Nhưng chưa kịp tới thì dọc đường đã gặp phải một vùng nạn dân, già trẻ lớn bé rất nhiều, tất cả đều bị bệnh dịch đậu mùa hoành hành.
Mẫu thân dừng lại ở đây, cho thị vệ dựng tạm mấy cái lán, chia nhóm lên núi hái thuốc cứu chữa cho bọn họ, Cẩn Y và Cận An luôn theo sát ta không rời cũng học được một ít cách sơ cứu thông thường.
Mấy ngày đầu, lúc tiếp xúc với bệnh nhân bị nặng, có mùi rất hôi thối. Hạt đậu mùa nổi trên da luôn gây ngứa râm ran nên bệnh nhân cứ lấy tay cào gãi liên tục làm tróc, máu mủ chảy ra từ người họ bốc lên làm ta nôn luôn tại chỗ, cuối cùng không làm nổi phải lui ra để mẫu thân xử lý.
Việc của ta là ngồi giã thuốc, sau đó chỉ có thể lau sạch tay chân những đứa trẻ và người bị nhẹ hơn để thoa thuốc, còn lại mấy người bệnh nặng thì kiên quyết không cho ta động vào. Bọn họ muốn gọi mẫu thân chữa trị, giễu cợt thẳng trước mặt ta rằng một cô nương sợ bẩn và chỉ biết nôn thì làm được cái gì.
Nghe xong, ta trong lòng bị đả kích, hiểu ra công việc này không hề đơn giản như ta vẫn nghĩ, và đến khi được nhìn thấy thực tế như hôm nay, ta mới biết, cách chữa những thứ như thế này, không có ghi trên sách.
Nhưng ta chẳng bất mãn hay tức giận chút nào, vì bọn họ đã nói không sai, nguyên nhân là ở chính bản thân ta.
Buổi tối ngồi một mình bó gối trong lều, ta trách mình vô tích sự.
"Nói đúng rồi còn gì, cả nửa năm trôi qua, chỉ biết mỗi việc giã thuốc, thì ai dám đưa cho ngươi chữa..."
Vì thế, ngày hôm sau, hôm sau nữa, hôm sau kế, ta lập thành một thói quen, không còn phí phạm tinh dầu bạc hà đổ lên khăn che trước mũi. Kiềm chế cơn buồn nôn của mình, tệ nhất cũng cho tới khi làm sạch cho bệnh nhân và thoa xong thuốc. Bọn họ cũng không còn nhìn ta bằng ánh mắt như đối với kẻ vô dụng.
Mất một tháng dịch bệnh mới tạm thời ổn định, một vị lương y đến giúp đỡ, chúng ta mới có thể tiếp tục lên đường đi tiếp.
Điều kiện ở bên ngoài tất nhiên không được tốt, lại thường xuyên di chuyển dù mưa hay nắng, còn phải giữ lương thực đủ cho tất cả mọi người trước khi đến thành, nhưng mẫu thân lại phân phát cho dân chúng đói khổ trên đường mất hết một nửa, ăn uống mỗi ngày một tiết kiệm hơn.
Đoàn chúng ta đi trên đường càng gặp nhiều vất vả, đêm nào may mắn lắm mới có một quán trọ sạch sẽ mà dừng chân, còn không thì phải dựng lều mà ngủ. Trong đêm, nằm bên cạnh ta nghe thấy mẫu thân cứ lén thở dài, chắc có lẽ hoàn cảnh này làm người nhớ lại lúc khổ cực khi xưa chăng? Hoặc là người thấy tiếc khi chưa mở thêm y quán ở chỗ này?
Và nhờ vào việc không nghỉ ngơi nhiều, chúng ta cũng nhanh chóng đến vùng rìa phía Bắc, trên đường vô cùng vắng vẻ và không thấy được một ngôi nhà nào. Trong buổi trưa hôm ấy, đoàn xe đang di chuyển dưới ánh nắng gắt thì đột ngột dừng, thị vệ đi trước quay lại khẩn cấp thông báo.
"Phu nhân, phía trước có người tới, tự xưng là người của Lương lão Thái y!"
Mẫu thân đang ngồi trong xe liền bước ra ngoài, nói gì đó, hỏi Cẩn Y ta mới biết, còn năm mươi dặm nữa là đến Chiêu Châu, đã đi trên đường bốn mươi tám ngày, và đội quân trước mặt là Thanh Y vệ từ phủ cử tới đón chúng ta.
Khỏi phải nói ta vui mừng đến như thế nào, rốt cuộc đã có thể sống tốt hơn rồi!
Thanh Y vệ dẫn đường, đi thêm mấy chục dặm, sắp xếp chỗ ở tạm qua đêm cho chúng ta trong một khách điếm rất lớn, ta cũng được ngủ ở phòng riêng và có nước nóng để tắm rửa.
Sáng hôm sau, ta dậy sớm nhằm chuẩn bị tinh tươm, mặc một bộ y phục màu xanh nhạt mới nhất, chải tóc thật kĩ và búi gọn gàng, cài thêm một cây trâm hoa. Tối hôm qua cũng ghi nhớ rất rõ các bước lạy bái sư.
Xe từ khách điếm đi lúc trời tờ mờ sáng, Thanh Y vệ chia làm hai nhóm đi trước và đi sau.
Khi tới thành Chiêu Châu thì đã gần trưa, đi thêm một lúc, xuyên qua phố người đông đúc náo nhiệt, cuối cùng cũng đến. Ta háo hức bước xuống xe, trước mặt là một gia phủ lớn, trông không giống y quán gì cả, trên cổng là một cái biển chỉ đề hai chữ Viễn Huân.
Ta đi theo sau mẫu thân, thị vệ mở toang cổng, sau cánh cửa là một hàng người, chính giữa là một ông lão râu tóc bạc phơ với bộ y phục màu trắng xám, trông người hơi béo nhưng rất nghiêm nghị, có lẽ đây chính là Lương lão Thái y.
Mẫu thân ta tiến lên trước chào hỏi, ta đứng đằng sau chờ gọi tới mới bước lên, chắp tay theo lễ nghi, cúi đầu chưa xong thì Lương lão Thái y đã giơ tay nói.
"Chưa vội, vào trong trước đã!"
Ta ngẩng lên nhìn mẫu thân, thấy người gật đầu mới an tâm đứng thẳng dậy. Sau đó mẫu thân và ta được mời vào trong, mẫu thân ngồi xuống ghế, còn ta tự tay dâng phẩm vật bái sư.
Lương lão Thái y ngồi giữa gian nhà chính, đạo mạo nhìn về phía cái khay ta đang cầm, xung quanh là mấy người ban nãy xếp hàng đón ta từ cổng.
Bên trên chiếc khay là một lọ thuốc bổ, một hộp thảo dược, có táo tàu, kĩ tử và một số loại khác, ngoài ra còn một hộp đựng sâm, tất cả đều do một tay mẫu thân ta chuẩn bị sẵn.
Đợi Lương lão Thái y nhận xong, ta mới từ từ cúi người, hai tay chắp lại, giơ cao khỏi đầu, quỳ xuống lạy hai cái, để đầu chạm dưới sàn, Lương lão Thái y gật đầu.
"Đứng lên đi!"
"Đa tạ sư phụ!"
Mẫu thân hài lòng ngồi bên kia, Lương lão Thái y nhìn ta vui vẻ nói.
"Tẫn Linh đã đến đây rồi, từ nay cũng là người thân trong nhà, ta và lão Lưu xem nhau như huynh đệ ruột thịt, con cũng có thể gọi ta một tiếng tổ phụ!"
Lương lão Thái y nói xong, ta nhìn sang mẫu thân muốn hỏi ý, người khẽ chớp mắt, gật đầu cho phép. Ta cúi đầu, thận trọng nói.
"Vâng, tổ phụ!"
"Tẫn Linh năm nay bao nhiêu tuổi?"
Một nữ tử ngồi đối diện mặc bạch y nhỏ nhẹ hỏi, ta đứng dậy quay qua đối mặt lễ phép đáp lời.
"Tỷ tỷ, năm nay muội được mười bốn!"
Sau đó, Lương lão Thái y chỉ vào từng người ngồi bên tay phải của người, nhìn qua ta cũng có biết họ là con cháu trong nhà.
"Mau tự giới thiệu với nó đi!"
Phía đối diện là ba nữ tử đang ngồi, ngoài cùng còn có một nam tử nữa. Nữ tử mặc bạch y vừa hỏi kia xem ra là vị lớn nhất, đứng dậy dịu dàng.
"Ta là trưởng nữ tôn của tổ phụ, Thanh Tiêm,
Đây là nhị tỷ của muội, Thanh Tề,
Bên kia là tam tỷ Thanh Viên và phu quân Tôn Điền,
Ngoài ra, còn tứ tỷ Thanh Kiện và phu quân, cả Tiểu Ngũ hiện không có mặt ở đây!"
Ta nghe xong, quay qua cúi đầu chào từng người một. Thanh Tiêm hòa nhã và nhẹ nhàng, Thanh Tề thì có gương mặt hơi nghiêm khắc, Thanh Viên và phu quân là hai người điềm đạm phúc hậu.
Sau đó ta mới biết thêm, Viễn Huân chỉ là gia phủ dùng để ở, còn y quán nằm cách đây không xa.
Hiện tại, Thanh Tiêm và Thanh Tề phụ trách trông coi y quán cùng Lương Thái y, còn Thanh Viên không theo y thuật, đã thành thân và chỉ là một chủ tiệm bánh ngọt lớn trong thành.