Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Tất nhiên chồng Trưng Trắc không phải tên Thi Sách, mà là Thi. Các sử gia thế kỷ 20 đã giải quyết vụ nhầm lẫn này. Người Âu Lạc hình như không có họ, cho nên Trưng Trắc nhiều khả năng là chức danh, chứ không phải tục danh của Lạc tướng M’linh. Cô và anh đã đi đến thống nhất tại chỗ ấy.

Họ có tham khảo kỹ nhưng không bị thuyết phục bởi giải thích tên gọi Trưng Trắc và Trưng Nhị xuất phát từ nghề dệt lụa truyền thống Việt Nam. Nó khó được xem là cách gọi trại đi của trứng chắc, trứng nhì là hai loại tổ kén sâu tằm. Trong các mộ táng, mộ thuyền thời Hai Bà Trưng, người ta chỉ thấy các loại vải bông, gai, đay. Dấu vết của lụa chưa hiện hữu như một sản phẩm phổ thông bản địa.

Truy lục tài liệu dân tộc học của người Minangkabau ở Indonesia và Malaysia, cô phát hiện một điều rất lý thú. Nền văn hóa của tộc người này mang bản sắc độc đáo và riêng biệt. Họ vẫn theo chế độ thị tộc mẫu hệ. Quyền thừa kế nằm hết ở giới nữ. Tuy nhiên trưởng tộc lại là nam giới. Lãnh thổ chung của họ chia thành những vùng tự trị có tên là Luak (Lạc?). Người đứng đầu vùng tự trị cũng là nam giới, do các trưởng thị tộc bầu lên gọi là Luak Undang (Lạc tướng?). Người nữ giữ quyền thừa kế trong thị tộc gọi là Turun Cicik (Trưng Trắc?), tất cả các em gái bà này nằm trong hàng thừa kế thứ hai gọi là Turun Nyi (Trưng Nhị? Tiếng Bahasa Indonesia lần lượt đọc là t’run ch’chik và t’run nhi).

“Sự lý thú của lịch sử là ở những chi tiết chông chênh thế này. Nó chẳng khẳng định và cũng chớ phản bác. Nó treo lửng lơ. Nó chỉ dành cho những người thực sự yêu thích và khát khao khám phá quá khứ”. Anh động viên cô. Thời Hai Bà Trưng, hiến sử gốc còn lưu lại không đầy một ngàn chữ, chia cắt rải rác ở hàng chục quyển sách Hán văn. Không thể không tìm hiểu Hai Bà Trưng trong tâm thức dân gian, giữa những truyền kể đời này qua đời khác, song phải luôn cảnh giác với lệch pha nhận thức giữa các thời đại và cái bẫy của ngôn ngữ phụ hệ.

“Khảo cổ Việt Nam đã phát lộ không ít mộ nam thủ lĩnh ngoài khu vực Mê Linh, nó có mâu thuẫn với giả thiết về chế độ mẫu quyền không nhỉ?”. Anh hỏi cô.

“Trong xã hội mẫu quyền, quyền lực chính trị và ưu tiên thừa kế đều được nắm bởi nữ giới, ngoại tộc. Phát triển tiếp lên, nội dung mẫu hệ không mâu thuẫn với sự có mặt của nam thủ lĩnh, nữ giới chỉ còn duy trì lợi thế thừa kế. Sau rốt là phụ hệ, sự chuyển giao toàn bộ hai nội dung đặc thù trên, có lẽ không thể diễn ra ngày một ngày hai. Tình trạng xôi đậu, cài răng lược trong cơ cấu xã hội giữa các vùng miền Âu Lạc là khó loại trừ. Do đó giả thiết chế độ xã hội mẫu quyền ở M’linh sẽ chưa thể bị các phát hiện khảo cổ Việt Nam cho đến nay đánh đổ”. Anh hoàn toàn nhất trí với lập luận mạch lạc của cô.

***

Chiến thắng nhanh như chẻ tre, dễ dàng như trở bàn tay, với Trưng Trắc nói riêng và người Âu Lạc nói chung, là lòng trời chứng giám cho khát vọng tự do và chính nghĩa của họ. Trên tột đỉnh vinh quang, Trưng Trắc bỗng phân vân ngẫm nghĩ đến nhiệm vụ cấp bách đã trù dự. Thương nhân Âu Lạc từ phương bắc trở về vui mừng bảo rằng chưa đợi vua ra lệnh, Hán quan đã vội đóng chặt cửa biên giới. Ở nhiều vùng xung quanh sở trị Hợp Phố, tiếng vang trống đồng Âu Lạc đã khích lệ họ nổi dậy, đánh đuổi kẻ cai trị tàn bạo.

Lúc đang bị Tô Định đe dọa, ai cũng chia sẻ với Trưng Trắc quyết tâm bằng mọi giá cải tổ cơ cấu xã hội Âu Lạc. Người người tuyệt đối tin tưởng khi thực thi cải cách, đổi mới, sức lực và trí tuệ nam giới Âu Lạc sẽ có cơ hội được giải phóng, sẽ thành hạt nhân kháng thể thực dân, vun đắp sự trường tồn và thịnh vượng của đất nước. Đáng tiếc là, chiến thắng Long Uyên cuối mùa hè năm 40 làm cho quí tộc Âu Lạc tự mãn. Những người từng ủng hộ A Thi chấp chính có lý do trù trừ. Những người phản đối A Thi thì hả hê. Một đế quốc lớn vào bậc nhất gầm trời nhân loại đã bại vong dưới tay họ, cho nên họ bỗng trở nên thủ cựu một cách chính đáng. Các thầy cúng dưới sự chỉ đạo của Già Mị, mật truyền với từng người dân về sứ mệnh mà mẹ tổ đã trao cho Trưng Trắc, và chỉ Trưng Trắc mà thôi. Họ giản hóa chiến thắng trước Tô Định là của riêng cá nhân Trưng Trắc, là cơ sở chính thống vĩnh viễn của bà.

Con người tiến bộ phải thần tượng chân lý, xem chiến thắng là chân lý để gìn giữ. Ngược lại, ở đâu có thần thánh hóa một cá nhân, ở đó sự bảo thủ sẽ lấy thân mình chặn bánh lái con thuyền lịch sử. A Thi ước ao chế độ vương pháp mẫu hệ. Phái nam trong gia tộc nên điều hành nền chính trị của vương quốc. Có thêm phụ hệ thì tốt, giải phóng sức lao động và phân chia hợp lý tài sản xã hội khiến nhà nhà giàu có hơn, đất nước hưng vượng hơn. Triều đình Âu Lạc phải là nơi tập hợp sức mạnh muôn dân, là biểu trưng cho ý nguyện độc lập của cả một dân tộc. Nếu A Thi không phải chồng Trưng Trắc, có thể ông đã làm binh biến. Nói cho cùng, mỗi nền văn minh thoát thai, quốc gia nào chẳng phải đổ máu! Tiếc là Trưng Trắc không có em trai và chưa có con trai để A Thi ủng hộ. Ông yêu bà hơn hết thảy nên đành bó tay. Ngày ngày ông cay đắng nhận chìm bi kịch của mình trong đời sống chớm xa hoa của tân đô M’linh, trong rượu chè và những trò chơi vương giả.

Sau rốt, chiến thắng Long Uyên đã trở thành gánh nặng cho người Âu Lạc. Càng ảo tưởng về sức mạnh của mình, càng kiêu ngạo quá lố, người Âu Lạc càng sa mãi vào chiếc bẫy của chính họ.

Mùa thu năm 40, Trưng Trắc tự xưng là Lạc vương. Lạc tướng khắp Âu Lạc quay đầu về M’linh bái vọng vua bà. Hợp Phố và An Biên cung tiến lãnh tụ mới của họ vàng bạc châu báu không biết bao nhiêu mà kể.

Trước đây người Âu Lạc nói chung không phải đóng thuế. Dân làng chỉ góp công sức và sản vật cho những hội hè lễ tiết do quan Lang tổ chức. Họ hoàn toàn được tự quyết định có làm thuê cho quan Lang hay không. Ắt phải có chèn ép, áp bức trong quan hệ giàu nghèo này, nhưng mức độ không đến nỗi trầm trọng để tạo thành một hệ thống ăn thịt người. Quan Lang tự nguyện nộp một phần rất nhỏ thu nhập của mình cho Lạc tướng. Bộ máy hành chính của Lạc tướng gọn nhẹ, gia tộc Lạc tướng cũng phải lao động như mọi công dân khác. Các Lạc tướng quan hệ bình đẳng, giao lưu, trao đổi mang tính chất hữu nghị.

Vương quốc Âu Lạc thành hình, Trưng Trắc phải duy trì lực lượng vũ trang nhất định đề phòng người Hán. Các chi họ trong gia tộc của bà chiếm nắm nhiều vị trí quan trọng trong triều đình sơ khai. Họ gây sức ép bắt Trưng vương đánh thuế thu tô, từ sông hồ biển cả đến rừng sâu. Người ta đánh đồng quốc khố với kho lẫm của một gia tộc, một phe phái, thậm chí một cá nhân. Dinh thự, công quán xa hoa, to lớn không cần thiết, được dựng lên vội vàng. Nhân dân Âu Lạc bất ngờ và chán nản, nhiều Lạc tướng lợi dụng danh nghĩa Trưng vương tận thu, tận gom của cải vật chất. Họ nộp lên thì ít, giữ lại cho bản thân thì nhiều. Tô Định bị đánh đuổi, nhưng nọc độc của y rơi rớt lại đã thấm vào tim gan không ít quí tộc Âu Lạc. Họ chuộng lụa, thích ngọc trai, rượu Hán nên đã đè đầu cưỡi cổ dân thường, dùng sản vật đổi hàng xa xỉ với thuyền buôn.

Trưng vương gần như bơi trong vai trò mới, bà không đủ sức cai quản bộ máy cồng kềnh và đầy tư lợi do chính mình đứng đầu. Bà dễ dàng không đội trời chung với giặc ngoài nhưng khi nội thù mang khuôn mặt ruột thịt thì bà nan giải.

***

Trận mưa quét sạch Hán quân đã tưới đồng rửa ruộng cho Âu Lạc, song mùa màng năm ấy trễ nãi vì người người còn mải tung hô Trưng vương. Lễ hội, tiệc tùng thâu đêm suốt sáng xao động rừng núi, biển cả. Trống đồng nóng hổi vì dùi nện liên tu bất tận hoan điệu. Có lẽ âm ba ấy đã kéo ba chiếc thuyền buôn Ả Rập buông neo tại cửa Hát giang. Chủ thuyền, một Hồ nhân cao to vạn vỡ, râu quai nón, nước da bánh mật đến M’linh ra mắt Trưng vương.

Tuy thất vọng vì kho lẫm Âu Lạc trống hoác, lúa gạo không đủ để mua bán đổi chác, chủ thuyền vẫn gợi ý:

“Thưa nữ hoàng. Âu Lạc hiện nay dân số đã đông đúc, đồng ruộng nương rẫy màu mỡ, trên rừng dưới biển sản vật dồi dào. Chúng tôi từ Ả Rập tới đây theo gió mậu dịch. Cứ cuối hè, đầu thu thì nương buồm ghé Âu Lạc rồi Nam Hải. Đầu đông chúng tôi sẽ quay về nhà. Dám mong nữ hoàng cho phép hằng năm chúng tôi ghé bến Hát giang, trao đổi hàng hóa”.

“Nghe bảo rợ Hồ có bệnh truyền nhiễm, ta rất lo lắng cho muôn dân”.

“Thưa nữ hoàng, ấy chỉ là xàm ngôn. Thủy thủ chúng tôi đều dầu dãi phong ba, sức khỏe dẻo dai. Xin nữ hoàng đừng nghe kế hiểm bế quan tỏa cảng, tự trói mình để nộp mạng cho giặc đói, giặc dốt và cuối cùng là giặc ngoại xâm”.

“Vậy ngươi hãy phân tích thử lợi hại của việc giao thương này xem”.

“Thưa nữ hoàng tôn kính. Trước mắt, chúng tôi sẽ lấy đồng vụn, sắt thỏi đổi gạo, cá muối, gỗ quí, da cá sấu.v.v.. của quí quốc. Nhà buôn nào cũng phải biết nơi cung cấp bất cứ thứ hàng hóa gì Âu Lạc thiếu như hương liệu, thuốc chữa bệnh. Chúng tôi cũng có thể chuyển giao các bí quyết canh nông tân tiến, giống tốt đây đó hoặc mật truyền công nghệ chế tạo vũ khí đa dụng cho quốc phòng”.

Một quan Lang già cả bước lên, vặn hỏi thương nhân: “Sắt thì tốt đấy, Âu Lạc thiếu sắt để rèn giáo đúc gươm. Còn đồng thì mạn thượng du chúng tôi đã có mỏ. Các thứ khác của ngươi không thiết thực với đời sống Âu Lạc thanh bình”.

Chủ thuyền nhỏ nhẹ: “Thưa nữ hoàng, thưa bá quan. Sắt đâu phải chỉ để sản xuất vũ khí. Người Âu Lạc hãy thay thử cày đồng bằng cày sắt xem, chỉ sợ các bồ thóc vốn có không chứa đủ lúa mới gạo thơm. Không có cách nào tự bảo vệ và duy trì hòa bình tốt hơn việc đẩy mạnh buôn bán, xây dựng quân đội vững vàng. Lò đúc vũ khí sắc bén bằng sắt của nước Tần hôm nào, không những đã đưa quân đội của Doanh Chính trở nên bách chiến bách thắng, mà còn đẩy nền nông nghiệp và giao thương của họ lên hàng đầu Trung Nguyên. Công nghệ quân sự ở trình độ cao sẽ kéo theo con thuyền quốc gia hưng vượng, điều đó khó phủ nhận”.

“Hoang tưởng! Từ mẹ tổ chúng tôi đã dùng cày đồng, trừ những năm hạn hán, có khi nào Âu Lạc bị đói đâu. Cơ mà, sắt hay bị rỉ, một chiếc cày sắt trụ được mấy mùa gặt? Lại phải thay. Tốn kém lắm”. Quan Lang vặc.

“Nữ hoàng có biết những gì đang diễn ra tại Hợp Phố, Nam Hải không?”. Người Ả Rập rất kiên trì đối thoại.

“Ta đã dặn thuyền buôn nhỏ của Lữ lạc tướng để ý, đến nay họ chưa về”. Trưng Nhị nói.

“Người Âu Lạc có thể gặp Thái thú Hán không? Chúng tôi làm được điều đó. Thậm chí, chỉ cần một món quà lạ, tôi đã từng diện kiến vua Hán và thù tạc cùng hết thảy quan chức cao cấp nhất của Hán triều. Được buôn bán nơi đây, chính chúng tôi sẽ góp phần giữ gìn bình yên cho quí quốc. Nắm được động thái quân Hán, Âu Lạc luôn chủ động trong mọi tình huống”.

Tiếp theo một nhà buôn kể tỉ mỉ chuyện Châu Nhai, Đạm Nhĩ:

“Ngoài biển Đông, năm Nguyên Phong cách đây hơn một trăm năm mươi năm, sau khi diệt Nam Việt, Hán Vũ đế đặt hai quận Châu Nhai, Đạm Nhĩ. Đất này vốn là nơi ông tổ tôi thường xuyên qua lại mua ngọc trai. Thái thú Hán vơ vét tàn bạo còn hơn cả Tô Định. Bị mất thị trường, ông tổ tôi bí mật ủng hộ người bản thổ. Chừng ba mươi năm họ nổi dậy giết Hán quan sáu lần. Năm Thủy Nguyên thứ năm, Chiêu Đế phải thu nhỏ qui mô thực dân, bãi quận Đạm Nhĩ gộp vào Châu Nhai. Lại thêm ba mươi năm nữa trôi qua, cụ tôi tiếp tục quan hệ chặt chẽ với các thủ lĩnh kiên cường. Có lần họ đuổi sạch Hán quan bảy năm, có khi đoàn kết chín huyện giết không còn một mống lê dương”.

“Ông nội tôi kế sách hay hơn. Một mặt ông hết lòng giúp đỡ người Lê, Lạc; một mặt vào tận triều đình Trường An vận động nhiều kẻ tai to mặt lớn. Trăm năm trước, Hán Nguyên Đế muốn phát đại binh thực dân triệt để. Ông nội tôi đem vàng bạc châu báu mua đứt đại thần Giả Quyên Chi. Y khuyên vua Hán hãy bỏ Châu Nhai vì đâu phải chỉ nơi đó có ngọc, xuất quân tốn kém vô lường, chẳng lợi lộc gì. Phò Mã Đô úy ở phe diều hâu chủ chiến chống đối quyết liệt. Hắn nói Châu Nhai, Đạm Nhĩ đặt quận lâu rồi, không đánh khác gì chứa chấp Man Di, tạo tiền lệ cho cả phương Nam làm phản. Hắn lôi sự nghiệp nam chinh vĩ đại của Vũ Đế áp lực, đòi xử họ Giả. Ông nội tôi tiếp tục cạy cục vài nơi, kết quả Chiêu Đế bãi binh, bỏ Châu Nhai”.

“Người Lê, Lạc có mấy chục năm thanh bình tự do, buôn bán phát đạt. Chỉ tiếc vua đời sau tha hóa, quan lại hư đốn bỏ bê vận nước. Bọn tham lam nhũng lạm, lũ khư khư lòng riêng nắm hết thực quyền. Đến nay xứ xấy đã vĩnh viễn là quận huyện của nhà Hán. Muôn dân sống đời nô lệ lầm than”.

Trưng vương cả mừng, sai mở tiệc đãi đằng trọng hậu các thương gia, hỏi han kỹ càng nhiều thứ. Một số Lạc hầu già không vừa ý. Họ bảo người Hán đã tỡn đến trăm năm, bọn rậm râu cũng chẳng tốt đẹp gì, ai dám chắc chúng sẽ không bán đứng Âu Lạc cho người Hán khi cần, hoặc giấu một âm mưu thống thuộc khác. Thái thú mắt lươn hay mũi lõ đều là kẻ thù của người Âu Lạc.

“Tất nhiên chúng ta đừng nên đuổi hổ cửa trước, đón báo ngõ sau”. Lữ lạc tướng phân trần – “Phó mặc nước nhà cho ngoại bang thao túng là không nên. Người Âu Lạc phải luôn tỉnh táo, làm chủ chính mình, trui rèn bản lĩnh trong quan hệ đa diện”.

Có A Thi và Trưng Nhị ủng hộ nhưng ý kiến của Lữ lạc tướng vẫn bị dè bỉu. Cuối cùng phe thủ cựu thắng thế. Trưng vương hẹn người Ả Rập mùa hè sau nhớ ghé lại kinh đô M’linh. Bà tin tưởng thời gian sẽ giúp bà thu xếp lòng người. A Thi mời đoàn thương thuyền lưu lại nghỉ ngơi, tiếp lương thực, nước uống. Các thương nhân được tự do thăm thú mọi nơi. Họ khôn khéo vận động thêm một số quan Lang, Lạc hầu cấp tiến và vài bô lão nhân hậu.

Dẫu kỳ công nhưng kết quả chẳng như ý muốn, người Ả Rập không nhìn thấy chút hứa hẹn nào với bộ máy hành chính xung quanh Trưng vương. Đôi khi đàm phán chưa thông, Lạc hầu tên Bầm phụ trách quốc khố đã yêu cầu những khoản đút túi riêng thậm vô lý và trơ trẽn. Bế tắc chồng lên bế tắc.

Lữ lạc tướng cám cảnh, trong một lúc cao hứng đã đặt bài vè chế nhạo bọn quan lại sâu bọ và tối tăm thiển cận của Âu Lạc như sau:

Mụ Bầm có cái quạt mo

Phú ông xin đổi ba bò chín trâu

Bầm rằng Bầm chẳng lấy trâu

Phú ông xin đổi ao sâu cá mè

Bầm rằng Bầm chẳng lấy mè

Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim

Bầm rằng Bầm chẳng lấy lim

Phú ông xin đổi đôi chim đồi mồi

Bầm rằng Bầm chẳng lấy mồi

Phú ông xin đổi nắm xôi, Bầm cười.

***

Gặt hái duy nhất mà đoàn thương thuyền Ả Rập cảm thấy thỏa mãn trong dịp này là đã được tắm mình trong lễ hội trăng thu nguyên khai. Nó chưa bị khoác lên những cái áo khác, sau quá trình thực dân. Người Âu Lạc xem trăng biểu trưng cho đêm tối, nước, lụt lội và hơn hết là người cha. Ở đối tính khác đấy là mặt trời, nóng nực, lửa, đất, hạn hán và là người mẹ.

Hình ảnh đua thuyền và giã gạo trên mặt trống đồng đã tái hiện hai lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Âu Lạc.

Đoan Ngọ trong thời điểm đầu mùa mưa, họ đua thuyền, té nước, cầu mưa. Họ mong cha mẹ gặp nhau, thổi làn gió phồn thực lên mùa màng. Ở góc độ nào đó nó là lễ thượng điền cổ điển, nhân dân ra ruộng, xuống vườn, cầu mong ấm no.

Khoảng giữa thu, cha nước mẹ đất sẽ chia tay. Cuối mùa mưa, cũng là thời điểm thu hoạch, hạ điền. Lúa nếp mới vừa chín tới được gặt về rang sơ, sau đó họ dùng chày cối giã dẹp thành cốm. Khi lúa Ba trăng cấy tháng năm, gặt tháng tám đã vào bồ, nhân dân Âu Lạc tổ chức lễ mừng cơm mới. Họ luôn khấn nguyện cảm ơn trời đất, tổ tiên đã ban cho phúc lộc và an bình. Lần lượt trong làng, sau nhà này đến nhà kia làm lễ. Trai gái túm năm tụm ba dắt nhau thăm hỏi các gia chủ, khi đi môi đỏ trầu không, khi về má hồng men rượu. Họ cười nói, đùa giỡn râm ran đường ngang, ngõ dọc. Mọi người uống rượu thật nhiều, chia thịt xẻ cá rồi ăn bằng hết niêu cơm lớn. Vừa ăn vừa chúc tụng nhau rất thân tình.

Giữa kỳ lễ cơm mới, ngày trăng tròn nhất sẽ được chọn làm đại lễ cúng trăng. Người ta ra bãi đất bằng phẳng, quây quần cả làng xóm dưới ánh trăng. Trống đồng khi ấy trở thành một nhạc cụ giữ nhịp. Các đội nhạc công khèn và sáo xếp một vòng tròn, vừa tấu những giai điệu vui tươi, vừa nhảy nhót hân hoan.

Mâm cúng trăng, cúng cha, ngoài món cốm không thể thiếu còn có thêm hoa quả, cơm mới, xôi… Trai gái nắm tay múa hát, cặp nào luyến nhau sẽ tự biết hẹn hò tình tự ngoài bãi hoặc trên đồi. Trẻ con chia quà giành bánh rộn rã và nghêu ngao hát:

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa,

Để trâu ăn lúa, gọi cha ời ời.

Cha còn cắt cỏ trên trời,

Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.

Các bô lão ngắm trăng tiên đoán mùa tới. Nếu trăng sáng vằng vặc, trời mát dịu ắt sẽ may mắn bội phần. Trăng có vết thì phải cảnh giác sâu bệnh.

Người dân lao động chơi trăng lành mạnh và trong sáng bao nhiêu, thì ngược lại quí tộc cầu kỳ, kiểu cách bấy nhiêu. Đồng bóng và mê tín vốn nhanh chóng lên ngôi tại M’linh từ khi nó trở thành vương đô Âu Lạc. Càng tha hóa người ta càng muốn bám vịn vào thứ gì đó có vẻ cao siêu, nhằm hợp thức địa vị và thủ đoạn làm giàu. Âu Lạc đa thần cho nên quí tộc tổ chức cúng tế triền miên. Giới thầy cúng, thầy mo ra sức lũng đoạn tâm linh, bày hết trò này đến trò nọ, ngày càng phức tạp và đa sự. Đồng cốt đua nhau luyện ca tập vũ, sáng tác thi từ, thêm da đắp thịt cho các thần tích. Họ phát triển trí tuệ và mỹ cảm, đáng tiếc là chúng chỉ phụng sự những hoạt động á văn hóa hạn hẹp, không đóng góp được gì nhiều cho nền văn hóa và chính trị non trẻ Âu Lạc.

Sinh hoạt của quí tộc Âu Lạc cũng là bình thường, nếu họ biết tiết chế và chọn thời điểm thích hợp. Nghệ thuật cung đình bác học tại nhiều quốc gia đã thăng hoa rồi trở thành giá trị xã hội đại chúng. Ở kinh đô M’linh, sự phát triển lệch lạc nhưng gấp ruổi của văn hóa tín ngưỡng, để làm đẹp lòng giới quí tộc mới nông cạn và thiếu hiểu biết, đã phá hủy nét đẹp truyền thống. Những lời ca điệu múa phồn thực đẹp đẽ thể hiện khát khao hạnh phúc chân thành, thịnh vượng chính đáng bị quên lãng. Những giai điệu bi tráng ca ngợi đức hy sinh và công lao tiên tổ bị biến thái, bóp méo. Nhiều khi chúng trở nên hoang đàn, dâm dật và ô uế.

Lạc hầu Bà Nường tổ chức cúng trăng trên nhà sàn chứ không phải ngoài sân rộng. Tư dinh của Bà Nường rộng mênh mông, tiếng trống đầu này và tiếng chiêng đầu kia gặp nhau giữa nhà, nơi có bảy bếp lửa nối liền nhau sáng rực. Các vị khách ngoại quốc được ân cần mời mọc. Trai đinh trẻ khỏe bưng rượu, bê thức ăn, dâng cơm… kể ra hàng mấy chục. Già Mị đứng chủ đồng, tám người giúp việc, họ được trả công hai con trâu, sáu vò rượu và mười gùi nếp.

Chuông rung, khèn sáo hòa âm. Già Mị mặc áo dài xanh đỏ, đầu chít khăn cắm lông trĩ, một tay chuông, một tay quạt mo phe phẩy, miệng hát:

Bà trời đi ngủ rồi a

Cha trăng chưa qua

Trai nào còn thức

Nhớ ta nhớ ta nhớ ta


Mương dài tăm cá

Mộng lúa cựa mình

Nhà ta đầy rượu

Chỉ không có tình ư hư


Trâm vàng khánh bạc

Lung la lung leng

Lửa ấm sưởi khèn

Góc nhà cối úp


Công đã rỉa lông

Tóc đâu tổ quạ

Đêm vẫn còn xa còn xa

Tay ai làm gối…

Già Mị cứ hát một khổ lĩnh xướng, đám giúp việc phụ họa theo mấy câu, vừa nhảy vừa rên rỉ. Khách khứa cũng góp tiếng. Rượu hết vơi lại đầy, tiếng người ngày càng khàn đục, mất âm thiếu chữ. Người người rũ rượi lả lơi. Gia nhân co chân, dựa tường ngáp vặt. Đại gia súc bên ngoài giậm vó thình thịch vì mất ngủ.

Cuộc tắm rượu kéo dài đến khi gà gáy.

Cuối thu năm 40, vừa đuổi xong giặc, ruộng nương bê trễ mà lễ cúng trăng lại xa xỉ. Trăng quầng rất xui xẻo, không mưa to cũng bão lớn, đáng lý mọi người phải dặn nhau tích cốc phòng cơ, nhưng nỗi niềm chiến thắng át đi tất cả. Vui thì rất vui nhưng khách Ả Rập vẫn phải lén giấu ngao ngán. Họ hết hy vọng mở ra cánh cửa thương mại phồn thịnh trên mảnh đất anh hùng này.

***

Gió nam cứ yếu dần, mùa đông đã thở hơi lạnh trong tâm tưởng những thiếu phụ ngồi bên song cửi. Đoàn thương thuyền Ả Rập đành tiếc rẻ trương buồm ra khơi. Nếu không đủ sức đến Nam Hải, họ sẽ ghé Hợp Phố thu mua trân châu, sừng tê… trước khi gió đông bắc giục họ trở về xứ sở ngàn lẻ một đêm của Sheherazade.

Người Âu Lạc vừa lỡ một chuyến tàu hưng vượng mà Triệu Đà từng tận dụng được một thời gian, nhưng con cháu ông đã phí bỏ. Lữ Lạc tướng đã nói như thế với Trưng vương. Ông và A Thi trao đổi rất nhiều với nhau trên chủ đề này. Họ đều nhận thấy Âu Lạc là trái độn giữa hai nền văn minh Đông và Tây, vị thế của nó hơn hẳn Phiên Ngung. Do đó cơ hội là vô cùng nhưng thử thách cũng không nhỏ. Nếu vượt lên được, Âu Lạc sẽ mạnh mẽ vô cùng. Họ có quyền chọn lựa những ưu việt của Hán hoặc Hồ để ươm trồng trên mảnh đất của riêng mình.

“Tinh cốt của Nho giáo không xa lạ mấy với xã hội Âu Lạc đâu A Thi”. Lữ Lạc tướng giảng giải – “Vua của Khổng tử được gọi là con trời. Ông đề cao nhân. Người không có nhân là cái cây thối rễ, bô lão ta vẫn dạy thế, đúng chưa nào?”.

“Mẹ ta, Lạc tướng Chu Diên cũng thường nói câu ấy”.

“Một việc làm cực kỳ quan trọng của Khổng tử là xây dựng đội ngũ biết đọc chữ phi quí tộc cho vương quốc. Ông mở trường lớp, chiêu nạp học trò bình dân. Ông là người đầu tiên ở phương Đông xóa bỏ đẳng cấp trên phương diện chữ nghĩa. Tức là mọi người được bình đẳng tiếp cận sách vở”. Lữ Lạc tướng mở lòng.

“Ồ. Nước ta chỉ có thầy mo thầy cúng, không có người đọc sách nhỉ?”. A Thi hồ hởi.

“Khi kẻ đọc sách độc quyền kiểu như thầy cúng, hoặc quan lại, sẽ dẫn đến tình trạng lưu manh hóa. Lúc ấy họ không dẫn dắt con người đến chân lý, mà nô lệ họ giữa những tín điều giả trá”. Lữ Lạc tướng dẫn vấn đề đi hơi xa. A Thi tỏ vẻ khó nắm bắt. Ông gật gù:

“Khổng tử có định ra cách chọn vua không?”

“Ông ấy chỉ lập ra một chuẩn đạo đức chi tiết cho Thiên tử. Giết vua là tội lớn nhất, nhưng vua bất nhân thì phải phế. Khổng tử ủng hộ bạo lực cải cách rất kín”.

“Còn người Hồ, nghe bảo vua của họ cũng là thầy cúng?”.

“Không phải, thầy cúng số một của vương quốc là giáo chủ, gần như ngang hàng với vua”. Lữ Lạc tướng nói – Ở ta có quá nhiều thần, thần sông, thần biển, thần rừng, thần cây, thần bếp, thần núi… Vua của các thần ta lại gọi là mẹ trời. Nếu học theo người Hồ thì mẹ trời sẽ bị thay bằng một đấng tối cao, chí tôn. Đấng ấy được nhân cách hóa chi tiết, y gần gũi với người hèn, kẻ dại, thông tri và giác ngộ nhân sĩ, quí tộc. Vẫn phải làm cách mạng”.

“Ta hiểu rồi”. Mắt A Thi sáng lên – Người Âu Lạc nên tôn thờ một người vừa là lãnh tụ, vừa là giáo chủ.

A Thi đã đề ra một ý tưởng táo bạo trong thời đại của ông. Tiếc rằng ý tưởng đó chỉ trở thành hiện thực mãi hai trăm năm sau, trên chính mảnh đất Âu Lạc ở trường hợp Sĩ Nhiếp. Sau Sĩ Nhiếp, văn minh Hoa Hạ đã thắng thế, Âu Lạc phát triển lệch hẳn theo đối cực phương Bắc. Người Âu Lạc đã phung phí cơ hội và đầu hàng thách thức. Đó chính là lý do khiến họ không thể vươn lên thành một dân tộc lớn mạnh ở tầm thế giới.

Lòng Trưng vương ngổn ngang. Bà không đủ sức mạnh nội tại như một trang nam nhi để lãnh đạo vương quốc trẻ tuổi này. Bà bất giác muốn được như Lucius của La Mã. Theo trần thuật của các thương nhân Ả Rập, cách thời đại Trưng Vương gần năm trăm năm, La Mã cộng hòa đứng trước nguy cơ diệt vong. Các bô lão đã yêu cầu trại chủ Lucius cầm quân vệ quốc. Lucius phải bỏ lại quê nhà chiếc cày đã lên nước bởi mồ hôi của ông để ra trận. Sau nửa tuần trăng, quân thù sạch bóng, ông thanh thản trở về công việc đồng áng.

Lucius là biểu tượng cho sự chính trực và đức hạnh của chính trị gia. Trưng vương đồng cảm với nhân vật này, bản thân bà cũng không thèm khát quyền lực. Tô Định chạy rồi, bà chỉ muốn trở lại M’linh, làm một người mẹ, người vợ truyền thống. A Thi nhận ngôi vương, hay bất kỳ Lạc tướng nam giới nào khác, bà cũng thuận theo. Sự mê tín vào hào quang chiến thắng dưới tên tuổi Trưng Trắc của đông đảo quần chúng, đã không cho phép bà thoái lui. Trưng Trắc mắc kẹt ở đấy như một con Giao long bị ném vào rừng thẳm, thả trên núi cao.

Quả thật A Thi thông tuệ, mạnh mẽ và sắc sảo hơn bà. Ông không cần dẫn chứng gã Lucius xa xôi đó. Ông bảo vợ rằng, tổ tiên của họ đã có Lucius trước cả người La mã nhiều thế kỷ. Đó là Thánh Gióng, là Phù Đổng Thiên Vương của Âu Lạc. Câu chuyện đa tầng, đa nghĩa đâu kém những gì những thương nhân đã kể. Trước giặc Ân tham tàn, cậu bé Gióng ba tuổi của làng Phù Đổng đã vụt lớn lên, nhận trách nhiệm xông pha nơi đầu tên ngọn lao. Giặc tan, ngài không đánh bóng mình và thực thi tư tưởng công thần. Ngài cưỡi ngựa, bay thẳng lên trời. Thiên anh hùng ca ấy đẹp hơn bất cứ một tuyệt tác La Mã nào.

Đáng tiếc là đa số quí tộc và bô lão Âu Lạc không nhìn thiên anh hùng ca Thánh Gióng như cách của Trưng vương và A Thi. Giáp mặt quân thù ai cũng cần chính nghĩa, quyết tâm, ý chí và dũng cảm, còn với quê hương hòa bình, phải thêm đức hy sinh lợi quyền bản thân và dòng tộc.

Âu Lạc với đỉnh cao Đông Sơn, nằm trong văn minh Bách Việt, cũng có thể là nơi phát tích của văn minh Bách Việt. Khi Bách Việt bị Hoa Hạ thôn tính, Âu Lạc biên viễn thụ động nằm ngoài lề của mọi biến chuyển tích cực. Nó khép mình hờ hững với an nguy và ắt phải trả giá.

***

Ở Cửu Chân xa xôi cách trở, Đô Dương về kinh hơi muộn. Đoàn thuyền Lạc hầu của ông đến chúc mừng vua bà khi người Ả Rập vừa đi. Đô Dương hết sức lạc lõng giữa ngày vui bất tận của quan quân Trưng vương. Những kẻ ác mồm bảo ông ghen tị với chiến thắng mang tên Trưng Trắc.

Lữ Lạc tướng khuyên Đô Dương trở về nam, lấy danh nghĩa Lạc hầu hiệu triệu quần chúng, rút kinh nghiệm M’linh, xây dựng quân đội và thành quách, vỗ về sức dân, tính kế lâu dài cho cả Âu Lạc. Ông khẳng khái nhận định, nếu Hán quân không sang thì triều đình M’linh sớm muộn cũng sụp đổ. Cả Đô Dương và Lữ Lạc tướng đều biết trước ngôi vương ngắn ngủi của Trưng Trắc chỉ có hư danh và những lễ hội say sưa. Đại bộ phận người Âu Lạc tiếp tục thống khổ bên bờ ruộng của mình. Quan lại và một số chiến binh có công trạng lên ngôi, mong ước đời nối đời được cung phụng, hầu hạ. Họ tha hóa từng ngày, trong sự xa hoa đẫm máu và nước mắt lương dân.

Trước khi xuống thuyền, Lữ Lạc tướng tấu với Trưng vương rằng: “Tính chuyện một đời chỉ cần tiền tài, lo trước mười đời phải tích lũy quyền lực, còn nếu lo cho trăm đời đã là lo chung cho thiên hạ, nên mở cửa cầu học, tế thế kinh bang, đãi ngộ hiền sĩ và loại bỏ sâu mọt…”.

Từ Cư Phong, Đô Dương tập hợp tất cả Lạc tướng của Cửu Chân, định thống nhất phương hướng. Ông lại chạm trán với chia rẽ và hời hợt. Số biết những gì xảy ra tại M’linh tỏ vẻ nghi ngờ tấm lòng Đô Dương. Kẻ ở non cao thì mơ hồ, chống đối cái mới quyết liệt. Cuối cùng chỉ có Lạc tướng Vô Thiết, Dư Phát và Vô Biên đoàn kết xung quanh Đô Dương.

Lực mỏng, người thưa, Đô Dương vẫn cố gắng qui tụ được gần một vạn chiến sĩ và năm trăm Giao long thuyền. Ông chỉ có hơn một năm chuẩn bị nhưng dựng được hai chiến lũy tại Dư Phát và Cư Phong, cùng một căn cứ sâu trong rú ngàn. Chu Bá là dũng tướng mà Đô Dương hết lòng dạy dỗ, nâng đỡ. Năm 42 Đô Dương đem quân ra bắc theo lệnh Trưng vương, Chu Bá ở lại giữ Cửu Chân.

Tháng mười năm 43 Mã Viện tiến vào Cửu Chân, Chu Bá ngoan cường chống cự, quyết không hàng. Hán quân tổn thất nặng nề. Chiến lũy Dư Phát vỡ, Chu Bá bỏ vào rừng sâu trường kì kháng chiến đến cuối đời và lạc mất giữa dòng lịch sử Việt Nam. Tên tuổi ông hiện vẫn khiêm nhường và ít được người Việt Nam biết đến, vì nó nằm cô đơn giữa quyển sách dầy Thủy Kinh Chú, phần nói về sông Diệp Du.

Đô Dương bám trụ ở Cư Phong không được lâu. Mùa đông năm 43, gia tộc cùng tay chân thân tín của ông buộc phải lên thuyền, nương theo gió mùa đông bắc ly hương xuống phía nam. Có thể Đô Dương chính là Thái tổ của người Minangkabau hiện cư trú tại Indonesia và Malaysia. Cộng đồng thị tộc mẫu hệ ấy vẫn nhắc nhở nhau rằng, tổ tiên họ từng căng buồm tìm kiếm tự do từ một vùng biển Việt Nam. Lối sống và sinh hoạt của họ dù trải qua gần hai ngàn năm, vẫn có gì đó tương đồng đến kinh ngạc với thời đại Hai Bà Trưng. Các ngôi nhà sàn có mái hình Giao long thuyền Đông Sơn vẫn ngạo nghễ trước mưa gió nam đảo. Một trong những câu chuyện dân gian nổi tiếng nhất của người Minangkabau là sự tích nghé giết trâu.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK