Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần xây nền độc lập.
(Nguyễn Trãi 1428)
Cô muốn đọc ở khoảng trống giữa các con chữ. Từ Triệu, Trưng, Lý, Trần xây nền độc lập? Là một nhà Nho Nguyễn Trãi có xem trọng Trưng Trắc và Trưng Nhị không? An Nam chí lược, quyển sách sử đầu tiên của người Việt Nam còn lưu giữ được đến ngày nay xem bà Trưng là giặc: Năm Kiến vũ thứ 16 (40 sau Công nguyên), đời vua Hán Quang Vũ, có người đàn bà Giao Chỉ tên là Trưng Trắc làm phản, năm thứ 19 (43), sai Mã Viện qua đánh dẹp yên, rồi dựng trụ đồng để làm giới hạn nhà Hán.
Có một nhà văn nổi tiếng đã vô tình nhưng hùng hồn, phát biểu gián tiếp qua nhân vật, bằng miệng lưỡi và tâm địa của một kẻ thực dân: “Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó”. Cô đỏ mặt vì trí tưởng tượng nghèo nàn của mình. Đồng trinh? Sách Xuân Thu của Khổng Tử hơn hai ngàn năm trước gọi tổ quốc cô là khuyết địa, là đất trống. Sách Lễ Ký lại bảo nơi này toàn bọn xăm trán, vẽ mình.
Hậu Hán Thư ghi nhận cuộc chiến quyết định giữa Hai Bà Trưng và Mã Viện diễn ra năm 42 sau Công nguyên tại Lãng Bạc. Lãng Bạc ở đâu? Có phải Hồ Tây như nhiều sách sử Việt Nam hay quả quyết không? Rõ ràng là không! Thời ấy mực nước biển khá cao so với ngày nay, phần lớn đồng bằng hai bên sông Hồng từ Sơn Tây trở xuống đều ngập trong nước. Nói Lãng Bạc là Hồ Tây thì không sai. Nó chính xác như một chiếc đồng hồ hỏng, hai lần chỉ đúng giờ mỗi ngày. Đó là thảm cảnh của lịch sử không được khoa học soi rọi.
***
Mênh mang trời nước Lãng Bạc. Vài con thuyền độc mộc quây quần tung lưới ven bờ. Những cánh đồng xăm xắp thủy triều, loáng thoáng dăm ba đôi trâu đang cày ải, xúc phèn. Dáng người Âu Lạc nhỏ bé song rắn rỏi. Đầu họ cúi thấp xuống đất mẹ, trông như dé lúa nặng trĩu cần mẫn, lao khổ, nhưng đượm hương mùa mới. Đó hẳn là tinh cốt, túy chất của cuộc sống thanh bình giữa thôn xóm hiền hòa, xã hội nguyên sơ.
Dãy núi đằng tây mờ ảo như một nét vẽ sơn thủy phóng khoáng và bao dung. Ngọn Tản Viên lừng lững bước khỏi khung tranh, trìu mếm ngắm đàn con bé bỏng của mình luôn say mê mưu sinh.
Tiếng hát ngọt ngào đằm thắm, loang trải trên những gợn sóng lăn tăn, óng ánh đùa nắng. Ca từ phi thời gian day dứt như một dấu hỏi thấm dẫm nước mắt:
Ơ… hớ… hơ…
Lãng Bạc là Lãng Bạc nào
Biển hồ sóng dậy cồn cào lời ca
Lãng Bạc là Lãng Bạc xa
Sông Đà núi Tản cha qua mẹ về
Ngàn năm non nước nguyện thề
Không dung giặc cướp, không mê bả quyền
Mê Linh trên bến dưới thuyền
Trưng vương tuẫn tiết…
Ai quên hận này…
Khổ thơ đầu dào dạt tình cảm, nhắc nhớ một thời người Âu Lạc gọi núi Tản là mẹ, sông Hồng, sông Đà là cha. Tục bắt rể nên cha phải qua. Người mẹ đi đâu rồi cũng trở về. Quê cha đất mẹ là vậy.
Khổ thứ hai nhịp rời, nhanh và dứt khoát. Bi tráng đến tột độ rồi buông lơi một câu hỏi, có thể làm rơi nước mắt ngàn đời.
Ai đang hát? Hay đó là hơi thở đất nước, truyền gửi cho người phụ nữ M’linh kiêu dũng sứ mạng mở đường lịch sử? Trưng Trắc nghe thấu tất cả. Bà đứng bên bờ Lãng Bạc đỏ quạnh, đau đáu nhìn về phía đông nam. Màu máu uất hờn trải tận chân trời. Có thể bà biết, dưới mặt nước ấy, hơn ngàn năm sau, phù sa bồi lắng cộng với biển lùi sẽ tạo nên mỏm cù lao phong thủy kim qui trường tồn. Con cháu bà sẽ mở ra một triều đại mới, thời đại mới, độc lập và tự chủ. Họ sẽ gọi nơi ấy là đế đô Thăng Long. Hình ảnh rồng bay tượng trưng cho Đại Việt, thoát thai từ tôtem Giao long, cá sấu, từng được đúc trên đồ đồng của văn minh Đông Sơn.
Điều làm nặng lòng Trưng Trắc mấy năm nay là sự có mặt của Tô Định và sứ đoàn của y tại Long Uyên. Tô Định được Hán Quang Vũ tấn phong làm Thái thú Giao Chỉ năm 34 sau Công nguyên, song thực ra y chỉ vừa mới đến Long Uyên. Trước đó, khi mẹ cả Man Thiện chưa trao quyền cho bà Trưng, bên mép nước phía hạ lưu biển hồ Lãng Bạc, Tích Quang đã xây dựng một bến thuyền và dãy nhà tạm bợ. Họ gọi vống lên đấy là thành Rồng cuộn (Long Uyên). Đến thời Đường, vì húy kị tên tục cao tổ Lý Uyên nên nó được đổi ra Long Biên. Đúng ra nhiệm vụ thám hiểm một cách ôn hòa vùng “khuyết địa” phía nam nhà Hán của Tích Quang đã đặt nền móng vững bền cho kế hoạch thực dân, nếu không có loạn Vương Mãng.
Mùa xuân năm 38 Tô Định và đoàn tùy tùng dăm trăm người của y cặp bến Long Uyên. Mệnh lệnh xấc xược đầu tiên của Tô Định là tập họp tất cả Lạc tướng xung quanh Long Uyên để nghe “thánh chỉ”.
“Dưới gầm trời này, đất ở đâu cũng là đất của Thánh thượng, dân ở đâu cũng là dân Đại Hán – Tô Định gầm lên – Các người có biết đây là quận Giao Chỉ đã được Hán Vũ đế xác lập không?”.
“Tích Quang cũng từng nói như ông – Trưng Trắc nhỏ nhẹ – Từ mẹ tổ, chúng tôi chỉ biết gọi nơi mình sinh sống là Âu Lạc. Âu là đất. Lạc là nước. Âu Lạc là xứ sở của chúng tôi, không phải của người phương Bắc”.
“Khá khen cho Trưng Trắc lắm mồm. Ngươi nên biết sách Vũ Cống đã có từ Nam Hải. Sách Xuân Thu chép rằng nước Sở đã gồm thu Nam Hải thuộc Hoa Hạ. Cổ thư Sơn Hải kinh tiên Tần nói Tây Giang đổ vào Nam Hải. Cả biển nam này là của Đại Hán, rẻo đất trâu đầm Âu Lạc lý nào lại ở ngoài Đại Hán”. Tô Định biện luận rất hùng hồn.
Trưng Trắc cười vang nhờ Lữ lạc tướng tiếp lời họ Tô: “Người Trung Quốc trăm năm trước cứ thấy sông rộng, nước nhiều liền gọi là biển. Nam Hải ở Vũ Cống và Xuân Thu là Trường Giang vậy. Nam Hải trong Sơn Hải kinh rõ ràng là Tây Giang chảy qua Phiên Ngung. Vua Kiến Đức và tể tướng Lữ Gia của triều đình Nam Việt lên thuyền ra sông lớn ngoài Phiên Ngung lập chiến khu, Lộ Bác Đức tấu về triều bảo họ vào biển tây. Tô Thái thú lẽ nào chưa đọc những dòng ấy?”.
Tô Định tái mặt.
Bà Lạc tướng Chu Diên nhìn Trưng Trắc bằng đôi mắt ngưỡng mộ và kính phục. Thật không uổng phí khi bà gửi con trai mình đến M’linh làm chồng người phụ nữ hùng dũng và đảm lược kia.
Ban đầu, không Lạc tướng nào định nghe lệnh Tô Định. Tuy nhiên Trưng Trắc đã cho sứ giả đến nhiều nơi thuyết phục. Bà muốn họ tận mắt chứng kiến dã tâm của những kẻ tự nhận là bề trên, là văn minh hơn người bản xứ. Dùng chính diễn đàn của Tô Định vạch mặt Tộ Định là tuyệt diệu kế. Trưng Trắc dễ dàng bẻ gãy luận điệu ngang ngược của Thái thú.
M’linh rất gần Long Uyên, các chính sách trấn áp của Tô Định luôn ảnh hưởng ngay lập tức đến đời sống và sinh hoạt M’linh. Phản ứng của Trưng Trắc rất dễ hiểu. Bà trở thành chiếc dằm khó chịu cắm ngay trong mắt Thái thú.
Tô Định và người của hắn đã chiêu dụ không ít cư dân xung quanh Long Uyên làm tay sai. Họ quay lưng lại với nền văn hóa của tiên tổ, a dua theo người Hán cười vào tục bắt rể và chế độ mẫu quyền. Họ nghênh ngang vì cậy những ông chủ mới có thuyền to, giáo sắt dài, mặc áo lụa mát mẻ sang trọng.
Gần đây, Tô Định ra lệnh cấm đánh cá suốt một dải Lãng Bạc và những vùng nước phụ cận. Nếu có chiếc thuyền độc mộc nào mạo hiểm buông câu, tung lưới, bầy lâu thuyền buồm cao, cột lớn sẽ lao đến như những con dã thú hung dữ nhất.
Lý luận của Trưng Trắc là, nếu không nghĩ ra cách hóa giải kiểu “tằm ăn lá dâu” này, Tô Định sẽ nuốt dần hồ Lãng Bạc mênh mông, gồm thu sông Hồng, sông Đà và sông Lô. Rồi đến cả rừng cao núi xa bọn hùm sói kia cũng sẽ sục mõm tới. Thử hỏi khi ấy, còn Lạc tướng nào có thể yên ổn?
Tô Định làm gì, nghĩ gì với toàn bộ Âu Lạc, đều dựa trên nhãn quan và ứng xử trước Trưng Trắc và M’linh. Vô hình trung, M’linh vượt lên tuyến đầu kháng Hán. Lạc tướng Trưng Trắc và phó tướng Trưng Nhị đã được lịch sử chọn lựa đơn giản như vậy.
Lịch sử không nên xét nét đúng sai ở trường hợp này. Người ta chỉ có thể tiếc rẻ. M’linh là điểm trũng của văn minh Âu Lạc, nơi chế độ mẫu quyền còn nặng nề.
***
Trưng Trắc cảm thấy cô độc. Ban ngày chồng bà vẫn phải về Chu Diên. Đến đêm A Thi mới là người của M’linh, của gia tộc Lạc tướng nhà bà. Trăm công ngàn việc rối như tơ nhện nên Trưng Trắc lại càng mong sớm có tin vui. Một đứa trẻ sẽ tạo lý do cho bà qua Chu Diên báo tin mừng và xin Lạc tướng thể tất, thường xuyên cho phép A Thi có mặt ở M’linh ban ngày. Trưng Nhị còn trẻ người non dạ. Trưng Trắc cần lắm một nam giới mạnh mẽ giúp sức bên cạnh.
Ngàn xưa đến nay, trách nhiệm giáo dục và nuôi dưỡng con trẻ đều do một nhóm các bà mẹ đảm trách. Nó tự nhiên và nguyên thủy như gà mái ấp trứng chăm con, như hình ảnh hươu cái đa phu trên trống đồng. M’linh là xã hội lấy đại gia tộc bên ngoại làm hạt nhân, chưa chia tách thành những gia đình qui mô nhỏ nhưng linh hoạt để xác lập và nâng cao vai trò người đàn ông. Trong môi trường trọng nữ, ý tưởng của Trưng Trắc đã có thể xem là cách mạng.
Trưng Nhị hơi ảo tưởng. Cô quả quyết mấy mống Hán quân tại Long Uyên có thể quét sạch trong một buổi. Trống đồng đã được trang bị khắp các buôn làng. Khi tiếng trống cái tại nhà sàn Lạc tướng gióng lên gấp ruổi, mọi quan Lang sẽ đáp lời. Ngàn mặt trống gọi sấm sẽ nối âm thành lời hiệu triệu xuất quân rung chuyển non sông. Hổ sẽ gầm. Voi sẽ giậm chân. Hàng trăm con thuyền độc mộc mang hình hài Giao long sẽ bủa lưới lửa xuống Long Uyên.
Trưng Trắc không sợ Tô Định. Bà lo xa hơn Trưng Nhị. Biết bao nhiêu đồng đã để dành đúc trống? Dù có thừa đồng đi nữa, gươm giáo bằng đồng làm sao sắc bén như đồ sắt? Lao tre, tên trúc dẫu bịt đồng, đâu thể đâm thủng được giáp dày khiên lớn của đại quân Hán từ biển sẽ vào cứu Tô Định. Trưng Trắc lờ mờ hiểu rằng bà thua người Hán tự nền tảng. Mọi quan Lang trong M’linh của bà, xứ sở của bà, có thể luôn đoàn kết, nhất lòng đứng dưới mái nhà sàn cao vút của Lạc tướng M’linh. Nhưng Trưng Trắc không chắc ở Chu Diên, Câu Lậu, Luy Lâu, An Biên và nhiều vùng khác, các Lạc tướng và quan Lang có ủng hộ bà không. Dạo Tích Quang qua đây, nhiều Lạc tướng đã biết ở phương Bắc người ta tôn một người lên làm chúa thượng, thống lĩnh trăm họ, quyền lực tuyệt đối, vạn nhà trung thành. Áp dụng hình thức ấy người Âu Lạc mới có thể tập hợp sức mạnh, chống lại bất cứ kẻ thù nào.
Trưng Trắc tin tưởng bà có thể làm vua phương Nam. Song, bà hiểu địa linh thì thiếu gì nhân kiệt. Nhà vua phải là người khiêm tốn, cao thượng, trong sạch, có tâm, có đức, có tài, sống vì dân mà chết cũng vì dân. Sức dân muôn thuở là vô địch, nhà vua phải vận dụng sáng suốt chân lý giản dị ấy trong mọi hoạt động xã hội, nhất là vệ quốc, giữ nước. Nghe đâu cuối thời Tây Hán, vua quan Trung Nguyên cấu kết đè đầu cưỡi cổ nhân dân, sưu cao thuế nặng, cướp bóc tham nhũng, ăn chơi xa xỉ. Hậu quả là Vương Mãng đã soán ngôi Hán đế, thiên hạ loạn ly, đất trời nổi giận, tai ương dồn dập. Người chết kể đến ức, triệu.
Trưng Trắc luôn ghê tởm sự hèn nhát. Giả như mới đây thôi, bà Lạc tướng Khúc Dương đã thân chinh đến giao thiệp, cầu xin Tô Định cho phép đánh cá trên ngã ba Đuống. Hàng chục thuyền độc mộc của họ bị Lâu thuyền Hán đâm thủng, đánh chìm, cướp cả công sức lao động và mạng sống ngư dân. “Phải mạnh mẽ và kiên quyết hơn đó chính là phẩm giá làm người” – Trưng Trắc nói thế. Bà kịch liệt phản đối Tô Định song song với việc cử một số Giao long thuyền có vũ trang bảo vệ toàn bộ khu vực tây bắc biển hồ Lãng Bạc. Ngư trường ngàn đời nay của M’linh là vùng nước ấy. Sông Hồng chảy vào Lãng Bạc tại đây, chếch xuống phía nam là sông Đáy luồn lách giữa một vùng đầm lầy mênh mông. Nơi sông Đáy nhận nước từ Lãng Bạc thường được gọi là cửa Hát vì trong các lễ hội trên mặt hồ, nam nữ hay chống sào dừng thuyền ven bờ. Họ đối đáp bằng những giai điệu dân dã đầy sức sống, đậm chất phồn thực, ngày này qua ngày khác.
Cửa Hát cũng là nơi linh thiêng, gần như biên giới của trần thế và cõi âm. Giới thượng lưu M’linh và Chu Diên khi trăm tuổi, sẽ được khâm liệm vào chiếc quan tài hình thuyền, tái hiện chân thực Giao long thuyền mà họ từng sử dụng. Đoàn đưa tang phải khép một vòng trước cửa Hát, rồi mới đi sâu vào đầm lầy ven sông Đáy, chọn những gò nổi khô ráo an táng người quá cố.
Hôm trước bà Lạc tướng Chu Diên đến thăm M’linh. Bà bảo với Trưng Trắc thế giặc mạnh quá. Càng gần Long Uyên càng nhận ra sức ép kinh khủng. Bà hoang mang và bất lực.
“Giặc lúc nào chả mạnh. Không mạnh sao có thể coi trời bằng vung, chuyên việc trái đạo nghĩa. Vậy thì để tự vệ, Âu Lạc không được yếu. Làm yếu nước là có tội, là rước giặc vào nhà, đem voi dày mộ tiên tổ. Giặc đến, đầu tiên là lỗi ở ta. Ta không yếu giặc nào dám mạo phạm? Ta không sợ, mọi đe dọa chẳng có đất sống”. Trưng Trắc khẳng khái nhận định.
“Nghe nói trên núi, Lạc tướng Bắc Đái, Kê Từ vẫn thản nhiên, ngày ngày ngả thịt thú rừng, uống rượu, ca hát nhảy múa. Họ bảo dẫu cùng một Âu Lạc nhưng họ không thích ăn cá, không quan tâm đến biển hồ Lãng Bạc”. Lạc tướng Chu Diên còn dẫn thêm nhiều bằng chứng để Trưng Trắc thấy không phải mọi người Âu Lạc đều có ý thức cảnh giác trước vận mệnh Âu Lạc.
“Tôi ước sao A Thi sẽ làm vua Âu Lạc. Chúng ta lạc hậu với người quá rồi mẹ chồng à”. Trưng Trắc rút ruột nói – “Không theo kịp thời đại, đất nước nào cũng sẽ hèn yếu. Cổ hủ, bảo thủ và hài lòng trong sự ổn định cũ rích này, chúng ta đang thoái hóa đấy. Nữ quân làm sao mạnh mẽ bằng nam quân. Tổ tiên ta không phải không biết điều này. Ngày hội đua thuyền rồng tế mẹ trời, trai tráng cầm chèo lúc nào cũng vượt hai phần ba vòng đua”.
Gương mặt Lạc Tướng Chu Diên bỗng nhiên tối sầm lại. Bà thấy Trưng Trắc nói rất có lý và bà cũng thấy mình đã phạm tội khi nghe những lời ấy. Về nhà, Lạc tướng vội giết gà tạ tội với quỷ thần. Bà yêu A Thi nhưng bà sẽ không đánh đổi tình yêu ấy với bất cứ truyền thống nào.
***
Ở một thái cực khác, bà Lạc tướng Khúc Dương lại muốn xa lánh Trưng Trắc. Bà đến xin Tô Định thương tình, đừng cản dân chúng đánh cá không phải vì bà yêu họ. Bà yêu địa vị, quyền lợi và quyền lực của bà hơn tất cả. Bà sợ nỗi căm tức của nhân dân đối với Tô Định có thể bất ngờ xoay chuyển, đổi địa chỉ qua bà. Bà truyền, mẹ nối, cháu chờ sẵn, gia tộc bà ăn trên ngồi trước đã quen. Bà lo gió giao mùa, bà không muốn vật đổi sao dời. Bà tin mỗi giọt máu trong người bà đã mang sẵn sự di truyền cao quí, thiêng liêng và bất khả xâm phạm.
Tô Định khéo giấu sự khoái trá trên gương mặt y khi tiếp kiến Lạc tướng Khúc Dương. Y rất cần bọn đầu đen phản chủ xun xoe cầu cạnh, nhưng đấy mới chỉ là những vẩy ghẻ ruồi trên cơ thể Âu Lạc. Tô Định mong chờ những người như Lạc tướng Khúc Dương đã lâu. Họ là nội thương, là ổ bệnh vô phương cứu chữa của xứ sở này. Sự nghiệp của y thành hay bại phải nhờ lũ hèn hạ ấy chăng? Thoáng chút tự mâu thuẫn trong đôi mắt lươn của Thái thú. Lạc tướng Khúc Dương đã nhai giập miếng trầu, khóe mép nhăn nheo của bà dần dần hiện lên những tia nước bọt đỏ như máu. Một con quỷ tởm lợm – Tô Định nhủ thầm. Y đang tự phỉ nhổ vào tinh thần thượng võ mà người Trung Nguyên hay rêu rao. Nhưng y hết cách rồi, y phải bất chấp thủ đoạn để hoàn thành nhiệm vụ Quang Vũ giao phó. Từ nay trở đi, mãi mãi Tô Định sẽ cảm thấy mình lép vế và là tiểu nhân trước đối thủ chính của y, Lạc tướng M’linh Trưng Trắc.
Canh cánh bên lòng nỗi nhục của trang nam nhi chi chí, Tô Định đâm ra bực bội và hay cáu bẳn với tay chân. Càng hành động tàn ác, y càng sợ sệt hùng tâm của người Âu Lạc kết tinh trong con người Trưng Trắc.
Trưng Trắc nắm chắc những diễn biến nguy hiểm đang sục sôi tại Long Uyên. Là một người khôn ngoan, bà thừa biết chính nghĩa tất mang lại sức mạnh. Đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Bà nên đem lẽ phải của người Âu Lạc đến mọi mái tranh, vách nứa, sưởi ấm từng trái tim quả cảm của lương dân. Lẽ phải đó sẽ chuyển hóa từ con người thụ động nhất, vô tâm nhất trở đi. Lẽ phải đó sẽ thăng hóa thành tinh thần bất khuất của toàn bộ xứ sở này. Đó là vũ khí bách chiến bách thắng mãi mãi của người Âu Lạc trước ngoại bang, bất kể hôm nay hay vĩnh viễn về sau.
Chiều muộn, gió lên, biển hồ Lãng Bạc nhấp nhô những cơn sóng dữ. Chúng chồm lên cả mây thấp và đẩy mặt trời nhanh lặn. Từng đoàn thuyền nối đuôi nhau về bến. Các khoang cá hắt lên ánh nắng xiên khoai rực rỡ. Niềm vui trào dâng trong mỗi lời chào hỏi của ngư dân dành cho vị thủ lĩnh của mình. Có người còn mạnh dạn bưng đĩa trầu cánh phượng đến mời Trưng Trắc. Thái độ hàm ơn và tôn trọng của họ khiến Trưng Trắc ấm lòng. Bà đưa tay ra hiệu cho các tùy tùng cùng thưởng trầu. Mùi thơm cay nồng rạo rực khắp bến sông. Các nữ tướng cười vang, môi họ đỏ như máu, má họ hồng như vừa uống rượu cần nhưng ánh mắt không hề xao nhãng.
Hộ hậu ngư dân là mấy chiếc thuyền rất to, mũi cong vút, khắc chạm tượng trưng hình Giao long mạnh mẽ. Đuôi thuyền là bánh lái trang trí đầu chim Lạc. Giữa mỗi Giao long thuyền đều có bệ không cao lắm, tiền thân của lầu gác ở thuyền Hán. Cừ súy Âu Lạc thường đứng đó chỉ huy, có cung thủ hỗ trợ. Sàn thuyền, phía mũi đặt một chiếc trống đồng không tai, mặt trống đính bốn đôi cóc đang giao hoan, chầu mặt trời trung tâm theo chiều ngược kim đồng hồ.
Giao long thuyền vừa cặp bến, Trưng Nhị gấp gáp nhảy lên bờ cấp báo những diễn biến đáng lo ngại cho chị cả:
“Tô Định vừa hạ thủy thêm hai chiếc Lâu thuyền. Bọn Khúc Dương đã cung cấp gỗ quí, thuyền buôn giả trang báo lại với em như vậy. Cơ cấu chiến binh của Tô Định bắt đầu có sự chuyển động. Y pha trộn nhiều tay chèo Âu Lạc vào đội ngũ Hán. Đám này chưa quen áo sống nên thường mặc quần Bắc và cởi trần khi xuống thuyền. Cái đáng lo ngại là chúng rất rành rẽ sông nước Lãng Bạc”.
“Hôm nay em có bị gây hấn gì không?”. Trưng Trắc hỏi, ngữ âm của bà rất trầm.
“Có lẽ chúng bất ngờ với lực lượng của em nên ngại ngần, chỉ lảng vảng xa xa. Khi em đánh trống xua đuổi thì lũ Hán đực đứng bên mạn Lâu thuyền vạch chim đái thành cầu vồng khiêu khích”.
“Khốn nạn đến thế ư?”. Trưng Trắc bực dọc – “Tín hiệu rất nguyên sơ ấy chứng tỏ chúng quyết chiếm trọn Lãng Bạc bằng được. Cảnh đầu rơi máu đổ không còn xa nữa đâu. Chúng đã giở đến trò bỉ ổi cuối cùng rồi”.
“Em không sợ chết”.
“Tối nay A Thi qua, chị sẽ bàn thêm với tất cả mọi người. Ai mà chẳng chết. Dòng dõi trâm anh chúng ta sẽ chết cho vinh quang Âu Lạc. Chết để tinh thần bất khuất trường tồn, muôn đời con cháu. Có gì phải đắn đo?”.
Trưng Nhị sóng bước bên chị gái trở về hành dinh Lạc tướng. Lén nhìn dáng đi và nét mặt phúc hậu nhưng quyết đoán của Trưng Trắc, cô thấy ấm áp và an toàn quá đỗi. Nếu không có gì thay đổi, Trưng Trắc sẽ tổ chức đại lễ rước chồng cho cô vào cuối năm nay. Nghĩ đến đây hai má Trưng Nhị chợt ửng lên, cử chỉ mất hết tự nhiên. Trong hàng chục chàng trai thanh tuấn đã hát đối với cô ở lễ nghinh xuân vừa qua, không biết mẹ cả và Trưng Trắc chấm ai, mọi người quá bí mật. Mấy năm nay mùa màng thuận lợi, Lạc tướng đã chuẩn bị cả một kho rượu cần cho sự kiện lớn của gia tộc. Chắc chắn đó sẽ là chuỗi ngày vui chưa từng có ở M’linh. Chín vò rượu hay chín mươi chín vò rượu sẽ được dùng cho cuộc chào rượu giữa hai họ? “Phép quân không bằng tuần rượu” là luật tục ngàn đời nay. Xong chào rượu sẽ đến chào cơm. Phải chín mươi chín mâm chứ không thể ít hơn.
“Nhà trai sẽ đem lễ vật gì đến nhà gái nhỉ”. Trưng Nhị thầm hỏi. Cô biết huyền thoại cổ xưa về voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao chỉ là vẻ đẹp của trí tưởng tượng siêu phàm. Một thiếu nữ đương thì phơi phới như cô ở M’linh thường mong mỏi được nhận thóc giống tốt, hạt mẩy, gạo mới thơm nức, một bộ váy thổ cẩm không có bất cứ tao chỉ nào bị nối và mấy món trang sức giản dị.
Trưng Nhị đột ngột trở nên thực tế, cô nhìn thấy chín chiếc gùi chứa toàn vũ khí bằng đồng được đoàn đưa hôn nhà trai đem qua, đặt dưới ngôi nhà sàn Lạc tướng M’linh. Đất nước đang có giặc, giấc mơ đôi lứa của cô phải cụ thể như thế mới xứng đáng với liệt tổ. Có lẽ cô nên đề nghị đánh trống đồng cáo bố giặc dã thay cho tục giã cối đón chồng.
Nhìn vào mắt em gái, Trưng Trắc nhói lòng. Bà thấu hiểu tất cả, trong thiên tính lãnh tụ của bà có một đường thông nối với tiềm thức từng cá nhân Âu Lạc. Nó sẽ khiến những lời nói của bà với muôn người có sức mạnh vận động và cuốn hút không thể hiểu nổi.
“Lạc tướng của em. Chị đừng quá lo lắng thế”. Trưng Nhị an ủi Trưng Trắc. Hình như chị cô sinh ra là để hy sinh cho một cái gì đó lớn lao hơn cả thời đại của chính bà. Cái chết sẽ là phương tiện để bà đến với cõi bất tử chăng? Trưng Nhị tin tưởng cô thừa lòng can đảm để gạt qua một bên giấc mơ cá nhân nhỏ bé, để bước đến bên cạnh chị mình, sống mái với quân thù.
***
Ba chiếc trống đồng có tai treo được buộc lên thanh xà ngang ngoài hiên, phía Đông ngôi nhà rông có mái hình thuyền của Lạc tướng M’linh. Khi gà đã đi tìm chỗ ngủ được hơn một canh giờ, mẹ cả Man Thiện ra lệnh cho bọn lực điền vạn vỡ gióng trống triệu tập toàn bộ các quan Lang và bô lão. Kế hoạch uống rượu bên bếp lửa trong nhà rông để bàn quốc sự phải thay đổi, vì người đến đông như trẩy hội. Cuối cùng, một đống lửa cao ngất được nhen ngoài trời, vòng người rộng bằng một quãng ném dao.
Gia nhân Lạc tướng bê vào chiếc đầu trâu đực chồm ra khỏi mặt nia, hai con nó mắt trợn ngược, mõm hất lên trời. Máu tươi rói nhỏ giọt dài xuống đất. Trưng Trắc bắt đầu hành lễ tế cáo. Bà cảm ơn trời đất năm nay mưa thuận gió hòa, cá đầy thuyền, chái bếp nhà nhà đầy ngô, góc sàn chất không hết các gùi gạo tẻ, gạo nếp. Bà mời tiên tổ về chứng kiến cảnh nước nhà đang lâm nguy trước họa ngoại xâm.
Khi Trưng Trắc nói đến Hán quân, bốn bề bỗng im lặng như tờ. Tiếng lửa tre nứa cũng giảm âm, bớt sáng. Khói đùn cay mắt cả những em bé còn ẵm ngửa nhưng chúng không dám khóc. Chó cuối xóm thôi sủa. Dơi treo mình trên cành cây. Cú mèo nhắm mắt…
A Thi đứng lên bảo người Chu Diên cũng đã sẵn sàng. Xung quanh Luy Lâu, Long Uyên, đến những vùng biên như An Định, Hữu Tu Quan đều nhất nhất chờ lệnh Lạc tướng M’linh, chờ lửa hiệu bên cửa Hát, chờ tiếng trống đồng đánh theo nhịp dồn, liên tu bất tận. Cả Âu Lạc sẽ ra trận, sẽ không đội trời chung với quân Hán.
Trưng Trắc cảm ơn chồng, cảm ơn những sứ giả từ khắp Âu Lạc đã tụ hội quanh bà, cảm ơn các bô lão không quản tuổi cao sức yếu, trèo đèo lội suối đến động viên con cháu. Bà nói giết Tô Định không khó. San bằng bằng Long Uyên lại càng dễ hơn, bà chỉ sợ lòng người không giữ mãi được quyết tâm. Sau khi xử lý xong Tô Định, phải bắt tay ngay vào việc xây dựng vương quốc Âu Lạc, phải chọn được minh quân và hiền tài để giương ngọn cờ độc lập, sống mái với quân Hán chắc chắn sẽ đem tinh binh sang rửa hận.
Đêm khuya dần nhưng những luận bàn, kế sách cứ đưa ra không ngớt. Mắt người chong lửa, thổi bạt đêm đen. Các phương sách hành động được chia sẻ, người nào việc nấy. Trưng Trắc chưa định ngày xuất quân. Bà đang xây dựng thế trận lòng người. Bà còn phải đi khắp Âu Lạc, gặp gỡ hết thảy Lạc tướng để chỉ ra cho họ lợi hại, tham vọng vô lường của Tô Định cũng như đế quốc Đông Hán. Sau rốt, bà sẽ chứng minh cho họ, chỉ có hình thức triều đình như người Hán, người Hồ, mới cứu Âu Lạc thoát khỏi nanh vuốt của con sói đói Bắc phương. Căn cơ là ở đấy, sự nghiệp của bà cũng ở đấy. Bà không đeo giấc mộng bá vương cho riêng mình. Chế độ mẫu quyền lạc hậu ở Âu Lạc phải được cởi bỏ, để nhân dân và sức sống trường tồn của Âu Lạc được ngụp lặn, tắm rửa trong mạch nguồn văn minh.
Nhân vật đầu tiên Trưng Trắc tiếp xúc là Khúc Dương Lạc tướng, kẻ luôn đặt lợi ích dòng tộc cao hơn lợi ích Âu Lạc.
“Khi nào có trống mẹ hẵng dạy đời bà già này nhé Lạc tướng M’linh”. Trưng Trắc bị tạt ngay một gáo nước lạnh vào mặt – “Các người còn trẻ dại, biết đến đâu mà đòi trứng chọi đá”.
“Lão Lạc tướng à”. Trưng Trắc không hề mất bình tĩnh – “Đàn hươu kết sừng thành rừng chông thì sợ gì sói dữ. Bà chưa tin tưởng, chúng tôi vẫn cứ đợi bà. Chỉ mong bà đừng tiếp sức cho quân thù, hại người Âu Lạc”.
“Ta chỉ muốn yên ổn. Ta mua yên ổn cho con dân của mình, cớ chi lại gọi là tiếp sức cho quân thù”.
“Tại sao chúng ta phải mua sự yên ổn trong chính ngôi nhà của mình?”. Trưng Trắc vẫn mềm dẻo – “Bà hãy lập đàn cúng hỏi mẹ tổ, xem người trả lời ra sao. Tô Định tàn bạo giết hết chúng tôi rồi sẽ tha bà chăng?”.
Nghe đến tên Thái thú, Lạc tướng Khúc Dương rùng mình. Nỗi khiếp nhược trùm phủ khuôn mặt già cỗi của ả. Trưng Trắc bất lực. Bà không thể hiểu nổi. Trăm trứng của mẹ tổ đã có vài quả ung, quả thối chăng? Trưng Nhị uất quá, cô chỉ mặt lão Lạc tướng cảnh cáo trước khi ra về: “Bà sợ chết thì hãy ở yên đấy, trốn kỹ cuối hàng quân kháng Hán. Đừng dại dột bước qua đội ngũ bọn ăn cướp, người Khúc Dương tha cho bà sẽ là chuyện lạ. Không đợi đến chúng ta đâu”.
Rất may, không khí nặng nề ở Khúc Dương mau chóng bị xua tan khi Trưng Trắc gặp Lữ Lạc tướng. Ông là hậu duệ của Lữ Gia, thừa tướng Nam Việt. Năm 111 trước Công nguyên, Phiên Ngung thất thủ, vua Kiến Đức và Lữ Gia xuống thuyền đến Thuận Đức phía tây Phiên Ngung. Họ tái tập hợp quí tộc Nam Việt, xây thành đắp lũy định tiếp tục chống cự. Chẳng bao lâu sau, chiến khu bị bọn Việt gian dẫn quân Hán đến tấn công, Kiến Đức và Lữ Gia đều bị bắt sống. Gia tộc họ Lữ chạy thoát cũng nhiều, họ đến Phong Châu hòa mình vào cuộc sống nơi đất mới với người bản xứ. Gần 150 năm trôi qua, xã hội mẫu quyền dung hợp chế độ phụ hệ, tạo nên đặc thù mẫu hệ trung gian, quyền thừa kế thuộc nữ giới nhưng Lạc tướng luôn là đàn ông.
Lữ Lạc tướng học rộng hiểu nhiều, ông có một đội thuyền buôn nhỏ chuyên hàng hải ven bờ xung quanh vịnh Bắc bộ, đôi khi cũng xuống cả Cửu Chân.
“Thưa Lạc tướng Trưng Trắc”. Lữ Lạc tướng nói – “Tôi nhiệt thành ủng hộ công cuộc kháng Hán của bà. Tiếc rằng Phong Châu người thưa thớt, chúng tôi huy động hết nhân lực cũng chỉ được ba ngàn quân, hơn trăm chiếc chiến thuyền, to nhỏ đủ loại”.
“Góp gió thành bão, Lữ Lạc tướng đừng khách sáo”. Trưng Trắc vui ra mặt.
“Nhưng bà đừng lo, tôi có quan hệ thương mại khá tốt với An Biên và Cửu Chân”. Lữ Lạc tướng nói tiếp – “Quí ông Đô Dương ở Cửu Chân có thể tập trung hàng vạn chiến binh nhưng Giao long thuyền hơi ít”.
“Tôi sẽ đến tận nơi gặp hai người ấy. Ngoài ra ông có cao kiến gì không?”. Trưng Trắc hỏi.
“Bà phải đúc trống lớn, tuyên xưng là Lạc vương mới có thể tập hợp nhân dân Âu Lạc bên mình. Đó là thuận theo truyền thống. Mặt khác bà nên cân nhắc trao quyền dần dần cho nam giới, bắt đầu từ quan Lang đến tướng lĩnh trực tiếp cầm binh. Sứ giả của tôi rất mừng trước ý định của bà. Tiến hành cải tổ tận gốc rễ xã hội Âu Lạc là việc nên làm”. Lữ Lạc tướng chứng tỏ ông đã suy nghĩ rất nhiều về vận mệnh Âu Lạc.
Hai chuyến đi tiếp theo của Trưng Trắc đến An Biên và Cửu Chân cũng gặt hái được những kết quả rất tốt đẹp. Sự đoàn kết đơm hoa đậu quả hơn cả dự định. Đô Dương đồng ý nhận tước Hầu, Lê Chân nguyện làm tướng, cả hai thề trung thành tuyệt đối với Trưng vương, dù ngài chưa đúc trống mẹ.
Lãnh thổ Âu Lạc đã được tổ chức thành bốn trọng điểm quân sự dưới sự chỉ huy xuyên suốt của Trưng Trắc. Lạc hầu Đô Dương, tướng quân Lê Chân và Lữ Lạc tướng toàn quyền quyết định quân cơ khu vực xung quanh mình. Trước mắt, do lực lượng Hán quân mỏng, Trưng Trắc chưa cần huy động hết mọi người. Bà nhấn mạnh họ nên chăm chỉ lao động sản xuất, tích cốc trữ lương, mài gươm đúc giáo, thao luyện sĩ khí, sẵn sàng cao độ, chờ tiếng trống mẹ của bà tập hợp khi đại quân của người Hán kéo sang.
Sự hiện diện của Tô Định ở Long Uyên chỉ còn tính bằng ngày.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK