Em tổ chức sinh nhật một tuổi cho Bình và Yên xịn sò lắm, tại tuổi thơ em thiếu thốn nên em muốn lo cho con bằng bạn bằng bè. Em thuê dịch vụ trọn gói. Họ đem gấu bông, bóng bay, bánh trái tới nhà rồi họ trang trí giúp mình luôn. Bà Nương xót tiền la oai oái. Em cười cười bảo:
- Kệ đi bà. Tiền hết lại kiếm, cả năm mới có một lần sinh nhật mà.
- Chị đừng cưng chiều con quá, hư đấy!
- Ôi dào! Đầy chị còn làm hoành tráng hơn con ý.
- Người ta có chồng đỡ đần kinh tế.
- Kinh tế thì lo gì? Con nhận nhiều việc hơn một chút là nhà mình dư dả mà. Con chỉ áy náy với Bình và Yên về chuyện tình cảm thôi, con mà không sa ngã thì tụi nó đã có đầy đủ cả cha lẫn mẹ rồi.
- Gớm ạ! Chị không sa ngã thì con chị là đứa khác chứ đâu phải tụi nó. Đã có duyên gặp gỡ thì cứ thế mà trân trọng. Thôi, tôi đi mời mọi người tới ăn tiệc.
Bà Nương nhà em quảng giao y như con Đậu, ai cũng quen, cũng thân, cũng chị chị em em ngọt xớt. Dạo gần đây, ông Tựa mỗi lần lên nhà em chơi còn đem theo mấy tải rau sạch. Em chả hiểu bà Nương mồi chài kiểu gì mà mọi người trong khu Tâm Gia cứ nườm nượp kéo tới nhà em mua rau. Em nhìn bà vừa ẵm thằng Bình vừa trả tiền thừa cho khách, chợt nhận ra nghịch cảnh chỉ có thể vùi dập những kẻ yếu đuối, còn người kiên cường thì vứt ở đâu họ cũng toả sáng được. Bà Nương chia một nửa tiền lãi cho ông Tựa rồi mà túi áo lúc nào cũng rủng ra rủng rỉnh.
- Ái chà chà! Chị Nương giàu ghê nhỉ? Cho em vài nghìn để em mua kẹo mút đê!
- Cha bố nhà chị, cứ trêu tôi. Chị ngồi viết một bài bằng tôi bán rau cả tuần.
- Thì thế nên em mới khuyên chị đừng buôn bán làm gì cho mệt người. Cứ hưởng thụ đi, đã có em cân tất rồi.
- Vẫn đang hưởng thụ đây mà. Bán rau trên này lãi cao, lại không phải dậy sớm ra chợ, vui bỏ xừ. Biết thế này tôi lên thành phố từ lâu rồi!
Người già thường không ôm nhiều hoài bão lớn như người trẻ, đôi khi, một niềm đam mê nho nhỏ cũng đủ khiến họ an lạc. Nom bà phấn khởi, em vui quá chừng. Năm vừa rồi, nghe nói Tổng Giám đốc Tập đoàn Tâm An đưa ra chính sách trợ giá cho giảng viên Đại học Tâm An khi mua nhà ở Tâm Gia nên đã có rất nhiều thầy cô chuyển về Tâm Gia sinh sống. Thầy Hiệu trưởng tậu căn penthouse ở toà nhà VIP1, sang xịn mịn dã man. Thầy thường xuyên ghé qua nhà em. Em nợ ơn thầy nhiều, vậy mà có mấy mớ rau, thầy cũng không cho em biếu, cứ đòi phải sòng phẳng. Bà Nương đành phải khéo léo nhét thêm vào túi rau của thầy khi thì vài quả chanh, khi thì đôi ba trái ớt hay chục nhánh tỏi, thôi đành của ít lòng nhiều vậy.
- Ngoại trừ Na, tất cả các bạn K54 được bằng xuất sắc đều đi du học hết rồi đấy. Em vẫn chưa tìm được trường à? Nhanh lên em nha! Học bổng chỉ có thời hạn hai năm thôi em.
Em nghe thầy nhắc nhở mà điếng cả người. Không trách thầy được, có trách thì trách em não bỉm sữa quên không dặn thầy giấu bà em vụ học bổng. Ôi chao ôi! Bà Nương sấn lấy hỏi thầy cái nọ cái kia, sau khi biết được ngọn ngành mọi chuyện thì uất sôi máu. Thầy vừa về, bà đã chửi em xối xả:
- Ối dồi ôi là ối dồi ôi! Sao lại có cái thể loại hết khôn rồi dồn đến dại như chị hả giời? Nói mau! Chị cố tình không tìm trường phải không?
- Đâu có, con nộp nhiều trường lắm rồi nhưng không trường nào nhận cả bà ạ.
Em nói dối. Bà vừa lấy chổi quật vào người em vừa mắng um lên:
- Xạo này! Bà đánh cho cái đồ xạo cún nhừ tử này! Xạo mà được à? Lâu không ăn đòn nên cái nết của chị chướng ghê nhỉ?
Bình và Yên khóc ré lên. Em xót con, chạy tới ôm hai đứa rồi nhận lỗi:
- Vâng. Con xạo. Con sai rồi.
- Biết sai thì để con đó tôi trông cho, chị đứng dậy đi tìm trường mau!
- Ứ.
- Sao mà ứ? Dẩm hả? Người ta mơ còn không được, đằng này, mình có cái học bổng hai tỷ rưỡi lại bỏ phí. Bố con dở người! Não toàn bỉm sữa nên bị hâm hấp rồi à?
- Hâm đâu mà hâm? Người ta chỉ bị nhớ con thôi mà.
- Nhớ với chả nhung! Nhớ thì ngày nào cũng gọi "vi gieo" về.
Ý bà em là video call ạ, nhưng bà nói không chuẩn, mấy chị thông cảm.
- Ứ ừ! Phải ôm ấp, phải hít hà mới chịu được cơ. Nhờ Bình nhờ! Nhờ Yên nhờ! Bình, Yên có thương mẹ Na khum? Thương nhờ! Không thể xa nhau được ý nhờ?
Tụi nó gật đầu lia lịa. Bà Nương chửi cả lũ:
- Hai đứa kia thì biết cái gì? Toàn bị con mẹ thao túng.
- Ơ hay cái bà này? Ai lại nói thế? Người ta một tuổi rồi, người ta cũng có chính kiến riêng chứ bộ!
Tụi nó cười hềnh hệch. Ôi chao ôi! Sao mà em yêu hai cái đứa này quá đi thôi. Sao mà tụi nó thơm với cả dễ thương thế nhỉ? Bà Nương khinh em ra mặt luôn. Tối tụi nó đi ngủ, bà cũng không chịu xem phim với em, chê em không có chí tiến thủ. Nói ra nói vào suốt một tuần liền không xoay chuyển được em thì bắt đầu chơi nhây bỏ bữa. Tức không chịu được! Già rồi chứ có còn trẻ khoẻ gì cho cam, bỏ ăn một ngày liền lăn ra ốm. Em dỗ thế nào cũng không đi viện, không thèm uống cả thuốc, giọng điệu thì dỗi hờn phát mệt.
- Chị kệ tôi đi! Chị có thương tôi đâu mà.
- Ơ hay? Thương chứ sao không thương?
- Thương thì đi học Thạc sĩ đi.
- Ôi dồi ôi! Học hành làm gì lắm cho nó mụ người? Chán học rồi!
- Chị đừng có điêu! Cái hôm con Đậu và con Kẹo bay sang Mỹ, tôi biết thừa chị khóc cả đêm. Tôi ngờ nghệch, tôi không biết chị có học bổng. Tôi mà biết thì tôi đâu để chị vất vưởng ở nhà lâu như vậy!
- Giời ạ! Vất vưởng cái nỗi gì? Ở nhà có con ôm, có bà thương, ăn no ngủ kỹ, sướng chít đi được.
Em đã nói đến thế rồi mà bà vẫn khóc toáng lên. Bà mếu máo bảo:
- Tôi không thèm thương chị nữa. Chị mà không chịu tìm trường thì đừng trách tôi đi tìm ông ngoại chị.
- Thôi! Thôi ngay! Già cả lẩm cẩm nói năng liên thiên! Giờ con tìm trường là được chứ gì?
- Phải tìm thật, nỗ lực chuẩn bị hồ sơ chứ không phải tìm vớ vẩn cho có.
- Biết rồi. Gớm! Tìm vớ vẩn mà yên được với bà hả? Con lấy được bằng Thạc sĩ về thì bà lấy chồng nhá!
- Lấy thì lấy! Sợ gì?
- Oai thế? Nhớ cái mồm đấy! Sau này mà lươn khươn là không xong với con đâu! Mau dậy ăn đi cho cháu chắt được nhờ!
- Chả dậy thì thôi à? Tại chị đấy! Ngang như cua! Ngay từ đầu, chị nghe lời tôi thì mọi chuyện có phải đơn giản hơn không? Đói muốn xỉu!
Em nhây không lại bà. Từ hôm đó, em bắt đầu chuẩn bị hồ sơ du học. Tiếng Anh của em khá tốt nên em thi IELTS lần đầu tiên đã được 8.0 rồi. Những vấn đề khác đối với em cũng không khó, nhưng em gian nên em cố tình kiếm cớ để nhắn tin cho ai kia:
"Thầy! Em đang chuẩn bị hồ sơ du học. Có nhiều vấn đề em chưa tường tận, em muốn gặp thầy để trao đổi thêm."
"Ừ, nhưng tôi phải nhờ ai đi cùng vậy em?"
Thầy nhắn lại luôn mới sợ chứ, như thể suốt thời gian qua, thầy chỉ trực điện thoại để đợi tin nhắn của em.
"Sao lại phải nhờ người đi cùng ạ?"
"Thì em bảo em ứ có nhu cầu gặp riêng tôi mà."
Eo ôi! Thầy để bụng ạ? Thù dai thế! Khổ thân em ghê! Em đành phải xuống nước dỗ dành:
"Ôi dào! Cái lúc đó em bị lên cơn điên xong em nói sảng ý mà, thầy chấp em làm gì?"
"Tôi nào dám chấp. Quyền hành gì đâu mà chấp?"
"Thôi mà, em xin mà. Em sai rồi. Thầy chấp em cũng được, nhưng thầy phải hiểu rằng đối với em, thầy vô cùng có quyền luôn đấy ạ."
"Không đâu em. Thường thì hai người chỉ có quyền với nhau khi họ đang ở trong một mối quan hệ ràng buộc thôi."
#35
Thầy chơi chiêu khó ghê, hại cái đứa EQ siêu thấp như em chẳng biết phải đối đáp "dư thía lào" cho phải phép nữa. Em đành đánh trống lảng:
"Em đợi thầy ở quán trà Tâm An nha!"
Không hổ danh là thiên hạ đệ nhất săn mã khuyến mại, quán cơm hay quán trà thì thầy đều ngồi phòng VIP. Chắc thầy cần không gian riêng, em cũng thấy khá thoải mái vì ứ phải lo có người chụp hình trộm. Ơ? Sao em lại lo chuyện tào lao thế nhỉ? Em ra trường rồi mà. Em và thầy đi cùng nhau thì có sao đâu? Ai rảnh mà đặt điều vớ vẩn nữa?
- Em nghe sinh viên khoá dưới đồn kỳ này thầy không dạy môn nào ạ?
- Ừ.
- Thế kỳ sau thì sao ạ?
- Mấy năm tới, lịch trình của tôi khá bận rộn, không sắp xếp được lịch dạy.
- Không dạy học thì thầy lấy tiền đâu mà chi tiêu?
- À, thì tôi cũng có công việc này nọ.
- Thu nhập có ổn không thầy?
- Cũng đủ ăn đủ tiêu em ạ.
- Đủ ăn đủ tiêu cái gì chứ? Gương mặt thầy hiện rõ nét ưu tư đấy, chắc hẳn chất lượng cuộc sống cũng không hề tốt.
- Em phũ phàng như vậy, chất lượng cuộc sống của tôi có thể tốt được hay sao?
- Thầy giận em thì cứ gọi điện mắng mỏ. Thầy nói một, em đã bao giờ dám cãi hai chưa? Thầy giấu muộn phiền trong lòng lâu như vậy, chỉ tổ khiến em sốt ruột.
- Vì sao em phải sốt ruột?
- Thầy là thầy của em mà, thầy làm sao thì em sống được à?
- Ra vậy. Hoá ra... tôi... chỉ là thầy của em.
- Thế không lẽ thầy muốn em vừa bảo vệ tốt nghiệp xong đã vô ơn như thằng Trí, gọi thầy bằng anh à?
