Mục lục
[Dịch] Kiếm Lai - Tàng Thư Viện
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Lúc tảng sáng, Trần Bình An vừa luyện thế trời đất xong, Bùi Tiền lim dim ngái ngủ ở bên ngoài gõ cửa. Trần Bình An mở cửa ra, nhìn thấy nha đầu đen nhẻm sắc mặt uể oải, xem ra tối hôm qua Thôi Đông Sơn “có lòng tốt nhắc nhở”, đã dọa Bùi Tiền không nhẹ. Trần Bình An bèn bảo cô bé vào phòng mình ngủ thêm một lát, Bùi Tiền giống như được đại xá, lập tức nằm xuống ngủ.

Trần Bình An sửa chăn giúp Bùi Tiền, sau đó ngồi bên cạnh bàn, lật xem quyển sách luyện đan do địa tiên Lục Ung cung Thanh Hổ tặng cho. Tuy là trình bày con đường luyện đan, nhưng dù sao cũng là bí tịch của tu sĩ cảnh giới Nguyên Anh, có nhiều tâm đắc tuyệt diệu với đại đạo. Mỗi lần Trần Bình An tĩnh tâm nghiên cứu đều có thu hoạch, xứng với bốn chữ “đọc sách có ích”.

Nhà trọ đơn sơ, một ngày ba bữa khách đều phải tự ra ngoài giải quyết. Từ ông chủ đến người phục vụ tính tình đều nóng nảy, khi bọn Trần Bình An vào ở, đã nhìn thấy đám người nhà trọ cãi nhau với một nhóm thương nhân. Có điều bên phía Trần Bình An có ba người Thôi Đông Sơn, Lư Bạch Tượng và Tùy Hữu Biên ra mặt, nhà trọ nhìn người để cư xử, nhiệt tình hơn rất nhiều, còn chủ động đề cử mấy món ăn ngon bản địa.

Sau khi Bùi Tiền ngủ bù xong, Trần Bình An dẫn theo cô bé ra ngoài ăn bữa sáng, còn mang về một phần. Hắn dừng ở cửa nhà trọ, bảo Bùi Tiền mang thức ăn cho bọn Thôi Đông Sơn, đồng thời báo với bọn họ sẽ ở lại huyện thành hai ngày, hắn muốn đi dạo một mình. Bùi Tiền dĩ nhiên là vui vẻ, dừng chân hai ngày không cần lên đường, nghĩa là không cần tiến hành sáu bước đi thế khô khan nhàm chán, như vậy rất tốt.

Khi Trần Bình An một mình đi dạo ở huyện thành, Thôi Đông Sơn và bốn người trong tranh cuộn đang tụ tập với nhau, dùng bữa sáng do Bùi Tiền mang về. Thôi Đông Sơn cảm kích nói:
- Đây là tiên sinh đang bổ sung thiếu sót giúp học trò, dụng tâm khổ cực. Tiên sinh suy nghĩ cho học trò như vậy, đi đâu để tìm đây.

Bùi Tiền không dám tranh luận, chỉ dám oán thầm. Bổ sung thiếu sót cái gì, rõ ràng là không yên tâm để ngươi làm việc.

Ăn sáng xong, tâm tình Thôi Đông Sơn rất tốt, cười nói với Bùi Tiền:
- Có biết đánh cờ liên châu (1) không? Chúng ta đánh cược nhỏ thì vui vẻ, một ván cược một đồng tiền, thế nào?

Bùi Tiền đã từng đánh cờ liên châu, là trò chơi nhỏ do Lư Bạch Tượng dạy cho, quy củ rất đơn giản. Cô thường mượn bàn cờ và quân cờ của Lư Bạch Tượng, kéo Ngụy Tiện cùng chơi, hai người đánh giết trên bàn cờ đến tối tăm trời đất. So với Lư Bạch Tượng và Tùy Hữu Biên đánh cờ yên lặng nhàm chán, Bùi Tiền và Ngụy Tiện lại đánh rất sôi nổi, lúc đặt cờ kêu lên đôm đốp, khí thế đầy đủ, giống như muốn đập thủng một lỗ trên bàn cờ, khiến Lư Bạch Tượng nhìn thấy đau lòng không thôi.

Đánh cờ với người trình độ thấp như Ngụy Tiện, Bùi Tiền thắng nhiều thua ít. Khi chiếm ưu thế thì đắc ý vênh váo, khi rơi vào thế yếu thì muốn đi lại, may mà Ngụy Tiện cũng không quá so đo thắng bại.

Lúc này nghe Thôi Đông Sơn nói muốn đánh cược cờ, Bùi Tiền liền lắc đầu. Cô cũng không ngốc, cho dù nghe Thôi Đông Sơn nói muốn theo Lư Bạch Tượng học đánh cờ, nhưng loại cờ liên châu để giải trí này chẳng có ngưỡng cửa gì đáng nói. Bùi Tiền không tin có thể thắng tiền, dù sao trên đời cũng hiếm có loại người ngờ nghệch bảo thủ như lão Ngụy.

Thôi Đông Sơn cười ha hả nói:
- Ngươi và ta đều là môn sinh đệ tử của tiên sinh, hai ta đánh cờ đương nhiên không thể tổn thương hòa khí. Vậy ai thua thì người đó sẽ thắng tiền.

Ánh mắt Bùi Tiền sáng lên, thua một ván cờ còn có thể thắng một đồng tiền, trên đời lại có chuyện tốt như vậy sao?

Thế là Lư Bạch Tượng mang bàn cờ tới phòng Bùi Tiền. Thôi Đông Sơn và Bùi Tiền, hai đồng môn tạm thời không phân rõ vai vế, đánh cờ liên châu có xu hướng chà đạp bàn cờ.

Bốn người trong tranh cuộn hiểu ngầm, ở một bên xem cờ.

Bùi Tiền tùy ý đặt cờ, hai quân trước sau cách xa vạn dặm. Thôi Đông Sơn đặt cờ cũng không có quy tắc, lúc thì theo đuôi quân cờ của Bùi Tiền, lúc thì đông nam tây bắc mỗi nơi một quân, chơi một chút hình thức nhập môn thô thiển của cờ vây. Nhìn qua thì mặt thua của Bùi Tiền lớn hơn.

Nhưng khi khoảng trống trên bàn cờ càng lúc càng hẹp, Bùi Tiền vừa kinh ngạc vừa đau lòng phát hiện, mình càng ngày càng dễ thắng. Mà sau khi bàn cờ chứa đầy quân đen trắng xen kẽ, dù cô đặt cờ như thế nào, đều là cục diện oanh liệt năm quân liền hàng... Bùi Tiền lại thắng rồi.

Thua tiền một cách uất ức như vậy, Bùi Tiền hối hận xanh ruột, chỉ muốn ăn cả bàn cờ vào bụng. Có điều liếc nhìn Thôi Đông Sơn đối diện đang bắt chéo chân cắn hạt dưa, cô cũng không dám chơi xấu.

Thôi Đông Sơn nhìn ván cờ, tiếc nuối nói:
- Cờ thua một nước, cờ thua một nước, xem ra vận may đánh cược của ta tốt hơn ngươi một chút. Hay là chúng ta đánh thêm? Nếu thấy một bàn cờ không thể chứng tỏ kỳ lực của ngươi, chúng ta có thể thêm vài bàn nữa. Nhưng mỗi lần thêm một bàn cờ, phải đặt cược thêm một đồng tiền. Chỉ cần ta thắng cờ, sẽ lập tức móc tiền túi. Còn Bùi Tiền ngươi có thể tùy ý thêm bàn cờ, cho đến khi thắng tiền mới thôi, xem như công bằng đúng không?

Bùi Tiền do dự nói:
- Nhưng trên bàn không đặt được hai bàn cờ.

Thôi Đông Sơn chỉ chỉ xuống đất, nói:
- Lo cái gì, bàn cờ nhiều lắm, chúng ta đánh cờ dưới đất, đánh tới ngoài hành lang cũng được, đúng không? Dù sao bàn cờ càng nhiều, ngươi sẽ thắng tiền càng nhiều. Ta biết trí nhớ của ngươi tốt, ta cũng tạm được. Chúng ta nhờ Lư Bạch Tượng hoặc Tùy Hữu Biên, đi xin nhà trọ hai miếng than củi. Đến lúc đó ta dùng than vẽ bàn cờ, chúng ta cũng không cần quân cờ nữa, nếu ai nhớ sai thì xem như là thua.

Bùi Tiền quay đầu nhìn mọi người xung quanh. Ngụy Tiện có lẽ cảm thấy cách đánh cầu thua này quá bại não, lập tức rời đi. Chu Liễm cũng trợn trắng mắt rời khỏi phòng. Hai người khác từng là danh thủ đánh cờ ở đất lành Ngẫu Hoa thì lại ủng hộ, Lư Bạch Tượng quả thật đi xin than củi trở về, Tùy Hữu Biên thì hờ hững đứng ở một bên, nhẫn nại xem hai đồng môn một lớn một nhỏ ngồi dưới đất làm trò.

Trí nhớ của Bùi Tiền rất tốt, có thể nói là xuất chúng, Trần Bình An và bốn người trong tranh cuộn đã sớm biết rõ. Loại thiên phú bẩm sinh này của cô bé, dù là Trần Bình An hay Lư Bạch Tượng kỳ lực trác tuyệt, đã quen diễn lại ván cờ, đều phải tự thẹn không bằng.

Sau khi dùng xong hai hộp quân cờ, Bùi Tiền và Thôi Đông Sơn ngoại trừ so xem ai không biết xấu hổ hơn, còn đang so đấu trí nhớ.

Trên đất đã dùng than vẽ hai bàn cờ khác, nếu Bùi Tiền không thêm bàn nữa thì sẽ thắng, cho nên bất đắc dĩ phải để Thôi Đông Sơn vẽ thêm một bàn.

Lư Bạch Tượng yên lặng rời khỏi phòng, Tùy Hữu Biên theo sát phía sau.

Trong hành lang, Tùy Hữu Biên hỏi:
- Nhìn ra được sâu cạn không?

Lư Bạch Tượng lắc đầu nói:
- Cờ liên châu quá đơn giản, có vẽ thêm mười bàn cờ nữa, Bùi Tiền vẫn không thể thử ra kỳ lực của người này mạnh hay yếu.

Tùy Hữu Biên hỏi:
- Nếu như ngươi không nương tay, dốc hết toàn lực, chênh lệch giữa chúng ta lớn đến đâu?

Lư Bạch Tượng cười nói:
- Nói thật, cô không có cách nào khiến ta đánh cờ thủ cân.

Cái gọi là “thủ cân”, chính là nước đi bất ngờ. Phần nhiều khi thế cuộc trên bàn cờ đang cân bằng, chém giết kịch liệt, trị cô, đồ đại long (2), sẽ dễ xuất hiện nước cờ thần tiên này.

Hàm ý của Lư Bạch Tượng là hắn chỉ cần tiến dần từng bước, giống như thợ xây một đường “trải cờ”, sóng yên biển lặng, sẽ có thể vững vàng chiến thắng Tùy Hữu Biên.

Tùy Hữu Biên cũng không tức giận, kỳ lực trên bàn cờ cao hay thấp đều hiện ra rõ ràng. Trên đoạn đường này cô thường đánh cờ với Lư Bạch Tượng, không phải đẩy bàn cờ thì cũng ném quân cờ. Những danh thủ cờ vây trên thế gian gần như đều sẽ không nói ba chữ “ta thua rồi”, mà sẽ dùng hai phương thức nhận thua là đẩy bàn cờ và ném quân cờ. Tùy Hữu Biên mặc dù có lòng hiếu thắng, nhưng chuyện đánh cờ vốn bị cô xem là trò tiêu khiển, thắng thua cũng sẽ không ảnh hưởng đến kiếm đạo, cho nên cô vẫn nhận thua được.

Những cờ đợi lệnh và danh thủ đỉnh cao ở đất lành Ngẫu Hoa, rất tôn sùng kỳ lực của thủy tổ khai sơn Ma giáo Lư Bạch Tượng năm xưa. Nếu phải chọn ra ba người đứng đầu trong lịch sử đất lành Ngẫu Hoa, Lư Bạch Tượng dĩ nhiên chiếm một vị trí, có thể thấy danh tiếng của hắn trên bàn cờ cao như thế nào.

Hai người còn lại, một người là Vương Kế Nguyên, được gọi là thiên cổ kỳ thánh. Một người khác là “Hoàng Hạo”, sau này được chứng thực là trích tiên nhân.

Hoàng Hạo là lão tổ phục hưng của phái Hồ Sơn nước Tùng Lại, sư tổ của Du Chân Ý. Chính người này đã dựa vào danh vọng to lớn của tông môn và kỳ lực vô địch trên đời của bản thân, xóa bỏ hạn chế cờ tọa tử, khiến cho đấu cờ ở đất lành Ngẫu Hoa xuất hiện một đường ranh giới, từ đó chia làm phái cờ cổ và phái cờ mới.

Vương Kế Nguyên nhỏ hơn Hoàng Hạo sáu mươi tuổi, lúc Hoàng Hạo bảy mươi tuổi lại không biết kết cục, cho nên hai người chưa từng có cơ hội đánh cờ. Về chuyện ba người ở thời đại khác nhau ai cao ai thấp, đám tông sư đánh cờ đời sau vẫn tranh cãi không ngừng.

Lư Bạch Tượng chắc chắn là đỉnh cao của phái cờ cổ, Vương Kế Nguyên lại là cực điểm của phái cờ mới, càng tập hợp các loại định thức, phi đao (3) thành một quy cách riêng. Cho nên có người quả quyết, Lư Bạch Tượng không có tư cách ngang hàng với thiên cổ kỳ thánh Vương Kế Nguyên, nếu Vương Kế Nguyên có cơ hội đấu với Lư Bạch Tượng, nhất định có thể nhường hai quân.

Lại có cao thủ chuyên tâm nghiên cứu kỳ phổ (sách dạy đánh cờ) cổ xưa, tuyên bố chỉ cần để Lư Bạch Tượng làm quen với phái cờ mới hai ba tháng, sau đó đánh cờ với Vương Kế Nguyên, chẳng qua là nhiều thêm một kỳ thánh đệ tử cúi đầu bái lễ mà thôi.

Tóm lại là tranh luận rất sôi nổi. Bởi vì sau này không xuất hiện danh thủ nào kỳ lực tương đương với ba người, cho nên không ai đưa ra được đánh giá công bình đủ để phục chúng. Kỳ lực của ba người cao hay thấp, đã trở thành một vấn đề không có hồi kết.

Lúc này Tùy Hữu Biên đột nhiên nói:
- Đừng thua tên kia.

Lư Bạch Tượng khẽ mỉm cười nói:
- Mỏi mắt mong chờ đi.

Mà trong phòng Bùi Tiền, Thôi Đông Sơn đang ngồi xổm dưới đất cắn hạt dưa. Bùi Tiền thì nhăn mặt, lã chã muốn khóc, cô sắp thua mất sáu đồng tiền rồi.

Thôi Đông Sơn an ủi:
- Than còn đủ, thắng bại chưa định, lại vẽ thêm một bàn cờ là được, đánh lớn thắng lớn.

Bùi Tiền giơ tay lau vành mắt, từ trong tay áo lấy ra túi thơm do dì Quế tặng, được cô dùng làm túi tiền, moi ra bảy đồng tiền, đều là tiền mồ hôi nước mắt của cô. Cô nắm chặt tiền đồng, do dự đứng dậy, nhẹ nhàng đặt tiền lên bàn. Sau đó cô ra vẻ đáng thương nhìn cái gã họ Thôi, ước ao hắn có phong độ thần tiên, sẽ nghênh ngang rời đi. Không ngờ Thôi Đông Sơn lại mỉm cười đi tới bên cạnh bàn, đưa tay vơ một cái, tiền đồng liền không còn bóng dáng.

Lúc này Thôi Đông Sơn mới đi về phía cửa phòng, còn không quên xoay người nhắc nhở:
- Nhớ trả bàn cờ cho Lư Bạch Tượng, còn phải lau sạch dấu vết dưới đất. Nếu không Trần Bình An biết chúng ta đánh bạc, sẽ mắng ta xối xả, lại bắt ngươi chép sách đến gãy tay. Còn về tiền, đánh cược thua thì phải chịu, Trần Bình An sẽ không giúp ngươi đòi về.

Nói xong hắn tiêu sái xoay người, nghênh ngang rời đi, còn kêu lên:
- Hôm nay đúng là một ngày tốt lành, kiếm được tiền ra ngoài mua mứt quả rồi.

Bùi Tiền đứng bên cạnh bàn, khóc lóc thảm thiết.

Thôi Đông Sơn đột nhiên đi lùi, trở về cửa phòng, ló đầu ra cười nói:
- Bùi Tiền, không phải ta định theo Lư Bạch Tượng học đánh cờ sao. Ta muốn kiếm một điềm tốt, kế tiếp mỗi lần ngươi gọi ta một tiếng kỳ tiên, ta sẽ tặng ngươi một đồng tiền.

Ánh mắt Bùi Tiền sáng lên, nhanh như chớp chạy ra ngưỡng cửa, tung tăng đi theo phía sau Thôi Đông Sơn, ân cần gọi kỳ tiên.

Chưa tới một canh giờ, hai người trở lại phòng cô bé. Bùi Tiền đã khàn giọng, ê ê a a nói không ra chữ nào. Cô tươi cười rạng rỡ đưa tay đòi tiền Thôi Đông Sơn, thấy Thôi Đông Sơn không phản ứng, cô vội vàng viết một con số lên bàn.

Thôi Đông Sơn mỉm cười nói:
- Lừa ngươi chơi thôi, ngươi tin thật à?

Bùi Tiền đã sụp đổ, lại không nói ra được, chỉ có thể nhe nanh múa vuốt.

Thôi Đông Sơn nheo mắt lại, đưa tay đâm về phía cặp mắt Bùi Tiền, dọa cô bé:
- Lải nhải tiếp nữa, chẳng những ngươi sẽ thành một đứa câm, còn sẽ thành người mù. Trần Bình An có tức giận cũng không thể đánh chết học trò ta đúng không? Nhưng ngươi thì thảm rồi, biến thành một đứa nhỏ mù, đời này còn hi vọng gì?

Hắn đứng lên, giả làm người mù đưa tay quờ quạng lung tung.

Bùi Tiền sầm mặt, mím môi, lại không dám lấy gậy leo núi đánh chết tên khốn khiếp này. Cô càng nghĩ càng tuyệt vọng, vẻ mặt đờ đẫn, ngồi xuống mép giường, tâm như tro tàn, nước mắt như mưa.

Thôi Đông Sơn đột nhiên từ trong tay áo lấy ra một thứ giống như nén bạc, nhẹ nhàng ném cho Bùi Tiền, cười nói:
- Thấy ngươi biết điều, cho ngươi mượn chơi mấy ngày. Có điều lúc ta và Lư Bạch Tượng đánh cờ, nhớ trả cho ta trước. Nếu ta học cờ thuận lợi, tâm tình tốt đẹp, không chừng sẽ tặng cho ngươi.

Hai tay Bùi Tiền cầm nén bạc nặng trĩu, bỗng nhiên nín khóc mỉm cười.

Thôi Đông Sơn lại rời khỏi.

Bùi Tiền đặt nén bạc lớn kia lên bàn, nhìn ngang nhìn dọc, nhìn trái nhìn phải, nhìn trăm lần cũng không chán. Cô đang suy nghĩ làm cách nào giữ nén bạc này lại trong tay, đột nhiên mở to mắt. Chỉ thấy “nén bạc” bắt đầu nhúc nhích chuyển động, sau đó biến thành một con châu chấu toàn thân trắng như tuyết, nhảy về phía cửa sổ, trong thoáng chốc đã không còn tung tích.

Sau khi Bùi Tiền khôi phục tinh thần, lập tức trèo lên cửa sổ nhảy xuống, cố gắng tìm kiếm “nén bạc” ở vườn sau, trong cỏ dại, chân tường, khe đá, tìm đủ nửa canh giờ. Cuối cùng cô còn dùng tay đào đất, kết quả vẫn không tìm thấy nén bạc đã biến thành “côn trùng” kia. Sức cùng lực kiệt, cô bé ngơ ngác ngồi dưới đất, lần này không còn sức để khóc nữa.

Đến khi Trần Bình An từ văn miếu trở về nhà trọ, lại nhìn thấy bóng lưng gầy gò ủ rũ của Bùi Tiền, gọi mấy tiếng cô bé cũng không có phản ứng.

Trần Bình An đành phải nhảy ra khỏi bệ cửa sổ. Bùi Tiền đờ đẫn quay lại, sau khi nhìn thấy Trần Bình An liền cúi đầu, hai tay nắm chặt góc áo.

Trần Bình An thở dài, trở về phòng, trực tiếp đi tìm Thôi Đông Sơn. Chỉ chốc lát sau hắn đã trở về cửa sổ, gọi Bùi Tiền:
- Bảy đồng tiền, ngươi có bản lĩnh thì tự mình thắng lại, không thắng được thì nhận thua. Con “sâu bạc” này của Thôi Đông Sơn, ngươi có thể cầm chơi, nhưng lúc nào hắn đòi thì phải trả lại.

Bùi Tiền mặc dù đang thương tâm thương phổi, nhưng vẫn vội vàng đứng dậy, trèo lên bệ cửa sổ, nhảy xuống đất, sau đó nâng hai tay lên, cẩn thận cầm lấy “sâu bạc” đã khôi phục hình dạng nén bạc.

Trần Bình An kéo lỗ tai Bùi Tiền, xách cô đến bên cạnh bàn, mắng:
- Thật có tiền đồ, còn biết đánh cược với người khác?

Bùi Tiền thấp thỏm bất an ngồi bên cạnh bàn, hai tay ôm sâu bạc.

Trần Bình An hỏi:
- Thích đánh cược như vậy, ta sẽ đưa hộp đựng bảo vật trong hòm trúc cho ngươi. Dù sao bây giờ gia sản của ngươi rất phong phú, có thể đánh cược với Thôi Đông Sơn rất nhiều lần. Là ta đi lấy giúp ngươi, hay là ngươi tự mình đi?

Vẻ mặt Bùi Tiền hoảng hốt, ra sức lắc đầu.

Trần Bình An vỗ bàn một cái, nghiêm nghị nói:
- Đi lấy hộp đựng bảo vật, sau này tự mình mang theo!

Bùi Tiền đột nhiên quay đầu, xụ mặt, không khóc cũng không cầu xin, không nhìn Trần Bình An cũng không nghe hắn nói.

Trần Bình An rất tức giận.

Bùi Tiền cắn răng một cái, đột nhiên vứt nén bạc trong tay ra ngoài cửa sổ.

Trần Bình An đứng lên, đi sang phòng kế bên mở hòm trúc ra, lấy hộp đựng bảo vật, sau đó trở lại phòng của Bùi Tiền, ném lên bàn rồi bỏ đi.

Không ngờ sau chốc lát, Trần Bình An vừa ở trong phòng uống một ngụm rượu thuốc, Bùi Tiền đã cầm hộp đựng bảo vật chạy nhanh vào, dùng thế sét đánh không kịp bưng tai nhét vào hòm trúc, sau đó bỏ chạy.

Trần Bình An lại lấy hộp đựng bảo vật ra, đi sang phòng kế bên, không ngờ Bùi Tiền đã cài chặt cửa phòng.

Trần Bình An nổi giận, chỉ muốn đá văng cửa phòng, sau đó ném cả con nhóc này và hộp đựng bảo vật ra ngoài nhà trọ.

Hắn đứng ở ngoài cửa một lúc. Bên trong thì Bùi Tiền dùng lưng đè mạnh vào cửa phòng, giơ hai cánh tay mảnh khảnh lên, dùng mu bàn tay che kín gương mặt nhỏ nhắn đen như than.

Trên nóc nhà trọ, thiếu niên áo trắng vốn là thủ phạm chính đang nằm ngửa mặt, gác đầu lên cánh tay, như cười mà không cười.

Lư Bạch Tượng ở trong phòng chuyên tâm học đánh cờ, là “Thải Vân Phổ” cực kỳ nổi tiếng ở thế giới Hạo Nhiên, mười ván cờ trong ráng màu, được dùng để diễn sinh ra các loại kỳ phổ. Có người chuyên môn “thủ cát” (4) ván cờ ráng màu, có người chỉ đi sâu nghiên cứu sự sống chết tuyệt diệu của mười ván cờ. Nghe nói sách này đã tạo ra vô số cao thủ đánh cờ trong giang hồ.

Chỉ luận về đánh cờ, Lư Bạch Tượng đã không có đối thủ ở đất lành Ngẫu Hoa, tự cho mình đã đứng rất cao trong kỳ đạo. Nhưng sau khi vô tình lấy được quyển “Thải Vân Phổ” này, hắn mới biết thế nào là trời cao còn có trời cao hơn, người giỏi còn có người giỏi hơn. Càng nghiên cứu, càng lĩnh hội được kỳ lực của hai bên đấu cờ sâu thẳm thế nào.

Không nói đến vị thành chủ thành Bạch Đế “mời kỳ thủ thiên hạ đi trước” kia, chỉ nói đến cao nhân có tư cách đánh cờ với vị cự phách ma đạo này giữa ráng màu. Mặc dù người này thua rất nhiều, nhưng nếu không nhìn mỗi lần “xoay sở” của thành chủ thành Bạch Đế, chỉ xét đến bố cục của vị cao nhân này, từng bước đều đặc sắc, khiến người học cờ đời sau cảm thấy giống như sấm sét bay ra khỏi giấy, đập vào mặt, khiến người ta nghẹt thở.

Lư Bạch Tượng vất vả tìm kiếm, thu thập phần lớn ván cờ của vị cao nhân này, cuối cùng đưa ra một kết luận, kỳ thuật của người này có thể gọi là “đường tắt hoàn hảo”. Những tông sư kỳ đạo của thế giới Hạo Nhiên, phần lớn đều đánh giá người này rất cao, đại khái có ba nhận thức chung.

Một là người này có thể hi sinh một bộ phận để mưu cầu đại cục, phá vỡ định luận cố hữu “góc vàng biên bạc bụng rơm rạ” (5). Hai là người này đánh cờ mặc dù thỉnh thoảng đi theo con đường lộ ra sắc bén, sát phạt máu tanh, nhưng về tổng thể vẫn xứng với lời khen “phong cách đạm bạc, cực kỳ tinh vi, đạt đến cao xa”.

Ba là người này đã khai sáng ra rất nhiều nước cờ kỳ diệu, bao gồm định thức đại tuyết băng nội quải, thiên hạ đệ nhất tiểu tiêm (6). Sau đó trăm năm, phần nhiều đã bị cao nhân kỳ đạo lần lượt phá giải, hoặc là lần đầu hiện thế trong mười ván cờ ráng màu, đã bị thành chủ thành Bạch Đế nhìn thấu. Nhưng những người từng đọc qua “Thải Vân Phổ” đều phải rung động, kinh ngạc vì tư tưởng kỳ diệu trong đó. Nó gây cho người ta cảm giác, người này và tất cả kỳ thủ đương thời không đánh cùng một loại cờ.

Sở dĩ người này thua bởi thành chủ thành Bạch Đế, chỉ có thể nói là sinh không gặp thời, vừa lúc gặp phải một quái vật “đã đắc đại đạo”, xưa nay chưa từng có, sau này cũng không có.

Lư Bạch Tượng nhiều lần nghiên cứu quyển “Thải Vân Phổ” này, nghĩ tới nghĩ lui, đại khái chỉ có thể dùng “không sẩy tay, không sơ suất” để hình dung vị cao nhân Nho gia này.

Hắn đã từng cười nói với Trần Bình An, mơ ước lớn nhất đời này là có thể đi tham quan thành Bạch Đế. Nhưng sâu trong lòng, người mà hắn muốn đánh cờ nhất không phải là thành chủ thành Bạch Đế, mà là đồ đệ đầu tiên của Văn Thánh năm xưa, Thôi Sàm Thôi đại tiên sinh.

Lư Bạch Tượng để kỳ phổ xuống, thở dài một tiếng.

Thành Bạch Đế hẳn là có thể đi, sớm muộn mà thôi, nhưng đánh cờ mười ván với Thôi Sàm, hi vọng lại khá mờ mịt.

Mặc dù hôm nay Thôi Sàm là quốc sư của vương triều Đại Ly, quê nhà của Trần Bình An, nhưng dùng cờ xem người, đại khái nhìn ra được người này chí khí rất cao. Cho dù Lư Bạch Tượng gặp được Thôi Sàm, cũng rất khó được đánh cờ như ý nguyện.

Lư Bạch Tượng tự biết kỳ lực còn chưa đủ.

Mặc dù hậu thế vì người mà phỉ báng cờ, nhất là Đồng Diệp châu và Bảo Bình châu, cố gắng hạ thấp kỳ lực của vị Thôi đại tiên sinh này, nhưng Lư Bạch Tượng vẫn rất ngưỡng mộ ba câu nói hùng hồn mà người này để lại cho hậu nhân.

“Trên nước (thế chủ động) đánh thế nào cũng không quan trọng.”

“Tàn cuộc chính là quét dọn chiến trường, ai nói tàn cuộc vô địch gì đó, chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi.”

“Cờ đen học Mã Lôi kia, cờ trắng học Thôi Sàm ta, cờ nhường quân học thành chủ thành Bạch Đế. Người học Mã Lôi, có thể học bảy tám phần. Người học Thôi Sàm, có thể học năm sáu phần. Người học thành chủ thành Bạch Đế, học cũng vô ích.”

Lư Bạch Tượng hít thở sâu một hơi, liếc nhìn bàn cờ trên bàn, muốn đứng dậy đi tìm Thôi Đông Sơn. Hắn đoán rằng với quy tắc ba ván thắng hai, sẽ có thể thử ra phân lượng của người này.

Khi Lư Bạch Tượng ra khỏi cửa, lại nhìn thấy Ngụy Tiện vẻ mặt kỳ lạ trở về phòng. Lư Bạch Tượng rẽ qua hành lang, đi tới gian phòng xa hơn một chút gõ cửa. Ngụy Tiện đứng ở lối rẽ, hỏi:
- Tìm Thôi Đông Sơn à?

Lư Bạch Tượng gật đầu.

Ngụy Tiện khoát tay nói:
- Không cần tìm nữa. Tên này đã đánh cược với Chu Liễm, hiện giờ đã rời khỏi huyện thành rồi, Tùy Hữu Biên cũng đi theo.

Lư Bạch Tượng nghi hoặc hỏi:
- Đánh cược gì?

Ngụy Tiện đáp:
- Thôi Đông Sơn nói muốn so chiêu với Chu Liễm, chỉ cần Chu Liễm thắng, hắn sẽ lấy ra vật một thước tặng cho Chu Liễm. Còn nếu Chu Liễm thua, sau này mỗi ngày phải làm bữa ăn khuya cho Thôi Đông Sơn hắn.

Lư Bạch Tượng cười nói:
- Chu Liễm lại đồng ý?

Ngụy Tiện do dự một thoáng, gãi đầu nói:
- Ban đầu đương nhiên không đồng ý, dù sao Bùi Tiền đã bị lừa thảm như vậy, Chu Liễm cũng không muốn nối gót theo sau. Thôi Đông Sơn nói hắn có thể đứng yên tại chỗ, Chu Liễm vẫn không gật đầu. Tên kia lại nói hắn sẽ không cử động tay chân. Chu Liễm bèn hỏi hắn có phải kiếm tu địa tiên hay không, Thôi Đông Sơn nói mình tuyệt đối không phải là kiếm tu, thế là Chu Liễm đồng ý. Tùy Hữu Biên cũng đi theo xem náo nhiệt.

Chỉ qua nửa canh giờ, Thôi Đông Sơn đã cười đùa tí tửng trở về nhà trọ, phía sau là Tùy Hữu Biên sắc mặt kỳ quái, đương nhiên còn có Chu Liễm thần thái chán nản.

Chu Liễm đi thẳng về phòng, đóng sầm cửa lại.

Lư Bạch Tượng tĩnh tọa trong phòng mình, cũng không hỏi nhiều. Tùy Hữu Biên đi vào phòng, ngồi xuống đối diện, nói với Lư Bạch Tượng:
- Thôi Đông Sơn nói hắn sẽ nhanh chóng tới đây học cờ với ngươi.

Lư Bạch Tượng cười hỏi:
- Chu Liễm thua như thế nào? Chẳng phải trước đây không lâu, lão đã lén lút bước vào cảnh giới thứ tám rồi sao?

Tùy Hữu Biên bất đắc dĩ nói:
- Tên kia quả thật không hề nhúc nhích, chỉ là tên này... pháp bảo trên người hơi nhiều. Từ đầu đến cuối Chu Liễm không thể tới gần mười trượng, giống như dắt chó đi dạo vậy. Nếu ta đấu với người này, kết cục cũng sẽ không tốt hơn Chu Liễm.

Lư Bạch Tượng rót cho Tùy Hữu Biên một ly trà. Tùy Hữu Biên lại không uống, chỉ lắc đầu nói:
- Các ngươi đánh cờ, ta sẽ không xem.

Lư Bạch Tượng cười hỏi:
- Thế nào, cảm thấy phần thắng của ta không lớn à?

Tùy Hữu Biên đứng lên nói:
- Ta không cảm thấy kỳ thuật của người này cao bao nhiêu, nhưng tin tưởng một chuyện, chỉ cần hắn đánh cược với người khác, dường như sẽ không thua.

Chuyện khiến Chu Liễm chán nản nhất, đó là người này đứng yên tại chỗ, điều khiển pháp bảo “tầng tầng lớp lớp, rực rỡ muôn màu”, đánh cho lão không ngóc đầu lên được. Đối phương còn hò hét cổ vũ cho lão, sau đó vẻ mặt tiếc nuối, nói rằng loại sâu kiến như Chu Liễm ngươi đi theo bên cạnh tiên sinh nhà ta, quả thật chỉ có phần xuống bếp nấu cơm.

Nói xong tên kia lại liếc nhìn Tùy Hữu Biên, bảo rằng ngươi tốt hơn một chút, dù sao dáng dấp xem như xinh đẹp, không chừng tiên sinh nhà ta mỗi đêm ngủ đều quay mặt về bên phải (hữu biên). Chuyện này khiến Tùy Hữu Biên thiếu chút nữa đã xuất kiếm.

Lư Bạch Tượng lâm vào trầm tư. Sau khi Tùy Hữu Biên rời đi, hắn lại theo thói quen lật xem bộ “Thải Vân Phổ” kia.

Không lâu sau, thiếu niên áo trắng dáng vẻ không chỉnh tề tìm tới phòng, vừa đi vừa cắn hạt dưa. Sau khi vào cửa, còn chưa ngồi xuống, hắn bỗng nhìn thấy kỳ phổ mà Lư Bạch Tượng vừa mới đặt bên tay, liền sững sốt nói:
- Ngươi lại xem thứ này, học sống chết, kỳ cân (7), định thức và kỳ lý?

Lư Bạch Tượng hỏi ngược lại:
- Có gì không ổn?

Thôi Đông Sơn than vãn một tiếng, ngồi xuống đối diện với Lư Bạch Tượng, mặt ủ mày chau nói:
- Bỏ đi, ta không theo ngươi học cờ nữa.

Lư Bạch Tượng nhíu chặt lông mày, nhón một quân cờ trên đầu ngón tay, hỏi:
- Vì sao?

Một tay Thôi Đông Sơn cầm hạt dưa vừa lừa được của Bùi Tiền, tay còn lại vươn ngón trỏ ra, tùy ý chỉ vào Lư Bạch Tượng, sau đó nhấc ngón cái lên chỉ vào mình, nói rất khí phách:
- Ngươi vẫn nên theo ta học cờ đi.

---------

Chú thích:

(1) Cờ liên châu: còn được gọi là cờ ngũ tử liên châu, bàn cờ và quân cờ giống như cờ vây, gồm hai người chơi, ai đặt được năm quân cờ cùng màu thành một hàng sẽ thắng. Tương tự như cờ ca rô, nhưng có những quy tắc riêng.

(2) Trị cô: cố tình để đối phương công kích để phá vỡ sự cân bằng, sau đó khéo léo lợi dụng mắt xích thiếu sót và yếu ớt trong thế cờ đối phương, khiến cục diện trở nên có lợi cho mình.

Đồ đại long: ăn một lần thật nhiều quân cờ.

(3) Định thức phi đao: tên gọi chung của một loại định thức cờ vây, có nhiều hình thái khác nhau, do AI cờ vây phát hiện ra.

https://p26-open-detail-sign.byteimg.com/pgc-image/1b8f30b41b544ec29d71d768dc3c4855~tplv-tt-shrinkv2-q:1080:0:q70.webp?scene=detail&x-expires=1742647946&x-signature=uVSCqWzuxxfA3f6HpFJjWsZCpxk%3D

(4) Thủ cát: còn được gọi là tewari, kỹ thuật phân tích ván đấu bằng cách thay đổi thứ tự nước đi.

(5) Góc vàng biên bạc bụng rơm rạ: thuật ngữ cờ vây, nói đến vị trí đặt cờ khác nhau thì hiệu suất cũng sẽ khác nhau. Ưu tiên đặt cờ ở góc, kế đến là đường biên, cuối cùng mới là phần trung tâm.

(6) Đại tuyết băng nội quải: Tuyết băng là tên gọi chung của một định thức trong cờ vây, chia làm tiểu tuyết băng và đại tuyết băng, bởi vì thế cờ giống như tuyết lở nên được đặt tên như vậy. Trong đó đại tuyết băng biến hóa phức tạp, lại được chia thành ngoại quải và nội quải.

https://k.sinaimg.cn/n/sports/crawl/546/w278h268/20200220/cbfd-ipvnszc8901034.jpg/w700d1q75cms.jpg?by=cms_fixed_width

Tiểu tiêm: thuật ngữ cờ vây, đặt cờ theo đường chéo cách quân cờ ban đầu một ô, không tiếp xúc với bất cứ quân cờ nào.

(7) Kỳ cân: một quân cờ hoặc vài quân cờ cực kỳ quan trọng, liên quan đến sống chết của thế cờ, thắng bại của hai bên. Kỳ cân bị mất, cả bàn đều thua. Kỳ cân chiếm được, cả bàn đều sống.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
09115100
18 Tháng sáu, 2021 17:28
Hay quá b ơi
letrunghieu20xx
18 Tháng sáu, 2021 01:14
Thực sự hi vọng dịch giả có thể dịch được đến cuối. Bộ truyện cực kì hay
Hoa Hướng Dương
16 Tháng sáu, 2021 09:09
Truyện hay. Dịch giả dịch rất tốt, hy vọng bộ này sẽ dc dịch Full. Cảm ơn dịch giả
xxleminhxx
16 Tháng sáu, 2021 06:16
1 chương truyện này quá dài các đạo hữu @@ dịch giả cứ từ từ
nhongcon_pupa
14 Tháng sáu, 2021 19:16
Chúc mừng truyện đã cán mốc chương thứ 50! Cảm ơn Cá Cảnh rất nhiều!
Nguyễn Quốc Thịnh
09 Tháng sáu, 2021 21:40
hay mỗi tội dịch chậm quá
Hieu Le
03 Tháng sáu, 2021 00:47
Dịch tốt quá. bộ này rất khác biệt.Trấn nhỏ có vẻ bình thường nhưng có một lớp màn mỏng của sự bí ẩn như có như không. rất đáng mong chờ.
nhongcon_pupa
23 Tháng năm, 2021 07:04
Vài dòng lan man - Chương 6: - Chương 6 kể về ba mảnh đời của ba đứa trẻ có xuất thân và cuộc sống khác nhau tại trấn nhỏ, chứ không chú trọng vào việc chôn phục bút hay tình tiết trong truyện. À, ngoại trừ thân thế của tỳ nữ Vương Chu/Trĩ Khuê, nhưng hãy tạm gác cô nhóc này sang cho những lần bình khác. - Có lẽ câu nói “Người ăn đất cả đời, đất ăn người một lần” cũng phần nào miêu tả được cuộc sống của Trần Bình An trong suốt khoảng thời gian học việc tại lò gốm. Gốm được nung từ đất, cậu nhóc nhà nghèo phải theo ông sư phụ họ Diêu đi khắp nơi bốc đất cho vào miệng nhai, nghiền ngẫm mùi vị để chọn loại đất phù hợp. Tớ hơi thắc mắc, dù là quen tay hay việc hay kinh nghiệm đầy mình, việc Trần Bình An có thể biết được tính chất đất đai, ước lượng gốm vỡ để biết nguồn gốc xuất xứ thuộc lò gốm nào, cho thấy cậu nhóc này có khả năng quan sát nhạy bén và tâm tư tỉ mỉ chứ không hề ngốc nghếch hoặc tư chất kém cỏi như những người xung quanh thường chỉ trích cậu. Có lẽ đây là một đặc điểm ngầm để giúp cậu có được cơ hội bức phá sau này chăng? 1 dặm của TQ = 500m 60 dặm = 30 000m = 30 km Đây không phải là một quãng đường ngắn, đặc biệt là trong hoàn cảnh như Trần Bình An phải trèo núi băng rừng trong đêm tối, trời lại đổ mưa như trút nước. Tớ tự xét bản thân chạy được tầm 8km là đổ mồ hôi mẹ mồ hôi con, thở hồng hộc như con ki ki nhà hàng xóm rồi chứ nói gì đến 30km! Vậy mới thấy được ý chí sinh tồn của cậu nhóc này mãnh liệt đến mức nào, và phải vị tha tới mức nào mới nhận ra được rằng “trên đời ngoại trừ cha mẹ thì không ai có nghĩa vụ phải đối xử tốt với ngươi” khi tuổi đời chưa tới 12 năm. - Tống Tập Tân học thức đầy bụng, đánh cờ tiến bộ thần tốc ngày đi ngàn dặm, Tống Tập Tân tâm tư già dặn trước tuổi, tham vọng vươn cao, Tống Tập Tân phong lưu khoái hoạt, sống thảnh thơi nhàn nhã. Trái với hàng xóm Trần Bình An, cuộc đời của cậu thiếu niên này quá bằng phẳng và rộng mở, thế nhưng cậu lại luôn tìm hình tượng người cha để lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn mình. Người xưa thường nghẹn ngào bởi câu “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”, nhưng mấy ai hiểu được nỗi đau của kẻ đầu xanh bị người đầu bạc vứt bỏ? Khi Tống Tập Tân dắt theo cô tỳ nữ Trĩ Khuê nghe kể chuyện dưới gốc hòe (C.5), cậu phát hiện rằng cô tỳ nữ bắt đầu trổ mã, trước đó thậm chí còn mua rượu chôn rượu xuống đất, hệt như một người cha chôn bình Nữ Nhi Hồng để chuẩn bị cho sau này gả đứa con gái rượu vào nhà chồng. Đồng thời, cậu luôn xem vị thầy dạy học trong trường làng , Tề tiên sinh, thành hình tượng gương mẫu của một người cha nghiêm khắc. Tống Tập Tân đánh cờ quá giỏi, giỏi đến mức thư đồng Triệu Diêu phải cố gắng nhiều năm liền mới có thể ngang ngửa năm ăn năm thua với lối đánh cù nhây của cậu, thế nhưng chỉ cần Tề tiên sinh “tự mình hạ thánh chỉ” (C.6) thì y như rằng Tống Tập Tân sẽ vâng lời mà đến. Qua những hành động như “tranh công ngẩng đầu cười hỏi”, “còn có thể tiễn tiên sinh”, “sửng sốt, hơi lúng túng, lấy can đảm” để chất vấn câu dặn dò của ông giáo họ Tề, tớ chỉ thấy được hình ảnh của một cậu nhóc thông minh ngỗ nghịch tìm cách thu hút sự chú ý của người cha nghiêm khắc mà thôi, chứ đâu còn những nét già dặn trước tuổi đầy tham vọng vươn cao nữa. - Thư đồng Triệu Diêu là nhân vật vừa xuất hiện trong chương 5, mặc áo xanh, cực kì cố chấp với việc thành – bại – được – mất, rất tuân thủ theo quy củ nghiêm ngặt. Có thể thấy đây là một “ông cụ non” rất biết vâng lời và thuộc hàng ngũ con ngoan trò giỏi, sặc mùi quân tử ... Tàu, nhưng có thể được chọn làm thư đồng dự bị (vì lựa chọn đầu tiên của Tề tiên sinh là đại ca xóm dưới Lưu Tiện Dương) ắt cũng có những năng lực đặc sắc riêng. Thật đáng mong chờ tác giả sẽ phát triển tuyến nhân vật ngay đơ thẳng cứng này như thế nào.
nhongcon_pupa
21 Tháng năm, 2021 08:09
Cảm ơn leminh :D
nhongcon_pupa
21 Tháng năm, 2021 08:08
Vài dòng lan man - Chương 5: - Trong chương 1, chúng ta có lời đồn về nguồn gốc của Tống Tập Tân như sau: “Vị đại nhân kia sợ thanh danh bị gièm pha, quan giám sát trong triều tố cáo, cho nên cuối cùng một mình trở lại kinh thành báo cáo công việc, giao đứa trẻ cho quan viên thay thế có quan hệ thân thiết giúp trông coi chiếu cố”. Trong chương 5, chúng ta lại có thêm một “nguồn tin” khác nói về Tống đại nhân: “quan tiền nhiệm Tống đại nhân là người được lòng dân nhất. Tống đại nhân không giống như những quan lão gia trước đó ngồi tít trên cao, ông chẳng những không trốn trong dinh quan tu thân dưỡng khí, cũng không đóng cửa từ chối tiếp khách, một lòng nghiên cứu học vấn ở thư phòng, mà là tự tay làm tất cả công việc ở lò gốm, quả thật còn giống dân chúng thôn quê hơn cả thợ gốm. Trong hơn mười năm, vị Tống đại nhân vốn đầy vẻ trí thức này đã phơi nắng đến mức nước da đen kịt sáng bóng, trang phục ngày thường không khác gì một anh nông dân, đối nhân xử thế chưa từng lên mặt.” Quả là tam sao thất bản, khó biết đường đâu mà lần! Tuy nhiên nếu xét về mặt hàm ý, tin đồn đầu tiên có phần ác ý, muốn dè bỉu vị quan to họ Tống này làm con nhà lành có chửa, sợ bị mất uy tín nên đành phải chạy về kinh thành lánh nạn, bỏ luôn cả đứa con riêng cho người dưng chăm sóc. Nếu như vậy thì mẹ của Tống Tập Tân đâu? Không lẽ vị quan kia muốn bỏ đứa con nhưng lại kéo theo người mẹ trở về kinh? Nếu xét theo lẽ thường thì làm thế không khác gì đang lạy ông tôi ở bụi này, hoàn toàn không hợp lý! Chúng ta hãy tạm xem loại tin đồn này được bắt nguồn từ những buổi đi buôn, đi chợ của các thím, các bác trong trấn vậy. Tin đồn thứ hai có nhiều thông tin chi tiết hơn, lại còn có nguồn gốc từ “các thế gia vọng tộc” (C.5). Phải biết rằng phủ quan và ngõ Đào Diệp là hàng xóm với nhau trên đường Phúc Lộc, vì vậy người đọc mạn phép đoán rằng tin đồn này được những người hầu trong phủ nghe lỏm qua những lúc trà dư tửu hậu của các ông lớn, sau đó lén truyền tai với nhau. Dù thế nào đi nữa, nhờ có những thông tin bên lề này mà người đọc có thể xác định một số thông tin như sau: 1. Quan giám sát Tống đại nhân nhậm chức hơn 10 năm mới về kinh thành. Trong thời gian làm quan, Tống đại nhân rất khiêm nhường và rất có hứng thú trong việc chế tạo đồ gốm. 2. Tống Tập Tân trạc tuổi Trần Bình An, tức là tầm 14 tuổi (C.1). Tống Tập Tân được sinh ra và lớn lên trong khoảng thời gian ông cha vẫn đang còn làm quan tại trấn nhỏ. 3. Mẹ của Tống Tập Tân là người bản xứ của trấn, hay là người đến từ xứ khác như Tống đại nhân? Vì sao không có ai nhắc đến? Vấn đề này có lẽ sẽ được giải đáp trong tương lai. 4. Tống Tập Tân vẫn luôn có phán đoán riêng về thân thế và nguồn gốc của gia tộc họ Tống, hơn nữa vẫn có khả năng còn ngầm giữ liên lạc nên mới quyết định đi kinh thành trong 1 tháng tới (C.1) - Lão tiên sinh kể chuyện là người đến từ xứ khác. Hẳn mọi người còn nhớ đến sự kiện nộp phí vào trấn bằng cái túi thêu (C.2), vậy đây hẳn là một nhân vật cao thâm khó dò khác tiến vào trấn với mục đích riêng. Tạm không nhắc đến chuyện cổ tích giết rồng 3000 năm trước, chỉ nói về câu chốt của lão: “Trên đời tuy đã không còn chân long, nhưng những loài thuộc họ rồng như giao, cầu, ly ... vẫn thật sự sống ở thế gian, nói không chừng đang ... Nói không chừng đang ẩn náu bên cạnh chúng ta, thần tiên đạo giáo gọi đó là rồng ẩn dưới vực sâu!” Hẳn mọi người còn nhớ con rắn mối lì đòn, kiên quyết bò xuống gầm giường của Tống Tập Tân (C.1). Nguyên văn về tên của con vật này là 四脚蛇 (tứ cước xà), nghĩa là con rắn có 4 chân, trên đầu lại có cục u như muốn mọc sừng, lẽ nào đây là đời sau của con chân long trong truyền thuyết? Nếu đúng là vậy, vì sao nó lại muốn vào nhà họ Tống cho bằng được? Truyện Trung Quốc hay có câu “rồng trong loài người” để nói về những nhân vật tài năng xuất chúng. Tống Tập Tân có xuất thân không tầm thường, lại được con cháu của rồng muốn nương nhờ, lẽ nào cậu nhóc này có số làm vua, hay thậm chí có xuất thân từ hoàng tộc? Chúng ta hãy cùng hạ hồi phân giải trong các chương sau. -Xuất thân của cô tỳ nữ Trĩ Khuê cũng li kì không kém cậu chủ nhà họ Tống của cô. Người thì nói “một cô gái xứ khác ăn xin dọc đường đến nơi này, bất tỉnh trước cửa nhà Tống Tập Tân, nếu không phải có người phát hiện sớm thì đã đi gặp Diêm Vương chuyển thế đầu thai”, người khác lại bảo “ống đại nhân đã bảo người ta mua cô nhi từ nơi khác, tìm cho đứa con riêng Tống Tập Tân một người thân thiết biết nhân tình ấm lạnh, nhằm bù đắp một ít thiệt thòi khi cha con không thể nhận nhau.” Thật đến là khổ với giới “bà tám” trong trấn! May thay còn có câu nói của Tống Tập Tân về Trần Bình An, rằng “đời này hắn đã làm một chuyện có ý nghĩa” và Trĩ Khuê lập tức “lông mi hơi run rẩy”, chúng ta có thể tạm đoán rằng Trần Bình An chính là người đã phát hiện Trĩ Khuê đang nằm trong đống tuyết. Nếu đúng như vậy thì vì sao Lưu Tiện Dương lại tinh ý phát hiện “ngươi giúp nha đầu Vương Chu kia xách nước một lần, sau đó cô ấy lại không nói chuyện tán gẫu với ngươi nữa” (C.4)? Giữa hai nhân vật này còn có gúc mắc gì chưa nói rõ chăng? Lại một lần nữa, chúng ta hãy cùng hạ hồi phân giải trong các chương sau.
xxleminhxx
18 Tháng năm, 2021 12:01
hay quá bác :D
nhongcon_pupa
18 Tháng năm, 2021 06:05
- Qua những dòng miêu tả về cậu thiếu niên đại ca xóm dưới Lưu Tiện Dương, người đọc không khỏi liên tưởng đến hai nhân vật Khấu Trọng và Từ Tử Lăng trong bộ truyện trấn web Đại Đường Song Long ngày xưa của TTV. Qua những hành động rất nhỏ như cố ý đi vòng qua đống tro tàn của lá bùa vừa đốt; được Trần Bình An tri hô cứu mạng thì lấy danh nghĩa đi bắt nạt cậu thiếu niên nhà nghèo mỗi ngày nhưng thực chất có ý ngầm muốn bảo vệ, sợ đám con nhà giàu đến báo thù hay chặn đánh; những lúc Trần Bình An gặp khốn khó thì giới thiệu việc làm ở lò gốm hay đi đào giếng ... Có lẽ Lưu Tiện Dương là hình tượng tiêu biểu cho mọi mong muốn của những đứa trẻ trong xóm nghèo: có tình có nghĩa, cao lớn khỏe mạnh, dòng dõi binh gia, làm việc gì cũng thành thạo, hào sảng và đặc biệt là đầy khí phách cóc ngán bố con thằng nhà giàu nào. Đến cả Trần Bình An còn thấy được Lưu Tiện Dương như một viên đá quý chưa được mài giũa, nói gì đến ba ông sư phụ lần lượt muốn nhận cậu ta làm đồ đệ. Đầu tiên có ông giáo họ Tề muốn miễn giảm học phí để cậu thiếu niên tiếp tục tới trường, thậm chí còn muốn bỏ tiền ra thuê làm thư đồng nhưng bị từ chối. Sư phụ làm gốm họ Diêu sau khi nhận cậu làm đại đệ tử thì cưng như trứng mỏng, lỡ tay đánh Lưu Tiễn Dương rướm máu đầu thì lo lắng không thôi. Cuộc sống xoay vần, lão Diêu qua đời, đến phiên sư phụ thợ rèn họ Nguyễn đến từ xứ khác chấm trúng cậu đại ca xóm dưới ngay và luôn, thậm chí còn nhận xét đây là một kì tài luyện võ, chứ đâu như lúc nhìn thấy Trần Bình An người ngợm đen nhẻm thì sút thẳng từ vòng ... phỏng vấn học việc! Phải nói đây là một nhân vật rất thú vị, tương lai ắt là người hành hiệp trượng nghĩa. Thật đáng mong chờ thay! - @Lạc mầm non đoán quá chuẩn! Vị đạo sĩ trẻ mãi không già tiếp tục xuất hiện tại chương này. Trấn nhỏ như có màn sương bí ẩn như có như không, và vị đạo sĩ này cũng không ngoại lệ. Trấn nhỏ có hơn sáu trăm hộ gia đình (C.3), vậy mà trong nhiều năm liền chưa từng có người rút trúng quẻ Hạ? Là do đạo sĩ giở trò, hay là do mệnh của người dân tại đây đặc biệt tốt? Con chim sẻ như có linh tính vì sao không có hứng thú đồng tiền của Trần Bình An (C.3), mà lại thích chí ngậm tiền của Tống Tập Tân? Đạo sĩ không quan tâm tới tiền bạc, nhưng vì sao lại cuống cuồng “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”, muốn xem bói cho người dân trong trấn nhỏ, và nếu tiền bạc không quan trọng thì phí trả công đoán vận là gì? Chúng ta hãy cùng hạ hồi phân giải. Đạo sĩ từng đưa ra 3 lời đoán vận. Trần Bình An (C.3): “ Số mệnh tám thước đừng cầu một trượng.” Lưu Tiện Dương (C.4): “Chỉ mong năm nay được thịnh vượng, ai ngờ số mệnh có tai ương.” Đôi chủ tớ Tống Tập Tân (C.4): “Hồ nước đầy... ếch kêu hỗn loạn, thứ đâm lòng người là nhân tâm. Nơi này công danh bèo trên nước, chỉ cần gió thổi dạt bốn phương! Trạng nguyên vốn đến từ nhân gian, tể tướng chỉ là kẻ trên đời. Học theo tiên nhân danh tiếng lớn, đắc ý hả hê tinh khí thần!” Dự là Trần Bình An đoản mệnh, Lưu Tiện Dương gặp bất trắc, chủ tớ Tống Tập Tân cuối cùng cũng có thể toại nguyện, từ cá chép hóa thành rồng, đường công danh một bước lên trời. Không biết chư vị đồng đạo nghĩ thế nào về 3 câu đoán vận này? - Bản đồ trong chương 4 đã trải rộng hơn nhiều. Tớ đã thêm vào lò gốm, con suối, đường cái, đồng thời thêm vẽ thêm ảnh minh họa cho ngõ Đào Diệp và thay đổi vị trí của ngõ Nê Bình, ngõ Hạnh Hoa, giếng Thiết Tỏa, trường làng, rừng trúc. (Ảnh được đăng tại forum của TTV)
nhongcon_pupa
16 Tháng năm, 2021 06:32
Vài dòng lan man - Chương 3: - Người giàu sang, kẻ nghèo hèn. Sự cách biệt giàu nghèo luôn là đề tài được nhắc đến xưa nay, trong đời thật cũng như trong những dòng thơ văn. Trấn tuy nhỏ, nhưng sự khác biệt giữa hai tầng lớp này lại hiện rõ mồn một qua ánh mắt của cậu thiếu niên nhà nghèo Trần Bình An: “Con đường bên kia được lót bằng nhiều phiến đá xanh lớn, trời mưa cũng sẽ không đạp văng bùn lầy tung tóe. Trải qua người ngựa xe cộ giẫm đạp nghiền ép trăm ngàn năm, những phiến đá xanh phẩm chất cực tốt đó từ lâu đã được mài phẳng nhẵn bóng như gương.” Đường đã đẹp, cái tên của con đường đương nhiên phải làm toát lên cái nét cao sang quyền quý của các tộc họ và dinh thự quan lại đặt tại đây, cho nên lấy cái tên “Phúc Lộc”. Trần Bình An chân lấm tay ... bóc đất nặn phôi quanh năm, lại thật thà chân chất nên nào có quen với việc đặt chân lên con đường đẹp đẽ như vậy; đến mức “hơi thấp thỏm, bước chân chậm đi, lại có phần tự ti, không kìm được cảm thấy giày cỏ của mình làm bẩn mặt đường.” Tâm trạng của cậu thiếu niên trở nên lo âu bội phần khi đứng trước bức tường cao cửa rộng của nhà họ Lư, thậm chí còn cho rằng hành động “dùng tay kẹp góc phong thư” vì sợ ... bẩn của người hầu trong nhà, cũng như việc “xoay người bước nhanh vào trong nhà, đóng sập cánh cửa lớn”, không nói không rằng là điều hiển nhiên, chứ không phải là loại thái độ xem thường người dân xóm nghèo. Mà không chỉ có mỗi nhà họ Lư, quá trình giao thư cho bảy nhà quyền quý còn lại cũng “bình thường như vậy”, cũng lạnh nhạt không kém. Người đọc không khỏi thở dài, sau đó giật mình nhận ra rằng thay vì tác giả lồng những tình tiết miệt thị, “chứng tỏ đẳng cấp hơn người” thường thấy trong truyện mạng, sự thờ ơ lạnh lùng trong cách ứng xử giữa các nhân vật như thế này lại “thật”, lại đau thấu vào lòng hơn rất nhiều. - Trái ngược hẳn với đám nhà giàu sống ở đường Phúc Lộc, đoạn đối thoại kì kèo vài đồng xu lẻ xem bói, nhưng lại đầy hơi ấm giữa người với người của đạo sĩ nghèo và cậu thiếu niên nghèo ... còn hơn giúp người đọc thấy được một nét đẹp khác trong con người của Trần Bình An. Cậu không bị ảnh hưởng bởi sự giàu sang tại ngõ Đào Diệp, không màng đến đường tài lộc eo hẹp đến mức bữa no bữa đói (C.1) của bản thân, mà chỉ muốn dùng hết số tiền kiếm được từ việc đưa thư để mua một lá bùa về đốt cho hai đấng sinh thành quá cố của mình. Đáng khen, đáng thương thay! - Bản đồ vẽ trấn nhỏ đã được thêm vào các chi tiết như hình vẽ minh họa cho Trường làng, Rừng trúc, Miếu Con Cua, Đường Phúc Lộc, Ngõ Đào Diệp, Phủ quan. Những vị trí của các địa danh trên được sắp xếp theo tưởng tượng của người đọc, sẽ được cập nhật cho chính xác hơn khi qua những câu miêu tả của nhân vật trong các chương sau. Nếu mọi người có cao kiến nào khác, xin hãy thẳng thắn góp ý chứ đừng ngại ngùng chi. Đều là fan của Kiếm Lai cả. (Ảnh được đăng tại forum của TTV)
nhongcon_pupa
15 Tháng năm, 2021 07:23
- Trần Bình An mưu sinh kiếm sống qua ngày bằng công việc phát thư từ ngoài trấn, nhờ đó người đọc mới có thể theo dấu chân của cậu thiếu niên nhà nghèo tham quan khung cảnh bên trong trấn nhỏ. Dưới đây là bản đồ phác họa sơ về các địa điểm được đề cập trong chương 2 và mũi tên chỉ hướng đi của Trần Bình An từ ngõ Nê Bình đến cổng làng. Những vị trí của giếng Thiết Tỏa, ngõ Hạnh Hoa, trường làng, miếu Con Cua sẽ được chỉnh sửa lại khi các nhân vật trong truyện miêu tả kĩ hơn xuyên suốt các chương. (ảnh được đăng tại forum của TTV) - Qua hai chương đầu tiên, người đọc có thể phần nào hiểu được bản chất chịu khổ chịu tìm tòi học hỏi của Trần Bình An: gà chưa gáy sáng đã thức dậy, "lén học lỏm" các bài giảng tại ngôi trường làng, chăm chỉ luyện tập các tư thế nặn phôi dù không còn liên quan tới nghề gốm nữa (C.1) - Trấn nhỏ ở nơi xa xôi hẻo lánh, nhưng bỗng có một tốp người ăn mặc giàu sang, "áo quần dày cộm", "chắc hẳn là rất ấm áp, có thể chịu lạnh được" xếp hàng chờ vào trấn. "Trấn nhỏ" nhỏ như cái ... lỗ mũi nhà người ta, cổng trấn rộng mở, đáng lý ai muốn ra muốn vào đều tùy ý, nhưng vì sao những con người quyền quý này dường như phải tuân thủ theo một quy tắc nào đó để tiến vào? Thân phận của họ là gì? Toàn bộ lò gốm đã đóng cửa, vậy vì sao họ phải lặn lội tới nơi này? Vì sao phải nộp "một cái túi thêu nhỏ" cho tay gác cổng lôi thôi, chua ngoa, mê ngắm gái và keo kiệt đến mức muốn ăn chặn mấy đồng xu lẻ của Trần Bình An? Chúng ta hãy cùng hạ hồi phân giải trong các chương sau
Hieu Le
14 Tháng năm, 2021 09:16
Dịch có tâm thực sự xD
nhongcon_pupa
14 Tháng năm, 2021 05:47
Vài dòng lan man - Chương 1: - Rất cảm ơn anh em dịch giả nhà Cá Cảnh quyết định theo dịch bộ truyện rất hay này. Nếu fishscreen có đọc thấy, xin cũng đừng ngạc nhiên. Tôi chỉ là một member cũ của forum gia nhập hơn 11 năm về trước thôi. - Bản thân tôi không thể nói là chưa từng đọc qua Kiếm Lai, nhưng tuyệt đối không quá trăm chương dịch (do chưa có người cán mốc này), càng chưa từng nhìn qua bản convert, nên đây xem như là đọc Kiếm Lai lại lần thứ 2. Xin phép dùng đôi mắt và tâm thái của một người lần đầu đọc truyện để viết lan man theo từng chương. - Ngõ Nê Bình (泥瓶), nê là đất, bình là chiếc bình chiếc lọ, có thể hiểu nôm na là hẻm bình đất, vừa nghe qua tên đã hình dung ra được con hẻm này bình dân mộc mạc đến mức nào. Họ Trần, tên Bình An - Trần Bình An - một cái tên không thể nào bình thường hơn, hệt như tên con hẻm. Đã vậy người ngợm còn vừa gầy vừa đen. Tác giả vốn ưu ái giới cậu thiếu niên này ngay từ lúc truyện được bắt đầu, nhưng tôi vẫn không khỏi phải bật cười vì suýt nữa đã cho rằng đây chỉ là một cậu nhóc nhà quê thuộc tuyến nhân vật phụ nào đó mà thôi. Quy mô của trấn không lớn, không vừa, nên chỉ có thể là trấn nhỏ, không có tên riêng, đủ để thấy nơi này nằm ở nơi khỉ ho cò gáy nào đó không đáng nhắc tới. Tuy nhiên tác giả đã vớt vát lại một chút hứng thú của người đọc qua giới thiệu về nghề đồ sứ trứ danh của trấn. Tay nghề truyền đời của dân trong trấn nhỏ rất tốt, được triều đình ưu ái giao cho trọng trách làm đồ cúng tế lăng mộ, thậm chí còn có cả quan viên đến giám sát hàng năm. Ngõ Nê Bình, cậu nhóc Trần Bình An, trấn nhỏ không tên, nghe qua thì chẳng có gì đáng để chú ý, nhưng khi ráp vào với chi tiết có liên quan đến triều đình thì nó trở nên có gì đó bất thường ngay. Có quan chức thay nhiệm kì hàng năm, có sắc phong “phụng chiếu sản xuất đồ dùng cúng tế lăng mộ”, ngay cả một cái ngõ cũng cố đào ra cho được cái tên Nê Bình theo truyền thống làm nghề gốm, thì vì sao trấn nhỏ lại không có tên? Vì không có ai dám đặt tên, vì kiêng kỵ, hay là vì đang ẩn dấu huyền cơ? Tôi từng đọc qua Tuyết Trung Hãn Đao Hành, tin tưởng rằng ngòi bút sắc bén của tác giả sẽ đưa người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác xuyên suốt bộ truyện này. Vì đây là chương đầu tiên nên các nhân vật chỉ đang lần lượt xuất hiện, dù có huyền cơ thì vẫn chưa thể bàn luận được. Lão sư phụ họ Diêu, lão thợ rèn họ Nguyễn ở ngõ Kỵ Long, thân thế con riêng của hàng xóm lâu năm Tống Tập Tân, tỳ nữ Trĩ Khuê, thiếu niên áo gấm và lão già, người đàn ông trung niên và con cá, con rắn mối có cục u trên đầu dưới gầm giường. Từng chi tiết tưởng chừng như rất nhỏ cùng nhau đắp nặn thành một bức tranh làng quê muôn màu muôn vẻ đời thường, cộng thêm tiết tấu chầm chậm của truyện khiến tôi có cảm giác trang trải bình yên đến lạ. Có lẽ đây là cái hồn, cái nét riêng của bộ truyện này, khiến mỗi lần tôi đọc Kiếm Lai phải lấy tâm thái bình thản để trải nghiệm từng câu từng chữ trong truyện. - Tôi có thấy một lỗi chính tả bé xíu trong chương truyện hơn vài ngàn chữ, là "sửng sốt" chứ không phải "sững sốt". Nếu dịch giả có liếc qua dòng này, xin hãy tiện tay sửa lại luôn. Xin cảm ơn bạn đã theo dịch bộ truyện này lần nữa.
tuan_ohyeah
05 Tháng năm, 2021 17:27
tuy ko đọc truyện dịch nhưng có chương mới là vô like truyện hay
longchien0123
22 Tháng tư, 2021 09:37
Dịch giả dịch tốt thật
Phan Thanh Bình
21 Tháng tư, 2021 17:50
Cảm ơn dịch giả, cơ mà 1-2 năm nữa quay lại đọc :joy:
GERParadox
19 Tháng tư, 2021 19:22
Cảm ơn dịch giả.
CaiQuan
19 Tháng tư, 2021 12:06
ủng hộ
bolynu
18 Tháng tư, 2021 11:17
up ủng hộ bác dịch
xxleminhxx
18 Tháng tư, 2021 05:15
yeah yeah
bưởi chua
07 Tháng tư, 2021 21:06
dịch rất hay đấy...thanks dịch giả
thiennhaihaigiac
21 Tháng ba, 2021 01:07
VD như đoạn “thiên khai thần tú” mà dịch thì về sau lsao mà à ra thế khi tú thần khai thiên đc
BÌNH LUẬN FACEBOOK