• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Thuở ấy, các ông thông, ông kí làm việc ở phủ Thống sứ hay ở tòa Đốc lí mà nhà riêng ở quanh những phố hàng Bông, hàng Hòm, hàng Trống, hàng Quạt những khi đi khi về tất phải qua phố hàng Gai. Người ta thấy họ chiều nào đi làm về cũng thế như chăm chú đưa mắt gấm ghé vào một căn nhà gác kiểu xưa, ngay góc hàng Gai, đầu ngõ hàng Hành. Các ông thường liếc mắt dòm có vẻ ranh mãnh rồi khúc khích bảo nhau:

-Con cái nhà ai mà bà mụ khéo nặn thế kia không biết!

-Đằng ấy có biết không? Cả thảy những năm "kẻ" cơ đấy!

-Ừ phải, kháu nhất là con bé nhơ nhỡ, mới độ mười tám, mười chín, da nó trắng bóc trứng gà, miệng tươi như hoa nở, mỗi khi tớ đi qua mà thấy bóng hồng thấp thoáng đủ làm cho quả tim tớ nhảy cào cào nhất là hai chân rủn cả lên không còn muốn bước.

-Sao các quan bác chỉ thích gái non, tôi thì muốn phải lòng bà chủ. Người đậm đà phúc hậu mà có duyên tệ. Nghe đâu như là một thím khách hồi hưu thì phải.

-À ra lão này khôn quá, muốn được cả bò lẫn cơm.

-Thôi đừng ba hoa mãi, con sư tử Hà Đông mà nó thấy mình hay ngấp nghé nhà này, đố khỏi nó nổi cơn tam bành đổ mẹ cả mâm cơm tối cho mà xem.

Vì trong nhà hình như có hai cô trẻ trung xinh đẹp nhất cho nên các ông đặt tên nôm là nhà sẻ Đồng (Đồng Tước) để biểu riêng với nhau, phòng khi nói đến trước mặt các bà ở nhà.

Chính là nhà thím Hồng dọn lại ở, sau mấy hôm tạm trú đằng hàng Buồm.

Nhưng khỏng biết có phải thím là chủ nhân, là người tổ chức và quản lí hay cũng chỉ là một phần tử của nhà này? Điều đó thật không ai dám quyết chắc. Vì có người nói không phải thím là chủ, chính chủ là người mà thím quen, thím đến ở trọ cho vui, ở cái gác nhỏ bên trong.

Chỉ biết nhà này cố nhiên một nơi tiêu khiển cho khách phong lưu, có điều không phải là nơi tầm thường tạp nhạp, ai muốn gõ cửa cũng được. Người ta thấy lui tới phần đông là Khách chủ hiệu to hay bực phú thương quí chức ta; thỉnh thoảng cũng có một vài ông Tây sang. Bên trong đủ cả mặt làng: có rượu, có bàn đèn nha phiến, có bài mạt chược, có mấy cô em ngoan ngoãn phục dịch. Kẻ ra thì gần như một chốn hồng lâu chỉ khác là không có cung đàn tiếng hát.

Có hai lần, cô Ba La Vích cùng đi với ông chồng và mấy ông bạn lại thăm thím Hồng ở đây. Vì cô đã kết duyên với một ông quí quan mới, quá đúng như quẻ thẻ thánh dạy.

Cô cũng không quên lời ước rồi làm ông Tơ bà Nguyệt cho thím Hồng.

Một hôm, tự cô nhắc lại:

-Tôi sắp tìm được cho thím một ông chồng Tây quan tử tế sang trọng ra phết.

-Nhưng tôi không biết nói một tiếng Tây thì làm sao?

-Thì rồi mình chịu khó học, mãi cũng phải biết, lo quái gì! Này nhớ:

Tôi đi là moa
a-lêy Re-vay thức dậy, cu-xê đi nằm,
Toa ba, cát bốn, xanh năm,
Sa-loong phòng khách, la xăm cái buồng.

Người ta đã đặt thành các vè câu hát như thế cho mình dễ học.

Chẳng lo gì, chỉ năm bảy tháng một năm, thím sẽ nói tiếng Tây liến thoang cho mà xem!

Rồi mấy hôm sau, nhân lễ Dân Quốc kỉ niệm, ngày 14 Juillet 1895, ông chồng cô Ba làm tiệc ở nhà đãi năm ba ông bạn thân, cô Ba mời thím Hồng đến và giới thiệu cô với ông quan tư Garlan. Thím Hồng bạo dạn và tinh ranh, cứ dòm chừng người ta cầm phóng-sết và ăn uống thế nào thì bắt chước y như vậy. Trong tiệc, cô Ba La Vích khéo phô trương tán tỉnh, đóng vai băng nhân nguyệt lão rất tài. Thím Hồng chẳng hiểu họ nói với nhau những gì, chỉ ngồi cười với gật. Ông quan tư Garlan thấy thím Hồng bộ tịch hiền lành, mộc mạc vui lòng ừ ngay. Vì chính ông đang muốn tìm một người nội trợ bản xứ.

Cuộc nhân duyên điều đình và kết thúc nhanh như điện. Ngay hôm sau Thị Lan xách va li vu qui nhà chồng, bước vào xã hội me Tây và có cái tên là cô Tư Hồng từ đó.

Bây giờ trờ đi, người chép chuyện chỉ dùng tên mới ấy để xưng hô cho tiện và xóa hẳn tên Thị Lan và thím Hồng đi.

Con người ta đến lúc gặp may, tự nhiên thêm khôn, nảy sáng ra là sự thường thấy: "Phúc đáo lâm tinh " quả có như thế. Giờ cô Tư Hồng mới bắt đầu học tiếng Tây, cố nhiên học lối truyền khẩu thấy sao phải uốn lưỡi cong môi khó nói, khó nhớ hết sức; tưởng đâu phải đành chịu đốt, rồi sự ngôn ngữ giao thiệp ở giữa vợ chồng có lẽ cả đời phải nhờ thông ngôn hay là chỉ đưa mấy ngón tay ra hiệu mãi. Ấy thế mà trời cho hạnh phúc mở mang cả trí khôn, cô Tư Hồng chịu khó học lỏm chị em không đầy một năm đã thông thạo những tiếng giao thiệp cần dùng và có thể nghe hiểu, nói được.

Lại khéo ăn ở chiều chuộng ông chồng, khiến ông phải cảm, phải thương. Hằng tháng, ông để riêng cho một số lương khá hậu; còn may mặc sắm sửa và cô bòn thêm khi ít, khi nhiều là đằng khác. Những món nguyệt bồng và ngoại tài ấy, cô khéo dành dụm, thả lãi, buôn bán loanh quanh mới hơn vài năm giời đã tậu được một ngôi nhà gạch ở phố hàng Dầu, tạo nên một cơ đồ biệt lập.

Nhờ giời cho lúc này lại có nhà cửa linh đình, tôi tớ tấp nập, cảnh phong lưu ãn đứt chị em cùng hội, cùng thuyền.

Lạ một điều, là hầu hết me tây, thím khách, khi giời đã cho khá đôi chút, đều tin mê đồng bóng lễ bái. Ba bốn chục năm trước đă thế rồi.

Bọn đồng cốt cung văn nhờ các me, các thím mà phát tài và không bao giờ phải lo nhàn cư thất nghiệp. Có lẽ đây là một cái "mốt" của xã hội me, thím. Họ rủ nhau, đua nhau, ai không theo "mốt" thì không phải mặt bảnh.

Cô Tư Hồng cũng phải theo "mốt" ; sắm khăn chầu áo ngự, phải dan díu với chị em đưa nhau cầu đền kia, lễ phủ nọ luôn luôn, cầu con, cầu của, cầu tài lộc, cầu bình an; riêng cô Tư Hồng còn thêm một khoản cầu cha già nữa. Vì từ lúc về Kim Sơn tìm không thấy cha, đến giờ cô vẫn chưa dò ra tăm hơi tung tích bác phó cựu Thành Thị ở đâu, còn sống hay đã chết rồi.

Ai đi lễ thánh được ngài bố thí tài lộc những gì không biết, cô Tư Hồng đi lễ thánh quả được gặp một sự may mắn ra ngoài mộng tưởng.

Thật thế, nhờ một dịp đi lễ thánh mà cô được phụ tử trùng phùng sau bao nhiêu năm sinh li.

Truyện thật tình cờ.

Mồng sáu tháng ba năm ấy, cô đi theo mấy chị em bạn về hội Phù Giày lễ thánh xong rồi trở lên tỉnh Nam để đáp tàu thủy ngược Hà Nội. Lúc ra bến tàu chợt thấy một bầu đoàn đang ngồi trong quán nước bên sông, cô mừng quá rú lên, xuýt ngã chết ngất. Này cha già, này dì ghẻ, này em bé, những người thân yêu cách biệt tám chín năm nay mình đang băn khoăn hỏi tìm, ước ao gặp gỡ.

Thật quả là bác phó cựu. Nguyên bác từ bỏ Kim Sơn vào Bồng Hải làm ăn buôn bán mấy năm cũng khá, có đồng dư đồng để bèn dắt cả vợ con về Thành Thị quê nhà, trước là tảo mộ tổ tiên, sau thăm bà con làng xóm, kẻo bấy lâu bỏ làng đi biệt, một chốc hai chục năm dư. Hôm nay ở nhà quê lên Nam cốt chờ đáp tàu lại về quê cũ. Bác phó không ngờ gặp con, cũng như con không ngờ gặp cha vậy. Nhất là bác vẫn là bác, mà con thì đã lớn khôn, sang trọng, ra vẻ một bà.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK