Mục lục
[Dịch] Kiếm Lai - Tàng Thư Viện
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Hồ Thư Giản nổi tiếng là linh khí dồi dào, sóng biếc vạn dặm, phong cảnh hấp dẫn. Trong hồ có hơn ngàn hòn đảo như sao trên trời, khoảng nửa số đều do luyện khí sĩ cấp bậc khác nhau chiếm giữ hoặc cho thuê. Mà đảo Thanh Hiệp lớn nhất là chỗ phủ đệ của Tiệt Giang chân quân Lưu Chí Mậu.

Lưu Chí Mậu tu luyện đạo pháp dị đoan, mặc dù chức vị chân quân của lão không phải do vương triều chính thống sắc phong, chỉ là bằng hữu trên núi tâng bốc, nhưng đạo pháp cao thâm của lão đã sớm được chứng minh trong những trận đại chiến sinh tử.

Có điều danh tiếng của Lưu Chí Mậu không được tốt lắm, bằng hữu trên đường có rất nhiều, nhưng chỉ có thể xem là giao tình hời hợt. Hơn nữa đệ tử trong môn phái vàng thau lẫn lộn, cũng không xuất hiện nhân tài trẻ tuổi gánh vác được đại nghiệp. Dù vậy lão vẫn có thể chiếm cứ đảo Thanh Hiệp của hồ Thư Giản, có thể nói hoàn toàn là dựa vào sức một người, sừng sững không ngã trong vòng vây hổ sói.

Sau chuyến đi xa lên phía bắc, Lưu Chí Mậu có thể nói là hài lòng đắc ý, bởi vì lão đã mang về một thằng nhóc, tuyên bố với bên ngoài là đệ tử thân truyền. Một đứa trẻ nhỏ xíu khoẻ mạnh kháu khỉnh, lúc đầu ai cũng xem hắn là một thằng nhóc quê mùa gặp may, nhất là đại đệ tử khai sơn của Lưu Chí Mậu, rất chướng mắt với đệ tử thân truyền này của sư phụ.

Đứa trẻ này dĩ nhiên là Cố Xán, mỗi ngày hắn đều cười toe toét, giống như hoàn toàn không phát giác những ánh mắt xem thường hoặc âm trầm kia. Sau đó đảo Thanh Hiệp từ trên xuống dưới chung sống lâu với hắn, mới biết đây là một thằng nhóc đầy bụng xấu xa, chẳng những còn nhỏ đã biết giả vờ ngây ngô, hơn nữa còn thù dai, rất có phong thái của sư phụ Lưu Chí Mậu, ứng với câu châm ngôn “thượng bất chính hạ tắc loạn”.

Vào cuối năm ngoái, đảo Thanh Hiệp đã chọc phải một tai họa lớn kinh động cả hồ Thư Giản, mà Cố Xán chính là một trong số đầu sỏ gây chuyện.

Trên đảo Thanh Hiệp, mặc dù thế lực của Lưu Chí Mậu là lớn nhất, nhưng cũng có mấy môn phái nhỏ phụ thuộc. Ngoài ra Lưu Chí Mậu còn thịnh tình mời một số khách khanh cung phụng, giống như ngưu tầm ngưu mã tầm mã, quanh năm hưởng lạc, nhưng một khi ra tay nhất định sẽ nhổ cỏ tận gốc. Còn như đảo chủ của mấy hòn đảo phụ cận, cũng là một đám người tàn nhẫn chính tà khó phân, đều là tu sĩ hoang dã và tu sĩ tự do giết ra đường máu.

Bên cạnh Cố Xán còn có mẹ hắn, đó là một phu nhân tư chất bình thường, không thể tu hành, nhưng hình dáng quả thật mê người. Thế là trong số khách khanh của Lưu Chí Mậu có người nổi hoa tâm, muốn thu bà ta làm ấm giường. Tên khách khanh lâu năm dung mạo xấu xí kia chiến lực cực mạnh, trải qua hơn trăm năm tổ chức lôi kéo, loáng thoáng đã tự thành bè phái riêng, ngay cả Lưu Chí Mậu cũng phải nhường nhịn mấy phần.

Một ngày mượn rượu ngà ngà say, tên này xông vào nhà của phu nhân, đá văng cửa lớn, vác bà ta lên muốn trở về nhà mây mưa vui sướng một phen. Hắn mặc sức cười lớn, không ai dám ngăn cản. Khi đó đại đệ tử của Lưu Chí Mậu vừa lúc tìm một lý do dẫn Cố Xán rời đi, lừa gạt đến hậu sơn đảo Thanh Hiệp, nói là muốn ở thác nước thay sư phụ truyền nghề, dạy cho hắn một môn khẩu quyết Đạo gia cao thâm không truyền ra ngoài.

Kết quả khi lão khách khanh kia vác phu nhân trở về đại viện, đang muốn ăn tươi nuốt sống bà ta, không chỉ có lão, thậm chí không chỉ có đảo Thanh Hiệp, tất cả luyện khí sĩ ở hồ Thư Giản đều phát giác được chuyện khác thường. Nước hồ bỗng nhiên quay cuồng, sóng lớn ngập trời, khí tức hỗn loạn cực kỳ kinh người.

Chuyện này khiến cho hai tên tu sĩ cảnh giới thứ chín bế quan đã lâu cũng phải xuất quan, đi kiểm tra xem rốt cuộc là thần thánh phương nào, lại dám làm mưa làm gió chọc giận mọi người, nhiễu loạn khí vận núi sông của hồ Thư Giản. Sau đó tất cả luyện khí sĩ đều trợn mắt há mồm nhìn về đảo Thanh Hiệp, tâm thần rung động.

Một con vật thuộc dòng dõi giao long cả người đầy long khí, từ phụ cận đảo Thanh Hiệp chậm rãi ngẩng chiếc đầu to lớn lên, nhìn chằm chằm vào một khu nhà.

Trên đỉnh núi đảo Thanh Hiệp, Cố Xán đầy vẻ hung ác, đứng kề vai với một cô gái mà hắn gọi là “nhị sư tỷ”.

Ánh mắt Cố Xán tràn đầy thù hận, nhìn con giao long khủng bố lần đầu nổi lên mặt nước, ra lệnh:
- Cá chạch nhỏ! Ăn ăn ăn, ăn hết bọn chúng! Không chừa lại một tên nào, không cho kẻ nào trốn thoát! Nếu mẹ ta chịu một chút ấm ức, ta sẽ đánh chết ngươi!

Sau ngày đó, hơn trăm người trong một viện lớn gồm cả lão khách khanh kia, đều bị con giao long màu vàng đất nuốt vào bụng. Lão khách khanh đường đường là đại tu sĩ cảnh giới thứ chín, lúc đầu còn không tin tà ma, ở phía trên phủ đệ liều chết chống lại con vật khổng lồ kia, pháp bảo dùng hết. Nhưng không thể lay chuyển con vật kia chút nào, chỉ rước lấy sát ý dữ dội hơn. Cuối cùng cả thân thể của nó nhảy ra khỏi mặt hồ, lướt lên trời, cắn đứt người lão khách khanh đang muốn chạy trốn kia. Trong cặp mắt lạnh giá còn lớn hơn đèn lồng hiện ra nụ cười bỡn cợt giống như loài người.

Cố Xán đứng trên đỉnh núi cười gằn:
- Tốt tốt tốt! Cá chạch nhỏ, lại đi ăn tên khốn khiếp đại sư huynh kia, ai dám cản thì ngươi hãy ăn luôn!

Cho dù cô gái là người mật báo với Cố Xán, lúc này đứng bên cạnh hắn cũng cảm thấy rét lạnh, bị sát tính của tiểu sư đệ làm cho sợ hãi.

Lưu Chí Mậu đột nhiên xuất hiện trên đỉnh núi, vẻ mặt ôn hòa nói:
- Đại sư huynh của ngươi mặc dù đã sai, nhưng sư phụ sẽ nghiêm khắc trách phạt hắn. Ngươi tha cho hắn một con đường sống được không?

Cố Xán cười nói:
- Sư phụ, một là ngài đánh chết ta, sau đó để cá chạch nhỏ náo động ở đây, hai là bớt đi một đồ đệ. Sư phụ lão nhân gia ngài có mấy chục đệ tử, mất đi một người cũng không tính là gì. Sau này có ta giúp sư phụ nêu cao tên tuổi, đừng nói là chết một đại sư huynh, cho dù nhị sư tỷ có biến mất theo cũng không sao.

Đứa trẻ tươi cười ngẩng đầu lên, thẳng tắp đối diện với ông lão:
- Sư phụ, ngài nói xem?

Sắc mặt Lưu Chí Mậu âm trầm bất định, cuối cùng bỗng cười ha hả, hiền lành xoa đầu Cố Xán:
- Đứa nhỏ ngươi có phong thái của sư phụ năm xưa, tốt, rất tốt.

Cố Xán cười nheo mắt lại:
- Yên tâm đi sư phụ, sau này nếu ngài muốn giết ai, ta là đệ tử thân truyền của ngài nhất định sẽ nghe theo. Dù sao cá chạch nhỏ cũng thích ăn người, nhất là thần tiên trên núi, ăn bổ dưỡng khiến nó rất vui. Ài, cá chạch nhỏ cũng thật là, rời khỏi quê nhà lại lớn nhanh như vậy, ngay cả cái chén trắng kia của sư phụ cũng không chứa nổi nữa, chỉ có thể thả nuôi trong hồ lớn. Sư phụ, ngài có cái chén nào lớn hơn không?

Lưu Chí Mậu cười lắc đầu, Cố Xán cũng cười hì hì, chỉ có nhị sư tỷ kia là sởn tóc gáy.

Con vật khổng lồ được Cố Xán thân mật gọi là cá chạch nhỏ, sau đó lại đi ăn đại sư huynh đảo Thanh Hiệp đang cố gắng khẩn cầu, thân thể to lớn cày ra từng đường rãnh trên đảo, lắc lư trở về hồ Thư Giản.

Một đêm đó, Cố Xán và phu nhân vừa mới kinh hồn bạt vía cùng ngắm trăng trong viện. Hắn ăn bánh trung thu, nói hàm hồ không rõ:
- Mẹ đừng sợ, sau này sẽ không ai dám ức hiếp mẹ nữa.

Phu nhân nhìn quanh, sau đó cúi thấp đầu, ôm đứa trẻ vào lòng, thấp giọng nói:
- Xán Xán, sau này nói chuyện với cá chạch nhỏ đừng hung dữ như vậy.

Cố Xán tựa sát vào lồng ngực ấm áp của mẫu thân, chỉ lúc này hắn mới không có khí tức tàn ác nặng nề như vậy, giống như một đứa trẻ bình thường. Hắn nhếch miệng cười nói:
- Yên tâm, cá chạch nhỏ tâm ý tương thông với con, nó biết con đối xử tốt với nó thế nào. Chúng con có quan hệ rất tốt, cho dù họ Lưu...

Phu nhân vội vàng đưa tay che miệng hắn, tay kia cầm bánh trung thu lên, dịu dàng nói:
- Ăn bánh trung thu, ít nói chuyện đi.

Cố Xán vỗ vỗ bụng:
- Mẹ à, thật sự ăn không nổi nữa. Con cũng không phải là cá chạch nhỏ, cả ngày cứ đòi ăn ăn ăn, giống như môt thùng cơm lớn vậy.

Phu nhân cười ôn nhu, nhẹ nhàng vuốt tóc đứa trẻ, ngẩng đầu nhìn ánh trăng, vành mắt hơi ướt át:
- Xán Xán lớn rồi, có thể bảo vệ mẹ rồi.

Cố Xán đột nhiên hơi ấm ức, dẩu miệng lẩm bẩm nói:
- Trần Bình An, ta đã nói rồi, trong trấn nhỏ và ngoài trấn nhỏ, trừ ngươi ra thì đều là kẻ xấu, ngươi còn không tin.

Hắn giãy thoát khỏi phu nhân, nhảy xuống đất, khoanh hai tay trước ngực, ra vẻ cụ non nói:
- Mẹ à, con đã đáp ứng với Trần Bình An, sẽ tìm cho hắn mười bảy mười tám cô gái giống như Trĩ Khuê. Lần sau hắn tới đảo Thanh Hiệp, con sẽ tặng hết cho hắn một lần. Mẹ nói xem có được không?

Nhớ tới thiếu niên ngõ Nê Bình kia, trong lòng phu nhân vừa hổ thẹn vừa ấm áp, quyến rũ động lòng người:
- Được được được, con thích là được rồi.

Cố Xán lập tức trở nên ủ rũ, không còn khí thế như trước:
- Mẹ à, nếu Trần Bình An chẳng những không vui mà còn tức giận, con phải làm sao?

Phu nhân trêu chọc:
- Ấy, Xán Xán nhà ta còn biết sợ người khác à?

Cố Xán đỏ mặt, nói lầm bầm:
- Không phải con sợ Trần Bình An, con...

Nói đến đây, hắn rốt cuộc vẫn là trẻ con, trong thoáng chốc đỏ mắt, cúi đầu nói:
- Chỉ là cảm thấy nếu Trần Bình An có ở đây, hắn sẽ không để người khác ức hiếp chúng ta... Chuyện gì Trần Bình An cũng giúp con, trên đời chỉ có hắn là người tốt...

Phu nhân không biết an ủi con trai thế nào, bởi vì chính bà cũng nghẹn ngào muốn khóc.

Trăng cong cong chiếu sáng chín châu, mấy nhà vui vẻ mấy nhà sầu.

---------

Họ Trần Dĩnh Âm được xưng là miếu thờ thiên hạ tập hợp tư tưởng của các nhà, đến nỗi Nho gia cũng tặng cho bọn họ hai chữ “thuần nho”. Trong cuộc chạy trốn tứ tán năm xưa, bọn họ từ Trung Thổ Thần Châu dời đến Nam Bà Sa Châu, thực ra không hề nổi bật, bởi vì chỉ là một trong tám nhánh của “họ Trần Nghĩa Môn” Trung Thổ Thần Châu, hơn nữa còn là nhánh cành lá ít nhất.

Đến khi họ Trần Dĩnh Âm cắm rễ ở Nam Bà Sa Châu, nhất là sau khi vị lão tổ tay áo có gió mát, vai gánh cả nhật nguyệt xuất thế ngang trời, tất cả đã thay đổi hoàn toàn.

Một học cung và một thư viện đều được xây dựng trên đất đai của họ Trần Dĩnh Âm. Theo các đời con cháu họ Trần Dĩnh Âm kiến công lập nghiệp, đề xuất chủ trương, từng ngôi miếu thờ cũng mọc lên sừng sững liên miên.

Cho nên mỗi vị khách đến đây đều phải đi qua con đường trải đầy miếu thờ kia. Đối diện với gia nghiệp huy hoàng này, bọn họ đều sẽ cảm thấy rung động, thậm chí là tự ti. Trái ngược chính là sự tự hào của con cháu họ Trần Dĩnh Âm, đến mức cho dù lão tổ tông chính miệng truyền xuống, vầng mặt trời trên vai ông ta đã bị người khác mượn đi trăm năm, vẫn không ai cảm thấy mất mặt.

Một thiếu niên cao lớn quê nhà ở Đông Bảo Bình Châu xa xôi đi học ở đây, là do Trần Đối con gái dòng chính gia tộc tự mình dẫn tới. Trên dưới gia tộc không ai cười nhạo hắn xuất thân nghèo hèn, cũng không ai tỏ ra niềm nở vì hắn có thiên phú phi phàm. Từ đầu đến cuối bọn họ đều bình tĩnh hòa nhã, dùng lễ tiếp đãi hắn. Chuyện này khiến hắn an lòng hơn một chút.

Thiếu niên chính là Lưu Tiện Dương. Hắn đã từng nói với người bạn thân thiết nhất, không nên chết ở một nơi nhỏ bé như quê nhà. Sau khi rời xa quê hương, quả nhiên hắn nhìn thấy núi lớn dường như còn cao hơn trời, biển rộng xanh biếc mênh mông bát ngát, vô số cá chuồn năm màu mọc cánh bay lượn, các loại yêu quái ẩn hiện trong mây, thậm chí còn có tiên nhân ngự kiếm giữa không trung tiêu sái bay xa.

Lúc đầu hắn cũng cảm thấy lo lắng, họ Trần Dĩnh Âm này liệu có giống như họ Hứa thành Thanh Phong, con vượn Bàn Sơn núi Chính Dương, thèm thuồng bộ kiếm kinh của hắn. Bộ kiếm kinh kỳ lạ kia có thể khiến hắn tỉnh cũng luyện kiếm, mộng cũng luyện kiếm. Nhưng rất nhanh hắn đã từ bỏ suy nghĩ này, bởi vì sau khi đặt chân vào gia tộc họ Trần, một ông lão phong thái nho nhã nghe nói là lão tổ quản lý bảo vật của họ Trần Dĩnh Âm, đã tặng cho hắn một cây quạt xếp làm bằng trúc thần tiêu của núi Thanh Thần, một con cá ăn mực phẩm chất rất cao, còn có một luồng gió lật sách.

Trúc thần tiêu cực kỳ quý hiếm, là một trong số nguyên liệu tốt nhất làm gậy trừ tà. Chỉ cần là yêu tinh quỷ quái sinh trưởng dưới đất, đều sợ hãi pháp khí do trúc thần tiêu chế thành.

Cá ăn mực được thế tộc tiên gia nuôi dưỡng trong đồ rửa bút, ăn mực nước để sống. Sau trăm năm sống lưng sẽ mọc ra một sợi tơ vàng, sau năm trăm năm có hi vọng trở thành rồng mực, tiếp theo sẽ trở thành “bảo vật mực” mà người đọc sách ước mong. Gần như tất cả dòng dõi trí thức đều nuôi dưỡng thứ này. Nhưng cá ăn mực có yêu cầu rất cao với mực nước, nếu không thì thà chết đói chứ không nhân nhượng.

Còn về gió lật sách, Lưu Tiện Dương nhớ được, khi đó ngay cả Trần Đối mắt cao hơn đầu, sau khi nhìn thấy luồng gió mát kia cũng rất bất ngờ, thậm chí còn có chút đố kị.

Lưu Tiện Dương đương nhiên rất thích những thứ này, nhưng không thể nói là mừng rỡ như điên. Hắn biết cơ sở đặt chân của mình vẫn là bộ kiếm kinh kia, cho nên mỗi ngày ngoại trừ đúng giờ đến trường học họ Trần nghe giảng, hắn vẫn luôn ở trong viện tu hành kiếm pháp.

Đã thấy núi cao và nước lớn, bước tiếp theo là hắn phải dựa vào bản lĩnh của mình, ngự kiếm vượt qua đỉnh núi cao, đi đến đầu cuối nước lớn. Một ngày nào đó gặp lại cái gã họ Trần kia, hắn sẽ có thể khoe khoang với đối phương về trời lớn đất lớn bên ngoài.

Có lúc Lưu Tiện Dương lại hơi lo lắng, nếu một ngày mình trở về trấn nhỏ, liệu Trần Bình An có trở thành một lão nông dân tuổi tác cao, đã sớm lấy vợ sinh con? Hắn đương nhiên sẽ không từ chối nhận người huynh đệ kia, nhưng rất sợ khi đó hai người ngồi trên lưng trâu xanh, ngoại trừ tán gẫu những chuyện xấu hổ lúc trẻ thì không còn gì để nói nữa.

Khi đó hắn cố ý đi vội vàng, tránh né Trần Bình An, bởi vì sợ lúc ly biệt mình sẽ buồn bã chảy nước mắt, bị người ngoài như Trần Đối chê cười, xem thường Lưu Tiện Dương hắn.

Mà có một số lời thật lòng, đều là những lời nhận thua, cho nên lúc đó hắn vẫn hơi ngại ngần, cuối cùng vẫn không nói gì. Bây giờ hắn rất hối hận, hắn nên thoải mái nói với Trần Bình An, ngoại trừ chuyện nung gốm không bằng mình, còn lại những chuyện linh tinh hắn dạy cho Trần Bình An, mỗi chuyện Trần Bình An đều làm tốt hơn hắn.

Lúc rảnh rỗi Lưu Tiện Dương sẽ đi khắp địa bàn họ Trần Dĩnh Âm. Đi qua từng ngôi miếu thờ, đi tới bên bờ sông lớn, ngồi một mình ngơ ngẩn trên vách đá tương tự như lưng trâu xanh. Một lần ngồi có thể hết cả nửa ngày, đối với thiếu niên cao lớn cố gắng luyện kiếm, đây đúng là một chuyện rất xa xỉ.

Hôm nay trong chiều hôm, Lưu Tiện Dương lại ngồi bất động hai canh giờ. Sau đó đột nhiên khôi phục tinh thần, muốn đứng dậy trở về. Đường về đến mười mấy dặm, hơn nữa nếu không có gì bất ngờ, trong phạm vi ngàn dặm không cho phép bất cứ người nào ngự gió bay lượn.

Tướng soái công khanh cũng phải xuống ngựa mà đi, quy củ này của họ Trần đã truyền thừa ngàn năm rồi.

Lưu Tiện Dương vừa đứng dậy, phát hiện có một nho sĩ tóc trắng vóc người gầy gò chậm rãi đi lên vách đá, hắn liền chắp tay thi lễ. Lão nho sinh nhìn không biết có phải quân tử hiền nhân hay không, cũng đứng lại mỉm cười đáp lễ. Nếu là ở nơi khác của Nam Bà Sa Châu, quân tử hiền nhân là nhân vật khá hiếm thấy. Nhưng ở họ Trần Dĩnh Âm nhân tài xuất hiện lớp lớp, nếu không có thân phận hiền nhân thì còn ngại ra cửa chào hỏi người khác.

Lão nho sinh đứng bên cạnh Lưu Tiện Dương, nhìn sông lớn cuồn cuộn chảy qua, nhẹ nhàng giậm chân xuống vách đá, cười nói:
- Có biết tên của vách đá này không?

Lưu Tiện Dương đành phải dừng bước, lắc đầu nói:
- Không biết.

Lão nho sinh cười nói:
- Trong sách ghi lại, vách đá bên sông của họ Trần Dĩnh Âm hình dáng rất lạ, tên là Sơn Quỷ. Đã từng có một vị tiên thơ ở đây ngâm thơ, nhưng không truyền ra, thật là đáng tiếc. “Ai nâng một chén, ta say sưa mời đá, đá còn chưa dậy, chim núi lật chén đi. Canh tư quỷ núi thổi đèn gào, kinh hãi nam nữ thế gian”...

Lão nho sinh thản nhiên ngâm nga bài thơ chưa từng truyền đời, vẻ mặt phiền muộn, tràn đầy tưởng nhớ:
- “Tương giao tri kỷ, mang đá đi vạn dặm, ngồi loan cưỡi phượng, ngao du đến xa xăm”. Thực ra trong rất nhiều bài thơ của vị tiên thơ kia, bài thơ này không xem là giá trị. Nhưng khi đó ta đứng ở chỗ của ngươi, tiên thơ thì đứng ở chỗ này của ta. Lúc ấy ta còn nhỏ, sau khi nghe qua cảm thấy rất hay, cho dù đã nhiều năm trôi qua vẫn như vậy.

Lưu Tiện Dương cũng không nghe ra hay dở gì, nhưng không muốn phá hư hứng thú của lão nho sinh, đành phải im lặng.

Lão nho sinh lại quay đầu cười hỏi:
- Ngươi cảm thấy thế nào?

Lưu Tiện Dương đành phải thành thật trả lời:
- Không biết.

Lão nho sinh mỉm cười gật đầu, Lưu Tiện Dương tiếp tục im lặng.

Lão nho sinh lại hỏi:
- Ngươi đi học ở đây phải không? Cảm thấy không khí thế nào?

Lưu Tiện Dương ngẫm nghĩ:
- Rất tốt.

Lão nho sinh vẫn hỏi:
- Tốt ở chỗ nào?

Lưu Tiện Dương cảm thấy bất đắc dĩ, miễn cưỡng nói:
- Cái gì cũng tốt.

Lão nho sinh vui vẻ cười lớn. Lưu Tiện Dương nhìn sắc trời, đến lúc phải trở về rồi. Hắn vừa định thi lễ từ biệt, lão nho sinh giống như người thích hỏi vấn đề nhất trên đời, lại hỏi:
- Ta thấy ngươi là người luyện kiếm, vậy luyện kiếm có chỗ nào nghi hoặc không?

Lưu Tiện Dương cũng không sợ sệt hay nghi ngờ, dù sao nơi này là địa bàn của họ Trần Dĩnh Âm. Nhưng nói chuyện thân thiết với người quen sơ là điều kiêng kị, chuyện này hắn đương nhiên hiểu được, cho nên mỉm cười lắc đầu:
- Chưa từng có.

Lão nho sinh cũng mỉm cười nói:
- Thiện.

Lão có phần cảm khái. Mình là một trong số đông đảo môn sinh của Á Thánh, nói lời này là chuyện hiển nhiên. Còn cái gã kia hôm nay lại dùng chữ này làm câu thiền ngoài miệng, đúng là hơi hoang đường, nhưng hình như nói còn trôi chảy hơn cả mình.

Lão nhìn theo Lưu Tiện Dương rời đi, sau đó dời mắt nhìn về nước sông, hai tay áo có gió mát khẽ đung đưa.

Cũng từng là thiếu niên tung tăng, cũng từng cầm kiếm đi đến nơi đất khách xa xôi.

Màn đêm buông xuống, trăng non treo đầu cành, trên vai lão nho sinh cũng có một vầng trăng sáng nho nhỏ.

Lão nho sinh họ Trần, tên là Thuần An.

---------

Trong một bức tường thành cao vút tận mây, có một chữ lớn dùng kiếm khí khắc lên, một nét ngang của nó là một con đường rộng rãi.

Trên “con đường” này có một đống lửa đang cháy hừng hực. Sáu người trẻ tuổi vây quanh, người lớn nhất cũng chỉ mới tròn hai mươi, không một ngoại lệ đều là kiếm tu.

Ánh lửa chiếu rọi từng gương mặt trẻ tuổi, trong đó nổi bật nhất là một nam một nữ. Nam tử chính là thanh niên lớn nhất tuổi tròn hai mươi, áo dài trên người loang lổ vết máu, lại gây cho người ta cảm giác trắng tinh. Mặc dù không xem là anh tuấn phi phàm, nhưng khí chất ôn hoà hiền hậu phối hợp với kiếm khí trên người gần như ngưng tụ thành thực chất, khiến người ta phải cảm thấy kinh ngạc.

Thiếu nữ thì có khí khái anh hùng, mày như đao hẹp, lộ ra mũi nhọn. Nàng ngồi xếp bằng, kiếm đặt ngang trên đầu gối, một tay nâng cằm nhìn về phía nam tường cao, ánh mắt sắc bén.

Đại chiến giữa hai bên tạm thời kết thúc, trận công thủ kếp tiếp nhất định sẽ càng thảm liệt.

Một tên kiếm tu mập mạp khác có gương mặt tròn xoe, lúc cười lên cặp mắt sẽ híp lại thành một đường, nhìn như vô hại nhưng sát khí của hắn là nồng nặc nhất. Hắn uống rượu mạnh, sau đó đưa cho thiếu nữ chỉ còn một tay bên cạnh, lau miệng cười nói:
- Nếu không nhờ sáu thanh kiếm A Lương ném qua đây, lần này chúng ta chưa chắc đã sống được. Hì hì, lần sau nếu A Lương muốn ta làm ấm chăn, tiểu gia ta cũng rửa sạch mông đáp ứng.

Hắn vỗ mạnh vào bội kiếm bên hông, thân kiếm có khắc hai chữ “Tử Điện”. Lúc xuất kiếm sét tím lượn quanh, sắc bén vô cùng, cực kỳ bất phàm.

Bên cạnh tên mập là thiếu nữ một tay vẻ mặt hiền lành, im lặng uống rượu. Dáng người của cô mảnh khảnh nhưng lại đeo một thanh kiếm lớn dày rộng, tên là “Trấn Nhạc”.

Người lớn tuổi nhất thì lựa chọn thanh “Hạo Nhiên Khí” mà hắn vừa nhìn đã thích.

Thiểu nữ một tay ném bầu rượu cho thiếu niên ngồi đối diện. Sắc mặt của người này đen nhẻm, mặt đầy vết sẹo, đeo “Hồng Trang” kiếm. Không chỉ có cái tên xinh xắn, thân kiếm cũng rất xinh đẹp.

Thiếu niên kia chụp lấy bầu rượu, ngẩng đầu uống một hớp, lại uống một ngụm lớn. Lập tức bị một thiếu niên tuấn tú khác mắng:
- Họ Đổng kia, chừa cho tổ tông của ngươi một chút được không?

Thiếu niên họ Đổng còn ương ngạnh, muốn uống ngụm thứ ba. Thiếu niên tuấn tú giận đến muốn đấm đối phương một cái. Hắn là người duy nhất sở hữu hai thanh bội kiếm, một thanh tên là “Kinh Thư”, một thanh tên là “Vân Văn”, cùng nhau đặt trên đùi, chỉ là Vân Văn kiếm dường như đã mất đi vỏ kiếm.

Thiếu niên họ Đổng giơ cánh tay lên che, nhưng vẫn bị một quyền đánh trúng, thân thể lắc lư, rượu văng đầy mặt. Trong thoáng chốc hung tính của hắn bộc phát, quay đầu trợn mắt nhìn. Thiếu niên tuấn tú cũng không khoan nhượng:
- Thế nào, muốn đánh nhau à? Con mẹ nó, nếu không phải ngươi vô dụng, Tiểu Khúc Khúc cũng sẽ không vì ngươi mà chết ở phía nam.

Thiếu niên họ Đổng lập tức đỏ mắt, giận đến mức môi xanh mét.

Thiếu nữ mày như đao hẹp khẽ quát:
- Tất cả im miệng!

Sau khi nàng lên tiếng, thiếu niên họ Đổng và thiếu niên tuấn tú đều không gây chuyện nữa, người trước còn yên lặng đưa bầu rượu cho người sau.

Thiếu nữ đứng lên, lạnh lùng nói:
- “Vân Văn” và bầu rượu đều đưa cho ta.

Thiếu niên tuấn tú không cao hứng đưa tới.

Thiếu nữ đi đến ven rìa “con đường”, bên dưới là vách núi vạn trượng. Gió mạnh thổi qua, kiếm khí hỗn loạn tràn ngập trời đất, kiếm ý hung hãn không chỗ nào không có.

Hơn nữa trong thế giới Man Hoang nhân nghĩa đạo đức không có một chút tác dụng này, trên không trung còn treo ba vầng trăng, có trăng tròn, trăng bán nguyệt, còn có trăng non.

Cho nên ở nơi này không thể nói đạo lý, tất cả phải dựa vào kiếm trong tay.

Một tay thiếu nữ cầm trường kiếm không vỏ, tay kia xách theo bầu rượu, miệng bầu hướng xuống dưới trút lên thanh trường kiếm kia, nhẹ giọng nói:
- Tiểu Khúc Khúc, uống rượu đi.

Năm người phía sau thiếu nữ gần như đồng thời trong lòng mặc niệm: “Tiểu Khúc Khúc, uống rượu!”

Sau khi thiếu niên tuấn tú thương cảm, rất nhanh đã xua tan u sầu trong lòng. Ở nơi này chỉ cần chiến sự diễn ra, ngày nào không có người chết? Hắn thử dò hỏi:
- Ninh Diêu, lúc trước chúng ta mỗi người một thanh kiếm, sáu người vừa đủ. Hôm nay Tiểu Khúc Khúc đã đi rồi, cô có muốn cầm thanh Vân Văn kiếm này không?

- Không cần.
Ninh Diêu ném thanh trường kiếm đã uống rượu cho thiếu niên tuấn tú, nhìn về phương nam.

Trên con đường phía nam, đại quân yêu tộc đồn trú như bầy châu chấu, rất nhanh sẽ triển khai đợt tấn công kế tiếp vào bức tường cao này.

Nàng đột nhiên nhớ tới một chuyện, lần đầu tiên nở nụ cười.

“Xin chào, cha tôi họ Trần, mẹ tôi cũng họ Trần, cho nên... tôi tên là Trần Bình An.”

Hà, tên ngốc này.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
xxleminhxx
16 Tháng sáu, 2021 06:16
1 chương truyện này quá dài các đạo hữu @@ dịch giả cứ từ từ
nhongcon_pupa
14 Tháng sáu, 2021 19:16
Chúc mừng truyện đã cán mốc chương thứ 50! Cảm ơn Cá Cảnh rất nhiều!
Nguyễn Quốc Thịnh
09 Tháng sáu, 2021 21:40
hay mỗi tội dịch chậm quá
Hieu Le
03 Tháng sáu, 2021 00:47
Dịch tốt quá. bộ này rất khác biệt.Trấn nhỏ có vẻ bình thường nhưng có một lớp màn mỏng của sự bí ẩn như có như không. rất đáng mong chờ.
nhongcon_pupa
23 Tháng năm, 2021 07:04
Vài dòng lan man - Chương 6: - Chương 6 kể về ba mảnh đời của ba đứa trẻ có xuất thân và cuộc sống khác nhau tại trấn nhỏ, chứ không chú trọng vào việc chôn phục bút hay tình tiết trong truyện. À, ngoại trừ thân thế của tỳ nữ Vương Chu/Trĩ Khuê, nhưng hãy tạm gác cô nhóc này sang cho những lần bình khác. - Có lẽ câu nói “Người ăn đất cả đời, đất ăn người một lần” cũng phần nào miêu tả được cuộc sống của Trần Bình An trong suốt khoảng thời gian học việc tại lò gốm. Gốm được nung từ đất, cậu nhóc nhà nghèo phải theo ông sư phụ họ Diêu đi khắp nơi bốc đất cho vào miệng nhai, nghiền ngẫm mùi vị để chọn loại đất phù hợp. Tớ hơi thắc mắc, dù là quen tay hay việc hay kinh nghiệm đầy mình, việc Trần Bình An có thể biết được tính chất đất đai, ước lượng gốm vỡ để biết nguồn gốc xuất xứ thuộc lò gốm nào, cho thấy cậu nhóc này có khả năng quan sát nhạy bén và tâm tư tỉ mỉ chứ không hề ngốc nghếch hoặc tư chất kém cỏi như những người xung quanh thường chỉ trích cậu. Có lẽ đây là một đặc điểm ngầm để giúp cậu có được cơ hội bức phá sau này chăng? 1 dặm của TQ = 500m 60 dặm = 30 000m = 30 km Đây không phải là một quãng đường ngắn, đặc biệt là trong hoàn cảnh như Trần Bình An phải trèo núi băng rừng trong đêm tối, trời lại đổ mưa như trút nước. Tớ tự xét bản thân chạy được tầm 8km là đổ mồ hôi mẹ mồ hôi con, thở hồng hộc như con ki ki nhà hàng xóm rồi chứ nói gì đến 30km! Vậy mới thấy được ý chí sinh tồn của cậu nhóc này mãnh liệt đến mức nào, và phải vị tha tới mức nào mới nhận ra được rằng “trên đời ngoại trừ cha mẹ thì không ai có nghĩa vụ phải đối xử tốt với ngươi” khi tuổi đời chưa tới 12 năm. - Tống Tập Tân học thức đầy bụng, đánh cờ tiến bộ thần tốc ngày đi ngàn dặm, Tống Tập Tân tâm tư già dặn trước tuổi, tham vọng vươn cao, Tống Tập Tân phong lưu khoái hoạt, sống thảnh thơi nhàn nhã. Trái với hàng xóm Trần Bình An, cuộc đời của cậu thiếu niên này quá bằng phẳng và rộng mở, thế nhưng cậu lại luôn tìm hình tượng người cha để lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn mình. Người xưa thường nghẹn ngào bởi câu “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”, nhưng mấy ai hiểu được nỗi đau của kẻ đầu xanh bị người đầu bạc vứt bỏ? Khi Tống Tập Tân dắt theo cô tỳ nữ Trĩ Khuê nghe kể chuyện dưới gốc hòe (C.5), cậu phát hiện rằng cô tỳ nữ bắt đầu trổ mã, trước đó thậm chí còn mua rượu chôn rượu xuống đất, hệt như một người cha chôn bình Nữ Nhi Hồng để chuẩn bị cho sau này gả đứa con gái rượu vào nhà chồng. Đồng thời, cậu luôn xem vị thầy dạy học trong trường làng , Tề tiên sinh, thành hình tượng gương mẫu của một người cha nghiêm khắc. Tống Tập Tân đánh cờ quá giỏi, giỏi đến mức thư đồng Triệu Diêu phải cố gắng nhiều năm liền mới có thể ngang ngửa năm ăn năm thua với lối đánh cù nhây của cậu, thế nhưng chỉ cần Tề tiên sinh “tự mình hạ thánh chỉ” (C.6) thì y như rằng Tống Tập Tân sẽ vâng lời mà đến. Qua những hành động như “tranh công ngẩng đầu cười hỏi”, “còn có thể tiễn tiên sinh”, “sửng sốt, hơi lúng túng, lấy can đảm” để chất vấn câu dặn dò của ông giáo họ Tề, tớ chỉ thấy được hình ảnh của một cậu nhóc thông minh ngỗ nghịch tìm cách thu hút sự chú ý của người cha nghiêm khắc mà thôi, chứ đâu còn những nét già dặn trước tuổi đầy tham vọng vươn cao nữa. - Thư đồng Triệu Diêu là nhân vật vừa xuất hiện trong chương 5, mặc áo xanh, cực kì cố chấp với việc thành – bại – được – mất, rất tuân thủ theo quy củ nghiêm ngặt. Có thể thấy đây là một “ông cụ non” rất biết vâng lời và thuộc hàng ngũ con ngoan trò giỏi, sặc mùi quân tử ... Tàu, nhưng có thể được chọn làm thư đồng dự bị (vì lựa chọn đầu tiên của Tề tiên sinh là đại ca xóm dưới Lưu Tiện Dương) ắt cũng có những năng lực đặc sắc riêng. Thật đáng mong chờ tác giả sẽ phát triển tuyến nhân vật ngay đơ thẳng cứng này như thế nào.
nhongcon_pupa
21 Tháng năm, 2021 08:09
Cảm ơn leminh :D
nhongcon_pupa
21 Tháng năm, 2021 08:08
Vài dòng lan man - Chương 5: - Trong chương 1, chúng ta có lời đồn về nguồn gốc của Tống Tập Tân như sau: “Vị đại nhân kia sợ thanh danh bị gièm pha, quan giám sát trong triều tố cáo, cho nên cuối cùng một mình trở lại kinh thành báo cáo công việc, giao đứa trẻ cho quan viên thay thế có quan hệ thân thiết giúp trông coi chiếu cố”. Trong chương 5, chúng ta lại có thêm một “nguồn tin” khác nói về Tống đại nhân: “quan tiền nhiệm Tống đại nhân là người được lòng dân nhất. Tống đại nhân không giống như những quan lão gia trước đó ngồi tít trên cao, ông chẳng những không trốn trong dinh quan tu thân dưỡng khí, cũng không đóng cửa từ chối tiếp khách, một lòng nghiên cứu học vấn ở thư phòng, mà là tự tay làm tất cả công việc ở lò gốm, quả thật còn giống dân chúng thôn quê hơn cả thợ gốm. Trong hơn mười năm, vị Tống đại nhân vốn đầy vẻ trí thức này đã phơi nắng đến mức nước da đen kịt sáng bóng, trang phục ngày thường không khác gì một anh nông dân, đối nhân xử thế chưa từng lên mặt.” Quả là tam sao thất bản, khó biết đường đâu mà lần! Tuy nhiên nếu xét về mặt hàm ý, tin đồn đầu tiên có phần ác ý, muốn dè bỉu vị quan to họ Tống này làm con nhà lành có chửa, sợ bị mất uy tín nên đành phải chạy về kinh thành lánh nạn, bỏ luôn cả đứa con riêng cho người dưng chăm sóc. Nếu như vậy thì mẹ của Tống Tập Tân đâu? Không lẽ vị quan kia muốn bỏ đứa con nhưng lại kéo theo người mẹ trở về kinh? Nếu xét theo lẽ thường thì làm thế không khác gì đang lạy ông tôi ở bụi này, hoàn toàn không hợp lý! Chúng ta hãy tạm xem loại tin đồn này được bắt nguồn từ những buổi đi buôn, đi chợ của các thím, các bác trong trấn vậy. Tin đồn thứ hai có nhiều thông tin chi tiết hơn, lại còn có nguồn gốc từ “các thế gia vọng tộc” (C.5). Phải biết rằng phủ quan và ngõ Đào Diệp là hàng xóm với nhau trên đường Phúc Lộc, vì vậy người đọc mạn phép đoán rằng tin đồn này được những người hầu trong phủ nghe lỏm qua những lúc trà dư tửu hậu của các ông lớn, sau đó lén truyền tai với nhau. Dù thế nào đi nữa, nhờ có những thông tin bên lề này mà người đọc có thể xác định một số thông tin như sau: 1. Quan giám sát Tống đại nhân nhậm chức hơn 10 năm mới về kinh thành. Trong thời gian làm quan, Tống đại nhân rất khiêm nhường và rất có hứng thú trong việc chế tạo đồ gốm. 2. Tống Tập Tân trạc tuổi Trần Bình An, tức là tầm 14 tuổi (C.1). Tống Tập Tân được sinh ra và lớn lên trong khoảng thời gian ông cha vẫn đang còn làm quan tại trấn nhỏ. 3. Mẹ của Tống Tập Tân là người bản xứ của trấn, hay là người đến từ xứ khác như Tống đại nhân? Vì sao không có ai nhắc đến? Vấn đề này có lẽ sẽ được giải đáp trong tương lai. 4. Tống Tập Tân vẫn luôn có phán đoán riêng về thân thế và nguồn gốc của gia tộc họ Tống, hơn nữa vẫn có khả năng còn ngầm giữ liên lạc nên mới quyết định đi kinh thành trong 1 tháng tới (C.1) - Lão tiên sinh kể chuyện là người đến từ xứ khác. Hẳn mọi người còn nhớ đến sự kiện nộp phí vào trấn bằng cái túi thêu (C.2), vậy đây hẳn là một nhân vật cao thâm khó dò khác tiến vào trấn với mục đích riêng. Tạm không nhắc đến chuyện cổ tích giết rồng 3000 năm trước, chỉ nói về câu chốt của lão: “Trên đời tuy đã không còn chân long, nhưng những loài thuộc họ rồng như giao, cầu, ly ... vẫn thật sự sống ở thế gian, nói không chừng đang ... Nói không chừng đang ẩn náu bên cạnh chúng ta, thần tiên đạo giáo gọi đó là rồng ẩn dưới vực sâu!” Hẳn mọi người còn nhớ con rắn mối lì đòn, kiên quyết bò xuống gầm giường của Tống Tập Tân (C.1). Nguyên văn về tên của con vật này là 四脚蛇 (tứ cước xà), nghĩa là con rắn có 4 chân, trên đầu lại có cục u như muốn mọc sừng, lẽ nào đây là đời sau của con chân long trong truyền thuyết? Nếu đúng là vậy, vì sao nó lại muốn vào nhà họ Tống cho bằng được? Truyện Trung Quốc hay có câu “rồng trong loài người” để nói về những nhân vật tài năng xuất chúng. Tống Tập Tân có xuất thân không tầm thường, lại được con cháu của rồng muốn nương nhờ, lẽ nào cậu nhóc này có số làm vua, hay thậm chí có xuất thân từ hoàng tộc? Chúng ta hãy cùng hạ hồi phân giải trong các chương sau. -Xuất thân của cô tỳ nữ Trĩ Khuê cũng li kì không kém cậu chủ nhà họ Tống của cô. Người thì nói “một cô gái xứ khác ăn xin dọc đường đến nơi này, bất tỉnh trước cửa nhà Tống Tập Tân, nếu không phải có người phát hiện sớm thì đã đi gặp Diêm Vương chuyển thế đầu thai”, người khác lại bảo “ống đại nhân đã bảo người ta mua cô nhi từ nơi khác, tìm cho đứa con riêng Tống Tập Tân một người thân thiết biết nhân tình ấm lạnh, nhằm bù đắp một ít thiệt thòi khi cha con không thể nhận nhau.” Thật đến là khổ với giới “bà tám” trong trấn! May thay còn có câu nói của Tống Tập Tân về Trần Bình An, rằng “đời này hắn đã làm một chuyện có ý nghĩa” và Trĩ Khuê lập tức “lông mi hơi run rẩy”, chúng ta có thể tạm đoán rằng Trần Bình An chính là người đã phát hiện Trĩ Khuê đang nằm trong đống tuyết. Nếu đúng như vậy thì vì sao Lưu Tiện Dương lại tinh ý phát hiện “ngươi giúp nha đầu Vương Chu kia xách nước một lần, sau đó cô ấy lại không nói chuyện tán gẫu với ngươi nữa” (C.4)? Giữa hai nhân vật này còn có gúc mắc gì chưa nói rõ chăng? Lại một lần nữa, chúng ta hãy cùng hạ hồi phân giải trong các chương sau.
xxleminhxx
18 Tháng năm, 2021 12:01
hay quá bác :D
nhongcon_pupa
18 Tháng năm, 2021 06:05
- Qua những dòng miêu tả về cậu thiếu niên đại ca xóm dưới Lưu Tiện Dương, người đọc không khỏi liên tưởng đến hai nhân vật Khấu Trọng và Từ Tử Lăng trong bộ truyện trấn web Đại Đường Song Long ngày xưa của TTV. Qua những hành động rất nhỏ như cố ý đi vòng qua đống tro tàn của lá bùa vừa đốt; được Trần Bình An tri hô cứu mạng thì lấy danh nghĩa đi bắt nạt cậu thiếu niên nhà nghèo mỗi ngày nhưng thực chất có ý ngầm muốn bảo vệ, sợ đám con nhà giàu đến báo thù hay chặn đánh; những lúc Trần Bình An gặp khốn khó thì giới thiệu việc làm ở lò gốm hay đi đào giếng ... Có lẽ Lưu Tiện Dương là hình tượng tiêu biểu cho mọi mong muốn của những đứa trẻ trong xóm nghèo: có tình có nghĩa, cao lớn khỏe mạnh, dòng dõi binh gia, làm việc gì cũng thành thạo, hào sảng và đặc biệt là đầy khí phách cóc ngán bố con thằng nhà giàu nào. Đến cả Trần Bình An còn thấy được Lưu Tiện Dương như một viên đá quý chưa được mài giũa, nói gì đến ba ông sư phụ lần lượt muốn nhận cậu ta làm đồ đệ. Đầu tiên có ông giáo họ Tề muốn miễn giảm học phí để cậu thiếu niên tiếp tục tới trường, thậm chí còn muốn bỏ tiền ra thuê làm thư đồng nhưng bị từ chối. Sư phụ làm gốm họ Diêu sau khi nhận cậu làm đại đệ tử thì cưng như trứng mỏng, lỡ tay đánh Lưu Tiễn Dương rướm máu đầu thì lo lắng không thôi. Cuộc sống xoay vần, lão Diêu qua đời, đến phiên sư phụ thợ rèn họ Nguyễn đến từ xứ khác chấm trúng cậu đại ca xóm dưới ngay và luôn, thậm chí còn nhận xét đây là một kì tài luyện võ, chứ đâu như lúc nhìn thấy Trần Bình An người ngợm đen nhẻm thì sút thẳng từ vòng ... phỏng vấn học việc! Phải nói đây là một nhân vật rất thú vị, tương lai ắt là người hành hiệp trượng nghĩa. Thật đáng mong chờ thay! - @Lạc mầm non đoán quá chuẩn! Vị đạo sĩ trẻ mãi không già tiếp tục xuất hiện tại chương này. Trấn nhỏ như có màn sương bí ẩn như có như không, và vị đạo sĩ này cũng không ngoại lệ. Trấn nhỏ có hơn sáu trăm hộ gia đình (C.3), vậy mà trong nhiều năm liền chưa từng có người rút trúng quẻ Hạ? Là do đạo sĩ giở trò, hay là do mệnh của người dân tại đây đặc biệt tốt? Con chim sẻ như có linh tính vì sao không có hứng thú đồng tiền của Trần Bình An (C.3), mà lại thích chí ngậm tiền của Tống Tập Tân? Đạo sĩ không quan tâm tới tiền bạc, nhưng vì sao lại cuống cuồng “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”, muốn xem bói cho người dân trong trấn nhỏ, và nếu tiền bạc không quan trọng thì phí trả công đoán vận là gì? Chúng ta hãy cùng hạ hồi phân giải. Đạo sĩ từng đưa ra 3 lời đoán vận. Trần Bình An (C.3): “ Số mệnh tám thước đừng cầu một trượng.” Lưu Tiện Dương (C.4): “Chỉ mong năm nay được thịnh vượng, ai ngờ số mệnh có tai ương.” Đôi chủ tớ Tống Tập Tân (C.4): “Hồ nước đầy... ếch kêu hỗn loạn, thứ đâm lòng người là nhân tâm. Nơi này công danh bèo trên nước, chỉ cần gió thổi dạt bốn phương! Trạng nguyên vốn đến từ nhân gian, tể tướng chỉ là kẻ trên đời. Học theo tiên nhân danh tiếng lớn, đắc ý hả hê tinh khí thần!” Dự là Trần Bình An đoản mệnh, Lưu Tiện Dương gặp bất trắc, chủ tớ Tống Tập Tân cuối cùng cũng có thể toại nguyện, từ cá chép hóa thành rồng, đường công danh một bước lên trời. Không biết chư vị đồng đạo nghĩ thế nào về 3 câu đoán vận này? - Bản đồ trong chương 4 đã trải rộng hơn nhiều. Tớ đã thêm vào lò gốm, con suối, đường cái, đồng thời thêm vẽ thêm ảnh minh họa cho ngõ Đào Diệp và thay đổi vị trí của ngõ Nê Bình, ngõ Hạnh Hoa, giếng Thiết Tỏa, trường làng, rừng trúc. (Ảnh được đăng tại forum của TTV)
nhongcon_pupa
16 Tháng năm, 2021 06:32
Vài dòng lan man - Chương 3: - Người giàu sang, kẻ nghèo hèn. Sự cách biệt giàu nghèo luôn là đề tài được nhắc đến xưa nay, trong đời thật cũng như trong những dòng thơ văn. Trấn tuy nhỏ, nhưng sự khác biệt giữa hai tầng lớp này lại hiện rõ mồn một qua ánh mắt của cậu thiếu niên nhà nghèo Trần Bình An: “Con đường bên kia được lót bằng nhiều phiến đá xanh lớn, trời mưa cũng sẽ không đạp văng bùn lầy tung tóe. Trải qua người ngựa xe cộ giẫm đạp nghiền ép trăm ngàn năm, những phiến đá xanh phẩm chất cực tốt đó từ lâu đã được mài phẳng nhẵn bóng như gương.” Đường đã đẹp, cái tên của con đường đương nhiên phải làm toát lên cái nét cao sang quyền quý của các tộc họ và dinh thự quan lại đặt tại đây, cho nên lấy cái tên “Phúc Lộc”. Trần Bình An chân lấm tay ... bóc đất nặn phôi quanh năm, lại thật thà chân chất nên nào có quen với việc đặt chân lên con đường đẹp đẽ như vậy; đến mức “hơi thấp thỏm, bước chân chậm đi, lại có phần tự ti, không kìm được cảm thấy giày cỏ của mình làm bẩn mặt đường.” Tâm trạng của cậu thiếu niên trở nên lo âu bội phần khi đứng trước bức tường cao cửa rộng của nhà họ Lư, thậm chí còn cho rằng hành động “dùng tay kẹp góc phong thư” vì sợ ... bẩn của người hầu trong nhà, cũng như việc “xoay người bước nhanh vào trong nhà, đóng sập cánh cửa lớn”, không nói không rằng là điều hiển nhiên, chứ không phải là loại thái độ xem thường người dân xóm nghèo. Mà không chỉ có mỗi nhà họ Lư, quá trình giao thư cho bảy nhà quyền quý còn lại cũng “bình thường như vậy”, cũng lạnh nhạt không kém. Người đọc không khỏi thở dài, sau đó giật mình nhận ra rằng thay vì tác giả lồng những tình tiết miệt thị, “chứng tỏ đẳng cấp hơn người” thường thấy trong truyện mạng, sự thờ ơ lạnh lùng trong cách ứng xử giữa các nhân vật như thế này lại “thật”, lại đau thấu vào lòng hơn rất nhiều. - Trái ngược hẳn với đám nhà giàu sống ở đường Phúc Lộc, đoạn đối thoại kì kèo vài đồng xu lẻ xem bói, nhưng lại đầy hơi ấm giữa người với người của đạo sĩ nghèo và cậu thiếu niên nghèo ... còn hơn giúp người đọc thấy được một nét đẹp khác trong con người của Trần Bình An. Cậu không bị ảnh hưởng bởi sự giàu sang tại ngõ Đào Diệp, không màng đến đường tài lộc eo hẹp đến mức bữa no bữa đói (C.1) của bản thân, mà chỉ muốn dùng hết số tiền kiếm được từ việc đưa thư để mua một lá bùa về đốt cho hai đấng sinh thành quá cố của mình. Đáng khen, đáng thương thay! - Bản đồ vẽ trấn nhỏ đã được thêm vào các chi tiết như hình vẽ minh họa cho Trường làng, Rừng trúc, Miếu Con Cua, Đường Phúc Lộc, Ngõ Đào Diệp, Phủ quan. Những vị trí của các địa danh trên được sắp xếp theo tưởng tượng của người đọc, sẽ được cập nhật cho chính xác hơn khi qua những câu miêu tả của nhân vật trong các chương sau. Nếu mọi người có cao kiến nào khác, xin hãy thẳng thắn góp ý chứ đừng ngại ngùng chi. Đều là fan của Kiếm Lai cả. (Ảnh được đăng tại forum của TTV)
nhongcon_pupa
15 Tháng năm, 2021 07:23
- Trần Bình An mưu sinh kiếm sống qua ngày bằng công việc phát thư từ ngoài trấn, nhờ đó người đọc mới có thể theo dấu chân của cậu thiếu niên nhà nghèo tham quan khung cảnh bên trong trấn nhỏ. Dưới đây là bản đồ phác họa sơ về các địa điểm được đề cập trong chương 2 và mũi tên chỉ hướng đi của Trần Bình An từ ngõ Nê Bình đến cổng làng. Những vị trí của giếng Thiết Tỏa, ngõ Hạnh Hoa, trường làng, miếu Con Cua sẽ được chỉnh sửa lại khi các nhân vật trong truyện miêu tả kĩ hơn xuyên suốt các chương. (ảnh được đăng tại forum của TTV) - Qua hai chương đầu tiên, người đọc có thể phần nào hiểu được bản chất chịu khổ chịu tìm tòi học hỏi của Trần Bình An: gà chưa gáy sáng đã thức dậy, "lén học lỏm" các bài giảng tại ngôi trường làng, chăm chỉ luyện tập các tư thế nặn phôi dù không còn liên quan tới nghề gốm nữa (C.1) - Trấn nhỏ ở nơi xa xôi hẻo lánh, nhưng bỗng có một tốp người ăn mặc giàu sang, "áo quần dày cộm", "chắc hẳn là rất ấm áp, có thể chịu lạnh được" xếp hàng chờ vào trấn. "Trấn nhỏ" nhỏ như cái ... lỗ mũi nhà người ta, cổng trấn rộng mở, đáng lý ai muốn ra muốn vào đều tùy ý, nhưng vì sao những con người quyền quý này dường như phải tuân thủ theo một quy tắc nào đó để tiến vào? Thân phận của họ là gì? Toàn bộ lò gốm đã đóng cửa, vậy vì sao họ phải lặn lội tới nơi này? Vì sao phải nộp "một cái túi thêu nhỏ" cho tay gác cổng lôi thôi, chua ngoa, mê ngắm gái và keo kiệt đến mức muốn ăn chặn mấy đồng xu lẻ của Trần Bình An? Chúng ta hãy cùng hạ hồi phân giải trong các chương sau
Hieu Le
14 Tháng năm, 2021 09:16
Dịch có tâm thực sự xD
nhongcon_pupa
14 Tháng năm, 2021 05:47
Vài dòng lan man - Chương 1: - Rất cảm ơn anh em dịch giả nhà Cá Cảnh quyết định theo dịch bộ truyện rất hay này. Nếu fishscreen có đọc thấy, xin cũng đừng ngạc nhiên. Tôi chỉ là một member cũ của forum gia nhập hơn 11 năm về trước thôi. - Bản thân tôi không thể nói là chưa từng đọc qua Kiếm Lai, nhưng tuyệt đối không quá trăm chương dịch (do chưa có người cán mốc này), càng chưa từng nhìn qua bản convert, nên đây xem như là đọc Kiếm Lai lại lần thứ 2. Xin phép dùng đôi mắt và tâm thái của một người lần đầu đọc truyện để viết lan man theo từng chương. - Ngõ Nê Bình (泥瓶), nê là đất, bình là chiếc bình chiếc lọ, có thể hiểu nôm na là hẻm bình đất, vừa nghe qua tên đã hình dung ra được con hẻm này bình dân mộc mạc đến mức nào. Họ Trần, tên Bình An - Trần Bình An - một cái tên không thể nào bình thường hơn, hệt như tên con hẻm. Đã vậy người ngợm còn vừa gầy vừa đen. Tác giả vốn ưu ái giới cậu thiếu niên này ngay từ lúc truyện được bắt đầu, nhưng tôi vẫn không khỏi phải bật cười vì suýt nữa đã cho rằng đây chỉ là một cậu nhóc nhà quê thuộc tuyến nhân vật phụ nào đó mà thôi. Quy mô của trấn không lớn, không vừa, nên chỉ có thể là trấn nhỏ, không có tên riêng, đủ để thấy nơi này nằm ở nơi khỉ ho cò gáy nào đó không đáng nhắc tới. Tuy nhiên tác giả đã vớt vát lại một chút hứng thú của người đọc qua giới thiệu về nghề đồ sứ trứ danh của trấn. Tay nghề truyền đời của dân trong trấn nhỏ rất tốt, được triều đình ưu ái giao cho trọng trách làm đồ cúng tế lăng mộ, thậm chí còn có cả quan viên đến giám sát hàng năm. Ngõ Nê Bình, cậu nhóc Trần Bình An, trấn nhỏ không tên, nghe qua thì chẳng có gì đáng để chú ý, nhưng khi ráp vào với chi tiết có liên quan đến triều đình thì nó trở nên có gì đó bất thường ngay. Có quan chức thay nhiệm kì hàng năm, có sắc phong “phụng chiếu sản xuất đồ dùng cúng tế lăng mộ”, ngay cả một cái ngõ cũng cố đào ra cho được cái tên Nê Bình theo truyền thống làm nghề gốm, thì vì sao trấn nhỏ lại không có tên? Vì không có ai dám đặt tên, vì kiêng kỵ, hay là vì đang ẩn dấu huyền cơ? Tôi từng đọc qua Tuyết Trung Hãn Đao Hành, tin tưởng rằng ngòi bút sắc bén của tác giả sẽ đưa người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác xuyên suốt bộ truyện này. Vì đây là chương đầu tiên nên các nhân vật chỉ đang lần lượt xuất hiện, dù có huyền cơ thì vẫn chưa thể bàn luận được. Lão sư phụ họ Diêu, lão thợ rèn họ Nguyễn ở ngõ Kỵ Long, thân thế con riêng của hàng xóm lâu năm Tống Tập Tân, tỳ nữ Trĩ Khuê, thiếu niên áo gấm và lão già, người đàn ông trung niên và con cá, con rắn mối có cục u trên đầu dưới gầm giường. Từng chi tiết tưởng chừng như rất nhỏ cùng nhau đắp nặn thành một bức tranh làng quê muôn màu muôn vẻ đời thường, cộng thêm tiết tấu chầm chậm của truyện khiến tôi có cảm giác trang trải bình yên đến lạ. Có lẽ đây là cái hồn, cái nét riêng của bộ truyện này, khiến mỗi lần tôi đọc Kiếm Lai phải lấy tâm thái bình thản để trải nghiệm từng câu từng chữ trong truyện. - Tôi có thấy một lỗi chính tả bé xíu trong chương truyện hơn vài ngàn chữ, là "sửng sốt" chứ không phải "sững sốt". Nếu dịch giả có liếc qua dòng này, xin hãy tiện tay sửa lại luôn. Xin cảm ơn bạn đã theo dịch bộ truyện này lần nữa.
tuan_ohyeah
05 Tháng năm, 2021 17:27
tuy ko đọc truyện dịch nhưng có chương mới là vô like truyện hay
longchien0123
22 Tháng tư, 2021 09:37
Dịch giả dịch tốt thật
Phan Thanh Bình
21 Tháng tư, 2021 17:50
Cảm ơn dịch giả, cơ mà 1-2 năm nữa quay lại đọc :joy:
GERParadox
19 Tháng tư, 2021 19:22
Cảm ơn dịch giả.
CaiQuan
19 Tháng tư, 2021 12:06
ủng hộ
bolynu
18 Tháng tư, 2021 11:17
up ủng hộ bác dịch
xxleminhxx
18 Tháng tư, 2021 05:15
yeah yeah
bưởi chua
07 Tháng tư, 2021 21:06
dịch rất hay đấy...thanks dịch giả
thiennhaihaigiac
21 Tháng ba, 2021 01:07
VD như đoạn “thiên khai thần tú” mà dịch thì về sau lsao mà à ra thế khi tú thần khai thiên đc
thiennhaihaigiac
21 Tháng ba, 2021 01:05
Chẹp, truyện này mà dịch thì cvt khổ thôi rồi, chương rõ dài mà nhiều khi khó mà dịch sát nghĩa đc. Hầy...
Mrkn
18 Tháng ba, 2021 23:44
Cám ơn các dịch giả. Mình nghe nói truyện hay lắm nhưng đọc convert truyện này sao khó quá nên không đọc, giờ được đọc truyện dịch thì quá đã :D
Đại Thánh Hoàng
18 Tháng ba, 2021 16:15
phần cuối cùng của chương trước khi chuyển sang chương tiếp theo
BÌNH LUẬN FACEBOOK