Một đoạn trên kia, đã bày ra cô Tư Hồng là nhà buôn bán có thủ đoạn khôn ngoan quý quyệt ra thế nào.
Đây, một vài việc làm, một vài dật sử, tùy theo trí nhớ và kiến văn góp được, để các ngài thêm rõ ít nhiều cạnh khóe của đời người đàn bà này, đã được tiếng nhất thời là "Nữ trung hào 女中豪" .
:Cứu một người khỏi ở tù vì cụ trạng Trình
Ngoài vòng buôn bán, cô Tư quảng giao với nhiều giới tây nam trọng yếu. Có lắm cửa ngõ thâm nghiêm, không phải ai muốn ra vào cũng được, cô đến bất cứ giờ nào, nó tự mở ra.
Nhiều người có việc, chạy đến cầu cạnh cô lo toan vận động cho. Vì họ biết cô mát tay chạy việc, rộng giao thiệp, có thanh thế, nhiều hi vọng tất thắng.
Rồi thì kiện tụng, công danh, họa phúc, bổ bán, việc gì cũng có người ta đến gõ cửa nhà cô.
Thật thế, lắm người nhờ cô giúp đỡ xong việc.
Thầy phó tổng Ngọc Lũ ở Hà Nam bị liên can vào một việc ăn cướp, đáng lẽ vừa mất chức vừa ở tù nhờ cô đi kêu cầu giùm cho thầy mới được khỏi tù lại được tự mình từ dịch nữa.
Đại khái mấy việc lặt vặt như thế, cô chỉ làm ơn lấy tiếng, chứ không đòi công. Có lẽ vì nể sự chủ là người đồng quận. Nhưng cô xơi bẫm với những việc mưu vọng to tát và khó khăn, như việc công danh bồ bán chẳng hạn.
:Xuýt nữa bị một ông kĩ sư bắn chết
Sau khi quan tư G. về Tây (1903), cô Tư ở độc thân đâu được một độ. Mắt xanh chẳng để ai vào, ý chừng còn đợi kén giai tế, vì lúc này ruột tượng của cô căng thẳng lắm rồi, có thể tự lấy chồng hơn là chờ chồng lấy.
Vào khoảng đầu năm 1905, do một ông Tây quen giới thiệu, cô làm bạn với một vị kĩ sư chuyên khoa kiến trúc mới ở Âu châu sang được ít lâu.
Một hòn đá ném hai con chim, cô vừa lấy chồng, vừa lấy được người cho mình có trụ gọi là để giúp đỡ giấy má sổ sách; nhất là mình đang buôn bán to lớn, không thiếu gì kẻ dị nghị dòm nom.
Thật, tân lang giúp ích cho cô Tư không phải là ít.
Vừa gặp lúc cô mua được một khu đất ở phố Phủ Doãn, gần với trại của cụ Quận Hoàng, chính ông kĩ sư trổ tài vẽ kiểu rồi lại đứng ra đốc công, xây dựng lên được dãy nhà ba tầng quay mặt về đường Richaud để cho Tây thuê. Đồng thời làm nên tòa nhà ở ngõ Hội Vũ trên miếng đất rộng rãi và có vẻ nguy nga so với thử thời.
Cuối năm 1906, nhà này khánh thành, ông bà từ phố Cửa Đông dọn về ở đấy.
Nhưng mà nhà mới quên cúng thổ thần hay sao không biết, qua năm 1907, hai người tự nhiên gây ra nhiều chuyện xung khắc về tính tình và quyền lợi. Không mấy ngày không diễn một tấn kịch xô xát câi cọ nhau dữ tợn.
Đến nỗi cô Tư không chịu được, phải bỏ nhà đào tầu vào Huế tránh mặt; ông kĩ sư không biết là bà đầm đi đâu.
Trong chuyện xung đột này tất có nguyên nhân quan hệ, hay những khúc nhôi bí mật.
Mỗi người bàn một thuyết.
Có người bảo rằng tại cô Tư nhà mình hay "cắm sừng" tua tủa trên cái đầu hói của lang quân, khiến lang quân phải nổi ghen phát cáu khua động cả gia đình.
Có người nói ông kĩ sư đã góp công lao rất nhiều trong cuộc doanh nghiệp cùa cô Tư càng ngày càng phất thêm. Nhất là việc tạo lập dãy nhà chín ngăn ba tầng ở phố Richaud, không những ông vẽ kiểu, đốc công mà thôi, hình như có bỏ vốn chung phần nữa. Mà ông cả tin, chẳng làm giấy tờ gì, cứ để cô Tư đứng tên hoàn toàn làm chú, nay cô giở mặt sao đó, khiến ông phải tiếc công tiếc của, gây nên bất hòa ở giữa hai người.
Dễ thường cái thuyết sau có lẽ đúng.
Chẳng thế thì sao cô Tư trước khi tránh mặt vào Huế lại khéo sắp đặt cẩn thận và lẳng lặng ra xin tòa án thị chứng cho mình làm giấy tờ đúng luật, giao tất cửa nhà cơ nghiệp cho ông cụ thân sinh và cậu em giai - con người dì ghẻ, lúc này đã nhớn, việc xong đâu đấy rồi mới đáp tàu lai kinh.
Sau khi cô Tư đi rồi, ông kĩ sư dò biết như thế, càng giận đầy gan ứa mật, mau mau dọn cả rương hòm vật dụng của mình ra ở trọ 'Hà Nội hotel' không thèm lui tới nhà ngõ Hội Vũ nữa. Nhưng ông vẫn rình hôm nào cô Tư về ông sẽ đến nói chuyện một phen.
Hơn một tháng sau, cô Tư mới về Hà Nội, nhưng tối ngày chỉ nằm ru rú trong một gian phòng kín trên gác, không thò mặt xuống dưới, không tiếp khách cũng không dám bước chân ra khỏi cửa đi đâu. Vì cô biết ông kĩ sư bản tính hung tợn lắm.
Quả nhiên một hôm, vào khoảng bốn năm giờ chiều, ông trèo cổng vào, một tay lăm lăm cầm súng lục một tay xô lắc rầm rầm định phá cửa dưới nhà để lên trên gác tìm cho kì được cô Tư.
Gia nhân sợ chạy tán loạn.
Ông cụ phó cựu — hồi này rồi mới sắp được Hàn lâm Thị độc - đang thơ thẩn xem hoa ngoài vườn, vội vàng chạy vào ôm chặt lấy ngang lưng ông kĩ sư, không còn biết sợ nguy hiểm là gì và mặc dầu sức yếu của lão già đã ngoại tuổi cổ hi khá xa.
Cũng may ông kĩ sư đã hạ bớt cơn nóng tự biết mình cầm khí giới đột nhập nhân gia thế này là có lỗi, nên ông quăng khẩu súng đi. Bấy giờ cụ phó cựu mới buông ông ra và cô Tư mới dám ra đứng trên ban công nói chõ xuống.
Hai người xì xồ tiếng Tây một lát thì ông kĩ sư nhặt lấy khẩu súng ung dung đi ra.
Họ đã điều đình và nói chuyện với nhau lúc ấy những gì, người ngoại cuộc không ai được rõ. Chỉ biết là mấy hôm sau việc ra đến tòa án hòa giải. Kết quả, cô Tư phải nộp tại tòa sáu ngàn đồng bạc để trả công khó nhọc của ông kĩ sư đã vẽ kiểu và trông coi làm nhà cho cô bấy lâu. Thế rồi ông từ giã Hà Nội vào làm trong Nam kì. Từ đó cô Tư mới được yên trí buôn bán làm ăn, không phải trốn tránh lo ngại gì nữa.
:Cầu danh cho bố và mua đồ cổ về bán
Chính lúc cô vào Huế tránh mặt ông kĩ sư là lúc mưu cầu công danh chút đỉnh cho ông bố già hả lòng. Thì ra những hạng con buôn lõi đời không chịu để trôi qua một thời giờ nào mà họ không khéo lợi dụng.
Nhờ cuộc vận động trong thời kì này mà sang năm 1908, ông phó cựu được đặc cách thưởng thụ Hàn lâm Thị độc.
Hơn một tháng trường ở kinh, giao thiệp tốn kém chắc không phải ít, cô Tư nghĩ cách gỡ vốn lại; mua đồ cồ về bán.
Lạ gì thứ buôn này mua một bán trăm.
Chuyến về, cô chở theo mấy xe đồ cổ đã nhặt nhạnh được ở kinh, nào ẩm chén bát đĩa, nào đôn, chậu, độc bình, bày chật hai phòng khách lớn trong nhà ngõ Hội Vũ. Tiếng là bày chơi nhưng các quan khách tây nam lại xem, thích món nào mà trả được giá hời thì chủ nhân bán ngay.
Một cái thống men chàm, cao 1 thước 20 phân tây, rộng thước 6, chấm bát tiên bán được 500 đồng. Có đôi lọ cao độ 8 tấc, một cái chấm Lý Thiết Quài, một cái chấm Hà Tiên Cô, gặp một người Tàu thích ý nài mua với giá 700 đồng mà chủ nhân còn làm bộ chưa muốn bán.
Nhà cô nổi tiếng có nhiều đồ cổ ở Hà Thành.
Luôn 12 năm bán hết hai phần ba, còn lại một phần nữa, sau năm 1921, chủ nhân qua đời rồi người ta đem bán ở Tầm Tầm với giá rất rẻ.
:Cưới vợ cho anh chồng cũ
Trong lúc cô Tư trèo lên thang giàu có hết bậc này đến bậc kia và khét tiếng trong xã hội ăn chơi hoa lệ thì người chỉ vẽ con đường doanh thương trục lợi cho cô ngày nào, đang lang thang như thằng ốm đói ở bến tàu Hải Phòng.
Hẳn các ngài đã đoán ngay ra chú Hồng Kông không cần phải suy nghĩ.
Nhưng chú Hồng đã vờ nợ trốn đi kia mà?
Đáng lẽ một người khách trú phạm tội mà bị trục xuất cảnh ngoại hay buôn bán vỡ nợ mà bỏ trốn đi không được phân minh như trường hợp chú Hồng thì không trở lại xứ Đông Dương này được nữa. Có kẻ làm liều, đổi hẳn tên họ căn cước rồi trà trộn mò sang, chi ít lâu ti cảnh sát cũng khám phá ra được. Nhưng ở thời kì ba bốn chục năm trước, việc trông coi ngoại kiều nhà nước Bảo hộ mới nhất sơ tổ chức chưa nghiêm nhặt chu đáo như bây giờ. Thành ra chú Hồng lại sang Hải Phòng lúc nào không bị phiền nhiễu gì cả. Nhất là chú có thể mạo xưng là người bản xứ mà không ai dám ngờ, nếu như cắt tuột cái đuôi chuột lòng thòng sau lưng đi vì chú nói tiếng An Nam thạo lắm, các ngài đã rõ.
Hôm ấy, vào đầu năm 1906, cô Tư xuống Hải Phòng thương thuyết và kí hợp đồng với một hãng Tây về vụ bán gạo, bắp, nhân tiện ra bến tàu để tiễn chân một ông nhân tình về Pháp.
Bỗng dưng cô giật nảy mình khi thấy một chú khách đang đứng ốp bọn cu li đội từng thúng than xuống tàu, tuy áo quần kiết cáu bẩn thỉu nhưng mà mặt mũi hình dạng sao giống chú Hồng như đúc.
Quả thật là chú Hồng.
Cuộc gập gỡ bất ngờ, thôi thì nồi hàn huyên, chuyện xa gần, thiếu đâu.
Thì ra sau lúc ở Hải Phòng trốn về quê nhà, có chút ít ruộng đất tổ nghiệp, chú đoạn mại cho người ta được mấy trăm bạc đem lên Phúc Châu mở hiệu. Nhưng chỉ được ít lâu, lại buôn thua bán lỗ, mất sạch vốn liếng. Chú phải lêu bêu đói rét ở Phúc Châu đã hai ba phen định quyên sinh mà không chết.
May gặp người bạn cũ là ông chủ hiệu Hằng Hóa ở Hải Phòng về thăm nhà tại Phúc Châu thấy tình cảnh chú Hồng nghèo đói nên thương, bèn đem chú trở sang Phòng, cho đứng trông coi chành than của hiệu ở bến tàu. Mỗi khi có tàu bể ăn than thì phải đứng ốp dân phu đài tải. Chú sang làm công việc ấy đã hai năm nay.
Thật sự, chú vẫn biết tiếng cô Tư đã làm nên giàu có sang trọng nhưng nghĩ thẹn mình nên không dám lân la thăm hỏi.
Cô Tư động lòng về nghĩa cũ tình xưa, không nỡ trông thấy cố nhân trụy lạc, niềm nở trao tay cho chú mấy chục bạc, bảo sắm hành trang hôm nào lên Hà Nội chơi.
Tuần lễ sau, chú Hồng lên.
Cô Tư tiếp đãi tử tế, cho chú món tiền về cưới một chị vợ 'Ó nàm' rồi lại cấp vốn cho hai vợ chồng buôn bán.
Lúc này cô Tư đang làm bạn với ông kĩ sư kiến trúc và xây tòa nhà ở ngõ Hội Vũ vừa xong.
Về sau, vợ chồng chú Hồng sinh hạ hai đứa con trai mũm mĩm dễ thương. Hằng năm, hai người lại dần con về Hà Nội ở chơi trong nhà cô Tư ít ngày. Cô quí hóa hai đứa trẻ, thường gừi quà bánh và may quần áo cho. Tới lúc chú Hồng già yếu, đem cả vợ con về Tàu, cô Tư lại tặng cho vài trăm bạc làm lộ phí.
"Một me tây đối với anh chồng cũ như thế, kể cũng hậu tình" . . . ấy là tiếng khen của những người đồng thời biết rõ chuyện này.
Sau bố đẻ hàn lâm tới cha nuôi tuần phủ
Một đoạn trên đã nói, hồi năm 1911, ông thân sinh ra cô Tư, tức là cụ hàm Thị độc - mà nhà danh sĩ Trần Tán Bình đã khéo gò gẫm đối ba chữ "hàm cụ lớn" với "của bà to" — qua đời ở Thành Thị. Cô Tư mời được cụ Tuần phủ hưu trí Nguyễn Nhã ở làng Mọc về tận Hà Nam làm lễ đề chủ long trọng.
:Sau đám ma bố đẻ rồi, cô Tư xin làm con nuôi cụ Tuần Nhã.
Cái đời sĩ hoạn của ông cụ này cũng lạ: từ chân thông lại xuất thân mà leo mãi đến ngôi đường quan một tỉnh.
Nguyên là con nhà nghèo, ông cày cục được làm một chân tịch sĩ để kiếm ăn. Tịch sĩ tức là anh nho làm phụ giấy má cho các thầy thông, thầy đề. Năm Tự Đức 16, được bổ chân thông lại huyện Phú Xuyên, ít lâu thăng đề lại huyện Thọ Xương, huyện sở tại Hà Nội.
Không hiểu vì có công lao gì hay chỉ nhờ lúc quốc gia đa sự, năm Đồng Khánh nguyên niên, chính thầy đề lại Thọ Xương được lên thực thụ tri huyện huyện ấy.
Ông sửa sang lại chùa Đồng Quang - tức chùa ở Thái Hà bây giờ - và bốc hơn ba vạn ngôi mộ vô chủ ở hoàn thành Hà Nội đem về an táng ở nghĩa địa bên chùa Đồng Quang. Việc phúc đức ấy đưa ông lên chức án sát Hà Nội hai ba năm sau.
Qua triều Thành Thái, ông có công tiễu trừ loạn đảng Văn Thân, bắt được Lãnh Trình ở Bắc Ninh và chiêu dụ nhiều bộ hạ Văn Thân ra thú.
Nhờ công ấy, năm Thành Thái 16 được thăng chúc tuần phủ Bắc Giang, sau hai năm thăng tổng đốc hưu trí.
Sinh bình làm quan có tiếng thanh liêm không thừa thời làm giàu như ai cho nên lúc về hưu ở Mọc ông nghèo rớt mồng tơi.
Người ta nói cô Tư Hồng cảm lòng tử tế của ông về Hà Nam đề chủ cho thân phụ mình mà không chịu nhận lễ tạ gì hết (theo thường lệ, bao nhiêu đồ bài trí trong trạm cùa nhà tang đều về phần quan đề chủ được lấy, ngoài ra còn phải tạ một số tiền nữa), nên khi đám tang vừa xong, cô đưa cả cậu em giai cùng về làng Mọc bái yết từ đường nhà ông Tuần và lạy ông xin nhận làm con nuôi.
Từ đấy, cô chăm nom sự sống cùa ông nghĩa phụ rất tử tế. Tuần nào cô cũng thắng xe ngựa từ Hà Nội về đến đình Hội Xuân làng Mọc, đem vật thực về cho ông Tuần và cấp dưỡng tiền bạc luôn luôn.
Năm vỡ đê Liên Mạc, nước tràn ngập cả một vùng Hà Đông cho đến ô chợ Dừa. Cô Tư cắc cớ, lấy ở nhà ra một chiếc xanh đồng và một chiếc chậu thau đồng thật to để thả làm thuyền, vào Mọc đón cha nuôi ra Hà Nội chạy lụt.
Lúc trở ra gặp nước xoáy mạnh, chậu đồng cứ quay tròn, tên gia đinh không sao hãm được, phó mặc trôi theo giòng nước, với hai bổ con nuôi ngồi trên chậu đồng ấy. Miệng cô Tư nào có vừa gì, kêu cứu rầm trời mà không ai ra cứu. May phúc làm sao chậu đồng trôi đến Ngã tư Sở thì vướng vào cái cọc nên cô Tư và ông Tuần Nhã mới thoát chết.
Nhưng nước đánh trôi mất hòm sắc của ông.
Cách mấy năm sau, ông tạ thế, cô nghĩa nữ làm lễ an táng rất to và thủ chế ba năm coi như bố ruột vậy.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK