Bởi vì những người ở Từ Lâm Quan đều là những người xuất sắc và nổi bật trong các kì thi đình những năm trước, nói về học thức hay danh vọng họ đều có cả. Đó là những người có điều kiện tốt nhất để chọn làm quan chủ khảo, còn bởi vì các phụ thần nội các nhất định phải xuất thân từ Hàn Lâm. Cho nên còn có một cách nói khác, nói đây là dịp các phụ thần chọn lựa nhân tài để kế tục mình, để lấy thanh thế cho chính bản thân mình nữa.
Trương Nguyên nói:
-Bây giờ chắc là vẫn chưa có quyết định, chắc phải đến cuối tháng hoặc đầu tháng sau mới có quyết định. Các vị Tổng tài chủ khảo phải xuất phát từ kinh sư đến những nơi mình được phân phó. Khi nào biết được vị quan Tổng tài của Chiết Giang là ai thì ta phải nghiên cứu một chút về văn bát cổ của vị đó, để làm văn sao cho hợp ý của Tổng tài.
Trương Nguyên sai Mục Chân Chân lấy một ngàn lượng bạc đưa cho Lai Phúc, lệnh cho Lai Phúc hai ngày này cùng với ông chủ Tiền ở Tây Trương và người thợ kính thủ công họ Tôn khởi hành đi Hải Châu mua đá pha lê.
Thương Đạm Nhiên thấy Trương Nguyên có nhiều bạc như vậy, rất là kinh ngạc. Nghĩ đến một chuyện, liền đến chỗ hòm hành lý lấy ra một tấm khế đất, đưa cho Trương Nguyên, nói:
-Trương lang, đây là Nhị huynh cho thiếp, là khế đất ở vùng núi Bạch Mã. Nhị huynh đem vườn trà, vườn trái cây ở núi Bạch Mã tặng cho thiếp làm vốn riêng.
Vườn trà và vườn trái cây của Thương Thị trên núi Bạch Mã mỗi năm thu được bốn đến năm trăm lượng bạc tiền lời. Thương Chu Phúc, Thương Chu Đức biết Đông Trương nghèo khó nên đem núi Bạch Mã cho tiểu muội làm vốn riêng là để cho Trương Nguyên không cần phải quan tâm đến những vấn đề nhỏ nhặt như củi gọa dầu muối hàng ngày chỉ chuyên tâm đọc sách, mà chi phí sinh hoạt hàng ngày của tiểu muội cũng không quá eo hẹp.
Trương Nguyên nhìn khế đất ở núi Bạch Mã, kinh sợ cười nói:
-Trương Nguyên ta đã cưới được một nương tử nghìn vàng quý giá hả?
Thương Đạm Nhiên cười ha ha nói:
-Ai ngờ Đông Trương cũng tiềm ẩn nhiều của cải quá nhỉ!
Trương Nguyên biết Đạm Nhiên có chút nghi ngờ khi thấy hắn có nhiều bạc như vậy. Vơj chống sống với nhau cả đời, có một số việc phải nói rõ với nàng ấy, sau này còn phải dựa vào Đạm Nhiên để quản lý gia đình nữa. Vì thế liền kể cho nàng chuyện mình lấy được vàng bạc và sách họa từ chiếc thuyền bị đắm của nhà Đổng thị.
Thương Đạm Nhiên ngạc nhiên, một lúc lâu sau mới hỏi:
-Trương lang, chàng và tỷ tỷ hợp tác mở hiệu buôn Thịnh Mỹ, lại mở thư cục, kính phường. Chàng muốn kiếm nhiều tiền như vậy để làm gì?
Trương Nguyên mỉm cười nói:
-Đạm Nhiên hỏi rất hay, ta muốn kiếm nhiều tiền như vậy làm cái gì. Ta cũng không có nhiều hứng thú với mỹ thực, cũng không có hứng thú với việc ăn chơi xa xỉ. Ta làm tất cả những việc này chỉ có một mục đích duy nhất, đó chính là vì “Tứ hải vô ngu, vạn lý hà thanh đích, xướng từ, hoàn hữu” đoạn cuối cùng của “Tây Sương kí”. Còn có…
Cầm tay Đạm Nhiên nói:
-Muốn làm cho ngày tháng sau này của chúng ta được sống yên ổn, muốn phu thê chúng ta được bạch đầu giai lão.
Mùng ba tháng năm, chiếc đồng hồ trong thư phòng “đinh dong” điểm chín giờ, Trương Nguyên cùng Thương Đạm Nhiên ra ngoài, đi theo có Mục Chân Chân, Vân Cẩm, Vũ Lăng và lão nô bộc Phù Thành. Hôm qua Trương Ngạc sai Phúc Nhi tới nói, ngày Đoan Ngọ tổ phụ muốn tổ chức hội Hoa sen ở Giới viên, ngày mùng ba trong vườn không có việc gì, có thể đến đây du ngoạn, đã nói với lão Tạ, ngày mùng ba đừng cho người ngoài vào vườn.
Thương Đạm Nhiên là người biết đạo lý, tuy việc dạo chơi công viên là do phu quân Trương Nguyên sắp xếp, nhưng nàngvẫn phải hỏi mẹ chồng Lã thị, mặc dù biết mẹ chồng nhất định sẽ đồng ý, nhưng phép tắc này là không thể thiếu.
Từ Đông Trương đến Giới viên chừng ba dặm, thời tiết giữa mùa hạ có phần nóng bức, Trương Nguyên muốn gọi kiệu có mái che cho Đạm Nhiên đi, nhưng Đạm Nhiên lại muốn đi bộ. Nàng đội một chiếc mũ vành, vành mũ bằng lụa trắng rủ xuống che khuất mặt. Lụa trắng rất mỏng nên vẫn nhìn thấy, nhưng từ ngoài nhìn vào mặt Đạm Nhiên giống như ngắm hoa trong sương mù, một vẻ đẹp mông lung. Trương Nguyên vẫn cho rằng mỹ nữ đeo mạng che mặt là nửa kín nửa hở, càng thêm hấp dẫn, nhất là Đạm Nhiên, chưa bó chân, đi đứng nhẹ nhàng mau lẹ, gió thổi nhẹ chiếc mạng che mặt như hoa sen đón gió.
Xuất ngoại du ngoạn trước và sau ngày Đoan ngọ là phong tục của Việt Trung. Trên phố cũng có những người cùng vợ đi, thấy Thương Đạm Nhiên đi giày lụa, bước đi nhanh nhẹn, đều sững sờ, chăm chú nhìn, Trương Nguyên giờ là người nổi tiếng, không ai không biết. Trương Nguyên lấy một cô vợ không bó chân sao?
Trương Nguyên không thèm để ý đến những ánh mắt sững sờ này, nói với Thương Đạm Nhiên:
- Thay đổi phong tục cũ, bắt đầu từ hôm nay.
Thương Đạm Nhiên vẫn còn có chút xấu hổ, thấp giọng nói:
- Thiếp sẽ bị người ta giễu cợt.
Trương Nguyên nói:
- Giễu cợt cái gì, bó chân gãy xương tổn thương gân, làm hại sinh lý, nên giễu cợt cái phong tục quái ác này đấy, lần sau Hàn Xã xã viên tụ tập ta nhất định sẽ đề xuất chuyện phản đối phụ nữ phải bó chân, muốn viết một quyển sách trường văn nói lên những tác hại của việc bó chân.
Lại hạ giọng nói:
- Yêu nhất lúc Đạm Nhiên bước đi đấy.
Thương Đạm Nhiên khẽ mỉm cười, đi bên cạnh Trương Nguyên, có một cảm giác tự hào.
Tới ao Bàng Công, gió lạnh chợt thổi tới, mang theo hơi nước, Trương Nguyên cười nói:
- Đạm Nhiên thử ngửi xem, trong gió có vị của trà tùng la đấy.
Chợt nghe một người đáp lại:
- Gió xuân như rượu. Gió hạ như trà.
Trương Nguyên quay đầu lại nhìn, thấy Đại huynh Trương Đại đang cầm ô, bước nhanh đến gần, theo sau là hai người hầu mang hộp đồ ăn, Trương Nguyên vội hỏi:
- Chị dâu Lưu Gia không tới sao?
Mặt Trương Đại có vẻ không hài lòng, xua tay nói:
- Đừng nói đến cô ấy nữa.
Chào Thương Đạm Nhiên:
- Chào em dâu.
- Chào Đại huynh.
Thương Đạm Nhiên nhẹ nhàng đáp lễ Trương Đại.
Trương Nguyên kéo Trương Đại qua một bên hỏi xem chuyện gì xảy ra? Trương Đại rất không vui, làu bàu nói:
- Cái người phụ nữ ngu ngốc kia nói là phụ nữ thì không nên xuất đầu lộ diện ra ngoài du ngoạn. Vì thế nên không chịu đến.
Trương Nguyên lắc lắc đầu. Cuộc hôn nhân này của Đại huynh như một ván bài thua thê thảm, cưới một người phụ nữ cổ hủ như vậy, du ngoạn lâm viên nhà mình một chút cũng không chịu. Cửa chính không ra cửa trong không vào, không có một chút hứng thú nào, khó trách Đại huynh lúc nào cũng buồn bực, lập tức trấn an Đại huynh vài câu. Tới cửa Giới viên, Lão Tạ đã chờ ở đó, Trương Đại, Trương Nguyên đều cho Lão Tạ ít tiền thưởng. Đang nói chuyện, một chiếc kiệu đi đến, đi theo bên cạnh chính là Năng Trụ, Phúc Nhi và hai tỳ nữ.
Trương Ngạc từ trong kiệu đi ra, sau đó đỡ một người phụ nữ dáng người cao gầy, cô gái này có làn da trắng nõn, khí chất lạnh lùng diễm lệ, đây chính là vợ của Trương Ngạc- Kỳ thị, xem ra người cũng thông minh, bằng không làm sao thuần hoá được con ngựa hoang như Trương Ngạc.
Thấy Trương Đại, Trương Nguyên đã tới trước, Trương Ngạc cười hì hì chắp tay:
- Đại huynh, Giới Tử, em dâu. Ngu huynh có lễ.
Kỳ Thị lại có chút do dự, nhị tẩu Thương Đạm Nhiên là tiểu cô cô của nàng, thân phận này có chút loạn.
Thương Đạm Nhiên lại duyên dáng tiến lên, gọi Trương Ngạc là "Tam huynh", xưng hô với Kỳ thị là "Tam tẩu", đã tới Trương gia, đương nhiên phải theo Trương gia rồi.
Trương Đại thấy em dâu họ Thương hiền lành tao nhã như vậy, so với cô vợ theo đạo giáo của mình, càng thêm buồn bực.
Đoàn người vòng qua Tiểu Mi Sơn, dốc Giác Thanh hương thơm ngào ngạt, hoa hồng khắp nơi, lá sen cao vút ở dưới hồ trải ra suốt hai bên cầu, che hết cả mặt nước, hoa sen cao thấp so le, thướt tha vô cùng, có bông hoa sen đã nở rộ, những cũng có những nụ hoa còn e ấp. Một cơ gió thổi đến mặt ao, lá sen khẽ nhảy múa, hoa sen hơi rung rinh, đẹp không sao tả xiết.
Trương Nguyên cười nói:
- Lúc trước ngửi cứ tưởng là hương trà tùng la trong gió, hóa ra là hương sen.
Bỗng nhiên trong lòng xao xuyến, nhớ tới đêm đó đưa Vương Vi đến Mai Hoa thiền ở lúc đi qua cây cầu này hắn đã nói hơn một tháng nữa hoa sen sẽ nở, không những sen trắng, sen hồng, sen xanh nở đầy trong hồ, mà hương sen còn thấm vào tận ruột gan. Bây giờ, Tu Vi ở mãi tít Tùng Giang xa xôi, ừ, chắc là tỷ tỷ đã về Thanh Phổ rồi, chắc Tu Vi cũng tới đó với tỷ tỷ rồi chứ?
Thương Đạm Nhiên và Kỳ thị- vợ của Trương Ngạc cầm tay nói chuyện, một mình Trương Nguyên vòng qua Mai Hoa thiền, thấy người đi rồi phòng cũng trống rỗng, không khỏi có chút phiền muộn, trong lòng vẫn rất nhớ người con gái ấy, chợt thấy một cành trúc nhỏ tựa dưới hành lang, cũng là cần câu mà Tiết Đồng đã làm còn bỏ quên ở nơi này.
Trương Nguyên cầm chiếc cần câu, từ cửa sau ra ngoài, sai Vũ Lăng đào hai con giun để làm mồi câu, ở trên Lư Hương đình thả câu, mồi câu vừa mới vào nước đã có cá mắc câu, đợi con cá nuốt mồi rồi kéo cần câu, kéo lên thì là một con cá lư dài nửa thước.
Thương Đạm Nhiên và Kỳ thị phe phẩy quạt, đang lên đình, thấy con cá lư mà Trương Nguyên vừa câu được đang giãy dụa ở giữa đình, đều vừa vui vừa sợ, đứng ở bên đình không dám tiến lên, Trương Ngạc bước đến, dẫm lên con cá một cái, vui vẻ nói:
- Cá lư hấp, ngon tuyệt.
Lập tức sai Phúc Nhi trở về gọi người đem bếp lò, lửa than đến, phải ăn ngay tại Giới viên.
Trương Đại nói:
- Ta đi sắp xếp, hôm nay huynh đệ chúng ta mừng tết Đoan Ngọ ở Giới viên này.
Vội vã đi luôn.
Thương Đạm Nhiên và Kỳ thị đều nghe phu quân của mình nói về hội cua mùng chín tháng chín năm ngoái ở đỉnh Hương Lô, vô cùng mong chờ.
Năng Trụ dùng dây cỏ xuyên qua con cá, rồi lại cho nó xuống ao dưới đình đề phòng cá chết, ăn không ngon.
Trương Ngạc lấy cần câu của Trương Nguyên, y muốn dạy Kỳ thị câu cá, Trương Nguyên liền dẫn Thương Đạm Nhiên đi du ngoạn ở Hà Sảng hiên, Vô Lậu am, vừa đi vừa nói:
- Đạm Nhiên, nàng nhìn xem tiểu Vũ hôm nay không làm bộ dạng buồn cười nữa, tìm mọi cách lấy lòng Vân Cẩm, tới đây không phải là vì hầu hạ thiếu gia này mà chỉ xun xoe với Vân Cẩm, Vân Cẩn lại rất xa cách với tiểu Vũ.
Thương Đạm Nhiên mím môi cười, quay đầu lại nhìn, Vũ Lăng và Vân Cẩm đều ở trên đình không đi theo bọn họ tới đây, nói một câu:
- Cuối cùng tiểu Vũ cũng bắt đầu lớn rồi.
Trương Nguyên nói:
- Tiểu Vũ mười bảy tuổi, Vân Cẩm năm nay mười lăm đúng không, không biết ý tứ của Vân Cẩm đối với Tiểu Vũ thế nào, hôm nào đó nàng giúp ta hỏi Vân Cẩm một chút.
Thương Đạm Nhiên "Ha ha" cười, nói:
- Trương lang muốn kết đôi uyên ương cho họ à.
Trương Nguyên nói:
- Trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng, nếu đôi bên đều vừa ý, năm sau có thể cho bọn chúng thành hôn.
Thương Đạm Nhiên "Ừ" một tiếng.
Phía sau Vô Lậu am có vườn tre, Tiết Đồng đã bẻ tre ở đây để làm cần câu. Đi qua phía sau am, nhìn thấy tất cả đều một màu xanh, sau vườn tre còn có một vườn rau xanh nữa, chắc là lão Tạ trồng, giàn đậu giàn mướp, rất có phong vị nhà nông, Trương Nguyên đi vào hái hai quả mướp đắng ra, Thương Đạm Nhiên khanh khách cười, nói:
- Trộm rau.
- Trộm rau.
Trương Nguyên cũng cười, giơ hai cái quả mướp đắng nói:
- Cây mướp đắng này là Tam Bảo thái giám mang về từ Nam Dương, Trung Hoa ta trước kia không có quả mướp đắng. Ngày mùa hè mà ăn quả mướp đắng có thể thanh nhiệt, rất mát.
Đi một vòng vườn, trở lại Hương Lô đình, thấy Trương Ngạc cũng câu được một con cá lư bốn mang, đang cười to với Kỳ thị. Trương Ngạc nói:
- Năm đó tổ phụ xây dựng Giới Viên, sai người tới Tùng Giang mua mấy trăm con cá lư bốn mang thả trong ao này, giờ đã sinh sôi đầy đàn rồi.
Một lát sau. Trương Đại đến, dẫn theo tỳ nữ Tố Chi đến, còn có hai tên người hầu mang bếp lò và than củi, và một đầu bếp nữ đi theo, mang rượu Ma Cô, giác kê, dầu ăn, thịt xông khói đến.
Trương Đại là một người sành ăn, mặc dù không tự tay cầm muôi nhưng ở một bên chỉ điểm đầu bếp nữ kia chế biến thế nào, cá lư phải hấp cùng chân giò Kim Hoa hun khói, măng, nấm hương và rau thơm, khi đã hơi tái thì bỏ thêm gừng, hành tây, hoàng tửu và gia vị.
Bữa cơm trưa thịnh soạn. Trên Hương Lô đình bày ba chiếc bàn, vợ chồng Trương Ngạc, Trương Nguyên đều ngồi cùng nhau khiến Trương Đại rất hâm mộ, đành phải mượn thức ăn ngon giải sầu.
Dùng xong cơm trưa, Trương Đại tự mình pha trà, Trương Đại độc chế một loại trà lan tuyết, lấy Nhật Đúc trà ở chân núi phía bắc của Long sơn. Dùng phương pháp sao khô của trà Tùng La, khi pha trà cho vào vài bông hoa nhài, màu trà như màu măng tre lại xanh như sắc hoàng hôn bao trùm lên ngọn núi, như ánh sáng xuyên qua tờ giấy. Nước trà rót xuống chiếc chén trắng muốt, hương như hoa lan, màu như tuyết.Bởi vậy nên gọi là trà Lan Tuyết, ngay cả Trương Nguyên không biết thưởng trà nhưng vừa uống nửa chén cũng cảm nhận được hương trà lưu trong miệng, khen:
- Trà nghệ của Đại huynh phải hơn cả Đào Diệp Độ Mẫn Vấn Thuỷ đấy.
Trương Đại rất vui vẻ, nhưng lại khiêm tốn:
- Không dám, Vấn lão chìm đắm trong trà kỹ mấy chục năm, ta đây hậu sinh tiểu tử làm sao có thể sánh bằng được.
Khoảng giờ Mùi, nghe thấy nhịp trống của thuyền rồng bên kia sông rộn rã hơn, chắc là sắp bắt đầu thi đấu thuyền rồng. Mùng ba đấu trận nhỏ, mùng năm đấu trận lớn. Trương Nguyên cùng mấy người kia đang định sang bên sông xem đua thuyền rồng thì một người hầu Tây Trương chạy tới, mướt mồ hôi, nói với Trương Ngạc:
- Tam thiếu gia, Lục Mai sắp sinh, phu nhân bảo thiếu gia nhanh về.
Trương Ngạc không biết làm sao, y còn chưa chuẩn bị tâm lí làm cha nữa.
Kỳ thị nói với Trương Ngạc:
- Phu quân, chúng ta nhanh đi về thôi.
Sau đó nói lời từ biệt Thương Đạm Nhiên, hẹn sau này sẽ lui tới nhiều hơn.
Thương Đạm Nhiên gọi Kỳ thị là "Tam tẩu tẩu", Kỳ thị gọi Thương Đạm Nhiên là "Thương tỷ tỷ", bởi vì Thương Đạm Nhiên lớn hơn Kỳ thị một tuổi.
Sau giờ Ngọ mặt trời lên cao, từ Giới viên tới bờ phủ Hà khoảng năm, sáu dặm đường, nhưng Thương Đạm Nhiên vẫn không chịu đi kiệu, muốn theo Trương Nguyên đi bộ, nói không mệt, Trương Nguyên cũng chiều theo ý nàng. Đoàn người tới ngoài Tây Quách Thuỷ môn, nghe được tiếng trống rộn rã, trên mặt sông bốn chiếc thuyền rồng dài năm trượng đang lướt nhanh trên mặt nước, tranh giành nhau, hai bên bờ sông và trên cầu Việt Vương dân chúng đến xem đua thuyền rồng liên tiếp hò hét cổ vũ.
Nhưng Trương Nguyên lại bận việc xã giao, bởi không ngừng có người đến hàn huyên chào hỏi với hắn, Thương Đạm Nhiên liền cùng Mục Chân Chân, Vân Cẩm lui sang một bên, đứng dưới bóng cây hoè trên bờ xem thi đấu thuyền rồng, lại không biết cách xa nửa dặm trên cầu Việt Vương, có người đang nhìn nàng và Trương Nguyên.
Đó là Vương Anh Tư, và tỷ tỷ Vương Tĩnh Thục. Hia tỷ muội họ đi một chiếc xe ngựa đến trên cầu xem thi đấu thuyền rồng, nhìn thấy Trương Nguyên và Thương Đạm Nhiên từ xa, Vương Tĩnh Thục nói:
- Anh Tư, nhìn thấy không, vợ chồng người ta rất ân ái, cầm tay nhau cùng du ngoạn.
Vương Anh Tư im lặng một lúc lâu sau, nói:
- Tỷ tỷ, về thôi, đi đọc sách viết văn.
Vương Tĩnh Thục nói:
- Trong sách có ngôi nhà vàng, trong sách có ngàn tấn hạt kê, trong sách có Nhan Như Ngọc... Anh Tư, trong sách muội đọc có những gì?
Vương Anh Tư nói:
- Tỷ tỷ hà tất phải thực dụng như vậy, đọc sách nhất định phải có những thứ đó ư, muội chỉ là thích đọc sách, đọc sách để hiểu lí lẽ, mở mang kiến thức, như vậy là đủ rồi.
Lại nói:
- Ngày mai bảo đại huynh kêu người hầu mang một ít sách muội sưu tầm được đưa cho Giới Tử sư huynh, những quyển sách đó rất có ích với kì thi hương, thi hội.
Vương Tĩnh Thục lắc đầu nói:
- Tỷ tỷ thật sự không hiểu được muội.
Xe ngựa quay đầu hướng về phía đông cầu Việt Vương mà đi, Vương Anh Tư từ cửa xe nhìn Trương Nguyên đang nói chuyện với các chư sinh, nói thầm:
- Rất đơn giản, chỉ là muội rất thích mà thôi.
...
Sau tết Đoan Ngọ một ngày, Vương Bính Lân tự mình đến Sơn Âm mang tới một hòm sách cho Trương Nguyên, nói:
- Giới Tử, những sách này đệ nhìn xem, ta đã đọc qua, rất hữu ích, chỉ là ta ngu dốt, lĩnh hội không sâu.
Trương Nguyên lật ra xem một chút, biết những quyển sách này là Anh Tư sư muội thu thập, có một vài quyển là Anh Tư tự tay viết, sửa sang lại, nói với Vương Bính Lân:
- Thay mặt đệ cảm ơn sư muội.
Vương Bính Lân vỗ vỗ cánh tay Trương Nguyên, cười nói:
- Mong đệ liên tiếp đỗ đạt.
Chuyển chủ đề nói:
- Đại Tông sư đã đến các phủ để chủ trì khoa thi, cuối tháng sẽ tới Thiệu Hưng trước, năm trước đệ được tiến cử không cần thi, còn ta vẫn phải thi.
Không phải tất cả tú tài đều có thể tham gia thi hương, cũng phải tiến hành chọn lựa. Cuối tháng năm trước khi thi hương năm tí, ngọ, mão, dậu, đề học quan phải triệu tập sinh đồ của các phủ để kiểm tra, bậc một, hai mới có tư cách tham gia thi hương vào tháng tám. Năm ngoái Trương Nguyên là án đầu của kì thi đó, không cần phải chờ khoa khảo mà đã đủ tư cách thi hương rồi. Nếu là lần này thi hương không đỗ, như vậy khoa kế tiếp Trương Nguyên muốn tham gia thi hương cũng phải thi khoa khảo trước.
Trương Nguyên nói:
- Sư huynh nhất định có thể được bậc một, đến lúc đó chúng ta cùng đi Hàng Châu.
Vương Bính Lân lắc đầu nói:
- Ta thật sự không có đủ lòng tin, không sợ Giới Tử giễu cợt. Nếu như Anh Tư là ta, đỗ bậc một kỳ thi kia không thành vấn đề, đệ xem muội ấy tổng kết cách làm bát cổ đi, ta mãi không theo kịp.
Đứng lên nói:
- Thôi được rồi, ta đi đây.
Trương Nguyên nói:
- Vương sư huynh dùng cơm trưa đã rồi hẵng về.
Vương Bính Lân khéo léo từ chối.
Tiễn Vương Bính Lân đi rồi, Trương Nguyên trở lại thư phòng bên sông Đầu Lao, bây giờ hắn đều tiếp khách, bạn bè ở bên này. Thương Đạm Nhiên đến lầu gỗ phía trước để Vân Cẩm đến trước xem có khách lạ hay không, hầu hạ ở lầu gỗ bên này là Mục Chân Chân.
Hòm sách Vương Bính Lân đưa tới lẳng lặng nằm yên ở trên bàn, chiếc hòm được làm từ trúc, không thấm nước, cứng cáp, đây là chiếc hòm mới được làm, vẫn còn mùi trúc thơm ngát.
Trương Nguyên cẩn thận xem sách bên trong, ngoài mấy quyển sách luận xuân thu như "xuân thu định chỉ", "độc tả phụ nghĩa" ra, còn có tuyển tập văn bát cổ của các bát cổ danh gia như Quy Hữu Quang, Thang Hiển Tổ, Đổng Kỳ Hưng , còn có ba quyển "Bảy tác phầm xuất sắc nhất trong kì thi Hương Chiết Giang", đây đều là Vương Anh Tư chọn lọc từ trong đống bát cổ thư mênh mông ra đấy, quyển sách cực kỳ có ích, ở góc dưới của hòm sách là hai cuốn bút ký và tổng kết làm cách làm bát cổ của Vương Anh Tư.
Trương Nguyên giở quyển sách "Phương pháp làm bát cổ" ra xem. Vương Anh Tư viết chữ rất đẹp: "Phương pháp làm bát cổ, có thể biết rõ cảnh tượng tuyệt vời ảo diệu của cổ văn, mà khi học quy củ của văn bát cổ, có thể dưỡng tâm tính, thấy rõ ý của đầu đề bài văn. Mở rộng cảm thụ, bày tỏ rõ ràng. Thì tự nhiên không hiện đại mà hiện đại, không cổ mà cổ, không bát cổ mà bát cổ, không tiền bối mà tiền bối. Nếu như có một trái tim ngưỡng mộ văn bát cổ, tức phi văn bát cổ; có một trái tim ngưỡng mộ tiền bối, tức phi tiền bối. Làm thi gia tất nhiên câu nào cũng phải có chừng mực; định phi chân đỗ, trì gia thì nét nào cũng là vua, định phi chân vương, hoặc là vì gông cùm mà không phát huy được tài.
Trương Nguyên vừa xem vừa gật đầu, Anh Tư sư muội tổng kết vô cùng tốt, cái này còn tiến thêm một bước so với bài giảng cách làm bát cổ văn đúc rút từ kinh nghiệm bản thân của thầy Vương Tư Nhâm.
Trương Nguyên cẩn thận đọc từng trang, đọc tới một chương Anh Tư luận chủ khảo quan, lấy ví dụ là bài thi của Từ Quang Khải được giải Nguyên ngày đó "Thuấn chi cư thâm sơn chi trung", Anh Tư phân tích quyển chế nghệ này tại sao lúc đầu lại bị phòng quan đánh rớt nhưng lại được Tổng tài Tiêu Pháp cho đỗ đầu? Nguyên nhân là ở trong bài văn của Từ Quang Khải có tích hợp tâm học của Vương Dương Minh rất khác biệt so với nho học chính thống, còn có tư tưởng của Trang Tử, Lão Tử.
Cuối năm Gia Tĩnh tới nay, tâm học của Dương Minh tuy rằng hưng thịnh, nhưng nho học vẫn là tư tưởng chủ đạo trong giới quan, cho nên phòng quan chấm bài thi kia đánh trượt bài thi của Từ Quang Khải cũng là chuyện rất bình thường, tư tưởng dị đoan mà. Trước đây Từ Quang Khải thi hương liên tục năm lần không trúng cũng rất bình thường, nhưng khi Từ Quang Khải thi hương lần thứ sáu, gặp Tổng tài Tiêu Pháp, Tiêu Pháp chính là người theo Dương Minh tâm học, chủ trương tam giáo hoà hợp thành đại nho, thấy quyển chế nghệ này của Từ Quang Khải trong đống các bài thi trượt, tán thưởng không ngừng, quyết định cho đỗ đầu, giống như giai thoại khoa cử, thực ra nguyên nhân là có tư tưởng sâu sắc trong lòng, trong cái ngẫu nhiên bao hàm yếu tố tất nhiên.
Trương Nguyên xem tới đây, không khỏi đạp bàn kêu to, có cảm giác vui vẻ bất ngờ, trong lòng cực kỳ hạnh phúc, càng có niềm tin vào bản thân hơn trong kì thi hương tháng tám.
- Trương lang, chuyện gì mà hả hê thế?
Thương Đạm Nhiên đi tới, cười khanh khách hỏi.
Trương Nguyên nói:
- Câu đố trong lòng đã tìm được lời giải, có thể không hả hê sao!
Thương Đạm Nhiên nhìn bản thảo trong tay Trương Nguyên, thư pháp kia rõ ràng là phong cách của con gái, nàng biết con trai của Vương Tư Nhâm vừa mới tới, hòm này và sách hẳn là do Vương công tử đưa tới, hỏi:
- Ai có thể giải thích nghi hoặc cho Trương lang?
Trương Nguyên chần chừ một chút, đáp:
- Vương Anh Tư tiểu thư.
Thương Đạm Nhiên "Ồ" một tiếng, nói:
- Cho thiếp xem một chút nào.
Lấy quyển sách "phương pháp làm bát cổ" xem chương "Luận Tổng tài", liên tưởng đến ngày hôm trước Trương Nguyên nói qua với nàng về nỗi hoang mang về chủ khảo quan, hoang mang về bài thi rớt của Từ Quang Khải cuối cùng lại là giải Nguyên, chính chương này của Vương Anh Tư đã giải đáp những hoang mang của Trương Nguyên, phân tích vô cùng tốt, đây hoàn toàn không phải là trong tối tăm có trời sắp đặt, mà là có tính tất yếu.
Thương Đạm Nhiên thở dài nói:
- Vương tiểu thư thật có tài, chỉ tiếc là thân nữ nhi.
Trương Nguyên cười cười, không nói gì.
Thương Đạm Nhiên cũng không muốn hỏi nhiều, chỉ nói:
- Trương lang có muốn thiếp đọc sách cho nghe không?
Trương Nguyên nói:
- Được, vậy đọc hết quyển cách làm bát cổ này đi.
Thương Đạm Nhiên ngồi xuống đối diện Trương Nguyên, cầm quyển sách đọc:
- Bát cổ danh gia bây giờ hoặc coi trọng quyền lực, hoặc chưa tài tình, hoặc hung biện vui vẻ, hoặc dẫn chứng theo trong sách, hoặc mô phỏng trong các tập sách.
Trương Nguyên ngồi đối diện nhắm mắt lắng nghe, Thương Đạm Nhiên bỗng nhiên nghĩ: " Trong lòng Trương lang có đang tưởng tượng là Vương Anh Tư đang đọc sách cho mình không?
Ý nghĩ này thật đáng ghét, Thương Đạm Nhiên khẩn trương sắp xếp lại tinh thần, chuyên tâm đọc sách.
...
Hai mươi ba tháng năm, Chiết Giang Đề Học Vương Biên tới Thiệu Hưng phủ học, chủ trì khoa thi Ất Mão của hơn bốn nghìn sinh đồ thuộc tám huyện của Thiệu Hưng phủ, có 800 sinh đồ sẽ được xếp bậc một, bậc hai, 800 sinh đồ này sẽ có tư cách để thi hương tháng tám này.
Vương Đề Học trước khi rời Sơn Âm, đã phá lệ triệu kiến Trương Nguyên, khích lệ hắn cố gắng trong kì thi hương tháng tám này. Vương Đề Học là phó khảo quan, tất nhiên hy vọng hãnh diện vì môn sinh Trương Nguyên đỗ cao.
Còn quan về chủ khảo, Vương Đề Học nói với Trương Nguyên:
- Nghe đồn Thám Hoa khoa Canh Tuất Tiền Thụ Chi sẽ làm chủ khảo khoa thi hương Chiết Giang, không biết có phải không, tuy nhiên ngươi có thể nghiền ngẫm chế nghệ của Tiền Thụ Chi trước, y là bát cổ danh gia, cho dù có là chủ trì khoa thi hương Chiết Giang hay không, học tập chế nghệ của người khác luôn rất hữu ích.
Tiền Thụ Chi chính là Tiền Khiêm Ích.
Rạng sáng mùng bốn tháng năm, Lục Mai sinh hạ một đứa bé, tiếng khóc to lớn. Mẫu thân Vương thị của Trương Ngạc chỉ có một đứa con trai là Trương Ngạc, hiện tại có cháu rồi, tuy là thứ, nhưng cũng rất mừng rỡ. Lập tức bảo Trương Ngạc viết thư báo tin vui cho phụ thân Trương Bảo Sinh đang ở kinh, lại cùng bàn bạc với Kỳ thị vợ Trương Ngạc, lập Lục Mai làm tiểu thiếp, xem như có một danh phận.
Hai mươi hai tháng sáu, phụ thân Trương Bảo Sinh của Trương Ngạc từ Cấp Đệ Phô trong kinh báo về nhà, mang đến một tin tức xác thực: năm nay thi hương Chiết Giang chủ khảo quan quả thực chính là Thám Hoa Tiền Khiêm Ích khoa Canh Tuất năm năm trước.
Từ lúc Vương Đề Học nhắc nhở Trương Nguyên rằng, Tiền Khiêm Ích rất có khả năng chủ trì khoa thi hương Chiết Giang năm Ất Mão, hắn đã bắt đầu chuẩn bị. Không chỉ đọc bát cổ tập của Tiền Khiêm Ích mà Anh Tư sư muội tìm giúp hắn, còn mời Tông Dực Thiện đi Thường Thục giúp hắn thu thập thi văn của Tiền Khiêm Ích. Hắn phải hiểu biết một cách toàn diện học thuật, tư tưởng và phong cách thi văn của Tiền Khiêm Ích. Ngay hôm sau khi Trương Ngạc nhận được thư gửi từ kinh về, Tông Dực Thiện cũng từ Thường Thục trở về, mang đến một chồng bản thảo thi văn của Tiền Khiêm Ích, có bản khắc, có bản viết tay, tổng cộng không dưới hai trăm ngàn chữ, có cả "Lưu Hầu Luận" mà Tiền Khiêm Ích làm lúc mười lăm tuổi.
Hạ tuần tháng bảy sẽ khởi hành đi Hàng Châu, chỉ có thời gian một tháng chuyên tâm học tập. Giờ Trương Nguyên đã nổi tiếng, mỗi ngày khách tới thăm không ngừng, có người tới thỉnh giáo bí quyết viết văn, có người gửi tặng điền sản, có người xin làm người hầu, còn có mời Trương Nguyên ra mặt biện hộ cho... khiến việc học tập của Trương Nguyên bị quấy nhiễu.
Năm nay mùa hè ở Thiệu Hưng cực kì nóng bức, đọc sách viết văn, mồ hôi ướt đẫm lung. Mục Chân Chân quạt quạt cho hắn, vừa lau mồ hôi cho mình, thời tiết nóng đến mức đáng sợ, cho nên khi Đại huynh Trương Đại đến rủ hắn tới Thiên Ngoã am trên núi Ngọc Tứ đọc sách cho đỡ nóng, Trương Nguyên lập tức vui vẻ đi cùng ngay.
Sáng sớm ngày hai mươi bốn tháng sáu, Trương Nguyên tạm biệt cha mẹ và người vợ xinh đẹp, cưỡi con la trắng Tuyết Tinh, dẫn theo Lai Vượng và Vũ Lăng, cùng với Đại huynh Trương Đại còn có Chu Mặc Nông, Kỳ Bưu Giai, hơn mười người ra Kê Sơn môn, qua lăng Đại Vũ, lên tới Thiên Ngoã am ở lưng chừng núi Ngọc Tứ. Thiên Ngoã am không phải là ni am, chỉ là một tòa miếu nhỏ thờ Quan Thế Âm Bồ tát, trưởng lão trong am là Sơn Âm Trương thị bổn gia, ngay cả bảy tăng nhân trong am đều do Tây Trương cung cấp áo cơm, chẳng khác gì là từ đường của Sơn Âm Trương thị.
Hướng lên trên Thiên Ngoã am chính là đường núi quanh co thông lên đỉnh núi Hương Lô, bên trái là Lâm Thâm cốc, trước và sau am toàn là hoè và trúc. Hơn nữa lại ở chân núi phía tây nam của Ngọc Tứ, trời nắng thì phải sau giờ Tỵ ánh nắng mới chiếu tới, nhưng sau giờ ngọ đầu giờ Thân, lại được đỉnh Hương Lô che khuất, cho nên Thiên Ngoã am cực kỳ mát mẻ. Trương Nguyên Biện, Trương Nhữ Lâm đều từng ở đây tránh nóng đọc sách.
Trương Nguyên ngồi xuống dưới một bóng cây xanh, cảm giác cái nóng đã biến mất, khen:
- Quả nhiên là nơi thích hợp để đến đọc sách vào giữa mùa hè.
Năng Trụ vác hành lý, Lai Vượng và mấy tên người hầu khác mồ hôi ướt đẫm, nghỉ ngơi trước sơn môn, lau mồ hôi, hô to:
- Mát mẻ quá.
Trương Đại cười nói:
- Yến Khách cũng muốn đến, bị tổ phụ mắng, nói hắn là con sâu làm rầu nồi canh, sẽ làm chậm trễ việc chúng ta ôn tập, không cho hắn đến.
Chu Mặc Nông, Kỳ Bưu Giai cười rộ lên.
Trương Ngạc là nạp kê giám sinh, không có tư cách tham gia thi hương. Sau khi tốt nghiệp Quốc Tử Giám làm một tiểu quan, Trương Ngạc hiển nhiên không kiên nhẫn làm chức quan nhỏ bé đó. Theo quy định năm nay y vẫn còn phải tiếp tục tới Quốc Tử Giám học, nhưng Trương Đại, Trương Nguyên không đi, một mình y cũng không muốn đi.
Trưởng lão của Thiên Ngoạ am Hoàn Sơn một ngày trước đã sai tăng nhân quét dọn sạch sẽ năm gian phòng khách, để đợi Trương Đại và mấy người đến. Lúc này liền sắp xếp cho mọi người ở lại và nói rượu thịt không cấm, chỉ cần không ăn uống ở trên đại điện trước mặt Bồ Tát là được, Trương Đại nói:
- Chúng ta cũng ăn chay như Hoàn Sơn đại sư, làm sạch cơ thể, ăn thịt mãi rồi.
Hoàn Sơn trưởng lão cười nói:
- Cùng được, cũng được, thức ăn chay ở tiểu am cũng ngon đấy.
Cứ thế, Trương Nguyên ở lại Thiên Ngoã am. Mỗi buổi sáng, buổi chiều đều đọc sách, viết văn, ban đêm thì bàn bạc về các bài văn đã làm trong ngày, giao lưu tâm đắc. Bố cục viết văn ba phần hoàn toàn giống như thi hương. Ba ngày một vòng, ngày đầu tiên làm chế nghĩa bảy câu, trong đó bốn câu đề tứ thư, ba câu đề kinh nghĩa, mỗi câu tứ thư hai trăm chữ trở lên, kinh nghĩa ba trăm chữ trở lên, bảy đề tổng cộng không ít hơn hai ngàn chữ.
Quy định như thế, nhưng thường không chỉ viết hai ngàn chữ, mà ba nghìn, năm nghìn đều có, nhất định phải trong thời gian một ngày phải hoàn thành. Thi hương ở đời Minh và ở đời Thanh không giống nhau, một lần thi chỉ vẹn trong một ngày, ở đời Thanh thì thi ba ngày.