Một thầy tử vi ở miền Nam, ngày nay đã già nói chuyện với tôi rằng bốn chục năm trước ông đã có xem số tử vi của Trần Thị Lan, còn nhớ rõ nàng sinh ra giờ ngọ, mùng 7 tháng 2 năm Kỉ Tị, dương lịch 1869. Giữa lúc ấy xứ Bắc đang bị giặc Cờ đen, Cờ vàng quấy nhiễu và bắt đầu đa sự.
Thân phụ nàng - nhờ hơi con mà trở nên Cụ cố với hàm Hàn lâm thị độc sau này - lúc đó đang làm một bác phó lí kiết cáu trong làng, mới ngoài ba mươi tuổi. Tuy vậy trước nhà cũng có vườn cảnh; trong vườn cảnh có một vài chậu lan. Ấy là cái mốt đương thời của những nhà khoa hoạn nho y và mấy nhà hào lí đàn anh chốn hương thôn, thường khi cót thóc trong buồng không dính một hột, nhưng thế nào ngoài sân cũng có chiếc bể cạn với hòn non bộ mốc rêu.
Chính ngày hôm cô ả vừa cất tiếng oe oe chào đời phi thường, hai chậu lan bạch ngọc trổ được mấy giò hoa, ông Phó lí đặt ngay tên nàng là Lan, gọi thế là để kỉ niệm mùi hương vương giả.
Đời nàng được nếm những mùi đắng cay lưu lạc ngay từ lúc còn bé bỏng trở đi.
Hồi mới ba tuổi đã mồ côi mẹ. Bà này chỉ sinh hạ hai con gái: một chị đầu lòng, tới nàng là thứ hai. Cả hai đang còn thơ bé cần có hơi mẹ, thì bà trút gánh lại cho anh chồng nghèo để đi tìm cực lạc thế giới. Bác Phó đóng vai gà sống nuôi con được ít lâu, tình thế buộc phải tục huyền. Cái cảnh "bánh đúc không xương" ở xã hội ta chẳng phải nói thì ai đoán ra cũng biết. Còn may đôi chút, người vợ kế là cháu gọi bằng cô của đời vợ trước; sợi dây huyết thống ấy tuy mỏng manh, nhưng nó cũng không nỡ đánh chặt thòng lọng vào cổ hai con bé mồ côi mẹ kia, thành ra chúng nó cũng bớt khổ nhiều ít.
Song, đến cảnh khổ vật chất thì bao trùm cả chúng nó lẫn cha ruột, dì ghẻ. Trước khi mãn lệ, bác Phó đành phái từ dịch. Bởi việc dân, việc làng chiếm mất nhiều thời giờ nên bác cần phải làm mướn làm thuê để nuôi con thơ, vợ dại. Một gia đình như thế, có vài ba sào ruộng thì ăn muối cũng không đủ. Lại thêm mấy năm mất mùa thông luôn; suốt cả vùng Nam giặc cướp như ong, đói khát đầy nội. Bác Phó cựu ta liệu bề quyến luyến gia hương mãi thì phải chết đói; ở nhà chịu chết, thà đánh liều đi cầu sống tha phương còn hơn.
Thế là vợ chồng con cái phải dắt díu nhau bỏ làng ra đi.
Trên con đường gồ ghề, khấp khểnh, từ Nam sang Đông, một anh đàn ông lực lưỡng, quần áo tả tơi, đầu đội nón rách, gánh đôi quang gánh hăng hái đi trước, trong mỗi chiếc thúng có một đứa bé con ngồi chễm chệ, lơ láo; còn chị đàn bà hai vai đeo khăn gói tay nải, lếch thếch đi sau. Đó là cả gia đình giang sơn của bác Phó cựu lang Thành Thị đưa nhau sang tỉnh Đông để tìm sinh kế.
Lúc ấy Trần Thị Lan lên năm tuổi.
Thời buổi đó chưa có nhà Đoan, dân được nấu rượu tự do. Vợ chồng bác Phó cựu có nghề nấu rượu rất khéo. Với nghề sở trường ấy, bác đem ra đổi lấy cơm áo ở chốn giang hồ.
Nhưng trời còn bắt phong trần phải phong trần, khiến gia đình bác Phó tới đâu cũng không thể lạc nghiệp an cư, cơm no áo ấm, mặc dầu rượu bác nấu ngon! Thành ra đển vùng này chi ở được ít lâu, lại phải dắt vợ gánh con kĩu kịt hai vai, tìm đi xứ khác. Bước lưu lạc bê tha nay đông mai bắc, có khi vào mãi trong Thanh, trong Nghệ, tha phương cầu thực luôn một hơi đến hai mươi hai năm trường, mà con ma nghèo đói vẫn theo riết bên mình không buông.
Hình như thuở nhỏ bác có được học nhiều ít; có người nói lúc bác 21 tuổi đã thi đỗ khóa sinh, rồi sau vì cha mẹ mất sớm, nhà nghèo, không được học thêm nữa. Bấy giờ phong trần lưu lạc, đến nỗi xúc cảm mạnh quá, bác mở cái túi cỏn con đựng được một mớ chữ nghĩa góp nhặt hồi trước, chấp chểnh nên thơ, gọi là tiêu sầu khiển hứng. Người ta nhận ra mỗi khi trong rá hết gạo, hay là lúc nỗi buồn chan chứa tâm can là mồi khi bác ngâm nga bốn câu thơ tự tác như vầy:
"Nước chảy hoa trôi sóng rập rềnh,
Ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh.
Lòng giời có biết thương hoa nữa,
Cứu vớt cho hoa lại bén cành.
Trần Thị Lan lần lần trưởng thành giữa cái cảnh huống cha khó, nhà nghèo, gia đình lưu lạc ấy.
Từ lúc 15 đến 18 tuổi, nàng trở nên người phụ tá lớn khôn trong nhà, vì người chị đã bị giặc Khánh bắt đem đi đâu mất tích. Trong khi cha mẹ đi bán rượu, nàng ở nhà phải xách nước, thổi cơm, hái rau, kiếm cùi, vớt bèo, nấu cám cho lợn ăn, suốt ngày vất vả.
Thật thế, giặc Cờ đen lúc ấy ngang tàng nhũng nhiễu xứ Bắc ta lắm. Ngoài sự bắt buộc dân làng cung đốn lương thực và phục dịch khổ sở, chúng thấy nhà nào có vợ đẹp, con xinh cứ tự do dâm hãm, bắt hiếp, hay là đem đi bán cho tụi buôn người mua về bên Tàu. Thì nhà bác Phó đã mất đứa con gái lớn vì giặc Khách. Còn Thị Lan, bác sợ để thò mặt ra cho lũ giặc kia trông thấy, đố khỏi chúng không bắt đi mất.
Thành ra bác phải giấu nàng rất kín ở trong một gian phòng, nằm trên cót thóc. Nào phải là tiểu thư đài các cấm cung, nhưng tình thế bắt buộc, Thị Lan phải làm thân tù giam lỏng trong nhà hơn một năm giời, về sau nàng giàu có tiếng tăm, chú khách Mạch Vãn Điền xem số tử vi, có câu quyết đoán:
- Hồi bà 18, 19 tuổi, nhà có sự gì lo sợ nguy hiểm mà thân bà phải bị giam hãm một nơi, thế là thân bà mới toàn, nhà bà có phúc lắm. Nếu không thì đã bị trầm hà lạc thúy từ năm ấy rồi, đâu còn đến ngày nay.
Thì ra vận số con người về sau được thoa phấn trắng, lĩnh sắc vàng, mấy chú Cờ đen không làm quái gì được.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK