• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Số kiếp giang hồ lại quăng Thị Lan giả về đường cái.

Người ta định chắc Thị Lan trong năm năm ở với chú Hồng thế nào chẳng lần lưng để dành được năm ba ngàn làm vốn riêng, phòng bị mai sau gặp cơn gió mưa bất trắc. Ai lấy Khách, lấy Tây mà chẳng phòng thân lo hậu như thế.

Có lẽ.

Nếu như tìm gặp được ông bố già, hẳn nàng đã chuyển vận cho ông được ít nhiều vốn riêng mấy năm ki cóp. Hay là có ai quen thân chắc nàng có chỗ gửi gấm. Nhưng đằng này Thị Lan không tìm được bố mà cũng chẳng quen thân với ai ở xa hay gần thành ra để riêng được nhiều ít lưng vốn thì nàng chỉ biết giấu trong đáy rương rồi đem ra mua sắm những đồ tư trang bằng vàng. Kể ra nàng sắm được ba bốn chục lạng chớ không ít. Thuở ấy vàng rẻ mỗi lạng chưa đến ba chục đồng, thể là nàng cũng góp nhặt tư sản được trong ngoài bạc nghìn rồi, còn tiền mặt chưa kể. Khốn nỗi đến lúc chú Hồng đâm ra chơi bời phóng túng thì đồ vàng, tiền riêng của vợ, chú cũng dỗ dành mưu mẹo bóc lột dần dần. Thị Lan vừa nể vừa sợ chồng mà lại không quen biết ai để chuyển của đi, để chồng khéo thổi tiếng quyển, giọng kèn mà bòn đãi lần hồi tới hết.

Cho nên hôm chú Hồng đâ quất ngựa truy phong mà mõ tòa đến tịch biên hiệu Bình An tống Thị Lan ra ngoài — vì nàng lấy Hồng chẳng có hôn thư phép cưới gì cả - lúc ấy nàng chỉ có bọc áo quần là nhiều, với đôi hoa tai và năm bảy chục đồng trong túi họa may, không làm gì có bạc nghìn thú thân như người ta đoán nghĩ.

Thật là mèo lại hoàn mèo rồi!

Tuy vậy, mất chú Hồng biết đâu chẳng phải là một cái may cho Thị Lan như chuyện thằng con Tái Ông mất ngựa vậy. Đời nàng sẽ bước vào một giai đoạn mới, mở ra một kỉ nguyên mới hứa hẹn nhiều sự hay hơn. Thường khi cái họa của con người ta vẫn là một điềm báo trước hay chính nó là chìa khóa mở cửa cho cái phúc lững thừng đến sau.

Lúc bấy giờ bà cô bố vờ của nàng và thím tài già ở cầu Đất đã qua đời rồi, ở đất Hải Phòng không có ai thân để cho nàng náu nương tin cậy được. Mấy chị em quen bình nhật thường ngồi nhai trầu nói chuyện phiếm với nhau thì kể làm gì. Có người nói định làm mối cho nàng chắp nối nhân duyên với một ông chồng ta hay một chú khách nữa tùy ý nhưng nàng cười và lắc đầu:

- Tôi đã hai mươi tám tuổi đầu, trong tay lại không có một xu thì còn ma nào thèm lấy.

Kì thật nàng nghĩ chín trong bụng rằng: chẳng gì mình cũng đă trải qua một đời chồng là chủ hiệu giàu có, tiếng tăm hầu khắp tỉnh Phòng đều biết, bây giờ chắp nối liệu có gặp được mặt nào cũng bảnh như thế không? Nếu cha căng chú kiết, vơ quàng vơ xiên, e bị thiên hạ mai mỉa. Mà ở nấn ná mãi chỗ này cho đến long đong sa sút cũng hổ với đời, thôi thì "lại liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần đến đâu", số kiếp có bắt mình lấy phải thằng cu bố đĩ hay là cùng lắm đến phải bán trôn nuôi miệng như lũ chị em vô phúc kia thì thà rằng đi xứ khác mà làm cho khuất mắt, chẳng ai biết đấy là đâu, chứ hồi nào nghiễm nhiên một bà chủ hiệu ở đây, giờ sụt xuống làm một người trụy lạc cũng ở đây thì phiền lắm.

Thế rồi ngay buổi chiều hôm ấy nàng từ giã Hải Phòng đáp tàu khách "Cửu Giang" đi lên Hà Nội.

Cảnh đi tàu thủy vào thời buổi này ra sao, chúng tôi đã nói cho độc giả biết rồi. Với nàng chỉ khác có một điều là bảy tám năm trước, đi chuyến tàu từ Nam ra Phòng nàng là một cô ả nhà quê nhút nhát, khù khờ; chuyến tàu này từ Phòng lên Hà Nội, nàng là một thiếu phụ có vẻ lịch sự phong lưu, đi đứng nói năng bạo dạn.

Gần cạnh chiếc chiếu nàng ngồi, một người đàn bà nằm ngủ cò queo, gối đầu trên chiếc tráp khảm nho nhỏ, quàng tay ôm lấy va li, một đứa bé ngồi bên vừa coi đồ, vừa quạt phe phảy. Người này cũng trạc hai mươi tám, ba mươi tuổi, mặt trái xoan, môi son má phấn, đầu vấn khăn nhung bỏ đuôi gà dài, mắt lại đeo kính râm để ngủ cho khỏi chói. Trông có vẻ tỉnh thành, hơn nữa ra vẻ một me Tây vì thấy lông mày cao gọt sắc lẻm, chân lại mang giày đầm và bít tất trắng đó là cái đặc trưng của các bà dương phụ thuở đó. Thị Lan dòm kĩ gương mặt nhơ mang mang như một người nào mình quen.

Mãi chín mười giờ đêm người ấy mới vươn vai chỗi dậy bỏ kính đen ra trõ mắt nhìn vào Thị Lan dưới ánh đèn chiếu ngay giữa mặt. Vừa lúc Thị Lan cũng nhìn trừng lại. Rồi cùng trong một giây phút cả hai người cùng hòa tiếng reo lên một:

-Kìa! Cô Ba La Vích!

-Ô này! Thím Hồng!

Hai người đã nhận được nhau.

Quả thật cô Ba La Vích là một me Tây sang trọng, vợ một ông quan ba pháo thủ, ý hẳn tên ông là Lavic hay là Lavèque cho nên người ta quen gọi cô là cô ba La Vích. Cách hai ba năm về trước, cô theo chồng xuống phục chức ở Phòng, thỉnh thoảng có lui tới hiệu Bình An mua rượu, đồ hộp, phó mát, dăm bông, lẽ tự nhiên hay có dịp giao thiệp chuyện trò với vợ chồng chủ hiệu. Giữa lúc ấy Thị Lan đang là thím Hồng, bà chủ hiệu Bình An vào thời kì cửa hiệu đang tấy, buôn may bán đất, một vốn bốn lời. Hai người quen nhau hơi thân, mặc dầu không có những sự vãng lai thù tạc.

Về sau cô lại theo chồng đổi lên Hà Nội, xa biệt Hải Phòng luôn mấy năm trường, cái tình quen biết giữa khách với nhà hàng sao khỏi phai nhạt dần đi. Hôm nay sự tình cờ cho đối mặt nhau và đánh thức trí nhớ, khiến hai người cùng phải sửng sốt ngờ ngàng nhất là gặp nhau trên một chuyến tàu ngược.

Me Tây, thím Khách ngồi sán lại nhau chuyện như pháo nổ:

Rõ thật là may! — Cô Ba nói — tôi xuống Phòng hơn một chủ nhật, mãi hôm qua mới có dịp đến hiệu đề thăm thím không ngờ đến thấy đóng cửa có người ngồi canh, tôi hỏi bà chủ đâu nó xua tay đuổi tôi đi như đuổi tà, chẳng thèm nói gì cả. Tôi tức cả mình, không nhẽ đứng lại mà "sà lù cu soong" nó. . .

-Hiệu tôi bị tịch kí rồi, cô ạ - Thị Lan nói và thở dài.

-Chết chửa? Thím nói thật hay bơn?

-Cô tính đời thuở nhà ai lại đi nói bỡn một câu chuyện tan cơ nát nghiệp bao giờ.

-Thế chú Hồng ở đâu mà để. . .

-Thì cũng tại nó đấy, cô ơi! Luôn hai năm sau này tôi ốm nằm bẹp một xó thì nó đâm ra chơi bời phung phá, cờ bạc này, trai gái này, trước còn vơ vét tiền nhà đi tọng vào đào đĩ, vào bạc bài rồi sau vay nợ tứ tung thiếu tiền hàng họ của người ta be bét người ta phải xin tòa cho khánh tận, tịch biên. Ả Hồng cuốn gói trốn thẳng về Tàu trước, bỏ tôi bơ vơ.

-Ấy đấy, thím xem. Mình lấy chồng khách thường gặp phải cái cảnh họ cuốn gói đi êm, bỏ vợ con giữa chợ như thế, mình cay hơn cắn phải ớt. Thím không biết, chồng Tây chẳng có thế bao giờ, dầu sao đi nữa họ ăn ở với mình cũng tử tế, khi đi khi về phân miệng. Cứ xem ngay ông ba nhà tôi thì biết, đến hạn hưu trí về Tây, ông cho tôi mấy nghìn làm vốn và tất cả đồ đạc trong nhà cũng đáng bạc nghìn. Mấy hôm sắp sửa từ biệt, me sừ bà đầm sụt sùi than khóc với nhau cẩn thận. Tôi vừa ra Phòng là cốt đi tiễn ông xuống tàu giờ tôi trở về Hà Nội đây.

-Cô thật có phúc. Chẳng bù với tôi, mang tiếng lên là Hồng mà vận thì đen. Hồng nhan bạc mệnh là thế!

-Có lẽ con người ta cũng có số. Nhân tiện ra Phòng hôm kia tôi có đi lễ thánh xin một quẻ thẻ ngài dạy thể nào tôi cũng gặp một quí nhân còn sung sướng danh giá hơn trước nữa kia. Sao hôm nọ thím không xin thánh một quẻ thử xem?

-Cô nghĩ xem cảnh tôi mấy hôm điêu đứng sầu khổ đến thế, úa cả ruột gan, mất cả hồn vía, chỉ muốn đâm đầu xuống sông mà chết quách cho xong còn có bụng dạ nào nhớ đến việc lễ bái xin thẻ được nữa!

-Chuyến này hẳn thím cốt lên chơi Hà Nội năm ba ngày cho khuây khỏa rồi lại trở về Phòng tái tạo cơ đồ, phải không?

-Không! Còn nhà cửa thân thích nào ở Phòng mà cô bảo tôi trở về. Chỗ chị em quen nhau một ngày là nghĩa tôi không nói giấu gì cô và cũng không ngại cô cười: tôi đi Hà Nội lớp này, giống như người thò tay mở bát lúc sắp sửa cuốn chiếu, bán chẵn hay bán lẻ, cùng đắt tất, mặc nó ra sao thì ra!

-Nghĩa là thím đi liều mạng văng tê, không có chủ ý gì cả.

-Kể ra thì tôi cũng có chủ ý lên đó tìm cách buôn bán nuôi thân. Nhưng rồi số kiếp đưa mình đi đâu mà chẳng phải chịu.

Cô Ba La Vích ngồi lằng lặng ngẫm nghĩ gì một lát rồi bồng vui cười, vỗ vai thím Hồng:

-Phải đấy, thím cứ ở Hà Nội ít lâu tôi làm mối cho một ông chồng sang trọng mà nhờ.

-Cám ơn cô có lòng tốt; chỉ sợ lại vớ phải một chú Hồng nữa thì tôi chết!

Hai người ăn uống chuyện vãn với nhau suốt từ đấy cho đến chiều tối hôm sau, tàu mới đến bến Hà Nội.

Cô Ba có bà mẹ và em cháu ra đón tấp tới. Trước khi leo lên chiếc xe tay cao ngất ngưởng, cô Ba còn nắm tay thím Hồng, căn dặn ân cần:

- Mai kia thế nào thím cũng nhớ xuống chơi nhà tôi ở cửa Ô Quan Chưởng nhá. Cứ đi xe đến đấy, hỏi nhà tôi thì ai cũng biết.

Còn thím Hồng thuê xe kéo về hàng Buồm vào một bạn hàng quen, cũng là chồng khách vợ ta.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK