Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Trong một bài khảo cứu cô viết: “Tại Âu Lạc cũng như nhiều vùng Bách Việt, người giàu có nhất, mạnh mẽ nhất trong làng được suy tôn là quan Lang. Một cách tương đối, đứng đầu trăm làng là Lạc tướng, ngàn làng là Lạc hầu, vạn làng là Lạc vương. Ngoại trừ quan Lang và Lạc tướng có những ràng buộc xa gần về huyết thống, địa lý và thần quyền; các nấc bậc quyền lực còn lại liên kết khá lỏng lẻo. Nó không có những nguyên tắc chế định thông thường của nhà nước phong kiến quân chủ, bởi chưa từng chia sẻ với nhau một tổ chức xã hội, chính trị hay tôn giáo. Đa thần cũng là lý do phân tán quan trọng, dù họ cùng thờ mặt trời (trong khuôn khổ nguyên sơ nhất). Cái vỏ phong kiến của ngôn ngữ Hán đã đánh lừa người đọc hàng ngàn năm sau, khi tiếp cận với những ghi chép về Âu Lạc trong Hán sử”.

“Điểm sáng đáng để ý nhất của Âu Lạc có lẽ là tinh thần đoàn kết của các Lạc tướng và nhân dân trước họa ngoại xâm. Luôn xuất hiện một thủ lĩnh đứng lên đóng vai trò Lạc vương khi chiến tranh vượt khỏi tính chất cục bộ trong bản thân Âu Lạc. Truyện cổ tích Thánh Gióng chứng tỏ điều đó. Muôn nhà đã góp cơm cho người anh hùng lớn nhanh như thổi. Hình ảnh và hành động của ông vua cho bắc loa cầu hiền chống giặc khá mờ nhạt, e rằng chỉ là biểu tượng được thêu dệt thêm về sau. Giặc tan thì vai trò của Thánh Gióng cũng hết, ông phải bay về trời. Mô típ này vẫn còn bảng lảng trong niêu cơm ăn mãi không hết của chàng Thạch Sanh ở rể. Truyện Thạch Sanh ghi nhận nhiều chi tiết giao thời giữa chế độ phong kiến phụ quyền (ngôi vua truyền cho con trai ruột) và quân trưởng mẫu hệ (ngôi vua truyền cho chồng trưởng nữ). Như vậy, vua Hùng (do viết nhầm từ Lạc vương mà ra) và An Dương Vương rất có thể đã từng thực hữu. Sự biến mất của vua Hùng có thể được giải thích bằng truyện cổ tích Thánh Gióng. Với An Dương Vương thì dễ hiểu hơn, ông phải chạy ra biển (lưu vong?) khi thất bại”.

Có một sử gia nước ngoài đã mạnh dạn khái quát hóa lịch sử trung đại Việt Nam cơ bản là những diễn biến tranh chấp vùng miền. Lập luận của cô có thể được xem là làm rõ nguồn gốc khía cạnh ấy không? Sự việc phức tạp hơn tên gọi của nó. Cô hoàn toàn chọn đúng đối tượng tham khảo khi nghiên cứu các bộ tộc Tây Nguyên. Anh khuyên cô nên đặt câu hỏi nghiêm túc và cầu thị dưới bất cứ khám phá cổ sử nào.

“Thế kỷ hai mươi, Hồ Chí Minh không hề tình cờ nói ra những lời giản dị nhưng có sức mạnh vô lường: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Anh gợi ý.

“Đúng thế”. Cô hào hứng – “Những lãnh tụ lập quốc thường có đường thông nối ý thức của họ với tiềm thức dân tộc và nhân dân, thậm chí nhân loại. Họ luôn biết phải nói cái gì, lúc nào và nói ra sao để đánh thức thời đại. Truyền thống yêu nước và đoàn kết chống xâm lược của người Việt Nam có nguồn gốc sâu xa như thế. Nó là bản năng, chứ không thể gọi là bản chất đơn thuần”.

***

Để giương cao ngọn cờ kháng Hán, chống thực dân, ngoài việc vận động, giác ngộ nhân dân cũng như quí tộc, Trưng Trắc bắt buộc phải tiến hành đại lễ đúc chiếc trống đồng to nhất trong lịch sử Âu Lạc. Chỉ có sở hữu trống mẹ, Trưng Trắc mới được thần linh ban cho sức mạnh, lòng quả cảm và chính nghĩa. Toàn thể con dân Âu Lạc sẽ hướng về Trưng Trắc khi trống mẹ gióng lên, ngàn trống con sẽ đáp lời đoàn kết.

Nhân lực, vật lực của M’linh tập trung cao độ vào việc đúc trống. Ngoài Chu Diên, người An Biên, Luy Lâu, Cư Phong và nhiều nơi khác, đã hết mình ủng hộ M’linh về tinh thần cũng như vật chất. Lạc tướng An Biên gửi chì và thiếc. Lạc tướng Cư Phong cử mười thợ đúc trống lành nghề góp công. Chu Diên tặng năm trăm cân vụn đồng nguyên chất. Luy Lâu cung cấp đất sét tốt nhất để làm khuôn trống.v.v..

Đầu tiên người ta nhào đi trộn lại, lọc tới lọc lui để đất sét hết tạp chất. Chất lượng của đất sét được đánh giá bằng trực quan của một người thợ đúc trống gần trăm tuổi. Bột sét phơi khô sẽ được hòa trộn với một lượng tro, trấu mật truyền. Hỗn hợp này dùng để tạo hình khuôn trống. Sau khi phơi khô, khuôn trống được nung tạm và đưa vào công đoạn khắc hoa văn chìm. Vì chiếc trống quá to, khuôn trống phải chia ra làm bốn mảnh ghép. Mấy chục nghệ nhân mất gần một con trăng, chi li, tỉ mẩn trên từng đường nét, tiểu tiết, từ sợi lông trĩ đến đôi mắt cặp cóc giao hoan quanh mặt trống. Trống của người M’linh luôn khắc mười tám con chim Lạc (chim kiếm ăn dưới nước, mỏ dài, chân cao) tượng trưng cho cha, và mười tám con hươu sao tượng trưng cho mẹ. Hươu sao là động vật đa phu, nhãn quan phụ hệ đa thê cho rằng hươu cái rất dâm là dễ hiểu.

Cốt trống cũng được đúc và nung như khuôn ngoài, nhưng do mặt trong trống không trang trí nên chỉ cần mài gọt cho phẳng. Ngoài ra độ dày mỏng của trống phụ thuộc rất nhiều ở việc tạo tác cốt trống. Chỉ cần sai lạc một chút, ứng suất co ngót khi đồng nguội sẽ làm vỡ trống.

Với trống nhỏ, khuôn liền hoặc hai mảnh, chỉ cần ốp khuôn vào cốt ngay trên mặt phẳng dương và cố định sơ sài, là có thể rót đồng nóng chảy vào. Ở chiếc trống của Trưng Trắc, các nghệ nhân phải đề ra phương án đào một hố đất thể tích bằng ba khuôn trống. Cốt trống đặt xuống, khuôn trống phủ ngoài, sau đó người ta sẽ đầm chặt đất ngang mặt khuôn để cố định khuôn trống. Giữa cốt trống và khuôn trống, tránh sự xê dịch, phải bố trí một số nêm gỗ mỏng nhẹ. Loại gỗ này đáp ứng yêu cầu sẽ cháy hoàn toàn khi tiếp xúc với đồng nóng chảy, tro than của nó sẽ bị đùn ra ngoài bằng các lỗ thông hơi nằm sâu dưới lòng đất.

Đồng được nấu trong một chảo đất nung cực lớn. Nó có quai buộc dây xích vắt lên dàn giáo, để nghiêng chảo đổ đồng nóng chảy vào khuôn đúc. Tổng cộng một tấn rưỡi đồng vụn nguyên chất, hai tạ thiếc, và già yến chì được sử dụng. Tỉ lệ đồng – thiếc – chì độc đáo của Âu Lạc kết tinh trong trống đồng là một minh chứng cho thấy ngành luyện kim nơi này có những đột phá ở tầm nhân loại. Chì giúp cho trống có độ dẻo dai nhất định, khó vỡ. Thiếc làm các chi tiết trống mịn màng, trơn bóng và tạo nên những hiệu ứng âm thanh vang rền. Ngoài ra một số vàng bạc cũng được thêm vào thành phần kim loại đúc trống Trưng Trắc. Đây là quà tặng của quí tộc Cửu Chân, tỏ lòng tôn kính Lạc tướng M’linh.

Trọng lượng cuối cùng của trống Trưng Trắc chỉ khoảng gần ba tạ, nguyên liệu lớn như vậy là do yêu cầu đặc biệt của nhân dân Âu Lạc. Việc đúc trống không thể thất bại, kim loại phải được nấu đúng lửa và rất lâu, để các tạp chất pha lẫn tách ra, loại bỏ cùng xỉ đồng. Lời mở là vậy, thực chất thì Trưng Trắc muốn kín tiếng, lượng đồng thừa hoặc kém chất lượng bà đúc vũ khí. Mũi giáo, rìu chiến có vai, kiếm, dao găm, mũi tên.v.v… chế tạo từ hơn một tấn đồng đủ trang bị cho cả ngàn tân binh.

Ngoài các loại vũ khí thông thường, Trưng Trắc đã cho đúc và thử nghiệm thành công mũi giáo gắn vào đầu Giao long thuyền. Đây là kết quả làm việc của nhiều bộ óc nông dân Âu Lạc. Mũi giáo nhọn, cạnh sắc, to bằng bàn tay người lớn, dài cỡ chiếc rựa đi rừng, có ngạnh hai bên. Đây sẽ là nông cụ, thay thế được cho chiếc cày truyền thống và ngược lại cày cũng có thể dùng làm mũi giáo nếu mài sắc.

Gắn mũi giáo vào đầu Giao long thuyền, dưới mặt nước khoảng hai tấc, chiến binh Âu Lạc đã có một vũ khí lợi hại tấn công Lâu thuyền Hán. Thật vậy, lực chèo kết hợp với sức nước và quán tính tương hỗ, Giao long thuyền dễ dàng đâm sâu mũi giáo vào thân Lâu thuyền khi cận chiến. Ngạnh của mũi giáo có nhiệm vụ giữ Giao long thuyền dính chặt vào Lâu thuyền. Độ dao động của hai con thuyền trên mặt nước sẽ tự sinh ra hủy lực đủ mạnh, phá rộng lỗ thủng Lâu thuyền và nhấn chìm nó. Nếu Giao long thuyền chất đầy rơm rạ, cỏ khô (những thứ phẩm của ruộng đồng), nó sẽ trở thành một trong những quả thủy lôi nguyên thủy. Âu Lạc đã kết hợp lao động với vệ quốc nhịp nhàng và uyển chuyển như thế. Đuổi được giặc dữ hay không, chính là nhờ những người nông dân chân đất vác cày ra trận. Họ luôn sẵn sàng chấp nhận hy sinh tính mạng của mình và mãi mãi ẩn danh dưới cái tên Âu Lạc anh hùng.

Ngày rót đồng vào khuôn là một đại lễ của Âu Lạc. Chín ông trâu được ngả thịt tế trời. Mười tám cụ cóc vàng hiến tiết đổ vào nồi đồng nóng chảy, để hồn thiêng sông núi tụ về trong trống. Mười tám cặp nữ – nam quì sau lưng Trưng Trắc, A Thi và bảy trưởng lão M’linh, tất cả khấu đầu khi trống đồng khắp các buôn làng tấu lên trời tâm nguyện tự do thiêng liêng của người Âu Lạc.

Hợp kim đồng nóng chảy lóa mắt được rót vào khuôn. Các ống tre thông hơi cắm sâu tận đáy khuôn phả khói trắng như hơi thở dịu dàng của mẹ đất. Không hề có tắc nghẽn xảy ra. Khi nước đồng thừa tràn qua mặt khuôn cũng là lúc từng nét mặt người Âu Lạc dãn ra, hạnh phúc rạng ngời. Họ sẽ tiếp tục lễ hội chín ngày chín đêm để chờ hồn đất nước, anh linh tiên tổ lắng vào thân trống.

***

Việc Trưng Trắc mời A Thi quì cạnh bà trong buổi lễ đúc trống đồng, dân M’linh khá bất ngờ, nhưng nhất thời họ chưa phản ứng vì không khí quá thiêng liêng. Muôn đời nay người đàn ông không có vai trò chính trị trong các gia tộc. Còn trai trẻ họ phải làm những công việc nặng nhọc. Được chọn làm chồng, ban đêm họ đến ở nhà vợ, ban ngày vẫn phải trở về nơi chôn nhau cắt rốn cày ải, trồng tỉa, săn thú, đánh cá… Khi già cả, họ được họ hàng ruột thịt nuôi nấng, nhưng cũng chỉ như cái bóng, ít người tôn trọng. Con của họ coi cha như người dưng vì họ không nuôi nấng, giáo dưỡng chúng. Nếu chết trẻ, em trai của họ phải thay anh làm chồng chị dâu. Thậm chí ở những vùng sâu vùng xa, chẳng may vợ chết, họ được liệt kê trong danh sách tài sản sẽ được phân chia cho các hàng thừa kế.

Tô Định đã tấn công luật tục đặc thù này của Âu Lạc. Đó là lí do nhiều trung niên xung quanh Long Uyên ngả theo y, trở thành ngụy quân trong đội ngũ Hán.

Chẳng phải ai cũng có cái nhìn sáng suốt như Trưng Trắc. Bà nhận ra sự không hợp thời của thói tục trọng nữ khinh nam. Xóa bỏ bất công, sức mạnh nội tại của Âu Lạc mới có cơ hội khởi sắc. Sức mạnh tự thân là yếu tố quan trọng nhất để một cộng đồng, một quốc gia khẳng định tiếng nói của mình.

“Hỡi các chị em” – Trưng Trắc hô hào phụ nữ M’linh – “Hãy trả lại cho đàn ông quyền lực của họ. Họ sẽ cùng chúng ta bảo vệ mảnh đất này khỏi lũ sói hung ác phương Bắc. Hãy tưởng tượng một mai bọn tóc dài mặt trắng kia làm chủ M’linh. Số phận của tất cả chúng ta cũng như nhau mà thôi. Đàn ông trở thành nô bộc, lính đánh thuê. Đàn bà trở thành con hầu, vợ lẽ, suốt đời ẩn mặt trong chái bếp”.

Già Mị, bà thầy mo uy tín nhất M’linh kiên quyết phản đối thủ lĩnh của mình. Gia đình nào nghe lời Trưng Trắc ban ngày giữ con rể ở lại, liền bị thầy mo đến trước cửa hát sử thi đưa tang. Người Âu Lạc tin rằng ma quỉ sẽ nương theo những lời ca huyền bí, gieo rắc bệnh tật, ốm đau, thậm chí bắt cả linh hồn người ta.

Già Mị chỉ tránh xa nhà rông lạc tướng, dù A Thi bắt đầu lưu lại đây thường xuyên hơn. Thầy mo và Lạc tướng là hai khung cốt độc lập, cùng nâng đỡ đời sống cộng đồng của xứ sở này. Nếu Già Mị tự xưng là sứ giả mà thần linh gửi đến nhân gian thì Trưng Trắc được cho là con trực huyết của mẹ trời quyền năng, một hình thức sơ khai của khái niệm “thiên tử”. Lạc tướng sử dụng trống đồng có hình mặt trời tỏa ra các tia sáng trong khi thầy mo luôn đeo túi bùa bí ẩn, tay chuông, tay dao trừ tà.

Ai ai cũng tin túi bùa của Già Mị giam cầm, không chế hồn ma xác quỉ. Cụ thể, nó chứa một tập hợp hỗn độn những đồ vật quí hiếm và cổ xưa như đá cuội nhiều màu bóng lộn, gỗ hóa thạch, rìu đồng rỉ xanh, răng đại dã thú như hổ, lợn. Người ta truyền kể rằng, Già Mị có một cặp nanh nhọn yêu tinh còn nguyên vết máu khô, chữa bệnh rất linh nghiệm. Để sở hữu nó, bà phải liều thân đi vào rừng thẳm dụ con đười ươi chúa ra khỏi hang. Hành vi cố hữu của nó là nắm chặt hai cánh tay kẻ đi lạc, nhắm mắt, ngửa mặt lên trời, nhe răng cười từng tràng mời gọi ma quỉ. Khi trăng lên, chúng sẽ hỉ hả chia nhau thịt người. Già Mị đeo sẵn hai ống tre to. Đợi yêu tinh nhắm mắt, bà nhẹ nhàng rút tay khỏi ống tre và dùng con dao thần trong túi bùa hạ thủ nó. Cặp nanh gớm giếc tươi mới đã đưa Già Mị trở thành thầy mo chúa trùm M’linh. Nhà giàu xa gần, thậm chí các Lạc tướng xung quanh M’linh cũng rất tôn trọng và tín nhiệm bà, thỉnh thoảng vẫn mời bà vượt sông lớn, rừng thẳm sang trừ tà, chữ bệnh. Đến nơi, Già Mị đổ cả túi bùa vào âu nước lấy từ mạch suối tinh khiết nhất vùng. Bà ngậm nước phun khắp nhà có ma, vừa rung chuông vừa đọc đoạn sử thi bắt ma quỉ. Sau đó người ốm uống nước ấy, ma quỉ sẽ bị trục khỏi thân xác và chỗ cư trú của con bệnh.

Trưng Trắc khá đau đầu và nan giải với quyền lực của Già Mị. Vấn kế Lữ lạc tướng, bà liền dựng một ngôi nhà sàn rộng bên suối, cách hành dinh của mình không xa. Bà sai thuộc hạ đón tất cả những người bệnh nặng ở M’linh về đấy chăm sóc, bỏ qua hủ tục của Già Mị. Ngoài việc thực hành vệ sinh và chú trọng dinh dưỡng, lương y dùng hoàng thổ sát trùng, chọn lọc nhiều cây cỏ quí sắc lấy nước thuốc cho bệnh nhân uống. Họ cũng áp dụng dược toa độc đáo của Âu Lạc: đào đất có hóa tính làm thức ăn chữa nội thương. Kết quả, nhiều người bệnh phục hồi hoàn toàn, nhiều căn bệnh bị tiêu diệt tận gốc rễ.

Già Mị cuối cùng đành phải đến gặp Trưng Trắc, mong thỏa hiệp với Lạc tướng:

“Trống mẹ sắp được thượng nghinh, tôi gọi ngài là Lạc vương được không ạ?”.

“Ôi Già Mị đấy hả. Bà đến đây tôi mừng lắm”. Trưng Trắc niềm nở chào đón thầy mo – “Chúng ta phải ở bên nhau trước giặc dữ, bà hiểu tôi chưa?”.

“Tôi sẽ thêm vào sử thi những dòng thơ tôn vinh tân Lạc vương. Tôi sẽ đọc vang trong các lễ cúng từ dựng nhà mới đến khai mạch nước, xuống đồng… Người Âu Lạc sẽ tự hào có bà, sẽ đoàn kết bên sự nghiệp của bà. Nhưng…”. Già Mị cố ý nhấm nhứ thăm dò Trưng Trắc – “Nhưng Lạc vương phải…”.

“Ta không trả treo với bà đâu. Ta chẳng cầu lợi riêng. Vận mệnh xứ sở có thể đem ra thương lượng ư?”. Trưng Trắc chặn ngay thói con buôn tư lợi phổ biến của thầy mo – “Một ngày một buổi, không thể bứng gốc hủ tục lạc hậu mê tín đã ăn vào tận xương tủy dân ta. Từ nay bà không được chống việc làm quang minh chính đại của ta nữa. Bà vẫn có thể thực hành những lễ cúng truyền thống, bà vẫn có thể đến thăm người bệnh. Hãy dùng thần linh động viên họ vượt qua khó khăn. Nhất thiết không được bỏ bê cách chữa trị thực chất của lương y mà ta đã mời về”.

Già Mị không mong gì hơn. Bà khấu đầu tạ ơn Trưng Trắc. Bà thậm chí tự giác thuận theo thay đổi trong niềm kính phục thái quá. Sau này bà quyết giữ vương vị cho Trưng Trắc bằng tuyên truyền thần khải. Bà không ý thức được rằng bà hại chết Âu Lạc bởi lòng trung thành ngờ nghệch, ít nhiều đáng thương hại.

Không ít cam go, cuối cùng Trưng Trắc đã thổi vào cuộc sống M’linh luồng gió đầy sinh khí. Trai tráng lao động hăng say, luyện cung tập kiếm hồ hởi, sẵn sàng sống chết bảo vệ làng mạc, quê hương. Song, M’linh không sống biệt lập. Quan hệ hôn nhân của họ trải khắp Âu Lạc. Trưng Trắc tốn không ít công sức để vượt qua trở ngại này nhưng mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ. Bà chỉ thắng lợi có giới hạn tại Chu Diên. Lạc tướng Chu Diên mở lòng, cho phép A Thi có mặt tại M’linh thường xuyên hơn.

Chín ngày sau khi rót đồng vào khuôn trống, người M’linh tiến hành lễ bái trống và đánh thử. Trai gái nhà giàu khắp nơi lũ lượt kéo đến. Thay vì cầm theo thoa bạc, trâm vàng gõ vào mặt trống rồi tặng lại chủ nhân như lệ cổ, họ đem sang toàn vũ khí mới, nào dao găm, đầu giáo và các mũi tên đồng. Tín hiệu hưng binh diệt thù đã thông suốt từng ngọn cỏ, hốc cây Âu Lạc.

Hố đất đúc trống được dọn sạch. Dỡ khuôn trống ra, một chiếc trống đồng không tì vết, sáng loáng xuất hiện. Những trai tráng khỏe mạnh nhất M’linh kê vai khiêng trống đến cây đa cổ thụ hàng ngàn tuổi rồi trân trọng treo lên. Giờ phút quan trọng đã điểm. Nếu trống đánh không kêu, không vang thì mọi cầu nguyện của người M’linh xem như không được đất trời ủng hộ.

Mẹ Man Thiện trao cho Trưng Trắc chiếc dùi dài, đầu bọc lụa đỏ. Trưng Trắc cúi đầu nhận, cảm ơn mẹ. Và trong sự kinh ngạc của mọi người, bà dùng hai tay dâng cho A Thi. Bà nói:

“Hãy đánh trống đi A Thi. Ta đã nghe tiếng gió đập vào mặt trống, âm u vang lên lời thiêng ngàn năm sông núi. Việc đúc trống đã thành công mĩ mãn. Mẹ đất đã nghe thấu nguyện ước của Âu Lạc. Cha nước đã thổi hùng khí Giao long vào từng thớ đồng. Trời cao đã nén sấm chớp dưới các hoa văn kia”.

Xúc động tột độ, A Thi quì xuống tạ ơn Mẹ Man Thiện, các bô lão và toàn thể người dân M’linh cũng như quan khách. Ông hùng dũng bước lên, giáng những hồi trống linh hoạt và tràn đầy uy lực.

Ai cũng bảo tiếng trống đã vang xa, vượt qua mười tám ngọn núi, chín mươi chín thác nước, đến bên Lạc vương huyền thoại. Người đã truyền cho kẻ đánh trống sức mạnh vô địch, để đạp sóng dữ ngàn khơi, để cưỡi Giao long, cầm gươm thần giết giặc.

***

Ngày lễ trọng đại nhất của Âu Lạc là tiết Đoan Ngọ. Thời điểm này trùng với Hạ chí dương lịch, mặt trời ở gần bán cầu bắc nhất, giữa trưa nó nằm thẳng trên đỉnh đầu mọi người. Xuất phát từ tục thờ Mặt trời tối cổ, người Âu Lạc đồng hóa Mặt trời với nữ tổ của mình, họ gọi là bà Trời. Đoan Ngọ là ngày nóng nhất trong năm, là sinh nhật của bà Trời, các lễ hội ăn mừng trải rộng suốt nửa tháng ròng.

Mùng năm tháng năm âm lịch, năm 40 sau Công nguyên, Âu Lạc tổ chức một lễ hội đua thuyền Giao long lớn chưa từng có trong lịch sử của họ tại thượng lưu biển hồ Lãng Bạc. Ba mươi sáu đội đua nam – nữ của chín Lạc tướng tham dự. Mỗi thuyền đua mười tám tay chèo. Trưởng nhóm cầm nhịp bằng trống đồng ở giữa thuyền. Tất cả các tay chèo đều cắm lông trĩ ngũ sắc trên đầu, buộc băng đỏ ngang trán. Nam mặc khố, cởi trần. Nữ bận áo hai vạt ngắn, váy thổ cẩm.

Chín Lạc tướng ngồi trên chín thuyền lớn, lễ phục gọn gàng, các tùy tướng và hộ quân của họ gồm hai đội đứng hai bên. Ngoài cung tên không thể thiếu, vũ khí họ mang theo đa phần dài và nhẹ như lao, chĩa, giáo. Thuyền của Trưng Trắc to nhất, dài nhất, trên ấy đặt chiếc trống đồng lớn nhất Âu Lạc vừa đúc xong. Đặc biệt, đầu tất cả thuyền đua và thuyền Lạc tướng đều trùm một tấm lụa đỏ, để giấu lưỡi giáo có ngạnh.

Người xem đua thuyền đông như một luồng cá biển. Đứng trên bờ đa phần là trẻ con, người già sức khỏe yếu kém. Cư dân xuống hết các loại phương tiện nổi, từ độc mộc đến thuyền nan. Họ bơi ra giữa hồ, tập hợp xung quanh đoàn thuyền giao long, hò hét ủng hộ.

Vị bô lão Chu Diên hơn trăm tuổi, gương mặt đẹp như một mắt gỗ hóa thạch, tóc trắng lẫn vào mây, được vinh dự bước lên đài khai hội. Bà đã móm, tiếng nói không thể vang xa nên chỉ ra dấu. Đầu tiên bà thẳng người, đưa hai tay về phía trước, song song với mặt đất. Vạn người im lặng tựa một ao bèo. Tiếp theo, bô lão ngửa hẳn mặt lên trời, tay mở một vòng rộng, miệng thì thầm gọi mẹ tổ mẹ tiên. Muôn ngàn giọng nói hòa làm một, cất theo nhịp nhàng: Mẹ ơi, Cha ơi… Âu Lạc trường tồn…

Già Mị đeo mặt nạ thần sấm, đi guốc gỗ, đầu đội mũ vải cong nhọn như sừng trâu, mặc bộ áo dài nhiều thân màu đen, cài khuy ở sườn. Chuông rung, chiêng đổ, bà cầm giọng cho hàng chục thầy mo hát lên những lời mở đầu của thiên sử thi mở đất, mở nước, tôn vinh mẹ tổ.

Một cột khói to trên bờ ùn ùn báo hiệu. Trống cái tại thuyền Trưng Trắc hùng tráng cất giọng. Hàng trăm trống con đánh bồi theo. Mười tám cặp thuyền nữ – nam đâu lưng xuất phát, tiếng trống lấy nhịp đanh chắc, tiếng hô vận thở đều xin xít.

Đua thuyền giao long Âu Lạc tương đối khác so với các nơi, do hình thể sông nước ở đây tác động. Hai đội nữ và nam sẽ chèo ngược chiều nhau. Khi họ khép một vòng tròn ngoài cửa Hát, coi như đã đến đích. Thuyền nữ đầu tiên và thuyền nam đầu tiên gặp nhau sẽ được chọn là cặp thuyền thắng cuộc. Họ ăn mừng bằng cách té nước, chúc tụng những điều tốt đẹp. Sau đó từng cặp trai gái lao xuống mặt hồ, bơi quấn nhau trong điệu múa Giao long hợp hoan, đầy biểu trưng phồn thực của văn minh Đông Sơn.

Đoàn đua gần như vây bọc người xem và chín Giao long thuyền của Lạc tướng trong một quả trứng khổng lồ. Độ bao quát của mỗi cá nhân với sự kiện thật toàn vẹn. Hơn thế nữa, từng người luôn có cảm giác mình là trung tâm của lễ hội. Chỉ cần so sánh cấu trúc đua thuyền này với một trận bóng đá hiện đại, ta thấy trí tưởng tượng và thao tác của người Âu Lạc vượt xa con người hai ngàn năm sau, ở góc độ nhất định nào đó.

***

Mười tám cặp thuyền đua đã gặp nhau, điệu múa giao long hợp hoan đang ở thời điểm tưng bừng nhất, cuối trời bỗng xuất hiện những cánh buồm đen. Bảy Lâu thuyền của Tô Định chém sóng sấn tới lễ hội của người Âu Lạc. Trưng Trắc cho chuyển điệu trống cảnh giác. Người dân hoang mang, thuyền khán giả sôi như ong vỡ tổ. Tuy nhiên trật tự máu chóng được tái lập. Trống lệnh sẵn sàng ứng chiến phát ra. Chín Giao long thuyền của các Lạc tướng tạo nên đôi cánh che chở cho lương dân. Một số thuyền vũ trang trực sẵn trong bờ cũng lao ra, giáo nhọn tua tủa, cung được gắn tên vào và trương cứng.

Ý thức rõ ràng về chủ quyền Âu Lạc, Trưng Trắc chỉ gián tiếp bắn tin cho Long Uyên về lễ hội Đoan Ngọ này. Bà coi đó là việc làm khôn khéo và mềm dẻo, không mất mát oai linh lãnh tụ và chính nghĩa của Âu Lạc. Tô Định xem đây là hành vi coi thường y. Khi Giao long thuyền và Lâu thuyền tiến sát nhau ở khoảng cách có thể khẩu đàm, Tô Định hằn học:

“Khá khen thay cho M’linh Lạc tướng. Lệnh cấm của ta ở vùng nước này đã bị các ngươi xúc phạm. Ta bị xúc phạm nghĩa là Thánh thượng đại Hán đã mang nhục”.

“Tô Định, không được hỗn xược.” – Giọng nam trầm đầy tự tin của A Thi rắn rỏi như thép. Ông chỉ thẳng về phía Hán quân – “M’linh đã có trống cái. Trời đất đã trao cho Trưng Trắc sứ mệnh của Lạc vương huyền thoại. Ngươi phải quì xuống nếu muốn nói chuyện với vua bà Âu Lạc, như từng phải quì trước bệ rồng Lạc Dương”.

Gương mặt mất ngủ của Tô Định dài ra, tái dại. Y đảo mắt xung quanh một lượt, ước lượng đối thủ. Y biết mình không có cơ hội.

“Người Hán cút đi. Người Hán cút đi…” – Không ai bảo ai, biển người Âu Lạc thét vang. Hán quân xanh mặt. Tô Định nổi da gà. Y biết nếu y thốt ra một lời nữa thôi, chín chiếc Giao long thuyền gắn giáo nhọn trên mũi sẽ xông vào xé xác đoàn Lâu thuyền Hán. Hàng ngàn cung thủ sẽ tưới mưa tên vào Hán quân. Lao dài, giáo nhọn sẽ xiên Tô Định như xiên cá.

Tô Định đứng cao hơn A Thi và Trưng trắc vì Lâu thuyền là một phương tiện thực dân đồ sộ để đi biển lớn, đến xâm lăng chiếm đóng những mảnh đất giàu có và hiền lành như Âu Lạc. Nó khác hẳn Giao long thuyền mộc mạc hiền hòa, chỉ dùng đối phó với sông nước bất trắc, chứ không phải đối đầu với con người man rợ.

Song, độ cao vật lý chỉ là tương đối. Tô Định thấy mình nhỏ bé và quá hèn mọn trước Trưng Trắc, A Thi hoặc bất cứ chiến binh Âu Lạc nào. Nếu có phép thuật, có lẽ y đã biến thành một con kiến, nhảy xuống biển hồ Lãng Bạc, bám vào cọng rác nào đó để trốn chạy về Long Uyên.

Trưng Trắc dễ dàng đọc được nét mặt của Tô Định. Tuy vậy, bà không muốn thấy máu chảy trong ngày sinh nhật mẹ tổ cao quí. Bà tin một thủ lãnh khôn ngoan biết tránh xung đột chưa cần thiết. Bà mong mỏi hóa giải sức mạnh của đế quốc Hán, hơn là quan tâm đến chiến thắng nhỏ nhoi trước mắt.

Do đó, cái nhìn của Trưng Trắc hướng về Tô Định vừa mạnh mẽ kiên quyết, vừa dịu dàng hòa hoãn. Tô Định cố bấu víu vị thế vượt trội của Hán tộc trong ý thức chủ quan của y. Vẫn chưa đủ tự tin. Hán quân đang run rẩy sau lưng y. Tô Định đành bất lực khoát tay ra hiệu Lâu thuyền đánh lái rút lui.

Khi đoàn Lâu thuyền chỉ còn là những chấm nhỏ cuối tầm mắt, mặt biển hồ Lãng Bạc vẫn dội lên lời hờn căm: “Người Hán cút đi… Người Hán cút đi…”.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK