Với cái quan niệm luân lí cũ ở xứ ta mấy chục năm về trước, một người con làm nên có danh phận của triều đình mà để cha mẹ vẫn là chân trắng, bố cu mẹ đĩ như thế thi chưa làm trọn đạo "hiển dương phụ mẫu" .
Tất phải làm sao cho cha mẹ - nhất là cho cha — cũng được trang điểm một chút son phấn nhà vua cho đẹp mày, đẹp mặt với hương tộc, với thế gian. Lúc sống được ngồi chiếu trên ở chốn đình trung, lúc chết cũng có phẩm hàm này kia để vào bài vị. Không vậy thì người con muốn nên thân sung sướng cách gì mặc dầu cũng vẫn lấy làm áy náy chưa thỏa lòng.
Trách nào chẳng có người, lúc họ làm nên thì cha mẹ đã lên xe thiên cổ lâu rồi, cũng phải cầy cục xin được truy tặng để làm lễ "phần huỳnh" cho cha mẹ ở dưới chín suối yên thỏa vong linh.
Luôn mấy năm vùng vẫy trong trường doanh nghiệp đều gặp bước may, làm nên giàu có ức vạn, tiếng tám đồn rầm, lại giao du với nhiều quan sang thế lớn và những bực cự phách ở đất Hà thành này, chắc cô Tư Hồng phải tự thấy mình thỏa mãn lắm rồi.
Một người đàn bà xuất thân như thế mà cuộc đời tươi cười với mình như thế còn muốn gì nữa chứ?
Nhưng cái bụng muốn hữu hình của con người ta lúc đói cơm gạo, bánh trái được ăn một bữa đầy đủ còn có thể biết no. Đen cái bụng muốn vô hình nó đói lợi lộc, công danh thì không biết thế nào cho vừa. Nó được voi đòi tiên, đứng núi này trông núi nọ. Có mà đổ hết cả bộ quan chế hay cả kho tiền nhà băng vào, cái bụng muốn danh lợi ấy cũng vẫn còn thấy thòm thèm, thiếu thốn.
Hèn nào cô Tư chẳng muốn cho ông thân sinh ra cô là bác Phó cựu Thành Thị cũng có phẩm hàm quan chức nữa.
Bản thân được vua ban chữ vàng "Lạc quyên nghĩa phụ " và phong làm "Ngũ phẩm Nghi nhân " mà ông bố vẫn là một chú xích tử bạch đinh, cô không thích thế.
Mặc dầu cô đã tạo lập cho ông cụ một dinh cơ ở nhà quê, đủ cả tường hoa sân gạch, cổng sắt nhà lầu, ra phết một phú ông trưởng giả nhưng mà dân làng họ vẫn xầm xì, bất phục.
Trong làng thiếu gì kẻ bướng bỉnh, thường mượn hơi men để nói bóng, nói gió, nói xỏ, nói xiên. Ra chốn đình trung, họ cố ý sắp đặt để ông cụ ngồi chiếu gần chót, chung với những hạng bố cu, mẹ đĩ. Có người kính nhường muốn mời ông cụ ngồi lên chiếc chiếu trên thì bọn sinh sự kia vội gạt đi:
- Không! Chỗ Hương đảng phái trọng trật tự mới được. Ông Phó cựu có con giàu có làm nên thì ông ấy nhờ nhưng chính ông cũng hai bàn chân "quét vôi" như chúng tôi thì không thể leo lên chiếu của các cụ huynh thứ, chức sắc được.
Cố nhiên mấy kẻ châm chích như thế là người cùng làng mà khác họ, thấy người ta khá thì ghen ghét kiếm chuyện.
Một người bà con đem chuyện ấy ra thật thà nói lại cho cô Tư nghe, cô lấy làm cay lắm. Cô nói đay nghiến:
Để nay mai ông cụ nhà tôi sẽ ngồi chiếu nhất trong làng, cho quân kia sẽ phải chào bẩm quan lớn cho mà xem nhá.
Lúc này, 1906, cô tậu thêm được dãy nhà ở phố Richaud lại làm xong tòa nhà riêng lộng lẫy ở ngõ Hội Vũ và công việc buôn bán gạo bắp đang tấn phát muôn này đến vạn kia. Nhưng không khi nào cô quên việc lo lắng công danh cho ông bố.
Với cô thử thời, hễ muốn thì được. Nội cái tài giao thiệp khéo với bạn quen biết đông, đủ cho cô tự tin nơi mình và nói như kiểu Nã Phá Luân đại đế: - Trong tự điển Việt Nam, chẳng có tiếng "không có thể" .
Tự đấy, mỗi năm cô đáp tàu vô Huế một hai lần là ít.
Mỗi lần cô về, chị em bạn lại thăm đều được nghe cô hết sức ca tụng những tấm lòng nhân đức và cách tiếp đãi của cụ thượng Cao hay cụ thượng Đoàn.
Cùng trong khoảng ấy, người ta thấy tên họ ông Phó cựu thường xuất hiện ở các cuộc từ thiện, cứu tế. Nào là đứng tên thứ nhất, thứ nhì vào sổ quyên giúp dân đói xứ Bắc, nào là về Thành Thị bỏ tiền ra sửa đình, lập chợ, đắp đường.
Ai thấy hai cha con hoạt động như thế cũng nghĩ là sự rất tự nhiên: con thì cố dĩ là nhà buôn bán năng lui tới kinh kì chắc vì việc buôn bán, cha thì về già, xuất tiền bố thí nhiều ít, ý hẳn chỉ muốn lấy tiếng với đời.
Rất đỗi muốn mua lòng họ hàng, làng mạc, hai cha con bỏ tiền ra cứu giúp những nhà bần cùng. Có một ông lão và một bà lão nghèo quá, được lĩnh tiền chẩn cấp mỗi tháng ba đồng cho tới khi chết.
Tuy thế bọn đầu bò đầu bướu trong làng đối với ông Phó cựu vẫn có vẻ khinh khỉnh như thường chẳng thay đổi thái độ chút nào. Họ vẫn nói:
Pho tượng có phết vàng bên ngoài, nhưng cái cốt trong vẫn chỉ là đất thó mà thôi.
Bỗng đến giữa năm 1908. . .
Những người hay chú ý xem mục công văn trong báo "Đồng văn" hay "Đại Việt tân bảo" đều thấy đăng tin sau này:
"Bà Trần Thị Lan, 40 tuổi, tức hà Tư Hồng, thương gia ở Hà Nội, năm 1904 đã được Triều đình sắc tứ Chánh ngũ phẩm Nghi nhân, nay được thăng Tòng tứ phẩm Cung nhàn.
Đồng thời, thân phụ của bà là cụ Trần Văn Mỗ, quán làng Thành Thị tỉnh Hà Nam, được đặc cách thưởng hàm Hàn lâm viện Thị độc, Phụng nghị đại phu"
Thế là sở nguyện của cô Tư đã đạt: ông cụ phó cựu cũng được tắm gội mưa móc ân trên.
Liền ngay hôm sau, có người được thấy trong hiệu chụp ảnh, về bên số lẻ, ở phố hàng Bông, bức chân dung một ông lão rõ ràng mộc mạc nhà quê mà đội mũ mang hia, bận triều phục, ngồi hơi khom khom ra vẻ ngượng nghịu. Ông chú hiệu ảnh thì đang ngồi chấm màu xanh vào bộ áo triều. Người hiếu kì hỏi thăm cho biết vị quan nào thế, ông chù hiệu ảnh tươi cười và đáp:
-Cụ Thị đẻ ra cô Tư Hồng đấy.
-Quí hóa nhỉ! Cha nhờ con gái mà được tặng phong, có lẽ ông lão này là người thứ nhất.
Nhất là những kẻ đồng hương lúc nào hay xỏ xiên hợm hĩnh, bây giờ phải lắc đầu lè lưỡi.
Đấy, họ đã trông thấy thế lực vận động của ngưòi con gái nhà họ Trần chưa?
Lão phó cựu bây giờ còn chân trắng đâu nào?
Lần này ở làng Thành Thị có tiệc khánh hạ rất linh đình. Các khách sang ở Hà Nội và các tỉnh về dự tiệc mừng tấp nập, có cái quang cảnh "ngựa xe như nước, áo quần như nêm" . Có lẽ cụ tổ là Trần Thủ Độ hồi xưa làm tể tướng trở về cũng chưa có cái vận sự như thế. Vì khách khứa nhà cụ chỉ có quan liêu, nhân sĩ một thời. Không bì với con bé cháu mấy mươi đời sau của cụ bây giờ có những bạn chơi nào Tây, nào Khách, nào Ấn Độ, nào An Nam, nào nhà buôn, nào quan lớn, gồm có nhiều nước, nhiều hạng.
Nhiều câu đối hoành phi, trướng liễn của người ta đi mừng treo chật mấy gian nhà. Trong đó thấy nhiều câu của những danh bút đương thời tự viết để mừng chủ nhân vì tình đi lại quen biết, hay vì người khác mà soạn dùm cũng có.
Người ta lại nói lắm câu tự chủ nhà phải mất công cày cục và chịu tốn kém để cầu lấy cái lạc khoản một vị quan sang hay một bực danh sĩ cho được hãnh diện với đời. Những nhà giàu lỏi ở xã hội ta thường có cái cầu kì che mặt thế gian đó.
Ví dụ câu đối sau này do cụ Tuần phủ Nguyễn Đắc ở làng Mọc soạn hộ một người khác đi mừng:
施濟全由聖上仁, 散為雨露
顯揚是謂卿夫孝, 別出簪釵
"Thí tế toàn do thánh thượng nhân, tản vi vũ lộ,
Hiển dương thị vị khanh phu hiếu, biệt xuất trâm thoa"
Câu này nói không có ý gì xa lạ, tác giả ca tụng lòng nhân của nhà vua muốn ban ơn mưa móc cho ai thì người ấy được. Duy có việc làm nên hiển dương cha mẹ vốn là đạo hiếu của đàn ông thi đỗ làm quan, thế mà bây giờ một người đàn bà cũng làm được như thế. Tóm lại, bà con gái nhờ cuộc phát chẩn mà được sắc, ông bố nhờ có bà con gái mà nên danh.
Đến bài hát nói của ông Phạm Xuân Khôi, tri huyện Bình Lục - tức huyện sở tại cùa cô Tư cũng thật thà tán dương chứ không có ý xoi móc gì.
MIỄU:
Năm mây hẫng thấy chiếu giời,
Khâm ban sắc chỉ tới nơi rành rành.
Nền phu quí, bậc tài danh,
Ngẫm cơ hội ngộ đã đành hôm nay,
Đội đức cao dày. . .
NÓI:
Ơn vua lộc nước, há riêng gì nam tử mới công khanh?
Khách trâm thoa này cũng trâm anh,
Cũng bia đá bảng vàng danh giá vạn.
白手成家天下罕
紅裙拔俗女中英
"Bạch thủ thành gia thiên hạ hãn,
Hồng quần bạt tục nữ trung anh"
Vẻ hào hoa phong nhã tài tình,
Gương kim cố soi chung người phấn đại.
Danh giả tự cao nhân phẩm lại,
Bẳc-Trung-Nam lừng lẫy tiếng bà Tư.
Một đời được mấy anh thư?
Cụ Trần Tán Bình, một bực danh sĩ của Bắc Hà, lúc bấy giờ hình như lĩnh chức Đốc học Hà Nam, mừng chung hai cha con cô Tư một bài tập Kiều đến nay còn nhiều người truyền tụng:
Rằng nay thánh trạch dồi dào,
Mà cho thiên hạ trông vào mới hay.
Đàn bà dễ có mấy tay?
Hoa chào ngõ hạnh, hương hay dặm phần.
Vinh hoa bõ lúc phong trần,
Làm con trước phải đền ân sinh thành.
Nền phú quí, bậc tài danh,
Khâm ban sắc chỉ rành rành tới nơi.
Năm mây bỗng thấy chiếu giời,
Hiển thân là hiếu, cứu người là nhân,
Phong lưu rất mực hồng quần!
Trần tiên sinh lúc sinh bình làm quan nổi tiếng gang thép, văn chương cũng nổi tiếng uẩn súc hào hoa, thử thời lại là một vị đường quan tỉnh nhà, cô Tư kết giao thân mật với ngài, ý hẳn chỉ cốt cái tiếng quan với cái tiếng hay chữ ấy. Ngài tập Kiều bài trên, kể thật tài tình, vì câu nào cũng đắt và hợp cảnh, cô Tư thêu vào vóc để treo giữa nhà trân trọng là phải.
Nhưng nhà nho hay chữ, gặp những trường hợp có thể xoi móc chơi, mà không xoi móc chút đỉnh thì cái mạch văn nó thấy quằn quại khó chịu hay sao không biết nên Trần tiên sinh lại mừng thêm một đôi câu đối nữa. Có lẽ sợ bài tập Kiều có một vài câu ngụ ý kín đáo quá, người xem không thấy chăng?
Câu đối sau này:
"Ngã phẩm sắc phong hàm cụ lớn,
Trăm năm danh giá của bà to"
Lơ thơ 14 chữ nghe rất nôm na, thiết thực, giản dị, tầm thường mà chứa đầy ý vị cay chua, xoi móc.
Văn chương vừa thật thà, xinh đẹp như cô mĩ nữ ngây thơ, vừa có nọc độc của loài rắn hổ.
Cũng như hoa hồng đẹp cả hương lẫn sắc, nhưng cây nó có gai.
Có người vội vàng, tưởng rằng "hàm cụ lớn " đối với "của bà to " thì chữ "của" nghe không được chỉnh.
Ấy chết, chính chữ "của" ấy mới là chữ đắc ý nhất của nhà nho. Trong mười bốn chữ, chỉ có nó nổi bật lên, làm rung động cảm giác người ta như tiếng trống ngũ liên giữa khoảng làng xa đêm vắng. Có nó, câu đối mới hay. Một mình nó kí thác cả hai ý muốn: vừa khen tâng bốc vừa xỏ ngấm ngầm. Có lẽ khi moi được nó ra để gieo vào câu văn, nhà nho ta đắc ý không biết đến thế nào. Giá ai gạ đổi chữ "của" ấy lấy một cơ nghiệp cự phú hay một vật gì quí báu nhất đời, dám chắc nhà nho cũng không thèm đổi.
Cụ Tam nguyên Yên Đổ vào hồi này đã lòa cả hai mắt, không thiết hỏi gì đến thế sự đã lâu. Nhưng khi tiếp được thiếp mời rất trân trọng của hai ông còn nhà họ Trần trong dịp được sắc ăn khao, cụ cũng nghĩ chỗ đồng châu, đồng quận "kiếm năm ba chữ gọi là tình" . Cụ gọi cậu cháu:
Lấy giấy bút cho ta đọc đôi câu đối này mà chép để mừng hai ông con nhà bà Tư ở bên Thành Thị, nghe.
Rồi cậu cháu thay mặt đem lễ mừng bốn bao liên tử với đôi câu đối viết trên một tờ hoa tiên kể cũng trân trọng.
Cụ Thị độc và cô Tư cảm động lắm:
Được cụ lớn chiếu cố như thế này thật làm cho mà chúng tôi vẻ vang vô cùng.
Muốn cho ai nấy được biết nhà mình có cả câu đối mừng của cụ Tam nguyên Yên Đổ đây, cụ Thị độc ta lấy mấy thước vóc đô của nhà ghim tờ hoa tiên vào giữa để treo lên cho mọi người cùng thấy rồi xong đám sẽ đem thêu để lưu truyền một kỉ niệm quí báu.
Câu đối thế này:
"Có tàn, có tán, có hương án thờ vua, danh giá vang lừng hăm sáu tỉnh.
Này biển, này cờ, này sắc phong cho cụ, chị em hồ hễ mấy lăm người" .
Chỉ trong mấy ngày, đôi câu đối ấy truyền tụng hầu khắp xứ Bắc. Ai cũng phải khen hay và bảo cụ Yên Đổ thâm quá nhưng mà nhã hơn câu của cụ đốc Trần.
Riêng với hai cha con nhà cô Tư, miễn là có lạc khoản có đứng tên các quan lo để treo cho được hãnh diện với người hàng huyện hàng tỉnh, còn văn chương ngụ ý chê khen xoi móc gì đó mặc kệ hay là không biết.
Một bác phó cựu, phó kiết, giang hồ lưu lạc biết mấy chục năm, tưởng là gửi xác vào bờ bụi xó xỉnh nào thế mà nhờ đứa con gái — cũng giang hồ lưu lạc — đến lúc về già lại được vinh hoa phú quí giữa chỗ cố hương thế này, kể ra trời đãi cũng hậu lắm đấy.
Đời người ta, phần nhiều cũng như giống hoa đến lúc có sắc đẹp hương thơm là lúc sắp sửa tàn tạ.
Sau ba năm được sắc ăn mừng, cụ Thị độc nhà cô Tư qua đời vào năm 1911, hưởng thọ 83 tuổi.
Cô Tư làm đám hiếu cho bố rất mực linh đình lại mời được cụ Tuần phủ Nguyễn Nhã về đề chủ. Lại một phen dập dìu quan khách tấp nập, vì lúc này cô Tư còn đang thịnh vượng, lừng lẫy.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK