Đống tiền của cô Tư nhờ tài riêng thu nhặt, xây đắp trong bao nhiêu năm lao khổ, kinh doanh, năm năm buôn bán không may ở Cao Miên và ở Sài Gòn đã thấy vẹt đi một góc khá lớn.
Vì ai cô phải thiệt mất những mối hàng lúa gạo là nghề nghiệp quen tay, lợi lộc sẵn có của cô?
Vì ai cô phải xa bỏ quê hương?
Vì ai cô phải buôn thua bán lỗ?
Những nỗi lưu li tổn hại đó, nếu được một cái tình chân thật của ai kia đền bù lại chắc mình cũng có thể vui lòng mà tự yên ủi. Nhưng đằng này cô lại thấy chồng cô không phải vì tình mà chỉ vì của. Biết bao phen, ông chồng dỗ dành tán tỉnh cô sang tên sản nghiệp, cô nghĩ mà chán ngán cho thế thái nhân tình. Tự biết mình dại thì việc đã muộn.
Đối với một người vừa tiếc của, vừa thất tình, con ma bệnh chỉ búng một cái cũng đủ ngã.
Năm 1921, cô Tư ở Sài Gòn ra Hà Nội chỉ vừa đủ thời giờ để leo lên giường bệnh nằm liệt.
Mà bệnh nguy hiểm: bệnh lao.
Con người có tiên thiên vạm vỡ khỏe mạnh là thế, trong tay lại sẵn tiền của tha hồ bổ dưỡng thuốc men nhưng sự lo sự buồn, sự bực tức đã mở rộng cửa ngõ cho vi trùng Kock vào đục khoét gan phổi thịt xương, chẳng mấy chốc mà khô héo tiêu mòn với nó. Tiền bạc có mua lại được tính mạng đâu?
Những thân bằng cố hữu đến thăm, trông cô mà ái ngại; với mỗi ngày một chập ho, một cơn sốt đi qua rồi, cô Tư vẫn có lúc tỉnh táo nói năng được ít nhiều, song cứ ăn vào là thổ ra, thịt da rút đi đâu rất nhanh chóng! Đâu còn là cái Lan chắc nịch, gánh rượu đi chợ Kim Sơn ngày xưa? Đâu còn là người lực lưỡng béo lăn, không hề biết bệnh tật là gì, đến nỗi chị em bạn đã đặt cho cái tên "một đống thịt sắt" ?
Chung quanh giường bệnh, sớm tối đắp đổi không thiếu gì đông, tây danh y ở Hà thành và từ các tỉnh rước lên cũng có. Ông nào xem mạch rồi cũng lắc đầu thở ra tỏ ý thất vọng.
Một bệnh nan y. Một bệnh bất trị. Những Kỳ Bá, Lãn Ông ngày xưa và khoa học đời nay đều phải khoanh tay ngồi ngó.
Trong lúc ấy đức phu quân nhà cô làm gì?
Chẳng cần phải có máy đo tâm lí hay là cặp mắt thầy tướng, ai chỉ trông qua thần sắc ông thử thời cũng biết ông không lo thuốc men săn sóc vợ ốm cho bằng kí chủ băn khoăn về vụ gia sản cua vợ.
Thì ra ông thầy tu này tham lam của cải thật.
Chỉ vì đồng bạc mà ông đành tâm lấy mình làm tấm bia cho mũi tên đàm tiếu của dư luận, phá giới và kết hôn với cô Tư. Vì ông rõ biết người đàn bà này không con mà ở Hà Nội lại có nhiều dãy nhà, trong tủ có nhiều giấy bạc. Của vợ chẳng là của chồng thì của ai?
Tuy nhiều lần gạ gẫm vợ kí giấy sang tên sản nghiệp cho mình đều bị vợ kiếm cớ thoái thác, hứa hẹn nhưng ông không ngã lòng chút nào. Ông quyết theo đuổi kì cùng để chiếm lấy cái tài sản to tát ấy.
Chưa biết nếu như chuyến này trở về Hà Nội mà cô Tư không ngọa bệnh thì ông sẽ giở ra những mưu mô và thủ đoạn gì để cho đạt mục đích. Rủi ro cho cô Tư về nằm liệt vị, ai buồn, ai lo mặc kệ, chính ông cho đó là một cơ hội rất may cho ông. Bệnh ấy thế nào mà thoát chết. Cô Tư chết tức là sản nghiệp của cô phải về phần ông hưởng tự nhiên.
Ông để hết tâm chí lo vụ sang tên cho dứt khoát và mau xong. Xem chừng cô Tư càng ngày càng đi gần tới nghĩa địa, không còn cách nào xa. Nếu để vợ chưa kịp kí tên mà nhắm mắt thì hỏng bét.
Bởi vậy, trong khi bà vợ nằm rên rỉ trên giường, mặc kệ các thầy lương y tận tâm cứu chữa, mặc kệ gia nhân phục dịch thuốc men, ông lần mò ra sở địa ốc xem tên bà Trần Thị Lan có những nhà cửa đất cát nào ở Hà Nội, lại ra ngân hàng dò la cho biết vợ còn gửi bao nhiêu tiền.
Một hôm, về buổi chiều thấy bà vợ hơi khỏe khoắn tươi tỉnh có thể nói chuyện được ông liền đến bên làm bộ sờ trán cầm tay, ân cần thăm hỏi rồi đưa ra một tờ giấy biên sẵn mấy hàng chữ và nói:
- Cô chép y theo mấy hàng chữ này rồi kí tên vào dưới là xong. Giấy bút đây.
Cô Tư nhìn thấy viết mấy hàng chữ như vầy:
"Tôi để lại cho chồng tôi là M. Croibier Huguet, thừa tự tất cả của cải động sản và bất động sản của tôi.
Tôi viết giấy này và kỉ tên trong lúc tinh thần rất tỉnh táo.
Kí tên. . ."
Vừa đọc hết chữ sau cùng, cô Tư ngã bật ngửa trên giường, hai tay ôm lấy ngực, một cơn ho khúc khắc nổi lến, cô mệt nhọc quá gần như tắc hơi, bí thở.
Người nhà sợ cuống, tưởng là cô Tư giãy chết.
Cũng may đó chỉ là một cơn uất tức.
Dăm bảy phút sau, cô tỉnh lại mở mắt nhìn đức phu quân trừng trừng rồi khoa tay và nói được có hai tiếng:
Hôm khác.
Trong ý cô muốn bảo chồng để hôm khác sẽ nói chuyện ấy cho mà nghe. Nhưng ông chồng tưởng là bảo hôm khác cô sẽ kí tên nên chỉ cách sau đó một hôm, cũng về buổi chiều, ông lại mon men đến bên giường bệnh tán tỉnh rồi thò cái giấy hôm trước ra.
Lần này, cô Tư tỉnh trí, cầm lấy tờ giấy xé vụn làm nhiều mảnh, vừa nói vừa nhìn thẳng vào mặt chồng:
Ông cố tâm chiếm đoạt tài sản cùa một người đàn bà đến thế kia ư? Thế mà lúc mới gặp nhau, ông nói ông tu hành đạo đức chẳng thiết gì của cải thế gian. . .
Cô vuốt ngực cho nhẹ hơi thở rồi nói tiếp:
Tôi nhớ không biết lần này là lần thứ mười mấy rồi ông gạ mãi tôi sang tên gia sản cho ông. Chắc ông nghĩ gái già này dại dột lắm, bảo gì nó chẳng phải nghe. Nó không dại đâu, ông ạ. Nói thật cho ông biết rằng nó đã phòng lấy thân rồi. Bao nhiêu gia sản nó cho người ta và mấy hội thiện hết cả rồi, có còn gì đâu nữa mà cho ông. . .
Cô nghỉ hơi, thoáng nghe ông chồng nói lẩm bẩm gỉ trong miệng có những tiếng. . . pháp luật. . . thưa kiện. . . Chắc ông hăm dọa sẽ đem vụ gia sản này ra tòa.
Cô nghiến răng, quắc mắt:
Phải đấy. Tôi chết rồi, ông muốn sinh sự thế nào cứ việc, tôi khỏi phải giương mắt trông thấy tình đời đen bạc mà đau đớn ruột gan.
Ông vùng vằng đi ra không thèm hỏi han bệnh tình vợ nửa tiếng!
Mặc dầu đốc tờ hết lòng cứu chữa mà bệnh vẫn không chịu đầu hàng hay rút lui ít nào, cô Tư chắc hẳn tự biết đời mình sắp sửa đến lúc tàn cuộc.
Buổi sáng hôm ấy, tự nhiên cô bảo người vực ngồi dậy, uống được trên nửa cốc sữa. Nét mặt trông tươi tỉnh, hai mắt như có hào quang. Người nhà hơi mừng, cho là một điềm báo trước của sự bình phục.
Cô gọi cậu em ra ngồi nói chuyện một cách điềm tĩnh rõ ràng như người vô bệnh:
Em ạ, ngày xưa ông cụ đẻ ra chúng ta bần khổ hàn vi lắm. Có lúc gánh con ngồi trong hai đầu thúng, lưu lạc sinh nhai hết xứ này đến xứ khác. Lúc chị lớn khôn cũng trải bao nhiêu nông nỗi gian nan rồi mới dựng nên cơ nghiệp thế này. Bởi chị khéo nhẫn nại, tính toán, bốc vác, tảo tần, từ một đồng xu cho đến một căn nhà đều tự tay mình buôn bán dành dụm mà làm nên chứ không phải cướp được của ai đâu. Lẽ nào để ai cướp được của mình? Nay chị để lại cho em tất cả tức là cho các cháu bé. Hễ chị nhắm mắt rồi, em phải cố giữ gìn cơ nghiệp này mà gây dựng cho các cháu đều được học hành nên thân. Trước khi chị chết, em có dám hứa với chị điều ấy không?
Sao chị nói gở miệng thế! — cậu em đáp — Chị không chết đâu. Khí sắc của chị hôm nay xem có vẻ tốt lắm, ấy là cái triệu chứng bình phục đến nơi. Chị cố mà tĩnh dưỡng cho mau lành mạnh.
Cậu có biết đâu cái chết có lúc là một thang thuốc bổ rất quí cho người ta.
Cô tư hơi nhếch miệng cưòi, cái cười khô khan mà thành thật.
Đoạn cô nói tiếp:
Giờ chị bảo em một việc nữa.
Việc gì thưa chị?
Em bảo đánh xe đến Nhà Chung mời cố Ân lại đây giùm chị.
Ngay bây giờ?
Tức khắc. Vì có một chuyện rất quan hệ, chị phải nói với cố.
Cố Ân ở nhà thờ Hà Nội lâu năm là một người đạo đức nhân từ, luôn luôn sốt sắng với kẻ nghèo, kẻ bịnh, ai biết cũng phải kính phục.
Sau đó 20 phút, cố đi xe tới ngôi nhà ở ngõ Hội Vũ vào ngồi bên đầu giường bệnh nhân vỗ về, an ủi:
Cô tư đang nằm, mở mắt ra thấy cố, chào hỏi rồi nói trân trọng rõ ràng từng tiếng:
-Thưa cha, câu chuyện tình duyên của con đã làm phiền lòng dư luận đạo đức, hẳn cha đã rõ.
-Chuyện đã qua rồi.
-Vâng, chính vì chuyện đã qua ấy mà nay con thành thật ăn năn tội lỗi của con đã đồng phạm với kẻ lỗi đạo tu hành.
Tốt lắm, con biết ăn năn thì đức Chúa Lời sẵn lòng tha thứ, linh hồn con sẽ lên Thiên đàng.
Chứng tỏ lòng con ăn năn tha thiết, con xin cha rửa tội cho con trở lại đạo, cứu rỗi phần hồn của con.
Lòng thành của con đã được Chúa Lời soi thấu.
Thò tay vào phía trong đầu giường, lấy ra một tập giấy cô Tư trao cho cố Ân và nói:
Con có điều ước nguyện cuối cùng, xin cha chiếu cố.
Được, con cứ nói.
Thưa cha, trong tập này là bản đồ một miếng đất đáng giá gần hai vạn bạc và tờ nhượng con đã kí tên để cúng vào Nhà Chung. Với số tiền sẽ bán được miếng đất ấy, xin cha xây một tòa nhà thờ cho kẻ nghèo khó mà dưới nền móng đó nắm xương tàn của con sẽ được chỗ nương nhờ để các giáo hữu đời đời cầu nguyện cho con.
Đấng Cha chung của chúng ta sẽ ban phước cho con được như ý sở nguyện.
Đoạn cố Ân làm phép rửa tội cho cô. Sau khi đó người ta thấy trên gương mặt cô có hửng sáng, cô cố lấy hơi để nói cho to:
Trọn đời tôi, duy có phút này là thấy sung sướng thảnh thơi.
Rồi cô nằm nhắm mắt lại, chắp hai tay để trên ngực.
Một lát người ta rờ thấy người cô lạnh ngắt, chi còn trơ cái xác không hồn.
Thì ra bây giờ tỉnh táo nói năng chỉ là một hơi gắng cuối cùng như cây đèn hết dầu, ngọn lửa bùng lên một cái rồi tắt.
Cô tư Hồng hưởng thọ được 53 tuổi.
Nguyện vọng cuối cùng của cô được như ý.
Miếng đất ở ngay cửa trường Đấu Xảo trông sang và đối diện với hãng xe hỏa Vân Nam, cô dâng Nhà Chung, quả nhiên sau bán được hai vạn bạc. số tiền ấy dựng lên tòa nhà thờ cho dân nghèo của bà phước Antoine ở hàng Bột. Di hài của người quyên tiền nằm ở trong đó.
Còn ông chồng?
Cô Tư vừa nhắm mắt thì ông vội đệ đơn lên tòa kiện xin lấy gia tài của cô để lại, viện cớ rằng mình có công gây dựng chung.
Vụ kiện dây dưa đến mấy năm, rốt cuộc lại ông đạp nhầm vỏ chuối. Pháp luật xét rõ gia tài ấy do một mình cô Tư làm ra, ông không có quyền gì được chia hay được hưởng.
Hình như ông thu nhặt những đơn hàng và giấy nợ lặt vặt của vợ rồi chịu khó đòi hỏi hú họa mà cũng kiếm chác được gần bạc muôn.
Ông mới qua đời hồi năm kia.
Cố tâm chiếm đoạt sản nghiệp của cô Tư mà không được, chắc ông chết ấm ức đến ngàn thu.
Sản nghiệp ấy, theo lệnh của tòa, viên chưởng khế trông nom cai quản từ 1921 đến 1927 mới chia cho sáu người cháu. Tính ra mỗi người được độ hai vạn, cả tiền mặt lẫn nhà cửa.
Một phần vì mấy năm sau, cô Tư buôn bán thất bại hết bốn năm vạn, một phần vì vụ kiện cáo lôi thôi bởi cố Hồng gây nên làm cho mấy người thừa hưởng phải chịu tốn hao chẳng ít. Nếu không thì phần chia cho các cháu chắc còn nhiều hơn.
Cái sản nghiệp lớn đó nay còn giữ được hay không ta không cần biết đến nhưng ngày nay những ai đi qua ngôi biệt thự ở ngõ Hội Vũ - hiện đã về tay người khác nhưng vẫn gọi là nhà "cô Tư Hồng" - và dãy nhà ở phố Richaud chắc cũng phải ngậm ngùi tưởng nhớ đến người cố chủ đã xây dựng nên nó đã qua đời!
Lúc cô Tư Hồng đang nằm ngoắc ngoải trên giường bệnh, cụ Đốc Trần Tán Bình có đến thăm nom. Theo ý muốn của bệnh nhân, cụ tức khấu tặng một bài thơ. Chúng tôi tưởng nên để nó kết thúc cây chuyện này:
"Giang hồ vùng vẫy buổi ganh đua,
Những bạn quần hoa hẳn chịu thua!
Tay trắng gây nên cơ nghiệp lớn,
Má hồng trang điểm phấn son vua.
Công danh bốn chữ chưa từng có,
Phẩm giá nghìn vàng há dễ mua.
Đáng tiếc ngọc lành còn có vết,
Trời già như thể cũng chơi chua"
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK