Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

“Không hề có chút lý luận, đùng cái em bảo Âu Lạc nghĩa là Đất Nước”. Anh trêu cô.

“Mỗi quyển sử Việt em đã đọc đi đọc lại không dưới 10 lần. Em linh cảm thế. Anh không giúp em mà còn giễu cợt ư?”.

“Anh dùng thuật toán nhé. Nếu âm Âu có một vài ngữ nghĩa gần nhau thì khi thay Âu vào các từ đơn, từ kép trong cổ sử, nó sẽ không vô lý. Thậm xưa, đất Việt ở Giang nam thường được viết là Ư Việt, Vu Việt. Ư và Vu đồng nghĩa, theo tự điển Thuyết văn đời Hán. U và Âu là biến âm và tương đương nhau trong nhiều trường hợp như Chu/Châu, Thu/Thâu, U sầu/Âu sầu… Đặc biệt Âu ghép bởi chữ Khu (vùng đất) và chữ Ngõa (ngói)”.

“Vậy nghĩa Đất của Âu có thể chứa trong chữ Khu?”.

“Em để ý nhé, người Việt cổ gọi mẹ là U hoặc Bu, họ cũng gọi Núi/Non là Rú. Trường ca Đẻ đất đẻ nước của người Mường cũng nhắc đến đồi U”.

“Có một mối liên hệ nhất định giữa Âu và các nghĩa Đất, Mẹ, Núi”.

“Tuyệt quá. Âu Cơ là bà mẹ cao quí. Âu Cơ dẫn năm mươi người con lên núi. Lạc, Nác, Nước, Đaạ, Đak, Đác, Đà đều chỉ sông, suối, vùng nước sinh tồn của Lạc Long Quân và năm mươi người con còn lại. Họ có chia ly không? Không, hai chủng người đã hợp huyết và cộng sinh ngôn ngữ, họ gọi xứ xở của họ bằng một từ ghép Non Nước, Đất Nước và cuối cùng nó đã được người Hán ký âm bằng Hán tự thành Âu Lạc”.

Âu Lạc nghĩa là Đất Nước vẫn chỉ là giả thiết. Cô và anh không hề ảo tưởng về một khám phá vĩ đại. Tuy vậy giả thiết này giải quyết được rất nhiều vấn đề cổ sử mù mờ. Ít nhất nó cũng san phẳng dị biệt giữa Sử Ký và Hán Thư ở địa danh Tây Âu Lạc và Tây Âu, nó cho thấy chúng là một, chúng chỉ vùng đất phía tây Phiên Ngung.

Nếu đã là trùng ngữ, Âu hay Lạc đều có thể đứng riêng để chỉ cương vực, lãnh thổ, và cao hơn hết là quốc gia. Đó chính là ý nghĩa như nhất của Âu Việt và Lạc Việt.

***

Một lâu thuyền (thuyền có lầu) của Tô Định cơ cấu quãng năm bảy chục người. Thực ra đây là loại thuyền Hán, phổ biến từ thời Tần trên cơ sở phát triển kỹ thuật hàng hải ven bờ của người Bách Việt ở Giang nam, đặc biệt tại bộ phận bánh lái. Hầm tàu là những khoang chứa hàng, lương thực, nước uống và phòng ở của binh lính. Boong chính thiết kế hai dãy mái chèo đâm ra khỏi thành tàu. Tùy thuộc vào độ lớn của lâu thuyền, một mái chèo sẽ có một, hai hay nhiều người phụ trách. Giữa thuyền dựng vài tầng lầu thấp, gồm buồng lái, buồng chỉ huy và các khu vực sinh hoạt chung. Boong mũi cũng như boong lái bằng phẳng rộng rãi để tướng sĩ và tinh binh tác chiến khi lâm trận. Lâu thuyền thường cắm ba cột buồm lớn, điều chỉnh bằng ròng rọc gỗ, dù sơ khai nhưng rất linh hoạt. Vũ khí trang bị trên lâu thuyền khá đa dạng như pháo xa (súng bắn đá), lôi thạch (máng lăn đá nặng), thiết mâu (giáo sắt dài), qua, kích, gươm, cung tên… Đặc biệt nỏ đại điều khiển bán tự động theo nguyên lý đòn bẩy cơ học, bắn một lần nhiều mũi tên, có thể tẩm dầu thực vật để phóng hỏa khi cần. Súng bắn đá và máng lăn đá cực kỳ lợi hại, lực công phá rất lớn, chuyên dùng để phá vỡ vỏ tàu đối phương từ xa hoặc nhận chìm thuyền nhỏ áp mạn tấn công.

Lực lượng của Tô Định gồm năm trăm lê dương Hoa Bắc và một ít dân phu thu nạp từ Lĩnh Nam. So với quân Mã Viện sau này thì chẳng đáng là bao, nhưng hơn hẳn những gì Nhâm Diên và Tích Quang đã có.

Người ta hay tưởng tượng ở Âu Lạc phải hiện hữu nhiều làng lưu đày tội nhân Hán hoặc người Hán di cư, chạy loạn, làm hậu phương vững chắc tại chỗ cho Tô Định. Thời Vương Mãng, Hán nhân bỏ xuống phương Nam không ít, sách chép Giao Chỉ với ý nghĩa Giao Chỉ bộ, chứ không phải quận Giao Chỉ. Thủy thổ Âu Lạc rất khắc nghiệt, người xứ lạnh Hoa Bắc khó thích nghi. Tỉ lệ dân phi bản xứ ba đời ở Âu Lạc chẳng cao, nếu không rặt Lĩnh Nam tương đồng văn hóa, thì cũng là nhóm Hán có huyết thống Lĩnh Nam. Họ đã xem Âu Lạc là quê hương, bản quốc từ lúc chôn nhau cắt rốn. Dù Tô Định đặc biệt ân cần với họ, xoáy vào nỗi hoài vọng quê cha đất tổ ngàn đời, đề cao và chia sẻ nền tảng phụ hệ, kết quả vẫn chẳng đi đến đâu.

Vẻ ngoài Tô Định không gớm giếc như được mô tả bởi văn chương Việt Nam sau này, nhất là ở những thời điểm tinh thần chống xâm lược lên cao. Dã tâm và lòng tham của y thì khỏi phải nói. Như tất cả lũ thực dân trên thế giới, Tô Định lọc lõi và thừa điêu toa để thu hút cái nhìn vừa ngưỡng mộ vừa sợ sệt từ một số nạn nhân của y. Mùa đông y mặc mấy lớp áo thụng rộng tay, đi ủng gấm. Mùa hè Tô Định gọn gàng và nền nã trong quần áo ngắn kiểu người Hồ, may bằng lụa Giang nam thượng hạng. Thỉnh thoảng y đóng bộ quan phục uy nghiêm gồm áo mũ cân đai thêu thùa tỉ mỉ. Bình thường y đi đứng và ăn nói rất điềm đạm, kẻ cả. Chỉ khi nào nổi giận, tạm thời mất kiểm soát y, mới phùng mang trợn mắt, bừng bừng sát khí.

Sinh ra và lớn lên giữa thời loạn lạc, hành vi của Tô Định đầy ắp chất võ biền và vô học, khác hẳn các Thái thú đi trước. Nếu Nhâm Diên và Tích Quang ít điều tiếng, cố tránh oán hận, khéo lừa được những con người Âu Lạc thật thà, thì Tô Định luôn khiến họ khinh rẻ. Không có Tô Định, biết đâu Âu Lạc đã bị đồng hóa và nuốt trọng một cách êm ái nhất, hoàn toàn phi bạo lực. Chưa biết chừng bị hại còn lầm lẫn, tôn sùng kẻ thù như thánh sống, như người ơn giống trường hợp Nhâm Diên.

Nhâm Diên vốn được Quang Vũ đế sai sang Cửu Chân (nam Âu Lạc) trước Tô Định dăm năm. Người Hán đã có tấu sớ cũ của Tích Quang ghi chép kỹ lưỡng về con người, đất đai, tài nguyên quận Giao Chỉ (bắc Âu Lạc). Nhiệm vụ của Nhâm Diên không khác Tích Quang. Cửu Chân là vùng bán sơn địa, đất cao ruộng cạn, giáp biển thông rừng, dân cư thưa thớt. Nhâm Diên đến, các Lạc tướng bất hợp tác. Y đành dựng trại chiêu phu tại Vô Biên.

Người Cửu Chân đi rừng thuần thục hơn cày cấy, lương thực chính không phải là gạo tẻ. Họ làm đất qua loa như cho trâu quần nát cỏ, rồi dùng dùi trỉa thóc giống. Chính vì vậy Nhâm Diên phải chạy ra Giao Chỉ đong gạo, sau thấy quá nhọc nên đúc cày, khẩn đất, mới nuôi nổi mấy mống lính thú và phu bản xứ. Thái thú chê bai hôn nhân mẫu hệ, dụ dỗ tổ chức được ít đám cưới theo kiểu Hán.

Quí tộc bản xứ ở Cửu Chân rộng rãi, phóng khoáng, có khí tiết. Sinh hoạt như mọi nơi trong Âu Lạc. Họ rất quí trống đồng, lễ hội thường đánh trống, múa hát, uống rượu. Rượu Cửu Chân là hủ cơm ủ men và lá rừng cho ngấu sẵn, lúc uống đổ nước sạch vào, cắm cần trúc hút trực tiếp.

Nhâm Diên không dám chọc giận quí tộc Cửu Chân, cư xử ra mặt biết điều. Các Lạc tướng chẳng mấy bận lòng. Bốn năm sau Nhâm Diên chạy chọt về triều. Trước khi được bổ làm quan nơi khác, y khuyến khích Hán Quang Vũ tiến hành nô thuộc Âu Lạc và quả quyết mảnh đất ấy giàu có không tưởng tượng nổi. Để bịa tạc chính nghĩa cho kẻ cướp, Nhâm Diên kể lể đã dạy người Cửu Chân làm ruộng, giáo hóa Bắc lễ. Y không ngượng miệng xiên xỏ con người ở đấy sống không bằng cầm thú, mặc dù đã tận mắt chứng kiến loài vượn Ca Nhiên lạ lùng. Chúng có khuôn mặt rất giống người, nhân nghĩa hơn cả Hán quan. Nhâm Diên đi săn, bắn được một con thì thể nào cũng bắt gọn hai con. Con chưa bị tên sẽ nhổ mũi tên giết vợ hoặc chồng nó tự đâm để cùng chết.

Công việc đầu tiên của Tô Định tại Long Uyên là hằng ngày sai thuộc hạ dong buồm đi dọc biển hồ Lãng Bạc, lên tận ngã ba Bạch Hạc, nghênh ngang tuần tiễu. Lính tráng của y thường đứng hoặc ngồi trên boong mũi, dưới tán lọng đen, lấy gươm chỉ trỏ, đe nẹt, hoạch họe các thuyền buôn, thuyền chài Âu Lạc. Không thấy những phản ứng có hệ thống từ người bản địa, Tô Định dấn thêm một bước. Y bắt đầu ra lệnh cướp bóc, trấn lột lương dân dưới mỹ từ thu thuế. Người Âu Lạc chưa có nền thương nghiệp, họ chỉ trao đổi hàng hóa trực tiếp. Tô Định liền nghĩ ra cách bắt thuyền và ép họ phải chuộc lại bằng đồ đồng, ngà voi, sừng tê, ngọc trai, hương liệu, gỗ quí.v.v… Lời ai oán dậy lên.

Các Lạc tướng đứng ngồi không yên. Nhiều vạn chài phải bỏ ngư trường gần Long Uyên, lánh lên thượng nguồn hoặc hạ lưu. Phản ứng mạnh mẽ và cương quyết của Lạc tướng M’linh khiến Tô Định bất ngờ. Quá trình vơ vét của cải bị chững lại. Tô Định điên cuồng thúc giục quân lính tuần tra gấp ruổi, cần thì bỏ thuyền lên bờ, sục xạo vào những buôn bản nằm sâu trong đất liền. Giết chóc, hãm hiếp và đốt phá đã xảy ra. Với ai đã mang nỗi sợ Tô Định trong chính bản chất hèn nhát của mình, tô thuế và cống nộp thường kỳ để cầu an là giải pháp mà họ nhanh nhảu chấp nhận. Ách thực dân đã cắm rễ một cách cường bạo như thế xung quanh Long Uyên.

Các tàu buôn Trung Nguyên ghé qua Long Uyên liên tục. Lúc nào chúng cũng rời đi khẳm mạn. Khoang tàu chất đầy của cải, sản vật Âu Lạc, hướng về Hợp Phố hoặc Nam Hải. Những thứ ăn cướp ấy sẽ được chuyển tiếp theo đường bộ, thẳng đến đế đô Lạc Dương.

***

Sự lệch pha giữa nhận thức của Tô Định và Tích Quang là dễ hiểu. Tích Quang, một nhà Nho chính thống, ý thức sâu sắc rằng, con người mới chính là tài sản thực sự trân quí của bất cứ đất nước nào. Mua chuộc được một bộ phận dân cư Âu Lạc, quí tộc là tốt nhất, thì sẽ thuộc địa hóa Âu Lạc thành công. Chẳng có trận chiến nào dễ dàng hơn khi nhà Hán xâm lăng Âu Lạc bằng lính Âu Lạc, Lạc tướng được cấp thao ấn (ấn đeo cổ), trở thành quan chức Hán. Họ sẽ thu thuế cho Thái thú, tổ chức khẩn hoang, khai mỏ, phá rừng, lật biển… đem hết của ngon vật lạ của xứ sở lên bàn tiệc thực dân, chia bôi với Thái thú. Không may, sự nghiệp của Tích Quang bị loạn Vương Mãng hủy phá.

Quang Vũ đế đã tin tưởng giao cho Tô Định sứ mệnh mở rộng biên giới phía nam. Y tự nhận mình là người đi khai hóa, đem ánh sáng văn minh của Hán tộc chiếu rọi đến nơi rừng thiêng nước độc này. Song, Tô Định không sử dụng được nọc độc trong lời dặn dò của vua Hán. Năm trăm quân trên một đội Lâu thuyền Quang Vũ cử đến Âu Lạc đâu phải để đánh nhau và trấn lột trắng trợn. Nó chỉ là chất xúc tác phân hóa người Âu Lạc. Nó chứa những viên đạn bọc đường chỉ nên tặng giới quí tộc ăn trên ngồi trước, không thiết tha với quyền lợi xứ sở. Nó mang hình ảnh bạo lực tượng trưng, chỉ đánh được đòn cân não vào lũ nhút nhát, độc tài nhưng bạc nhược. Thất sách của Tô Định đã tung tóe, ngoài kia, dưới những thôn xóm Âu Lạc hiền hòa, có một người đàn bà dũng cảm đã chỉ mặt gọi tên y là kẻ cướp.

Vì hiểu sai lời Tích Quang, Tô Định đã hứa hưu hứa vượn với Hán đế sẽ làm cỏ Âu Lạc chỉ với năm trăm quân và võ mồm dọa nạt. Tô Định cứ tưởng đem Lâu thuyền án ngữ, tuần tra, cướp bóc dọc sông Hồng thì người Âu Lạc sẽ khiếp vía. Ai ngờ mỗi một me già Lạc tướng ở Khúc Dương rón rén đến Long Uyên quị lụy. Còn lại, nhân dân Âu Lạc nói chung đang biến căm hờn thành sức mạnh. Sức mạnh ấy luôn căng cứng trong tiếng trống đồng uất hận, đêm đêm đang thổi lửa, hun đốt tâm trí người Hán ở Long Uyên.

Nhìn chung Tô Định chỉ lộng hành và thành công ở xung quanh Long Uyên. Cư dân nghèo Việt cổ cởi trần đóng khố, cắt tóc xăm mình, bị hình ảnh tề chỉnh của Thái thú và Hán quân hớp hồn. Họ bắt đầu vọng ngoại. Với đàn ông, họ mơ ước về một xã hội phụ hệ, nơi tiếng nói của họ được xem trọng ngang ngửa với sức khỏe và khả năng đi rừng, đánh cá, trồng trọt cũng như cày cấy. Với phụ nữ, họ bị bả vật chất mua chuộc, chóa mắt. Làm vợ quan quân Hán, họ không cần của hồi môn, không phải đầu tắt mặt tối gánh vác trách nhiệm gia đình, dòng tộc, lại còn được ăn trắng mặc trơn.

Tô Định thừa hiểu chỉ một nhúm quân, y chẳng thể làm được gì, kể cả bảo toàn tính mạng chính mình. Y không rõ Tích Quang dựa vào đâu mà đã trình một bản tấu nhiều sai sót đến vậy. Tích Quang viết ở xứ man di này con người hèn như sên, đụng chút là rụt lưỡi. Họ sống với nhau không có tôn ti trật tự, luân thường đạo lý.

Thì ra người Âu Lạc cũng kiên cường lắm. Mua chuộc mãi Tô Định cũng chỉ thu nạp được vài tên đàn ông hạ đẳng. Văn hóa của họ có thua gì văn hóa Trung Nguyên đâu. Họ đề cao vai trò phụ nữ. Đất nước họ dân cư thưa thớt, giàu có sản vật nên con người nhu mì, ít tranh giành đổ máu. Theo chuẩn mực vô vi, có thể nói Âu Lạc đã rất gần với xã hội lý tưởng của Lão Tử. Thế nào là tôn ti trật tự? Trật tự của Khổng Nho chăng? Hơn ai hết, Tô Định hiểu thuyết chính danh và tôn ti của chế độ Hán là dây thòng lọng vô hình. Nó sẽ tròng xuống cổ bất cứ ai, bất cứ dân tộc nào bị hút vào luận lý của nó. Tôn ti Hoa tâm không cho phép một thế lực nào đứng trên Hán đế. Lẽ chính danh đã từng ép Triệu Đà phải chấp nhận phong vương, bỏ mộng thiên tử một cõi.

Bị bẽ mặt bởi lời lẽ cứng cỏi và đanh thép của Trưng Trắc dạo nọ, Tô Định quyết định vớt vát bằng trò giết gà dọa khỉ. Y tổ chức một xới chọi trâu tại Long Uyên, quảng cáo tuyên truyền trâu Hán là vô địch. Tô Định đánh đố bất cứ con trâu Âu Lạc nào hạ được trâu của y. Phần thưởng cực lớn. Y ép mời các Lạc tướng nhưng Trưng Trắc từ chối nên không ai hưởng ứng.

Tô Định tuyệt đối tin tưởng cặp trâu hoang Cửu Chân y mua của lái buôn. Trâu đã thuần hóa ở đồng bằng sông Hồng nói chung hiền lành, sức vóc cũng hạn chế. Không có địch thủ, Tô Định rêu rao khắp hẻm trên ngõ dưới rằng quí tộc Âu Lạc rụt cổ hết cả rồi.

Ngày kia bỗng có một hàn nhân Âu Lạc mặc khố ở trần, neo thuyền nan bến Long Uyên, tìm Tô Định nhận lời thách thức. Nghe bảo ông này chỉ là người đánh cá dạo ven sông nhỏ, sống cô độc lẻ loi, gương mặt xù xì như Giao long, toàn thân xăm trổ vằn vện. Buồn ngủ gặp chiếu manh, Tô Định hồ hởi phát loa, gấp rút dựng trường chọi trâu chứa được cả chục ngàn người bên mép nước Lãng Bạc.

Sớm tinh mơ ngày đã hẹn, Tô Định chuốc rượu sơ sơ cho đôi trâu của y nóng máu. Cả hai con trâu đều hừng hực sức khỏe, da đồng, lông móc, một khoang bốn khoáy, hàm đen, răng trắng muốt, tóc dày như cỏ gừng, nhọn tựa lông nhím. Chúng mang đầy đủ tố chất cực hiếm của một con trâu chọi thượng hạng Âu Lạc: ức rộng, cổ dài mập tròn, lưng phản dày cui, đùi săn chắc và cuồn cuộn bắp thịt, sừng đen như mun, chếch lên trời như hai cánh cung, mắt đen có ánh láy của than đá, tròng mắt hằn đỏ gân máu.

Mặt trời đứng bóng mới thấy thấp thoáng thuyền nan. Địch thủ của trâu Tô Định hóa ra chỉ là một con nghé lông xám còi cọc, đầu trùm kín vải đen. Hán quân thấy thế cười sằng sặc. Người Âu Lạc thất vọng, hoang mang. Tô Định nghiến răng:

“Khá khen thay tên thảo khấu kia. Mi dám lấy mạng sống bọt bèo của mình giỡn mặt ta ư?”.

“Thái thú quá lời”. Hàn nhân khá điềm tĩnh – “Trâu nhỏ của tôi sẽ đả bại hai con thú Âu Lạc mặc áo Hán vẽ lưỡng nghi của ông chỉ trong tích tắc. Phần thưởng như đã hứa sẵn sàng chưa đấy?”.

“Láo thật! Trâu đại Hán được gọi là bò nước, thánh thượng ta gửi qua đây truyền giống cho nòi Âu Lạc là thiện ý trời biển. Thách đấu chẳng qua để chỉ ra sự ươn hèn và cố chấp của xứ sở này. Sau trận thư hùng ta sẽ thả đôi trâu quí sống tự do trên ruộng đồng quanh Long Uyên cho chúng vung vãi ân sủng phương Bắc”. Cả đấu trường ồ lên kinh ngạc. Tô Định nói tiếp – “Nếu con nghé ốm đói kia chỉ đến đây dạo chơi, ta sẽ phanh thây chủ nhân của nó”.

Đôi trâu “giả Hán” đang lồng lộn trong chuồng. Số là Tô Định bí mật sai lính dùng búi cật nứa sắc nhọn và mỏng xuyên ngang phía trên tinh hoàn trâu. Phần thừa lòi ra ngoài trông như nhúm lông bình thường nhưng nó sẽ cọ quẹt vào bẹn trâu. Lực va chạm ấy cắt dần bó dây thần kinh nhạy cảm nhất ở một con trâu đực. Hậu quả là trâu nổi điên, chỉ chực phá chuồng. Nó sẽ lao đến bất cứ địch thủ nào, mong huyết chiến hòng quên đi cơn đau dã man.

Con nghé ngây thơ vốn đã bị bỏ đói hai hôm. Dưới tấm vải trùm đầu, người ta buộc sẵn một lưỡi liềm cong vút, sắc như nước. Vào xới đấu, nhìn thấy trâu đực trong ánh sáng chói chang, nghé cứ tưởng đó là mẹ mình. Lập tức nó khéo léo tránh đòn rồi đuổi theo trâu của Tô Định, rúc mõm vào giữa hai đùi sau tìm vú. Lưỡi liềm oan nghiệt nhưng cực kỳ biến hóa và thông minh đã lần lượt phơi ruột cả hai con trâu mộng vĩ đại.

Mọi việc diễn ra nhanh như chớp. Tô Định chưa kịp bừng tỉnh để kết tội chủ nghé ăn gian, vi phạm luật rừng của y, đấu trường đã vỡ tung. Muôn người vây lấy con nghé reo hò, hân hoan đón chào chiến thắng. Nghé con bụng vẫn cồn cào, nhìn xác trâu đực biết không phải mẹ, nó họ lên một tiếng rồi ba chân bốn cẳng chạy thẳng ra khỏi trường đấu.

Hán quân không tìm được kẻ xăm mình có khuôn mặt Giao long để phanh thây. Vị hàn sĩ bí ẩn đã biến thành một con Giao long to chưa từng thấy, trườn xuống bến Long Uyên, bơi về bờ bồi phía nam của biển hồ Lãng Bạc. Lính tráng của Tô Định đã thì thầm và quả quyết với nhau sau lưng y như vậy.

Người Âu Lạc như mở cờ trong bụng. Họ bảo con nghé kia là thú hiến tế của Trưng Trắc cho vị thủy thần cai quản biển hồ Lãng Bạc hồi đầu năm. Ngay cả thủy thần cũng đã nổi giận với tội ác của Tô Định. Y không còn chốn dung thân tại xứ sở này.

***

Tô Định mất ngủ triền miên. Thỉnh thoảng y lại giật mình. Tiếng hô quyết chiến bị dồn giấu trong đêm đen Âu Lạc ám ảnh y. Tiếng trống đồng sâu hút dội vọng trên mặt nước bến Lâu thuyền Long Uyên, khiến người Hán nào cũng lo sợ. Hơn một ngàn năm sau sứ giả nhà Nguyên sang Đại Việt cũng vì hoảng hốt như thế mà thốt lên bằng thơ: “Kim qua ảnh lý đan tân khổ / Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh”, nghĩa là “Nhìn rừng giáo gươm mà đau khổ / Nghe tiếng trống đồng sợ đến bạc tóc”.

Nhiều khuya, Tô Định xõa tóc, mang hài trắng, vận quần áo lót trắng, từ giường tuột xuống, đi lang thang dọc bến Lâu thuyền như một bóng ma. Y không mộng du. Sự sợ hãi khiến bản năng đã sai bảo đôi chân y đến gần soái hạm. Tuy nhiên trên soái hạm Tô Định còn trằn trọc kinh khủng hơn. Sóng Lãng Bạc ì oạp luôn vần vũ mạn thuyền, nghe như tiếng xua đuổi, nguyền rủa Hán quân. Con thuyền chao động không ngừng nghỉ, các mộng gỗ nghiến vào nhau kèn kẹt căm hờn.

Tô Định cảm thấy cả cái kiến, con muỗi của xứ sở này cũng ghét cay ghét đắng y. Y đến đâu chúng cũng bám theo hành hạ. Đàn vạc trắng xưa hay rảo bước bên bãi bồi Long Uyên kiếm ăn cũng biết tránh xa quân thù tàn bạo. Suốt bến thuyền, cả đêm dài không nghe một tiếng cá quẫy, không thấy một bọt tăm…

Những lúc khủng hoảng nhất, Tô Định thường đánh thức lính tráng dậy hết và ra lệnh đốt lửa xua tà ma. Y hỏi mấy ngụy binh người Âu Lạc về ý nghĩa từng hồi trống. Mặc dù được giải thích cặn kẽ là trống xuất binh sẽ dồn dập, liên hồi, gần như không ngừng nghỉ, không giống như các hồi trống nhắc nhở cảnh giác gần đây, Tô Định vẫn không tin. Y nọc bọn ngụy ấy ra, tra khảo tội nội gián.

Hình ảnh bệ rạc của Tô Định càng làm cho tinh thần quân Hán hoang mang, chí khí hao tổn. Nói cho cùng lính lê dương thực dân cũng chỉ là nạn nhân của chính trị thực dân mà thôi. Quân chính qui của Tô Định toàn nông nô Hoa Bắc, không hợp phong thổ Âu Lạc, sốt rét, ngã nước tuần nào cũng lấy đi vài mạng. Phu chèo thuyền, phục vụ, đa số được Tô Định tuyển chọn tại Nam Hải, chẳng xa lạ với khí hậu ẩm thấp nhưng ít nhiều cùng dòng giống Bách Việt, hiểu tình cảnh của người Nam nên chán nản. Tâm trạng chung của họ là ngán ngẩm biên thú, thương quê, nhớ nhà. Quân doanh Hán râm ran tin đồn chính Tô Định bị ma ám. Đây đó ở bến Long Uyên đã nghe tiếng sáo Cai Hạ oán thán của Trương Lương thuở nào. Ngặt nỗi đường về phương Bắc xa xăm, rừng thiêng nước độc, không thôi Hán quân cũng đã vứt bỏ giáo gươm, rã ngũ, mặc Tô Định một mình xoay sở nơi này.

Thói đời, những kẻ yếm thế, bị dồn vào chân tường lại càng hung hăng, sát máu, thích gây gổ và can qua. Tội ác của Tô Định cứ thế ngày càng dày hơn, nước biển hồ Lãng Bạc cũng khôn rửa sạch.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK