Chương 142: Phần mộ tổ tiên nhà họ Khương
“Làm ơn đi, anh vẫn còn là học sinh cấp ba hay sao?” Tôi khinh thường liếc anh một cái, sau đó cẩn thận cất tấm thiệp vào chiếc túi đeo bên người.
Chu Nguyên Hạo nở nụ cười: “Xem ra em rất thích.”
Tôi hơi đỏ mặt. Trước kia lúc đi học thấy các bạn trong lớp chuyền thư tay nhau trong giờ học, tôi thấy thú vị lắm, tiếc là hồi đó không có ai viết thư cho tôi. Bây giờ có một người đàn ông đẹp trai viết thiệp cho tôi, nói rằng không thích thì là giả, nhưng tôi cảm thấy có chút ngây thơ.
“Không phải anh nói với tôi rằng đã chuẩn bị xong mặt trăng cho tôi rồi sao?” Tôi chuyển chủ đề: “Nó ở đâu vậy? Lấy ra cho tôi xem đi.”
Anh bèn lấy trong túi áo ra một chiếc hộp dài, được đóng gói rất tinh xảo. Khi tôi mở ra, một ánh thứ ánh sáng trong trẻo, có chút lạnh lẽo tựa như ánh trăng sáng bừng lên trong căn phòng nhỏ.
Đó là một khối ngọc rất đẹp, hình tròn, kích thước bằng đồng tiền xu, trên đó có khắc hình con cóc và thỏ ngọc một cách rất tỉ mỉ. Ánh trăng tuyệt đẹp tỏa ra từ viên ngọc này.
“Đây… Là cái gì thế này?” Tôi thốt lên: “Đẹp quá!”
Anh cười nói: “Là do chính tay tôi điêu khắc đó. Sau đó dùng một chút bí thuật phong ấn ánh trăng vào trong khối ngọc này, chỉ đáng tiếc là nó không tồn tại được lâu, nhiều nhất là năm ngày, ánh trăng sẽ tiêu tan.”
Tôi cầm khối ngọc trong tay, lòng bàn tay tôi hơi lạnh, viền mắt tôi đã đỏ ửng lên: “Cám ơn anh, Nguyên Hạo, đây là món quà đẹp nhất mà tôi từng nhận được.”
Anh khẽ chạm vào khóe mắt tôi, nói: “Nếu em vui mừng thì đừng khóc.”
Tôi vội đáp: “Tôi không khóc.”
Anh cũng không tranh luận với tôi nữa: “Ăn xong rồi, em muốn đi đâu nữa?”
Tôi bèn đưa anh đến trung tâm thương mại mua sắm cùng tôi. Đã lâu rồi tôi không đi mua sắm, tôi quẹt thẻ của anh để mua vài bộ quần áo, đúng là mua đồ bằng thẻ của bạn trai cảm thấy thật vui vẻ.
Ngày hôm sau mặc quần áo mới đến lớp, tôi thấy nhiều người nhìn tôi với ánh mắt kì lạ. Tống Anh tức giận đi theo sát tôi, nói với tôi rằng bây giờ ở trường học đầy rẫy những lời đồn đại về tôi, nói tôi không đàng hoàng, bám theo người giàu có, vì tiền mà bán thân. Có người còn đăng bức ảnh Chu Nguyên Hạo đến đón tôi ngày hôm qua lên bảng tin điện tử của trường.
Tôi bấm vào bài viết xem thử, kết quả những câu bình luận trong đó đều là: “Đẹp trai quá! Giàu như thế này thì tôi cũng muốn!”, “Bạn trai thế này mới đúng là bạn trai chứ!”, “Ghen tị, ghen tị, ghen tị! Chuyện tốt như vậy sao không đến lượt mình nhỉ!”,… Nếu bọn họ biết rằng anh ấy là một con ma, chắc sẽ sợ đến mức tè ra quần mất.
Bài đăng này chỉ tồn tại chưa đầy một giờ thì bị xóa, có lẽ là do chú Trịnh làm. Tôi cũng không quan tâm đến chuyện đó, ai muốn nói cứ việc nói chán thì thôi.
Chu Nguyên Hạo và tôi sống với nhau được vài ngày, chớp mắt đã tới ngày mùng mười tháng tám. Ngày này là ngày giỗ của bà tôi, hàng năm tôi đều về quê viếng mộ bà nội.
Đương nhiên Chu Nguyên Hạo cũng muốn cùng tôi trở về. Trước khi mất, bà nội thường nói sẽ thật tuyệt nếu bà có thể thấy tôi kết hôn và sinh ra những đứa con. Tôi không biết bà sẽ cảm thấy thế nào nếu biết bạn trai của tôi là ma.
Tôi đang thu dọn đồ đạc thì đột nhiên nhận được một cuộc điện thoại từ quê nhà, một giọng nữ lo lắng vang lên: “Tiểu Lăng, thím ba đây.”
“Cháu chào thím ba.” Tôi vội nói, thím ba này là hàng xóm cùng quê với tôi, thường chăm sóc mồ mả cho bà nội và bố mẹ tôi.
“Tiểu Lăng, mau trở về đi.” Thím ba nói: “Phần mộ tổ tiên nhà cháu bị người ta đổ đầy dầu tùng lên rồi!”
“Cái gì?” Tôi lập tức nổi giận. Theo phong tục chỗ chúng tôi, dầu tùng là thứ cấm kỵ. Nếu đổ dầu tùng lên mộ sẽ phá hỏng phong thủy, còn làm cho người đã khuất không yên lòng ra đi, hại người còn sống tuyệt tử tuyệt tôn.
Điều này thật quá độc ác!
“Ai đã làm chuyện này?” Tôi tức giận đến mức run cả người, giọng nói cũng trở nên vô cùng lạnh lẽo.
“Hừ.” Thím ba thở dài nói: “Chuyện này… Trên điện thoại cũng không giải thích rõ được, cháu cứ trở về trước đã, trở về rồi nói.”
Tôi cúp điện thoại, sắc mặt vô cùng khó coi. Bà tôi vốn không phải người thôn Thành Long, bà là người từ nơi khác tới. Khi mới đến, bà không có chồng, chỉ mang theo một người con duy nhất, chính là bố tôi.
Sau khi định cư ở thôn Thành Long, bà đã hết lòng giúp đỡ người dân ở đây, nếu ai gặp phải chuyện gì, bọn họ sẽ đều tới nhờ cậy bà tôi. Nhưng trong mười năm xảy ra tai họa, những người dân làng đều trở mặt với bà tôi, khiến bà gặp rất nhiều khó khăn.
Quên đi, chuyện này là do thời đại đó gây ra, tôi không muốn truy cứu trách nhiệm của những người đó, bà nội tôi cũng đã chuyển ra khỏi thôn Thành Long rồi.
Sau khi bà nội qua đời, bà để lại lời trăn trối rằng bà muốn được chôn cất tại thôn Thành Long. Sau khi bố tôi qua đời, tôi cũng chôn cất ông cùng với bà nội.
Không ngờ, dân làng còn chưa chịu yên, lại đổ dầu tùng lên phần mộ của gia đình tôi, tôi không thể chịu nổi nữa!
Tôi cười lạnh, hổ không ra oai nên các người coi là mèo con để ăn hiếp sao?
Chu Nguyên Hạo duỗi hai tay ra, nhẹ nhàng ôm tôi từ phía sau, anh ghé vào tai tôi, nhỏ giọng nói: “Em đừng nóng giận, chúng ta sẽ có cách trừng phạt bọn họ.”
Tôi nắm chặt tay: “Đã vậy, chúng ta đòi lại món nợ năm đó.”
Lần này Chu Nguyên Hạo không xuất hiện, mà ẩn trong mặt dây chuyền bằng ngọc. Tôi lái chiếc xe Van cũ kỹ, đi dọc theo con đường núi đến bên ngoài thôn Thành Long, phần mộ tổ tiên của gia đình tôi nằm ở lưng chừng núi.
Tôi bước vội lên núi, thím ba đang ngồi xổm bên mộ bà tôi, thắp một nén nhang rồi từ từ đốt giấy tiền.
“Thím ba.” Tôi gọi một tiếng, bà ấy quay đầu lại cười: “Tiểu Lăng, cuối cùng cháu cũng trở về rồi.”
“Thím ba, cảm ơn thím trong mấy năm nay đã chăm sóc phần mộ tổ tiên giúp cháu.” Tôi lấy từ trong túi xách ra một xấp tiền đưa cho bà ấy, khiến bà ấy sợ hãi: “Tiểu Lăng, cháu, cháu lấy đâu ra nhiều tiền như vậy?”
Tôi đáp: “Thím ba, mấy năm nay cháu mở cửa tiệm vòng hoa. Bây giờ người dân giàu có và coi trọng thứ này lắm, nên cháu cũng kiếm được kha khá tiền. Thím hãy cầm lấy đi.”
“Nhưng cái này… Cũng nhiều quá rồi.” Thím ba vội xua tay: “Lâu lâu thím mới tới dọn dẹp, đốt một ít giấy tiền thôi, cũng không đáng bao nhiêu cả. Hơn nữa, nếu năm đó không có dì Khương, thím và anh Đông Tư của cháu có khi ngay cả mạng sống cũng không còn nữa.”
Tôi nhét hết tiền vào tay thím, thím ba cũng là người nơi khác tới, thím về nhà chồng được hai năm thì chồng bị tai nạn qua đời, đứa con trai duy nhất là Đông Tư cũng sinh bệnh lạ, suýt chút nữa thì không qua khỏi. Thím ba đưa Đông Tư đi khám rất nhiều thầy thuốc, nhưng không ai biết đó là bệnh gì. Lúc đó bà nội tôi đã không làm bà đồng nữa, nhưng cứu một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp, bà nội tôi bí mật đốt bùa chú, sau đó đưa cho Đông Tư ăn, vài ngày sau thì anh ấy khỏi bệnh.
Đã nhiều năm trôi qua nhưng thím ba luôn ghi nhớ ân tình này, người như thím ba cũng không có nhiều.
Thím ba miễn cưỡng nhận tiền và nói với tôi: “Tiểu Lăng, nhìn này, mộ bà nội và bố mẹ cháu đều bị đổ đầy dầu tùng. Phải làm thế nào bây giờ? Cháu có muốn mời một vị đạo sĩ đến xem không? Xem nên xử lý chuyện này thế nào?”
Vị đạo sĩ mà thím ba đang nói đến là một thầy cúng ở làng bên. Ông ta tự nhận mình là đạo sĩ, là truyền nhân ở núi Thạch Thành. Nhưng thực tế, ông ta là một kẻ lừa đảo. Mấy năm này, dựa vào số tiền mà ông ta lừa được, ông ta đã mua một căn biệt thự trong thành phố và bao nuôi hai người phụ nữ.
Tôi thầm chế nhạo ở trong lòng, cái bộ dạng đó, còn bao nuôi hai nữ sinh đại học, sớm muộn gì cũng sẽ chết sớm.
“Không cần đâu thím ba, thím đừng quên bà nội cháu từng làm gì. Dù cháu không tài giỏi nhưng cũng đã học được vài thứ.”
Vừa nói, tôi vừa lấy ra một vài lá bùa, tôi đốt chúng và rải tro lên trên nấm mộ, sau đó lẩm nhẩm niệm chú. Tôi niệm đến đâu, khói đen từ ngôi mộ bốc lên đến đó, rồi đám khói từ từ biến mất trong không trung.
Sau đó tôi lại lấy ra một tờ giấy lớn màu vàng và nhờ thím ba tìm cho tôi một cái xẻng nhỏ. Tôi xúc lớp đất mỏng trên mộ ra, sau đó trải tờ giấy màu vàng xuống dưới, rồi phủ lại đất lên trên.
Có lớp giấy vàng này, thì dù ai đó đổ dầu tùng lên mộ cũng không ảnh hưởng gì cả.
Thím ba nhìn thấy vậy thì tấm tắc khen ngợi tôi, còn giơ ngón tay cái lên tán thưởng tôi.
Tôi dập đầu trước mộ của bà và cha mẹ, thắp nhang và đốt giấy tiền xong, sắc mặt tôi trầm xuống, hỏi: “Thím ba, thím có thể nói thật cho cháu biết là ai đã làm việc này không?”
Thím ba có chút khó xử, thở dài nói: “Dù sao thì Đông Tư nhà thím cũng đã mua một căn nhà ở Đông Hà, sớm muộn gì thím cũng chuyển đến sống với nó, thím sẽ không ở trong ngôi làng này nữa. Để thím nói cho cháu biết, Tiểu Lăng, đây đều là “việc tốt” mà gia đình Lý Quân Thịnh đã làm đó.”
Nhà họ Lý là gia tộc có quyền thế ở thôn Thành Long. Chín mươi phần trăm người dân trong thôn này mang họ Lý. Lý Quân Thịnh là nhóm người đầu tiên trong làng trở nên giàu có. Ông ta trở thành trưởng thôn của thôn Thành Long, rất có tiếng nói ở trong thôn. Vào những năm chín mươi, ông ta chẳng khác gì đám thổ phỉ, tác oai tác quái một vùng.