Trương Đại ngạc nhiên hỏi:
- Nữ lang nhà ai mà nửa đêm lên thuyền?
Thuyền gia thấp giọng nói:
- Có thể là kỹ nữ, ba vị tướng công không nên đón.
Trương Ngạc nghe thấy liền nói:
- Ngại gì, cứ việc đón, giúp người làm niềm vui.
Trương Nguyên nói với thuyền gia:
- Nơi này cách cầu Tây Linh khoảng hai, ba dặm đường thủy, đón cô ta đi, sẽ trả tiền thêm cho ông.
Thuyền gia đặt tấm ván lên bờ, đồng tử nọ bước lên thuyền trước, nhìn vào khoang thuyền thì thấy ba thư sinh thiếu niên mặc áo dài, đầu đội mũ vuông, đều là người có công danh. Y liền gật đầu với nữ lang trên bờ, cô gái khẽ vén tà váy, tay còn lại chống một cây gậy trúc, từ từ bước lên thuyền.
Trương Ngạc lúc này cũng ngồi thẳng dậy, không kêu la nữa, cùng Trương Đại và Trương Nguyên nhìn về phía cô gái. Ánh trăng mờ ảo, ngọn đèn dầu lay lắt, khó mà nhìn rõ dung mạo của cô gái này, nhưng chỉ bằng cảm giác cũng có thể nhận ra ngũ quan khá tinh tế. Đặc biệt là đôi mắt, khi nhìn quanh, con ngươi lưu chuyển tựa như làn thu thủy, tuổi cùng lắm khoảng mười sáu, mười bảy. Tóc cài trâm trúc, búi lại như đạo sĩ, song lại không giống nữ đạo sĩ. Cô mặc áo vải bó eo, giản dị thanh nhã, càng không giống kỹ nữ Tây Hồ lẳng lơ diêm dúa. Khi lên thuyền, cô gái thi lễ với ba người họ, nói:
- Đa tạ ba vị tướng công.
Nói rồi cô không vào khoang thuyền, chỉ ôm đầu gối ngồi xuống ở đầu thuyền, cô nói với thuyền gia:
- Phiền ông chèo tới cầu Tây Linh.
Thuyền gia đẩy mái chèo, lãng thuyền men theo đê Bạch hướng về phía Cô Sơn.
Trương Ngạc thấy cô gái mặc áo vải cầm gậy trúc, khí chất khác xa với kỹ nữ Vũ Lăng Xuân, vì không rõ nên chẳng dám lỗ mãng cợt nhả, y chắp tay nói:
- Tiểu sinh Sơn Âm Trương Ngạc, tự Yến Khách.
Cô gái nghiêng mặt nhìn qua, mỉm cười tú lệ, nói:
- Phải nói là ngưỡng mộ đã lâu.
Trương Đại, Trương Nguyên đều bật cười.
Trương Ngạc là tên ăn chơi đứng đầu rất nổi tiếng ở Sơn Âm, nhưng đến Hàng Châu thì không ai biết y, không khỏi có chút nhàm chán. Có điều hứng thú của Trương Ngạc là bần trong nước, nhấn thế nào cũng không chìm được, y lập tức nói:
- Không cần ngưỡng mộ, ngại gì mới gặp như đã quen lâu.
Cô gái nọ mỉm cười không đáp, nhìn nước hồ ở đầu thuyền, huơ gậy trúc rẽ nước bên mạn thuyền hệt như thuyền gia đưa mái chèo, khuấy vỡ ánh trăng.
Trương Ngạc hết cách, y vò đầu bứt tóc, vụng về tìm chữ nghĩa cất lời:
- Vị này là đại huynh của ta – Trương Đại Trương Tông Tử, thần đồng Sơn Âm, mười hai tuổi đậu tú tài.
Trương Đại khinh khỉnh nói:
- Sao vẫn còn là thần đồng?
Trương Nguyên bổ sung:
- Thần đồng đã trưởng thành.
Ba huynh đệ người xướng kẻ họa, cô gái cười một tiếng liền sửa lại y phục, lấy vạt áo che khuất đôi gót sen. Cô vẫn không nói gì, còn đồng tử chừng mười mấy tuổi kia thì đứng bên cạnh cô gái.
Không tin trong ba huynh đệ không ai có thể khiến cô để mắt đến, Trương Ngạc nói:
- Giới Tử, tới lượt đệ rồi.
Y nói với cô gái:
- Vị này là tộc đệ của ta – Trương Nguyên Trương Giới Tử, Tiểu Tam nguyên phủ Thiệu Hưng.
Cô gái “a” một tiếng, liền quay đầu nhìn sang, đôi mắt trong sáng lướt qua khuôn mặt hắn. Vẫn nghiêng nửa mặt, cô nói:
- Lần này quả thực là ngưỡng mộ đã lâu.
Trương Ngạc hoan hỉ:
- Ha ha, quả là Giới Tử nổi tiếng, có thể được cô ấy ngưỡng mộ.
Song cô gái kia lại nhẹ giọng nói:
- Đánh bại Đổng Tổ Thường nên danh tiếng nổi trội.
Lời nói dường như có ý châm chọc.
Trương Ngạc lại không nhạy cảm đến vậy, chẳng để ý đến ngữ điệu mỉa mai của cô gái. Y dương dương tự đắc, thao thao bất tuyệt Trương Nguyên hai lần đánh Đổng Tổ Thường ra sao, y còn nói:
- Cứ chờ đó, đệ ấy sẽ đánh Đổng Tổ Thường lần thứ ba, giống Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt tinh, hay như Tống Công Minh ba lần đánh Chúc gia trang vậy.
Trương Ngạc trước giờ nói hươu nói vượn không biết chừng mực, hôm nay lại uống nhiều rượu, trông thấy cô gái yêu kiều động lòng người nên càng nổi hứng nhiều lời hơn, còn muốn nói ra chuyện Trương Nguyên đối phó với Đổng thị. Trương Nguyên nói tránh đi:
- Nói những lời phá hoại thú ngắm cảnh làm gì.
Hắn nói với cô gái:
- Nữ lang hiệp như Trương Nhất Muội, chẳng hay có thể cùng Cầu Nhiêm Khách uống rượu?
Cô gái liếc nhìn Trương Nguyên, vỗ gậy trúc lên mặt nước, nói:
- Như kim nam tử tri đa thiếu, tận đạo quan cao tức thị tiên (nam tử hiện giờ biết được bao nhiêu, luôn nói quan lớn tức là tiên) – sao có thể gọi là Cầu Nhiêm Khách cho được!
Trương Nguyên, Trương Đại nhướn lông mày, hai huynh đệ nhìn nhau, cảm thấy cô gái này không hề tầm thường. Vừa nãy chính là hai câu thơ của Lý Chí, dùng trong lúc này rất có ngạo khí.
Trương Nguyên vốn muốn nói: “Phải có tuệ nhãn mới biết anh hùng”, nhưng ngẫm lại thì không cần phải nói ra.
Trương Ngạc không biết đó là thơ của Lý Chí, lại cảm thấy lời cô gái nói rất tri kỷ, y khen:
- Nói rất hay, giống như đại huynh và Giới Tử đệ của ta, suốt ngày đọc thứ văn bát cổ thối tha, một lòng nghĩ đến thi đậu khoa cử. Ta coi họ không được, Trương Yến Khách ta xem công danh như cặn bã.
Nói rồi, y nhìn cô gái với đôi mắt sáng rỡ.
Cô gái chỉ nhìn dòng nước ở mạn thuyền, cất tiếng hỏi:
- Vậy mũ vuông của ngươi từ đâu mà có?
Trương Ngạc vì say nên quên mất mình đã chạy tiền làm giám sinh. Y sờ đầu mình, hả, có mũ vuông, rồi nói ra không hề giấu diếm:
- Ta thích du ngoạn, bỏ ra ngân lượng nạp giám (bỏ tiền ra làm giám sinh), đỡ bị gò bó.
Cô gái nói:
- À, ra vậy.
Mãi nói chuyện, lãng thuyền đã vượt qua Cô Sơn đến bên cầu Tây Linh. Cô gái đứng dậy, thi lễ với ba người Trương thị, nói:
- Đa tạ.
Đợi thuyền gia đặt tấm ván, cô liền chống gậy cùng đồng tử lên bờ.
Cô gái này đột ngột xuất hiện, lại nhẹ nhàng đi mất. Trương Ngạc có ý muốn chọc người đẹp, y nói:
- Ta theo sau, xem thử cô gái này rốt cuộc là thần thánh phương nào.
Nói rồi y lên ván, dẫn theo Năng Trụ cùng Phúc Nhi đuổi theo cô gái.
Trương Nguyên và Trương Đại ngồi ở đầu thuyền, nhìn Trương Ngạc lảo đảo bước chân tựa vào vai Phúc Nhi muốn đuổi theo cô gái, hai người lắc đầu cười, Trương Đại nói:
- Cô gái này thuận miệng liền ngâm thơ của Lý Trác Ngô, có thể thấy cô ta uyên bác, dung mạo cũng cực đẹp, quả là hiếm thấy.
Trương Nguyên tiếp lời:
- Còn rất ngạo khí nữa, có ý châm chọc chuyện đệ đánh Đổng Tổ Thường, không biết vì sao?
Trương Đại nói:
- Đổng Kỳ Xương rất nổi tiếng, tuy nhiều người vỗ tay khen đệ đánh Đổng Tổ Thường, nhưng họ cũng lấy làm bất mãn. Có lẽ cô gái này quen biết Đổng Kỳ Xương, nói không chừng là thân quyến của Đổng thị.
Trương Nguyên cười, thầm nghĩ: “Cô gái này lai lịch kỳ lạ, nếu không phải mình ở cuối đời Minh mà ở trong thế giới võ hiệp, mình chắc chắn sẽ đoán cô gái đó là Cái Bang, chẳng phải trong tay của Hoàng Dung có gậy trúc xanh đó sao?”
Trương Đại nói:
- Giới Tử đệ cười gì vậy? Đệ biết lai lịch cô gái đó sao?
Trương Nguyên nói:
- Hơi đâu mà đoán, tam huynh trở về thì biết được rồi.
Chừng một khắc trôi qua thì Trương Ngạc trở về, Năng Trụ đỡ phải Phúc Nhi đỡ trái, Trương Ngạc ú a ú ớ lên thuyền, lại sẩy chân té rách đầu gối. Hai người hỏi y có đuổi theo được cô gái đó hay không.
Trương Ngạc nói:
- Thấy cô gái và tiểu đồng kia ngang qua mộ phần Nhạc Vương, ta bất cẩn vấp té, khi đứng dậy đuổi theo thì không thấy chút tăm hơi, đằng sau mộ phần Nhạc Vương cũng không thấy ai.
Trương Đại kinh hãi nói:
- Là người? Là thần? Là quỷ hay là hồ ly?
Thuyền gia ở một bên kinh ngạc nói:
- Lẽ nào là Ngân Bình tiểu thư hiển linh!
Trương Ngạc hỏi gấp:
- Cái gì?
Thuyền gia nói:
- Nhạc Vương gia gia bị hại, Ngân Bình tiểu thư cũng nhảy giếng tự vẫn, mộ phần ở gần mộ Nhạc Vương. Nghe đâu mỗi đêm trăng sáng, Ngân Bình tiểu thư lại du ngoạn quanh hồ, nếu là hạng người gian tà thì sẽ phát bệnh khi gặp nàng ấy. Vừa nãy ba vị tướng công có để ý cô gái ấy mang theo chiếc bình bạc hay không?
Trương Ngạc say rượu nên hồ đồ, vỗ trán nói:
- Hình như có ngân quang óng ánh.
Trương Nguyên cười nói:
- Nhảm nhí, đệ thấy rất rõ, khi lên thuyền cô ấy một tay cầm gậy một tay nhấc vạt áo, làm gì có bình bạc!
Thuyền gia nói:
- Vậy đồng tử có cầm bình bạc không?
Trương Ngạc kêu lên:
- Hình như là có.
Trương Đại nói:
- Không có, đồng tử không cầm gì hết.
Trương Nguyên lười tranh cãi. Chắc chắn cô gái đó không phải là Ngân Bình tiểu thư gì đó hiển linh, nhưng chung quy hắn không thể đoán ra thân thế cô gái. Hắn vốn nghĩ nàng là kỹ nữ, nhưng lại không giống, nữ nhân đàng hoàng sao có thể dẫn theo đồng tử xuất hành cứu độ trong đêm tối?
Trương Ngạc nói:
- Huynh đệ chúng ta chẳng phải gian tà, gặp Ngân Bình tiểu thư cũng không sợ. Ui da, té rách đầu gối rồi.
Trương Đại chợt nói:
- Cô gái xuất hiện tại Đoạn Kiều có khi nào là Bạch nương tử?
Trương Ngạc quên cả đau, reo lên:
- Quả nhiên là Bạch nương tử đến tìm Hứa Tiên chuyển thế, không biết ta có phải là Hứa Tiên chuyển thế hay không?
Trương Nguyên cười nói:
- Tam huynh không phải Hứa Tiên chuyển thế, mà là Hứa Chử chuyển thế, mọi người xem.
Hắn chỉ về phía tháp Lôi Phong ở bờ nam:
- Tháp Lôi Phong không đổ, sao Bạch nương tử có thể xuất hiện.
Trương Ngạc nói hàm hồ:
- Vậy cũng khó nói, không chừng là chui lên từ dưới đáy hồ, hôm nay quả là diễm ngộ, tuyệt diệu, tuyệt diệu.
Lãng thuyền quay về Đoạn Kiều. Sau khi trả thuyền gia hai lượng bạc, tám người Trương Nguyên lên bờ. Trở về cửa kênh đào cách đó bốn, năm dặm thì đã qua tiếng chiêng thứ hai, dọc đường Trương Đại, Trương Ngạc vẫn đoán cô gái ấy là thần, là quỷ hay là hồ ly?
Sáng hôm sau, ba huynh đệ Trương thị vào thành Hàng Châu tìm Liễu Kính Đình. Họ đi qua ngõ Bố Thị, vượt qua Triều Thiên môn thì thấy cầu Vọng Tiên. Cạnh cầu có tòa trà lầu gọi là Vọng Tiên lầu, Liễu Kính Đình nhiều năm ở trà lầu này thuyết thư, mỗi ngày thuyết thư một hồi, bạc thu tám tiền. Bởi vì có Liễu Kính Đình nên Vọng Tiên lầu hàng ngày không còn chỗ ngồi, vượt xa cái giá tám bạc.
Huynh đệ Trương thị đến Vọng Tiên lầu, họ lên lầu hai tìm chỗ ngồi xuống. Người hầu trà hỏi họ muốn dùng loại trà gì, là Tây Hồ Long Tỉnh hay là trà Tùng La? Trương Đại nói:
- Có trà thì cứ mang lên.
Người hầu vội đi nấu trà mang đến, ba người Trương Nguyên chậm rãi thưởng trà đợi Liễu Kính Đình đến. Cuối giờ Thìn (7h – 9h sáng) thì Liễu Kính Đình đến, y phục điềm tĩnh, ánh mắt lanh lợi, Trương Ngạc cau mày nói:
- Người này quả nhiên xấu xí, mặt rỗ không nói, đằng này còn đầy sẹo.
Trương Đại nói:
- Đừng trông mặt bắt hình dong, dù người này xấu nhưng không tầm thường.
Trương Nguyên thầm nhủ: “Xem bộ dạng Liễu Kính Đình này chưa đến ba mươi tuổi, diện mạo đã bị hủy hoại, hẳn là ở cố hương phạm phải mệnh án nên mới hủy dung mạo và đổi tên.
Tiếng thanh gỗ chỉ ngữ vừa vang, trà lầu liền chìm trong yên lặng, Liễu Kính Đình bắt đầu kể “đồi Cảnh Dương Võ Tòng đả hổ”. Trương Nguyên nghe một hồi thì rất kinh ngạc, Võ Tòng đả hổ mà Liễu Kính Đình kể khác xa so với “Thủy Hử” của Thi Nại Am. Đoạn mà Thi Nại Am viết là từ lúc “ba chén không qua đồi” cho đến lúc Võ Tòng đả hổ không quá bốn ngàn chữ, nhưng tình tiết tửu điếm “ba chén không qua đồi” mà Liễu Kính Đình kể lại có gần ba ngàn chữ. Miêu tả khắc họa, từ từ nhập đề, giản lược súc tích, không hề dài dòng, kể đến khi Võ Tòng đến tửu điếm thì thấy không có ai, Võ Tòng chợt rống một tiếng, toàn bộ bình rỗng gạch trống đều ong gong vang vọng.
Trương Đại tán thưởng:
- Hay, trong nhạt có sắc, Thi Nại Am cũng không tinh vi đến mức này.
Trương Đại khi nói giọng hơi nặng, Liễu Kính Đình nghe được thì nhìn sang, tạm ngừng thuyết thư. Liễu Kính Đình này rất có cá tính, nếu thấy khách châu đầu ghé tai hay ngáp thì y liền im lặng, đợi mọi người bình tức tĩnh tọa, nghiêng tai lắng nghe thì y mới nói tiếp.
Trương Đại hướng về phía Liễu Kính Đình thở dài, tỏ ý xin lỗi. Liễu Kính Đình mỉm cười, lại tiếp tục kể Võ Tòng đả hổ, thanh âm khi nhẹ khi nặng. Khi nặng thì quát tháo, ào ạt vang dội; khi nhẹ thì trầm bổng, tỉ mỉ chân thành, vừa đủ để khách trong trà lầu có thể nghe được. Cái chất nhanh chậm nặng nhẹ này được vận dụng rất xảo diệu, đám người Trương Nguyên, Trương Ngạc nghe đến nhập thần.
Liễu Kính Đình kể đến khi Võ Tòng làm gãy côn cùng hổ xông vào, động tác được miêu tả tinh tế hệt như tận mắt trông thấy. Trong nửa canh giờ kể chuyện “đồi Cảnh Dương Võ Tòng đả hổ”, không một ai trong trà lầu rời chỗ, người nào người nấy nghe đến ngây ngốc như say rượu.
Trương Nguyên thấy Liễu Kính Đình xuống lầu, ba người họ liền đuổi theo, chắp tay nói:
- Liễu tiên sinh, tại hạ Sơn Âm Trương Nguyên Trương Giới Tử.
Trương Đại, Trương Ngạc cũng tự báo danh, Liễu Kính Đình thản nhiên nói:
- Ba vị Trương công tử tìm Liễu mỗ có gì chỉ giáo?
Trương Nguyên nói:
- Thỉnh Liễu tiên sinh đến Gian Bích tửu lầu uống vài chén, sau đó nói chuyện có được không?
Liễu Kính Đình trông thấy ba người trẻ tuổi lại đỗ đạt công danh, hơn nữa còn nho nhã hữu lễ. Y không dám chậm trễ, nói tiếng làm phiền rồi, liền theo ba người họ đến tửu lầu bên cạnh Vọng Tiên lầu. Bốn người ngồi cùng nhau, trên bàn bày một bình rượu Tam Bạch Tô Châu cùng sáu món thanh đạm. Trương Nguyên mở đầu nói:
- Liễu tiên sinh, chúng ta không phải là lần đầu tiếp xúc, năm ngoái từng có người thỉnh Liễu tiên sinh nói chuyện Diêu Phục, Liễu tiên sinh còn nhớ hay không?
Liễu Kính Đình vỗ trán, nhìn Trương Nguyên nói:
- Thì ra Trương công tử là người đánh Đổng Tổ Thường, đánh hay lắm. Năm ngoái Liễu mỗ cũng từng nghe qua chuyện Trương công tử đấu văn bát cổ cùng Diêu Phục, có thể nói Trương công tử là vì dân trừ hại, bội phục, bội phục.
Trương Ngạc vui vẻ nói:
- Liễu tiên sinh cũng nói đánh Đổng Tổ Thường rất hay, tuyệt diệu. Hôm nay, ba huynh đệ chúng ta tìm đến Liễu tiên sinh là vì có chuyện liên quan.
Y quay sang nói với Trương Nguyên:
- Giới Tử, đệ nói đi.
Trương Nguyên đưa bài “Đổng hoạn ác hành lục” cho Liễu Kính Đình xem. Chẳng biết vì sao Liễu Kính Đình khi xem thì trên trán nổi đầy gân xanh, sẹo trên mặt đổi màu tím đỏ, trông cực kỳ dữ tợn. Qua một hồi y lấy lại bình tĩnh, ngẩng đầu nói:
- Liễu mỗ hiểu ý của Trương công tử, công tử muốn Liễu mỗ biên chuyện này thành thuyết thư tuyên truyền chuyện ác của Đổng thị phải không?
Trương Nguyên nói:
- Làm phiền Liễu tiên sinh đến Tùng Giang thuyết thư, thù lao do Liễu tiên sinh định đoạt.
Kể chuyện ác của Đổng Kỳ Xương ở Tùng Giang rất mạo hiểm, cho nên nhất định phải chú trọng. Liễu Kính Đình trầm ngâm một lúc, y hỏi:
- Những điều Trương công tử viết có phải đều là sự thật?
Trương Nguyên nói:
- Lục Dưỡng Phương trong đây chính là đệ đệ của tỷ phu ta, trong thảo đường có vài chư sinh đến từ Tùng Giang, Liễu tiên sinh có thể hỏi họ. Chiều nay ta sẽ mời họ đến, hoặc là Liễu tiên sinh có thể hỏi người trong phủ Tùng Giang, chuyện này dò hỏi không khó.
Liễu Kính Đình cảm khái nói:
- Liễu mỗ nguyện ý cống hiến sức lực, Liễu mỗ hận nhất đám người hành ác dọa nam nạt nữ.
Liễu Kính Đình sảng khoái đáp ứng khiến ba người Trương thị mừng rỡ, hẹn giờ Thìn ngày mai gặp nhau ở cửa kênh đào cùng đến Thanh Phổ.
Trong số tám học trò người Tùng Giang đang theo học ở Cư Nhiên học đường Hàng Châu thì có bốn người tình nguyện đi theo ba huynh đệ họ Trương đến Tùng Giang. Bốn người bọn họ là Kim Lang Chi, Hồng Đạo Thái, Ông Nguyên Thăng và Tương Sĩ Kiều, chính bản thân họ hoặc bạn bè thân thích của họ ít nhiều gì cũng từng bị Đổng thị bức hiếp, nên thấy huynh đệ Trương thị ở Sơn Âm muốn đấu với Đổng thị Tùng Giang thì cũng muốn được xem và cũng đồng ý trợ giúp.
Cuối giờ mão ngày mùng mười tháng năm, trời mưa phùn, Liễu Kính Đình mang theo ít hành lý đơn giản, dẫn theo tên tiểu đồng đi đến cảng kênh đào thì thấy ô dù san sát, áo bay phấp phới. Trên bến tàu, các sinh đồ đến tiễn chân Trương Nguyên lên tới hơn trăm người, Tiêu Nhuận Sinh và Liễu Kính Đình có chút giao tình, nên cầm ô chắp tay nói:
- Kính Đình huynh vất vả rồi.
Liễu Kính Đình vội vàng đáp lễ, thầm nghĩ: “Trương thị huynh đệ giao lưu rộng, chẳng lẽ ngay cả công tử của Tiêu Trạng nguyên cũng ủng hộ huynh đệ họ Trương chống lại Đổng Kỳ Hưng sao!”
Chiều qua Trương Nguyên có mượn của Chung thái giám một chiếc tiểu khám hợp bài đi qua dịch trạm, còn mượn thêm một chiếc thuyền quan của Chức tạo thự để bọn Kim Lang Chi, Liễu Kính Đình dùng. Đến giờ thìn, sau khi bọn Trương Nguyên cùng với đám học trò ra tiễn trịnh trọng cáo từ nhau xong, hai chiếc thuyền buồm trắng và một chiếc thuyền quan của Chức tạo thự rời khởi bến tàu kênh đào Hàng Châu, tiến về phương Bắc.
Ba huynh đệ Trương Nguyên đều sang cả chiếc thuyền của Chức tạo thự để họp mặt nói chuyện với bốn sinh đồ Tống Giang và Liễu Kính Đình. Lý Thuần, Lý Khiết nghe nói Liễu Kính Đình rất giỏi kể chuyện, nên cũng đi theo Trương Nguyên, Vũ Lăng. Lên đến thuyền quan Chức tạo thự, lúc đầu khi hai anh em chúng nhìn thấy bộ mặt rỗ và đầy sẹo của Liễu Kính Đình thì rất sợ hãi, không dám đến gần. Liễu Kính Đình bèn kể một đoạn trong câu chuyện Tôn Ngộ Không đại náo Thiên cung, trong lúc không hay biết, hai anh em chúng đã ngồi sát đến bên cạnh Liễu Kính Đình từ khi nào, nghe kể chuyện rất say sưa, không còn cảm thấy cái người mặt rỗ này hung ác nữa.
Tuyệt kỹ kể chuyện của Liễu Kính Đình đương nhiên trở thành chủ đề câu chuyện của chư sinh, Trương Ngạc nhanh mồm nhanh miệng, nói:
- Tướng mạo của Kính Đình huynh rất xấu xí kỳ dị, nhưng nhìn kỹ lại không thấy xấu.
Liễu Kính Đình hơi mỉm cười, không lấy làm buồn, thầm nghĩ: “Bảy năm trước ta còn anh tuấn hơn Trương Yến Khách ngươi nhiều đấy”.
Trương Đại nói:
- Kính Đình huynh có khóe miệng rất đẹp, ánh mắt lanh lợi, rõ ràng là một diệu nhân.
Trương Nguyên nói:
- Về tướng mạo, có người xấu mà đáng nhìn, có người không xấu nhưng cũng chẳng đáng để nhìn… cũng giống như văn chương, có người thì văn không thông nhưng đáng yêu, có người tuy thông nhưng lại vô cùng đáng ghét.
Trương Ngạc tiếp lời:
- Có người viết văn, đọc rất thông nhưng lại hết sức đáng ghét, bát cổ văn cũng thế, văn không thông nhưng lại rất đáng yêu, Trương Ngạc ta cũng thế.
Mọi người phá ra cười.
Trương Ngạc lại nói về việc hồi trước gặp nữ lang áo vải gậy trúc trong đêm trăng Tây Hồ, bọn Kim Lang Chi đều nhao nhao nói lạ kỳ… nhao nhao dò đoán thân phận của nữ lang đó, người nói là kỹ nữ, người nói là yêu quái, người nói là ma, người nói là tiên, Trương Ngạc nói:
- Đêm hội đèn Long Sơn ở Sơn Âm hồi tết Nguyên Tiêu năm ngoái cũng có chuyện lạ. Khi đèn đã tàn, người đã thưa, người làm ở quán rượu dưới chân núi đang chuẩn bị dọn dẹp chén đĩa về nhà, thì đột nhiên có sáu thiếu phụ xinh đẹp đi đến, mua một vò rượu lớn, lấy rau quả trong ống tay áo ra, trong khoảnh khắc, sáu người uống cạn vò rượu… rồi dắt tay nhau lên núi. Lúc đó đã là canh ba nửa đêm, những người xem đèn trên núi đều đã xuống núi về nhà cả, đèn cũng tắt rồi, chẳng biết sáu thiếu phụ xinh đẹp đó lên núi làm gì!
Trương Ngạc cười nói:
- Ta cũng kể một câu chuyện kỳ lạ, cũng là chuyện trong đêm hội đèn Nguyên Tiêu. Có bọn vô lại mượn một gian trống bên trái miếu thành hoàng, đưa mấy tên tiểu đồng giảo hoạt ra đón khách, lại có thiếu niên tuấn tú đến hùa với bọn tiểu đồng đó, hôn môi cắn lưỡi, không từ trò gì, đợi đến lúc trút bỏ y phục rồi, chính lúc luyến đồng này cong mông mời chào… đột nhiên thấy thiếu niên tuấn tú kia hai bầu vú gồ lên… rõ ràng là nữ tử, dâm tục với luyến đồng kia một trận… trời chưa sáng đã đi. Các huynh nói xem, chuyện này có kỳ lạ không?