“Tại sao kim đồng hồ quay từ trái sang phải? Tại sao kim đồng hồ luôn quay từ trái sang phải”. Cô đi tới đi lui, thì thầm tự hỏi không dứt. Anh cười ngất như đang xem một màn tấu hài ngộ nghĩnh. Thực ra chưa bao giờ anh đặt câu hỏi như vậy. Chắc chắn cô sẽ là con người của sử học, vì cô biết nghi vấn từ cái gần gũi, quen thuộc và na ná giống chân lý trở đi.
“Anh nhìn này” Cô chỉ ra sân, nơi một cây cau ta vươn thẳng lên trời. Bóng cau đổ xuống hướng tây bắc vì đang là buổi sáng. “Em giỏi chưa?” Cô hét lên. Anh ngớ người. Hóa ra bóng cau sẽ như chiếc kim đồng hồ, dịch dần từ trái sang phải nếu cô quay lưng về hướng nam. Chiều muộn bóng cau sẽ chỉ về hướng đông bắc. Nó du hành trên một cung tròn gần 180 độ góc.
Đúng rồi, xưa thật xưa con người dùng bóng nắng để đo thời gian. Với những vùng đất nằm cao hơn chí tuyền bắc, vĩ độ 23 độ rưỡi trở lên, bóng nắng luôn luôn nằm ở phía bắc các cây cột chỉ thị. Mặt trời di chuyển từ đông sang tây, bóng nắng thì ngược lại. Chiếc kim đồng hồ hiện đại có nguồn gốc như thế.
Anh bỗng nhớ lại những bài học thiên văn của một người đi biển. Bóng nắng kia nói lên rất nhiều thứ. Này nhé, giữa trưa bóng nắng luôn chỉ hướng chính bắc. Bóng nắng giữa trưa ngày Hạ chí ngắn nhất, ngày Đông chí dài nhất. Ở những vĩ độ khác nhau, độ dài ngắn của bóng nắng giữa trưa cũng khác nhau. Nếu dùng các cây cột chỉ thị cùng độ cao, người ta có thể tính ra khoảng cách hai nơi, sau khi ghi chép và so sánh bóng nắng trong một quãng thời gian đủ dài.
“Vậy… vậy thì…” Cô lắp bắp – “Phải chăng chiếc cột đồng của Mã Viện là cột chỉ thị đo bóng nắng để tính khoảng cách giữa kinh đô Hán và Âu Lạc? Nó được người Hoa Hạ chế tạo từ thời Chu, có tên là Thổ khuê”. Sự nghiêm túc của cô mới đáng quí làm sao. Hai ngàn năm rồi, sách vở thất lạc, khoa học thiên văn bí truyền nhưng có nhiều thành tựu của người Trung Hoa đã mai một. Khám phá của cô rất khó được khẳng định chắc chắn nhưng nó sẽ là một giả thuyết mới mẻ đáng nêu ra mỗi khi nhắc tới cột đồng Mã Viện. Nghiên cứu kỹ các thiên Địa lý chí của Sử ký, Hán thư và Hậu Hán thư, so sánh chúng với bản đồ thực địa hôm nay, ta sẽ thấy độ chính xác của các khoảng cách Nam – Bắc bao giờ cũng ấn tượng hơn Đông – Tây. Đo khoảng cách Nam – Bắc dễ hơn vì chỉ cần mặt trời giữa trưa. Đo khoảng cách Đông – Tây phức tạp lắm, phải chọn mặt trời bình minh và hoàng hôn hoặc quan sát các chòm sao ban đêm.
***
Bẽ gãy được quân chủ lực Âu Lạc, phá hủy rất nhiều Giao long thuyền, tuy tổn thất không nhỏ nhưng Mã Viện tự xem đã thắng lợi bước đầu. Lợi dụng thời cơ Trưng vương rút ra xa, Hán quân bắt đầu bình định các vùng xung quanh Long Uyên như Khúc Dương, An Định, Luy Lâu, Chu Diên và M’linh. Từng thôn xóm Âu Lạc chống cự quyết liệt. Quan Lang và các chiến sĩ gan dạ bị bắt làm tù binh rất nhiều. Không dụ hàng được thì Mã Viện giam lại, chờ ngày giải về bắc báo công. Rừng núi Âu Lạc mênh mông, gỗ quí bạt ngàn, Mã Viện nhanh chóng đóng bù hoặc đại tu tất cả những Lâu thuyền đã cháy và hư hỏng. Với sự bổ xung của lính ngụy, lực lượng Hán gần như phục hồi hoàn toàn.
Mã Viện áp dụng chính sách lấy người Âu Lạc trị người Âu Lạc. Một số quí tộc cũ của triều đình M’linh đầu Hán được bổ nhiệm làm tân Lạc tướng, được cấp ấn đồng đeo cổ. Đây mới chính là hơn nửa sức mạnh của Mã quân. Hàng vạn người phương bắc sẽ chỉ còn lại một núi xương vô hại, sau vài tháng ở Âu Lạc, vì lương thảo trữ dưới Lâu thuyền rất hạn chế. Cướp bóc trắng trợn chẳng thể bền, dân Âu Lạc sẽ bỏ hết lên rừng, để vườn không nhà trống cho Mã Viện. Mã Viện luôn khắc ghi lời dạy của vua Hán: chính thể nô lệ là đại kế, quí tộc nô lệ là trung kế, dân thường nô lệ là hạ sách, chẳng chóng thì chầy chúng sẽ nổi loạn. Trung kế của Mã Viện là mũi tên xuyên đến nhiều đích ngắm. Ngụy quan bức ép dân lành, cung phụng đầy đủ lương nhu cho Hán quân suốt hơn một năm, đến tận ngày Mã Viện hồi kinh.
Cấm Khê là vùng bờ nam sông Hồng, đoạn gần thượng lưu, tiếp giáp với cánh đồng dưới chân núi Ba Vì. Trưng vương đã chọn hành đô cho mình ở đây từ khi Mã Viện mới đến Long Uyên. Do địa thế đầm lầy, rạch hẹp chằng chịt, Lâu thuyền của Mã Viện rất khó tấn công. Nếu nguy biến, người Âu Lạc dễ dàng rút lui vào rừng sâu, vận động chiến tranh du kích.
Vấn đề nảy sinh là, cơ cấu quân sự Âu Lạc khá lỏng lẻo dưới ngôi vị Lạc vương. Trừ người M’linh trước sau vẫn theo Trưng vương, nhiều Lạc tướng đối mặt với cuộc sống chiến khu kham khổ đã nhụt chí và dẫn người của mình rút đi. Binh lực Cấm Khê hao hụt từng ngày.
Mã Viện một mặt tiến hành công cuộc thực dân dưới xuôi, mặt khác duy trì bao vây Cấm Khê. Không có trận chiến lớn nào xảy ra mà chỉ là những cuộc càn quét rất giới hạn, hư trương thanh thế tối đa, tàn phá có tính toán các cơ sở kinh tế, hậu cần của chiến khu. Sách này Viện đã từng áp dụng cực kỳ thành công trước đó mười năm, tại vùng núi Bắc Sơn, Lũng Tây, đất nước của người Khương.
Sức cùng lực kiệt. Đầu năm 43 Trưng vương đành lên kế hoạch phá vây sau khi cố gắng liên lạc với Lữ Lạc tướng và Đô Dương.
Bà dự định đi xuống Cửu Chân, gầy dựng lại lực lượng cứu nước. Lữ Lạc tướng từ Phong Châu sẽ dùng bộ binh quấy nhiễu Luy Lâu, M’linh, Chu Diên nhằm hút sự chú ý của Mã Viện khỏi sông Hồng và biển hồ Lãng Bạc. Đô Dương cùng Lê Chân từ biển vào, vờ tấn công Long Uyên nhưng mục đích là nhập được đoàn Giao long thuyền của Trưng vương với mình.
Lữ Lạc tướng dẫn ba ngàn quân bộ xuyên rừng từ Phong Châu xuống đồng bằng. Ông áp dụng cách đánh du kích của Tây Âu, đã từng làm quân Tần thất điên bát đảo, lấy đầu chủ tướng Đồ Thư tại Hợp Phố trả thù cho quân trưởng Dịch Hu Tống. Quân Phong Châu được chia nhỏ thành những phân đội độc lập do các cừ súy dẫn dắt. Ban ngày họ hòa mình vào làng mạc Âu Lạc, đêm đến mới vận động đốt phá trại lính và cứ điểm của người Hán. Mã Viện rất đau đầu. Y điều chuyển một số ngụy Lạc tướng và ngụy binh tín cẩn đến các điểm nóng. Lũ bán nước thể hiện ngay lòng trung thành với chủ bằng cách tích cực làm chó săn, chỉ điểm. Du kích quân hoạt động bớt hiệu quả thấy rõ, họ còn bị ngụy quân phục kích ngược, tổn thất khá nghiêm trọng.
Trước hôm Trưng vương rời Cấm Khê ra biển, Lữ Lạc tướng gom tàn quân gần ngàn người, đánh một trận cảm tử vào Luy Lâu. Ông giết ngụy Lạc tướng, đốt sạch hành dinh sở trị của người Hán. Mã Viện nắm sát tình hình, chỉ cử ba ngàn Hán quân từ Long Uyên đến phản công. Lữ Lạc tướng tử vong tại trận tiền, quân Phong Châu tan rã. Những người bị bắt, không một ai đầu hàng, họ chấp nhận bị đày đến Linh Lăng.
Hạ lưu Lãng Bạc, Đô Dương và Lê Chân khiêu chiến. Họ dùng thuyền nhỏ cơ động dụ Lâu thuyền đuổi theo đến những bãi cát ngầm. Lâu thuyền nào mắc cạn đều bị nướng thành tro. Nhìn cách đánh của Đô Dương và tình hình du kích trên bờ, Mã Viện đoán Trưng vương sắp mở cửa máu ra biển. Một mặt y vờ trúng kế Đô Dương, giả như tập trung hết lực lượng đối phó, mặt khác chuyển hết quân bao vây Cấm Khê về khu vực cửa Hát đón lõng Hai Bà Trưng.
Trưng vương lạc trong vòng vây của đoàn Lâu thuyền hùng hậu do chính Mã Viện chỉ huy tại cửa Hát, nơi sông Đáy thông vào biển hồ Lãng Bạc.
***
Hai Bà Trưng bỏ mình. Nhân dân Âu Lạc mất đi ngọn cờ chống ngoại xâm bất khuất. Các ổ kháng chiến lẻ tẻ khắp nơi nhanh chóng tan rã. Tháng Chín năm 43, Mã Viện tập trung hai ngàn Lâu thuyền, gần ba vạn quân đánh An Biên, giết Lê Chân. Sau đó y thẳng tiến vào Cửu Chân. Các cứ điểm của Lạc hầu Đô Dương như Vô Thiết, Dư Phát, Cư Phong lần lượt bị phá vỡ. Những người con ưu tú nhất, kiên cường nhất của Âu Lạc hết đường chống đỡ bạo quân. Họ đành thuận gió Đông bắc đã nổi, gương buồm lưu vong mãi về phương nam.
Nhằm tiêu diệt tận gốc rễ văn hóa bản địa và mầm mống phản kháng, đúng chính sách xuyên suốt của Hán triều, Mã Viện đã tịch thu hàng ngàn trống đồng trong các bản làng Âu Lạc. Y đập nát trống, nấu chảy đồng rồi đúc ngựa vừa để chơi, vừa gửi về Lạc Dương nịnh hót Thiên tử. Y dựng trụ đồng làm Thổ khuê đo bóng nắng, xác định chiều rộng, chiều dài mảnh đất vừa chiếm được và vẽ nó vào địa đồ Đại Hán. Cực nam Cửu Chân, Mã Viện cắm mốc đồng làm dấu biên giới mới, ngông nghênh khoác lác một ngày đế quốc Hoa Hạ sẽ làm chủ cả miền đất viễn nam, nơi nhà cửa phải quay mặt về hướng bắc để đón ánh mặt trời.
Mã Viện đã đốt phá không biết bao nhiêu ngôi nhà rông cao vút, có mái hình thuyền, là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và chính trị của xã hội bản địa đặc thù. Y cấm mọi cuộc hôn nhân mẫu quyền, mẫu hệ. Y chuẩn bị lưu đày đến Linh Lăng hơn ba trăm thủ lĩnh, quí tộc đã nhất quyết không hàng Hán quân.
Ngày tiếp chỉ vua Hán phong tước Hầu, thực ấp ba ngàn hộ, Mã Viện ngả trâu mổ bò khao thưởng quân sĩ. Ngà ngà say Mã Viện bắt đầu khóc. Y nức nở: “Thế Du, em trai ta từng khuyên rằng kẻ sĩ ở đời, áo cơm vừa đủ là tốt. Xe chỉ cần loại nhỏ, ngựa nên chọn con gầy, làm một công chức tàng, giữ ấm hương khói mộ phần tổ tiên, hòa hợp với xóm làng, thế là mãn nguyện. Muốn hơn chỉ tự làm khổ tấm thân thôi”.
Trong cơn say, Mã Viện bỗng thấy cuộc đời y chẳng qua là một giấc mộng bẽ bàng. Còn trẻ, chăn dê nuôi ngựa ở thảo nguyên Bắc Địa, Viện từng tự đắc mình mang chí lớn, phóng khoáng. Gầy được gia sản hàng ngàn thú nuôi, y nghĩ đeo chúng hoài thành ra nô lệ vật chất, bèn chia hết cho anh em, họ hàng, rồi về Trung Nguyên theo binh nghiệp. Đến khi chua chát nhận rõ chân tướng tư tưởng “thay trời hành đạo” của Thiên tử nhà Hán, Viện hiểu mọi sự đã lỡ làng. Là tay chân của vua, đại tướng của triều đình, y lại âm thầm tiếc nuối cuộc sống vô lo và thanh của một gã chăn dê. Mâu thuẫn quá sức và trái khoáy ấy, đã chụp xuống con người Mã Viện sự mệt mỏi, chán chường không lối thoát.
Chiến công lớn nhất của Mã Viện không phải là dẹp loạn, bình thiên hạ mà là xâm lăng, cưỡng chiếm, nô lệ và đồng hóa các dân tộc nhỏ xung quanh Trung Nguyên. Nếu ở Tây Khương y chưa nhận ra sự vô lý của chiến tranh thực dân, thì tại Âu Lạc, đứng trước gương tiết liệt của hai dũng nữ Trưng Trắc, Trưng Nhị; Mã Viện phản tỉnh và hiểu rõ sự vô nghĩa của sự nghiệp mình hằng theo đuổi. Một nửa quân số Hán đã bỏ mình nơi rừng thiêng nước độc vì bị người bản xứ giết hoặc dịch bệnh. Bao nhiêu gia đình ở hai phía tan nát, vợ mất chồng, con lìa cha. Một nấm mồ vĩ đại bị giấu dưới mặt nước Lãng Bạc âu sầu và lạnh lẽo, muôn năm không một nén hương sưởi ấm.
Chuyển biến lạ lùng của Mã Viện đã làm hết thảy Hán quân ngạc nhiên. Chủ tướng của họ ra lệnh chấm dứt giết chóc. Không những thế y còn cho lính tiến hành những công trình thủy lợi dân sinh lớn, như đào kênh dẫn nước, khơi thông rạch lầy, tháo úng đồng ruộng. Phải nói trước đây Mã Viện cũng từng sửa chữa thành quách, dẫn thủy nhập điền nhưng chủ yếu cho di dân Trung Nguyên tại Kim Thành, đất cũ của người Khương. Ở Âu Lạc, qui mô Mã Viện làm rất lớn, phục vụ luôn người bản địa. Quan quân Hán lao khổ, ca thán mãi không thôi.
Năm 44 Mã Viện trở về kinh sư. Ngoài chiến lợi phẩm và đặc sản Âu Lạc bắt buộc phải có để dâng vua Hán, y chất thêm mấy âu thuyền đầy hạt giống, cây trái, hoa quả quí hiếm phương nam. Từ Hợp Phố đến Ngũ Lĩnh chuyển qua đường bộ, Mã Viện bí mật thả bớt tù nhân. Y cấp lương thực, nông cụ và giống tốt để họ tùy cơ tìm về cố quốc, hoặc tái định cư trong cương vực văn hóa Lĩnh Nam không mấy xa lạ với người Âu Lạc. Đây là lí do một vài nơi tại Lĩnh Nam hiện nay vẫn còn di tích đền thờ Mã Viện.
Cuộc chinh phục Âu Lạc là chiến dịch lớn nhất trong sự nghiệp của Mã Viện, xét theo qui mô động binh, thành quả đạt được. Có lẽ vì thẹn với liệt nữ, họ Mã đã không thổi phồng chiến tích và kể tỉ mỉ chi tiết như thói thường nơi quan trường Hoa Hạ. Hệ quả là truyện Mã Viện ở Hậu Hán thư đề cặp rất tiết lược các diễn biến Nam chinh, nó trở nên nhỏ bé khác thường với các ghi chép về chiến công trước và sau đó của Viện. Khi bạn cũ Mạnh Kí chúc mừng Mã Viện trở về từ Âu Lạc, y cúi đầu, nói cho qua: “Xưa Lộ Bác Đức đặt bảy quận, xét công chỉ phong mấy trăm hộ; nay ta thấp kém, công ít thưởng nhiều, sao có thể lâu dài đây?”.
Chăn êm nệm ấm Lạc Dương không làm Mã Viện nguôi ngoai, ác mộng Âu Lạc thường xuyên ám ảnh. Nghỉ chưa đầy tháng, nghe nói rợ Hồ cướp phá Phù Phong, Viện quyết xin vua ra trận nhằm khuây khỏa. Năm sau hồi gia, tâm bệnh cũ lại hoành hành, ai hỏi Viện cũng giấu. Phò mã Lương Tùng đến tận giường Viện thăm nom, y cũng chẳng thèm mở miệng, lại luận rằng Lương Tùng là bậc con cháu, phải giữ đúng tôn ti. Do đó họ Lương trở nên ghét cay ghét đắng Mã Viện.
Tận cùng nỗi đau cá nhân trước tên tuổi hai liệt nữ Trưng Trắc và Trưng Nhị, Mã Viện bỗng nhiên bị giáng một đòn chí tử từ nhận thức bản thân về nền chính trị bành trướng Hoa Hạ. Khởi đi từ lời dạy bảo “Tôn Chu nhượng Di” của Khổng tử, khởi đi từ trung tâm vũ lực Tần – Hán, vua chúa và quan lại Hoa Hạ mặc nhiên gán nhận mình là trung tâm đa giá trị của thế giới. Chủ nghĩa Hoa tâm khẳng định văn hóa Trung Nguyên là đỉnh tối cao giữa thiên hạ. Nó tự định biên một cách gượng ép và vô lý bởi lễ giáo phong kiến phụ hệ. Bằng cách phủ nhận sự tồn tại của các trung tâm văn minh khác, chủ nghĩa Hoa tâm khoác cho mình chiếc áo chính danh để hành ác, để nô dịch cả nhân dân Hoa Hạ trong những cuộc động binh xâm lăng không ngừng nghỉ.
Tần Thủy Hoàng xúc tiến và Hán Vũ đế đã hoàn thành cơ bản cuộc cưỡng chiếm văn minh Bách Việt. Ta là ai, nếu không phải tên đồ tể xấu xa được giao trọng trách đóng chiếc đinh sắt cuối cùng vào chiếc quan tài Bách Việt – Mã Viện trầm tưởng như vậy. Chủ nghĩa Hoa tâm chưa là mồ chôn văn minh Hoa Hạ, chỉ vì nó vẫn bí mật làm mạnh mình lên bằng huyết thống từ bọn “di mọi”, bằng biết bao cái hay cái đẹp mà nó vừa phỉ báng vừa thu lượm trên con đường đế quốc thiên lý của mình.
Khách quan mà nói, phải là một con người cao cả, có thiên tư và đạo đức mới đạt đến giác ngộ ấy. Chưa đủ hạo khí và đầu óc quang minh chính đại nhằm biến giác ngộ thành lẽ sống, Mã Viện chìm đắm trong bể khổ, chẳng khác gì một đứa con vừa hờn căm cha mình đã giết mẹ, vừa tìm cách chạy tội cho ông.
Với nhiều bộ não thực dân bẩm sinh của người Hán trong hàng ngũ Mã quân, hành động của Mã Viện là không thể hiểu được, nếu không muốn nói là phản bội lợi ích Hán tộc. Nhất thời, Mã Viện còn oai lực, uy tín, chưa ai dám đả động đến.
Năm 49, Mã Viện hơn sáu mươi tuổi lại đi về phương Nam. Phó tướng Cảnh Thư muốn theo đường sông đánh nhanh, giết nhanh, diệt chủng. Viện chần chừ rồi chọn thế núi đồn trú hy vọng kháng chiến quân tự tan rã, y sẽ bớt tội ác. Đêm nghe trống của người Lĩnh Nam, Viện dựng tóc gáy, mộng thấy Trưng Trắc rủa xả, ngã lăn khỏi chiếu. Giật mình tỉnh dậy, Viện nhớ tới những ngày khốn quẫn, lam sơn chướng khí tại Âu Lạc, đi mười trở về năm, sáu, thê lương chẳng bút nào tả hết. Lại thêm lo sợ nguy cơ thất bại, vua Hán trừng trị, công lao cả đời hoang phí một khắc, Mã Viện chẳng thiết ăn uống, người ủ rũ rồi nhiễm gió độc. Cảnh Thư nhờ tâm phúc đưa vua tấu thư tố cáo Viện dẫn Hán quân vào con đường chết, dịch bệnh hoành hành, tổn hao không biết bao nhiêu lê dương. Lương Tùng được lệnh đến trách mắng, phế chức thống lĩnh của Viện. Có người nhìn thấy đang đêm Mã Viện rủ tóc, đi chân đất, khổ sở đứng phân bua phải trái trước rừng trúc uyển chuyển lướt gió như một đoàn nữ quân. Mấy hôm sau Viện chết.
Đến lúc ấy Cảnh Thư mới cấu kết với phò mã Lương Tùng tố cáo Mã Viện phản quốc, tư lợi, giấu giếm chiến lợi phẩm chinh nam làm của riêng. Có thêm tướng cũ của Viện dẫn bằng chứng tha tù, đọa đày quân sĩ, Hán Quang vũ nổi giận thu lại ấn Tân Tức Hầu, tuyệt đường con cháu thừa tự. Gia đình họ Mã sợ quá, chỉ dám làm ma sơ sài, chôn tạm xác khô Mã Viện ở một chỗ hoang vu phía tây Lạc Dương, người quen kẻ sơ lo vạ chẳng ai dám viếng. Mãi đến năm 78, nhờ con gái họ Mã lên ngôi hoàng hậu, dăm lần bảy lượt khấu đầu xin xỏ, vua Hán bèn gửi cờ tiết phục chức Mã Viện, cho thụy Trung Thành Hầu.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website MeTruyenVip.com
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK