Cái cảnh phụ tử trùng phùng vui mừng sung sướng của hai cha con cô Tư Hồng lúc ấy tưởng không bút mực nào tả ra cho hết được. Giá có ai đem cả nhà băng hay một ngôi vua đánh đổi với họ chắc họ cũng không thèm đổi nào.
Vui mừng sung sướng nhất là bác phó cựu!
Thật thế, con gái bác biệt mất tăm tích gần mười năm, bác vẫn đinh ninh tin tưởng nó chết đói bỏ xác đâu rồi, hay có sống sót nếu không làm con sen, con nụ nhà người ta thì cũng đang rách rưới đói khát với một thằng chồng cực kì nghèo khổ.
Ai ngờ...
Phải, không khi nào bác dám ngờ rằng con gái bác còn sống đã lấy được ông chồng quí quan, đã tậu được chiếc nhà. Hôm nay đi lễ, y phục, hành trang, tùy bộc nhất thiết đều có vẻ sang trọng bà lớn, mấy người chị em đồng hành cũng một loạt phong lưu như nhau. Trông thấy con, bác phó ta nghĩ mình nằm mộng cũng phải.
Nếu cô Tư không reo lên nhận ra bố trước, thì đố bác phó dám chỉ vào cô mà nói: - Này con Lan nhà ta!
Đời người ta có những lúc vui mừng đến phát khóc chính là lúc này.
Mấy người chị em bạn trông thấy cảnh tượng cha con hội ngộ bất ngờ như thế và nhừng tiếng vui cười có đẫm nước mắt khiến họ cũng phải bùi ngùi, cám cảnh.
Một người nói:
- Thật là chị Tư ở hiền gặp lành mới được thánh mẫu run rủi cho hội ngộ gia đình thế này. Phúc đức quí hóa lắm. Nhân tiện mời cụ lên ở chơi Hà Nội thật lâu cho chị Tư được thỏa lòng ước vọng thần hôn bấy lâu.
-Vâng, tôi cũng muốn thế - bác phó trả lời. Nhưng cửa nhà và công việc làm ăn ở Bồng Hải bỏ bẵng gần tháng nay rồi để tôi phải về qua đó sắp đặt rồi sẽ lên Hà Nộị chơi với cháu sau.
Cô Tư lắc đầu:
Chẳng sắp đặt thì đừng. Bây giờ cả thầy u phải lên ở Hà Nội với con trong ít lâu, con sẽ cùng đi về Bồng Hải dọn dẹp cửa nhà lên tất Hà Nội ở luôn đây. Thầy đã già rồi từ nay con không để cho thầy vất vả nay xứ Đông, mai xứ Đoài nữa.
Thế là một đoàn chị em, cha con, tớ thầy cùng xuống tàu thủy ngược Hà Nội.
Cô Tư hôm đi chỉ cốt đi lễ thánh nào ngờ hôm về lại rước được bố về.
Hôm sau trong nhà cô ở phố hàng Dầu có mở tiệc vui như tết.
Muốn kỉ niệm cái ngày phụ tử đoàn viên cho được trọng thể, cô Tư làm tiệc vừa cỗ bát, vừa đồ tây, trước đề tạ ơn trời đất, gia tiên sau để mời hợp các chị em và những người giao thiệp quen biết đến ăn mừng giùm cô.
Bốn chục năm về trước, xã hội me tây mới nhóm lên, chưa có bao lăm người, vả lại ai nấy còn chất phác và giữ được lề thói xưa nhiều, cho nên họ ăn ở với nhau thân thiết đậm đà lắm. Họ thường đỡ đần, dìu dắt nhau, mỗi khi một người có việc hiếu hỉ gì thì cả bọn tới lui thăm viếng ân cần và đưa lễ vật phong hậu. Cách cư xử với nhau như thế tuy không có điều lệ nào ràng buộc nhưng cũng hình như một hội ái hữu hay một nghiệp đoàn vậy.
Nghe tin bạn gặp được cha già, các chị em bạn lại mừng cô Tư đều có quà cáp tặng hảo ông cụ. Kẻ này tặng cái khăn nhiễu, người kia cho chiếc áo the. Có bà cầu kì lại nhờ được cụ đồ nào đó làm câu đối viết vào liễn tàu đem đến mừng nữa.
Tiệc nhà cô Tư hôm ấy đến ngoài mười cỗ vì chị em khách khứa đến rất đông. Cô có ý xen lẫn cỗ bát với đồ tây, tùy khách muốn dùng thực phẩm nào thì dùng mà cũng là hữu tâm để ông cụ nhà cô được nếm cả hai cái phong vị đông, tây cho biết.
Cỗ bát, nếu đời bác phó từng được nếm qua, chắc hẳn cũng chỉ một hai lần là nhiều; đến đồ ăn tây thì bây giờ bác mới trông thấy là lần thứ nhất.
Bởi vậy bác sửng sốt khi thấy người ta ăn bằng dĩa với dao. Đến lúc ăn "phó mát", bác thật tình nghĩ là sáp ong, nhưng chỉ cắn một miếng rồi vội vàng nhả ngay ra tắc lưỡi nhăn mặt;
-Gớm mùi nó nằng nặng làm sao ấy!
Cả ngày khách khứa tấp nập, mãi đến tối mịt mới được thong thả, vắng vẻ, cha con ngồi nói chuyện cửa nhà với nhau. Hình như trong trí bác phó ngẫm nghĩ băn khoăn một sự gì còn thiếu nên chỉ sau lúc những chuyện hàn huyên li biệt đã tuôn ra hết rồi, bác bỗng hỏi cô Tư:
-Thế còn ông ấy đâu, sao bữa tiệc hôm nay không thấy nhỉ?
Bác hỏi "ông ấy", nghĩa là ông chồng cô Tư. Thì ra ông thực thà, suy nghĩ theo như lễ tục An Nam thì trong bữa tiệc hôm nay lẽ phải có ông quí tế ra chào nhạc phụ. Cố nhiên cái sự bái kiến bằng áo thụng xanh, chiếu cạp điều, bác không dám tưởng đến. Bác cũng tự biết mình cho nên đã gọi chàng rể là "ông ấy" chứ không hỏi "anh ấy" hay là "nó" đâu.
-Thưa thầy, ông Tư con mấy hôm nay có việc quan phải đi lên trên Hà Giang độ một chủ nhật nữa mới về.
-Về ở nhà này?
Không! Vì ông Tư nhà con có dinh riêng của nhà nước cho ở trong thành. Con cũng thường ở trong ấy. Cái nhà này con thấy rẻ thì tậu, trước cho người ta thuê, mấy tháng nay con lấy về không cho thuê nữa định để làm chỗ buôn bán. Bây giờ thầy cứ ở đây, tiện lắm.
-Ông ấy là người thế nào, già hay trẻ?
-Còn trẻ mà từ tế lắm, thầy ạ. Mấy hôm nữa ông ấy về thế nào mà chẳng mời thầy lên chơi.
-Khốn nhưng tao nghe tiếng Tây như vịt nghe sấm.
-Lo gì, đã có con thông ngôn, vả lại ông ấy nói được tiếng An Nam kia mà.
Đêm hồ khuya, đến giờ đi nghỉ.
Trong buồng kê chiếc giường Hồng Kông còn mới. Cô Tư gọi đầy tớ bưng chậu nước ấm ra cho ông cụ rửa chân, lau chùi sạch sẽ rồi đưa ông cụ vào nằm nghỉ trên chiếc giường tây. Lòng hiếu thảo của cô muốn cho ông bố già từ nay được hưởng mọi sự mới mẻ, sung sướng, dù mình phải thiệt thòi gì cũng cam. Nhường chiếc giường Hồng Kông cho bố nằm là cái hảo ý đó.
Bác phó vừa đặt mình ngồi lên giường, thấy sao nó phập phồng không chắc và lại lún dần xuống khiến bác hoảng hồn đứng phắt ngay dậy tưởng đâu mình làm gãy giường.
Cô Tư phì cười:
-Ấy giường lò xo nó thế thầy ạ. Nằm êm mình lắm. Không phải gãy đâu.
-Thế mà không bảo trước làm thầy giật nảy cả mình, trống ngực đang đánh thùm thụp.
Giường êm ổ ấm, bác phó ta ngả lưng xuống một lát, đã cất tiếng kéo gỗ khò khò kéo thẳng một mạch đến sáng. Có lẽ đã lâu ngày lắm, bác phó mới được một giấc ngủ quí hóa như thế.
Bây giờ đã gặp được bố đưa về Hà Nội, lẽ đương nhiên cô Tư phải dẫn đến ra mắt ông chồng để ông chia sự vui vẻ với mình.
Nhưng ông Tư còn đi vắng, cô cho thế là sự may.
Ông Tư lên Hà Giang có việc quan còn những một chủ nhật nữa mới về, ấy chính là một cơ hội, một thời gian thuận tiện để cho cô Tư đủ ngày giờ giải quyết một vấn đề quan hệ.
Vấn đề gì?
Vấn đề thể diện.
Cô nhớ lại hôm nọ có người chị em kể một câu chuyện buồn cười nôn ruột.
Một cô cũng quê quán ở đâu miền Nam, Thái, lưu lạc lên Hà Thành vớ được ông chồng Tây là người Anh hay người Ý gì không rõ. Ông bố, một...
... (sách gốc mất 2 trang)
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK