Thì ra bao nhiêu sự hào phóng, sự tử tế, sự lễ nghĩa của lão chánh tổng Kim Sơn, chỉ động bởi một nguyên nhân và chỉ dồn vào một mục đích: Cái Lan.
Cái Lan trẻ măng, xinh xắn, sắc sảo, dễ yêu.
Mà nguyên nhân ấy là nguyên nhân đa tình; mục đích ấy là mục đích ích kỉ.
Quả nhiên vừa mới qua ngày khai hạ, ông chánh Kim Sơn cậy tay mối lái sang nhà bác phó để giạm hỏi Thị Lan về làm kế thất. Bấy giờ bác phó mới tỉnh ngộ về những cử chỉ dụng tâm của ông chánh từ trong năm đến nay, bác nhớ lại mừng thầm về cặp chân giò đã xem hôm mùng một, tưởng đâu tia đen là báo hiệu điềm dữ mà lo ngay ngáy chẳng hóa ra lại là điềm lành.
Một ông chánh tổng giàu có nhất tổng muốn lấy con gái một bác phó cựu nghèo kiết, mà lại cưới về làm bà kế, còn gì vẻ vang, sung sướng cho bác phó hơn nữa? Bác chưa bao giờ dám mơ ước đến sự ấy.
Phúc đâu đem lại như từ trên giời sa xuống.
Bác phó ta ừ ngay, làm như dang thẳng cánh tay ra chộp lấy, vồ lấy mối hạnh phúc kia cho mau kẻo sợ chậm trễ, nó vuột đi mất.
Chắc hẳn các ngài không lạ gì luân lí và phong tục cổ truyền của xứ mình, đối với cuộc nhân duyên, hôn phối của con cái, ngày nay có tùy thời đổi thay dễ dàng đi nhiều, chứ ba bốn chục năm về trước thì cha mẹ nắm quyền tuyệt đối. Lựa chọn, ưng chịu, gả bán, nhất thiết ở trong ý muốn của cha mẹ "đặt đâu con phải ngồi đấy", không cần gì phải hỏi con:
Tao định gả mày cho thằng đó, hay là tao định cưới con bé kia về làm vợ mày, mày có bằng lòng hay không?
Người làm cha mẹ ỷ có quyền hành, lại thêm tấm lòng tha thiết thương con và sự lịch lãm kinh nghiệm của mình, hễ đà lựa chọn đám nào phối hợp cho con tức thì đám ấy xứng đáng thích hợp tự nhiên khỏi phải hỏi ý con hay là bảo nó biết trước làm quái gì.
Tức như bác phó, bác định gả con gái cho một chánh tổng đương thứ, vậy là xứng đáng đủ mặt, bác đã chịu thì tất cái Lan cũng phải chịu.
Bảo rằng thằng chồng ấy xấu?
Mặc kệ! Nhưng nó đang làm chánh tổng hách dịch nhất vùng lại có thóc gạo chứa mấy mươi gian nhà, ruộng đất cò bay thẳng cánh.
Bảo rằng nó hơi già cho cái Lan?
Phải. Nhưng nó cưới về làm bà kế, trông nom tất cả cửa nhà ruộng nương, sung sướng biết bao. Cái Lan mới hai mươi tuổi đầu sẽ đường đường làm một bà chánh mà bác phó sẽ được dựa hơi nhờ thế trở nên danh giá, nổi tiếng quanh miền.
Thành ra mối lái vừa mới đánh tiếng ngỏ lời, bác phó gật đầu tức khắc và tự cho mình là phải lẽ, chẳng thèm hỏi con. Chẳng những bác nghĩ mình có quyền như thế mà đến sự phải lè chắc con cũng đồng ý với bác, không thể không được.
Đến nỗi cách sau mấy hôm, bên nhà ông chánh đem sang mấy mâm trà rượu bạc tiền làm lễ vấn danh và định ngày mồng bốn tháng hai xin cưới, bác phó cũng nhận lễ và ưng ý một mình chẳng cần hỏi xem ý Lan thế nào?
Một lát sau, người ta về rồi bác mới nghĩ rằng đến lúc cho con biết về việc chung thân của nó:
Đấy, lễ vật của ông Bá Kim Sơn ăn hỏi con và xin chọn ngày lành tháng tốt là mùng bốn tháng hai sau, thầy đã ưng chịu đâu vào đấy rồi. Con muốn sắm sửa gì thì lo sắm sửa dần đi. Gả được chỗ này, thầy cũng yên lòng và mừng cho con.
Thị Lan sửng sốt:
-Vâng, thầy để cho con suy nghĩ xem đã.
Con suy nghĩ cái gì? Mọi việc thầy đã bàn định thỏa thuận với người ta rồi. Thầy đẻ ra con, muốn cho con nên hay, nên khá mới chọn lựa và ưng chịu gả cho con đám này thật là xứng đôi phải lứa, cả của lẫn danh không còn phải cân đo suy nghĩ gì nữa. Đến mai con dậy sớm đi với dì con sang Nam đánh một đôi khuyên vàng và sắm sửa các thứ, có mấy chục nén bạc người ta dẫn lễ kia con muốn may mặc gì cứ việc. Thầy bảo phải nghe.
Cả đêm nàng trằn trọc không ngủ, lại còn khóc thầm nữa. Sáng dậy, thấy hai mắt sưng húp, gân máu nổi lên đỏ hoe. Nàng xuống ao rửa mặt xong và rồi lên đứng trước mặt cha, thu góp tất cả tinh thần, quả quyết, mạnh bạo vào lời nói:
-Thưa thầy, đêm con đã suy nghĩ kĩ rồi, con nhất định không lấy lão Bá Kim Sơn đâu. Thầy giả lễ lại cho người ta.
Nếu lúc ấy sét đánh bên mình hay là đất động dưới chân, chắc không làm cho bác phó ta choáng váng cả người hơn là nghe câu nói của con gái bác.
-Mày hóa điên rồi à, Lan?
Con chả điên tí nào. Mới từng này tuổi, chẳng phải lỡ thì quá lứa gì, con còn muốn ở nhà giúp đỡ thầy chứ chưa muốn lấy chồng. Hay thầy muốn gả con cho bố cu, bố đĩ nào cũng được nhưng lão Bá Kim Sơn thì con nhất định không lấy.
-Mày giết ông đi cho xong! Mày xuống bếp vớ con dao rựa lên đâm chết thẳng cha mày đi! Mày định bêu rếu không cho ông ở đây làm ăn và dám thấy mặt ai ở đất này nữa phải không? Con tôi nó báo hiếu cho tôi thế đấy, giời đất!
Bác quay cuồng gầm thét như điên, như khùng. Và rút lấy cây đòn gài cánh cửa liếp để định phang con một mẻ. Thị Lan sợ quá, vụt chạy sang nhà hàng xóm để trốn. Bác chỉ làm oai, làm bộ thế thôi, không nỡ nào đánh con; nhưng không khỏi lấy làm lạ sao lần này con dám cãi bác, nhất là cãi bác về một việc rất quan hệ. Qua cơn giận chốc lát rồi, bác nói nhỏ với vợ bảo vợ lấy lẽ thiệt hơn, phải trái khuyên bảo cái Lan. Đàn bà với nhau, họ tỉ tê khuyên bảo nhau dễ hơn.
Bác phó nghĩ nhầm rồi. . .
Đến mạng lịnh cưỡng bách của cha nàng còn không chịu khuất phục, huống chi những lời khuyên nhủ cùa bà dì ghẻ.
Còn phải bé bỏng gì, Lan hai mươi tuổi đầu đã biết đắn đo suy nghĩ nhiều ít. Mình đang son trẻ thế này đi lấy một người đã ngoại tứ tuần, sao gọi là xứng đôi vừa lứa được. Tóc bạc, má hồng, chẳng khác gì nước với lửa không thể trương dung và phối hiệp nhau. Lan lại sực nhớ đến cái vẻ hom hem không có gì đáng yêu của lão Bá làm Lan đã được nhìn rõ nhiều lần khi vào bán rượu: Lan tưởng tượng đến đôi má đã hơi hóp, bộ râu dài ba chòm, mái tóc đã bạc quá nửa của ông Bá mà Lan nghĩ đến sổ phận mình sau này dẫu có được ngồi trên đống bạc cũng không thể gọi là hạnh phúc được. Lúc nào, lũ chị em xấu bụng đã thì thầm thị phi đủ điều, giờ họ thấy mình về làm vợ lão Kim Sơn, đố khỏi họ chê cười mình tham lam vàng bạc, bán rẻ xuân xanh. Lại thêm câu chuyện chị em bàn tán về tính cách ăn ở cùa lão Bá Kim sơn, nay vợ nọ mai hầu kia, chẳng ai được bền; biết đâu rồi cái thân phận ấy không đến lượt nàng. Đời có thiếu gì kẻ giàu có ngông cuồng, hoặc vì lòng hiếu sắc ích kỉ dám quăng ra một số tiền để mua lấy bông hoa đầu mùa mà chơi ít lúc, khi chán ngán, đỡ thèm rồi họ chà đạp dưới chân?
Lan không phải là người không ham giàu, ham danh nhưng chỉ sợ những nông nỗi nói trên, khiến nàng có cái quyết tâm không lấy lão chánh tổng Kim Sơn, mặc dầu nàng phải trái ý cha muốn.
Không biết đêm hôm ấy dì đem lời hơn lẽ thiệt ra nhỏ to khuyên bảo cháu ra thế nào, đến lúc trời lờ mờ sáng dì gọi cháu thức dậy thổi cơm như mọi ngày, chẳng nghe tiếng cháu thưa; chạy ra phản ngoài xem thấy bỏ không, sờ lên cây sào mắc xống áo thấy sạch trơn, bấy giờ bà mới hoảng hốt, kêu réo ông chồng:
- Thầy nó ơi! Dậy mà xem mau lên, cái Lan đã bỏ nhà trốn đi mất.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK