• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Chuyến xe hỏa Hà Nội — Nam Định buổi sáng hôm ấy đông khách quá. Đúng vào hồi người ta đi trẩy hội Phú Giày.

Hạng ba cũng không còn hở chỗ nào. Nhiều ghế có tới ba người chen chúc ngồi.

Xe còn vài phút thì chạy.

Một vị linh mục Âu tây bước lên xe sau chót, mở cửa hạng ba đi vào, đứng nhìn quanh tá hữu, lắc đầu một cách rất kín đáo, hơi như có ý trách mình ra tàu quá muộn, chẳng còn thừa một chỗ nào.

Theo phong tục các xứ văn minh, bọn đàn ông mạnh chân khỏe tay lúc đi xe tàu chật chội bao giờ cũng hớn hở nhường chỗ mình đang ngồi cho một người đàn bà, một kẻ tàn tật hay một nhà tu hành.

Nhưng ở xứ mình ít có thói quen ấy. Người ta thấy trên xe hỏa, tàu điện những ông ra vẻ tân thời học thức lắm mà không hề có nhã ý đứng dậy nhường chỗ cho một người đàn bà bụng chửa thè lè lại ẵm một đứa nhỏ ba bốn tuổi trên tay mà đứng cho tàu chao bên nợ, lắc bên kia. Nói gì họ nhường chỗ cho một giáo sĩ.

Trong khi ông linh mục kia đang tần ngần bác tính quay lưng bước ra ngoài thì một bà thiếu phụ An Nam có chỗ ngồi giáp bên cửa, tươi cười đứng dậy và nói:

- Mời cha ngồi đây, con xin nhường chỗ.

Bấy giờ một thầy mặc tây ngồi ghế trước mặt, hình như có ý ngượng với cử chỉ của người thiếu phụ, vội vàng đứng dậy nhường chỗ mình một cách rất ân cần.

Ông cố cảm ơn và ngồi xuống đấy.

Thành ra ông với thiếu phụ đối diện nhau.

Những bánh xe hỏa đang lăn nhịp nhàng ở quãng Kim Liên - cống Vọng.

Được chỗ ngồi yên ổn và định thần một lát, nhà tu hành ngước mắt có đeo mục kỉnh đen, nhìn kĩ người đàn bà ngồi trước mặt, tức là người đã có nhã ý nhường chỗ cho ông trước tiên.

Người này, trạc ngoài bốn mươi, nhưng còn tươi đẹp, hồng hào, vấn khăn nhung đuôi gà, mặt chỉ nhồi phấn hơi hơi, càng tôn thêm nước da trắng tự nhiên và đôi hoa tai kim cương to bằng hột đỗ càng chiếu sáng ngời, cố nhiên là người thành thị trăm phần trăm mà trên nét mặt đầy vẻ tân thời, lịch thiệp, bạo dạn. Bên mình có chiếc "sà cột" khá to, là thứ túi đựng tiền của những người càn gạo hay nhà thầu khoán thường dùng bỏ tiền xách đi xa để phát công thợ và dân phu.

Biết là vị khách đổi diện đang chăm chú thả nhỡn quan xuyên qua hai miếng kính rợp mà phóng ngay vào mình, người thiếu phụ tự khơi chuyện ra nói trước để cho khỏi đỡ ngượng cả hai bên. Mặc dầu mình không phải là con chiên, nhưng thiếu phụ cũng tôn kính ông linh mục mà gọi là cha.

Nhất là diện mạo ông khôi vĩ, hồng hào, cặp mắt như thước kẻ, con ngươi xanh biếc và ươn ướt, mũi cao và bắt góc như hình Kim tự tháp bên Ai Cập, môi đỏ tự nhiên như son, thêm hàm râu cạo gọt rất khéo. Cái vẻ đẹp giai ấy làm cho thiếu phụ ngây ngất, bàng hoàng, càng muốn gạ chuyện làm quen.

-Cha gặp phải chuyến tàu chật chội thế này có lẽ bực bội lắm thì phải.

Ông linh mục cười và đáp:

-Không bực bội gì mấy, chỉ cách vài ba giờ thì đến nơi, ví dụ có phải đứng cũng chẳng sao.

-Hẳn cha xuống Phù lý?

-Không, còn gần hơn, tôi sắp xuống cầu Guột đây thôi.

-Con cũng xuống ga ấy.

-Thế có khi cô về cầu Guột thăm quê, hay đi cân gạo, phải chăng?

-Con chỉ về chốc nhát để trông nom công việc và phát tiền cho dân phu đắp đê Phú Xuyên.

-Cầu Guột rồi đáp tàu trưa lêu Hà Nội ngay.

-Nhà cô ở Hà Nội?

-Vâng.

-Phố nào?

-Ở đầu ngõ Hội Vũ.

-Vậy thì tôi biết rồi, cô là cô Tư Hồng mà tôi vẫn nghe nhiều người Phú lăng sa nói chuyện.

-Thưa phải.

Ổng lại cười và nói câu này nho nhỏ không cho những người ngồi bên nghe:

-Ồ may nhi! Tình cờ Hồng nọ gặp Hồng kia.

Hình như thiếu phụ ngơ ngác không hiểu, ông cố liền nói tiếp ngay:

-Tôi là cố Hồng, linh mục chánh xứ ở nhà thờ Phú Xuyên.

Thiếu phụ mỉm cười thầm hiểu vì chính thiếu phụ là cô Tư Hồng.

Còn nhà tu hành, đạo hiệu là cố Hồng, linh mục Phú Xuyên, một xứ đạo mới mở được ít lâu.

Một bà me tây về già, một nhà tu hành đạo mạo, có ai dám ngờ hai người ấy họ gặp nhau tình cờ trên chuyến xe lửa mà rồi có chuyện tình ái nhân duyên gì dính theo?

Ấy thế mà có.

Thì ra tạo hóa thật khéo oái oăm bày trò, thường khi một chuyện người ta không ngờ lại chính là chuyện xảy đến.

Từ ngày ông cụ cố qui tiên, cô Tư cảm thấy trong lòng yêu đương để trống một chỗ rất lớn.

Cô đâm ra buồn.

Mặc dầu phồn hoa phú quí bao bọc chung quanh; mặc dầu vàng ngọc bạc tiền chan chứa.

Không phải đời người hễ cứ giàu sang thì được thấy toàn sự vui sướng.

Đời người giàu sang có lúc như tấm bảng sơn son thếp vàng, ta trông bề ngoài lộng lẫy, đỏ tươi nhưng lớp gỗ bên trong có chỗ mối ăn mọt khoét mà ta chưa thấy.

Giàu sang cũng có những chỗ buồn rầu nhục nhã riêng của nó.

Người ta vẫn ghê sợ thời vận áo xám. Nghĩa là trong lúc phải mặc xám, mọi việc đều xui xẻo tắc hãm. Trái lại, số phận hậu đãi cô Tư một cách khác hẳn.

Chính lúc đang mặc áo xám, cô lại hái ra tiền.

Nào là vớ được mối hàng 30 vạn tạ gạo của mấy hãng Tây ở Hải Phòng đặt mua để xuất cảng.

Nào là thầu việc đắp đê ở Phú Xuyên cầu Guột. Bọn nhà nghề thầu khoán cạnh tranh không lại, vì cô có những người mạnh thế đỡ đầu.

Họ thường bảo nhau:

- Chuyến này con mẹ Tư lại khoắng được vài vạn bạc lãi là ít.

Tiền vào càng nhiều, cô Tư càng thấy lòng mình trống trải, cảnh mình cô độc.

Con người đã ngoài bốn mươi tuổi đầu, trải hai ba đời chồng, tình nhân không thiếu gì, nhưng bây giờ lại thấy lòng mình khát khao thiếu thốn tình yêu: cái tình yêu chuyên nhất.

Cô nghĩ mình thế tất phải đi một bước nữa. Nghĩa là lại phải lấy chồng. Vì lẽ gia đình và vì lẽ xã hội.

Vì lẽ gia đình, phải lấy chồng để có người giúp mình lo lắng công việc, trông nom sự nghiệp. Bố chết mất rồi, em cháu hãy còn khờ bé, mình lại chưa có con cái gì, cô Tư trơ trọi ở đời có một thân. Mình lại có của, có rất nhiều của, những kẻ tham lam ngấp nghé không thiếu gì, một thân đàn bà, sành sỏi mặc đầu, muốn ứng phó mỗi khi hoãn cấp không phải là dễ. Huống chi đời người phải có những lúc phong vân bất trắc, biết nhờ cậy ai? Không chồng không con, sự nghiệp đắp cao lên mãi để làm gì?

Vì lẽ xã hội, lấy chồng để bịt hẳn miệng tiếng dị nghị của thế gian. Cô Tư thừa biết thói tục ở chốn Thăng Long nghìn năm văn vật, người ta chi khéo làm bộ lễ nghi phong nhã với nhau ở trước mặt mà hay phẩm bình xỏ xiên ở sau lưng. Có người làm nên cửa cao nhà rộng, xuống ngựa lên xe, đủ cả công danh, chức phận; thiên hạ gặp mặt thì vái chào "bẩm lạy cụ" rất cung kính nhưng vừa xoay lưng đi họ đã cười khúc khích và bảo nhau: "Xem bác cai ở phố X. . . đã gặp thời lên mặt trưởng giả đấy!"

Chính cô Tư nhiều lần được nghe lọt tai những tiếng xỏ mát của thiên hạ, sau khi họ chào "bẩm bà" thật là tử tế. Họ dị nghị cô giàu có như thế mà không chồng không con, tha hồ ăn tiêu sung sướng. Một hôm cô vào nhà nọ đi ra chưa khỏi cửa đã nghe bên trong có tiếng Kiều lẩy:

'Sống làm vợ khắp người ta,
Hại thay thác xuống làm ma không chồng.'

Cô hiểu là câu ấy họ ngâm tặng mình.

Và lòng muốn lấy chồng càng thêm quả quyết.

Nhưng lấy ai bây giờ?

Cô đã tính nhẩm trong những bạn quen và bạn tình hiện tại. Tây có, Nam có, muốn lựa chọn đắn đo, vật sắc lấy một người để làm cho phu tướng, gắn bó chung thân.

Nhưng sau một lúc cân nhắc, cô gạt ra ngoài cả. Cô nghĩ họ chỉ là một cảnh bày chơi tạm thời, chứ không ai xứng đáng làm chồng vĩnh viễn. Họ làm bạn với cô, bất quá lập lẽ lợi dụng hay là bán tình giả dối lấy tiền của cô, thế thôi.

Cô định tìm một người chồng trẻ trung, khỏe mạnh, đứng đắn; cố nhiên phải là chồng Tây mới đúng sở thích.

Có điều người ấy là ai, chính cô cũng đang mong mỏi, chưa biết.

Lúc bấy giờ ở cây đa Cửa Quyền phố hàng Bông, có lão thầy bói già, tự xưng là Quỷ cốc tái sinh dám treo miếng vải tây điều, viết mấy hàng chữ: "Hễ đoán không hay, thì xin đền lại gấp hai số tiền đặt quẻ" . Nghĩa là mình đặt quẻ năm hào thỉ lão mở tráp đền ngay cho một đồng. Người ta nói lão chưa hề phải bồi thường như thế bao giờ, bác tức là nghề bói của lão tuyệt phẩm.

Một buổi sáng, cô Tư sai người ân cần mời lão vào trong nhà ở ngõ Hội Vũ để xem một què.

Cô đặt tiền quẻ hai đồng và nói ngay thật cầu vọng nhân duyên.

Lão thầy bói khấn khứa những Văn vương, Khổng Từ, Quỷ cốc, Trần Đoàn và gieo tiền được quẻ xong rồi có ý ngập ngừng như e ngại điều gì không muốn nói ra.

Cô Tư hiểu ý:

Thánh ngài dạy cát hung, họa phúc thế nào thầy cứ việc đoán ngay nói thẳng đừng nể nang gì cả. Dù tốt, dù xấu thầy nói rõ cho tôi nghe. Tôi không ưa nói nịnh như người ta đâu.

Vâng, bà lớn đã dạy, chúng tôi cứ theo quẻ mà đoán.

Phải, quẻ ứng thế nào thầy cứ đoán thể cho.

Bẩm bà lớn tuy có số hồng loan chiếu mệnh, những người ngấp nghé cầu thân nhiều thật đấy, nhưng gọi là có thể chung thân kí thác thì bà lớn không trông cậy được vào một ai.

Chịu thầy.

Cứ như quẻ này, thể nào bà lớn cũng phải đi qua một cầu nữa mới xong.

Nghĩa là phải lấy một đời chồng nữa, phải không thầy?

Thưa chính phải thế.

Độ bao giờ thì tôi gặp nhân duyên?

Chắc chắn vào mùa thu này. Từ rằm tháng bảy cho đến hai mươi tháng tám, thế nào cũng thành.

Nếu được y như lời tôi sẽ biếu thầy một chiếc áo the. Nhưng thầy đoán hộ xem chồng tôi nay mai là người thế nào?

Bà lớn có cho phép tôi mới dám nói.

Tôi đã báo thầy cứ việc đoán thẳng, không ngại gì mà.

Vâng, bà lớn cao số lắm, theo như quẻ dạy thì ông lớn nhà ta nay mai tất là một thầy chùa hay đạo sĩ mới đúng số.

Cô Tư phá cười lên:

Thầy đoán mới liều làm sao chứ, người tu hành nào mà lại bỏ trời bỏ Phật đi lấy tôi bao giờ?

Lão thầy bói vừa thu xếp tiền quẻ bỏ vào tráp vừa nói chắc nịch như đóng đinh:

Bẩm bà lớn, tôi đoán quả quyết như thế đấy: ông lớn tất là một người tu hành. Bà lớn cứ việc mua áo the sẵn cho tôi đi.

Nghe lời quyết đoán của lâo thầy bói, cô Tư bồng giật nảy mình. Cuốn phim gặp gỡ cố Hồng bỗng diễn lại trong trí nhớ với tất cả những tiếng nói bóng bẩy xa gần, những ý tứ đầu mày cuối mắt.

Thì ra sự tin tưởng của người ta có lẽ đúng thật: việc vợ chồng là mối nhân duyên định sẵn. Hễ đã định sẵn, dầu cho hai người ở cách xa nhau một bể một trời hay là có cảnh ngộ trái ngược nhau mấy đi nữa, sợi tơ hồng cũng buộc chặt lấy chân và kéo lại cho gần hình như không chạy đâu khỏi.

Ngày xưa Vi Cố chẳng vác đao vào chợ quyết chém một con bé ăn mày, rồi sau con bé ấy chẳng trở nên vợ chàng với một vết sẹo ở mặt đấy ư?

Cô Tư Hồng còn một đời chồng nữa là thầy tu, số phận đã định trước như thế.

Nguyệt lão đã buộc xích thẳng vào chân rồi chi còn thắt lại.

Lão thầy bói đi rồi, cô Tư cười bảo người em:

Cậu Ngữ à! Thầy bói đoán quẻ không khéo mà đúng thật đấy. Rồi cậu sẽ có một người anh rể mới là nhà tu hành cho mà xem.

Cậu em bông lơn:

Thôi em hiểu rồi. Chắc lão sư chùa Hòa Giao chứ gì. Hèn nào lâu nay Hà Nội đồn rầm lên, lão sư ấy cứ tối đến là trút lốt cà sa, diện quần áo tây vào, đội mũ ba na ma, tay cầm can, miệng ngậm xì gà đi vất vưởng ngoài đường, chim gái rất thánh. Em được ông anh rể ấy tha hồ mà tròn quả phúc, chị nhỉ!

Đừng nói chuyện nỡm. Không phải lão sư hổ mang ấy đâu.

Thế thì là ai, hử chị?

Đám khác kia, rồi cậu sẽ biết.

Đám khác: ấy là cố Hồng.

Từ ngày cô thầu đê Phú Xuyên, cách dăm ba ngày phải đi một chuyến để coi sóc công việc và đem tiền ờ Hà Nội xuống phát cho đân phu. Trên con đường đi về Hàng cỏ - cầu Guột cô có nhiều lần gặp ông cụ chánh xứ họ đạo Phú Xuyên.

Khi ở trên toa xe lửa, khi ở trước ga cầu Guột, có khi ở ngay trong nhà riêng của cụ xứ.

Ban đầu mới gặp cô không để ý, chỉ tưởng là một nhà đạo mạo vui tính hay chuyện trò vậy thôi. Bởi vậy cô vẫn tôn người là cha, xưng mình là con, một cách lễ phép cung kính, mặc đầu mình không phải con chiên.

Nhưng năm bảy bận sau, cô nghe lời ngôn ngữ và thấy cách ăn ở mà sinh ra cảm.

Nhất là cảm nhà tu hành còn trẻ tuổi hơn mình mà tráng kiện lực lưỡng, vẻ người lại đẹp, đúng như cô vẫn sở thích, mộng tưởng. Khoa ngôn ngữ lại ôn tồn lanh lợi, tán tỉnh rất khéo, nghe như đàn ru mật rót vào tai.

Vả lại nhà tu hành như thế bị giam hãm thèm thuồng đã lâu, nay gặp một người đàn bà nồng nàn tương đắc với mình lại tự chủ một sản nghiệp lớn trong tay cũng đâm ra cảm nốt. Cảm cả người lẫn của.

Trước lạ sau quen, hết xa đến gần.

Lửa tình đã rấm sẵn trong quả tim, giờ được một luồng gió thổi vào, bốc cháy lên ngùn ngụt.

Phải biết một khi ngọn lửa ấy đã bắt mồi bùng lên, nó đốt cháy tuốt cả những hàng rào danh giá lễ nghĩa, miệng tiếng thị phi.

Nó bất chấp tất cả xã hội.

Trước hết nhà tu hành còn mò mẫm đến nhà ở ngõ Hội Vũ ban đêm, chưa từng tang tảng sáng đã lùi lũi đi ra như thằng ăn trộm chi sợ người ta trông thấy.

Nhưng rồi cô Tư cứ tự nhiên để cho người yêu mặc bộ áo dài thâm như thế mà lui tới cả ban ngày thây kệ tai mắt thiên hạ. Nhiều khi ở lại ăn cơm nói chuyện cả buổi trưa.

Người ta bắt gặp cô Tư lắm hôm đi về Phú Xuyên cũng gần như công nhiên lui tới chỗ ở riêng của nhà tu hành mà ăn cơm ngủ đỗ như thế.

Họ đã già nhân ngãi, non vợ chồng.

Một hôm cô Phó Sơn Tây và cô Giám Binh đồn Bần, cùng là chỗ bạn thân, đến chơi nhà cô Tư gạn hỏi sự tình và nói ngay thẳng:

Này chị ạ, một là phải tuyệt đi, vì thiên hạ chẳng thiếu gì đàn ông cho mình ôm ấp, hai là phải làm sao cho ra lẽ vợ chồng, để bịt miệng thế gian. Chứ làm mập mờ dở dang mãi như thế, thiên hạ họ bình phẩm khó chịu lắm. Chị miệt mài trong cuộc không được nghe lời mai mỉa bên ngoài. Họ chửi chị bỏ bùa mê thuốc lú cho nhà tu hành phải sa ngã đấy.

Cô Tư nhận thấy là chị em nói phải.

Hôm sau gặp nhà tu hành, cô thuật lại và thúc giục phải tính toán thế nào một bề. Ông này yên ủi cô:

Người yêu của tôi đừng lo, tôi đã xếp đặt đâu đó sắp xong rồi.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK