có người chê em già rồi còn mất nết, nhưng nếu như em để vuột mất hạnh phúc của mình chỉ vì chiều lòng các nền anh nền chị thì em lại ngu quá. Em khôn ra nhiều rồi ạ. Chúc các nền anh nền chị ăn cỗ ngon miệng. Em xin hết.
Không hổ danh người đàn bà cơ hội, đang trong tiệc cưới mà cũng tranh thủ thuê được bà Tươi sang nhà chăm rau hộ. Từ tháng sau, hằng sáng, bà Tươi sẽ gửi rau theo xe khách xuống thành phố. Ông Tựa chỉ cần ra bến xe lấy rau về bán thôi. Nếu bà Tươi hay các bà trong xóm muốn gửi thêm đồ quê để nhờ ông Tựa bán hộ thì phải chia cho bà Nương 20% tiền lãi. Ông Tắn tủm tỉm trêu:
- Ồ! Vậy là chị Nương chỉ cần ngồi ở nhà đếm tiền thôi hả? Sướng nhờ!
Bà Nương cao giọng hỏi:
- Gớm! Cứ ngồi ở nhà mà khách người ta tự chạy đến mua rau hả? Dễ thế á? Dễ thế sao không tự bán đi để nốc hết tiền lãi, cần gì phải gửi xuống thành phố cho vợ chồng em nữa?
- Ái chà chà! Đã vợ chồng rồi đấy hử?
- Ơ hay? Đang trong đám cưới rồi còn không cho người ta xưng vợ gọi chồng, không lẽ phải giữ giá đến lúc xuống lỗ à?
Ông Tựa cười ngất. Không khí đang vui vẻ thì mẹ em tới phá đám.
- Lão Tựa khốn khiếp kia! Ông đã trả tiền thách cưới cho tôi chưa mà đòi cưới mẹ tôi? Khôn hồn thì nôn ngay một trăm triệu ra đây, bằng không, đừng hòng cưới hỏi gì nữa.
Ông Tựa thật thà bảo:
- Hiện tại, chú không có nhiều tiền mặt như vậy. Con thư thư cho chú, đợi vài hôm nữa, chú ra ngân hàng rút tiền rồi chú gửi con đầy đủ.
- Thư với chả từ. Tôi nhờn với ông đấy hả? Không có tiền mặt thì chuyển khoản.
- Cái ứng dụng chuyển tiền khó dùng quá con, chú nhờ Na dạy mấy lần mà chưa thành thạo.
- Chưa thành thạo? Nực cười! Khôn lõi đời như ông mà không biết dùng cái ứng dụng cỏn con hả?
- Chú nói thật mà. Chú khôn nhưng chú cũng già rồi, chú không rành công nghệ.
- Thôi đi ạ! Ông khỏi tính bài chuồn, ứ xong với tôi đâu. Ông đừng tưởng tôi không biết tháng trước ông vừa bán suất đất ở khu du lịch được hơn năm tỷ. Đại gia xóm núi như ông mà tiếc mấy đồng thách cưới cỏn con à? Mua con gà con lợn còn phải trả tiền nữa là đi cưới vợ. Không nói nhiều, tiền trao cháo múc, có tiền thì mới có dâu, rõ chửa?
#39
Ông Tựa đưa điện thoại cho em nhờ vả:
- Na! Con chuyển cho mẹ một trăm triệu tiền thách cưới giùm ông.
Bà Nương uất tím mặt. Bà giật luôn điện thoại của ông Tựa rồi cầm đĩa rau củ luộc hắt thẳng vào mặt mẹ Ninh. Mẹ la oai oái, ấm ức chỉ trích bà:
- Á à! Bà Nương đi thành phố về có khác! Già rồi còn lấy chồng, không biết nhục thì thôi, lại dám ở trước mặt quan viên hai họ làm càn. Lớn mật ghê nhỉ? Bà có tin tôi gọi hội tới phá tan cái đám tạp kỹ của bà không?
Khách khứa định lao vào can ngăn mẹ Ninh nhưng bà Nương đuổi mọi người tránh ra xa. Bà thách thức mẹ:
- Mày có giỏi thì mày gọi hộ tao với! Chúng mày định phá như nào? Đập bát? Ném đĩa? Hay định xé phông bạt? Có cần con già này góp sức cùng chúng mày cho vui không?
Bà em đập vỡ toang bát canh rồi hất hàm hỏi:
- Sao? Thế này đã đủ khí thế chưa? Hội đâu? Gọi đến đây đi! Còn chần chừ gì nữa? Tao muốn xem đứa nào dám vào hùa với mày làm loạn, để rồi coi tao có xé xác lũ chúng mày ra không?
Mẹ em chiến không lại bà em liền chuyển sang bài ca ăn vạ:
- Ối làng nước ơi! Ối thôn xóm ơi! Lại đây mà coi mẹ tôi doạ xé xác tôi này! Lại đây mà coi mẹ tôi ghẻ lạnh với tôi này! Mẹ tôi lấy được chồng giàu mà có vài đồng thách cưới cũng tiếc con gái ruột. Lại đây mà coi mẹ tôi tàn nhẫn, mẹ tôi cay nghiệt đến mức nào này!
- "Ô thị kê" mày luôn nạ!
Vâng, đúng là bà em vừa nói đấy ạ, chị Nương mới lên thành phố một thời gian mà đã "xì tin" gớm!
- Mặt bà dày hơn thớt rồi! Có người mẹ như bà đúng là nỗi nhục lớn của đời tôi.
- Đúng rồi. Có đứa con gái như mày, tao lại vinh dự quá cơ! Ba mày mất sớm, một mình tao tần tảo sớm hôm nuôi mày ăn học, nhưng mày đã bao giờ cảm ơn tao chưa?
- Bà đẻ ra tôi thì bà phải có nghĩa vụ nuôi tôi. Ơn huệ gì?
- Thế sao mày không nuôi con Na?
- Ơ kìa? Bà hâm à? Tôi nuôi nó sao được? Tôi còn phải lấy chồng mới chứ! Đàn bà nhiều lúc yếu mềm, không có bờ vai để dựa dẫm thì sống thế chó nào được?
- À, hoá ra là thế. Hoá ra chỉ một mình mày yếu mềm, cần một bờ vai để dựa dẫm. Còn tao thì mạnh mẽ nên đêm tao có cô đơn rồi nằm khóc một mình cũng là chuyện thường tình.
- Bà buồn cười, tôi trẻ nên tôi mới đi bước nữa. Bà già rồi thì đú làm gì?
- Càng già càng cần một chốn an vui.
Mẹ Ninh cáu kỉnh quát chú rể của bà Nương:
- Ông Tựa kia! Lấy vợ mà không dạy vợ à? Để bà già đốp chát với tôi giữa thanh thiên bạch nhật như thế còn ra thể thống gì nữa?
- Ôi thôi! Chú lạy con! Con im đi cho chú nhờ! Mãi chú mới lấy được vợ, vợ không dạy chú thì thôi chứ chú tuổi gì mà đòi dạy vợ?
Ông Tựa phân trần. Bà Nương chán nản bảo mẹ Ninh:
- Đúng rồi đấy. Mày im đi. Tranh luận với mấy con ngu như mày chỉ tổ kéo tao xuống cái "le vờ" của mày thôi. Bây giờ, mày có về không hay phải để tao táng cho một trận mới chịu?
Em nom dáng mẹ Ninh lủi thủi đi ra ngoài ngõ thấy hơi tội nghiệp nên cầm bịch khăn giấy chạy theo mẹ. Em biết thừa mẹ ứ thích em, nhưng chả hiểu sao, sâu thẳm trong tim, em vẫn luôn thèm được mẹ thương.
- Mẹ! Tóc mẹ dính rau luộc rồi kìa! Con lau cho mẹ nha mẹ!
- Khỏi cần. Tao không có đứa con gái như mày. Một mình mày hư hỏng chưa đủ hay sao mà còn rủ rê bà già đú cùng?
Em buồn thiu. Bình, Yên ra sức vẫy tay gọi em. Ban nãy, tụi nó quấy quá nên thầy Tâm phải đưa hai đứa ra ngoài đi dạo. Khách khứa trên Hà Nội rõ đông mà bà Nương chỉ mời mỗi thầy Tâm theo xe nhà trai về quê. Thầy giỏi thật đó, hai tay bế hai đứa dễ như ăn kẹo. Em mà vác hai cục bông mũm mĩm đó trên người thì chắc chỉ tầm chục phút là vai em mỏi nhừ rồi. Mẹ Ninh hất hàm tra khảo:
- Hai đứa con của mày đấy hả? Sao nom chả giống mày tí nào thế? Mày đẻ thuê à? Thằng đó với mày có quan hệ gì? Sao nó lại trông con giúp mày?
Thầy Tâm đủng đỉnh đi tới bên em. Yên giơ tay đòi theo mẹ. Em bế Yên rồi, thầy mới một tay bế Bình, một tay khẽ đặt lên vai em, thong thả hỏi lại mẹ em:
- Chị thử nói xem quan hệ của tôi và em ấy là gì?
Thầy nhìn em rõ trìu mến, ai mà không hiểu lầm cho được?
- Ơ? Sao tao nghe đồn mày chửa hoang xong không được nhà trai cho cưới, rồi bà Nương phải lên thành phố trông con cho mày còn gì? Không phải à Na?
Mẹ nói to quá làm mấy bà thím đang ăn cỗ cũng phải chạy ra ngoài hóng hớt. Ở trước mặt bao nhiêu ánh mắt dò xét mà thầy Tâm dám khẳng định:
- Không phải.
Mẹ hỏi thầy:
- Ủa? Đừng nói với tao mày là cha của hai đứa này nhé!
- Có gì không đúng sao?
- Ờ. Nom chả giống.
- Thì đâu phải cứ người nhà là sẽ giống nhau.
Thầy Tâm đối đáp tỉnh bơ làm mọi người cứ mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau. Mẹ Ninh chưa hài lòng vặn vẹo:
- Thế sao đủ nếp đủ tẻ rồi còn chưa cưới?
Em tưởng thầy sẽ bị bối rối. Ai ngờ, thầy thản nhiên bảo:
- À, chuyện cưới xin đâu phải tôi muốn là được, còn phải đợi sự đồng thuận của em ấy chứ.
Gì vậy? Ơ thế là lỗi của em đấy à? Mọi người bắt đầu lao vào chê trách em:
- Khiếp người con Na! Ăn nằm với đàn ông nhà người ta, đẻ được hai đứa con rồi mà còn không chịu cưới.
- Nom cái anh này cao ráo sáng sủa chứ có đến nỗi nào đâu mà bị con Na phũ, bà nhỉ?
- Ừ. Anh này không những đẹp trai mà còn tốt nha. Từ lúc về quê, anh trông con suốt thôi. Thấy hai đứa gào khóc, anh liền bế tụi nhỏ ra ngoài chơi để mẹ chúng nó ăn cỗ cho ngon miệng. Đàn ông có trách nhiệm như vậy mà mãi chẳng có lấy một danh phận, đến tội!
Em điên người lườm thầy. Thầy ứ biết ngượng là gì sất, còn cố ý vỗ nhẹ lên bả vai em, giả bộ rầu rĩ đề nghị:
- Thôi em ạ, bà con cô bác đã nói thế rồi thì em cũng nên xem xét cho tôi một danh phận.
Bà Nương rõ ràng biết tỏng mọi chuyện mà cũng hùa vào như đúng rồi:
- Na kìa! Đàn ông đàn ang người ta đã phải hạ mình cầu xin như thế, con còn chần chừ gì nữa? Sống trên đời phải có tấm lòng rộng mở chứ con? Cứ lạnh lùng phũ phàng quá rồi sau này ai thương nổi con?
Mẹ Ninh thì chỉ biết đến tiền. Mẹ ra điều kiện:
- Mày đừng đồng ý vội, phải đòi một tỷ tiền thách cưới cho tao, bõ cái công tao mang nặng đẻ đau ra mày!
- Mày định giá con gái mình thấp vậy hả Ninh?
- Thế bà định đòi thằng này bao nhiêu? Cấm không được nốc một mình, nhớ phải chia cho tôi.
- Một người mẹ đem con mình ra để kiếm chác như mày thì xứng đáng được chia cho vài xu mua mo cau che mặt! CÚT!
Bà cầm chổi rồi, mẹ không cút sao được? Đến em láo nháo bà còn đánh cho túi bụi nữa là mẹ? Bà bắt đầu thể hiện bản chất của một chuyên gia cơ hội, hắng giọng đề nghị:
- Thôi thì sẵn có rạp rồi, khách khứa cũng đủ đầy, hai đứa vào cưới luôn cho tiện! Cứ cưới đại cho chắc cú trước đi rồi khi nào có dịp tổ chức đàng hoàng thì mời bên nhà trai về sau.
- Bà có thôi ngay đi không?
Em cáu điên. Bà dõng dạc răn dạy em:
- Con đừng tưởng con là cháu gái của bà mà bà bênh con nha! Cái gì đúng là đúng, sai là sai. Con ăn ở với người ta ngần ấy năm, bào mòn hết cả thanh xuân của người ta rồi giờ có một cái danh phận bé tí xíu, con cũng không cho người ta được, con không thấy bản thân mình quá tàn nhẫn à?
Em hoang mang ứ hiểu chuyện gì cả, may mà có ông Tựa ghé tai em nói nhỏ:
- Không sao đâu bé Na. Bà Nương đã nhờ cậu Tâm trước khi về quê rồi. Con thương bà thì con cứ vào cưới đại đi. Bằng không, mỗi lần về quê, nghe người ta mắng con là đồ gái hư không ai thèm rước, ông còn thấy xót xa, huống chi là bà?
Em ghé tai thầy trách móc:
- Bà em già hâm hấp thì kệ bà em, sao thầy cũng hùa vào với bà để diễn kịch lố thế? Thầy không ngại ạ?
Thầy tủm tỉm bảo em:
- Cưới tí là xong mà, có mất mát gì đâu em?
Vâng. Hẳn là không mất mát gì. Thầy là trai tân cao giá thầy còn không sợ thì mẹ đơn thân hai con như em sợ quái gì chứ? Bà Nương và ông Tựa trông hai bé để thầy và em bước lên sân khấu làm lễ. Cưới đùa cưới vui nên nó cứ nhanh như đi ăn cướp ý mà, mấy người lớn tuổi mỗi người phát biểu đôi ba lời xong chủ hôn lên chốt hai đứa này là vợ chồng, rồi em và thầy uống chén rượu giao bôi thôi mà sao em run thế không biết? Đã thế, mấy đứa thanh niên loi choi còn cứ thi nhau đập bàn hô lớn:
- Hôn đi! Hôn đi! Hôn đi! Hôn đi! Hôn đi!
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK