Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Phải chăng quan sát qui luật chuyển động từ Đông sang Tây hằng ngày của mặt trời, người Hoa Hạ đã đặt ra mốc Cửu Châu? Nếu ta áp nghĩa Cửu là mặt trời ở đây thì sẽ bật ra sự thống nhất xuyên suốt trong nội hàm tên gọi nước Nhật: Cửu Châu (Xứ sở của mặt trời), Nhật Bản (Gốc của mặt trời), Phù Tang (Theo truyền thuyết cổ phương Đông có cây dâu rỗng lòng gọi là Phù Tang hay Khổng Tang, là nơi thần Mặt Trời nghỉ ngơi trước khi cưỡi xe lửa du hành ngang qua bầu trời từ Đông sang Tây, do đó Phù Tang hàm nghĩa văn chương chỉ nơi Mặt trời mọc).

Cô bảo Thiên văn học là một ngành quá hẹp, cô tin anh chứ chưa thể hiểu anh. Anh cảm ơn rồi nói lòng tin cũng tốt thôi. Sử quan Á Đông xưa đều là những nhà thiên văn thực hành, cho nên tìm hiểu cổ sử mà mù tịt thiên văn thì đáng tiếc lắm.

Anh luận ra từ qui luật chuyển động hằng năm của mặt trời, trên hướng nam tính từ các kinh đô cổ Trung Quốc, sẽ xuất hiện ít nhất hai mốc mang nghĩa “gốc của mặt trời” áng chừng. Ít nhất hai mốc là vì, khác với hướng đông (đi qua Cửu Châu) văn minh Hoa Hạ luôn tiến về phía nam, càng ngày càng hiểu hơn vùng đất phương nam. Các “gốc của mặt trời” có thể cũng dịch chuyển và thay đổi để chính xác hơn.

Hai mốc ấy đã nằm yên trong Hán sử nhiều ngàn năm, đó là Cửu Nghi và Cửu Chân. Chân nghĩa là gốc như “qui chân” là trở về gốc. Một cách đại khái, Cửu Chân ra đời như khái niệm vùng xích đạo ngày nay. Nó nằm trong một hệ thống có tính thuyết phục cao. Sử quan Hoa Hạ đã quan sát bầu trời, quan sát qui luật chuyển động tương đối của mặt trời và trái đất để đặt ra những khái niệm xuyên suốt và tiếp nối: Giao Chỉ (vùng đất tiếp giáp phía nam Hoa Hạ), Cửu Nghi/Cửu Chân (gốc của mặt trời, xích đạo), Nhật Nam (bán cầu nam).

Người Hán mường tượng khái niệm Nhật Nam trên logic nếu đi về phương nam, qua gốc mặt trời (Cửu chân/Xích đạo), đến một nơi nào đó, bóng mặt trời sẽ nằm ở phía nam của mọi vật. Khi ấy khi xây nhà cửa, để đón ánh nắng ấm áp, người ta phải quay cửa chính về phía bắc.

Quá trình chuyển hóa khái niệm thành địa danh cố định cũng là quá trình nam tiến, bành trướng của văn minh Hoa Hạ về phương nam.

***

Tô Định đến Hợp Phố, thần hồn nát thần tín, đổ bệnh liệt giường. Quân Hán vỡ mật chết không ít. Bọn Thái thú phương nam nghe tin rụng rời, lệnh đóng cửa biên giới, cắm trại chỉnh đốn sĩ khí. Ngựa trạm báo gấp về triều, Quang Vũ điên tiết đập vỡ mất một cặp lục bình men quí cạnh thư án.

Mãi đến mùa hạ năm 41 Tô Định mới rón rén vào thành Lạc Dương. Y tự trói và nộp mình dưới bệ rồng. Hôm ấy trời nóng bức, đêm trước Quang Vũ lại quá chén và bày trò ca múa khuya khoắt với mỹ nữ nên thần thái rất kém. Trong người uể oải, vua bèn phất tay đuổi Tô Định ra. Số là Tô Định từng thông đồng với Thái thú Hợp Phố và Nam Hải, bớt xén của ăn cướp từ Âu Lạc, chia chác với nhau. Khi bại trận, y phải trút hết hầu bao đút lót những người xung quanh Hán Quang Vũ, mong tránh họa tru di. Vương thái giám bị mua chuộc, đã cắt cử một vũ đoàn toàn gái đẹp bắt từ Lĩnh Nam, rút hết sinh lực hoàng đế trước khi cho Tô Định vào.

Cuối cùng, nhờ Vương khéo che chắn, tâng công Tô Định đã dâng nhiều của ngon vật lạ từ Âu Lạc suốt mấy năm, Hán Quang vũ không giết, chỉ phế y làm thứ dân, đuổi ra khỏi kinh thành.

Thoát chết, Tô Định vội dọn nhà về quê cũ, tay lam tay làm việc đồng áng. Càng đổ mồ hôi nhiều thì giấc ngủ của y càng dễ đến. Mỗi lần nghe tiếng đồng va chạm Tô Định thường giật nẩy mình, đến bữa nuốt không trôi. Vì vậy trong nhà y, mọi đồ vật gia dụng bằng đồng như mâm, chậu, âu, xô đều bị giấu tiệt. Ác mộng Âu Lạc dần dần cũng thuyên giảm.

Cuối đông, chợt nhớ đến lạc thú Lĩnh Nam và da cá sấu, ngọc trai, sừng tê Âu Lạc, vua Hán lại sai tả hữu cho tìm Tô Định hỏi han. Nghe tin, Tô Định sợ quá, tự bẻ gãy một chân, rồi nói thác với Quang vũ rằng đi cày bị bò xéo.

Y tấu: “Người Âu Lạc rất ngoan cường, luật tục khác nhiều với Trung Quốc. Nghe đồn Trưng Trắc đã tự lập làm vua, oai hèn trải đến Cửu Chân và cả những vùng man mọi của Hợp Phố. Thời bình, dân tình lam khổ vì quí tộc lười nhát, biến thái, nhũng lạm sa đọa. Nhưng lạ là, nếu bị ngoại bang bức ép, lập tức đất nước ấy sẽ kết ngay thành một khối như nhất. Lần này xuất quân phải lựa lão tướng nhiều thủ đoạn, đã trải trăm trận thắng, mới mong chế được hùng tâm nơi địa linh nhân kiệt”. Nghe xong, vua Hán nghĩ ngay đến Mã Viện.

Lịch sử có những điều lập lại hết sức trùng hợp. Mã Viện vốn họ Triệu, cùng thượng tổ như Triệu Đà. Y vốn là con cháu của Triệu Xa, tướng nước Triệu thời Chiến quốc. Triệu Xa mang hiệu mã phục quân, tiện lấy luôn họ Mã để tách chi tộc.

Cầm binh từ thời ngụy Vương Mãng, hoạn lộ của Mã Viện gập ghềnh trên chiến trường, nhưng cả hai triều đại đều nể vì tài năng của y. Đầu Đông Hán, Viện phò vua bày bao trận hiểm, tước đến Thái trung đại phu. Sau đó nhiều lần y lại lập công lớn khi chinh Tây, đánh Khương, lãnh ấn Thái thú Lũng Tây. Sự nghiệp lớn của Mã Viện là cướp nước người, thủ đoạn khó ai bì.

Được triệu vời nam tiến, Mã Viện tuy đã già nhưng vẫn không từ nan. Máu tham lập công nổi lên bừng bừng. Vua Hán cả mừng trao ấn, phong Viện làm Phục Ba tướng quân, cử Lưu Long phó phụ, ra lệnh cả hai tuyển binh mãi mã xuống Nam Hải hội quân cùng Lâu thuyền tướng Đoàn Chí. Đoàn Chí trước đó đã tuân chỉ đóng thuyền, bắt lính hơn vạn người ở Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, Thương Ngô chờ Mã Viện. Gần hai vạn quân vừa đến Hợp Phố, bỗng Chí ngã nước chết. Viện được giao toàn quyền. Y cho thuyền chạy ven biển, phá núi mở đường, vẽ địa đồ, ghi chú tài nguyên Âu Lạc. Vì lương thảo hạn chế, đi đến đâu có làng có bản Mã Viện đều tấn công, cướp bóc và bắt thêm dân phu.

Đến Long Uyên, quân số của Mã Viện đã vọt lên hai vạn rưỡi, hơn một ngàn Lâu thuyền lớn nhỏ đủ loại.

***

Mùa xuân năm 42, những ngày lễ mừng năm mới của Âu Lạc dài như vô tận. Không biết bao nhiêu tre vầu đã bị chặt để làm nêu. Quan lại M’linh tranh nhau xem ai dựng nêu cao nhất, ai chôn nhiều nêu nhất. Hai năm liền mất mùa, dân thường đói kém, vậy mà trâu bò bị giết thịt hành lễ không biết bao nhiêu mà kể. Trưng vương nghiêm cấm mọi hoạt động quá trớn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực. Lệnh ấy chỉ có tác dụng không quá tầm mắt, tầm tai của chính bà.

Những gốc tre già cao vút, gióng đều và thẳng tắp thường được chọn làm nêu. Người ta đập dập ngọn tre thành xơ, rũ dài như bông. Cạnh đó treo móc một túi vải đựng bầu rượu, vôi, trầu cau để mời tổ tiên về với con cháu. Bông tre lao xao trong gió là dấu hiệu các linh hồn đang có mặt. Mỗi gốc nêu sẽ hiến tế một con trâu. Nó bị buộc sẵn vào rào nọc ngắn trồng xung quanh chân nêu. Nọc gỗ khắc hoặc vẽ hoa văn và những hình chim thú rất vui mắt, linh hoạt.

Cây nêu tượng trưng cho chiếc cầu nối trời và đất, nó cũng là mốc dấu ghi nhận cương vực của một cộng đồng nhỏ. Khi nêu đã dựng, mọi công việc trong làng xã phải dừng hết lại. Tập trung dưới cây nêu, người ta không cảm thấy đơn độc, dễ dàng trút bỏ phiền muộn cũ, cùng nhau hướng đến tương lai, cầu mong vạn sự hanh thông, tốt đẹp.

Mở lễ, mọi người vây tròn gốc nêu, chiêng trống gõ nhịp xung trận. Một trai đinh khỏe mạnh cầm con dao to và sắc vừa múa may vừa đuổi con trâu chạy quanh gốc nêu. Lần lượt bốn chân con trâu bị chém đứt gân khuỷu. Khi nó gục xuống, nữ chiến binh tài ba nhất được chủ nhà trao cho ngọn giáo thiêng của dòng tộc để đâm một phát dứt khoát vào tim con vật.

Thịt trâu tươi đặt lên lá chuối đem đến bàn hành lễ có chín ché rượu vây quanh. Thầy mo bôi một ít máu trâu lên chân gia chủ rồi khấn niệm, đọc sử thi ca ngợi công đức gia tiên và cầu mong sức khỏe, thịnh vượng cho gia chủ.

Toàn bộ khách mời được thưởng thức thịt nướng và uống rượu trong tiếng chiêng trống dập dìu. Khách càng nhiều, trâu thay nhau bị giết. Ché hết nước lại được đổ đầy. Rượu nhạt thì người ta thay ché hoặc dùng rượu khách khứa đem đến. Cảnh tượng tưng bừng náo nhiệt. Tối mịt, cuộc chơi lại được dọn vào nhà sàn. Người say kẻ tỉnh nằm chồng ngồi chất ca hát, đùa nghịch thâu đêm.

Trưng vương không vui suốt tuần trăng mới. Bà luôn luôn bồn chồn và bị ám ảnh bởi một tai họa kinh hoàng đang đến gần. Tất nhiên bà không biết Mã Viện đã hội quân tại Hợp Phố. Chỉ cần một chút tấm lòng với nước non, ai cũng thấy những gì diễn ra một năm rưỡi qua tại Âu Lạc chẳng hứa hẹn điều gì tốt đẹp.

Lữ lạc tướng từ lâu đã bỏ về Phong Châu ẩn dật. A Thi, Trưng Trắc và Trưng Nhị rất buồn. Nỗi buồn chung vì nước của họ càng cô độc thì càng thăng hoa, trở thành niềm bi thiết, đại diện cho lương tri những người Âu Lạc yêu quí xứ sở của mình, đau đớn trong dự cảm thê lương.

“Nàng không có lỗi“. A Thi an ủi Trưng vương – “Tiền lệ của tổ tiên là Thánh Gióng phải về trời. Lạc vương dẹp xong giặc, ngoài lòng kính trọng đời đời truyền kể, các ngài vẫn dần tan lẫn vào lối sống cũ”.

“Giặc Ân khác giặc Hán nhiều lắm. Nhâm Diên, Tích Quang, Tô Định nối nhau liên tục quấy nhiễu chúng ta hai đời. Kẻ sau gươm giáo luôn nhiều hơn kẻ trước. Sao không ai chịu hiểu như ta?”. Trưng vương thở dài.

“Tôi hiểu. Trưng Nhị hiểu. Đô Dương, Lê Chân và Lữ lạc tướng cũng thế”. A Thi nói – “Nhưng chúng ta bất lực. Ý trời chăng?”.

Trưng vương kể cho A Thi nghe giấc mơ kỳ lạ của bà những ngày gần đây. Nó cứ lập đi lập lại, rỗng toang, không có mở đầu và kết thúc nhưng cố kết chặt chẽ như một đoạn sử thi:

Trong ngôi nhà rông mái hình thuyền của Lạc vương

Không có cửa, không có cả cầu thang

Tiếng chiêng tiếng trống quay tròn

Bà thầy mo đang hát sử thi

Kể về một thầy mo khác, đang hát sử thi

Trong ngôi nhà rông mái hình thuyền của Lạc vương khác

Không cửa, không cầu thang

Tiếng chiêng tiếng trống quay tròn


Tiếng chiêng tiếng trống quay tròn

Không ai biết thầy mo hát gì

Bà kể về một thầy mo khác nữa?

Chẳng rõ A Thi hiểu giấc mơ ấy như thế nào. Ông hỏi Trưng vương: “Chúng ta có kịp tát ao tù không?”.

“Hết mùa gió này, nếu may phúc quân Hán chưa kéo sang, A Thi hãy ra biển đón gió Nam nhé”. Trưng vương có vẻ không tin sự sắp xếp của mình sẽ suôn sẻ. Hè năm ngoái bà cứ hoài ngóng những thuyền buôn Ả Rập. Họ đã không ghé M’linh. Kho lẫm chưa đầy, Trưng vương vẫn có ý bớt ăn giảm mặc, dành dụm đổi sắt. Giờ đây bà không muốn đợi nữa. A Thi phải đi tìm họ vậy.

Trưng vương tiết kiệm cả trong đám tang và lễ bỏ mả mẹ mình cuối năm ngoái. Sau lễ cúng trăng năm 40, bà Man Thiện trút hơi thở cuối cùng. Tiếng cối xuyên qua các bản làng báo tin người tủ lĩnh già nua vĩ đại, mẹ của Lạc vương Trưng Trắc không còn nữa.

Một cây gỗ không to lắm được khoét làm quan tài hình thuyền. “Trẻ làm ma, già làm hội” nhưng chỉ ba con trâu bị giết. Người Âu Lạc nhìn thấy sự sống nơi cái chết nên tang ma có than khóc, cũng có nhảy múa ca hát, rượu chè say sưa.

Đúng theo di nguyện của mẹ, Trưng vương không tổ chức đại tang tốn kém. Ngày đưa bà Man Thiện về phía tây, đoàn Giao long thuyền khép một vòng trước cửa Hát. Đồ tùy táng đủ dùng, nhà mồ vừa phải. Già Mị bảo: “Đường đường Lạc vương giàu nhất Âu Lạc, bà nên thưa với mẹ sẽ trông nom cơm nước mồ mả chín năm”. Trưng vương nhất quyết gạt đi: “Nước chưa hẳn đã yên, nhà chắc là không ổn. Mẹ ta muốn sớm lên trời chừng nào hay chừng ấy, để cùng tiên tổ độ trì cho vận mệnh Âu Lạc”.

Lễ bỏ mả, một hàng rào quét vôi trắng đơn sơ được dựng lên quanh mộ. Nhà cúng phên tre, vách nứa giản dị. Gia tài bà Man Thiện mang đi ít hơn hẳn một quan Lang nghèo nhất. Không có vò đồng, vại thiếc. Không có kiếm cung. Chỉ duy nhất một chiếc trống đồng nhỏ tượng trưng. Trưng vương thịt một con trâu què, bày vài ché rượu nhỏ. Tiếng trống mẹ khóc. Người dự đông như kiến, Lạc hầu, Lạc tướng đủ mặt cả. Lạ là họ không xấu hổ trước gương sáng Trưng vương mà còn thầm dè bỉu sự nghèo nàn của lễ dứt tang. Trưng Nhị không nhận hàng thuyền đầy cống vật, cô bảo họ hãy mang về lo cho quân sĩ và dân nghèo.

Trưng vương định dùng lễ tang này cảnh tỉnh, khuyên nhủ người Âu Lạc về họa bắc phương. Trước khi thả một con gà vào rừng bà vừa khấn vừa khóc:

“Hỡi thần chết. Tôi không có nhiều của cải cho người. Trống đồng để đánh giặc. Lao tên dùng giết thù. Hãy đón mẹ ta đi. Vì mất mẹ, em ta chưa kịp lấy chồng. Ta chưa sinh được con. Ai sẽ nối dòng chống giặc dữ giúp ta? Các Lạc hầu ư? Các Lạc tướng ư? Khi nào họ mới dứt cơn say? Khi nào họ bớt hè bớt hội? Từ hôm nay cơm cúng ta sẽ dùng nuôi dũng sĩ, rượu ngon ta sẽ thưởng quan hiền. Thần chết hãy thông cảm với ta. Nhà dột sợ mưa, nước nghèo tất họa”.

“Mẹ ơi. Người hãy lên trời, hãy đi gặp linh hồn những Lạc vương muôn năm cũ. Mẹ hỏi giúp con Lạc vương hôm nay phải làm gì? Hãy đánh thức giùm con khí thiêng sông núi. Hãy báo cho con khi nào giặc tới…”.

***

Giặc lại đến rồi. Tiếng trống mẹ của Trưng vương tại M’linh cất lên những nhịp báo động u sầu. Quan Lang, Lạc tướng, Lạc hầu cứ như đang say ngủ, rời rạc và bải hoải sai nô thuộc đánh trống trả lời. Các tiếng trống không còn rền vang và nhất thể như hai năm trước. Có lẽ hoan điệu hưởng lạc, tụng ca chiến thắng từ mùa thu năm 40 đã ngấm vào hồn trống, đã lên rỉ xanh trong lòng trống. Những tia mặt trời giữa mặt trống mòn hằn, sâu hoắm, ngao ngán như một cái miệng bô lão Âu Lạc đã rụng hết răng, vừa nhai trầu giã nát vừa ngáp. Chen trong âm thanh lộn xộn ấy, đặc biệt không thể chấp nhận là những tiếng rè nặng nhẹ khác nhau, tùy thuộc vào chiếc trống bị nứt ở mặt hay ở vai, ở eo hoặc ở chân.

Cái hồn nhiên của một dân tộc hiền hòa lộ ra rất nhanh. Chiến binh Âu Lạc cuối cùng cũng lên thuyền, tập trung đông đảo tại cửa sông Hát. Người người chen vai, tâm tình trẩy hội, nam nữ hớn hở đưa duyên cứ như chợ tình đang mở trên biển hồ Lãng Bạc. Họ tưởng Mã Viện cũng xoàng như Tô Định nên rất coi thường. Trưng vương phải chạy như con thoi khắp nơi để chấn chỉnh, xốc lại hàng ngũ, từ Lạc tướng đến các tay chèo bắp tay nhão nhẹt vì nát rượu. Mặt khác bà cử người cấp đến Cửu Chân, Phong Châu, An Biên kêu gọi Lạc tướng, Lạc hầu điều quân hỗ trợ.

Từ sông Mã, Đô Dương vượt biển đến An Biên hội quân với Lạc tướng Lê Chân và năm ngàn nữ binh kiêu dũng của bà. Tổng cộng cánh quân ngoài biển có bảy tám trăm Giao long thuyền và gần vạn rưỡi chiến binh.

Thật ra Mã Viện có thể tấn công Trưng vương khi đội ngũ của họ chưa tề chỉnh, song y sợ những gì mình thấy chỉ là hư trương. Mã Viện gấp rút khôi phục bến Long Uyên, xây dựng hành dinh, trại lính lớn gấp năm mười lần những gì Tô Định đã làm. Y bố phòng nghiêm nhặt một vùng đệm an toàn, cấm tiệt mọi xung đột dù nhỏ nhất với chiến thuyền Âu Lạc. Bất kể sáng tối, đi tuần gặp thuyền binh Âu Lạc, quân Mã Viện luôn bỏ chạy. Thường thường thuyền Âu Lạc đuổi theo gần đến Long Uyên, thấy cờ xí rợp trời, lâu thuyền trùng trùng điệp điệp thì rờn rợn rút lui. Không bao lâu sau, lính tráng của Trưng vương mất hết cảnh giác, nhiều khi thấy Mã quân mon men đến gần nghiêng ngó cũng chẳng thèm đuổi.

Tính toán kỹ lưỡng mọi đường nước, Mã Viện đặt mục tiêu tiêu diệt chủ lực của Trưng vương trước Đoan Ngọ năm 42. Y tránh dớp xấu của Tô Định. Ngày sinh mẹ tổ, dân Âu Lạc sẽ tụ hội cả về Lãng Bạc, chẳng thể coi thường. Mã Viện đếm ngày, chờ Trưng vương nôn nóng, bất cẩn.

Năm ấy mùa hè đến sớm, mưa đến sớm. Thời tiết khắc nghiệt, nước ngập mênh mông. Nắng nóng thiêu da cháy thịt. Chướng khí ngùn ngụt bốc lên, tạo thành một chiếc lồng kính chụp xuống biển hồ Lãng Bạc và các vùng xung quanh. Đây là hiện tượng trầm áp nhiệt đới, bầu trời mờ đục như khói giăng, đất nứt, nước bốc hơi nhưng nhiệt lượng bị phong tỏa không thoát được, bức bối chẳng bút nào tả xiết. Quân lính hai bên ngã nước, dịch bệnh, chết chóc tràn lan. Chim trời nhiều khi đang bay đột nhiên xoãi cánh, rơi chết lộp bộp xuống đầm lầy.

Trưng vương bất lực nhìn quân sĩ mất dần nhuệ khí, hàng ngũ xộc xệch. Bà biết rất khó chờ thêm một buổi nào nữa. Bà đâu phải tướng tài được rèn luyện qua trải nghiệm thực tế. Chồng bà, A Thi cũng vậy. Họ không lượng được sức mạnh thật sự của Mã Viện. Sông Hồng bị cứ điểm Long Uyên chia cắt, liên lạc với An Biên khó khăn. Mấy chiếc thuyền giả trang đánh cá đem tin tức từ An Biên đến cho Trưng vương đã bị Mã Viện cầm bắt. Thủy lộ sông Đáy an toàn hơn nhưng nước rất cạn, đầm lầy vòng vèo, lam sơn chướng khí hừng hực, do đó quân lệnh thưa thớt và không kịp thời.

“Vậy là nàng vẫn quyết tấn công Mã Viện?” A Thi hỏi Trưng Trắc.

“Chàng nhìn thấy thất bại của ta?”

“Tôi lo sợ”.

“Ta không sợ. Ta không lo sợ”. Trưng Trắc đi một vòng quanh đống lửa lớn bên mép nước. “Nếu ta không phát lệnh xung phong thì hàng vạn quân này cũng sẽ tan rã. Trò nhấm nhứ của họ Mã thật lợi hại”.

Khi nghe An Biên đã sẵn sàng, Giao long thuyền của Đô Dương và Lê Chân đang tiến về Long Uyên, Trưng vương mừng rỡ:

“Tướng sĩ ơi, ta phải đánh thôi. Đánh để con cháu đời đời lấy đó làm gương, lấy dũng khí và lòng kiêu hãnh của vua bà này làm bửu bối giữ nước. Mai này có thể dân ta sẽ nai lưng làm nô lệ. Mai này có thể chúng sẽ phá nát giang sơn của tiên tổ, sẽ đốt ra tro hàng ngàn thôn làng xóm bản. Nhưng ta biết khí chất anh hùng sẽ chảy trong huyết quản con dân Âu Lạc muôn năm. Sẽ có lúc nó sống lại mãnh liệt, biến thành mưa gió, sấm chớp, bão giông quật xuống đầu lũ cường bạo, để giành lại phẩm giá của con người tự do”.

“Ngài sai lầm rồi, thưa Trưng vương”. Lữ Lạc tướng lắc đầu – “Khi chưa có kế hoạch cụ thể chúng ta đã vội triệu vời Đô Dương ra An Biên. Theo mật ước, họ sẽ tấn công Long Uyên rạng sáng mai. Nếu ta án binh bất động lúc này, khác nào mời họ vào cho hổ xé xác. Ta đánh lại càng thất sách, quan quân mệt mỏi vì thời tiết, sĩ khí hao tổn, cầm chắc bại vong”.

“Hay tạm chờ Đô Dương và Lê Chân mở màn trước. Ta vẫn nghĩ bao vây Long Uyên từ hai phía sẽ tốt hơn”. A Thi góp lời.

“Đũa cả lại đẩy tiên phong cho đũa con, đấy không phải cách của bậc vương hầu”. Trưng Nhị thẳng thắn, hoàn toàn không có ý coi thường A Thi – “Chúng ta sai lầm từ buổi đầu, quyết định dàn trường trận bảo vệ từng thước đất kinh đô M’linh không thực tế. Mã Viện phải bám vào cái phao Long Uyên vì y là kẻ lạ. Với chúng ta, khắp Âu Lạc này, chỗ nào cũng có thể trở thành hành đô kháng Hán, bờ bụi nào cũng có thể xem như chiến lũy, người dân nào cũng là một chiến sĩ từ trong bản năng”.

Mọi người lặng im. Trưng Nhị nói quá đúng. Khi những cánh buồm đen của Mã Viện vừa chấp chới quần tụ gần Long Uyên như một bầy diều hâu đói xác chết, ai ai cũng quẫn cuống, mất hết bình tĩnh. Những kẻ ích kỷ nhất quan trường M’linh đã can dự quá sâu vào lệnh hội quân của Trưng vương. Chúng không có mặt tại cửa Hát đêm nay. Chúng rời khỏi hàng ngũ và kinh đô rất nhanh, ngay khi nhận thức được thất bại không thể tránh khỏi.

Trống điểm canh não nề buông những tiếng động khô khốc vào thinh không. Đêm oi nồng. Chẳng sợi gió hiếm hoi nào lạc đến cuộc hội đàm của tướng sĩ Âu Lạc. Nước triều đang lên, rất mạnh, nhắc nhở Trưng vương rằng, bà không còn thời gian đắn đo.

Trống lệnh sẽ cất nhịp dồn, người Âu Lạc định hút thuyền Hán về hết thượng lưu biển hồ Lãng Bạc, trong khi Đô Dương đánh úp Long Uyên.

Lịch sử có thể thay đổi hoàn toàn chỉ với một chữ nếu. Nếu người Âu Lạc mở lòng với thương nhân Ả Rập, nếu họ đã thay đồng bằng sắt để đúc gươm, rèn giáo, nếu họ khiêm tốn một tí sau mùa thu năm 40, nếu quan trường M’linh loại bỏ được lũ hèn mạt… Âu Lạc có thể đã không phải trải qua tám trăm năm tăm tối dưới ách thống trị bắc phương. Gần với Trưng vương lúc ấy hơn cả, nếu bà biết Đô Dương và Lê Chân vẫn còn cách biển hồ Lãng Bạc nửa ngày đường, biết đâu Mã Viện sẽ ôm hận dưới đáy nước.

***

Rạng sáng một ngày cuối xuân năm 42, hơn ba vạn chiến sĩ nam nữ Âu Lạc ngồi trên gần hai ngàn Giao long thuyền được lệnh tiến vào biển hồ Lãng Bạc. Vì do thám tốt, khi tiếng trống cái của Trưng vương phát tín hiệu xung trận thì Mã Viện đã sẵn sàng.

Lâu thuyền dàn đội hình thành chữ V xuôi, lợi dụng mạn thuyền cao định áp chế Giao long thuyền thấp hơn, hầu mong bao vây và nghiền nát quân Âu Lạc. Không có cảm tử thì sẽ không thể phá vỡ đội hình Lâu thuyền, A Thi cho vài mươi chiếc Giao long thuyền đã ngụy trang kỹ rơm rạ và chất dễ cháy, tự nguyện xông vào giữa hàng ngũ Hán. Khi chữ V khép lại, cảm tử quân châm lửa rồi bỏ thuyền lặn ra ngoài. Theo chiều nước và gió, hỏa Giao long thuyền trôi về cánh trái chữ V, đe dọa nghiêm trọng hàng trăm Lâu thuyền. Mã Viện hoảng hốt phất cờ hiệu và nện trống dưới ánh đuốc, cho phép Lâu thuyền tản ra nhưng hàng chục chiếc đã kịp bắt lửa.

Bị vỗ mặt, Mã lão tướng giận run người. Y chuyển qua tấn công theo một cung tròn. Ở thế gần như mặt đối mặt này, máy bắn đá kém tác dụng, máng đá hai bên mạn vô dụng. Các Giao long thuyền tiên phong cắt ra năm ba chiếc một đội, tấn công một Lâu thuyền. Giao long thuyền gắn mũi giáo ngầm dưới nước lãnh nhiệm vụ đâm thủng mạn thuyền Hán và đốt thuyền mình làm mồi lửa. Các thuyền còn lại áp mũi và lái, vừa bắn tên lửa lên buồm và boong giữa Hán thuyền, vừa quăng móc câu, thang dây tràn lên cận chiến. Nỏ liên châu của Hán quân tuy sức công phá lớn nhưng thao tác chậm, bị cung Âu Lạc khống chế tốt. Ngược lại, kiếm sắt Hán khá lợi hại, nhiều móc câu, thang dây bị vô hiệu hóa chỉ bằng một nhát chém.

Thuyền Hán cháy đỏ góc trời tây Lãng Bạc, át cả ánh dương đang lên ở phía đông. Tuy vậy vì phải dùng nhiều Giao long thuyền mới hạ được một Lâu thuyền, thế trường trận đã thấy Âu Lạc sẽ đuối. Mã Viện phất cờ, đánh trống xếp lại đội hình chữ V, quyết bao vây toàn bộ Giao long thuyền Âu Lạc.

Đánh rắn phải đánh dập đầu. A Thi xếp đặt một đội thuyền cừ khôi do chính ông chỉ huy, chờ cơ hội tấn công soái thuyền của Mã Viện. Mười thợ lặn mạnh mẽ nhất Âu Lạc xăm khắp mình vẩy Giao long, bí mật xuống nước đục đáy thuyền. Rất tiếc vỏ thuyền làm bằng gỗ tứ thiết (cứng như sắt) tốt nhất Lĩnh Nam, các thợ lặn thất bại. Năm Giao long thuyền đầu gắn lưỡi giáo có ngạnh vận hết lực chèo lao vào, chúng đều bị máy bắn đá đập vỡ. Tên và lao vù vù xé gió, cắm lởm chởm trong ngoài soái thuyền, Mã Viện phải ra lệnh hạ hết buồm tránh bùi nhùi lửa.

Thấy chủ tướng bị áp chế, một số Lâu thuyền xung quanh ra sức ứng cứu. Chúng loại khỏi vòng chiến đấu hầu hết Giao long thuyền nhăm nhe áp sát mạn thuyền Mã Viện. Chỉ mỗi thuyền của A Thi tiếp cận được soái thuyền, nếu không kể hai thợ lặn quyết tử bám vào bánh lái, dùng rìu tước bỏ khả năng quay trở của nó. A Thi và ba võ sĩ giỏi nhất M’linh cuối cùng cũng trèo được lên boong soái thuyền. Nỏ liên châu đã đợi sẵn họ. Những mũi tên bọc sắt xuyên vào lồng ngực phu quân của Trưng vương. Mặt trời đã chói chang trên biển hồ Lãng Bạc tự lúc nào.

Trống đồng Âu Lạc vẫn dồn dập dùi xung trận nhưng một trong những vị dũng tướng kỳ tài nhất của họ đã tắt thở. Mã Viện hậm hực chặt đầu A Thi treo trên cột buồm cao nhất của soái thuyền. Đôi mắt ông trừng trừng như muốn thu hết cảnh non nước đang lâm nguy. Hán quân không dám nhìn ông. Người Âu Lạc lại thấy ở đó tia sáng động viên, khích lệ và lời nhắn nhủ phải chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Ánh dương đỏ rực cũng phải nấp sau đôi mắt A Thi.

Tin dữ vọng về. Trưng Trắc nuốt nước mắt. Nếu đang ở trên bờ, gia tộc bà phải gõ cối, nổi chiêng báo tang A Thi. Giữa biển nước, Trưng vương đành mượn dùi trống từ tay một người lính. Bà muốn tự khiển binh, tự gióng lên những tiếng căm hờn tận đáy lòng. Tiếng trống của bà vẫn đầy dũng khí, vẫn quyết liệt, vẫn mang mệnh lệnh tấn công không ngừng nghỉ. Chiến binh Âu Lạc cắn môi, trợn mắt, chắc tay chèo, vững tay lao, hết lớp này đến lớp khác xông ra tử chiến với Hán quân.

Chiến trận giằng co và dàn trải. Dân chài Âu Lạc khắp nơi nghe trống giục vội kéo đến tiếp sức. Bất kể già trẻ lớn bé, họ xung phong bằng tất cả những gì có thể nổi trên mặt nước trong đời sống sông rạch thường nhật của mình. Thuyền nan, thúng mủng, bè nứa tràn ngập một góc mặt biển hồ Lãng Bạc, tiếng hô giết giặc xao động Hán quân.

Khi Trưng Nhị nắm lấy cánh tay rã rời của Trưng vương, khuyên bà nhìn nhận rõ tình hình, nên tính kế bảo toàn lực lượng, trời đã ngọ. Các Giao long thuyền vẫn quây lấy Lâu thuyền, những cột khói từ thuyền giặc vẫn không ngừng mọc ra, tua tủa chĩa lên từ mặt biển hồ Lãng Bạc. Bỗng nhiên, từ phía đông, tiếng trống đồng của Lạc hầu và Lạc tướng vọng đến. Đô Dương và Lê Chân bị lạc vào bãi cạn trên đường hành quân, họ chậm hơn nửa ngày so với kế hoạch. Đến nơi, lập tức hơn một vạn quân đánh dốc vào Long Uyên.

Mã Viện quá lọc lõi. Y đã phòng bị kỹ lưỡng, năm ngàn quân tinh nhuệ tại Long Uyên không bị bất ngờ. Khói đen ngùn ngụt, khói trắng báo nguy trên hỏa đài giục Mã Viện thu quân.

Hán quân chết vô số kể. Chiến sĩ Âu Lạc bỏ mình cũng không kém.

Nước biển hồ Lãng Bạc đã chuyển hẳn sang màu máu. Máu tử sĩ, bất kể chiến tuyến, đều đỏ như nhau, hòa chung nỗi niềm chiến chinh ai oán. Máu Âu Lạc khắc khoải quê hương bị ngoại xâm dày xéo, bầm tím căm thù giặc dã. Máu Hán nhân hồng màu nhớ quê hương bản quán, đen nỗi uất hận bị đế quốc Hán ném vào vòng sinh tử vì lòng tham và dã tâm nô thuộc xứ người.

***

Được khích lệ bởi tiếp viện, quân Âu Lạc đuổi riết theo Mã Viện. Long Uyên dẫu bị kẹp bởi hai gọng kềm rắn rỏi nhưng vẫn cầm cự được. Thế trận giằng co đến tối mịt.

Đô Dương và Lê Chân đến vương thuyền bái kiến Trưng Trắc.

“Nước bắt đầu xuống. Nên chăng chúng ta kết tất cả Giao long thuyền lại về phía thượng lưu, quyết tung ra trận hỏa công cuối cùng”. Lê Chân hỏi Trưng vương.

“Không ổn. Long Uyên nằm bên bờ lở. Cách bến vài tầm lao có xoáy nước đẩy ra giữa dòng rất mạnh. Hỏa lực sẽ bị cuốn cả vào đấy rồi tản mát hết”. Trưng Nhị nói – “Tôi e rằng chúng ta phải kết thúc cuộc tấn công giữa đêm nay, sức người sắp cạn”.

“Lạc hầu, ngài có ý gì không?”. Trưng vương hỏi Đô Dương.

Óc phân tích và tổng hợp nhạy bén của một nam thủ lĩnh đã cho Đô Dương kết luận rằng quân Âu Lạc càng rút lui sớm thì càng đỡ tổn thất. Người Âu Lạc phải tính đến một cuộc kháng chiến dài lâu. Nhìn gương mặt mệt mỏi, hết sức u buồn và tang tóc của Trưng vương, Đô Dương ngập ngừng, không đang tâm nói ra.

Trưng vương hiểu hết. Dù phải gồng mình với nỗi đau xé ngực, bà vẫn đủ tỉnh táo hoạch định chiến lược. Quyết định bỏ M’linh được ban ra. Toàn bộ quân chủ lực di chuyển lên căn cứ Cấm Khê. Trưng vương khuyên Lê Chân và Đô Dương lui ra biển. Tại An Biên họ phải chấn chỉnh binh lực, đóng thêm thuyền chiến, chiêu nạp lính mới chờ phản công. Trưng vương dặn dò họ rất kỹ, trong trường hợp bà tử trận, Đô Dương được nắm toàn bộ vương quyền Âu Lạc. Ông nhất thiết lui ngay về Cư Phong dựng cờ độc lập, tập hợp quí tộc Âu Lạc, giành lại tự do cho xứ sở.

Trưng Trắc giao trống mẹ thiêng liêng cho Đô Dương rồi lợi dụng bóng đêm di chuyển lên thượng lưu sông Hồng.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK