• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Từ đây, cuộc đời và cách sống của ông lão phó cựu Thành Thị đổi hẳn.

Sau mấy ngày về Bồng Hải tống khứ cả những cửa nhà vật dụng cũ kĩ đi rồi, bác phó trở lên Hà Nội ở phố hàng Dầu, nghiễm nhiên là một nhà phong lưu trường giả. Lúc này lại chơi chậu hoa non bộ, lại uống chè tàu ấm chuyên, mỗi bữa ăn lại có rượu nhắm đưa cay, có người đứng hầu quạt. Giò, rượu nếp của ta — thứ rượu mà bác chuyên nghề và sống nhờ về nó - bác xem ra nhạt nhẽo, bác thường đánh chén bằng rượu 'cô nhắc' nguyên vị của ông quí tế sai đem lại cho. Trong tủ chè, lúc nào cũng có mấy chai 'cô nhắc' để sẵn.

Thật, ông tư Garlan phúc hậu tử tế, đối với bác phó rất ân cần. Mỗi chủ nhật ông mời lên nhà riêng ăn cơm tây, nói chuyện thân mật. Một vài ngày ông lại đến nhà ở phố hàng Dầu thăm hỏi và cho quà này vật kia luôn luôn. Cử chỉ quí hóa ấy là một sự lạ ở cuối thế kỉ trước. Cho nên hàng xóm đều để ý, bàn tán.

Người thì tưởng bác phó là một vị quan to cựu triều cho nên có quan Tây hay đến hỏi han đại kế.

Kẻ thì bảo ông Tây đến học tiếng An Nam với lão chủ nhà.

Dần dần nhiều người biết và kháo nhau:

- Bố vợ đấy.

Rồi ai nấy đều khen ông quí tế ăn ở như thế, ngay trong nhà lễ giáo bàn xứ cũng hiếm có.

Người ta thường nói "Mẫu dĩ tử quí" (mẹ nhờ con đỗ đạt làm quan mà được quí hiển) đây thì là "Phụ dĩ nữ vinh ", quả thật cha nhờ con gái được vẻ vang sung sướng.

Cứ tháng tháng, ông tư đem lại cho nhạc gia một gói 50 đồng bạc và nói chơi:

Tôi đem tiền lương hưu trí lại cho ông đây.

Thời ấy người ta được tiêu toàn bạc đồng. Mỗi lần, bác phó cung kính cất gói bạc vào trong tủ rồi pha ấm trà liên tâm thật ngon mời ông quí tế xơi.

Chắc hẳn bác phó có tài thăm mỏ mà đào và miệng lưỡi tán tỉnh cũng khéo. Một ngày kia, bác ngồi than thở rằng phong tục An Nam, ai cũng cần phải gây dựng lấy gian nhà ở chỗ quê nhà đất tổ thế mà phần bác thì ở cố hương chưa có tí gì. Ông tư nói:

-Để tôi giúp ông việc đó.

Quả nhiên năm sau, ông mua cho bác một cái nhà gạch hai tầng ở phố hàng Than, tỉnh Nam Định.

Đời bác phó có lẽ tự cho mình thế là sung sướng mãn nguyện rồi nhưng đời con gái bác thì bây giờ mới là bắt đầu.

Trong khi ông bố vuốt râu nằm khểnh ở trên giàn hoa phong lưu nhàn hạ thì bà con gái sục sạo hoạt động, mưu dựng lên một cơ nghiệp to.

Cô Tư vốn con nhà hàn vi, chịu thương chịu khó làm lụng đã quen lại gặp được chú Hồng chỉ vạch cho những mánh khóe doanh thương trục lợi cho, khoảng ấy đã hồ tấy lớn mà rồi xôi hỏng bỏng không, cô vẫn tấm tức. Giờ được số phận đưa lên Hà Nội là trường hoạt động to rộng hơn, thêm gặp gỡ nhờ vả được ông chồng có địa vị là thế, phen này chẳng lợi dụng mà lên bà phú hộ thì còn bao giờ nữa?

Người ta khỏi lo, cô Tư khôn ngoan tinh quái, cố níu chặt lấy cơ hội, không cho nó chạy vuột đi mất đâu.

Các me tây khác gặp được cành sung sướng như cô Tư đố khỏi chỉ lo may mặc, chưng diện, cờ bạc, đồng bóng, không có ý chí gì, dễ thường cũng không nghĩ đến tương lai nữa. Cô Tư thì chỉ lo vun đắp xã giao, gây dùng thực lực để nó làm chìa khóa mở cửa doanh lợi cho mình. Không có một cuộc bao thầu buôn bán nào mà cô ta không chú ý xem xét, mặc đầu mối lợi to hay nhỏ, sức mình làm được hay không.

Đến nỗi cuối năm 1897, ông chồng được lệnh bổ lên cung chức ở miền thượng du, cô Tư xin được cho mình ở lại Hà Nội buôn bán. Vì ông Tư là quan họa đồ nhà binh, lên thượng du tất phải xông pha vào những núi rừng hiểm trở, nước độc ma thiêng, nếu đem gia quyến theo, e có nhiều nỗi nhiêu khê bất tiện.

Hà Nội lúc bấy giờ, miễn là người ta có chí làm giàu, chẳng thiếu gì cơ hội và công việc lớn.

Các ngài cứ đoán ra cũng biết; cuộc Bảo hộ đặt ở xứ Bắc, khởi từ năm 1883, đến cái thời kì 1897 mà chúng ta đang nói chuyện với nhau đây, trước sau mới có 15 năm. Lúc ấy nhà nước đang lần lần thi hành chương trình mở mang Hà Nội trở nên một thành thị tân thời, rộng lớn, vừa là thủ đô của toàn xứ Đông — Pháp. Tự nhiên các công cuộc cải tạo kiến thiết phải ngổn ngang đầy dẫy, tha hồ cho người ta làm. Hạ một nhát cuốc, giăng một sợi dây cũng đủ kiếm ra tiền nghìn bạc vạn.

Cô Tư hơi tinh mắt hơn phần nhiều chị em, trông thấy thời cơ dễ làm cho giàu như thế, trách nào không chuyên tâm chú ý vào việc doanh lợi.

Trăm bó đuốc sao cũng vớ được một con ếch.

Năm 1898, nhà nước làm đúng theo chương trình kiến thiết định sẵn, bỏ thầu phá thành Hà Nội làm đất bằng. Trong giới thầu khoán xứ Bắc, người ta cạnh tranh nhau dữ vì là một việc làm to, chắc có lợi nhiều. Nhưng rồi họ phải nhăn nhó, ngơ ngác, nhảy dựng cả lên như đã ngồi phải ổ kiến lửa, không ngờ cái việc khó khăn mà chắc chắn phát tài ấy lại lọt vào tay một người đàn bà thầu được.

Tất cả các ông thầu khoán vừa thẹn vừa tiếc, dè đâu mình thấp cơ thua trí đàn bà.

Càng không ngờ hơn nữa là thời buổi ấy lại có một "thị mẹt" đứng ra tranh thầu với họ.

Chính là cô Tư Hồng.

Phải, quyết ganh đua và ăn đứt bọn đàn ông, cô Tư được thầu công việc hủy phá bốn mặt thành trì Hà Nội.

(Kiểm duyệt thời Phảp bỏ 7 trang)

Nói cho đúng, cô Tư thầu được việc này, cốt nhờ tiếng tăm và sự báo kết của ông chồng mà được tín nhiệm, nhà binh mới giao cho mà làm.

Các nhà thầu khoán có râu, có sừng lúc bấy giờ, lành nghề và nhiều vốn hơn mà không tranh nổi một người đàn bà là vì thế.

Nhưng ta cũng nên biết giùm công việc phá thành không phải đâu một việc dễ, nhà thầu khoán chỉ ngồi mà ăn.

Nhất là ở thời đại bốn chục năm về trước, mọi sự gì cũng còn nhất sơ thiếu thốn, nào có máy đào máy chở gì, động một tí là có cơ khí chuyên môn giúp sức như bây giờ đâu?

Thuở ấy, người ta chỉ có sức bắp thịt để nạy từng viên gạch, xúc từng xẻng đất, bỏ đầy vào đôi thúng gánh đi mà đổ xuống chỗ khác. Liệu chừng mỗi ngày một người đi về như thế được bao nhiêu gánh?

Đã vậy, phần nhiều thành xưa của ta, dưới chân là đá ong, trên gạch nung thật già, hòn nọ đính với hòn kia bởi một thứ hồ riêng, hình như trộn vôi cát với giấy bổi mật ong mà luyện nên, nó bền mà cứng vô kể, trải bao nhiêu gió mưa, binh hỏa cũng vẫn trơ trơ. Thành ra nạy được những hòn gạch này, người ta phải mất bộn hơi sức và mồ hôi.

Công cuộc phá thành lấp hào vì thế mà tốn nhiều nhân công và làm vất vả lâu ngày. Cô Tư bắt tay vào việc từ cuối năm 1898 mãi đến đầu năm 1901 mới xong, tính lại vừa đúng ba năm.

Còn nhớ ngay lúc sắp đặt khởi công, cô Tư phải tậu một cái nhà ở phố hàng Da để làm đại bản doanh đốc thúc thầy thợ, trông coi phu phen. Hai cha con thay phiên nhau săn sóc việc làm tận nơi, tận chỗ, vừa đóng vai ông chủ vừa đóng vai "sú ba đăng" .

Khổ nhất là việc phá cửa Đông, nên cô Tư phải lập căn cứ ở gần đó cho được gần nẻo đi về, tiện đường coi sóc.

Tuy vậy, việc làm này chính là bậc thang cho cô Tư Hồng bước lên trên đài danh lợi.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK