......
Còn chưa bước tới trước xưởng thép, bỗng có hai người phụ nữ nhiệt tình đón tiếp cô, kéo chiếc túi hành lý từ tay cô, cười nói với chất giọng ồm ồm: "Thầy thuốc mát tay từ thành phố đến phải không?"
Ở Ma Tử Lĩnh, ai cũng gọi "giỏi" là "mát tay", gọi "bác sĩ" là "thầy thuốc".
*Chú ý: Để phù hợp với bối cảnh của ngôn ngữ đích, để phù hợp với thói quen đọc của độc giả, tui vẫn giữ nguyên từ "bác sĩ".
Hai người phụ nữ thoạt nhìn đã khá lớn tuổi, vân da cá trên mặt xếp chồng lên nhau những mấy tầng.
Một người mặc áo xanh, một người mặc áo đỏ, cùng kiểu áo hoạ tiết hoa lá bình thường của một gia đình nông dân, nhưng khắp người lấm lem những lớp than bẩn, bôi lên người, khiến chiếc áo cũng trở nên ố vàng.
Mái tóc họ tết gọn gàng, nhưng dù có chải chuốt kỹ càng đến mấy cũng không thể làm đen mái tóc vàng úa như mầm đậu nành. Nếu các cô gái thành thị suốt ngày lui tới vũ trường hoạ quán nhìn thấy, chắc hẳn sẽ nói đầu họ cứ như đội đầy rơm.
"Tôi họ Lan, mới tốt nghiệp, không thể nói là mát tay." Lan Thiện Văn khiêm tốn đáp.
Trước khi đến đây, cô đã hỏi những người làm việc từ Ma Tử Lĩnh trở về, học được một vài từ tiếng địa phương, giờ cô đã có thể hiểu một ít những gì họ nói.
"Mấy người thành phố đều da mặt mỏng, khen mấy câu mà như lừa gạt." Người phụ nữ áo hoa đỏ nở nụ cười toe toét trên khuôn mặt đen đen vàng vàng: "Nhà tôi họ Bào, bác sĩ cứ gọi tôi là Bào đi."
Hầu hết phụ nữ ở đây đều không có họ tên, gả cho nhà Trương thì tên là Trương, gả cho nhà Lý thì tên là Lý, khi chết, bia mộ cũng vẫn là Trương, là Lý.
Cùng lúc đó, người phụ nữ mặc áo xanh giật giật khuôn mặt mọc đầy nốt ruồi, xoa tay nói với Lan Thiện Văn:
"Ba của con tôi họ Hồ, bác sĩ gọi tôi là Hồ là được. Hôm qua xưởng trưởng nói trong cuộc họp rằng nơi đây sắp có vài bác sĩ đến, thế nên ông Trương phụ trách cử chúng tôi đến đón bác sĩ. Bác sĩ Lan ngồi trên xe có mệt không? Tôi nghe người ta nói ngồi trong cái lồng sắt lâu sẽ bí bách, sẽ đau tim. Đi đi đi, mau vào đây uống một tách trà nóng với chúng tôi."
"Không cần đâu, tôi phải đi báo cáo với xưởng trưởng trước." Lan Thiện Văn mỉm cười lịch sự, nụ cười xa cách có thể từ chối nhiều chàng trai theo đuổi cô thời đại học, nhưng không thể từ chối những người phụ nữ dầm nắng phơi sương, mỗi bên một người kéo cô đến chỗ họ sống.
"Về sau chúng ta sẽ là người một nhà, bác sĩ Lan còn khách khí với chúng tôi làm gì, đi đi đi, chúng tôi dẫn bác sĩ đi dạo một vòng, cũng để bác sĩ xem bác sĩ sẽ ở căn phòng nào."
Khuôn mặt mang sắc đỏ cao nguyên của người phụ nữ tràn đầy nụ cười, họ kéo cô đi vào, Lan Thiện Văn ôm mấy cuốn sách thở không ra hơi, đương nhiên không phải đối thủ tầm cỡ với hai người phụ nữ đã quen lao động trên ruộng. Họ kéo cô vào cổng xưởng thép, đi thẳng về ký túc xá nhân công.
Trong xưởng thép có hàng trăm công nhân, nam nữ lẫn lộn, già trẻ lớn bé đủ cả. Để dễ quản lý hơn, xưởng trưởng xin chỉ thị của cấp trên, cho xây rất nhiều căn nhà để chứa đàn ông, đàn bà, già trẻ trên đỉnh Ma Tử Lĩnh nhọn nhọn.
Lan Thiện Văn được hai người phụ nữ đưa đến ký túc xá.
Giống như những chiếc giày da mũi to của nước ngoài thịnh hành một thời trong giới phụ nữ Trung Quốc, ký túc xá cũng trở thành tiêu điểm bàn tán trong vài năm qua, mọi người ở Ma Tử Lĩnh đều gọi nó là cái phòng lò.
— Căn tin bếp lò, rau bếp lò, hun thép trên sắt bếp lò, thép này bắc lên, sắt kia kháng lại, tất cả đều diễn ra trên chiếc giường lò ấm áp, mọi người vui vẻ sống trong căn phòng mới.
Bên dưới dòng chữ này là hình ảnh những tòa nhà cao ốc chọc trời trên báo chí phương Tây.
Phấn trắng in trên tường ký túc xá và tàn tro dính trên gạch ngói đỏ vẫn chưa bị gió mưa xoá nhoà, chứng tỏ chỉ mới được viết gần đây.
"Bác sĩ Lan, đến rồi!" Cô đang thẫn thờ nhìn dòng chữ trên tường thì bỗng bên cạnh vang lên tiếng huýt sáo của người phụ nữ. Lan Thiện Văn định thần lại, phát hiện bản thân đã giáp mặt với bức tường đỏ không biết tự bao giờ, bước tới một căn nhà nửa gạch nửa phôi bùn.
Căn nhà rất dài, từ đầu đông tới đầu tây dài khoảng chừng mấy chục mét, trước mặt là một khoảng đất nhỏ vuông vức trồng vài mầm tỏi và rau xanh mơn mởn, bên cạnh ruộng rau nhỏ có miệng giếng nước treo hai xô gỗ bằng dây thừng, có hai con gà trống đội mào đỏ đang mổ lên mổ xuống sợi dây.
Thấy chân con gà trống ướt nhẹp in hình lá phong trên mép giếng, người phụ nữ họ Hồ giận tím mặt, đến cả nốt ruồi trên cằm cũng run lẩy bẩy, ả kêu lên: "Cút đi, chắc chắn lại là con gà khốn khiếp của con điếm đó. Giếng nước đang yên đang lành, giờ bị lũ súc sinh chân toàn cứt đái giẫm đạp lên, hỏng cả!"
Vừa nói, ả vừa nhặt chiếc sào tre gánh nước dưới đất lên, dùng hết sức nện về phía hai con gà trống, luồng gió nổi lên khiến hai con gà giật mình kêu "tác tác tác", đập cánh bay tứ tung, có vài sợi lông rụng còn bay vào mặt người phụ nữ theo làn gió.
"Phịt, phịt, khạc." Người phụ nữ họ Hồ khạc hết lông ra khỏi miệng, nhìn hai con gà càng thêm tức, ả xắn tay áo lên, vung cái sào tre muốn giã chết hai con gà.
Lan Thiện Văn nhìn ả ta vừa mắng chửi vừa cầm cái sào sống chết với con gà, người phụ nữ họ Bào đứng đó không những không cản mà còn cổ vũ ả ta.
Lan Thiện Văn khó xử, đi cũng không được mà khuyên cũng không xong. Đang lúc bối rối, bỗng tấm rèm vải đỏ treo trên cửa một căn buồng bên trong được vén ra, xuất hiện một cô bé buộc tóc sừng cừu lớn khoảng chừng năm, sáu tuổi.
Cô bé trông rất ưa nhìn, với đôi mắt to tròn trong veo, hai mí và chiếc cằm nhọn, không nghi ngờ gì, lớn lên hiển nhiên sẽ là một cô gái xinh đẹp.
Cô bé đang ôm chiếc chậu sứ vỡ một lỗ, bên trong là đống quần áo chất lên cao ngất, có vẻ như muốn đến đây để giặt quần áo.
Nhưng, khi thấy người phụ nữ họ Hồ muốn đập chết hai con gà trống, cô bé vội vàng thả chậu xuống, thân hình nhỏ bé lảo đảo đến chắn trước hai con gà trống, chặn ngang cây sào của người phụ nữ họ Hồ, nhìn ả với đôi mắt sáng long lanh và nói bằng chất giọng non nớt: "Thím Hồ, thím không được đánh chết chúng nó, mẹ cháu nuôi chúng nó để tẩm bổ cho bà ngoại ăn đấy."
"Tẩm bổ cái khỉ gì, con ranh hỗn láo, đừng tưởng tao không biết dạo này mẹ mày đang dụ dỗ ông chủ quản trong xưởng, mấy con gà này để làm mồi nhậu cho ông ấy chứ gì!"
"Thím xuyên tạc!" Nghe ả nói xấu mẹ, đôi mắt xinh đẹp của cô bé đỏ lên chỉ trong phút chốc, bĩu môi ngẩng đầu lên cãi lại: "Bà ngoại bệnh, chú mợ không quan tâm bà, mẹ cháu nói sẽ đưa bà đến ở cùng mẹ con cháu, gà này để cho bà ăn, để nấu cho bà ăn!"
"Này, con nhãi con, nếu mày nói con mẹ vô liêm sỉ của mày chưa bao giờ dụ dỗ người nghiêm túc, thế bố mày đâu? Chẳng lẽ mày chui từ trong khe đá ra?"
Người phụ nữ mặt đen hung hãn hơn cả đàn ông, không đếm xỉa có người sống sờ sờ bên cạnh, ả đập cây sào xuống đất uy hiếp: "Con nhãi, cút đi, ngày nào hai con súc vật kia cũng mổ sạch vườn rau nhà người ta, hôm nay nếu không đánh chết chúng, bà đây có chết cũng không chôn trong phần mộ tổ tiên nhà họ Hồ."
Bị câu hỏi hùng hổ hăm doạ của ả ta làm khó, mắt cô bé càng lúc càng đỏ, nhưng vẫn ngoan cố đứng trước mặt ngăn ả làm bất cứ điều gì.
"Con nhãi, nhìn mày giống mẹ thế không biết, không ai dạy dỗ, ngứa cả mắt!" Người phụ nữ cay đắng nói, ném cây sào xuống, tóm lấy cô bé định đánh.
Sau đó Lan Thiện Văn thực sự không thể nhìn thêm được nữa, cô kéo người phụ nữ họ Bào đang đứng bên cạnh, cau mày nói: "Chị Bào, cô bé đó vẫn còn nhỏ, chị Hồ đâu nhất thiết phải chĩa mũi nhọn vào cô bé?"
"Bác sĩ Lan, bác sĩ không biết, mẹ của cô bé này là một con xe bạt vô liêm sỉ, y như hồ ly tinh, ở ngoài người ta đồn cho không còn thanh danh mặt mũi, gái chưa chồng mà đã chửa bụng to phềnh, hỏng cả phong tục địa phương chúng ta. Chúng ta chỉ đang thay mặt người trên núi dạy dỗ bọn chúng, chẳng to tát gì đâu, bác sĩ Lan đừng lo, cứ yên tâm nhìn!"
"Xe bạt" là một cái tên xúc phạm dành cho những người phụ nữ dây dưa mập mờ với nhiều người đàn ông. Mặc dù Lan Thiện Văn không rõ ý trong lời nói của ả, nhưng xét từ vẻ mặt khinh thường của ả, cô đoán đây chắc chắn không phải một từ đẹp đẽ gì cho cam.
Vừa nói, người phụ nữ vừa xem vui vẻ, như thể đang xem một màn kịch hay.
Người phụ nữ họ Hồ tóm lấy cô bé, đánh cô bé rất nhiều lần, nhưng cô bé không khóc toáng lên như các bạn khác những khi bị té, bị đánh. Bị đánh mà không khóc cũng không kêu, chỉ cắn răng chịu đựng, khiến Lan Thiện Văn nhìn mà không khỏi đau xót.
Một cô gái chưa từng đặt chân đi đâu đi đó vẫn có trái tim mềm yếu hơn hẳn, vả lại còn là sinh viên y khoa, đã quen cái lý cứu người chữa bệnh của giảng viên. Tuy vào cái đêm trước khi đi, mẹ cô đã dặn đi dặn lại rằng không được lo chuyện bao đồng, nhưng bây giờ nhìn thấy cô bé này, nỗi đau lòng của cô đã thắng thế.
Lan Thiện Văn bỏ đống hành lý xuống, bước tới ngăn không cho người phụ nữ gieo lên cô bé một cái bạt tai: "Chị Hồ, cô bé còn nhỏ, dù tức chuyện gì cũng không nên trút giận lên người cô bé."
"Bác sĩ Lan không biết đấy thôi, mẹ của con nhãi này khiến người ta tức chết đi được, cứ nuôi mấy con súc vật đến phá hoại rau mùa mới trồng của chúng tôi. Mới tháng trước, bồ câu của cô ta mổ hết hạt giống lê trên cánh đồng mới khai phá của tôi, bác sĩ nói xem có tức không?"
Bị Lan Thiện Văn ngăn cản, người phụ nữ cũng không dám làm bậy, chỉ cay đắng nói.
Người đàn ông đầu gối tay ấp bên đầu giường lò của ả từng nói, những người như Lan Thiện Văn đều đến từ thành phố nơi có những chiếc hộp sắt lớn, nhà ai cũng giàu sụ, muốn mua bao nhiêu gian phòng như nơi họ ở cũng được. Còn nói, người như cô là phượng hoàng mắc nạn, đến lúc về phố, dù có mắc nạn cũng vẫn là phượng hoàng, không gây vào được đâu.
Lan Thiện Văn cau mày: "Chỉ là những con vật vô tri mà thôi, chị Hồ đừng quá để bụng, nếu không..."
"Mục Mục!"
Nói dở chừng, chợt nghe thấy tiếng phụ nữ kêu lên. Lan Thiện Văn lạ lùng quay đầu nhìn lại, chợt thấy một người phụ nữ còn đẹp hơn cả con gái nơi phố xá thành thị, dung mạo vừa kiều diễm vừa diêm dúa lả lơi, đang hốt hoảng chạy về phía cô.
......