Trận chiến giữa Trung Nghĩa Môn và Hoàng Phong Tông tại vùng Thượng Khối kết thúc với những tổn thất về nhân mạng khá nhỏ nhưng vẫn khiến cho cả hai bên tham chiến phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Đối với Hoàng Phong Tông, những thiệt hại về kinh tế: nông nghiệp, khai khoáng, thương mại… là không thể đo đếm. Không những vậy, Hoàng Phong Tông còn phải xuất ra một lượng lớn tài vật để viện trợ cho những môn phái, gia tộc, thế lực bị thiệt hại trong cuộc chiến vừa qua, đặc biệt là với ‘đồng minh’ quan trọng của họ Thiên Linh Phái của Thành Đạt tại Thuận Lưu thì bọn họ càng phải chi đậm. Điều này khiến cho Hoàng Phong Tông từ một môn phái sung túc giàu có, phải lâm vào tình trạng khủng khoảng kinh tế trầm trọng.
Trong khi đó, với việc thất bại khi không thể thôn tính được Hoàng Phong Tông, uy vọng của Đoàn Thượng thủ lãnh Trung Nghĩa Môn trong con mắt đám quan đại thần đầy quyền lực tại triều đình (kể cả tên hoàng đế ngu, Huệ Tông) đã hoàn toàn thay đổi. Đám người này vốn định lợi dụng sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Nghĩa Môn để hòng mau chóng xây dựng lại thế lực và quyền uy của triều đình cùng hoàng tộc họ Lý cũng như của bản thân bọn họ, nay thấy, sức mạnh quân sự của Trung Nghĩa Môn không đủ để thực hiện được những tham vọng ‘vĩ đại’ đó thì bọn họ nhanh chóng tìm kiếm những con đường khác.
Trung Nghĩa Môn dù hùng mạnh hơn phe triều đình rất nhiều nhưng lãnh địa của họ dẫu sao vẫn là hai vùng Khoái Châu và Hồng Châu, còn kinh thành là địa bàn hoạt động của mấy lão quan già. Thêm vào đó, Đoàn Thượng có thể là một chiến tướng, một lãnh chúa tài ba nhưng vẫn chỉ là một nhà chính trị tay mơ. Gã ta chưa phải là đối thủ của mấy lão quan đại thần trong việc đấu đá ngấm ngầm, đâm bị thóc, thọc bị gạo nên… lão nhanh chóng bị lép vế trong triều đình. Nếu là khi trước cuộc chiến ở Thượng Khối, nếu gặp những kẻ như thế này, Đoàn Thượng hoàn toàn có thể lợi dụng sức mạnh quân sự to lớn để đè bẹp đối phương. Khi đó, giết người càng nhiều, uy vọng của lão ta càng to lớn, vững mạnh, thiên hạ càng nể sợ, tôn kính lão. Nhưng sau thất bai tại Thượng Khối, lão không thể làm được như vậy, trừ khi muốn gây ra một cơn hỗn loạn nội bộ lớn. Chẳng bao lâu sau, vùng Khoái Châu có loạn, Đoàn Thượng đành phải rút quân khỏi kinh thành.
Cả Trung Nghĩa Môn và Hoàng Phong Tông đều bị gặp khốn tạo điều kiện cho các thế lực khác mạnh mẽ vươn lên, đặc biệt là hai thế lực lớn còn lại của Tĩnh Thiên Quốc là gia tộc họ Lê ở Hải Ấp và Thiên Linh Phái ở Thuận Lưu. Trong khi Lê Khánh và mấy tên trưởng lão của dòng họ Lê e ngại thế lực của Thiên Linh Phái kề bên nên không dám có hành động gì thì Thành Đạt lại quyết định động binh. Mục tiêu của hành động lần này của Thành Đạt là các môn phái, gia tộc, thế lực nhỏ yếu phía nam sông Hỗn Độn. Lực lượng quân đội lần này của gã là chiến tướng thân tín Hoàng và ba đội quân Nam Quân, Đông Quân và Bắc Quân. Ba đội quân, ba ngàn binh lính tu giả tinh nhuệ thiện chiến, được hỗ trợ bởi hai chiến thuyền hùng mạnh và những thuyền vận quân đặc chế khác ào ào vượt dòng khí hỗn độn, tiến về phía nam.
Đội quân dễ dàng vượt sông Hỗn Độn mà không gặp bất kỳ ngăn trở nào của các thế lực phía nam. Đi đến địa bàn của Nghịch Hà Trại, Hoàng gặp một toán quân chỉ có vài chục người. Thủ lĩnh toán quân này bước lên, vái Hoàng một vái mà nói
“Kính chào đại nhân. Tôi tên là Ngân Hà, thủ lĩnh của Nghịch Hà liên minh kính mong đại nhân dừng bước, dành cho tôi đôi chút thời gian.”
Nghịch Hà liên minh giống như Thuận Lưu liên minh của Thành Đạt đều là liên minh của các thế lực nhỏ yếu, cùng hợp tác với nhau, cầu mong sinh tồn trong thời đại hỗn loạn, cá lớn nuốt cá bé, cá bé nuốt cá bé hơn này, chỉ có điều thực lực của Nghịch Hà liên minh không bằng một góc của Thuận Lưu liên minh. Lý do thì có nhiều nhưng cơ bản nhất là: không phải lúc nào 1 + 1 cũng bằng 2.
Hai thế lực tương đồng, không phải không thể ‘nói chuyện’. Hoàng hiểu ý Ngân Hà liền ra lệnh dừng quân, hạ trại, mời Ngân Hà vào trong lều nói chuyện.
Chẳng bao lâu sau, Ngân Hà đem toàn bộ Nghịch Hà liên minh chính thức sát nhập vào Thuận Lưu liên minh. Thành Đạt liền phong cho Ngân Hà làm Nghịch Hà tướng quân, cho phép tiếp tục nắm giữ Nghịch Hà trại và thay mặt gã cai quản cả vùng Nghịch Hà này, ngoài ra, tài vật, mỹ nữ trọng thưởng là điều không hề thiếu. Tất cả những gì mà Thành Đạt yêu cầu từ Ngân Hà chỉ là những tuyên bố chính trị, ngoại giao cùng với việc cung cấp quân lương và dẫn đường cho đội quân nam chinh của gã. Những thứ này đều không đáng là gì so với những điều kiện mà Ngân Hà sẵn sàng chấp nhận để tránh việc phải quyết chiến với thế lực hùng mạnh này, một trận đánh mà bọn họ khó có thể tránh được những hậu quả thảm thiết.
Ngân Hà thấy sau khi sát nhập vào Thuận Lưu liên minh, quyền lợi của bản thân không những không suy giảm mà còn tăng lên thì mừng lắm. Gã liền vận dụng các mối quan hệ của bản thân đi chiêu an các thế lực khác trong vùng. Có gương Ngân Hà, các thế lực khác trong vùng cũng nhanh chóng quy về với Thuận Lưu. Thế là Thành Đạt không cần tốn một binh một tốt, thu phục được toàn bộ vùng Nghịch Hà này. Thành Đạt liền thưởng lớn cho cả Hoàng và Ngân Hà. Ngân Hà liền tiếp tục tiến cử cho Thành Đạt:
“Nghịch Hà chỉ là vùng đất nhỏ hẹp, nhưng cũng không phải là không có nhân kiệt. Không hiểu đại nhân có biết đến hai người họ Trương không?”
“Các gia tộc, thế lực có họ Trương ở vùng này thực quá đông. Thật tôi vẫn chưa đoán ra được anh muốn nói đến ai.” Thành Đạt khéo léo nói
“Thưa đại nhân. Một người tên Thuấn đang nương thân ở một môn phái nhỏ là Tử Tông Phái, còn người kia tên Tư, hiện đang làm thợ săn quỷ, chuyên đối phó với đám yêu ma quỷ quái sách hại dân lành trong vùng. Hai người này, không ai không có tài kinh thế, am tường nhiều phép lạ nhưng cũng kiêu ngạo lắm. Trước đây, thuộc hạ từng nhiều lần dùng đại lễ để mời ra giúp sức mà cũng không được.”
Thành Đạt nghe thế liền sai Hoàng đem đến tặng mỗi người này một cái chiếc ghế không có mặt ngồi, chỉ có bộ khung làm từ gỗ quý cùng một bức thư mời ra giúp sức. Hai người xem thư và quà thì hiểu ý Thành Đạt, đắn đo suy nghĩ một hồi rồi cũng ra giúp Thành Đạt. Thành Đạt mừng lắm liền phong chức tước cho, giao cho nhiều trọng trách, lại sai hỗ trợ Hoàng bình định các thế lực khác ở phía nam.
Thấy Thành Đạt dễ dàng thu phục vùng Nghịch Hà, môn chủ Thánh Hàn Tông là Lam Cực vội vàng họp bàn với đám thủ hạ
“Nghe nói Hoàng là danh tướng hùng mạnh nhất dưới trướng Thành Đạt, vừa hay tôi lại mới thu được một pháp bảo hùng mạnh đang tìm đối thủ để thử sức. Xin chủ công cho tôi một cánh quân, đóng tại căn cứ Thánh Hạc đón địch.” Một bộ tướng của Lam Cực là Huy Tố nói
Lam Cực mừng lắm liền cho Huy Tố hai ngàn quân đến đóng đồn tại Thánh Hạc đón đánh Hoàng. Chưa hết, Lam Cực còn sai sứ giả, đem linh thạch, tài liệu, bảo vật trân quý, gái đẹp… đến dâng tặng Lê Khánh ở Hải Ấp, Đoàn Thượng ở Hồng Châu và đám quan lại triều đình, xin những thế lực này ra tay cứu giúp. Đáng tiếc, dù loạn ở Khoái Châu đã bình nhưng tình hình nơi đây vẫn còn nhiều rối rắm, Đoàn Thượng vốn uy danh quá thấp, không đủ để phục chúng, nên không dám xuất binh đánh ngoài vào lúc này. Đám quan lại triều đình tuy muốn xuất quân đánh Thuận Lưu của Thành Đạt nhưng lại sợ Hoàng Phong Tông, đồng minh của Thành Đạt như hổ rình sau lưng, nên không dám nhúc nhích. Trong các thế lực chỉ còn lại, Lê Khánh ở Hải Ấp là có thể xuất binh đánh Thuận Lưu, cứu Thánh Hàn Tông. Lê Khánh lập tức động binh, sai em trai là Lê Cổ cầm 5000 vượt sông Hỗn Độn tiến vào vùng đất của Thánh Hàn Tông, hỗ trợ Lam Cực.
Nghe tin Lê Khánh xuất binh cứu viện, Lam Cực mừng rỡ liền họp thuộc hạ, cùng bàn bạc việc phối hợp với quân đội của Hải Ấp. Một mưu thần của Cực là Hoàng Tuân nói
“Quân Hải Ấp là lính ngoài, chỉ nên sắp đặt những vị trí phòng ngự tầm thường để trợ chiến, không nên giao cho giữ những vị trí quan trọng của chúng ta cho chúng.”
Nhưng Lam Cực bác luôn
“Ta vất vả lắm mới mời được bọn họ đến đây giúp ta kháng địch, sao có thể chỉ để làm tượng trưng mà không dùng?”
Nói rồi sai sứ giả đến gặp Lê Cổ, bảo Cổ đem binh đến đóng tại trại Thiên Ký, một khu căn cứ trọng điểm cực kỳ quan trọng trong chiến tuyến của Thánh Hàn Tông đối đầu cùng với quân Thuận Lưu. Lê Cổ thấy bản thân bị đưa ra chiến trường trước nhất thì bực tức nói với đám thủ hạ.
“Bọn Thánh Hàn Tông này thật đúng là một lũ khốn nạn. Chúng nó gặp nguy. Chúng ta từ xa cất công đến hỗ trợ chúng. Chúng lại dám đem chúng ta ra tiền tuyến làm tốt thí. Loại người này thực không nên hợp tác. Nhưng chúng ta mang trên mình mệnh lênh của tộc trưởng, không thể chống đối. Vậy chúng ta nên làm sao cho tốt?”
Một tên sĩ quan tham mưu liền hiến kế
“Tộc trưởng bảo chúng ta đến cứu chúng chẳng qua chỉ là vì không muốn Thuận Lưu nuốt chửng cả vùng Thánh Hàn này mà thôi. Sao ngài không đòi tên Lam Cực phải khao quân rồi nhân lúc đó, ra tay khống chế gã và Thánh Hàn Tông?”
Lê Cổ khen kế hay rồi lập tức làm theo, sai sứ đến gặp Lam Cực đòi gã phải đích thân khao quân. Đây cũng là lẽ thường nên Lam Cực đồng ý, hẹn Lê Cổ đến ngày lành tháng tốt thì vào tổng đàn Thánh Hàn Tông cùng dự tiệc rượu, làm lễ khao quân. Lê Cổ lấy cớ đang có chiến sự, tình hình trị an không ổn định, đòi đem theo một ngàn quân làm vệ sĩ bảo vệ. Mưu sĩ của Lam Cực vội can
“Chúa công chớ nên làm như vậy. Tên Lê Cổ đó đang có tà ý với chúng ta đấy.”
Lam Cực không cho lời khuyên đó là phải, chấp nhận cho Lê Cổ được phép mang theo thân binh, vệ sĩ nhập tổng đàn. Lê Cổ nhận tin, mừng lắm liền đem theo một ngàn quân, rầm rộ tiến vào tổng đàn của Thánh Hàn Tông.
Lê Cổ vừa vào được trong tổng đàn của Thánh Hàn Tông liền lập tức trở mặt, khống chế bộ chỉ huy của toàn bộ tông môn này và sai người thân tín nắm giữ tất cả các yếu địa trọng điểm của tổng đàn. Thánh Hàn Tông tuy còn mấy ngàn tu giả trong tổng đàn nhưng vẫn chỉ có thể trơ mắt ra nhìn tông môn rơi vào trong tay đám người Lê Cổ.
“Ha ha ha… Tên Lê Cổ này đúng là một thằng ngu. Ta trước còn không biết phải làm sao để đối phó với nhà họ Lê ở Hải Ấp nhưng bây giờ thì… Ha ha ha…” Tại căn cứ Thuận Lưu nghe tin Lê Cổ đoạt được vùng Thánh Hàn Tông thì đắc ý cười rộ lên. Tiếp đó, gã gửi một mật thư cho Hoàng, sai sát thủ giết chết Lam Cực hiện đang bị Lê Cổ giam lỏng trong tổng đàn Thánh Hàn Tông.
Lam Cực bị giết, lập tức khiến cho toàn bộ những tướng lĩnh cũ của Thánh Hàn Tông rúng động, kinh sợ và phân nộ. Tất cả bọn họ đều tin chắc rằng vụ việc này do đám Lê Cổ ra tay hòng khiến cho Thánh Hàn Tông hoàn toàn biến mất trên cõi đời này và đều e sợ kẻ phải chết tiếp theo chính là bọn họ. Thanh danh của đám Lê Cổ, Lê Khánh trong mắt những thế lực phía nam sông Hỗn Độn xuống thấp đến cực điểm. Lê Cổ, Lê Khánh lúc này có khổ cũng chỉ tự mình biết, bị oan tày đình mà không thể nào biện giải được, chỉ có thể ‘theo lao’ dùng sức mạnh để củng cố quyền lực và địa vị của nhà họ Lê ở vùng phía nam sông Hỗn Độn này. Tình thế toàn miền vô cùng hỗn loạn.
Hay tin vùng phía nam hỗn loạn, Đoàn Thượng dùng đang gặp không ít rắc rối ở Khoái Châu cũng lập tức phát binh, vượt sông hi vọng kiếm chút lợi ích! Binh lực của Đoàn Thượng gấp đôi gấp ba lần gia tộc họ Lê ở Hải Ấp nhưng thanh danh thì còn tệ hại gấp nhiều lần gia tộc này. Sự xuất hiện của đội quân này khiến cho các thế lực trong vùng kinh hãi. Bọn họ, ai cũng sợ môn phái mình trở thành Thánh Hàn Tông thứ hai còn bản thân trở thành Lam Cực thứ hai. Trong tình trạng hỗn loạn đó, khẩu hiệu, ‘liên yếu kháng mạnh’ của Thành Đạt nhanh chóng trở thành cứu cánh cho các môn phái nhỏ yếu này. Chẳng bao lâu sau, liên minh Thuận Lưu của Thành Đạt đã thu nhận được thêm hàng chục môn phái, gia tộc mới nữa. Nếu tính riêng trong vùng phía nam sông Hỗn Độn này, thế lực của Thành Đạt bây giờ đã hoàn toàn vượt trội so với cả gia tộc họ Lê ở Hải Ấp lẫn đội quân nam chinh của Đoàn Thượng. Cả Thượng lẫn Khánh đều không chút chậm trễ, vội vã tăng binh cho những đội quân này, một mặt phát binh uy hiếp Thuận Lưu, khiến Thành Đạt không thể tăng quân cho Hoàng được.
Bất chấp những điều này, Thành Đạt vẫn từng bước hoàn thành quá trình chuẩn bị. Lúc này đây, gã lạnh lùng ra lệnh cho Hoàng tiến đánh quân Hải Ấp đang đóng ở Thánh Hàn Tông. Có lệnh, Hoàng lập tức xuất quân từ căn cứ điểm hiện tại, kéo đến trước căn cứ Thánh Hạc. Tướng trấn thủ căn cứ này là Huy Tố dàn quân ra đối địch.
Hai bên dàn quân đối kháng, Huy Tố bay lên trước, đến khoảng giữa hai bên thì dừng lại, lớn giọng thách chiến
“Ta là Huy Tố. Ai dám ra đấu với ta.”
“Thằng thần kinh. Chiến tranh tập đoàn mà bày trò đấu đơn!” Hoàng đứng trong trận khịt mũi kinh bỉ, rồi không thèm hồi đáp, thúc quân xông lại. Cả mấy ngàn quân ào ào ập đến. Huy Tố cả kinh, bay vội vào trong quân. Quân tiên phong của Hoàng lao đến như gió thoảng, Húy Tố không kịp quan sát trận thế hai bên chỉ còn cách thúc quân đánh bừa. Trận thế của quân Tố cũng vì vậy mà rối loạn cả. Đánh một lúc thì không cự nổi quân Hoàng, quân chúng bắt đầu tan tác. Một đạo quân của Hoàng phát hiện ra đội chỉ huy của Huy Tố liền xông lại. Huy Tố vội há mồm, phun ra một chiếc nồi nấu đất nung đỏ au bay lơ lửng giữa không trung. Quân Hoàng không thèm để ý đến bảo vật ấy cứ thế tế pháp bảo theo trận thế tấn công Tố. Tố bắt quyết, niệm chú, huy động pháp bảo. Chiếc vung đất bung ra, một đạo hào quang như dòng nước bạc phun ra từ trong chiếc nồi. Đạo hào quang này đi đến đâu, pháp bảo pháp quyết, bùa chú của đám tu giả phe Hoàng lập tức mất khống chế, bị đạo hào quang cuốn lấy, thu hết vào trong nồi cả. Nhưng liền đó, mấy đội quân khác của Hoàng cùng ập đến. Tố hoảng quá, vứt bỏ cả bảo vật và quân lính, kéo theo đám cận vệ, phá vây bỏ chạy. Pháp bảo nồi đất được một tu giả quân Hoàng thu lấy.
Tố chạy, quân Tố như rắn mất đầu, nhanh chóng hạ vũ khí đầu hàng Hoàng. Hoàng đưa quân vào căn cứ Thánh Hạc, kiểm kê chiến lợi phẩm và hàng quân, lại sai người đem những thứ pháp bảo tài liệu quý giá, có cả chiếc nồi đất thần kỳ của Tố mang về dâng cho Thành Đạt. Thành Đạt thấy Hoàng làm mất thời gian chỉ vì mấy việc ngớ ngẩn này thì không vui, nhưng cũng không nói ra miệng, chỉ ra lệnh giục Hoàng khẩn cấp tiến quân đánh vào căn cứ tổng đàn Thánh Hàn Tông của quân Lê Cổ.