- Chỉ là cách gọi thôi mà, đâu đến nỗi vô ơn.
- Thầy lại cứ dễ tính quá! Ở đâu ra cái loại học trò vừa đủ lông đủ cánh liền không nhận thầy? Như vậy có khác nào ăn cháo đá bát?
- Ừ, coi như em có lý. Về việc du học, em có vấn đề gì cần trao đổi với tôi vậy?
Ấy chít! Tí nữa thì em quên. Để thầy khỏi nghi ngờ em kiếm cớ hẹn gặp thầy, em đã chuẩn bị sẵn một loạt các câu hỏi rồi. Thầy thong thả giải đáp cho em từng vấn đề một, thầy còn đồng ý sẽ viết thư giới thiệu cho em nữa. Chỉ trong vòng hai tiếng, em đã cạn sạch ý tưởng rồi, em đành hỏi liên thiên:
- Cái hôm gì gì đó... đi chơi với ai đó... mãi đến ba giờ sáng mới về... chắc có nhiều chuyện kể cho nhau nghe lắm... vui nhờ thầy nhờ?
- Câu này có gì liên quan tới việc du học vậy em?
- Không liên quan thì không được hỏi ạ?
Em xị mặt. Thầy chậm rãi phân trần:
- Ngoại trừ em, tôi không có nhu cầu nói chuyện với ai sau mười hai giờ đêm.
Ơ hay? Điều hoà trong cái phòng này hỏng rồi à? Sao mà nóng thế? Nóng kinh thiên động địa! Em bối rối xắn ống tay áo, thầy trầm ngâm nhìn chiếc lắc tay hoa đào khiến em hơi ngại.
- Em quên chưa cảm ơn thầy.
- Em thích món quà của tôi chứ?
Em bẽn lẽn gật đầu. Thầy chau mày bảo:
- Cổ tay bị hằn rồi em.
- Dạ, em sợ chiếc lắc tay rơi mất nên cài chặt một chút ạ.
- Đừng vì cảm giác sợ mất đi mà giữ lại một thứ khiến mình khó chịu.
Thầy tháo chiếc lắc tay, móc lại chốt khoá vào mắt xích khác để nới lỏng nó. Những ngón tay của thầy chỉ vô tình chạm vào cổ tay của em thôi mà sao em thấy bồi hồi ghê gớm. Tim em cứ đập thình thịch thình thịch. Em sợ nán lại quán trà thêm một lúc nữa thì tim em vỡ luôn nên em xin phép thầy rằng em phải về trông con. Bà Nương tinh như cú vọ, vừa trông thấy em đã bóng gió:
- Gớm! Người đi ôm bao thấp thỏm mà người về lại mang theo cả một vầng ánh dương!
Em giả ngơ luôn. Mặc dù em rất mê Mỹ, ở bên đó em cũng có nhiều bạn bè, nhưng em sợ đi xa quá thì không thường xuyên về thăm con được nên chỉ dám apply học Thạc sĩ ở mấy nước gần gần. Trường bên Hàn Quốc gọi em đầu tiên, họ yêu cầu phải phản hồi trong vòng hai tuần, em sợ đêm dài lắm mộng nên gửi thư xác nhận sẽ nhập học luôn. Một tháng sau, em còn nhận được thư gọi nhập học của một trường bên Trung Quốc và một trường bên Nhật Bản nữa, nhưng em chẳng thấy tiếc nuối, tại bà bảo em đến với đất nước nào thì nó là cái duyên rồi, cứ thong thả mà phấn đấu thôi. Bà phấn khởi dữ lắm. Em được cấp visa một cái là bà xoã luôn, ai tới mua rau cũng khoe:
- Báo cáo với bà, con cháu tôi sắp sang Hàn Quốc học Thạc sĩ ạ. Cháu nó được học bổng toàn phần hẳn hoi, tôi chả tốn đồng nào luôn. Tôi cả đời trồng rau, có con cháu học cao kể cũng hãnh diện. Tôi mừng mà mấy đêm không ngủ được ý bà.
Khách lại phải khen cho nó phải phép:
- Mừng quá ý chứ. Ở cái tuổi của tụi mình thì còn gì vui hơn là con cháu thành đạt? Bà Nương giỏi ghê! Có mỗi nghề bán rau mà nuôi được Thạc sĩ.
- Cháu nó còn chưa nhập học, bà đã nói thế làm tôi ngại chít.
- Ôi dào! Ai chả biết cháu bà chăm, lấy bằng Thạc sĩ là chuyện sớm muộn thôi. Nhất bà Nương! Có khi từ giờ tôi phải năng mua rau nhà bà để còn xin vía.
- Eo ôi! Ở đâu ra cái bà này đấy? Dễ thương thế chứ nị! Tôi tặng bà hai lạng sấu luôn!
- Khiếp! Tặng thế thì lại nhiều quá à? Vậy bán cho tôi thêm mấy mớ rau muống nữa, tôi đem về luộc rồi lấy nước dầm sấu cho nó đã.
Hạnh phúc của em đôi khi chỉ là nét cười trong ánh mắt người thương. Bạn bè em biết tin hot liền thi nhau nhắn tin:
"Đấy! Tao đã bảo mày chớp thời cơ rồi mà còn cứ chần chừ mãi, phí bao nhiêu thời gian. Nhưng thôi, hai bé cứng cáp hơn rồi thì mày đỡ lo hơn nhỉ? Tao và thằng Kiên cũng giành được học bổng rồi. Bọn tao sẽ đến xứ sở hoa anh đào Na ạ. Nhóm mình cả năm đứa đều học Thạc sĩ, phen này thầy Tâm tha hồ mát mặt." - Đạt.
"Sắp xa xứ rồi, cũng phải sắm đồ dùng cần thiết đi là vừa. Na có đi shopping cùng tao và Đạt không?" - Kiên.
"Na giỏi quá à! Tao mừng cho mày ghê! Mày tạo động lực cho tao nhiều lắm. Tao sẽ cố gắng phấn đấu. Nhưng mà tao sẽ không lấy thành công của mày làm chuẩn mực đâu, tao chỉ cần ngày mai, tao giỏi hơn chính mình trong ngày hôm nay là được. Quãng đường phía trước còn nhiều chông gai, chúc mày vạn sự may mắn! P/S: Lần sau, nếu tác giả Orchid Turtle phát hành sách, tao sẽ đặt báo thức, canh me thật sớm để mua tặng mày một bản đặc biệt nhé!" – Dung
"Con dẩm này nữa? Sao không nộp sang Mỹ cho có chị có em? Chán mày luôn! Hoá ra chỉ có tao thương nhớ Na thôi, còn Na thì thờ ơ lắm! Giận! Nghỉ chơi." - Kẹo.
"Hồi năm cuối, Đậu đã muốn rủ Na chuẩn bị hồ sơ du học với Đậu rồi, nhưng Na bận, Đậu sợ làm phiền Na nên chẳng dám ho he. Đậu biết trong suốt những năm tháng học chung, Na luôn tưởng rằng Đậu có tư chất sẵn rồi nên cho dù lười vẫn gặt hái được thành công. Thực ra, Na nhầm đó. Có thể do Đậu hay lê la trên mạng tán gẫu, trong laptop đầy phim tình cảm lãng mạn, giá sách cũng toàn truyện ngôn tình nên đã không tạo cho mọi người ấn tượng về sự chăm chỉ. Đậu thừa nhận rằng Đậu có nhu cầu giải trí cao hơn Na. Đậu không thể làm việc liền tù tì trong suốt nhiều tiếng được. Bộ não của Đậu cần những quãng nghỉ nhất định, nhưng như vậy không có nghĩa là Đậu dành cả thanh xuân để rong chơi. Phải leo núi thì mới lên được đỉnh, phải không? Na cảm thấy Đậu thật sướng vì Đậu luôn xếp thứ nhất. Nhưng người đứng ở nơi cao nhất sẽ bị soi mói nhiều nhất và chịu áp lực lớn nhất. Bất kỳ ai đến với cuộc đời này đều phải trải qua những chuyện không như ý, Đậu mong Na đừng tự ti, hãy vững vàng tiến về phía trước. Bình thường, Đậu không sướt mướt như này đâu, hôm nay trái gió trở trời nên chữ nghĩa cứ tuôn ra như mưa, Na đừng chê cười nha! Thương Na!" - Đậu.
"Na yêu ơi! Giỏi quá Na ơi! Có cần tao dạy cho vài miếng võ trước khi sang bên đó không?" - Mía
"Bạn tao nhiều đứa được đi du học, nhưng mày là đứa khiến tao tự hào nhất. Bởi vì mày đã băng qua giông gió mới có thể đến được ngày hôm nay. Công ty Cổ phần Hoa Giấy Hạnh Phúc của tao vẫn còn non trẻ nên tao không thể thường xuyên tám chuyện với mày được. Nhưng tao vẫn nhớ những ngày sang phòng mày tá túc, mày luôn phần đồ ăn ngon cho tao. Mày hơi ngố nhưng rất lương thiện. Tao tin rằng rồi đời mày sẽ bình yên. Chúc mừng và chúc may mắn!" - Giấy
Em đang bồi hồi xúc động vì được bạn bè yêu thương quá nhiều thì con Su gọi điện chửi em tới tấp:
- Mày bị thần kinh hả Na? Mẹ bỉm rồi mà còn đòi ra nước ngoài học Thạc sĩ, đú đởn nó vừa chứ! Bố khỉ cái loại vô trách nhiệm! Mày không thương thằng Bình hả? Nó còn bé tí xíu mà mày nỡ lòng nào vứt nó ở nhà với bà Nương? Lại được cả bà mày, tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, sao có thể dạy nó lên người? Mày không biết ba năm đầu đời đối với một đứa trẻ quan trọng như nào à? Mày phải ở nhà chăm nó cho tao! Cấm không được đi đâu hết! Viết thư cho trường bên Hàn Quốc từ chối nhập học đi! Từ chối cả học bổng của Tập đoàn Tâm An luôn đi! Học bổng có hai tỷ rưỡi thôi à, không xứng đáng để đánh đổi tương lai của con đâu. Nghe tao, kiên nhẫn đợi vài năm nữa rồi tao sẽ đón thằng Bình sang Anh. Tới lúc đó, mày muốn đi đâu thì cút bà mày đi luôn đi, ứ ai thèm đả động!
#36
- Thôi! Thôi! Tao ạ mày. Không nói được điều gì tử tế thì im đi cho tao nhờ. Bạn bè ở cùng phòng với nhau bao nhiêu năm, chả chúc phúc cho bạn thì thôi, ở đấy là cấm đoán. Cấm mà được à? Không lẽ tao lại nghỉ chơi với mày?
Em cáu. Con Su xuống nước phân trần:
- Mày bình tĩnh! Tao chỉ thương thằng Bình thôi mà.
- Thương gớm! Mẹ nuôi mà làm thấy lố!
- Tao chỉ là mẹ nuôi nhưng tao thương nó như con ruột.
- Ờ, mày cao thượng quá ha! Thương nhiều thế sao còn sang Anh? Trên mạng thì viết bài chia ly bi thương như ôm theo nỗi nhớ vạn kiếp mà vẫn dứt áo ra đi được hả?
- Mày đúng là cái đồ máu lạnh, không bao giờ biết thông cảm cho người khác. Đôi co với cục đất còn sướng hơn đôi co với mày! Cứ bướng đi, rồi sau này đừng hối hận. Đến một ngày, tao đón thằng Bình đi rồi thì còn khướt tao mới cho nó về gặp mày.
- Ối dồi ôi! Mày lại oai quá cơ! Tao đẻ ra thằng Bình mà tao lại cho mày đón nó đi à? Mỡ đấy mà húp!
Mặc dù thái độ của con Su hơi xếch mé nhưng chắc tại nó mê thằng Bình quá nên em chả thèm chấp nó. Những điều con Su nói cũng không hoàn toàn vô lý, tụi nhỏ còn thơ dại mà em lại quyết định đi học xa, tính ra thì em đâu phải người mẹ tốt, hết lòng hy sinh vì con cái? Em nẫu nề nhắn tin cho thầy:
"Em gặp thầy một lát được không?"
"Được."
Thầy trả lời rất nhanh, làm em tưởng em sẽ được gặp thầy sớm. Ai dè, mãi đến hai giờ sáng, thầy mới nhắn tin:
"Em ngủ chưa? Tôi đang đứng trước cổng chính của khu Tâm Gia."
Em kéo chăn đắp cho bà và hai bé rồi mới an tâm đi xuống dưới.
- Khiếp! Thầy đi đâu mà mất hút thế? Em gọi mấy cuộc nhưng ứ được!
Giọng em đúng như mấy mụ vợ khó tính cằn nhằn chồng, chua không chịu được. Thầy chả chửi em gì cả, chỉ rủ em đi dạo cùng thầy rồi từ tốn giải thích:
- Lúc em gọi, tôi đang ở trên máy bay.
- Ơ? Thầy đi công tác xa à?
- Ừ. Chiều qua, tôi có việc phải vào Vũng Tàu.
- Thầy xong việc chưa?
- Chưa em ạ. Sáng mai, tôi lại bay sớm.
- Vậy thầy bay về Hà Nội chỉ để gặp em một lát thôi à?
- Ừ.
- Ơ hay cái thầy này? Bận như vậy sao không gọi điện cho em? Tự dưng đi đi về về làm quái gì cho vất?
- Vất nhưng vui mà.
- Vui gì? Em chả thấy vui gì sất! Sốt ruột chít đi được!
- Thì bởi vì em sốt ruột... nên tôi mới vui.
- Thầy còn đùa được nữa à? Ghét ghê!
- Có chắc là ghét không em?
- Sao lại không chắc hả thầy?
- Tại tôi chưa thấy ai ghét ai mà giọng điệu lại ỏn ẻn như vậy.
Em đỏ bừng cả mặt. Em lườm thầy, ngượng ngùng phủ nhận:
- Ỏn ẻn chỗ nào? Em ứ bao giờ ỏn ẻn luôn! Thầy cứ bị nhầm là thế nào nhỉ? Người ta nói năng hơi bị dõng dạc đấy.
Em còn đang định đấm cho thầy một cái cơ. Ngặt nỗi, thầy đã kịp cầm lấy cổ tay em rồi. Dưới ánh đèn đường vàng nhạt, thầy xắn tay áo của em lên một chút, chăm chú quan sát rồi kết luận:
- Cổ tay hết bị hằn rồi.
Dứt lời, thầy buông tay em luôn. Thì cũng chả có việc gì nữa, cầm tay nhau làm gì đâu? Em biết rõ là thế rồi mà trong lòng em vẫn có chút hụt hẫng. Em kiếm cớ ăn vạ:
- Thầy! Tay áo bên phải vẫn chưa xắn!
Thầy Tâm chỉn chu lắm ý, xắn tay áo thôi cũng đẹp. Hai bên tay áo đều nhau tăm tắp, em cứ như được thêm mấy phần tao nhã. Hai thầy trò lặng lẽ đi bên nhau, chẳng mấy chốc đã đến trụ sở chính của Tập đoàn Tâm An. Em thong thả tâm sự:
- Em đã ký cam kết với Tập đoàn Tâm An rồi thầy ạ. Bởi vì em quyết định nhận học bổng của họ nên sau khi về nước, em sẽ phải làm việc cho họ tối thiểu hai năm. Nếu em đầu quân cho tập đoàn khác thì trong vòng hai năm đó, em sẽ phải trích ra 20% lương mỗi tháng để hỗ trợ sinh viên Đại học Tâm An.
- Em chọn phương án nào?
- Được trở thành một mảnh ghép của Tập đoàn Tâm An là ước mơ của rất nhiều sinh viên K54. Em chắc chắn sẽ làm việc cho họ. Tuy nhiên, em sẽ vẫn hỗ trợ các bé sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, coi như một cách để em trả ơn các anh chị khoá trên năm xưa đã giúp đỡ mình.
- Em không có ý định ở lại Hàn Quốc sao?
- Vâng ạ, em muốn trở về Hà Nội. Hai năm... đối với em... thực ra... cũng đã là quá dài.
- Ừ... hai năm.
- Hai năm liệu có đủ để một người đàn ông hẹn hò và tiến tới hôn nhân không thầy nhỉ?
- Tại sao lại hỏi như vậy?
- Bởi vì... có một người... em rất sợ... khi em quay trở lại... người đó đã lập gia đình rồi.
- Em thích người đó sao?
- Em không dám vọng tưởng. Em chỉ là... không thể vô liêm sỉ gọi một người đàn ông đã có vợ chạy tới gặp riêng mình nữa.
- Đừng lo. Nếu một người đàn ông vẫn muốn gặp riêng em, anh ta sẽ không ngu dại trói buộc bản thân trong bất cứ một mối quan hệ ràng buộc nào mà đối phương không phải là em.
- Vâng. Em cũng không biết quyết định đi du học của mình là đúng hay sai nữa?
- Đúng với người này thì có thể sẽ sai với người khác. Không có sự lựa chọn nào hoàn hảo cả, chúng ta đều phải cố gắng giảm thiểu rủi ro cho các quyết định của mình.
Chỉ tâm sự với thầy chút xíu thôi mà lòng em nhẹ nhõm hẳn. Em sốt sắng khuyên thầy:
- Muộn quá rồi. Thầy nên về nhà nghỉ ngơi cho đỡ mệt ạ.
- Em mệt rồi à?
- Em ở nhà suốt, có gì đâu mà mệt? Thầy di chuyển nhiều mới hại sức đấy! Vẫn nên chợp mắt một xíu thầy ạ.
- Tôi không nghĩ là mình sẽ vào giấc được.
- Thầy sao vậy? Dạo này thầy bị khó ngủ ạ?
- Ừ... thi thoảng... tôi có chút bồi hồi.
- Em cũng hay bị như vậy lắm thầy ạ, nhiều đêm cứ trằn trọc, chả rõ vì sao nữa?
- Ừ. Tôi cũng chả biết gì cả.
- Vâng. Thế hay thầy trò mình đi dạo thêm một lát nhỉ? Về nhà mà cứ thao thức chỉ tổ rước bực vào thân.
Thầy gật đầu. Em và thầy đi tới vườn đào Tâm Tình, rồi chả ai bảo ai, cùng nhau ngồi xuống chiếc ghế gỗ dưới tán đào sum suê. Có cơn gió nhẹ khẽ thổi qua thôi mà thầy cũng cẩn thận khoác áo cho em. Chiếc áo thơm ghê, em cứ tủm tỉm mãi. Thầy đăm chiêu hỏi:
- Có vấn đề gì vậy em?
- À, tại áo của thầy... có mùi rất dễ chịu.
Khoé môi thầy hơi cong lên. Em thắc mắc:
- Thầy! Những lúc khoé môi thầy hơi cong cong ý, có được tính là thầy đang cười không?
- Theo em thì sao?
- Em biết thế nào được? Em có đi guốc trong bụng thầy đâu?
- Nhưng nhỡ đâu em lại ở trong tim tôi thì sao?
Ủa? Gì vậy? Thầy đang hỏi em đấy à? Em bối rối quá chừng. Em lại bị đơ rồi, em lại ứ biết phải đáp như thế nào cho phải phép rồi. Má em nóng hầm hập. Em cúi gằm mặt xuống như đứa học sinh phạm tội tày trời sợ bị thầy giáo khiển trách. Nhưng thầy đâu có mắng em đâu, thầy chỉ lặng lẽ ngồi bên em thôi. Cớ sao trên thế gian này lại có một người mà khi ở bên cạnh họ, chúng ta chẳng làm gì cả, thậm chí còn không hề nói chuyện phiếm mà vẫn thấy hạnh phúc nhỉ? Tầm bốn giờ sáng, có chiếc xe Rolls-Royce tiến vào vườn đào, thầy thở dài bảo em:
- Tôi phải ra sân bay rồi.
Em tiu nghỉu trả áo cho thầy rồi cùng thầy lên xe. Về đến khu Tâm Gia, thầy tinh tế xuống trước mở cửa cho em. Em xuống xe mà lòng trĩu nặng, ỉu xìu níu ống tay áo thầy nài nỉ:
- Thầy! Cho em... đi ra sân bay... với thầy nha! Đợi thầy lên máy bay rồi... em bắt xe buýt về cũng được.
Thầy lắc đầu từ chối. Em thẫn thờ nhìn thầy bước lên xe rồi lại nhìn chiếc xe rời đi. Em tủi thân, nước mắt cứ ứa ra. Rồi em cũng không biết vì sao vài phút sau, anh Thức lại quay xe. Thầy sốt ruột lao xuống, vội vàng bước tới bên em. Thầy áp hai bàn tay lên đôi gò má em, dịu dàng dùng đầu ngón tay cái lau nước mắt cho em rồi tình cảm dỗ dành:
- Ra sân bay chỉ thêm nặng lòng thôi em. Ngoan! Đừng tủi thân!
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK