Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Lòng biển hồ Lãng Bạc, nơi Hai Bà tử tiết, hơn một ngàn năm sau được phù sa bồi đắp thành xã Đồng Nhân, Thanh Trì. Người ta truyền tụng rằng có hai bức tượng đá ngoài bãi Nhĩ Hà ban đêm thường cháy lên những ánh lửa rạng ngời. Lý Anh Tông nghe đồn, liền xa giá đến làm lễ cầu mưa, khấn niệm quốc thái dân an, lập tức được như ý. Vua vội vàng cung nghinh hai tượng đá vào bờ, dựng đền Trưng vương, bốn mùa hương khói.

***

Rạng sáng một ngày mùa xuân năm 43, đoàn Giao long thuyền của vua bà Âu Lạc lặng lẽ nép vào bờ nam sông Hồng, xuôi nước triều, dự định chia hai nhánh ra biển. Nhánh một rẽ xuống sông Đáy, đa số là thuyền nan nhẹ vì nước rất cạn. Nhánh hai liều lĩnh lướt nhanh qua Long Uyên.

Trưng Trắc và Trưng Nhị câm lặng ngồi bên nhau. Thuyền đã sắp đến cửa Hát giang. Mỗi người sẽ một ngã để tăng độ an toàn. Không phải sự bất trắc của chuyến đi làm họ kín tiếng. Rời xa nơi chôn nhau cắt rốn bao giờ cũng làm con người nôn nao khó tả. Khó tả hơn nữa là họ phải ra đi trong tình huống mất nước, sinh mạng ngàn cân treo sợi tóc. Ý chí quật khởi và niềm tin phục quốc chưa bao giờ cùn cỗi trong tâm tưởng Trưng Trắc và em gái bà, phó vương Trưng Nhị, song tình cảm đoạn ly không khỏi ai oán, trầm lắng.

Khi gió Lãng Bạc đã mơn man đoàn Giao long thuyền, Trưng vương nắm chặt tay em gái bịn rịn. Bà khóc. Trưng Nhị vốc một nắm nước Lãng Bạc để rửa lệ của chị mình. Không ai biết bà định so sánh lệ hận của quốc gia Âu Lạc với nước mắt Trưng vương, hay muốn những giọt nước mắt ấy tìm gặp linh hồn A Thi và hàng ngàn chiến sĩ đã bỏ mình vì đất mẹ.

Có tiếng gà gáy khuya, lạc lõng xa xăm đâu đó dưới một mái nhà sàn M’linh. Trưng Nhị héo hon. Loài gia cầm kia hình như cũng hiểu nỗi niềm tự do của mảnh đất này. Tự do, với Trưng Nhị chỉ đơn giản là được sống và lao động dưới bầu trời thanh bình. Tự do để được là chính mình không bao giờ có được nếu còn người Hán. Giấc mơ đôi lứa đã xa rời Trưng Nhị mãi mãi, kể từ ngày những chiếc Lâu thuyền căng buồm đen làm chủ biển hồ Lãng Bạc.

Những mái chèo cắm vào nước không phát ra tiếng động. Trăm con thuyền bồng bềnh lướt giữa mây và sương. Đoàn quân lưu vong hàng ngàn người im lặng như ngậm tăm. Không hẳn họ sợ mai phục, sợ lộ. Có lẽ trước khi mất nước, họ muốn lắng nghe hơi thở của từng ngọn cỏ, nhánh rong rêu quê hương. Ngày mai, ở chân trời xa tít nào đó, hay bị cố định bởi gông cùm đế quốc, họ vẫn còn nói được, song thật khó nghe lại lời thầm thì của đất mẹ tự do. Ra đi là để trở về, Trưng vương an ủi họ như thế khi xuống thuyền.

Đã không ai trở về vẹn nguyên hình hài. Nhưng họ vẫn trở về ở một ý nghĩa nào đấy, nhiều thế kỷ sau, trong tầng tầng lớp lớp các thế hệ Âu Lạc xả thân ra trận vì độc lập và tự do cho đất mẹ.

Chưa tròn cuộc chia phôi, ba quân Âu lạc còn đưa mắt tìm nhau trong bóng tối, bỗng bốn phía xung quanh họ, lửa đuốc, tiếng trống, tiếng chiêng của Hán quân áp đến. Đường cùng, người Âu Lạc bật lên dũng mãnh gấp mấy lần bình thường. Tên bay, lao phóng, đạn đá giáng xuống, gươm khua vun vút… những tiếng thét vỡ tan lồng ngực… Có tên lê dương phải tên trúng giáo vẫn tròn mắt ngạc nhiên. Chúng không hiểu đoàn quân đói dài nhiều tháng nay lấy đâu ra sức chống cự kinh hãi đến thế.

Thêm một lần nữa mặt trời chói lọi lại mọc lên từ phía đông biển hồ Lãng Bạc. Đó là một ngày buồn nhất trong lịch sử Âu Lạc. Thêm rất nhiều máu của người Âu Lạc hòa vào màu nước Lãng Bạc. Vua bà Trưng Trắc và phó vương Trưng Nhị bị bắt sống.

Hán quân buộc họ với nhau rồi giải cả hai lên boong soái thuyền. Mã Viện giả vờ đạo đức, cuống quít la mắng tả hữu rồi sấn đến, tự tay mở trói cho hai Bà.

“Lạc vương ơi, sao bà nỡ để xảy ra nông nỗi này”. Mã Viện bắt đầu thuyết hàng tù binh – “Hãy về với văn minh Hoa Hạ, bà sẽ tiếp tục làm vua nhỏ xứ này. Dân Âu Lạc vẫn là dân của Bà…”.

“Nhưng đất nước Âu Lạc sẽ là quận huyện của Đông Hán phải không?”. Trưng vương nhếch mép cười khinh bỉ – “Một năm Âu Lạc chỉ hai lần triều cống thôi nhỉ. Giết hết tê ngưu, lật đáy biển Đông cũng chưa vừa lòng tham Hán đế. Lâu lâu người Hán viễn nam chinh, chặt trụi cây rừng để đóng thuyền nhé, già trẻ lớn bé xung quân hết nhé…”.

“Nhưng gia tộc Bà sẽ đời đời no ấm, con cháu trực huyết của Bà mãi mãi ăn trắng mặc trơn, ngồi mát bát vàng”. Mã Viện cười khả ố.

“Như Lưu Bang ấy nhỉ? Ngươi lầm ta với Hạng Vũ chăng?” Trưng vương trợn mắt nhìn Mã Viện. Trưng Nhị bước lên dõng dạc:

“Không! Chúng ta không hèn như Hạng Vũ, trần tục tựa Lưu Bang. Kẻ thua thì tự cao trách ngựa, mắng trời. Người thắng lại hả hê tính kế hưởng lạc. Ngươi biết huyền thoại An Dương Vương chứ? Người Âu Lạc không quen quyền biến và biện hộ cho sự thất bại. Kẻ thù nguy hiểm nhất của An Dương Vương ngồi sau lưng ông. Hại Âu Lạc, thắng Âu Lạc chính là sự lạc hậu, thiếu thức thời và đầu óc tư lợi của chính người Âu Lạc. Chúng ta phải chỉ rõ cho con cháu muôn đời, biết để mà lường. Chúng ta làm mất nước vì hạnh mỏng tài thấp. Muốn chém đầu, treo cổ hay nhận chìm thì làm mau đi, đừng phí lời”.

“Khá khen thay cho nữ tặc”. Mã Viện dè bỉu – “Biết cái chết mà không tránh, hỏi có thuận lẽ trời không?”.

“Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng ta, những người mất nước và các ngươi, lũ cướp nước, sự hy sinh là lẽ đương nhiên. Chỉ biết rằng cuối cùng xứ sở này sẽ chiến thắng”. Trưng vương đối đáp mạch lạc. Thế kỷ hai mươi, chiến sĩ phục quốc Hoàng Văn Thụ ung dung ra pháp trường Tương Mai, ông nói lời cuối cùng với quan tòa của thực dân Pháp gần giống như những gì Trưng Vương đã thốt ra với Mã Viện. Dòng máu quí báu của liệt nữ đã không thất lạc trong suốt quá trình di truyền đằng đẵng, tròn một ngàn chín trăm năm.

Mã Viện thất vọng. Hai người đàn bà này giá trị hơn mười vạn quân. Nếu họ đầu hàng, khắp hang cùng, hẻm núi Âu Lạc sẽ nhanh chóng qui thuận Hán triều. Ngàn năm sau cũng chẳng mống nào làm phản, vì họ lấy đâu ra chính nghĩa và can đảm, mua ở đâu được tấm gương lịch sử chói ngời. Nghĩ đến đấy, Mã Viện biết rằng kèo nài thêm chỉ tốn thời gian. Chứng kiến khí tiết của hai Bà, y bỗng thấy mình nhỏ bé và hèn mọn xiết bao. Ở dốc bên kia tuổi tri thiên mệnh, Mã Viện đã sớm “nhi nhĩ thuận”, nghe là hiểu.

Trước sự ngạc nhiên đến cùng cực của Hán quân, Mã Viện cho dắt hai Bà trở lại chiếc Giao long thuyền vương gia Âu Lạc. Mặt nước Lãng Bạc đứng yên. Lồng lộng bóng trời xanh mây trắng. Trưng vương trỏ tay dõng dạc nói to: “Này Mã tặc. Ngươi tưởng ngươi thắng ư? Ta và ngươi còn gặp lại nhau trong những lời truyền kể muôn năm sau. Nếu không tự biết tĩnh trí tu thân, cùng lắm ngươi chỉ ăn theo bất tử dưới bóng râm của vua bà Âu Lạc này thôi”.

“Ta căm thù nước Hán và người Hán”. Trưng Nhị chen lời. Trưng Trắc âu yếm nhìn em gái, bà khe khẽ lắc đầu:

“Người yêu nước có bản lĩnh không bao giờ ghét tổ quốc của tha nhân, tránh kích động thù hận giữa người và người em ạ. Dân Trung Nguyên cũng là nạn nhân của nền chính trị Lạc Dương. Chủ nghĩa Hoa tâm độc địa ấy không có tiền đồ, trước sau nó cũng vùi dân tộc Hán vào ly loạn và giết chóc mà thôi. Hãy phỉ nhổ Hán đế và những tên tay sai như Mã Viện là đủ rồi”.

Mã Viện xót xa nhìn hai nữ tướng. Y chợt hiểu hình thái xã hội Âu Lạc là thế giới lý tưởng của Lão Tử, của Thế Du em trai y. Mã Viện đã đang tâm hủy hoại thiên đường của những con người chất phác nơi đây. Lòng tham vô đáy của Hán đế đã biến giấc mơ khanh tướng, trị loạn của họ Mã thành ác mộng. Vĩnh viễn từ đó trở đi, với dân tộc Âu Lạc, với nhân loại tiến bộ, Mã Viện là kẻ tội đồ không bao giờ được tha thứ.

***

Trên bệ cao của Giao long thuyền, hai chị em Trưng Trắc ưỡn ngực, ngẩng đầu đứng sát bên nhau. Trưng Trắc phóng tầm mắt một lượt xung quanh rồi ngước mặt lên hét to: “Đất này của mẹ tổ, trời này của mẹ tiên. Mười năm người Âu Lạc chưa giành lại được thì họ sẽ chiến đấu trăm năm, ngàn năm nhằm khẳng định lẽ phải. Làm sao đao kiếm của bọn xâm lăng có thể lấy đi được lòng can đảm và khí tiết của chúng ta”.

Giọng Trưng Trắc vang động khắp non sông. Thời gian ngừng lại khi Hai Bà Trưng buông mình xuống đáy Lãng Bạc, gần ngã ba cửa Hát.

Mã Viện thở dài. Y sai người để ý vớt xác Hai Bà chôn cất cẩn thận, song vô ích. Có lẽ thể phách Trưng Trắc và Trưng Nhị đã tan lẫn vào hồn thiêng sông núi Âu Lạc.

Hán quân đành thỉnh hai thủ cấp nữ chiến binh bất kỳ, gói gém gửi đến Lạc Dương, nói dối là của Hai Bà Trưng.

Ngày nô lệ đầu tiên của Âu Lạc đã trôi qua như thế. Mặt trời sẽ lặn nhiều trăm năm…

Khởi thảo 9.6.2009

Hoàn thành 9.7.2009

Tại Thảo Điền, Q2, TP. HCM



Lời cảm ơn: Truyện dài này được hoàn thành với sự giúp đỡ tư liệu đáng quí của rất nhiều người suốt một thời gian gần 10 năm, chủ yếu là các thành viên của trang web Viện Việt Học như Phạm Chánh Trung, Tích Dã, Lê Bắc.v.v.. Blog cũng có những hưởng và đóng góp nhất định trong mạch tư tưởng của truyện, đặc biệt là những entry sâu sắc của các blogger tôi hay đọc như Dong A, Trục Nhật Phi, Huybom…

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK
Chương trước
Chương trước
Chương sau
Chương sau
Về đầu trang
Về đầu trang